Theo tất cả các từ điển, tự điển được xuất bản từ xưa đến nay, ta tìm thấy có 31 chữ QUÁN, bao gồm tất cả những chữ cổ và chữ ít thông dụng nhất. Trong phạm vi bài viết nầy, ta chỉ đề cập đến 5 chữ QUÁN thông dụng nhất mà thôi : QUÁN 冠 là Bao trùm; QUÁN 貫 là Xuyên suốt; QUÁN 慣 là Thói quen; QUÁN 舘 là Nhà trọ và QUÁN 觀 là Đạo Quán, là nơi tu tập của các Đạo sĩ. Ta bắt đầu với...
* QUÁN 冠 là BAO TRÙM. Tiêu biểu nhất là từ QUÁN QUÂN 冠軍 là "Bao trùm cả Tam quân là Bộ binh, Kỵ binh và Thủy binh", là Hạng nhất trong quân ngũ. Ngày xưa chỉ có các cuộc thi tài được diễn ra trong quân đội để chọn ra các dũng sĩ dũng tướng tài giỏi để cầm quân đánh giặc. Các cuộc thi tài trong quân đội được xếp hạng như sau :
1. QUÁN QUÂN 冠軍 : Hạng Nhất trong tam quân.
2. Á QUÂN 亞軍 : Hạng Nhì trong tam quân.
3. QUÝ QUÂN 季軍 : Hạng Ba trong tam quân.
4. ĐIỆN QUÂN 殿軍 : Hạng Tư trong tam quân.
Sau nầy các phong trào thể dục thể thao phát triển rộng rãi, nên mới có các cuộc thi tài được tổ chức, như Á Vận Hội, Thế Vận Hội... và theo thói quen, người ta vẫn sử dụng các từ QUÁN QUÂN, Á QUÂN để chỉ Hạng Nhất và Hạng Nhì; Còn từ QÚY QUÂN và ĐIỆN QUÂN thì bị đào thải lãng quên đến... không còn ai biết tới nữa !(Ngoại trừ người Hoa vẫn còn sử dụng). Trước mắt các cuộc thi tài được xếp hạng như sau :
1. 冠軍 Quán Quân với Huy chương Vàng = champion.
2. 亞軍 Á Quân với Huy chương Bạc = first runner up / 1 st runner up.
3. 季軍 Qúy Quân với Huy chương Đồng = second runner up / 2 nd runner up.
Đúng ra, đây là chữ 冠 QUAN (không có dấu Sắc); đọc là QUÁN là theo phép Giả Tá mà thôi. Theo "CHỮ NHO... DỄ HỌC" chữ QUAN có diễn tiến chữ viết như sau:
Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư
Ta thấy:
QUAN 冠 là chữ Hội Ý, gồm có bộ MỊCH 冖 ở trên chụp xuống, có nghĩa là Đậy lại; phần dưới bên trái là chữ NGUYÊN 元 có nghĩa là ĐẦU, bên phải là chữ THỐN 寸 là hình tượng của cái TAY Co lại. Hội Ý là : "Co tay lại để vật gì đó đậy lên đầu". Nên QUAN là Cái Mão, bây giờ ta gọi là cái Nón, cái Mũ.
Y QUAN 衣冠 : là Áo Mão. Bây giờ ta gọi là Y PHỤC 衣服 : là Quần Áo. Ta có Thành ngữ : "Y QUAN CẦM THÚ 衣冠禽獸", có nghĩa : Cầm thú mặc áo đội mão như người, để chỉ những kẻ tán tận lương tâm, mất hết nhân tính, như là thú vật được cho mặc quần áo giống như người mà thôi ! Nên...
QUAN 冠 là Danh từ, có nghĩa là Cái Mão, cái mũ, cái nón. Khi được mượn làm Động từ theo phép Giả Tá thì đọc là QUÁN 冠, có nghĩa là Đội mão, đội mũ, đội nón.
Ngày xưa có lệ hễ con trai đến 20 tuổi thì được làm lễ đội mão, gọi là GIA QUAN 加冠 và được lấy Tự hiệu cho mình theo như một câu trong sách Lễ Ký 禮記 : Nam tử nhị thập QUÁN nhi TỰ 男子二十冠而字. Nên QUÁN GIẢ 冠者 là chỉ người đã thành niên, đã là người lớn rồi. Theo như một câu trong sách Luận Ngữ mà Kim Dung đã đưa vào truyện "Anh Hùng Xạ Điêu" với nhân vật Hoàng Dung rất lý thú như sau:
... Thấy Hoàng Dung giỏi văn thơ và đã lên tiếng chê trách là ông chỉ đọc sách như vẹt, chứ không hiểu hết ý nghĩa của Thánh hiền, qua câu chuyện : Khi nghe ông Độc đọc một câu trong sách Luận ngữ là :"Mạc xuân dã, xuân phục ký thành, QUÁN GIẢ ngũ lục nhân, đồng tử lục thất nhân, dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi qui...末春也,春服既成,冠者五六人,童子六七人,浴乎宜,風乎宇于,咏而歸...". Có nghĩa ; Vào cuối xuân, quần áo mùa xuân đã may xong, năm sáu người lớn, sáu bảy trẻ nhỏ, tắm ở dòng sông Nghi, hứng gió ở đền Vũ Vu, rồi hát mà về...(tả cảnh sống thanh bình vui vẻ, tự do tự tại của dân chúng trong buổi đầu xuân)... mà hỏi ông rằng : "Ông đọc sách Thánh hiền, mà có biết Bảy Mươi Hai người thành đạt 七十二賢 (thất thập nhị hiền) trong số 3 ngàn học trò của Không Tử, là : Có bao nhiêu người già, bao nhiêu người trẻ không ? Ông Độc suy nghĩ mãi không ra , sách chỉ nói Thất thập nhị Hiền, chứ đâu có nói gì đến già trẻ đâu. Hoàng Dung mới cười ông , và đem câu Luận ngữ mà ông vừa đọc ở trên để giải thích như thế nầy : QUÁN GIẢ 冠者 là người đội mũ, là người lớn, ngũ lục nhân, năm sáu người, 5 lần 6 là 30 người. Đồng tử 童子 là con nít là người trẻ, lục thất nhân, sáu bảy người, 6 lần 7 là 42 người. 30 cộng với 42, chẳng phải 72 là gì ? Cho nên tôi nói ông chỉ đọc sách như vẹt, chứ không hiểu hết ý nghĩa sâu xa ở bên trong là vậy đó !". Thấy Hoàng Dung mặc dù ngụy biện, lấy câu sách mình vừa đọc để mắng mình, nhưng cũng phải phục tài thông minh, cơ trí của cô ta...
QUÁN còn có nghĩa phát sinh là "Bao trùm từ trên xuống dưới", như ta đã biết người chiếm giải nhất trong các cuộc thi tài được gọi là :
QUÁN QUÂN 冠軍 là Hạng Nhất, là bao trùm tất cả chẳng ai hơn.
Quán Quân Á Quân và Quý Quân
* QUÁN 貫 là Xuyên suốt; là dạng chữ Hội Ý, theo diễn tiến của chữ viết trong "CHỮ NHO... DỄ HỌC" như sau:
Ta thấy:
QUÁN 貫 phần trên là do hình tượng của những đồng tiền có lổ vuông được xỏ xâu lại 毌 ; phần dưới là chữ BỐI 貝 là hình tượng của vỏ sò mở ra (BẢO BỐI 寶貝 là đồ Qúy giá). Vì thế, QUÁN là sưu tập xỏ xâu lại các tiền của qúy giá. Nên...
QUÁN 貫 Danh từ là một xâu. NHẤT QUÁN TIỀN 一貫錢 là Một Xâu Tiền gồm có 1.000 đồng điếu; nên ta có thành ngữ VẠN QUÁN GIA TƯ 萬貫家私 để chỉ những nhà Triệu Phú (Vạn là 10.000 X Quán là 1.000 = 10.000.000).
QUÁN 貫 Động từ là Xỏ xâu; còn XUYẾN 串 là Kết nối lại thành chuổi. Nên QUÁN XUYẾN 貫串 là Xuyên suốt từ đầu đến cuối; Nghĩa phát sinh là Lo toan tất cả mọi việc. Người Vợ Quán Xuyến là "Người vợ đãm đang, ôm đồm lo toan cho tất cả mọi việc lớn nhỏ trong nhà". Các từ thường gặp, như :
QUÁN THÔNG 貫通 là Thông suốt một cách suông sẻ không có gì trở ngại.Ta có thành ngữ QUÁN THÔNG KIM CỔ 貫通今古 là Hiểu biết rành mạch suông sẻ tất cả các việc từ xưa tới nạy.
QUÁN TRIỆT 貫徹 là Thông suốt rành mạch từ đầu đến cuối. Tương tự ta cũng có thành ngữ QUÁN TRIỆT CỔ KIM 貫徹古今.
HƯƠNG QUÁN 鄉貫 là Quê hương mà ta sống xuyên suốt từ nhỏ đến lớn. Từ nầy được ta nói Nôm na thành QUÊ QUÁN.
Trong sách Luận Ngữ 論語 của Khổng Tử có câu: "Ngô đạo nhất dĩ QUÁN chi 吾道一以貫之" Có nghĩa : Đạo của ta chỉ có một mối mà thông suốt gồm thâu tất cả.(Ý của Khổng Tử muốn chỉ về cái đạo NHÂN của mình). Do câu nói nầy mà cụ ĐÀO TRINH NHẤT, một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu của ta ở thế kỹ trước, vì ông tên NHẤT nên đã lấy bút hiệu QUÁN CHI là vì thế.
Nếu thêm bộ TÂM 忄đứng vào bên trái của chữ QUÁN 貫 ta cũng có chữ...
* QUÁN 慣 là Thói quen (một biểu hiện của tâm tính). Ta có từ TẬP QUÁN 習慣 là Làm theo thói quen, như đến Tiết Thanh Minh thì mọi người đều đi tảo mộ; Ngày ba mươi Tết thì đều làm lễ rước ông bà... Ta có các tục ngữ như :
PHONG TỤC TẬP QUÁN 風俗習慣 là Những tục lệ được thực hành theo thói quen của một địa phương, một dân tộc hay một nước... Như Tết Trung Thu thì phải rước đèn, cúng trăng; Tết Nguyên Đán thì phải nói những lời tốt đẹp với nhau, như chúc nhau An khang Thịnh vượng, Mua may bán đắc...
TẬP QUÁN NGÔN NGỮ 語言習慣 là những nghĩa phát sinh theo thói quen của tiếng nói, như từ CHẮC mà có nghĩa KHÔNG CHẮC chút nào cả trong các câu sau:
- Chiều nay CHẮC mưa.
- Đừng đợi nữa, CHẮC nó không đến đâu!
- Anh có CHẮC nó là thủ phạm không ?
Một ví dụ cụ thể nữa là : Ta gọi PHI TRƯỜNG 飛場 nghĩa là Sân bay, Sân để cho máy bay cất cánh bay đi. Còn người Hoa gọi là CƠ TRƯỜNG 機場 là Sân để cho máy bay đậu. Đây cũng là TẬP QUÁN NGÔN NGỮ và là cái khác nhau giữa tiếng Việt và tiếng Hoa. Nếu ta nói :"Chiều nay tôi phải ra CƠ TRƯỜNG" thì nghe rất lạ tai vì người ta sẽ không biết là mình muốn đi đâu ?! Cũng như âm Quan Thoại từ PHI TRƯỜNG 飛場 được phát âm giống như PHI THƯỜNG 非常, nên người nghe cũng sẽ không hiểu mình muốn nói gì ?! Một ví dụ nữa như : Ta gọi Người Xem là Khán Giả 看者, còn người Hoa gọi là Quan Chúng 觀眾... Đó chính là TẬP QUÁN NGÔN NGỮ!
QUÁN TÍNH 慣性 là Cái tính chất theo thói quen, như sợi dây thun hay cái lò-xo khi ta kéo giãn rồi buông ra, nó sẽ trở lại trạng thái lúc ban đầu. Đó chính là QUÁN TÍNH, ta còn gọi là tính ĐÀN HỒI.
KIẾN QUÁN 見慣 là Trông thấy nhiều lần đã quen với việc gì đó rồi, nên không còn lấy làm lạ nữa. Ta có thành ngữ TƯ KHÔNG KIẾN QUÁN 司空見慣 để chỉ "Chuyện thường ngày ở huyện" không có gì là lạ cả ! Theo như tích sau đây :
Thi hào LƯU VŨ TÍCH 劉禹錫(772—842)khi bị biếm làm Thứ Sử đất Tô Châu (833). Quan Tư Không là Lý Thân nghe tiếng và cũng mến mộ tài văn thơ của ông, bèn mời ông đến và thiết tiệc khoản đãi. Buổi tiệc thật xa hoa với đầy đủ các sơn hào hải vị, mỹ tửu quỳnh tương, dưa ngon trái ngọt. Có một nàng ca kỹ thật đẹp ăn mặc như các cung nữ trong cung vua và lại ca múa hát khúc "Đỗ Vi Nương" trong cung đình. Lưu Vũ Tích đã choáng ngợp trước buổi tiệc qúa cao sang xa hoa nầy và bàng hoàng trước vẻ đẹp sắc nước hương trời của nàng ca kỹ, nên Ông đã xúc động mà viết bài thơ tứ tuyêt "Tặng Lý Tư Không Kỹ 贈李司空妓" (Tặng nàng ca kỹ của ông Tư Không họ Lý) với những lời lẽ ngưỡng mộ như sau:
高髻雲鬟宮樣妝, Cao kế vân hoàn cung dạng trang,
春風一曲杜韋娘。 Xuân phong nhất khúc Đỗ Vi Nương.
司空見慣渾閒事, TƯ KHÔNG KIẾN QUÁN hồn nhàn sự,
斷盡蘇州刺史腸。 Đoạn tận Tô Châu Thứ Sử trường !
Có nghĩa:
Tóc kết cung đình mây lướt trôi,
"Đỗ Vi Nương" khúc hát chơi vơi.
Tư Không quen mắt không cho lạ,
Thứ Sử Tô Châu ruột đứt rồi!
Ông là quan lớn Tư Không, đã quen sống xa hoa và nhìn ngắm các giai nhân đẹp như tiên nga, hát hay múa giỏi như thế nầy quen rồi, nên cho là chuyện bình thường không có gì là lạ cả. Nhưng đối với chức quan nhỏ nhoi Thứ Sử Tô Châu như tôi, thì đối diện với bửa tiệc cao sang và nhất là đối diện với giai nhân tuyệt sắc như thế nầy, làm cho tôi xúc cảm rung động đến như đứt từng đoạn ruột ra hết vậy (Đoạn Tận 斷盡 là Đứt hết. Đoạn tận Tô Châu Thứ Sử trường : là "Đứt hết ruột gan của Thứ Sử Tô Châu rồi!) Cho nên, sau buổi tiệc, Lý Thân cũng rất điệu nghệ và hào phóng cho kiệu hoa đưa nàng ca kỹ với "cung dạng trang"(là Trang điểm như là các cung nhân trong cung vua vậy) về với Thứ Sử Tô Châu Lưu Vũ Tích để cho ông khỏi phải đứt từng đoạn ruột nữa!
Quả là một giai thoại tuyệt vời của các thi nhân hào phóng ngày xưa!
* QUÁN 舘 là Nhà Trọ. Thuộc dạng chữ Hài Thanh, theo "CHỮ NHO... DỄ HỌC" có diễn tiến chữ viết như sau :
XÁ chỉ Ý QUAN chỉ ÂM Ghép thành chữ QUÁN
Ta thấy:
Chữ QUÁN 舘 nầy phần bên trái là chữ XÁ 舍 là Nhà Trọ chỉ Ý; Phần bên phải là chữ QUAN 官 dùng để chỉ ÂM. Ghép cả hai phần lại ta có chữ QUÁN 舘 có nghĩa là Nhà Trọ, là Phòng Ốc. Như : LỮ QUÁN 旅舘 là nhà trọ cho khách lữ hành; THƯ QUÁN 書舘 là Phòng chứa sách, là Hiệu Sách còn gọi là Nhà Sách, là Cái quán bán sách. Vì còn dùng để chỉ các hàng quán, nên dị thể của chữ QUÁN 館 còn được ghép bởi Bộ THỰC 食 là Ăn với chữ QUAN 官 chỉ Âm như sau:
Ta thấy:
Hai chữ QUÁN tạo hình tuy có khác, nhưng tựu trung thì ý nghĩa và cách sử dụng thì cũng giống như nhau. Như :
- Dịch Quán 驛館 là nơi tiếp đãi các sứ thần và quan viên vãng lai.
- Học Quán 學舘 là Nhà Học, từ dùng để gọi Trường học ngày xưa.
- Tửu Quán 酒館, Trà Quán 茶館 là Quán Rượu, Quán Trà...
- Đại Sứ Quán 大使館, Lãnh Sự Quán 領事館 là các tòa nhà dành cho Đại Sứ và Lãnh sự của các nước ở và làm việc.
- TĂNG NGHI QUÁN 殯儀舘 là nơi để quàng quan tài và điếu tang người chết. Đúng ra phải đọc là TẪN NGHI QUÁN (TẪN là TẪN LIỆM 殯殮) Nhưng không biết "ông nào đó" ở Chợ Lớn lúc ban đầu đã dịch nhầm là TĂNG NGHI QUÁN, nên sau nầy theo thói quen mọi người đành chấp nhận và gọi theo mà thôi.
Còn có nhiều cái QUÁN được ta gọi khác đi do TẬP QUÁN NGÔN NGỮ, như :
- BÁO QUÁN 報館 ta gọi là Nhà Báo, là Tòa Soạn Báo.
- VĂN HÓA QUÁN 文化館 ta gọi là Nhà Văn Hóa hay Viện Văn Hóa.
- ĐỒ THƯ QUÁN 圖書舘 ta gọi là Thư Viện hay Phòng Đọc Sách.
- BÁC VẬT QUÁN 博物舘 ta gọi là Viện Bảo Tàng...
Từ được Nôm hóa trở nên thông dụng nhất là từ QUÁN XÁ 館舍, HÀNG QUÁN 行館 được sử dụng rộng rãi trong quần chúng như là những tiếng Nôm thuần túy. Như trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, khi Vân Tiên từ biệt Võ công, Thể Loan. Lên đường ra kinh thi, gặp Vương Tử Trực, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm trong QUÁN rượu, cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng đã viết:
QUÁN rằng: “Thịt cá ê hề,
“Khô lân chả phụng bộn bề thiếu đâu...
* QUÁN 觀 là Đạo Quán 道觀, là nơi tu tập của các Đạo sĩ theo Đạo giáo. QUÁN nầy vốn đọc là QUAN (không có dấu Sắc) có nghĩa là nhìn ngắm xem xét, theo diễn tiến hình thành của chữ Nho như sau:
Ta thấy:
Từ Chung đĩnh văn đến Đại triện, Tiểu triện diễn tiến cho đến Lệ Thư đều do chữ QUÁN 雚 (một loại Lát để dệt chiếu, đệm) dùng làm ÂM kết hợp với Bộ KIẾN 見 là Thấy, là Gặp để chỉ Ý, đúng theo phép tạo chữ của HÀI THANH 諧聲(còn gọi là HÌNH THANH 形聲). Nên chữ 觀 khi được đọc là :
* QUAN thì có nghĩa là Nhìn Ngắm, Xem Xét, như Tham quan 參觀, Quan sát 觀察... là Cách nhìn, như Quan Niệm 觀念, Quan Điểm 觀點...
Còn nếu đọc là:
* QUÁN thì có nghĩa là Cái chùa của các đạo sĩ ở và tu, như Bạch Vân Quán 白雲觀, Hoàng Hạc Quán 黃鶴觀, Tử Dương Quán 紫陽觀...
Một nghĩa nữa của Âm QUÁN 觀 là Xét thấu, nghĩ kỹ thấu đáo tới đạo chính gọi là QUÁN. Như CHỈ QUÁN 止觀 yên định rồi xét thấu chân tâm, như Kinh Dịch 易經 có câu "Quán ngã sinh vô cữu 觀我生無咎" là Xét thấu cái nghĩa vụ của đời ta mới không mắc vào tội lỗi. Đạo Phật có phép tu dùng tai mà xem xét cõi lòng, trừ tiệt cái mầm ác trở nên bậc Vô thượng, nên gọi là phép QUÁN 觀. Như Quan Âm Bồ Tát 觀音菩薩, vì ngài tu bằng phép này, nên sáu căn dùng lẫn với nhau được, mắt có thể nghe được, tai có thể thấy được, nên gọi là QUÁN THẾ ÂM 觀世音. Như trong Bát-nhã ba-la mật-đa tâm kinh 般若波羅密多心經 có câu : “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách 觀自在菩薩行深般若波羅蜜多時, 照見五蘊皆空度一切苦厄". Có nghĩa : Bồ Tát Quán Tự Tại, khi tiến sâu vào Tuệ Giác Siêu Việt, nhận chân ra năm hợp thể Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức đều là Không, liền độ thoát mọi khổ ách.
À, thì ra QUÁN là một phép tu tập của QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT, nên các Ma tăng, Sàm tăng, Dâm tăng... trước mắt (2024) như Thích Chân Quang, Thích Nhuận Đức, Thích Thanh Toàn... Sợ Phật tử chê mình dốt, không biết con đường tu tập của MẸ HIỀN QUAN ÂM, nên mới cùng đồng lòng thêm một dấu sắc vào Phật hiệu của Ngài thành QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT nghe trúc trắc và chói tai muốn chết !
Nếu bảo là gọi cho đúng cái con đường tu tập của Bồ Tát thì càng sai hơn, vì PHẬT HIỆU là cái TÊN GỌI, còn CON ĐƯỜNG TU TẬP là cái VIỆC LÀM. Hơn nữa cái Phật hiệu "Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn QUAN THẾ ÂM Bồ Tát" mà mọi người còn gọi một cách thân mật gần gũi với cuộc sống hơn là "MẸ HIỀN QUAN ÂM" đã có từ hơn một ngàn năm trăm năm nay, từ thời Bắc Chu của Nam Bắc Triều (420-589) đời vua Diệu Trang Vương với QUAN ÂM DIỆU THIỆN và trên hai trăm năm với truyện nôm QUAN ÂM THỊ KÍNH của ta dưới triều nhà Nguyễn (1802---). Phật hiệu QUAN ÂM BỒ TÁT đã đi sâu vào lòng quần chúng nhân dân, đã ăn sâu vào tâm khảm của muôn vạn tín đồ Phật tử, thì tại sao lại phải vì một lý do nào đó mà thêm vào "Dấu Sắc" cho trúc trắc khó đọc và nghe không êm ái chút nào cả!
Nhưng gần đây, chẳng những các ma tăng sàm tăng... mà cả tín đồ Phật tử, cư sĩ tăng ni đến cả các Tỳ kheo Đại đức, Thượng tọa Cao tăng khi tụng kinh hay đăng đàn thuyết giảng, hễ có dịp nhắc đến QUAN ÂM Bồ Tát thì đều đọc là QUÁN ÂM Bồ Tát cả! Như khu du lịch Mẹ Nam Hải ở Bạc Liêu Cà Mau : Trong khi các quảng cáo, cổng tam quan... đều ghi là QUAN ÂM NAM HẢI, QUAN ÂM PHẬT ĐÀI, nhưng loa phát thanh thì cứ oang oang "QUÁN ÂM BỒ TÁT " !?
Thiết nghĩ giới Phật tử và quần chúng bình dân đã quen miệng với các cách gọi thân thương là:
- Quan Âm Bồt Tát,
- Phật Bà Quan Âm,
- Mẹ Hiền Quan Âm....
đã thành một TẬP QUÁN NGÔN NGỮ rồi, nếu bây giờ phải gọi Bà QUAN ÂM là Bà QUÁN ÂM thì nghe rất chướng tai và... không giống ai cả ! Nên, theo thiển ý thì...
Khi tu tập hay khi nghiên cứu về giáo lý cao siêu của Phật Giáo thông qua các phép, các cách hay các con đường tu tập thì qúy Tỳ Kheo Đại Đức Thượng Tọa hay Hòa Thượng ... muốn gọi sao thì gọi, nhưng khi thuyết giảng giáo pháp trước quần chúng nhân dân thì nên giữ theo lối gọi truyền thống trước đây là QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT, chứ đừng cho máy phóng thanh cứ oang oang là " QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT" như chọc vào tai của muôn vạn người nghe một cách bá đạo và khó chịu vô cùng !
Trên đây chỉ là những suy nghĩ cá nhân của người viết thông qua những phản ánh của bạn bè thân hữu chung quanh, xin chân thành gởi đến các vị chức sắc trong Giáo Hội Phật Giáo và quảng đại thiện nam tín nữ trong và ngoài nước để cùng nhau trao đổi và góp ý về tên gọi của một vị Bồ Tát rất gần gũi thân thương với tất cả chúng sinh còn chìm đắm trong biển khổ !
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn QUAN THẾ ÂM Bồ Tát Ma Ha Tát!
Phật hiệu trên thay cho lời kết của bài Phiếm luận nầy!
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Cám ơn Hiền huynh biên khảo rất công phu và chính xác.
Trả lờiXóaCảm phục!