Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

Đất Phương Nam I - Tây Ninh Dưới Thời Pháp Thuộc (Phần 2)



Tây Ninh Dưới Thời Pháp Thuộc:

Ngày 1 tháng 11 năm 1859, liên quân Pháp-Y Pha Nho từ Đà Nẳng kéo vào đánh thành Gia Định. Đến năm 1861, giặc Pháp hoàn toàn làm chủ tỉnh Gia Định, sau đó chúng tiến lên chiếm luôn các vùng Biên Hòa, Trảng Bàng và Tây Ninh. Sau hòa ước Nhâm Tuất 1862, triều đình Huế nhường đứt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ(9) cho Pháp. Năm năm sau, giặc Pháp chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây. Như vậy, sau ngày 23 tháng 6 năm 1867, Nam Kỳ hoàn toàn thuộc Pháp. Khi quân Pháp tiến chiếm phủ lỵ Tây Ninh, quan Tham Tán quân Vụ tên là Tường, đã quyết chống cự đến cùng, nhưng sau đó vì yếu thế, nên phải rút quân vào xóm An Cơ tiếp tục kháng chiến. Pháp quân phải nhờ viện binh ở Sài Gòn lên đánh, cuối cùng quan tham tán tử trận, nghĩa quân tan rã. Tuy nhiên, từ đó về sau, thỉnh thoảng nghĩa quân vẫn kéo về đánh phá các đồn binh Pháp.
Sau khi chiếm Tây Ninh, người Pháp vẫn lấy hai quận Tân Ninh và Quang Hóa để thành lập phủ Tây Ninh, trực thuộc Sài Gòn. Tại mỗi phủ, Pháp đặt ra một đoàn quân sự. Đến năm 1868, hai đoàn quân sự tại Tân Ninh và Quang Hóa bị bãi bỏ, và thay vào đó là hai ty hành chánh, một đặt tại Tây Ninh và một đặt tại Trảng Bàng. Đến ngày 5 tháng 6 năm 1871, Thống Đốc Nam Kỳ ký sắc lệnh thành lập tỉnh Tây Ninh, tỉnh lỵ đặt tại Tây Ninh, và quyết định bãi bỏ ty hành chánh Trảng Bàng(10). Năm 1890, nhân danh là chủ nhân ông của Nam kỳ, thực dân Pháp đã cắt phần đất dọc theo rạch Ngã Bát nhượng cho Cao Miên. Đây là phần đất rất quan trọng cho nền kinh tế của Tây Ninh. Thời bấy giờ, Tây Ninh gồm có hai thị trấn Tây Ninh và Gò Dầu Hạ, và hai quận Thái Bình(11) và Trảng Bàng(12). Năm 1942, quận Thái Bình được đổi tên làm quận Châu Thành. Ngày 12 tháng 8 năm 1948, quận Gò Dầu được thành lập, nhưng đến năm 1954 lại bị sáp nhập vào quận Trảng Bàng.

Tây Ninh Dưới Thời Việt Nam Cộng Hòa:

Năm 1948, chánh phủ lâm thời Việt Nam thành lập quận Gò Dầu Hạ, nhưng đến năm 1954, quận nầy bị bãi bỏ để sáp nhập vào quận Trảng Bàng. Ngày 9 tháng 3 năm 1955, do nghị định của Tòa Đại Biểu Chánh Phủ tại Việt Nam, quận Gò Dầu hạ được tái lập kể từ ngày 25 tháng 3 năm 1955. Như vậy, dưới đầu thời đệ nhứt Cộng Hòa, Tây Ninh có 3 quận là Châu Thành, Gò Dầu Hạ và Trảng Bàng. Năm 1956, ấp Phước Mỹ, thuộc xã Phước Chỉ trong quận Trảng Bàng bị cắt ra cho sáp nhập vào tỉnh Long An. Năm 1959, quận Trảng Bàng và Gò Dầu Hạ được đổi tên là Phú Đức(13) và Hiếu Thiện(14). Ngày 23 tháng 7 năm 1961, hai quận Trảng Bàng và Gò Dầu Hạ trước đây, nay được chia làm 3 quận: Phú Đức(15), Hiếu Thiện(16) và Khiêm Hanh(17). Đến năm 1963, xã Bến Củi của quận Khiêm Hanh được nhập vào tỉnh Bình Dương. Sau đó, vào ngày 15 tháng 10 năm 1963, quận Phú Đức trực thuộc tỉnh Hậu Nghĩa. Tây Ninh lúc nầy có 4 quận là Phú Khương(18), Phước Ninh(19), Hiếu Thiện(20) và Khiêm Hanh(21).
Về vị trí, tỉnh Tây Ninh Bắc giáp Cao Miên với đường biên giới dài trên 240 cây số, Đông Bắc giáp Bình Long, Đông Nam giáp Bình Dương, Tây giáp Cao Miên, và phía Nam giáp Sài Gòn và Long An. Tổng diện tích Tây Ninh khoảng 4.028 cây số vuông, và dân số trên 1.000.000 người, đa số là người Việt, một số ít là người Stiêng và người Khmer. Địa thế đất đai Tây Ninh tương đối cao so với các vùng khác ở miền Đông Nam Phần và phần lớn là đất đỏ và đất xám, tuy nhiên nhờ đất đai bằng phẳng và nhờ có ba con sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và sông Sài Gòn chảy qua, rồi lưu lượng nước được trữ lại trong hồ Dầu Tiếng, nên đất đai Tây Ninh tương đối khá trù phú.
Về mặt cư dân, vào thời Pháp thuộc, khoảng đầu thế kỷ XX, dân số Tây Ninh thưa thớt, trong khắp tỉnh chỉ có khoảng chưa đầy 100.000 dân, đa số là người Việt, kế đến là người gốc Khmer, rồi đến người Việt gốc Hoa... Hiện tại, theo thống kê năm 2007, Tây Ninh có diện tích khoảng 4.028 cây số vuông và tổng dân số khoảng 967.900 người.
Về mặt tôn giáo, cũng như đa số dân chúng Nam kỳ, dân Tây Ninh tính tình thuần lương hiền hòa, đa số theo đạo Phật, một số khác theo Thiên Chúa, Tin Lành, Cao Đài, và Hòa Hảo. Phật giáo đã có cơ sở vững chắc tại Tây Ninh, với một số ngôi chùa đã xây dựng trên 200 năm nay. Theo thống kê của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1960, thì lúc đó Tây Ninh có trên 60 phần trăm người theo đạo Phật và thờ ông bà, khoảng từ 2 đến 3 phần trăm theo đạo Thiên Chúa, 25 phần trăm theo đạo Cao Đài, và số còn lại theo các tôn giáo khác như Hồi giáo, Ấn giáo, và Phật giáo Hòa Hảo, vân vân.

Sự Quan Trọng Của Sông Ngòi Đối Với Nền Kinh Tế Của Tây Ninh:
Tây Ninh có 2 con sông lớn là sông Sài Gòn chảy theo biên giới Tây Ninh và Bình Dương, rồi chảy vào Tây Ninh qua ngã rạch Sanh Đôi. Sông Vàm Cỏ Đông, phát nguyên từ vùng biên giới Việt-Miên, chảy ngang qua Tây Ninh và có lưu lượng lớn hơn sông Sài Gòn, chảy vào Tây Ninh bằng ngã rạch Cái Bác, rạch Sóc Om, rạch Tây Ninh. Trước khi chảy vào địa phận quận Gò Dầu, sông Vàm Cỏ Đông chảy dọc theo các xã Thạnh Đức, Hiệp Thạnh, Phước Trạch, rồi chảy vào Gò Dầu Hạ, sau đó nó chảy qua vùng Thanh Phước rồi chảy vào rạch Trảng Bàng, mỗi ngày đều có thủy triều lên (nước lớn) và thủy triều xuống (nước ròng), rất thuận tiện cho việc giao thông đường thủy. Nhờ vậy mà đường thủy của Tây Ninh chiếm địa vị trọng yếu trong giao thông vận chuyển. Bên cạnh đó, sông Vàm Cỏ Đông đã đem đến cho cả vùng Tây Ninh một số lượng thủy sản đáng kể để nuôi dân chúng trong vùng. Tuy nhiên, về sau nầy thì số lượng cá tôm giảm dần, nên người ta phải nuôi cá tôm nước ngọt để thay thế cho nguồn thủy sản tự nhiên. Tây Ninh có khí hậu nóng và ẩm hơn các nơi khác ở Nam kỳ, tuy nhiên cũng có 2 mùa mưa nắng như các nơi khác (mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa nắng từ tháng 12 đến tháng 4). Cũng như bao nhiêu vùng khác ở Nam kỳ trước đây đều thuộc vương quốc Phù Nam, sau khi vương quốc Phù Nam diệt vong thì Chân Lạp làm chủ.

Về kinh tế, Tây Ninh có nhiều sông ngòi khá lớn, như các sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn; bên cạnh đó, Tây Ninh còn có hồ Dầu Tiếng, vừa là một trong những công trình thủy lợi lớn trên toàn quốc, vừa có thể giúp dẫn thủy nhập điền cho trên 20.000 mẫu tây ruộng rẫy. Tuy nhiên, Tây Ninh là vùng đất cao, nối tiếp với vùng đất đỏ Biên Hòa nên không thuận lợi cho việc trồng lúa nước. Ngược lại, đất đai Tây Ninh rất thích hợp cho việc trồng cây cao su, cà phê, trà. Mãi đến ngày nay, rừng rậm Tây Ninh vẫn còn là quê hương của những loại danh mộc như cẩm lai, gõ, trắc... và những loại hoang thú như cọp, tê giác, voi và chim các loại. Tuy nhiên, những năm sau này vì bị người ta săn đuổi ráo riết nên hoang thú đã rút dần lên miền biên giới Miên Lào. Ngoài ra, với những rừng sinh thái và hồ thiên nhiên, Tây Ninh đã trở thành một trong những điểm du lịch hay nghỉ ngơi cuối tuần cho thị dân vùng Sài Gòn và Chợ Lớn sau những ngày làm việc mệt nhọc. Tuy là vùng đất cao, nhưng những vùng đất hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn cũng rất phì nhiêu màu mỡ, thích hợp cho việc trồng lúa nước. Hiện nay dân chúng Tây Ninh đang cố gắng phát triển nông nghiệp bằng cách làm 2 hoặc 3 mùa vụ trong một năm, và có thể thâu hoạch từ 4 đến 5 tấn lúa cho mỗi mẫu trong một vụ mùa. Bên cạnh đó, người dân Tây Ninh cũng khai thác triệt để ưu điểm của tỉnh mình bằng cách gia tăng trồng cây công nghiệp như các loại cây cao su, cà phê, mía, hồ tiêu, hạt điều, đậu phộng, và trà, vân vân. Từ trước đến nay đối với người miền Nam, hễ nghe nói đến Tây Ninh là họ liên tưởng ngay đến những vùng rừng núi với nhiều loại gỗ khác nhau như, sao, dầu, bằng lăng, gõ, liêm, trắc, vân vân, nên kỹ nghệ về ngành mộc của Tây Ninh rất phát triển. Bên cạnh rừng núi, Tây Ninh cũng có nhiều sông-kinh-rạch khắp nơi, lại thêm giao thông đường bộ rất hạn chế, nên đa số cư dân trong vùng đều sử dụng ghe xuồng làm phương tiện chính trong giao thông hằng ngày. Chính vì thế mà nghề đóng ghe xuồng ở Tây Ninh đã phát triển rất sớm. Khắp nơi từ Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Hòa Thành, xuống Gò Dầu, Bến Cầu và Trảng Bàng, đi đâu đến đâu người ta cũng thấy các cơ sở đóng ghe xuồng như tại Trảng Bàng có những xưởng lớn ở các xã An Hòa và Phước Chỉ, tại Gò Dầu có xưởng ở xã Cẩm Giang, và tại Hòa Thành có xưởng ở xã Long Thành Nam, vân vân. 



Những Nghề Truyền Thống Và Đặc Sản Tây Ninh:
Ngoài những nguồn lợi quan trọng từ những cây công nghệ như cây cao su, cà phê, mía, hồ tiêu, hạt điều, đậu phộng, và trà, vân vân, Tây Ninh còn có nhiều nghề truyền thống lâu đời cũng góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế trong toàn tỉnh Tây Ninh ngày nay như nghề đóng ghe xuồng, nghề chằm nón lá, và nghề bánh tráng phơi sương, vân vân. Từ lâu, Tây Ninh vẫn nổi tiếng với các loại ghe ô và ghe lê(22), ghe tam bản(23), ghe mũi chài(24), và ghe chài(25). Trong thời các chúa Nguyễn mới mở cõi về phương Nam, tức vào khoảng thế kỷ thứ XVII thì nguyên liệu để đóng ghe xuồng hãy còn dồi dào vì những khu rừng sao, dầu, vên vên, căm xe, cà chắc, trắc, vân vân, hãy còn rất nhiều. Ngày nay, nguồn rừng tại địa phương đã từ từ cạn kiệt nên các xưởng đóng ghe xuồng phải nhập cảng gỗ từ Campuchia hay Lào. Tuy giá thành ngày nay có mắc hơn ngày trước, nhưng nhờ phẩm chất tốt nên kỹ nghệ đóng xuồng Tây Ninh vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Ghe xuồng Tây Ninh nổi tiếng từ bao đời nay nhờ tính chắc, bền, nhẹ, nổi trên nước và lâu hư.

Riêng tại vùng Trảng Bàng, dù nằm sát nách Sài Gòn, lại là địa phương nổi tiếng rừng rậm hoang vu trong thời chiến tranh, nhưng cũng sớm nổi tiếng với những món ăn dân giã từ thời xa xưa, như bánh canh Trảng Bàng, bánh ú lá tre, bánh tráng phơi sương cuốn rau với thịt luộc, vân vân. Huyện Trảng Bàng nằm trên quốc lộ 22, cách Sài Gòn chỉ khoảng 40 cây số. Đây là một trong những địa phương có nhiều làng nghề thủ công truyền thống, đặc biệt nhất là tại ấp Lộc Du trong huyện Trảng Bàng có xóm bánh tráng chuyên làm nghề ‘Bánh tráng phơi sương’. Điểm đặc biệt là bột gạo làm bánh tráng chỉ làm từ một loại gạo duy nhất, đó là gạo “Nàng Miên”, một loại lúa chỉ trồng được ở vùng biên giới Miên-Việt mà thôi. Kỹ thuật tráng bánh cũng rất đặc biệt, sau khi tráng và phơi bánh xong, người ta đem nướng rồi phơi sương vào khoảng tờ mờ sáng hoặc vào lúc ban đêm. Những lúc có nhiều sương, người ta chỉ cần phơi ngoài sương khoảng từ 15 đến 20 phút, rồi đem bọc kín trong lá chuối tươi để giữ cho bánh vừa mềm vừa xốp. Theo các bô lão địa phương, sở dĩ bánh được đem phơi sương vì ông bà mình muốn tiếp thêm tinh lực của đất trời cho bánh tráng. Người ta thường dùng bánh tráng phơi sương để cuốn với thịt, tép, tôm, và đủ loại rau như rau cần nước, rau răm, rau dắp cá, tía tô, rau húng, hẹ, vân vân. Bên cạnh đó, người Trảng Bàng còn thêm vào bánh tráng cuốn một số rau mà chỉ ở Nam Kỳ mới có như rau cóc, lá lụa, lá săng máu, lá vừng, lá bứa, lá trâm ổi, lá mặt trăng, lá ô dước, lá quế, vân vân. Đây quả là một món ăn thật đặc sắc của vùng Trảng Bàng. Ngoài ra, phải nói bánh canh Trảng Bàng không còn bị co cụm trong phạm vi Tây Ninh nữa, mà tiếng tăm của nó đã lan đến Sài Gòn và khắp Nam Kỳ. Thường thì người ta dùng loại gạo ngon để xay bột làm bánh canh như gạo Nàng Thơm Chợ Đào hay gạo Nàng Hương, vân vân. Tinh bộ được đem hấp chín trước khi ép thành những lọn bánh canh. Ngày nay, bánh canh tươi đã được phân phối không chỉ trong phạm vi Trảng Bàng hay Tây Ninh, mà còn đến các quận huyện tại Sài Gòn nữa. Ngày nay, ai đến Trảng Bàng hầu như cũng đều nghe nhắc đến hai món ăn đặc thù là bánh canh giò heo và bánh tráng phơi sương cuốn rau với thịt luộc. Mà thật vậy, hai món ăn đặc thù nầy không những là niềm tự hào của người dân Trảng Bàng, mà chúng cũng góp phần không nhỏ cho ngân quỹ trong đời sống hằng ngày của cư dân tại đây.
Tỉnh Tây Ninh còn nổi tiếng với nghề chằm nón lá truyền thống đã có từ rất lâu đời. Tại những vùng An Phú và An Hòa trong huyện Trảng Bàng thì có các ‘Xóm Nón Lá’, và trong thị xã Tây Ninh có ‘Làng Nón Lá Ninh Sơn’, vân vân. Tại Tây Ninh không có lá buông và dây thao để làm nón là bài thơ như nón Huế, nhưng lại có rất nhiều lá ‘mật cật’ cũng tốt không kém lá buông. Dầu không đẹp như lá buông, nhưng lá ‘mật cật’ có đặc tính là khi gặp mưa lá vẫn thẳng chứ không bị dúm lại. Chính vì vậy mà nón lá ‘mật cật’ ở đây rất thông dụng cho những người lao động. Và mặc dầu người dân ở đây không thể làm giàu với nghề chằm nón lá, nhưng chính nghề nầy đã giúp ích không nhỏ cho cuộc sống của người dân Trảng Bàng từ bao đời nay. Bên cạnh những nghề thủ công truyền thống vừa kể, sau các mùa vụ người dân Tây Ninh còn làm nhiều ngành nghề khác như đan lát, mây, tre, nứa... cũng như ngành mộc chuyên đóng những loại tủ hàng, bàn, ghế, giường... để cung cấp cho địa phương cũng như các vùng lân cận. 


Về đặc sản, phải nói núi Bà Đen ở Tây Ninh là nơi có rất nhiều loại động vật quí hiếm, tuy nhiên, hai loại động vật chỉ sinh trưởng được ở vùng nầy là thằn lằn và ốc núi. Thường thì chỉ cần lên lưng chừng núi ở khoảng độ cao 100 mét là người ta có thể tìm thấy những con ốc núi, nhưng phải lên tới khoảng giữa triền núi người ta mới tìm được những con thằn lằn núi. Ngày trước thì người dân địa phương tự do lên núi để tìm bắt hai loại động vật nầy, nhưng bây giờ thì chánh phủ đã có lệnh cấm bắt vì chúng được xếp vào loại động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Ốc núi thường ăn lá vông, lá nàng hai, lá mã tiền. Điểm đặc biệt là loại ốc núi nầy thường ăn nhiều để tích trữ đầy đủ chất dinh dưỡng vào cuối mùa mưa, để kịp đến mùa khô thì chúng rút sâu vào các hóc núi chứ không ra đi ăn bên ngoài. Theo các nhà chuyên môn về đông y, vì thực phẩm của ốc núi là những loại dược thảo tốt nên thịt ốc cũng cho chúng ta nhiều vị thuốc. Ngày nay, một số cư dân Tây Ninh cố gắng chăn nuôi tại nhà hai loại động vật nầy, nhưng kết quả không mấy khả quan. Bên cạnh đó, trên triền núi Bà Đen có rất nhiều mãng cầu (quả na) rất thơm và ngon. Người ta đã cố gắng đem những cây con về trồng tại vườn nhà và kết quả rất tốt. Hiện tại, mãng cầu núi Bà Đen chẳng những nổi tiếng tại Tây Ninh, Sài Gòn hay Nam Kỳ, mà nó còn được xuất khẩu sang các nước Âu Mỹ, và Trung quốc nữa. Nói đến Tây Ninh mà không nói đến muối ớt Tây Ninh quả là thiếu sót lớn, vì ngày nay loại muối ớt nầy chẳng những phổ biến ở Nam Kỳ mà hầu như nó cũng rất phổ biến với các cộng đồng người Việt ở hải ngoại nữa. Phổ biến nhất là hai loại muối ớt tôm và muối ớt chay. Để làm được muối ớt ngon, không phải chỉ pha muối với ớt và tôm là đủ, mà người ta phải lựa muối thật kỷ trước khi đem rang, và chỉ rang đến khi muối vừa độ chín chứ không bị biến thành bột, sau đó phải phơi sao cho đúng thời gian và đúng bao nhiêu nắng thì phải vô keo. Hiện nay tại tỉnh Tây Ninh đã có hàng trăm cơ sở sản xuất muối ớt, nhất là tại các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu và Hòa Thành.

Giao Thông Thủy-Bộ Trong Tỉnh Tây Ninh:


Về đường bộ, nhờ thế đất cao ráo nên Tây Ninh có một hệ thống đường bộ phát triển ngay từ thời khai khẩn miền Nam của các chúa Nguyễn. Hiện nay, liên tỉnh lộ 22(26) đi ngang qua quốc lộ số 1 nối liền Tây Ninh-Sài Gòn dài 99 cây số. Liên tỉnh lộ này đi từ Sài Gòn lên Trảng Bàng, đến Gò Dầu, chia làm hai ngã, quốc lộ 22 A từ ngã ba Gò Dầu đi về hướng tây qua Bến cầu, đến biên giới Việt-Miên tại Mộc Bài(27); con đường này trở thành quốc lộ số 1 của Cao Miên, tiếp tục chạy lên Soài Riêng rồi sau đó qua phà Neak Luong để đi về Nam Vang. Trong khi quốc lộ 22B từ ngã ba Gò Dầu đi về phía Tây Bắc đến thị xã Tây Ninh, Tân Biên, và đến vùng biên giới Việt-Miên tại Xa Mát. Tại biên giới liên tỉnh lộ này cũng qua Soài Riêng rồi nối liền với quốc lộ 1 đi Nam Vang. Lộ 19 từ Trảng Bàng chạy vào ranh giới Gò Dầu Hạ tại cầu Cây Trường, đến ngã ba Bàu Đồn gặp lộ 26 chạy lên Truông Mít, Dương Minh Châu, và Dầu Tiếng. Sau năm 1975, chánh quyền mới xây dựng đường Xuyên Á(28), chạy đến cửa khẩu Mộc Bài, rồi qua đất Cao Miên. Tỉnh lộ nối liền Tây Ninh- Katum dài 36 cây số. Ngoài ra, Tây Ninh còn có tỉnh lộ 787, từ Trảng Bàng đi theo hướng đông bắc, sau khi qua khỏi Cầu Xe thì đổi hướng theo tây bắc, đến ấp 2 của Bến Củi sẽ gặp tỉnh lộ 790(29) đi Dầu Tiếng, rồi tiếp tục đi Thủ Dầu Một. Từ Trảng Bàng có tỉnh lộ 784 đi Tây Ninh (ngang qua Tòa Thánh Tây Ninh). Từ thị xã Tây Ninh có tỉnh lộ 785 đi Tân Châu, tỉnh lộ 788 đi Tua Hai đến tận biên giới Việt Miên, tỉnh lộ 781 đi Phước Tân, tỉnh lộ 786 đi Bến Cầu và biên giới Mộc Bài. Từ Tân Biên qua Tân Châu có tỉnh lộ 795, sau đó nhập vào tỉnh lộ 785 tại Tân Châu, đến Kà Tum lại có thêm tỉnh lộ 794, chạy theo hướng đông-nam đi Bố Túc, Suối Ngô, đến ấp 4 Tân Hòa, rồi chạy theo hướng tây-đông đi Bình Phước. Biên giới Tây Ninh là vùng đất mà 2 dân tộc Việt Miên hãy còn tranh chấp cho đến bây giờ. Trên quốc lộ 22B, giữa đường từ Tân Biên đi Xa Mát, khoảng Thiện Ngôn-Tân Thanh, có tỉnh lộ 783 chạy theo hướng tây-nam đi Lò Gò. Từ Lò Gò có tỉnh lộ 791, chạy dọc theo biên giới Việt-Miên đến tận vùng Tân Lập-Xa Mát. Từ Xa Mát có tỉnh lộ 792 chạy dọc theo biên giới hình chữ U ngược đi về vùng Tân Hà (huyện Tân Châu). Từ Lò Gò lại có tỉnh lộ 788, chạy theo hướng đông-nam, qua các xã Hòa Hiệp (Tân Biên), Phước Vinh, Hảo Đước, Thái Bình (huyện Châu Thành), gặp quốc lộ 22B tại Chòm Dừa. Từ thị xã Tây Ninh có tỉnh lộ 781 đi huyện Châu Thành, qua Bến Sỏi, đến tận biên giới Việt-Miên tại vùng Phước Tân. Tại Bến Sỏi có tỉnh lộ 786, chạy theo hướng đông-nam đi Long Giao và Bến Cầu, cắt quốc lộ 22A, rồi chạy theo hướng bắc-nam xuống Bình Hòa, Phước Đông, rồi cắt tỉnh lộ 822 bên Đức Huệ, thuộc tỉnh Long An.

Về giao thông đường thủy, nhờ hai con sông Sài Gòn và Vàm Cỏ cũng như rất nhiều rạch lớn trong tỉnh, nên sự lưu thông đường thủy trong địa phận cũng như từ Tây Ninh đến các tỉnh thành lân cận rất thuận tiện. Ngoài ra, từ năm 1958, nhờ công trình thủy lợi nên Tây Ninh còn có thêm những con kinh rất tiện cho việc dẫn thủy nhập điền và lưu thông như kinh số 1 dài 1,3 cây số; kinh số 2 dài 4,7 cây số; kinh số 3 dài 2,6 cây số; kinh số 4 dài 4,5 cây số; và kinh Séville. Hồ Dầu Tiếng của Tây Ninh ngoài việc cung cấp nước và thủy sản, còn là tuyến giao thông thủy quan trọng giữa các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu, và Dầu Tiếng của tỉnh Bình Dương. Các nguồn nước chảy từ suối Nước Đục(30), và suối Krai(31), cả hai con suối nầy nhập vào sông Tha La, chảy theo hướng bắc-nam vào hồ Dầu Tiếng. Nguồn nước khác bắt đầu từ Suối Ngô chảy theo hướng bắc-nam đến Hang Đá rồi đổ vào hồ Dầu Tiếng. Một nguồn nước khác, đó là rạch Chàm (Tonlé Chàm), bắt nguồn từ biên giới Cao Miên, chảy dọc theo biên giới trong huyện Lộc Ninh, xuống An Lộc, rồi đổ vào hồ Dầu Tiếng. ngoài ra, còn rất nhiều sông rạch nhỏ khác cũng đổ vào hồ Dầu Tiếng từ phía Bình Long-Phước Long như sông Xa Cát và Suối Lấp, vân vân, và ngay cả sông Sài Gòn cũng bắt nguồn từ hồ Dầu Tiếng. Sông Vàm Cỏ Đông phát nguyên từ bên đất Cao Miên, khi vào Việt Nam nó chảy dọc theo biên giới huyện Tân Biên và Cao Miên khoảng 28 cây số, với các chi lưu như rạch Bến Đá được kết hợp bởi ba con rạch chảy từ đất Cao Miên, theo hướng bắc-nam qua Suối Cho, Suối Mây, gặp rạch Bến Đá tại Tân Biên, rồi đổ vào sông Vàm Cỏ Đông tại vùng Phước Lợi (huyện Châu Thành).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét