Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Thư Gửi Bạn Ta - Bùi Bảo Trúc


Bùi Bảo Trúc viết ngày 31 tháng 8 năm 2011.

Bạn ta,

Một người bạn vừa gửi cho tôi bản sao của một tài liệu gọi là Đố Vui Việt Sử làm bằng thể lục bát với một trăm câu đố về lịch sử và văn học Việt Nam.

Tài liệu ghi tác giả là luật sư Đào Hữu Dương và hai trăm câu trả lời của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh.
Tập tài liệu này được in lần đầu ở San Diego năm 1985 và được gửi tặng các trường dậy Việt ngữ, rồi lại được Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang ở San Jose, California in lại để làm tài liệu dậy tiếng Việt.
Thực ra, tập tài liệu này mà một số người gọi là một tập thơ thì không đúng lắm.

Gọi là tập thơ thì phải có nhiều bài, chỉ một trăm câu hỏi viết bằng lục bát và hai trăm câu trả lời thì chưa thể gọi là một tập thơ được.

Tài liệu này được đặt tên là Đố Vui Việt Sử nhưng đọc những câu hỏi và những câu trả lời thì người ta thấy không hẳn một số câu liên quan đến lịch sử, nhất là lịch sử Việt Nam.
Thí dụ trong câu hỏi số 94 (Phòng khuya vọng tiếng thuyền chài tương tư?) thì ông Trương Chi là nhân vật lịch sử Việt Nam từ bao giờ? Ông là nhân vật văn học sử Việt Nam lúc nào?

Giáng Hương và Từ Thức trong câu hỏi số 30 (bỏ quan treo ấn tu tiên thủa nào?) không phải là nhân vật lịch sử Việt Nam mà cũng không phải là nhân vật văn học mà chỉ là hai nhân vật trong một truyện cổ tích thần tiên tưởng tượng.
Khi ra câu đố, người xướng phải cung cấp một số chi tiết thì người giải mới trả lời được. Những chi tiết không thể đưa ra quá nhiều và quá rõ để câu trả lời đã nằm sẵn ngay trong câu hỏi.

Thí dụ câu 86 (Vân Tiên tác giả mù lòa là ai?) thì không ai lại không biết tác giả là Nguyễn Đình Chiểu, người cũng viết Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc.

Câu 88 là một câu khiên cưỡng cho đúng luật gieo vần của lục bát khiến ý nghĩa hoàn tòan không rõ: Đem nghề in sách miệt mài dậy dân.

Nếu chỉ đưa ra những chi tiết chung chung tổng quát thì người trả lời dù có thể có nhiều kiến thức và hiểu biết bao nhiêu chăng nữa vẫn có thể trả lời sai như thường. Câu số 10 ( Nữ lưu sánh với anh hào những ai?) giải đáp có thể là hai bà Trưng, hay bà Triệu, hay Bùi Thị Xuân, hay cô Giang, cô Bắc đều đúng.

Câu 16 (Đông du khởi xướng bôn ba những ngày) có thể là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tăng Bạt Hổ, Hoàng Tăng Bí, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để…

Có những câu đố không có ý nghĩa gì hết như câu 84 (Lê Triều sử ký soạn thành họ Ngô?) Đồng ý đây là Ngô Sĩ Liên người viết Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhưng câu hỏi Lê Triều sử ký soạn thành họ Ngô thì khó hiểu quá. Soạn thành họ Ngô là ý nghĩa thế nào?

Hay như câu 89 (Dâng vua cải cách điều trần) thì câu đáp có thể là Cao Bá Quát, Nguyễn Trường Tộ, và luôn cả Phan Thanh Giản sau khi đi sứ về.

Câu 37 (Vua nào sát hại công thần) thì có quá nhiều ông vua trong lịch sử Việt đã làm như thế, làm sao trả lời cho đúng.

Phần câu hỏi, nếu không có cái dấu hỏi ở cuối, thì người bị đố không thể biết đó là câu hỏi. Thí dụ câu 81 (Người Tầu dựng đất Hà Tiên?) hay (Đại Từ nổi tiếng tú tài?) mà những câu như thế thì quá nhiều. Chỉ thỉnh thoảng mới có những câu trong thể hỏi với những đại danh từ "Ai" hay những chữ "nào", " ở đâu"…

Có những câu đọc lên tưởng như hai người là một như các câu 33 và 34 (Tây Sơn có nữ tướng tài? Cần Vương chống Pháp bị đầy xứ xa?) thực ra là hai người, Bùi Thị Xuân và vua Hàm Nghi.

Những sai sót đó sở dĩ có là vì những câu hỏi không được ngắt ra bằng những chữ để hỏi đặt ở đầu câu, khác hẳn những câu sau đây mà tôi sẽ nói ở cuối thư:

Vua nào mặt sắt đen sì?
Vua nào trong buổi hàn vi ở chùa?
Tướng nào bẻ gậy phò vua?
Tướng nào dùng bút đánh lừa Vương Thông?
Ngựa ai phun lửa đầy đồng?
Voi ai nhỏ lệ ở giòng Hóa Giang?
Kiếm ai trả lại rùa vàng?
Súng ai rèn ở Vũ Quang thủa nào?
Còn ai đổi mặc hoàng bào?

Phần giải đáp ghi là của Nguyễn Xuân Vinh có những câu nghe rất lạ, chắc để hiệp vần lục bát: Lý Công, tên Uẩn, xuất đường lên ngôi… Vũ Quang, chống Pháp lập đô… Triệu Trưng kể lại biết bao…Nguyễn Du tạm lánh sơn trung, truyện Kiều thi phẩm, anh hùng nổi danh…Phùng Hưng bẻ gẫy sừng trâu, tôn thờ Bố Cái, sức đâu hơn người… Đoàn thư, Chinh phụ dịch ra, Trần Côn trước tác khúc ca ngậm ngùi…Ngọa Triều tửu sắc liệt mình, uống cho Long Đĩnh tan tành nghiệp ê…


Người đọc phần giải đáp để dậy cho các em học sử Việt sẽ thấy rất khó để giảng cho các em những chữ như xuất đường lên ngôi là gì. Hay Vũ Quang, chống Pháp lập đô có thể hiểu là ông Vũ Quang nào đó xây lên một thủ đô mới. Truyện Kiều và tác giả của nó không bao giờ là anh hùng nổi danh. Phùng Hưng chính là Bố Cái Đại Vương thì tại sao lại nói Phùng Hưng bẻ gẫy sừng trâu, tôn thờ Bố Cái, sức đâu hơn người. Thế còn Đoàn thư là ai? Tại sao không viết rõ là Đoàn thị Điểm và Trần Côn có thể làm người đọc hiểu làm tên ông này là Trần Côn thay vì Đặng Trần Côn. Rồi "nghiệp ê" là nghiệp gì của Lê Ngọa Triều?

Thỉnh thoảng, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, người giải câu đố lại thêm những thiên thu và ngàn thu vào khiến cho câu giảng trở thành … kỳ lạ như Danh Trần Quang Khải ngàn thu… Đời Lê bình trị thiên thu…. Ông Lương Ngọc Quyến thiên thu tuyệt mình…Ngàn năm dân Việt tôn vinh phụng thờ…

Có điều bạn tôi, người gửi cho tôi tập tài liệu này không biết rằng phần câu đố nói là của luật sư Đào Hữu Dương đã lấy nguyên văn từng chữ 9 câu lục bát đầu trong bài đố lịch sử Việt mà ông bố tôi đã viết từ cuối những năm 1950, những năm 60 và 70 ở Sài Gòn khi ông làm tờ tuần báo thiếu nhi Tuổi Xanh với các bạn của ông là cụ giáo Hà Mai Anh, họa sĩ Tú Duyên và sau đó được in trong những sách giáo khoa tiểu học do ông viết. Ra hải ngoại, ông bố tôi cho in những câu đố này trong quyển Giữ Gìn Tiếng Việt do nhà xuất bản Quê Hương ấn hành tại Toronto, Canada năm 1982, trước khi hai ông Đào Hữu Dương in những câu đố của ông tại San Diego năm 1985.

Ông bố tôi viết tất cả 38 câu đố về các nhân vật lịch sử thành 88 câu lục bát về các nhân vật lịch sư mà tôi sẽ chuyển cho bạn vào tuần tới. Ngoài ra, ông cũng viết những câu đố địa lý gồm những câu về núi non, sông ngòi Việt Nam.

Ông Đào Hữu Dương đã chép nguyên văn 9 câu đầu của ông bố tôi và mô phỏng bài lục bát đố lịch sử của bố tôi, cụ Bảo Vân Bùi Văn Bảo để viết thành những đoạn đầy sơ sót sau đó.

Việc phổ biến những kiến thức lịch sử cho con em chúng ta ở hải ngoại và ở trong nước trước đây là một việc đáng khuyến khích. Ai làm cũng được, cũng hay, cũng hữu ích.

Nhưng nên nhớ ghi tên của người viết cho công bằng và lương thiện.
Đừng bao giờ đề tên của mình vào công trình của người khác.*

Bùi Bảo Trúc

* Đó là một hình thức đạo văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét