Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

Tôi Chờ... Để Bâng Khuâng


Bên Canada năm học mới được khai giảng ngay sau ngày Lễ Labour Day. Theo một cuộc thăm dò, thì đa số dân chúng, đặc biệt là giới học sinh Canada đều không mấy mặn mà cái long weekend của Labour Day này, bởi vì các long weekends khác trong năm đều thực sự được enjoy nghỉ ngơi thoải mái, quên chuyện bài vở, còn Labour Day thì lại bận rộn chuẩn bị cho ngày hôm sau nhập học, có gì dzui!

Mấy hôm nay các quảng cáo “Back To School” đầy rẫy khắp nơi, đi ngang qua khu shopping lòng tôi nôn nao buồn vui lẫn lộn. Nhìn các thứ backpacks, giấy bút, lunch boxes... một thời tôi cũng đã lang thang cùng các con mua sắm, giờ chúng không còn xài nữa, tôi cứ ngỡ chẳng còn ai bán những thứ này. Chồng tôi bảo:
- Bộ em nghĩ chỉ có con em đi học thôi sao?
Tôi e lệ:
- Lòng mẹ nào cũng luôn ghi nhớ kỷ niệm của con mình. Em nhớ khi chúng qua tuổi mang diapers, baby food, em cũng đi qua khu bán đồ baby và tự hỏi, vẫn còn người mua các món này ư, và các hãng sản xuất các phim Cinderella, Pokemon, Toy Story, Barney, Wiggles chắc cũng đã …dẹp tiệm vì con mình hết xem?!

Thực ra đó chỉ là cách tôi bày tỏ cảm xúc lưu luyến khi thời gian trôi qua nhanh, các con trưởng thành, và mỗi mùa khai giảng cũng là lúc đón mùa thu sang, lá bắt đầu úa vàng để nhắn nhủ người ta, rằng sắp qua một năm, thêm một tuổi đời…

Nhìn những chiếc school bus đưa đón học sinh, một quãng thời gian chợt sống lại, như mới vừa hôm qua. Từ sáng sớm tôi bận rộn thức dậy, bỏ các luch boxes vào backpacks của con, kêu chúng ra khỏi giường, dọn bàn ăn sáng rồi đẩy chúng ra cửa kẻo trễ xe bus…

Giờ đây chúng đã lớn thật rồi, à mà không, chúng đã “lớn” khi bước vào tuổi 18, cái tuổi được đi bỏ phiếu bầu cử, được quyền ra ở riêng, được vào casino và được vào bar để “le lói” với mấy đứa chưa đủ tuổi.

Khi con gái tôi vừa tròn 18, theo “truyền thống” (hay phong trào) của đám trẻ bên đây, vào cuối tuần đó chúng nó hớn hở kéo nhau đi “bar” để đánh dấu giai đoạn quan trọng của cuộc đời: bắt đầu là “người lớn” và ngang nhiên vào “bar” mà không sợ bị đuổi về.
Nó hẹn đi với nhỏ bạn thân học chung từ tiểu học, người Iran. Hai đứa lí lắc và có máu đùa giỡn nghịch ngợm như nhau. Hồi năm lớp Bảy, sau khi xem tivi cuộc thi Miss Universe, hai đứa cũng bày trò ngay tại phòng khách nhà tôi, thay đủ kiểu áo tắm, đầm dạ hội, chúng mời tôi làm giám khảo đặt câu hỏi cho chúng trả lời phần ứng xử, mỗi đứa đại diện cho quốc gia của mình, từ đó tôi gọi chúng là Miss Iran và Miss Sài Gòn.

Theo dự tính, tôi chở hai đứa đến bar dưới downtown, sau khi chơi ở bar xong, Miss Iran về nhà tôi ngủ, sáng hôm sau má nó xong ca trực ở bệnh viện sẽ đón nó về. Tụi nó chơi thân đã lâu nên sleep over nhà nhau là chuyện thường tình, thậm chí chúng cùng gọi tôi là Mom.
Tôi bàn với hai đứa, dĩ nhiên là bằng English vì Miss Iran đâu hiểu tiếng Việt. Tôi nói:
- Mẹ sẽ chở đi và đón về nhà.
Miss Sài Gòn phản đối:
- Mẹ chỉ cần đưa tụi con tới đó, rồi khi nào xong tụi con đón taxi về.
Tôi cũng kịch liệt phản đối:
- No! No! No… Đêm hôm khuya vắng rất nguy hiểm. Để mẹ đưa đến nơi đón về đến chốn, các con còn bé chưa hiểu …sự đời bằng mẹ đâu, không được cãi!
Miss Iran liền nhào vô:
- Mấy đứa chung lớp đều đón taxi, tụi con cũng muốn giống tụi nó, tụi con biết cảnh giác mà, please please …
Rồi hai đứa chắp tay năn nỉ, thiếu điều muốn quỳ xuống, làm tôi cũng xiêu lòng:
- Ok, mẹ đồng ý, nhưng với một điều kiện, là khi ra đón taxi, một đứa phải nhanh nhẹn chụp ngay bảng số xe taxi rồi gửi ngay cho Mẹ yên tâm.
Hai đứa nhìn tôi ngạc nhiên:
- Why??
Tôi nghiêm nghị:
- Tụi con đứa nào cũng xinh đẹp, mẹ không muốn kẻ xấu bắt cóc Miss Iran và Miss Sài Gòn của mẹ đâu á!

Tụi nó bật cười nhưng thấy tôi serious quá, nên gật gù chấp nhận, kẻo tôi lại tiếp tục đòi đi đón thì vỡ lỡ chương trình “mười tám tuổi” mà chúng đã đợi chờ từ lâu. Tôi vẫn chưa yên lòng, nói thêm:
- Mà nè, khi chui vào taxi, nếu có thể chụp mặt của người tài xế gửi cho mẹ luôn nhe, lỡ hắn có ý đồ xấu thì có mà chạy đàng trời, hiểu chưa?!
Tụi nó gật đầu lia lịa rồi đi thay quần áo, trang điểm, ríu rít các cuộc phone với mấy đứa bạn khác, rộn ràng náo nức làm tôi cũng vui lây.
Tôi lái xe chở chúng đến bar lúc 6 giờ chiều, rồi về lo cơm nước, tụi nó dặn đừng nhắn tin hay gọi phone “hỏi thăm” vì trong bar rất ồn ào và đèn đóm thì mờ ảo. Tôi giết thời gian bằng cách dọn dẹp nhà cửa và xem phim. Chồng tôi thảnh thơi đi ngủ, và khuyên tôi:
- Em nên đi ngủ sớm, chúng nó lanh lợi hiểu biết, đã từng làm MC văn nghệ văn gừng trong trường học, chúng không ăn hiếp ai thì thôi, ai dám ăn hiếp chúng!
- Anh nói hay nhỉ! Dù gì chúng cũng còn ngây thơ, mới lần đầu đi bar khuya khoắt…
- Nhưng chúng đi cả nhóm đông bạn bè, và khi ra về thì hai đứa đi với nhau, em nên bớt lo âu thái quá và đa nghi thiên hạ, đâu phải ngoài đường ai cũng là kẻ xấu!

Mặc kệ, tôi vẫn cứ thức và chờ con tôi, đằng nào tôi cũng hay thức khuya, nay có lý do chính đáng được xem phim muộn màng, một công đôi việc cũng tiện lợi. Coi được mấy tập phim, mỏi mắt lim dim trên sofa thì có tiếng phone reng, tôi bật dậy mở phone, nghe tiếng láo nháo, tiếng cười rũ rượi xen lẫn tiếng nói khi được khi mất. Tôi hốt hoảng:
- Có chuyện gì vậy, sao lại phone cho mẹ?
- Mẹ ơi! Mở facetime con cho mẹ nhìn mặt ông tài xế taxi nà!!
- Chúng mày đang say hay chúng mày điên hở, mẹ nói chụp hình lén kia mà!?
- Thì tụi con làm theo lời mẹ, nhưng bị ông taxi bắt gặp, con đành nói thật với ổng, là mẹ tôi dặn phải làm như thế, để nếu có bị ông bắt cóc thì mẹ tôi sẽ báo cho cảnh sát đầy đủ hình ảnh và số xe …

Tôi chưa kịp phản ứng thì ông taxi xuất hiện trên màn hình iphone với nụ cuời tươi rói dù đã qua 1 giờ khuya:
- Good evening Madam! Do not worry, I will bring your pretty ladies home safely!

Tôi nhìn thấy một ông có vẻ là người Ấn Độ, đứng tuổi, vui vẻ và hiền hậu, liền nói lời cám ơn rồi quay qua nói tiếng Việt với con gái:
- Nhưng vẫn phải gửi ngay số xe cho mẹ, nghe chưa!? Bao giờ tụi con về đến nhà nguyên vẹn bằng xương bằng thịt thì mới chắc ăn, ba mươi chưa phải là Tết, nhớ đấy!

Thấm thoát tuổi 18 của con cũng đã xa vời! Nếu như nhà văn Thanh Tịnh bồi hồi “ Cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường”. Hoặc như ai đó đã viết, “ Hằng năm, tôi đợi mùa Thu tới, để …buồn”, thì tôi cũng vậy, khi trời Canada bắt đầu những cơn gió mát đầu mùa, tôi ngắm nhìn lũ trẻ trong xóm đi bộ ra đầu ngõ đón school bus, để…bâng khuâng!

Edmonton, Labour Day /2021
Kim Loan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét