Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

Những Ánh Mắt Trẻ Thơ


Cũng phải hơn hai năm anh mới trở lại thành phố này, nơi anh đã từng ở và có rất nhiều kỷ niệm, hơn thế nữa có hai đứa con anh đang sống.
Cuộc sống mới bận rộn đã ràng buộc và khoảng cách đường dài mười tiếng lái xe và anh nghĩ các con đã đầy đủ với số tiền cấp dưỡng hàng tháng, nên chuyện thăm nom chúng không là điều bắt buộc.

Dù đã dứt lòng ra đi nhưng khi lái xe về những con đường cũ, khu phố cũ, anh không khỏi cảm thấy man mác buồn. Cho đến khi xe dừng trước cửa nhà thì anh lại thêm nỗi bối rối, không biết sẽ thế nào khi đối diện với người vợ cũ và hai đứa con. Người vợ mà trước kia anh đã dễ dàng buông ra những lời lạnh lùng nhất, tàn nhẫn nhất, để được chia tay đi theo tiếng gọi của một tình yêu mới mà anh say đắm.
Anh ngồi trong xe thật lâu để ngắm lại ngôi nhà, chẳng có gì thay đổi, có chăng là trong ngôi nhà này đã thay đổi, đã thiếu một người.
Anh bấm chuông cửa, vài phút im lặng trôi qua, bây giờ là buổi chiều anh tin là mọi người đang ở trong nhà, anh phải bấm chuông thêm hai lần thì cánh cửa mới từ từ mở hí ra, đó là thằng cu Tí, con trai lớn của anh.
Thấy bố, thằng bé vừa mừng vừa ngạc nhiên:
- Bố về hả, con nhìn qua lỗ cửa thấy bố nhưng con không tin.
Anh xoa đầu nó:
- Bố đây mà. Tại sao con lại không tin? Bố có khác đâu!
Đôi mắt thằng bé cụp xuống, vẻ vui mừng lúc nãy biến mất:
- Con nghĩ là bố không muốn về đây nữa.
Anh khựng lại nhìn con, trẻ con chóng lớn quá, mới hơn hai năm, giá mà năm năm, mười năm thì chắc anh sẽ không nhận ra con của mình nữa. Anh quàng tay ôm vai con, âu yếm hỏi:
- Mẹ con đâu?
- Mẹ mới vừa đi làm.
Thì ra cô ấy đã đi làm, hai năm nay người vợ cũ đã trừng phạt anh bằng cách không hề liên lạc với anh, cô đổi số điện thoại, không trả lời những thư từ anh gởi tới bằng đường bưu điện nên anh không biết gì về cuộc sống của họ cả, mặc dù hàng tháng tiền trả child support vẫn trừ trực tiếp vào lương của anh đều đặn.

Anh chợt nhớ ra:
- Thế em đâu rồi? Em Tina đâu rồi?
- Nó đang ngủ bố ạ.
- Để bố vào phòng thăm nó nhé.
Thằng bé gạt đi:
-Thôi bố, nó mà thức dậy thấy người lạ nó khóc đấy.
Anh lẩm bẩm hai chữ "người lạ", chợt thấy chạnh lòng, mà cũng phải, khi anh ra đi bé Tina mới hơn một tuổi nó có biết gì về anh đâu.
Hai bố con ngồi đối diện nhau, cu Tí đã mười hai tuổi rồi, trông chững chạc hẳn ra, không biết vì anh đã xa nó một khoảng thời gian, một khoảng cách cuộc đời hay vì nó đã lớn khôn theo hoàn cảnh? Những đứa trẻ trong gia đình ly dị bao giờ cũng trưởng thành sớm hơn những đứa trẻ trong gia đình bình thường.

Anh hỏi han con về chuyện học hành trường lớp, cu Tí trả lời đầy đủ. Khi anh hỏi con có nhớ bố không thì nó trả lời ngây thơ:
- Lúc bố mới đi thì nhớ, con khóc nhiều lấn lắm, nhưng bây giờ hết rồi.
Và nó hỏi lại:
-Thế bố có nhớ con và em Tina không?
- Bố thương và nhớ các con chứ.
- Sao bố không về thăm?
Anh lúng túng:
-Tại bố…bận rộn quá.!
Bỗng có tiếng điện thoại reo, chắc đã là thông lệ nên cu Tí nói:
- Mẹ gọi đấy.

Nó ra dấu cho anh im lặng để nó nói chuyện phone. Anh lắng nghe cuộc đối thoại giữa hai mẹ con, mà chủ yếu là từ những câu trả lời của cu Tí, nó kể với mẹ là Tina đang ngủ, mẹ nó dặn khi nào em thức dậy thì cho em uống thuốc ho rồi mới cho ăn cơm rồi sau đó tắm cho em. Câu cuối cùng là cu Tí luôn miệng vâng dạ con nhớ lời mẹ dặn mà, con sẽ không bao giờ mở cửa cho người lạ đâu, mẹ cứ yên tâm.
Cúp phone xong cu Tí mỉm cười nheo mắt nhìn anh, coi như nó vừa làm một sự chiếu cố đặc biệt cho anh, đã phá lệ, để bố vào khi không có mẹ ở nhà, vì từ lâu nó không coi anh như một thành viên trong ngôi nhà này nữa.
Chỉ trong vài phút ngắn ngủi trò truyện giữa hai mẹ con, anh đã hình dung ra cuộc sống hiện nay của họ. Buổi sáng cô ở nhà lo cho con và buổi chiều đi học về cu Tí phải gánh vác nốt những việc còn lại, thiếu người cha, thằng bé đã phải làm những công việc của người lớn.
Anh đi lại khắp nhà, nơi anh đã sống gần chục năm trời, nên anh dễ dàng nhận thấy mọi sự thay đổi, cái nẹp cửa vênh ra, vòi nước trong phòng tắm đang chảy nhỏ giọt hững hờ như đang oán trách người chủ cũ đã vắng mặt lâu ngày.
Anh ra nhà kho sau vườn lấy búa đinh vào đóng lại nẹp cửa và sửa vòi nước, điều đơn giản dễ làm ấy nhưng với mẹ con cô cũng là điều không thể làm được. Khi mang hộp đồ nghề trả lại nhà kho anh dạo quanh khu vườn, cây đào, cây lê ngày nào còn bé nhỏ, vợ chồng anh hí hửng mua về đã mong cây mau lớn để có bóng mát cho các con chơi. Nay cây đã lớn, đã có bóng mát nhưng hai con anh đã bao giờ vui thích chơi đùa dưới bóng mát ấy chưa?
Anh không dám nghĩ tiếp, bước vào nhà, những hình ảnh quá khứ bỗng đổ ập vào tâm tư anh, đây là phòng ăn, nhà bếp, cô ấy đã từng đứng nấu nướng, dọn ra những bữa ăn. Kia là phòng ngủ, đã từng có những lúc mặn nồng hạnh phúc vợ chồng.

Nhưng anh đã không yêu cô nữa, có một tình yêu khác làm anh mê đắm, anh đã đi theo tiếng gọi của con tim, dù khi anh đề nghị ly dị, vợ anh đã phản đối, đã khóc hết nước mắt, xin anh nghĩ lại vì các con, đừng làm tổn thương những tâm hồn vô tội.
Bé Tina đã thức dậy, từ trong phòng ngủ đi ra thấy anh,Tina vội túm lấy áo cu Tí tìm chỗ nương tựa, chở che và nhìn anh bằng ánh mắt nghi ngờ, xa lạ. Anh đến bên Tina giơ tay định bế nó, nhưng cu Tí nói ra vẻ hiểu biết đầy kinh nghiệm:
- Bố đụng vào người nó, nó sẽ khóc đấy.
Rồi cu Tí quay ra dỗ dành em:
- Đây là bố, ngày xưa bố cũng ở chung nhà với chúng ta mà. Cho bố bế Tina nhé?
Con bé vẫn chưa tin cậy, nó càng dựa vào người cu Tí và bám chặt lấy cu Tí hơn. Anh đành chịu thua, ngồi nhìn hai đứa con, ít nhiều ngày xưa anh đã từng bồng bế Tina, từng đùa vui với nó, đó là máu thịt của anh, nhưng giờ đây chẳng khác gì người xa lạ. Khi ly dị vợ, xa con, anh không thể hình dung ra tình huống này.

Cu Tí để mặc anh ngồi thừ ra ở ghế, nó đi lo cho em, lấy chai thuốc ho như lời mẹ dặn, anh không nỡ nhìn thằng bé loay hoay mở hộp thuốc, anh giúp nó bơm thuốc vào ống để cu Tí mang ra cho Tina uống, xong nó dắt em vào bếp lấy cơm để ra bàn cho con bé tự ăn một mình, cu Tí dịu dàng với em:
- Ăn cẩn thận, đừng làm đổ ra bàn nhé, ăn xong anh cho ăn kẹo.
Tina ngoan ngoãn gật đầu, trước mặt người lạ nó rón rén múc từng thìa cơm đưa lên miệng ăn ngon lành. Tất cả diễn ra trước mắt anh như một vở bi kịch, vở bi kịch do chính anh gây ra và hai đứa con anh là nhân vật chính.
Từ lúc nào, hai mắt anh cay xè, mờ lệ. Cái hạnh phúc hiện nay anh đang hưởng bên vợ mới, con mới, đã đánh đổi bằng sự vất vả và thiếu thốn tình cảm của hai đứa bé này. Một ngày nào đó khi chúng lớn lên, chúng sẽ hiểu vì đâu, và vì ai!
Anh bỗng rùng mình và đau đớn, anh cứ ngồi nhìn hai con và không biết phải làm gì, nỗi đau như chôn chặt anh trong lòng ghế. Một lúc lâu, cu Tí dè dặt hỏi:
- Bố đợi mẹ về không?
Anh lắc đầu, hình như nếu anh thốt ra lời thì nước mắt cũng ra theo.
- Vậy bố về đi, chốc nữa con còn tắm cho Tina và học bài nữa, con bận lắm.
Thằng bé vất vả và đảm đang quá. Anh thấy xấu hổ khi mình chỉ là người khách trong nhà này không hơn không kém.
Anh rút ra một xấp tiền đưa cho cu Tí, nó nắm chặt lấy món tiền, chắc nó nghĩ những đồng tiền cần thiết cho mẹ và sẽ làm mẹ vui. Anh ôm chặt lấy con, trong đời anh, chưa bao giờ có một cảm xúc thương yêu con dạt dào như bây giờ, bé Tina vẫn đứng xa nhất định không cho anh đụng tới:
- Bố đi nhé, con hãy ngoan, chăm học. Bố sẽ về thăm các con thường xuyên.

Trước khi đến đây, anh định sẽ gặp lại vợ cũ, sẽ nói lời xin lỗi và vui chơi cùng hai con. Bây giờ anh hiểu rằng, có nói trăm ngàn lần lời xin lỗi và dù vợ anh có tha thứ, chấp nhận hiện tại đường ai nấy đi, nhưng những cái nhìn của hai con, ánh mắt buồn vui bất chợt và dửng dưng của cu Tí, ánh mắt xa lạ và dè dặt của bé Tina sẽ theo ám ảnh anh không biết đến bao giờ.
Cánh cửa mà cu Tí vừa khép lại sau lưng anh hình như có cả sự lạnh lùng và oán trách.
Anh lái xe rời khỏi thành phố như một kẻ chạy trốn.


Kim Loan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét