Tuy rất nguy hiểm, nhưng được sự “bảo mật” của học trò lẫn phụ huynh và nhất là khoản tiền thù lao rất hậu. Lương giáo viên cấp 3 lúc đó (1978-1979) mỗi tháng $70 đồng cộng nhu yếu phẩm, thì mỗi học sinh tôi nhận được $80/ tháng. Tôi chỉ cần dạy thêm hai học trò là mỗi tháng có thêm đến $160 đồng. Đối với giáo viên lúc đó không phải nhỏ! Cà phê cà pháo, cơm hàng cháo chợ cuối tháng vẫn dư tiền bỏ ống. Phần nữa, học trò lớp “Anh văn chui” của tôi thông thường chỉ vài ba tháng là “ra đi”, nên cũng thường xuyên thay đổi.
Nhớ lại cũng may, trời thương kẻ “khù khờ”, thời gian ở Sài-gòn mấy “nàng” kêu đâu thì tôi làm theo đó. Có lần, cô bạn Lê Thị Từ Dung rũ rê “Em một mình đi học hội Việt-Mỹ buồn muốn chết. Anh đi theo học với em cho vui!”. Nghe đi học với người đẹp “cho vui”, là tôi gật đầu không cần nghĩ ngợi. Sau hơn nửa năm theo “con gái” học Anh văn, hội Việt-Mỹ bắt đầu chương trình chiếu phim không phụ đề cho học sinh xem nhằm thực hành khả năng nghe Anh ngữ. “Love Story” là phim gây sóng gió Sài-gòn lúc bấy giờ.
Dựa vào cuốn tiểu thuyết cùng tên “Love Story” của Erich Segal, với hai diễn viên xuất sắc Ali MacGraw và Ryan O’Neal. Tôi đã đọc nguyên bản cuốn tiểu thuyết này, chẳng thấy gì hay ho về mặt văn chương lẫn nội dung tác phẩm. Thì chung chung cũng không khác gì tiểu thuyết bà Tùng Long của Việt Nam trên các nhật báo Sài-gòn. Nhưng với bàn tay “phù thủy” của đạo diễn Arthur Hiller và nhất là bài hòa tấu “Theme from Love Story” của Francis Lai, đã đưa “Love Story” lên đỉnh cao phim trữ tình của mọi thời đại.
Lần đầu sau khi coi phim xong Từ Dung hỏi: “Anh hiểu được bao nhiêu phần trăm truyện phim?”. “Chừng 40%”. “Không được. Sau hơn nửa năm nay, mà anh chỉ hiểu được 40% thôi sao? Phải ít nhất là 60% mới được”. Thế là nàng bắt tôi phải đi xem lại, lần này với nàng bên cạnh, không hiểu là phải hỏi ngay. Từ Dung rất giỏi Anh ngữ, nhất là nghe và nói. Tôi thì thuộc loại “từ chương”, đọc và viết rất khá, nhưng nghe và nói tiếng Anh còn dưới trung bình. Xem phim phần lớn là học viên hội Việt-Mỹ, nên không khí thật im lặng, mọi người tập trung nghe phần đối thoại của nhân vật. Mỗi lần không hiểu, tôi phải khều tay và nói thì thầm vào tai Từ Dung. Rồi khều tay thành nắm chặc, thì thầm bổng chốc chẳng nói được câu nào. Nụ hôn bất chợt, vụng trộm bao giờ cũng ngon nhất, suốt đời khó quên. Lần đó tôi hiểu câu truyện phim chắc không quá 20%. Lỗi tại ai cũng hổng biết?
Nghĩ ngợi lan man, tôi đã qua bên kia chân cầu Rạch Sỏi. Con ngõ đường đá khá rộng nằm đối diện phía bên kia lối rẽ vào chợ Giữa. Càng vô sâu những căn nhà càng thưa hơn, có được khoảng sân vườn phía trước. Theo đúng lời chỉ dẫn, tôi dừng lại trước căn nhà ngói nhỏ khang trang, cửa sổ sơn xanh và hàng cây cau kiểng dọc bờ đường. Đón tôi là người đàn ông trung niên, tóc hớt cao khuôn mặt khắc khổ. “Thầy Hoàng phải hông?”. “Dạ, chào chú Phước”. “Thầy Hoàng... còn trẻ quá! Thầy vô nhà...”. Trong nhà vắng lặng chừng như không có ai.
Chẳng lẽ người học trò mới của tôi hôm nay là chú Phước? “Thiệt tình xin lỗi thầy Hoàng, tui phải làm như “dzầy” nghe. Hai đứa cháu tui học, chớ hổng phải tui đâu!”, chú Phước giọng ngại ngùng, “Thầy Hoàng theo tui, nhà tụi nó sát sau hè nhà tui”. Đúng cái nghĩa dạy “chui” mà. Tôi đã dè dặt, người học “chui” đôi khi còn dè dặt hơn. Theo chú Phước đi vòng phía sau, băng qua bờ rào nhà bên cạnh. Căn nhà vách ván, hai gian nối nhau bằng lối đi lót những miếng gạch vuông màu nâu sẫm. Mùi thơm nhè nhẹ thật quen, dễ chịu thoáng ra từ mấy chùm hoa màu trắng nhỏ phía trước nhà. Càng đến gần mùi thơm càng ngào ngạt. “Cây hoa gì mà đẹp và thơm vậy chú?”. “Hoa ngâu trắng đó thầy”. Hoa ngâu trắng, thảo nào mùi hương quen quen và ngọt dịu đến như vậy. Những cây ngâu được tỉa gọn gàng, không cao và đầy những chùm hoa trắng nhỏ bọc quanh. Tôi đã nghe qua và uống loại trà có hoa ngâu trộn lẫn, nhưng đây là đầu nhìn thấy loài cây hoa này. Cây hoa ngâu thật đẹp, mùi thơm dịu ngọt và thanh lịch, chủ nhà phải là người am tường về việc trồng hoa, thưởng trà.
Người đàn bà búi tóc cao, ngoài năm mươi đón tôi và chú Phước: “Chào thầy, chú Bảy Hớn giới thiệu nhờ thầy dạy tiếng Anh cho hai đứa con gái tôi. Chú Bảy có nói thầy chỉ nhận dạy thêm một học trò, nhưng xin thầy Hoàng thông cảm, dạy cho hai đứa con tôi một thể”. Kèm hai học sinh tiếng Anh cấp tốc, lúc này không phải chương trình của tôi. Vừa không hiệu quả nhiều, vì nếu cả hai không cùng trình độ; vừa mất rất nhiều thời gian soạn bài dạy cho hai chương trình cùng một thời gian ngắn hạn. Có lẽ thấy tôi vân phân, “Tụi nó là hai chị em. Tôi sẽ trả tiền dạy cho thầy cả hai đứa một lúc”, rồi bà quay vào trong: “Hiếu à, Thảo à... ra chào thầy nè con”. Dáng dong dỏng cao, tóc buộc dài, hai người con gái tuổi trên dưới hai mươi, có chút nét giống nhau. Nét dịu dàng, khuôn mặt đều đặn dễ nhìn, Lê An Thảo mang cảm giác gần gũi hơn. Trái ngược Lê Mỹ Hiếu là chị, có nét đẹp sắc sảo, đôi mắt nhìn như “lấn áp” người đối diện. Được biết cha là một cán bộ xây dựng nông thôn cấp tỉnh, hiện vẫn đang học tập cải tạo tận tỉnh Vĩnh Phú, miền bắc như bao sĩ quan cao cấp khác.
Chữ lót của hai chị em, Mỹ An là tên một quận nơi Hiếu và Thảo ra đời. Như bao nhiêu buổi học đầu tiên, bài khảo sát gồm đọc, viết và văn phạm. Mỹ Hiếu thiếu căn bản, An Thảo khá hơn nhưng cả hai gần như đã lâu không có điều kiện thực hành. Thái độ “kênh kiệu” vì biết mình đẹp, biết mình thu hút người khác phái của Mỹ Hiếu không làm tôi ngạc nhiên. Nhan sắc này, thái độ này tôi đã từng gặp, đã từng quá quen thuộc.
Đây là thời gian tôi mệt mỏi, chán nãn những hệ lụy của tình trường. Chương trình tôi sắp xếp ban đầu, chậm cho An Thảo và nhiều bài tập cho Mỹ Hiếu. Quả thật vài tuần lễ sau cả hai chị em đã có thể học cùng một bài được soạn chung. Dần dà tôi biết thêm là cả hai chị em Hiếu, Thảo đang cùng gia đình kinh doanh một tiệm cà phê nổi tiếng giữa đường từ thị trấn đến sân bay cũ, quán cà phê Thảo. Tôi đã nghe nhiều về quán này qua học trò và các thầy trong trường.
Thì ra hai cô gái nổi tiếng xinh đẹp của quán cà phê Thảo đang hằng tuần 3 buổi ngồi cặm cụi “học chui” Anh văn với tôi. Ngoài cà phê thì quán Thảo còn có món trà ướp hoa ngâu cũng rất được nhắc nhở đến. Khách quen thường gọi một cà phê mà đôi lúc đến vài bình trà hoa ngâu. Nhưng phân lớn là những cây si hai chị em cô hàng cà phê hơn là cà phê ngon dở. Thái độ “kênh kiệu” của Hiếu cũng mất đi trong quá trình học tập. Ngoài những buổi học, tôi đề nghị hai chị em nên tập nghe “lén” đài VOA, BBC phần phát thanh Anh ngữ. Có thể không hiểu gì nhiều, nhưng chỉ cần nghe cách phát âm cho quen tai là đủ.
Loáng thoáng đã hơn tháng, Mỹ Hiếu không tiến bộ nhiều, có phần lo ra và không còn cố gắng nhiều nữa. An Thảo thì khác, tập trung và cố gắng trong từng buổi học, nghe và phát âm tiến bộ rõ rệt. Tôi gần gũi và có dịp nghe Thảo tâm sự nhiều sau những buổi học. Vài lần An Thảo rũ tôi ra chợ tỉnh để lấy mối sữa đặc. Phần lớn là từ nhân viên các cửa hàng thương nghiệp bán ra.
Chắc chắn là loại hàng “chui”, “lươn lẹo”, cắt đầu giảm đuôi từ khâu phân phối từ trên xuống các cơ quan. Giá cả lấy một bán năm cũng không có gì lạ. Như đám giáo viên chúng tôi, kiếm thêm tiền nhờ bán nhu yếu phẩm. Mọi thứ chưa đến tay thầy cô, nhất là thầy cô xa nhà sống nội trú, đã chạy ra chợ! Mỹ Hiếu nhiều lần mời đến quán, ngươc lại Thảo không muốn tôi đến thăm quán cà phê viện cớ đông người, phức tạp. Phần lớn khách là dân “phe phẩy”, đám cán bộ công nhân viên ngân hàng, thương nghiệp, công an thị trấn và huyện. Công việc làm ăn thuận lợi đủ để mấy mẹ con Hiếu, Thảo có cuộc sống nhẹ nhàng, khá giả. Ở An Thảo tôi thấy có chút gì đó của “người xưa”, đôi mắt ngập ngừng muốn nói, bờ môi như luôn chờ đón nụ đời. Một lần đi chợ tỉnh mua hàng, Thảo hỏi: “Anh Hoàng không có dự định gì sao?”. “Dự định gì?”, câu hỏi tôi đã nghe từ nhiều “đối tượng” khác nhau, nhưng cùng chung một ngụ ý.
Từ vài phụ huynh của học trò tôi dạy Anh văn, từ chính những học trò trong trường, từ mai mối cho con mình trong chuyến tổ chức vượt biên vội vã. Và bây giờ là An Thảo. Với bao hệ lụy vây quanh, tôi thật không thể nào có “dự định” hay ít nhất không thể lúc này. “Chưa có dự định gì đâu Thảo”, tôi nhìn nàng trong ánh mắt biết ơn. “Chắc anh Hoàng đang “mắc kẹt” bởi những học trò, bởi những lớp học của anh, phải hông?”, Thảo nói nhanh. Thị trấn nơi tôi dạy quả thật nhỏ như bàn tay. Ngôi trường cấp 3 duy nhất lại càng nhỏ hơn. Nhưng không hiểu sao hình ảnh ngôi trường và cái thị trấn bé nhỏ này giữ chân tôi đến như vậy. Có lẽ, Thảo nói đúng, lúc đó hay ít nhất lòng tôi chưa muốn cuộc “phân ly” và chân tôi vẫn nhiều vướng bận.
Chiều hôm đó chỉ có Thảo ở nhà, “Mẹ và chị Hiếu ra quán có chuyện cần giải quyết”, khuôn mặt thoáng chút đăm chiêu. Tách trà tỏa mùi hoa ngâu trắng cuối mùa mưa hương ngào ngạt. Buổi học chừng như cũng gượng ngập, vô hồn. Thỉnh thoảng Thảo đọc vất những từ ngữ dễ, quen thuộc. “Hay để tôi dạy bù vào hôm khác có đủ hai chị em. Hôm nay Thảo không tập trung”. Thảo không nói gì, xếp tập, gật đầu. Tôi cũng thu dọn bài tập chuẩn bị ra về. “Anh Hoàng đợi Thảo một chút”, vừa nói Thảo đi vào nhà sau.
Buổi chiều gió hanh hanh mùi nắng thấp. Có chút tĩnh lặng, có chút đợi chờ. Thảo ngồi xuống cạnh tôi: “Gặp anh, được anh Hoàng dạy Anh văn chắc cũng là cái duyên. Ngày mai ra sao, không ai biết trước phải hông anh?”. Tiếng Thảo ngập ngừng, khó khăn hơn: “Anh biết Thảo muốn nói gì. Thảo cảm ơn anh rất nhiều... Hôm nay Thảo muốn tặng anh món quà nhỏ. Mong anh Hoàng đừng từ chối, chê trách...”. “Thảo khách sáo quá. Món quà nhỏ thế nào, tôi cũng trân trọng”. “Vậy anh Hoàng nhắm mắt lại đi. Anh phải nhắm mắt thật chặc nghen!”. Tôi nhắm mắt lại thật chặc như lời Thảo. Khoảng tối lờ mờ rơi nhè nhẹ. Bờ môi con gái thoáng trên mắt, dọc theo sóng mũi và ngừng trên môi tôi. Bờ môi thật mềm ấm, hai bàn tay ấp ủ thật chặc thật lâu. Thật lâu đủ để tôi thấy những giàn hoa ngâu trắng chơi vơi, hương ngon lịm ngọt trên đầu lưỡi muôn trùng. Văng vẳng đâu đó, có tiếng hát ai mơ hồ cho một ngày mai không định trước:
“… Que sera, sera
“Whatever will be, will be
“The future's not ours to see
“Que sera, sera
“What will be, will be… (Que Sera Sera – Doris Day)
***
NVL giới thiệu hai tập thơ “ĐCTTTMC” và “Thao Thức” của Trần Trung Đạo (Atlanta – 2001)
Nhận lời mời, bà xã và tôi tham dự buổi ra mắt hai tập thơ “Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười” và “Thao Thức” của Trần Trung Đạo tại Atlanta, Georgia. Trạc tuổi nhau nên Đạo và tôi thân nhau ngay sau lần đầu tiên gặp gỡ tại Boston vài tháng trước. Tôi đã biết Đạo từ lâu qua bài thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười và những sinh hoạt của Đạo trên nhiều đoàn thể, nhóm trẻ đấu tranh những năm 90. “... Ví mà tôi đổi thời gian được / Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười”, tôi thường ngâm nga hai câu thơ tâm đắt.
Bài thơ được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc và biết đến nhiều cả ở hải ngoại và trong nước. Rồi Đạo thành lập nhóm Cây Me, một diễn đàn “mạng” bao gồm nhóm văn nghệ sĩ, giới sinh viên trẻ cùng nhau thảo luận, chia sẻ những sáng tác, những suy nghĩ canh cánh bên lòng. Diễn đàn nhanh chóng thu hút rất nhiều người cầm bút, anh chị em thế hệ trẻ và mở ra một đường hướng mới cho nhiều diễn đàn nối tiếp. Lần lên Boston vừa qua, bà xã và tôi ở nhà của Trần Trung Đạo. Đêm đó, tôi và Đạo có dịp trao đổi với nhau rất nhiều về văn học nghệ thuật, những “thao thức” về quê hương, về tuổi trẻ và những ước vọng của mai này. Đạo có giọng ngâm thơ và hát rất hay, truyền cảm. Vài giờ trước khi ra sân bay đi Atlanta thì nhận điện thoại của Trần Trung Đạo, nhờ tôi đọc bài giới thiệu cho hai tập thơ trong buổi ra mắt. Tôi chỉ có hơn một giờ để viết bài giới thiệu trên chuyến bay từ thành phố tôi ở đến Atlanta.
Buổi ra mắt hai tập thơ của Trần Trung Đạo thành công tốt đẹp, người tham dự kín cả hội trường. Bài giới thiệu của tôi cũng góp phần nho nhỏ, mấy anh nói “có giọng đọc tốt, truyền cảm”. Trong phần phổ biến và ký sách của Đạo, tôi có dịp gặp gỡ anh chị em văn nghệ sĩ tham dự và nhóm Lạc Việt. Thành phố Atlanta có rất nhiều gia đình cựu sĩ quan quân lực VNCH sinh sống. Bà xã thì nhập bạn với nhóm “phu nhân” các ông, chắc mặn về chuyện con cái, đời sống hơn văn học nghệ thuật!
Tôi, nhà văn Hồ Minh Dũng và nhà văn Lâm Chương có dịp gặp gỡ, tâm sự và hẹn làm một đêm không ngủ. Đêm không ngủ cho những kỷ niệm, những trải nghiệm của mỗi góc đời, mỗi số phận tưởng chừng không cùng, tưởng chừng như thất lạc. Hội trường hơi ồn ào, anh Lâm Chương đề nghị ra bên ngoài, dễ nói chuyện hơn. Mấy anh em lũ lượt kéo nhau đi, thì chợt có một cháu gái nhỏ đến hỏi: “Dạ ai là chú Hoàng ạ?”. “Là chú đây”, tôi rất ngạc nhiên khi nghe người gọi tên thật của mình. Hầu hết mọi người ở đây chỉ biết đến tôi qua bút hiệu Nguyễn Vĩnh Long mà thôi. “Có người gởi cho chú cái này”, cháu gái nhỏ đưa cho tôi một miếng giấy xếp gọn nhỏ rồi vội bỏ đi. Tưởng bà xã nhắn gửi gì đây, nên nói các anh ra ngoài trước, tôi sẽ theo sau.
Tôi mở miếng giấy nhỏ, bên trong võn vẹn vài dòng chữ ngắn, thật ngắn. Thật ngắn đủ để xô đẩy ký ức tôi chìm sâu bao lớp thời gian ngỡ chừng quên lãng. Trong chập chùng những ngày tháng mênh mông, sao chợt khoắc khoải một khung trời dĩ vãng. Một kỷ niệm muôn trùng, một khuôn mặt người trong những khuôn mặt người lờ mờ trí nhớ. Tôi vội nhìn quanh, nhìn vào đám đông trước mặt. Những khuôn mặt người bao quanh của đời sống. Để tìm ai, khi chính trong tôi không một hình ảnh nào trọn vẹn? Chỉ còn chăng là một cái tên? Chỉ còn lại chăng là bờ môi, là nụ hôn, là căn nhà có hoa ngâu trắng.
Trước mắt tôi là đám đông, là cuộc sống, là dòng đời trôi không ngừng bao tiếc nuối. Là em hay là ký ức của tôi. Gặp nhau hay gặp lại chính mình, bên bờ dĩ vãng. Thôi xin người, xin tôi hãy đi trọn cuộc đời dù khổ đau hay hạnh phúc. Chắc thấy tôi đứng thẫn thờ giữa đám đông, bà xã chạy đến hỏi: “Chuyện gì vậy anh?”. “Không có gì. Chắc tin nhắn của một người quen cũ”, tôi đưa cho bà xã mảnh giấy xếp nhỏ. Bà xã mở ra đọc nhanh:
“Mừng gặp lại người xưa. Thương gọi cố nhân ơi! Nhà có hoa ngâu trắng”.
Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét