Trong cuộc đời cuả mỗi người chúng ta từ lúc tuổi thơ cho đến khi trưởng thành có lẽ ai cũng có ít nhất một điều ước mơ hay mong muốn dù chỉ rất đơn sơ. Như em trai cuả tôi năm mười tuổi mong làm chủ một chiếc xe đạp, mẹ tôi ở Mỹ bị bệnh nặng muốn con cháu đưa bà về thăm mộ cha tôi lần cuối và được chôn bên cạnh mộ cuả ông. Riêng tôi, trong lòng mang một ước mơ quá nhỏ nhoi từ khi còn cắp sách đến trường nơi quê nhà, và cho đến bây giờ mặc dù đã có đủ điều kiện nhưng thời gian không còn thích hợp để thực hiện được nữa. Vậy nếu giấc mơ đó chưa thành thì sao? Tôi hỏi và tự trả lời thôi thì hãy viết ra để đọc và nhắm mắt tưởng tượng rằng mình đang tận hưởng những giờ phút tuyệt vời đáng yêu nhất cho chính bản thân.
Nói vậy, thế nào người đọc cũng sẽ cười chọc quê khi biết được nỗi ấp ủ thầm kín cuả tôi bấy lâu nay và phán cho những câu xanh rờn như “Tưởng chuyện chi đặc biệt lắm”, “Cải lương dữ vậy”, “Có gì khó mà không làm được”, hay “Chắc bà này mơ mộng quá nên dệt lên một hình ảnh thật trẻ con, vô duyên dễ sợ”, vân vân và vân vân. Nhỏ nhưng khó có cơ hội để làm, đối với tôi tuy điều ước này không giống ai nhưng rất đặc biệt vì tôi đã mang nó theo bên mình hơn nửa cuộc đời. Người đọc sẽ bực mình phán tiếp “Vậy nó là cái gì đừng lòng vòng nữa nói mau đi bà ơi”. Tôi xin được mạn phép kể lể dài dòng nhé: Ngày xưa có một cô bé sống nơi thành phố nhỏ và mỗi ngày cắp sách đến trường đều phải đi ngang qua khu nhà cuả công chức (nhân viên chính phủ). Khuôn viên này rất đẹp, mái nhà ngói đỏ, có vườn cây xanh ăn trái, sân cỏ non vuông vứt và nhiều hoa khoe sắc dưới ánh nắng mai chan hòa làm cô bé cứ mãi mê đứng nhìn nên có vài lần sém bị trễ học. Hình như trong tâm hồn thơ ngây cuả cô phảng phất chút mộng mơ và yêu mến văn chương nên khi lên trung học đệ nhất cấp cô bắt đầu say mê viết những bài văn tả cảnh thật hồn nhiên, rồi đến văn nghị luận theo đề tài thầy cô giáo cho trong lớp và làm thơ tuổi hoa học trò đăng trong bích báo để thi đua với các lớp khác cuả trường. Cô được chọn làm trưởng nhóm và hăng say kêu gọi mọi người nộp bài, cô mang về nhà miệt mài chép lại trên tấm poster trắng khổ lớn và nắn nót vẽ hình trình bày cho mỗi đoản văn hay thơ để kịp ngày chấm điểm. Lớp cuả cô cũng được lọt vào danh sách khen thưởng cuả ban giám khảo nên mọi người hãnh diện ghê lắm.
Nhà (townhouse) cuả gia đình cô nằm trong dãy phố chỉ có cây tơ vương ở sân trước hơi nhỏ nên cô ước gì có một nơi nào đó yên lặng và đẹp, gió thoang thoảng đưa thì hồn thơ mới dạt dào dễ dàng bay ra được. Rồi cô mơ màng mình đang mặc một chiếc áo đầm trắng, đội mũ vành rộng trắng, chân đi đôi dép xăng đan màu da, ngồi dựa vào gốc cây to có nhiều cành che bóng mát giữa đám cỏ non xanh rì và cô miên man làm thơ, lâu lâu cắn bút suy nghĩ rồi tiếp tục viết những câu có vần điệu xuống những trang giấy trắng cuả cuốn sổ xinh xinh … chỉ vậy thôi, nhỏ và đơn giản quá phải không? Bất ngờ có một tin vui đến hoà nhập với mong ước cuả cô là cha mẹ sẽ mua một căn nhà khác có vườn cây rộng, có hàng rào riêng biệt nên từ đó giấc mơ làm thi sĩ dưới gốc cây của cô bắt đầu nhen nhúm lớn hơn và tiếp tục đi theo cô vào đời. Thế rồi chẳng bao lâu mùa Xuân 1975 đến và mọi chuyện đều thay đổi, giấc mơ cuả cô đã vội tắt và ngủ yên ở một góc nào đó trong tâm hồn. Tương lai mờ mịt, lý lịch tối đen, với trình độ học vấn lớp 10 (đệ tam cũ) mấy bạn của cô từ giã sân trường để đi làm và gia nhập vào đội trồng cây gọi là “Lâm Trường Trồng Rừng” nơi núi đồi hẻo lánh xa xôi. Cô cũng muốn nghỉ học về làng quê làm cô giáo dạy các em nhỏ nhưng cha cô nhất định ngăn cấm ý nghĩ nông cạn này và bảo rằng nếu cãi lời cha thì cuộc đời con trước sau gì cũng chẳng khá hơn việc “buôn cám nuôi heo”. Cô nghe sợ quá nên tiếp tục học hết lớp 12 và thi vào trường trung cấp Y Tế Nha Trang. Nhờ cha và giấy báo nhận thi đậu mà cô thoát khỏi lệnh cuả phường yêu cầu đi lao động thanh niên xung phong. Thời gian tiếp tục trôi, những ngày đi thực tập nhìn bệnh nhân thở ngáp cá sắp ra đi, bệnh nhân đau đớn la khóc hay sự đau buồn xé lòng trên gương mặt cuả các thân nhân; cô và người bạn học lúc đầu chưa quen nên cả hai đều khóc mỗi lần nhìn thấy những hình ảnh bi thương như vậy.
Tết sắp đến ban báo chí cuả trường kêu gọi học sinh nộp bài cho đề tài “Mùa Xuân” cô cũng ì ạch nặng ra một tác phẩm và được cả lớp tán thưởng vì mọi người đều có tên trong bài thơ này. Một ngày nọ, bảy nam sinh trong lớp cuả cô bị lệnh động viên phải đi tham gia chiến trường Việt Nam – Campuchia; cô mủi lòng làm một bài thơ có tên cuả các anh và đọc trong đêm liên hoan chia tay cuả lớp đã làm cho mọi người khóc sướt mướt. Trong bài thơ cảm động đó còn có thêm bốn câu mà cô muốn nhắn gởi để làm nhẹ lòng người đi:
Mai mốt đi rồi anh nhớ không
Khuôn mặt thân yêu cuả lớp mình
Mỗi chiều tan học em mong ngóng
Những lá thư về cuả các anh
Lời đồn xôn xao những giọt nước mắt rơi trong đêm giã từ lọt tới tai thầy giám thị và ông hỏi “Chúng nó đang làm mưa làm gió cái gì vậy?” Thế là cô bị gọi lên văn phòng nên trong lòng lo sợ mình sẽ bị đuổi học nhưng ông thầy này làm cô quá bất ngờ là bảo cô đưa bài thơ cho ông để được đọc trước sân trường ngày tiễn các nam sinh đi nhập ngũ. Giọng “Bắc” ông đọc nghe còn thê thảm hơn cô nhiều nên thêm một màn mưa gió lệ sụt sùi nữa và lần này tin bay tới tai ông trưởng ty y tế cuả tỉnh. Cô không biết ông thầy giám thị có bị khiển trách gì hay không vì cô con dâu (tổ trưởng) cuả ông trưởng ty không kể hết chi tiết. Đó là một kỷ niệm vui với thơ và cô được các bạn trong lớp ban tặng cho danh hiệu “nhà thơ cuả lớp Y Sĩ QL1”. Sau đó cô thỉnh thoảng làm thơ trong lúc rảnh rổi cuả ca trực đêm, cô cũng mặc áo trắng và đội mũ trắng nhưng không phải chiếc áo đầm và mũ mộng mơ thi sĩ mà là đồ đồng phục thực tập, và cô ngồi trong phòng làm việc ở bệnh viện chứ không phải dưới gốc cây xanh râm bóng mát.
Tuy đi học xa nhưng cô vẫn thường về nhà thăm cha mẹ, và điều thú vị nhất là hay hỏi ý kiến nhận xét cuả cha về những bài thơ cô mới làm. Đôi khi cha cho tinh thần cô hớn hở bay bổng lên cao nhưng cũng có lúc rớt tuột xuống yếu xìu vì lời phê bình cuả cha đúng chính xác. Thời gian vui nói chuyện về thơ với cha chẳng được bao lâu thì đau thương ập đến. Nhớ một buổi tối vừa về đến trường sau khi cả lớp đi thực tập ở trại bệnh cùi một tuần lễ, người cuả văn phòng giám thị đưa cho cô một tờ giấy điện tín anh cô gởi vỏn vẹn chỉ có năm chữ “Cha chết em về gấp” mà họ đã nhận trước đó 3 ngày. Cô khụy xuống ôm mặt khóc mà nghe trái tim mình đau nhói, trước mắt cô là một vùng tối đen và trời đất như đang sụp đổ, nghẹn ngào nấc lên hai tiếng “Cha ơi!”.
Hôm sau cô được giấy phép cuả nhà trường và lấy chuyến xe đò thật sớm về nhà, trong lòng cô vẫn hy vọng rằng cha chỉ bệnh nặng thôi chứ không chết. Ngồi trên xe nước mắt cô tiếp tục rơi, có lẽ trong lúc bi ai cùng cực đó cô đã làm được một bài thơ quá buồn “Khóc Phụ Thân” mà không cần có giấy và bút mực; cô ghi lại bài thơ này và bổ túc thêm vài ngày sau đó (bài thơ được đăng trong Tuyển Tập VBMĐ 2019). Khi cô về đến nhà ở phố thì bác hàng xóm bảo rằng cha cô mất trên quê, cô hớt hải gọi xe thồ đi thêm 15 cây số nữa và hy vọng còn kịp nhìn thấy được mặt cha. Khi bước vào, trong nhà khói hương bay nghi ngút, mẹ và anh chị em quấn khăn tang trắng quanh đầu nhưng không thấy có quan tài cuả cha. Mẹ bảo rằng tang lễ cuả cha đã hoàn tất hai ngày rồi. Cô khóc lớn hơn và trách mẹ tại sao không chờ cô về, hai đứa em nhỏ ngồi cạnh chị cũng nức nở khóc theo. Mẹ ràn rụa trong nước mắt nói chính quyền địa phương không cho để lâu hơn nên đành phải chôn. Mùa Xuân năm 1979 với nỗi đau lớn mất người cha kính yêu chưa nguôi nên thay vì mừng xuân và đi chúc Tết cô chọn làm bài thơ “Buồn”.
Buồn đầy nước mắt tuôn rơi
Buồn đi rồi nhớ thương ai buồn về
Buồn giăng qua tuổi mộng mơ
Buồn mang theo những bơ vơ làm gì
Buồn lan ra cả tứ chi
Buồn gieo thành chữ bài thi oán hờn
Buồn gây đứt gánh dở dang
Buồn xay tan nát tim vàng tuổi xuân
Buồn theo pháo nổ đầu năm
Buồn trong lời chúc đau lòng cô đơn
Buồn không ấp ủ yêu thương
Buồn luôn giết chết tâm hồn người ta
Buồn đem tiếc nuối xót xa
Buồn làm con trẻ khóc cha lìa đời
Buồn còn Xuân chẳng gì vui
Buồn đi đừng trở lại đời bớt đau
Thơ Gửi Cho Cha
Viết mấy vần thơ kính thăm cha
Tay run ngòi bút mắt lệ nhòa
Bao nhiêu hình ảnh về trong trí
Nhớ lắm trời ơi thương nhớ cha
Nơi vùng đất lạnh thiếu nắng soi
Chỉ tiếng côn trùng bóng tối thôi
Nằm yên cha ngủ hay nghĩ tới
Mẹ ở trần gian quá lẻ loi
Lần trước xin về phép thăm cha
Tóc con cha vuốt giọng thiết tha
Bảo rằng nhìn mặt cha cho kỹ
Vì biết con đây sống xa nhà
Lời người trăn trối đó hay sao
Nghe tim đau nhói lệ tuôn trào
Ngờ đâu cha nói lời vĩnh biệt
Cứ ngỡ ấy là giấc chiêm bao
Hay tin cha chết con vội về
Trên chuyến xe đò khóc bơ vơ
Khi con về đến thì cha đã
Nằm nghỉ yên lâu dưới nấm mồ
Trời dần nhạt nắng chuyển hoàng hôn
Làn khói nhang bay tan vào sương
Mây chiều loang lỗ pha màu đỏ
Nước mắt tuôn rơi luống đoạn trường
Con gọi thầm cha dưới mộ sâu
Cha mất lòng con thật đớn đau
Vắng cha con thiếu tình phụ tử
Cha đi xuân đến chỉ thêm sầu
Bài thơ con trẻ viết xong rồi
Làm sao gửi được hỡi cha ơi
Thắp hương lên mộ con đọc nhé
Giữa chiều xuân lạnh khóc mồ côi
Dương Việt-Chỉnh
Tay run ngòi bút mắt lệ nhòa
Bao nhiêu hình ảnh về trong trí
Nhớ lắm trời ơi thương nhớ cha
Nơi vùng đất lạnh thiếu nắng soi
Chỉ tiếng côn trùng bóng tối thôi
Nằm yên cha ngủ hay nghĩ tới
Mẹ ở trần gian quá lẻ loi
Lần trước xin về phép thăm cha
Tóc con cha vuốt giọng thiết tha
Bảo rằng nhìn mặt cha cho kỹ
Vì biết con đây sống xa nhà
Lời người trăn trối đó hay sao
Nghe tim đau nhói lệ tuôn trào
Ngờ đâu cha nói lời vĩnh biệt
Cứ ngỡ ấy là giấc chiêm bao
Hay tin cha chết con vội về
Trên chuyến xe đò khóc bơ vơ
Khi con về đến thì cha đã
Nằm nghỉ yên lâu dưới nấm mồ
Trời dần nhạt nắng chuyển hoàng hôn
Làn khói nhang bay tan vào sương
Mây chiều loang lỗ pha màu đỏ
Nước mắt tuôn rơi luống đoạn trường
Con gọi thầm cha dưới mộ sâu
Cha mất lòng con thật đớn đau
Vắng cha con thiếu tình phụ tử
Cha đi xuân đến chỉ thêm sầu
Bài thơ con trẻ viết xong rồi
Làm sao gửi được hỡi cha ơi
Thắp hương lên mộ con đọc nhé
Giữa chiều xuân lạnh khóc mồ côi
Khi đi vượt biên, ngoại trừ những kỷ niệm dấu yêu trong ký ức, sự nhớ thương sâu đậm người thân, quê nhà và hình ảnh ước mơ nhỏ xưa còn xếp trong một góc cuả tâm tư; cô buồn đã phải bỏ lại hết tất cả trong đó có thành phố nhỏ với căn nhà nơi cô sinh ra và lớn lên, có mẹ già, gia đình anh chị và em nhỏ, có bệnh nhân chờ cô săn sóc và thăm hỏi mỗi buổi sáng, và cũng có cả khu công chức với vườn cỏ non dệt mơ ước làm thi sĩ dưới gốc cây. Nhưng nỗi buồn lớn nhất là cô không còn cơ hội ngồi làm thơ bên cạnh mộ cha và đọc cho cha nghe vào những chiều xuân.
P/S: Father’s day sắp đến tôi xin lỗi về cảm xúc cuả mình đã viết ra chuyện buồn làm mất ngày vui cuả những ai may mắn hạnh phúc còn có cha, tình cha là món quà quý giá tuyệt vời nhất trên thế gian này. Xin chúc cho những người cha hiện tại mỗi ngày đều vui vẻ và luôn sống khỏe với các con.
6/6/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét