Vào những năm của thập niên 50, ở miền Tây tỉnh Vĩnh Long nhỏ bé, tôi còn nhớ người chị cả của tôi, chị Xuân Đào, lúc đó khoảng đôi mươi, hay hát những bài Chuyến Đò Vĩ Tuyến, Tình Anh Lính Chiến, Khúc Ca Ngày Mùa. Lúc đó tôi còn rất nhỏ, chỉ vài tuổi đời, nhưng không hiểu sao, những hình ảnh và những bài hát mà chị Xuân Đào cùng các bạn, người đàn guitare, người hát vẫn còn in đậm trong đầu óc tôi đến hôm nay.
Nhắc đến Lam Phương và những bài hát của người nhạc sĩ tài hoa nầy, tôi không thể nào không nhớ đến người chị của tôi. Chị Xuân Đào lớn hơn tôi 19 tuổi, khoảng cách giữa người chị cả và tôi, cô em thứ 7 trong gia đình, gần như là khoảng cách của mẹ và con, vì chị có thể lập gia đình và có con vào tuổi đó. Chị thay má tôi, chăm sóc tôi như con của chị, bồng ẳm, cho ăn, tắm rửa, ngay cả những lúc đi chơi, những lúc có bạn trai đến thăm viếng, lúc nào tôi cũng ‘lẩm đẩm’ dưới chân chị…. Và các bạn trai của chị, muốn được yên để chuyện trò cùng ‘người đẹp’ đã phải mua chuộc tôi bằng những gói bánh kẹo, nhất là những gói nho khô chỉ được vài hạt, tôi nhom nhem một chút là đã hết. Khi đã ăn hết gói nho khô mà tôi ưa thích nhất trong các loại bánh kẹo (tôi còn nhỏ màđã khôn quá mức, phải không ??), tôi nắm áo chị vòi vĩnh: "Chị Hai, em ăn hết nho rồi". Thế là để được ‘rảnh nợ’ hoặc chị hoặc các anh bạn của chị phải chạy ra trước nhà tôi để mua thêm vài gói nho khô của ông Tàu có chiếc xe đẩy,bán đủ thứ bánh kẹo. Lúc đó nhà tôi ở khu phố nhộn nhịp nhất Vĩnh Long, khu ‘rạp hát’ nên những ngưới bán hàng hay bày bán đủ thứ trước căn phố nhà ba má tôi.
Chị Xuân Đào và các bạn hay tụ tập tại nhà để ca hát. Hai người chị của tôi dạo đó là Xuân Đào, Xuân Hương nổi tiếng vì đẹp và thanh lịch, cả Vĩnh Long ai cũng biết tiếng 2 người chị lớn nầy (tờ báo Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp ở San José năm nào đó cũng nhắc đến 2 chị). Nhưng số phận của 2 người chị lớn của tôi không may mắn, lại thêm phần chua xót cho chị Xuân Đào….
Làm sao tôi quên được những bài hát mà chị Xuân Đào đã ngân nga: Xuyên lá cành trăng lên lều vải, Lòng đất ấm thương tình đôi mươi…hay : Đêm nay trăng sáng quá anh ơi, Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu….hay : Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát, Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác, Chiếu hồn quê qua khúc ca ngày mùa….
Xuyên qua người chị cả, nhạc sĩ Lam Phương đi vào lòng tôi, vào thế hệ của tôi như một dấu ấn, không xóa nhòa được. Tôi lớn lên với những bài hát của Lam Phương. Người nhạc sĩ tài hoa nầy sáng tác những bài hát vừa mượt mà về thể điệu mà lời ca cũng thật nồng nàng, ý nghĩa:
Xuyên lá cành trăng lên lều vãi.
Lòng đất ấm thương tình đôi mươi
Thương những người mạch sống đang khơi
Đang tìm một cuộc đời cho lòng vơi nét phong sương...
(Tình anh lính chiến)
Đêm nay trăng sáng quá anh ơi
Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu
Lênh đênh trên sóng nước mông mênh
Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng
Vượt rừng vượt núi đến đầu làng
Đò em đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến
Phương Nam ta sống trong thanh bình
Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng…
(Chuyến đò vĩ tuyến)
Và bài Khúc Ca Ngày Mùa, năm 1954 là một tuyệt tác từ lời đến thể điệu, mà người miền Nam nào cũng biết, cũng hát được vài câu của bài nhạc nầy :
Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát
Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác
Chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời
Mừng trăng lên chúng ta cùng múa hát
Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát
Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời
Lờ lững trôi qua trôi mãi trong chiều tà tiếng tiêu buồn êm quá
Hồn ngất ngây trong tiếng hát đưa nhịp nhàng tiếng cười thơ ngây
Mịt mùng đêm thâu cung hằng chênh chếch bóng khuất sau rặng tre
Tiếng ai hò chập chùng đưa xa
Hò là hò lơ hó lơ hò lờ
Này anh em ơi! Giả cho thật đều, giả cho thật nhanh
Giả cho khéo kẻo trăng phai rồi
Khoan hò khoan tiếng chày khua vang mãi trong đêm dài…
(Khúc ca ngày mùa, 1954)
Lam Phương có nghệ thuật viết những bài hát đi sâu vào lòng dân gian, đến nổi đôi khi người ta hát mà không biết bài hát thuộc về tác giả nào. Lúc còn ở VN vào thập niên 60, 70 khi tôi đã bắt đầu lớn, những bài nhạc của Lam Phương tôi vẫn nghe mãi bên tai, khi thì của chị hàng xóm, khi thì anh bán hàng rong, khi trong gia đình…
Lúc đó tôi nghe những bài Ngày Hạnh Phúc: Trời hôm nay xanh xanh, gió đưa cành mơn man tà áo…, Bức Tâm Thư:
Vài hàng gởi anh trìu mến,
Vừa rồi làng có truyền tin,
nói rằng nước non đang mong,
đi quân dịch là thương nòi giống…
Ước nguyền hứa duyên trao người,
Cấm tay súng tòng quân anh tươi cười,
Lòng thầm đang lớn ươm đầy tơ,
Nhờ trời cam quít đã lên mùa,
Chờ ngày dệt xong áo chung tình,
Em mang tới đồn mà tặng anh,
Lạy trời tròn năm tròn tháng,
Nợ làng ơn nước đã đền xong,
Xóm làng hát câu thanh bình,
Về nơi cũ tìm vui duyên lành.
Những bài nhạc nầy Lam Phương viết với tâm trạng yêu đời, nhìn cuộc sống với ánh mắt lạc quan. Thật vậy, vào thời 50, 60 miền Nam rất yên bình, người dân không quá vất vã, ruộng lúa, cây trái xum xê. Cứ về miền Tây lúc đó là thấy sự sung túc, dư thừa của người dân.
Dần dần, theo thiển ý của tôi Lam Phương mất đi nét tươi trẻ, yêu đời, lạc quan, ông bắt đầu sáng tác những bài buồn, thương khóc cho thân phận như những bài Kiếp Nghèo, Nghẹn Ngào, Trăm Nhớ Ngàn Thương.
Tôi vẫn nhớ bài Nghẹn Ngào (?) đã làm nhạc nền cho vở kịch ‘Áo người trinh nữ‘ trên Đài Truyền Hình vào những năm cuối của thập niên 60, với nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng đóng vai cô thợ may. Đoạn cuối vở kịch, cô thợ may đã trầm mình tự vẩn và chiếc áo cưới mà cô may cho người vợ sắp thành hôn của người cô yêu, được thả theo dòng sông… Nhạc trổi lên: “ Thôi anh đi về đi, Đau thương nầy em xin dành mang, Anh đi về đi cho vui lòng người ta”…. đã làm mủi lòng không biết bao nhiêu khán giả và đã in trong tâm nảo tôi.
Như vậy, Lam Phương là môt người nhạc sĩ in đậm dấu ấn của ông vào một thế hệ lớn lên ở thập niên 50, 60, 70. Sau 1975, người VN lưu lạc 4 phương trời, lâu lâu tôi mới nghe lại những bài nhạc VN xưa cũ, riêng những tác phẩm mới, được các nhạc sĩ miền Nam di tản ra ngoại quốc sáng tác, tôi thỉnh thoảng khám phá được qua những cassettes, những CD và những băng hình, DVD của các hảng sản xuất ở Mỹ, Pháp…Riêng Lam Phương ở ngoại quốc sáng tác nhiều bài nhạc, nhưng tôi thích những bài vui, yêu đời như Thiên Đường Ái Ân, Bài Tango Cho Em.
Biết về cuộc đời của Lam Phương ngày nay, tôi xót xa trong lòng vì ông bây giờ bịnh tật, sống âm thầm ở Cali…Một tài năng về âm nhạc như Lam Phương mà phải sống đạm bạc lúc về già, thật là bất công. Tại sao những người nghệ sĩ VN cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật mà họ yêu mến và đeo đuổi, được quảng đại quần chúng trọng vọng thế mà vẫn không khá giả ?? Đó là tình trạng chung của giới nghệ sĩ VN chăng?
Năm 1791 Mozart chết trong nghèo nàn, năm 1890 Van Gogh tuyệt vọng, tự vẩn bằng súng. Ngày nay Mozart được tôn sùng là thần đồng âm nhạc và những bức tranh của Van Gogh trị giá hàng trăm triệu Mỹ kim. Ở thời đại nầy người ta biết giá trị của người nghệ sĩ nhiều hơn. Nếu họ có tài và được vinh danh, họ sống sung mản nhờ vào lợi lộc do tài năng của họ đem lại. Đối với VN, tại sao người nghệ sĩ không được trọng đãi như vậy?
Nước Pháp có cơ quan SACEM (Socìété des auteurs, compositeurs, et éditeurs de musique) chuyên lo bảo vệ bản quyền của nhạc sĩ được họ công nhận. Sacem đòi hỏi các hộp đêm, phòng trà, các buổi trình diễn âm nhạc, các Đài Truyền Hình, Truyền Thanh, các cửa tiệm, các cơ quan công hay tư có phát âm nhạc…tất cả phải trả bản quyền tác giả qua trung gian của Sacem. Sau đó họ chi trả lại cho nhà soạn nhạc tùy số lần tác phẩm được xử dụng. Nhờ vậy có những nhạc sĩ sống thoải mái nhờ tiền bản quyền. Điều đó được người Pháp xem là đương nhiên vì họ có câu nói rất hay: Toute peine mérite salaire. (Mọi sự cực nhọc, xứng đáng được trả lương) thì nhạc sĩ hao mòn tâm sức mình để sáng tác cũng phải được trả công hậu hỉnh.
Người VN không có cơ quan nào bảo vệ nghệ sĩ. Chúng ta có thói quen xem những tác phẩm nghệ thuật như một điều tự nhiên, sẳn có trong tầm tay, ‘của chùa‘, không cần biết tác giả là ai, và dĩ nhiên không hề nghĩ phải trả tiền bản quyền cho tác giả…Thật là buồn ! Tôi có được biết một vài nghệ sĩ rất nổi tiếng, khi sang sinh sống ở các nước tự do, không còn muốn vấn vương vào con đường nghệ thuật vì cho đó là ‘hẩm hiu, bạc bẻo‘. Như nghệ sĩ Thành Được, đã bỏ hẳn cải lương, không muốn xuất hiện, chỉ muốn sống yên ổn để làm ăn. Ca sĩ Thanh Phong (ở Pháp) cũng vậy. Những nghệ sĩ nào còn vương nợ tơ tằm, vấn vương kiếp cấm ca lắm mới đeo đuổi con đường nghệ thuật dù biết là ‘bạc bẻo‘.
Từ hơn 30 năm xa quê hương, tôi chỉ về lại VN 2 lần. Một lần để giải quyết việc gia đình, lần sau tôi đi du lịch cùng với nhóm người Pháp, từ Nam chí Bắc. Tôi muốn biết quê hương VN có những gì…VN bây giờ không còn lưu luyến bước chân tôi, vì sau 2 lần trở về và sau đó với những gì tôi được nghe được thấy, tôi đau buồn, chua xót không muốn quay trở lại quê nhà nữa. Như bao nhiêu người VN khác, nhà cửa của gia đình tôi đã mất, anh chị em tôi tản lạc… Riêng chị Xuân Đào của tôi, sau năm 1975 đã sống tàn tạ vì là vợ sĩ quan VNCH, chồng đi học tập, chị một mình nuôi 5 đứa con dại… nhan sắc phôi phai, đau ốm và chị đã mất trong cảnh đạm bạc. Còn chị Xuân Hương mất ở tuổi đôi mươi vì một chứng bịnh ung thư hiểm ác.
Tôi chỉ thích nghe nhạc vui, hay nếu là nhạc buồn thì đừng quá tuyệt vọng, nhưng đôi khi nghĩ ngợi về VN nghe bài Biết Đến Bao Giờ của Lam Phương tôi cảm thấy thấm thía và cảm nhận cuộc đời thật ngắn ngủi và vô thường :
Đời là vạn ngày sầu
Biết tìm vui chốn nào
Ta quen nhau bao lâu
Nhưng tình đã có gì đâu…
Dù đời mình còn dài
Nhưng ngày vui chóng tàn
Ta yêu nhau đi thôi
Cho mộng không vỡ thành đôi…
Ôi ước mơ nhiều cũng thế thôi
Đời chỉ là bạn cùng sương gió
Nghe gió đêm từng cơn ru cô đơn…
Ước mong sao người VN sẽ sống vui hơn, tương lai sẽ rạng rỡ hơn. Muôn vàn cảm ơn Lam Phương, người nhạc sĩ tài hoa đã cho đời nhiều bài nhạc thật khó quên, đã cho riêng tôi khi nghe lại những bài nhạc thời thanh bình cũ, thấy VN vào những năm 50, 60 thật tươi đẹp và hạnh phúc. Người ta chỉ có thể đi ngược lại dòng thời gian trong những giấc mơ, đôi khi tôi muốn nằm mơ thật nhiều.
Thanh Vân
(Paris, 6 tháng 3 năm 2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét