Đi Qua Vùng Ký Ức
1. Lớp Nhạc Ngày Xưa
Buổi sáng trời se sắt lạnh. Cái lạnh khô khan và gió rát mặt người. Mùa thu đã thật sự bắt đầu nơi tôi ở với cây lá trở màu vàng đỏ dọc những con đường. Cả thành phố phủ kín sắc màu như tranh vẽ. Vậy mà không hiểu sao, cái đẹp như tranh vẽ của mùa thu ở đây không làm tôi xao xuyến hay ngất ngây xúc cảm? Đẹp là cái nhìn thấy bằng mắt. Cảm là những gì nhìn thấy bằng trái tim. Và chừng như trong tận cùng sâu thẩm của tâm cảnh, tôi vẫn luôn cưu mang một mùa thu nơi khác. Nơi mọi âm thanh, hình ảnh như dòng sông luôn chảy miên man qua vùng ký ức. Nơi gọi quê nhà, nơi tuổi thơ và mọi tình yêu tôi được cất giữ, nâng niu như bảo vật đời này. Nơi có em và có tôi. Nơi có chúng ta và một mùa thu cũ...
"Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá...
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mông
Mùa thu vào hoa cúc
Chỉ còn anh và em
Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ
Chỉ còn anh và em... (1)
(Xin bấm vào link dưới đây để nghe nhạc:https://youtu.be/9jTX1L46eTg )
Có lẽ đây là một trong những ca khúc mùa thu mà tôi yêu thích nhất. Bài hát được phổ thơ của nhà thơ nữ Xuân Quỳnh. Ca từ mang nhiều hình ảnh và da diết cho một cuộc tình đẹp.
Tiếng hát người nữ ca sĩ trẻ đầy âm lực, tha thiết gọi mời người nghe vào mùa thu của một quê hương đầy ấp kỷ niệm. Mặc dù đâu đó trong bài hát, người nữ ca sĩ sử dụng nhiều kỷ thuật thanh nhạc đã phần nào đánh mất đi nhiều xúc cảm của lời thơ. Không hiểu sao bài hát hôm nay chợt đưa tôi về bao nhiêu ký ức ngọt ngào của một thuở Sài Gòn, của một thời sinh viên tràn đầy ước vọng...
Vào năm thứ 2 của sư phạm (1973), tôi có tham gia khóa học nhạc với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Lúc đó thầy Phạm Thế Mỹ là trưởng phòng âm nhạc của đại học Vạn Hạnh trên đường Trương Minh Giảng. Khóa học 3 tháng gồm: căn bản nhạc lý và xướng âm (bây giờ gọi là thanh nhạc). Đây không phải là lớp nhạc đào tạo ca sĩ, mà dành cho sinh viên, những người yêu âm nhạc muốn tìm hiểu thêm về căn bản nhạc lý. Thật lòng mà nói, thời sinh viên tôi học thuộc loại "trung-bình-dở"; vì phần lớn thời gian là mê nhạc, mê viết lách và... "mê bạn bè". Học ít mà lang thang thì nhiều. Khóa học chia làm vài lớp và mỗi lớp chỉ khoảng tám học viên. Thầy Phạm Thế Mỹ hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ nhưng rất khó tính trong giảng dạy âm nhạc. Lớp tôi có sáu nam và hai nữ là Huỳnh Mỹ Hạnh và Lê Thị Mai. Cả hai đều đẹp và tài năng, Mỹ Hạnh chơi violin còn Lê Thị Mai thì đàn tranh. Huỳnh Mỹ Hạnh ít nói, con nhà giàu đi học có xe hơi đưa đón, nên không gần gũi bạn bè. Lê Thị Mai con nhà công chức, tính tình cởi mở nên dễ dàng thân quen.
Dáng hơi ốm so với chiều cao, Mai có nụ cười thật xinh đẹp rạng rỡ. Bạn bè trong trường thường gọi đùa Mai là "Bao Tự". Nhà Mai dưới chân cầu Công Lý, phía bên này của ngôi chùa Vĩnh Nghiêm, lớn và đẹp ở Sài Gòn. Nhiều hôm phải đi xe lam tới lớp nhạc, chiều tôi lại có dịp đưa Mai đi dạy đàn tranh trên đường Sương Nguyệt Ánh và sau đó về đến tận nhà.
Thời gian 3 tháng ngắn ngủi trôi qua, mãn khóa thường có hai phần thi: nhạc lý và thực hành xướng âm (phần thi hát). Tôi qua kỳ thi nhạc lý dễ dàng với số điểm khá cao. Nhưng phần thứ hai là phần tôi ngán và "mắc cỡ" nhất vì biết khả năng của mình. Cuối cùng tôi bắt thăm bài hát mãn khóa nhạc, ca khúc "Trăng Tàn Trên Hè Phố" cũng của thầy Phạm Thế Mỹ. Đây là bài hát tôi yêu thích, mê nhất và là bài hát tôi sợ nhất. Âm quãng của bài khá rộng và nhịp chậm, chuyển không ngừng trong suốt bài hát. Hơn nữa muốn hát tốt bài hát này, đòi hỏi "cột hơi"; của bạn phải thật chắc và tốt, vì ca từ dài, ít trùng lặp. Yễm trợ cho tôi là Nguyễn Trần Thịnh guitar và Trần Đình Hàn với harmonica. Ngay từ ngày tập đầu tiên, Thịnh phàn nàn: "Hay là Hoàng xin thầy đổi bài khác. Chứ phải đệm chạy theo kiểu này chắc tui đứt hơi, tuột hết mấy sợi dây đàn"!
"Tôi lại gặp anh
Trời đêm nay sáng quá
Ánh trăng như hé tươi sau ngàn lá
Tôi lại gặp anh
Đường khuya vui bước nhỏ
Kể nhau nghe chuyện cũ bao ngày qua
Lối gầy về nhà anh hoa vẫn nở
Kỷ niệm từ ngày xưa chưa xóa mờ
Ánh đèn vàng ngoài ô vẫn còn đó
Bạn anh vẫn còn đây
Sống cuộc đời hôm nay
Với bọn mình đêm nay..."(2)
(Xin bấm vào link dưới đây để nghe nhạc https://youtu.be/Msmc43SBtfU)
Nói là nói vậy nhưng Thịnh, Hàn và tôi cố gắng trao đổi nhịp, giữ hơi cổ hơi bụng để khỏi mất hơi, lạc nhịp ở phần cuối. Ba ngày tập dượt ròng rã ngày đêm, cuối cùng"Anh hát rất hay, 8/10. Em nói thiệt đó" Mai khuyến khích và cho điểm. Chiều hôm đó khi đưa Mai về, hai đứa thưởng nhau một chầu phở Dậu trong con hẽm nhỏ gần nhà nàng. Khóa nhạc cũng chấm dứt với buổi trình diễn văn nghệ của các học viên. Ngoài thầy Phạm Thế Mỹ còn thêm vài ca nhạc sĩ tham dự, tôi chỉ còn nhớ có ca sĩ Đăng Lan và Xuân Sơn.
Dù vốn luyến có được chẳng bao nhiêu nhưng tuổi trẻ chúng tôi với tình yêu âm nhạc đã mang theo hành trang cho cuộc sống đời thường. Riêng với tôi, lại thêm vào đó người bạn Lê Thị Mai và nhiều kỷ niệm khó quên trong một đời người. Con đường Sương Nguyệt Ánh, con đường Trương Tấn Bữu và góc con hẽm nhỏ lờ mờ ngọn đèn đêm dưới chân cầu Công Lý. Tôi nâng niu, trân trọng và xin giữ cho riêng mình những gì Mai để lại...
2. Sân Khấu Một Thời
Vài tháng trước, một người bạn trong nước có gửi đến cho tôi một "status"của người bạn cũ, họa sĩ Đỗ Duy Ngọc nhắc một vỡ kịch và có nhắc đến tôi. Thoáng đó mà đã 45 năm đời người (1976-2021). Tôi và Đỗ Duy Ngọc học cùng lớp suốt 4 năm trường ở đại học. Quen thân và nhất là những năm cuối, cùng nhau tham gia nhiều sinh hoạt văn nghệ và cả ban kịch nói một thời sân khấu sư phạm không thể quên.
Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu khuôn mặt, bao nhiêu cái tên tràn về trong ký ức. Cứ như mới hôm qua, những buổi tập dượt cho vỡ kịch nổi tiếng thế giới "Cái Chết Của Người Chào Hàng", của kịch tác gia người Mỹ Arthur Miller. Điều khiến tôi xúc động nhất là chừng ấy năm tháng Đỗ Duy Ngọc vẫn còn giọng nói của bạn mình: "anh chàng này có đài từ khá tốt, ấm và ăn micro...". Rồi từ ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng khác. Vài tuần trước, bạn tôi cho biết thêm, mấy ngày qua đã có một người vẫn còn lưu giữ lại tấm thiệp mời của đêm kịch do chính Ngọc viết bằng tay và thiết kế. Tấm vé mời còn ghi rõ ngày 23 tháng 3, 1976 và tên từng diễn viên cùng vai diễn. Nhìn tấm vé in ấn theo kiểu quay ronéo bằng mực in tay của những ngày xưa mà không kiềm chế được cảm xúc, rưng rưng nước mắt!
Cả một vùng ký ức bủa vây. Từng khuôn mặt, từng cái tên, từng kỷ niệm hiện ra như thể tất cả vẫn còn đó. Đạo diễn dù ghi là tập thể nhóm kịch, thực ra là do một tay Đỗ Duy Ngọc dàn dựng, chỉ đạo. Rồi thì các bạn bè âm thầm phía bên trong hậu trường ngày ấy: ánh sáng, sân khấu, âm nhạc... Đó là chưa kể các bạn bán vé (100$ hay 20 xu), soát vé, trật tự, trang điểm (chuẩn bị phấn, son, bút chì vẽ mắt chân mày và vẽ râu...) mặc dù phần lớn là tự hóa trang. Sân khấu cho hai đêm diễn là hội trường đại học sư phạm Sài Gòn.
Đây là một vỡ kịch của Mỹ, nên phần tuyển chọn diễn viên là phải cao ráo và có khuôn mặt hóa trang càng giống người Mỹ càng tốt. Bốn vai nặng nhất là Duy Ngọc, Ngọc Liễu, Việt Sơn và tôi. Trong 11 vai (không kể phục vụ, quần chúng) thì chỉ có hai diễn viên nữ là Nông Thị Ngọc Liễu và Võ Thị Ngọc Tuyền. Cả hai đều cao, Ngọc Liễu trắng trẻo mũn mĩn nên chỉ cần hóa trang sơ là như phụ nữ Mỹ; Ngọc Tuyền ốm, khuôn mặt rất Tây, da hơi ngâm và có mái tóc dày dài khỏi mông, nên hóa trang cũng vất vã. Bên nam có Việt Sơn và Ninh Hùng là đẹp trai, râu mép mắt sâu nên cũng không cần hóa trang nhiều đã giống Mỹ quá rồi.Hai đêm diễn là hai đêm thức trắng. Sau buổi diễn, nhóm kịch được ban chấp hành trường chiêu đải bánh ngọt, trà nước và một nồi cháo đâu xanh do nhóm bạn bè ủng hộ. Ăn uống no nê mà chẳng ai muốn giải tán, muốn về ngủ. Lại tiếp tục chụm ba chụm bảy nói chuyện cười đùa đến tận sáng hôm sau. Chừng như tuổi trẻ không cần quá lo lắng cho ngày mai. Hãy cứ sống trọn cho hôm nay, hãy cứ sống trọn cho đêm nay. Nhóm tôi có nhiều rất nhiều: Ngọc Tuyền, Ngọc Điệp, Ngọc Hải, Ngọc Liên và tôi. Những nụ cười bâng quơ, những ánh mắt trao tình và những tình cờ tay nắm. Và cũng đêm văn nghệ như vầy, tôi chợt nhớ đến Lê Thị Mai. Nhớ đến đôi mắt, nụ cười và tiếng đàn tranh của nàng. Một năm sau biến cố 30 tháng 4, 1975 Mai nghỉ học theo chồng về lập nghiệp ở Thủ Đức. Rồi tin tức thưa dần, đời sống cuốn trôi số phận mỗi con người bé nhỏ với thời cuộc. Chúng ta có thể thương nhớ, nuối tiếc ngày qua nhưng không ai, không ai có thể sống đời trong quá khứ.
Bốn mươi lăm năm, đã có người còn người mất và cả không biết bây giờ người ấy ở đâu, sống chết thê nào? Nhóm kịch tôi chỉ biết Đỗ Duy Ngọc đang sống ở Sài Gòn và Nông Thị Ngọc Liễu đang ở Úc; Việt Sơn, Ninh Hùng và tôi ở Mỹ; Thế Khải đã mất ở Việt Nam; còn lại Ngọc Tuyền, Ninh Hùng, Lương Thiện, Ngọc Sinh... thì không biết biền biệt phương nào? Riêng phần lớp nhạc ngày xưa thì tin tức lại càng ít ỏi hơn. Nguyễn Trần Thịnh hiện vẫn còn đàn ở một vài tụ điểm ca nhạc ở Nha Trang. Trần Đình Hàn, Huỳnh Mỹ Hạnh và một số bạn bè khác thì biệt vô âm tín? Lê Thị Mai người bạn thân thương lớp nhạc của tôi thì... có lẽ là người đã thoát mọi tục lụy, khổ đau và an lạc nhất? Vài năm gần đây tin bạn từ Việt Nam cho biết, sau bao nhiêu dâu bể đời người, tiếng đàn tranh Lê Thị Mai đã buông thả tất cả và quy y tam bảo trong một ngôi chùa ở huyện Dĩ An, thành phố Thủ Đức. Nụ cười tươi thắm, rạng ngời của "Bao Tự"luôn còn mãi trong tôi, cho những mai này tiếc nhớ!
Năm tháng trôi qua, cuốn theo bao hoài bão, ước mơ của một thời tuổi trẻ. Cơm áo đời thường không phải là cái cớ để chôn kín những đam mê vốn có. Chỉ đôi khi chúng ta phải cố quên đi để sống, để nhẹ bước một đời. Tôi đã làm như vậy, rất dài với thời gian. Nhưng chúng ta chỉ có thể dối với chung quanh, không thể dối với chính mình. Trái tim con người thật bé nhỏ nằm gọn trong một phần của lồng ngực trái, mà chứa đựng cả bao nhiêu thương nhớ giữa đời này. Xin cảm ơn người, cảm ơn đời đã để lại bao kỷ niệm ngày qua giữa dòng thời gian không ngừng chảy...
(Xin bấm vào link dưới đây để nghe nhạc https://youtu.be/y18J5BFWyrY)
"Ôm kỷ niệm chẳng nửa lời thở than
Một tâm khúc cho người thương, cho tiếng đàn
Đời đã không mang những gì mình mơ ước
Mà sao khó tìm quên
Xa nhau thì nhớ lúc đến gần xao xuyến
Nhớ thương bây giờ xin trả lại thời gian..."(3)
Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng
(1) Thư Tình Cuối Mùa Thu - thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu
(2) Trăng Tàn Trên Hè Phố - Phạm Thế Mỹ
(3) Xin Trả Lại Thời Gian - Thanh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét