Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

Chị Hai Tôi: Người Đánh Đổi Cả Tuổi Thanh Xuân Vì Tương Lai Em Cháu


Viết bài nầy để tiễn biệt chị Hai và cũng để nhớ lại một thời kỷ niệm của mấy anh chị em tôi và Chị Hai, cũng để tưởng niệm người chị tuyệt vời, trên cả tuyệt vời, vì ngay từ lúc mới trên mười tuổi đầu, chị đã cương quyết quyết định nghỉ học để ở nhà phụ giúp Ba Má nuôi nấng em út. Rồi sau đó, chị lại quyết định không lập gia đình, đánh đổi cả tuổi thanh Xuân và cả một đời người vì tương lai xán lạn hơn của em của cháu mình. Chị Hai ơi! Chị chưa bao giờ toàn tính bất cứ thứ gì cho riêng cuộc sống của chị, mà chị chỉ sống vì em vì cháu. Cha mẹ mình đã gánh tuổi thơ nghèo khổ cơ cực của em út như thế nào thì chị cũng gánh nặng chừng ấy trên đôi vai chị. Chị Hai ơi! Tất cả tụi em đều phải một đời mang nặng ân tình nầy của chị, thứ ân tình không bao giờ trả được, không thể làm gì để bù đắp được mà chỉ biết nói lên đây với tất cả sự biết ơn để tưởng niệm chị với tất cả niềm thương kính rằng: “chúng tôi có một người chị rất tuyệt vời, trên cả tuyệt vời! Chị Hai ơi! Chị đã sống một đời thật đẹp và thật ý nghĩa vô cùng. Bây giờ chị đã vĩnh viễn đi xa. Gia đình tụi em ở phương xa: Ngọc-Em, Tương Thục, Thanh Phú, Thanh Mỹ và Thiện Phú xin cùng được để tang cho chị với tất cả niềm thương kính. Xin chị hãy buông bỏ tất cả những ưu tư phiền não và những đám bụi mù của trần thế để thanh thản ra đi không vướng bận. Nguyện cầu hương linh Chi Hai sớm Vãng Sanh Cực Lạc.

Ai trong chúng ta cũng đều có ‘một thời kỷ niệm,’ vui có, buồn có, vui buồn lẫn lộn cũng có. Chắc có lẽ trong vũ trụ nầy chỉ có con người chúng ta làm sinh vật duy nhứt có được kỷ niệm để ôm ấp, để thân thương về một thời quá khứ nào đó. Chị Hai tôi và anh em chúng tôi cũng vậy, chúng tôi cũng có một thời kỷ niệm khó quên trong đời người. Chúng tôi sanh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, nghèo lắm, nghèo da diết, lại sanh ra trong thời cực điểm của chiến tranh Việt-Pháp, nên cuộc sống vốn dĩ đã vất vả cơ Hàn lại thêm cơ hàn vất vả thêm. Lúc chúng tôi chưa ra đời nghe nói có lúc Ba tôi mở được hãng đóng đàn guitar với thương hiệu Chánh Hoa, có thời được xuất sang Pháp. Hồi nầy nghe nói tại Vĩnh Lòng Ba tôi cũng cất được rất nhiều nhà, ngay cả căn nhà của ông bà ngoại tôi cũng là của Ba tôi sang lại. Nhưng rồi vì phong cách phong lưu tài tử của Ba, lúc nào Ba chơi với bạn bè cũng hết lòng và luôn tin tưởng bạn nên sau đó ba bị bạn bè thâu tóm hết tiền bạc và phải đi đến chỗ sạt nghiệp. Lúc chị em tôi ra đời cũng là lúc Ba nghèo, có lúc Ba cũng cố gắng làm lại, nhưng không còn là thời của mình nữa, nên Ba hùn hạp tới đâu là thua lỗ tới đó.

Khi Ba Mẹ tôi dọn về Vĩnh Long vào cuối năm 1958, ngoài chị Hai và tôi ra, anh em chúng tôi còn có Ngọc Minh, Ngọc Châu và Ngọc Sương. Khi đó, ông ngoại hỏi chị Hai có muốn về với Ba Má không? Chị Hai trả lời ông ngoại ngay: “Dạ, con phải về đặng giữ em với làm công chuyện phụ má chớ ông ngoại.” Ông ngoại liền xoay qua hỏi tôi, còn con thì sao? Tôi cũng trả lời ông ngoại giống như chị Hai: Con cũng về để giữ em và phụ làm công chuyện với chị Hai. Ông ngoại nói thêm, bộ bây hổng sợ thằng cha bây nó đánh bờm đầu sao? Chị Hai nói: “Con có làm gì đâu mà sợ hả ông ngoại?” Còn tôi thì nín thinh, nhưng trong lòng vẫn sợ bị đòn vì chưa biết đòn là cái gì, vì từ nhỏ đến năm chín tuổi ở với ông bà ngoại và mấy dì cậu có biết bị đòn là bị cái gì đâu.

Sau khi chị Hai và tôi về ở chung với Ba Má được vài tháng thì chị Hai quyết định nghỉ học luôn để ở nhà phụ với má buôn bán. Lúc đó chị đang là một học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Vĩnh Long, từ năm lớp năm (lớp 1 bây giờ) đến năm lớp nhì (lớp 4) năm nào chị cũng được lãnh phần thưởng. Vì thế mà sau khi chị xin phép nghỉ học, bà hiệu trưởng có vô tận nhà nói chuyện với Ba Má và bà xin được lo cho chị Hai đi học tiếp, nhưng chị Hai đã thưa với bà: “Thưa bà hiệu trưởng, chuyện nghỉ học là do con muốn nghỉ học để ở nhà phụ giúp má con buôn bán để có tiền nuôi dạy mấy đứa em. Tội nghiệp chị Hai, mới mười tuổi đầu mà phải bỏ học. Có lẽ vì chữ hiếu và cũng vì thương em út chính là nguồn động lực lớn giúp chị Hai lạc quan và vượt qua tất cả mọi khó khăn và thử thách. Dường như trong đời chị Hai, chị quên hẳn đi hạnh phúc riêng của chính mình để chỉ dồn hết nỗ lực lo cho em út và tương lai của chúng. Hạnh phúc của chị chính là thấy em út của chị luôn được hạnh phúc.

Rồi những năm sau đó, nhà ngày càng đông người mà thu nhập buôn bán của Ba Má ngày càng khó khăn. Má thì buôn gánh bán bưng, ba thì làm thợ mộc. Khi dọn về xóm Kho Dầu Cũ, nhà tôi có 5 chị em: chị Hai, tôi, Ngọc Minh, Ngọc Châu, và Ngọc Sương. Đến cuối năm 1959 thì có thêm 2 em gái và 1 trai nữa là Ngọc Mai, Ngọc Trước, Ngọc Đào (Mạnh) và Kim Hoàng. Chị Hai ngoài chuyện phụ má chuẩn bị gánh hàng, còn phải giữ em và tắm rửa cho em út, vì má đi bán từ sáng sớm đến chiều tối mới về, có khi đến nửa đêm má mới về. Riêng tôi, dầu lúc nào má cũng khuyên cố gắng học hành cho có chữ có nghĩa với đời chứ để dốt là cả đời phải cực. Má nói: Con ơi ráng học , dầu không làm ông này bà nọ, nhưng dẫu sao vẫn đỡ hơn dốt. Trong xã hội hôm nay, dốt cũng là một cái tội đó con ơi! Má nói thì nói, nhưng đến khi tôi thấy má và chị Hai quá cực, sau khi vừa học xong bậc tiểu học, tôi quyết định nghỉ học ở nhà phụ việc với chị Hai và má. Tôi nói với má: “Con bây giờ đã học xong tiểu học, chứ đâu có dốt, con bây giờ biết đọc biết viết và còn biết làm toán nữa kìa.” Má thấy trong xóm nầy, ngay cả mấy đứa bạn đồng lứa với con lại là con nhà khá giả như thằng Út con nhà ông Chín, thằng Phước con bác Năm Đặng đó cũng lần lượt nghỉ ở nhà để đi bán bánh mì phụ giúp gia đình, nhà mình nghèo, con nghỉ học đi bán bánh mì phụ giúp ba má là phải rồi. Má nói: Con nghỉ ở nhà rồi suốt đời con chỉ đi bán bánh mì thôi hả? Dầu tôi biết má nói có lý, và dầu má và chị Hai có cản tôi nghỉ học thế mấy, tôi cũng không thèm đi học nữa. Thấy tôi nghỉ học thật sự, chị Hai luôn tìm cách khuyên tôi đi học trở lại. chị nói: “Chị bỏ học để bị dốt là dữ lắm rồi, em mà dốt nữa thì coi như gia đình mình sụp luôn. Trong khi Ba tôi thì luôn thúc tôi ra tiệm mộc làm phụ với Ba. Tôi nói với Ba: “con nghỉ học là để phụ việc nhà và giúp chị Hai giữ em út, chứ con đâu muốn nghỉ học để đi làm thợ mộc đâu. Sau hơn một năm nghỉ học, tôi thấy má tôi ngày nào cũng khóc. Chị Hai thì nói: Thôi bây giờ em ráng đi học một buổi, buổi còn lại ở nhà làm công chuyện phụ với chị cũng được mà. Điều quan trọng là em phải đi học thì chị mới có bài vở đặng chị tự học ở nhà chứ! Hơn một năm sau, tôi thấy chị Hai và má nói có lý, nên tôi tiếp tục nộp đơn thi vào lớp đệ thất của trường trung học Tống Phước Hiệp, và đậu được hạng 6, nên mỗi năm vừa đi học mà vẫn được nhà trường phát học bổng cho 1.800 đồng bạc VNCH, năm 1962, một đồng Mỹ Kim ăn 76 đồng VNCH, như vậy số tiền lãnh học bổng cho một năm cũng khá lớn.

Đến cuối năm 1963, bác ba Tình thấy hoàn cảnh gia đình nhà tôi nghèo quá nên bác kêu Ba tôi và bán rẻ một tại lưới kéo, một tai lưới giăng, một bộ đăng và một chiếc tam bản bị gãy mũi. Ba quyết định mua lại và sửa chữa chiếc tam bản. Thế là từ đó mỗi đêm tôi và em Mình đều ra sông Long Hồ giăng lưới hay bủa đăng ở mấy vàm rạch nhỏ quanh đó, dầu có cực khổ hơn, nhưng gia đình chúng tôi cũng đỡ khổ hơn về mặt thực phẩm. Thú thật, ngày đó, tới trường học là tôi phải ráng mà thu lên đầu những gì thầy cô dạy ngay trong lớp, được phần nào hay phần ấy, chứ mỗi khi đi học về, quăng cặp xuống là phải giữ em, làm công chuyện phụ mẹ và chị Hai, rồi chiều đến là hai anh em chúng tôi phải chống xuồng ra sông Long Hồ để giăng lưới hay bủa đăng, nên chuyện có thời gian để học bài ở nhà đối với tôi là một thứ xa xỉ phẩm không thể nào mơ tới được.

Có lúc nhà quá túng quẩn, má tôi quyết định bán ngày 2 gánh: sáng thì má gánh bánh mì đi bán dạo, và chiều thì má bán gánh cháo ở chợ Chiều Cầu Lầu. Đôi vai má đã trĩu nặng, giờ lại trĩu nặng hơn. Chị Hai cũng vậy, công việc của chị bây giờ phải gấp đôi lúc trước vì phải chuẩn bị đến 2 gánh hàng cho mẹ. Đối với anh em chúng tôi, tình mẹ tình cha đã cao như núi Thái Sơn, thì tình của chị Hai cũng cao không kém. Cũng như với mẹ, đối với chị Hai, hạnh phúc là những gì giản dị và bình thường mỗi ngày, hạnh phúc của chị là thấy được mấy em của chị khôn lớn nên người hữu dụng cho gia đình, xã hội và đất nước. Chính vì vậy mà chị luôn lầm lủi làm công việc quần quật trong nhà. Chị luôn là tấm gương hy sinh trên cả tuyệt vời, vì chị chỉ biết suốt đời sống vì tương lai của các em các cháu mình.

Đã vậy, có khi rảnh tay một chút là chị giành ẵm em cho tôi và em Mình học bài. Chị bảo: đưa em cho chị bồng cho, đi học bài đi, được chút nào hay chút ấy. Nhưng thấy chị cực quá tôi liền nói: em hổng sao đâu chị hai, em đã thuộc bài lúc còn ở trong lớp rồi. Nói vậy cho chị yên tâm chứ tôi có thuộc bài thuộc vở gì đâu, vì có học đâu mà thuộc? Nói về chuyện thuộc bài, tôi có rất nhiều kỷ niệm với thầy Đào Khánh Thọ dạy Vạn Vật và cô Võ Thị Ngọc Dung dạy Sử Địa. Lúc qua Mỹ, tôi có ở gần thầy cô và thường đến nhà thầy cô chơi. Thầy thường hay nhắc chuyện không thuộc bài của tôi với mấy anh chị cựu học sinh Tống Phước Hiệp: “Cậu học trò nầy làm sao thầy quên được, cậu học giỏi và năm nào cũng được lãnh thưởng, nhiều năm được lãnh thưởng toàn trường nữa chứ, vậy mà mấy anh chị có biết cậu ta có biệt tài gì hôn? Thấy không ai trả lời được, thầy liền nói: cậu có cái biệt tài là chưa bao giờ thuộc bài Vạn Vật của thầy và Sử Địa của cô Dung. Ngày đó, thầy có kêu cậu lên trả bài vài lần, nhưng không lần nào cậu thuộc bài. Vậy nên từ đó về sau, thầy tha luôn không kêu nữa.

Dầu cực khổ suốt ngày như vậy, nào là chuẩn bị gánh hàng cho má, cơm nước ức cho cả nhà, giữ em, tắm rửa em út… thế mà tối đến khi em út đã yên giấc ngủ, chị Hai lại chong đèn dầu, lấy bài vở của tôi ra chép lại để học cho đến thật khuya. Nên năm tôi xong lớp đệ tứ (lớp 9) thì chị cũng làm đơn thi và đậu bằng trung học. Phải thực tình mà nói, chị Hai là người rất có nghị lực và ý chí vững chắc. Một khi chị đã quyết làm chuyện gì là việc đó phải xong. Nhờ vậy mà về sau nầy chị mở lớp dạy vở lòng cho đám trẻ trong xóm. Lớp học của chị nổi tiếng đến độ ông hiệu trưởng trường tư thục Khai Trí ngoài chợ Vĩnh Long phải công nhận và xin với Tỳ Tiểu Học cấp giấy phép cho chị dạy học với tư cách là giáo viên của trường tư thục nầy.

Thời gian lặng lẽ trôi qua, đến năm 1968, lúc nầy nhà tôi có thêm các em Út Anh (chết trận năm 1986), Út Em (mất lúc còn nhỏ), Bích Vân và Út Giỏi. Khi vừa đậu xong Tú Tài I, tôi không còn chịu nổi cảnh cơ cực của mẹ và chị Hai nữa nên tôi quyết định không đến trường học nữa, dầu hồi đó mỗi năm tôi đều được lãnh thưởng và năm đệ nhị tôi lại được lãnh thưởng toàn trường (phần thưởng này do bộ giáo dục phát, mỗi trường mỗi năm chỉ có 5 đứa được lãnh). Mẹ tôi khóc rất nhiều về quyết định nầy của tôi, mẹ nói: “Con cũng lớn rồi và cũng có cái suy nghĩ của riêng con, mẹ biết mẹ không thể nào ngăn cản được con, nhưng mẹ chỉ mong sao sau nầy dù ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, con cũng phải ráng vươn lên. Con ơi! Muôn tội không tội nào nặng hơn tội dốt đâu con. Mẹ dốt người ta khi dễ đã đành, mẹ dốt nát nên mẹ vật lộn với cuộc sống một cách vô cùng vất vả mới có thể nuôi được các con, mẹ chỉ mong các con của mẹ có được chữ nghĩa với đời để sau nầy các con nuôi cháu của mẹ không khổ cực như mẹ đang nuôi các con bây giờ. Chị Hai cũng nói: chị biết em là đứa con hiếu thảo và có ý chí kiên nghị. Chị biết gia đình mình không cách nào lo được cho em ăn học lên đại học, và chị cũng biết em thấy hoàn cảnh gia đình mình lúc nầy nợ nần chồng chất nên em không chịu được mà phải quyết định như vậy. Chị biết chị không ngăn cản được em trong quyết định nghỉ học nầy, nhưng em luôn nhớ mới mười chín hai mươi tuổi đầu mà em phải bỏ học để dấn thân vào đời không dễ đâu em, em phải hết sức cẩn thận.

Chính nhờ sự khuyến tấn nầy của má và của chị Hai nên dầu đã vào quân đội, tôi không bao giờ đầu hàng nghịch cảnh, không bao giờ lãng phí bất cứ thời gian nào mình có được. Năm sau đó tôi từ quân trường ra thi và đậu Tú Tài II. Khoảng tháng 11 năm 1970, tôi mãn khoá học ở tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ, trở về nước và trả hết nợ cho Má. Mãi cho tới ngày hôm nay, tôi không bao giờ hối tiếc vì mình đã bỏ học năm 1968. Rồi sau đó vẫn tiếp tục học hàm thụ trên đại học để xong cử nhân Anh Văn và Việt Hán. Dầu cả hai thứ nầy không đúng như mơ ước của tôi, nhưng cũng làm cho má và chị Hai sung sướng vô cùng.

Những năm vào quân đội, đổi ra tận miền Trung, vào sanh ra tử, nhưng ít ra mỗi tháng tôi cũng gửi về cho mẹ hơn phân nửa số lương của mình về giúp Má. Trong thời gian nầy mặc dù gia đình tôi không giàu có gì, nhưng ba đã có việc làm thợ mộc trong phi trường Vĩnh Long, chị Hai đã tự học xong tiểu học và trung học và đã xin mở được lớp học vở lòng cho đám trẻ trong xóm. Nhưng yên ổn không lâu thì em Minh của tôi, lúc nầy là quân y của Hải Quân, bị giết chết trong một chuyến đi phát thuốc cho đồng bào ở vàm Phong Điền, Cần Thơ. Thật tội nghiệp cho em tôi, cũng một đời cơ cực như tôi, mới 20 tuổi đầu, ra đi làm trai thời loạn và phải vĩnh viễn ra đi. Tội nghiệp mẹ tôi và chị Hai, một đời sống trong nước mắt khóc con, khóc em. Tôi chứng kiến cảnh cả mẹ và chị Hai gục đầu nức nở bên quan tài của em Minh. Thật tội nghiệp cho mẹ và cho chị, trẻ già khóc măng non, còn gì đau lòng cho bằng cảnh mẹ cảnh chị khóc con, khóc em. Từ đó, cứ mỗi chiều là mẹ ra đứng ngoài hiên nhìn ra mộ em Minh mà thầm khóc. Mẹ khóc cho con mẹ và mẹ khóc cho chính mẹ. Trời xuôi chị niềm cai nghiệt đến thế hở mẹ? Mẹ sanh em con, rồi hai mươi năm sau mẹ lại phải đi chôn em con. Còn cai nghiệt nào hơn cai nghiệt nầy hở mẹ? Còn chị Hai vì quá thương em mà hoá ra gần như điên dại, tinh thần chị trở nên yếu đuối, ngày nào chị cũng nói lảm nhảm như bị phần hồn của em Minh nhập vào để kể đủ thứ chuyện về em Minh. Tội nghiệp chị quá!

Rồi dòng đời đưa đẩy, sau cơn Hồng thủy 75, mẹ lại một lần nữa gạt lệ nhìn con bị đày đọa trong địa ngục trần gian. Có lẽ vì đủ thứ lý do, trong đó có những kỷ niệm êm đền thời thơ ấu nghèo nàn mà tôi quyết định không bỏ xứ ra đi, không bỏ mẹ, bỏ chị và bỏ lại em út ngay sau 75, dù ngày đó trong tay tôi có sẵn phương tiện, muốn đi lúc nào cũng được, nhưng tôi đã quyết định ở lại để nhận lãnh tù đày. Sau tám năm tù đày, về nhà chưa được một năm thì tôi lại phải quyết định bỏ xứ ra đi. Đây là một trong những quyết định khó khăn và nghiệt ngã nhất đời tôi, vì sau lần ra đi này, cả mẹ lẫn cha tôi lần lượt qua đời, mà thật bất hạnh cho tôi, tôi không thể về được để nhìn lại mẹ cha lần sau cuối.

Đêm hôm trước khi tôi ra đi, tôi, chị Hai và mẹ ngồi rất lâu trước hiên nhà, mùi hương bông bưởi thoảng nhẹ trong sương đêm nghe rất dễ chịu, nhưng tinh thần của ba mẹ con chúng tôi lại quá trĩu nặng ưu sầu, thiệt tình người buồn cảnh có vui đâu bao giờ? Đêm hôm ấy, mẹ tôi khóc và khóc mãi đến khô nước mắt. Khi mẹ đã vào nghỉ thì tôi và chị Hai vẫn còn ngồi đó, ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu. Đêm hôm đó chị Hai nói rất nhiều, nói trong nghẹn ngào xúc cảm. Tôi biết chị đã một đời hy sinh vì các em mà chị phải nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ, rồi cũng vì các em mà chị quyết định không lấy chồng. Tôi muốn nói thật nhiều với chị để chia sẻ nỗi niềm cảm thương và để gửi gắm cha mẹ lại cho chị, nhưng sao cổ họng cứ nghẹn ngào không nói thành lời. Đến khi nói được thì lại nói một câu vô nghĩa: “Chi Hai có thấy em nhẫn tâm và bất hiếu khi quyết định ra đi, bỏ lại cha mẹ và những người thân không chị? Chị Hai an ủi tôi: Em đâu còn con đường nào khác để lựa chọn, nên em phải ra đi, may mà có người giúp cho em đi thì em phải đi chứ không lẽ ở lại để chị em và cả nhà mình đều phải tiếp tục sống trong những ngày tháng u tối à! Em đừng lo, em ra đi thì nơi nầy vẫn thế. Tôi gượng cười: Ừ, nơi nầy vẫn thế, vẫn cha già mẹ yếu, vẫn chị, vẫn các em… chị biết tâm trạng cắn rứt của tôi nên an ủi: “Thôi em cứ an tâm, em có ở lại thì cũng chẳng làm được gì, tương lai đen tối, vì sự kỳ thị ở đây sẽ làm em cơ khổ hơn, ở nhà có chị và mấy em cùng lo cho ba mẹ trong lúc tuổi già.

Như tôi đã nói ở trên quyết định bỏ xứ ra đi là một trong những quyết định khó khăn và nghiệt ngã nhất trong đời, vì một lần ra đi là một lần vĩnh biệt. Và vì sau lần ra đi đó, cả mẹ lẫn cha tôi lần lượt qua đời mà thật bất hạnh cho tôi, tôi không thể về được để nhìn lại mẹ cha lần sau cuối. Mãi đến năm 2003, tức là gần 30 năm biệt xứ tôi mới quay trở về chốn cũ để thăm lại mồ cha mả mẹ. Trong suốt thời gian về thăm quê cũ, ngoại trừ những lúc phải đi làm việc từ thiện xã hội, còn thì hầu như tôi ở nhà với chị Hai và mấy em, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu, thời cơ hàn vất vả, nhưng lại là thời hạnh phúc nhất đời vì ngày đó chúng tôi còn có cha có mẹ. Giờ nầy tuy không giàu có gì nhưng không còn quá vất vả như trước đây nữa. Nhìn lại chị Hai ngày càng già đi mà chị vẫn sống độc thân với em với cháu làm tôi nhớ quá đi thôi một thời kỷ niệm của Tôi và Chị Hai: Người chi tuyệt vời, trên cả tuyệt vời, vì ngay lúc mới lên mười tuổi đầu mà chị đã cương quyết quyết định nghỉ học để ở nhà phụ giúp Ba Má nuôi dạy em út. Rồi sau đó, chị lại quyết định không lập gia đình, đánh đổi cả tuổi thanh xuân cả một đời người vì tương lai xán lạn của em cháu mình.

Chị Hai ơi! Trong suốt bảy thập niên rưởi cuộc đời của chị, không phải là ngắn ngủi, nhưng cũng không phải là quá dài, nhưng nó gói trọn hết tâm tư tình cảm yêu thương mà chị đã dành cho Ba, cho Má, cho các em, cho bà con thân tộc và cho cả những người không thân… cũng là quá đủ cho một kiếp người hết sức xứng đáng. Lúc nào chị cũng là tấm gương sáng cho em út noi theo. Gương hạnh sống cho người thân và ngay cả những người không thân của chị thật vô cùng xứng đáng cho em út của chị noi theo và truyền lại cho đàn hậu bối tiếp nối cuộc sống vì mình mà cũng vì người nữa. Chị Hai ơi! Phải có duyên lắm mình mới được làm chị em anh em với nhau. Mười mấy chị em mình được sanh ra và được cùng sống chung trong một gia đình, dù là gia đình giàu hay gia đình nghèo rớt mồng tơi như gia đình mình, cũng là một đại duyên. Em út có đứa may mắn được sống chung với chị gần như cả đời. Nhiều lúc các em coi đó là chuyện đương nhiên và bình thường, nên không trân trọng những giây phút quý báu khi được sống chung với chị, để rồi thoáng một cái, hình bóng của chị chỉ còn là dĩ vãng, dầu có muốn tìm lại những giây phút êm đềm trước đây cũng là không thể. Thoáng một cái là thiên thu vĩnh biệt. Thoáng một cái là cái phút giây tiễn chị đến lò thiêu ập đến, rồi lò thiêu đóng cửa, chính ngay cái phút giây lò thiêu đóng cửa ấy mà chúng em tưởng chừng như nó gói trọn cả thiên thu. Thôi vĩnh biệt chị Hai kính yêu! Thôi vĩnh biệt ngàn thu vĩnh biệt! Chào tạ từ các em ngậm ngùi tiễn chị đi xa, thật xa. Dẫu biết vô thường sanh lão bệnh tử không chừa một ai, nhưng sự ra đi của chị trong lúc nầy quả thật là một mất mát quá lớn lao cho các em các cháu của chị, nhưng thôi chị hãy yên lòng ra đi vì mấy ai tránh khỏi luật nầy!

Chị Hai ơi! Tụi em cảm ơn chị thật nhiều, vì chị chẳng những là người chị, mà còn là người ơn của nguyên một đám em út sau nầy của chị. Chị hy sinh một đời, hy sinh thật nhiều. Chị luôn sẵn sàng, luôn quảng đại bao dung với tất cả em út trong mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh. Chỉ riêng sự hy sinh cái tuổi thanh xuân đẹp nhất đời người của chị vì tương lai xán lạn của tất cả em út cũng đủ lắm cho con cháu đời sau giữ lấy tấm gương ấy mà sống mà lưu truyền lại cho nhiều thế hệ về sau nầy. Chị đã hy sinh tất cả, với chị hạnh phúc của em út cũng chính là hạnh phúc của chị. Tất cả em út và con cháu hậu bối sau nầy có được cuộc sống sung túc hôm nay phải luôn nhớ và luôn biết ơn nghĩa nầy của chị. Tất cả em cháu phải luôn khắc sâu trong lòng là nhờ có chị Hai, nhờ có Má Hai mà mình mới có được cuộc sống sung túc như hôm nay. Chị Hai ơi! Chị chưa bao giờ toan tính để có cuộc sống riêng cho chị, mà chị chỉ sống vì em vì cháu. Cha mẹ đã gánh tuổi thơ nghèo khổ cơ cực của em út như thế nào thì chị cũng gánh chừng ấy gánh nặng trên đôi vai chị. Chị Hai ơi! Tất cả tụi em đều phải một đời mang nặng ân tình nầy của chị, thứ ân tình không bao giờ trả được, nên tụi em chỉ còn biết nói lên đây với tất cả niềm thương kính rằng: Chúng tôi có một người chị rất tuyệt vời, trên cả tuyệt vời! Chị Hai ơi! Chị đã sống một đời sống thật đẹp, thật xứng đáng và thật có ý nghĩa. Hôm nay dầu chị đã vĩnh viễn đi xa, nhưng tấm gương luôn sống vì em út và tha nhân của chị đã để lại trong lòng em út của chị cũng như những người từng quen biết chị rất nhiều kỷ niệm đẹp, rất đẹp.

Xin chị hãy buông bỏ tất cả những ưu tư phiền não cũng như những đám bụi mù của trần thế để thanh thản ra đi không vướng bận. Nguyện cầu hương linh chị Hai Nguyễn Hồng Lệ (Ngọc Nhi) sớm Vãng Sanh Cực Lạc.
Ba chị em trong hình thì 2 người đã ra đi. Nguyện cầu cho chị Hai và em Minh sơm tiêu diêu miền Lạc Cảnh.

Người Long Hồ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét