Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Mùa Thu Qua Thi Nhạc


Thu là là khoảng thời giao hòa giữa đất trời nên thiên nhiên biến đổi làm cảnh vật muôn lá đổi màu. Paris trời vào thu nền trời xanh biếc, dọc hai bên những con đường là những hàng cây đầy lá vàng. Trên cành những chiếc lá phong vàng mong manh lóng lánh pha màu nắng rất thơ mộng. Tiết thu se se lạnh, cái ấm áp của mùa hè đã chuyển dần vào mùa đông tuyết phủ, sự nhiệm màu thiên nhiên là nguồn cảm hứng vô tận của nghệ sĩ. 

Thơ là nghệ thuât của lời, nhạc là nghệ thuật của âm thanh. Trong thơ có nhạc và họa, phải chăng thơ là nghệ thuật của nghệ thuật ? Trong không gian sắc màu, nếu người họa sĩ nhắm đôi mắt lại vẫn có thể phác họa được những hình ảnh, đường nét, màu sắc trong đầu và có thể vẽ trên khung vải, trên giấy bồi, nhưng làm sao vẽ được màu mắt của bức chân dung trên khung vải! Nhà đìêu khắc cũng thế, dù đôi bàn tay thật khéo léo đến đâu có thể nắn được khuôn mặt nhưng không thể nắn được con mắt có hồn ! Cũng ở trong trường hợp đó, một nhà văn, một nhạc sĩ khi nhắm mắt lại cũng chỉ có thể phác họa được cốt truyện, viết được giai điệu, một vài đoạn nhạc, nhưng để trở hành bài nhạc, cuốn truyện tác giả đều phải ghi lại con chữ và hình nốt để hoàn thành tác phẩm. Nhưng cũng là cách sử dụng con chữ, đối với nhà thơ khi nhắm mắt lại là lẽ thường tình để tìm ý nên vẫn có thể hoàn thành một bài thơ, vì thơ càng suy gẫm, cô đọng mà đầy đủ các chất tố nghệ thuật để trở thành bài thơ hay và sâu sắc lại càng khó!


Cách nay đúng một phần tư thế kỷ cũng vào mùa thu chúng ta tổ chức chiều Thi Nhạc mừa thu, ngày đó giới văn nghệ sĩ ở Paris không nhiều nhưng lại được đông khách mộ điệu đến tham dự để thưởng lãm chiều văn học nghê thuật. Những thi sĩ góp mặt như: Bằng Vân Trần Văn Bảng, Phượng Linh Đỗ Quang Trị nói về Thu Sầu, Hồ trọng Khôi, Song Thái Phạm Công Huyền, Đỗ Bình đọc thơ về Thu Tha Hương. Nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh, thi sĩ Phương Du Nguyễn Bá Hậu đọc thơ về Thu Nhớ Quê. Học giả Thái Văn Kiểm, GS Phạm Thị Nhung, thi sĩ Hoài Việt Nguyễn Văn Hướng nói về Thu Paris. Thuở đó giới nhạc sĩ sáng tác ở Paris rất ít, nhất là về đề tài Thu. 

Những nghệ sĩ đã từng sống ở Paris và đã sáng tác những ca khúc phổ thơ từng vang bóng một thời trước năm 1975, đó là: MùaThu Paris, thơ Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy Phổ. Mùa Thu Không Trở Lại nhạc & lời Phạm Trọng Cầu. Paris Có Gì Lạ Không Em , thơ Nguyên Sa, Ngô Thụy Miên phổ. Riêng nhạc sĩ Lam Phương trước năm 1975 khi còn ở trong nước đã sáng tác ca khúc Thu Sầu nổi tiếng khắp miền Nam, sau năm 1975 nhạc sĩ định cư ở Paris và Paris đã là nguồn cảm hứng của ông với những sáng tác về thu Paris: "Mùa Thu Yêu Đương, Thu Đến Bao Giờ". Nhạc sĩ Đào Tuấn Ngọc cũng thế, khi còn ở quê nhà trước năm 1975 ông đã sáng tác nhiều ca khúc về thu nhưng ít phổ biến, chỉ cho bằng hữu thưởng lãm, đó là những ca khúc: Vào Thu (1963), Lá Thu (1966), Tình Thu (1966), Đêm Thu Nghe Đàn Bên Sông (1968), Đêm Thu Vĩ Cầm (1987), Paris Chiều Nhớ (1987), Đồi Mơ (1988), Sáng Thu Thăm Mộ Chopin (1992), Thu Cảm (1993), Hồ Thu (1994) Khi Thu Rụng Lá (2008), phổ thơ Lưu Trọng Lư. Thu Sắp Về (2009), phổ thơ của Thụy Khanh thành ca khúc Cảm Thu. Phổ thơ: Thu Trên Sông Seine của Vương Thu Thủy, một nữ điêu khắc gia đã ra mắt tác phẩm và triển lãm ở Trung tâm Văn Hóa Quốc Tế Paris do tôi giới thiệu tác phẩm và tác giả. 

Mùa thu năm 2000 Nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh, nhà văn nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật từ Nauy sang nói chuyện văn học, cùng với nữ sĩ Hoàng Xuyên Anh từ Cali đến để ra mắt tác phẩm do giáo sư Lê Mộng Nguyên giới thiệu. Bài thơ của Vương Thu Thủy còn được nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên phổ. Thuở ấy những ca khúc về Thu Paris còn có nhạc sĩ Lê Phương với những ca khúc: Hoài Niệm Thu, Một Thời Vàng Phai, Mùa hu Paris Nhớ Sài Gòn, Lối Em Vẫn Ở Lòng Này, thơ Trần Thiện Hiệp, Lê Phương phổ. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Tuấn: Thu Hà Nội Sài Gòn Nhưng Yêu Paris, Đỗ Bình: Phố Khuya, Thu Cảm, Chiều Trên Sông Seine, Mưa Nguồn, Nắng Thu, Em Còn Trong Thơ. Nhạc sĩ Trịnh Hưng chuyên về sáng tác nhạc quê hương, ông viết một ca khúc về thu phổ thơ Đỗ Bình: Chỉ Yêu Cuộc Tình. Nhạc sĩ Vũ Thái Hòa: Chiều Bên Giòng Suối. Nhạc sĩ Đức Huy: Để Quên Con Tim. Nhạc sĩ Phạm Đình Liên: phổ bài thơ Thu của Quỳnh Liên, bài thơ Thu Tình Thương của Phương Du. ….

Chiều thu hôm nay chúng ta cùng nhau thưởng lãm về mùa thu qua thi nhạc với những bài thơ lừng danh thế giới của các thi sĩ tài danh Pháp của những thế kỷ trước như Guillaume Apollinaire, Jacques Prévert. Những danh sĩ đời Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị. Những thi sĩ tài danh Việt nam như Đinh Hùng, Nguyên Sa, Cung Trầrm Tưởng, những nhạc tài danh như Phạm Duy, Phạm Mạnh Cương, Cung Tiến, Phạm Trọng Cầu, Trường Sa. Thoáng trong tâm tưởng, tiếng đàn, tiếng hát, giọng ngâm sẽ đưa chúng ta trở về kỷ niệm xưa của quê hương bằng cõi mộng. 


Ở Âu Châu giới nghệ sĩ rất được ưu ái nhất là giới nhạc sĩ và ca sĩ. Họ được những người hâm mộ yêu thích và tôn sùng là thần tượng nên khi ban nhạc trình diễn ở đâu bất kể thời tiết mưa bão nắng tuyết vẫn luôn luôn có một số đông khán giả đến xem trình diễn. Ở Pháp giới nhạc sĩ thường là người nam trong đó có sáng tác và trình diễn, trong lãnh vực này những nữ nhạc sĩ cũng chiếm một số lượng đáng kể, đa số là nhạc công chơi trong nhạc các đại ban giàn nhạc giao hưởng. Đối với những người Việt định cư trên đất Pháp và Âu Châu, đa số các gia đình Việt Nam đều cho con theo học các môn nhạc cụ ở các viện âm nhạc địa phương hay viện âm nhạc quốc gia Paris, mục đích chỉ giúp cho trẻ hiểu biết thêm về giá trị âm nhạc và dùng âm nhạc như món giải trí tinh thần. Do đó rất nhiều em sau khi tốt nghiệp nhạc viện nhưng lại sống bằng nghề đã tốt nghiệp từ những ngành học khác. Nếu một em theo học âm nhạc là do cha mẹ cố ép mà không đam mê cung bậc thì dù có tốt nghiệp Nhạc Viện nhưng để lãng quên không tập dợt thường xuyên đến khi trình tấu lại một nhạc phẩm chỉ có thể chơi đúng cấu trúc hình nốt mà vẫn không thể lột được phần hồn của tác phẩm! Trong cộng đồng người Việt ở Paris, giới nhạc sĩ sáng tác những ca khúc Việt không nhiều. Riêng các nữ nhạc sĩ sáng tác lại càng hiếm. Ở Paris trong nhiều thập niên qua một số nữ nhạc sĩ trẻ tài sắc đã trình bày tác phẩm của mình ở những buổi nhạc thính phòng, Chiều Văn Học Nghệ Thuật : 

Thế hệ nhạc sĩ lớn tuổi:


Nhạc sĩ Lê Khắc Thanh Hoài: Sáng tác và là giáo sư Dương cầm. Nhạc sĩ Hồng Anh: Sáng tác và là giáo sư Dương cầm. 
Lớp nhạc sĩ thế hệ trẻ: 

Nhạc sĩ Linh Chi: Sáng tác và trình diễn, là một tay vĩ cầm. Nhạc sĩ Cát Tưởng: Sáng tac và trình diễn bằng Tây ban cầm. Nhạc sĩ Trang Thanh Trúc: Sáng tác và trình diễn bằng dương cầm. Nhạc sĩ Mộng Trang sáng tác và trình diễn bằng Tây ban cầm. Nhạc sĩ Hoàng Hoa bên Ý : Sáng tác và trình diễn, là một tay Tây ban cầm. Nhạc sĩ Jazzy Dạ Lam bên Đức : Sáng tác và trình diễn, là một tay Dương cầm. Nhạc sĩ Thi Hạnh bên Nauy: Sáng tác….

Đôi Dòng về Cát Tưởng:
Cát Tưởng khi mới vào tuổi đôi mươi là lúc quê hương chịu một biến cố đau buồn nên đã bị cuốn theo cơn lốc của đất nước. Có lẽ những hình ảnh của quê hương luôn ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn người thiếu nữ tha hương đã tạo sự rung động mãnh liệt. Từ đó trái tim nghệ sĩ của Cát Tưởng đã hòa nhập những vui buồn với tha nhân, với cuộc đời và đất nước để viết lên những vần thơ những ca khúc. Trong nghệ thuật Cát Tưởng đã tìm cho mình một lối để đi mà ca từ giai điệu và những ngôn ngữ thơ đã hòa quyện tạo thành một cõi riêng cõi của Cát Tưởng không trùng vào muôn ngàn lời ca, ý nhạc khác, của thế giới bao la nghệ thuật. Cát Tưởng là người nhạc sĩ khởi đầu viết về nhạc trữ tình trong đó chất chứa khung trời hình ảnh quê hương nên ca từ có chút triết lý nhân sinh. Sau nhiều năm sáng tác tâm hồn nhạc sĩ như những trái chín chứa nhiều vị ngọt hướng về Thiền và cách sống Thiền. Nhưng theo tôn giáo tu là giải thoát, lánh đời, mà tư tưởng Thiền có tính cách phá chấp, rất tự do thiên về cái đẹp của nghệ thuật. Người có tư tưởng thiền rất tự do phóng khoáng đi gần với cái Chân Thiện Mỹ. Cát Tưởng có tư tưởng và cách sống có màu sắc thiền. 

Qua bao nhiêu mùa trôi đi, sự biến đổi của thiên nhiên, cuộc đời, tình nhân thế, thế mà dòng nhạc của Cát Tưởng hôm nay giai điệu vẫn mượt mà, Cát Tưởng vẫn đam mê, mơ mộng nên chất thơ nhạc vẫn bồng bềnh lãng mạn truyền cảm. Những ca khúc: Khép Cơn Mê Địa Đàng, Tim Nuông Nụ Hồng và Người Ơi Tình Ơi.

Nhạc sĩ Cát Tưởng tự hòa âm & phối khí, một ngành rất khó của âm nhạc. Tác giả chơi đàn và trình bày. Tiếng hát đượm chất buồn xa vắng hòa trong nhạc cảnh đã giúp cho giai điệu nhạc phẩm thêm chất thơ.

Khép Cơn Mê Địa Đàng
Đỗ Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét