Nói đến mùa thu mà không nhắc đến trăng thu là một điều thiếu sót lớn.Trăng thu nhắc nhở đến sự ly biệt, đến sự cô đơn của người lính thú, đến cảnh về già của một lão tướng hết thời, đến nỗi buồn của người cung nữ bị thất sủng... Trăng thu thật là buồn:
Thiêm sầu ích hận nhiễu thiên nhai.
Chiếu tha kỷ hứa nhân trường đoạn.
添 愁 益 恨 绕 天 涯。
照 他 幾 許 人 腸 斷 。
(Bạch Cư Dị 白居易 , Trung thu nguyệt 中秋月, câu 2,7)
(Nghĩa: thêm sầu, thêm hận khắp gầm trời,
Trăng đã soi bao nhiều người đứt ruột)
và lòng người lữ khách xa nhà:
Vị tất Tố Nga vô trướng hận,
Ngọc thiềm thanh lãnh quế hoa cô.
未 必 素 娥 無 怅 恨,
玉 蟾 清 冷 桂 花 孤。
(Án Thù 晏殊, Trung thu nguyệt 中秋月, câu 3-4)
(Nghĩa: Hằng Nga chưa chắc dã không buồn khổ,
Cóc ngọc và cây quế đều thê lương lạnh lẽo)
Và đây là trăng cô đơn của Đỗ Phủ:
Thu nguyệt nhưng viên dạ,
Giang thôn độc lão thân.
秋 月 仍 圓 夜,
江 村 獨 老 身 。
(Đỗ Phủ 杜甫, Thập thất dạ đối nguyệt, 十七夜對月câu 1-2)
(Nghĩa: Đêm trăng thu vẫn tròn,
Xóm bên sông chỉ có một thân già)
Núi thu cũng không làm cho lòng người vui hơn. Hãy nghe Bạch Cư Dị tả cảnh ông lên chơi núi sau một cơn đau dài:
Sơn thu vân vật lãnh,
Xứng ngã thanh luy nhan.
Nhân sinh vô kỷ hà,
Tâm hữu thiên tải ưu,
Thân vô nhất nhật nhàn.
山 秋 雲 物 冷,
稱 我 清 羸 顔。
人 生 無 幾 何 。
心 有 千 載 憂,
身 無 一 日 閑。
(Bạch Cư Dị 白居易, Thu sơn, 秋山câu 3-4, 9, 11-12)
(Nghĩa: Núi mùa thu mây và mọi vật đều lạnh,
Thiệt xứng với nét mặt xanh gầy của ta.
Đời người có gì đâu.
Lòng có mối lo ngàn năm,
Thân không có được một ngày nhàn nhã).
Núi thu cũng nhắc nhở đến sự chia ly, xa cách quê hương. Vi Ứng Vật nơi đất lạ gặp lại người bạn cũ đã từng sống tại Lương Châu, mừng mừng tủi tủi hàn huyên.Đến khi người bạn hỏi tại sao lâu rồi không về thăm quê, tác giả chỉ biết ngậm ngùi nhìn vào ngọn núi thu lờ mờ ẩn hiện trên sông Hoài:
Hà nhân bất quy khứ,
Hoài thượng đối thu sơn.
何 因 不 歸 去,
淮 上 有 秋 山。
(Vi Ứng Vật 韋應物, Hoài thượng hỉ hội Lương châu cố nhân 淮上喜會梁川故人 , câu 7-8)
(Nghĩa: Hỏi tại sao không trở về quê,
Chỉ biết trỏ vào núi thu trên sông Hoài)
Cũng gần một hoàn cảnh, Lý Ích được gặp lại người em họ sau bao nhiêu năm ly loạn. Tác giả lại bùi ngùi nghĩ đến ngày mai người em họ lại phải lên đường đi nơi khác:
Minh nhật Ba lăng đạo,
Thu sơn hựu kỷ trùng.
明 日 巴 陵 道,
秋 山 又 幾 重?
(Lý Ích 李益 ,Hỉ kiến ngoại đệ hựu ngôn biệt , 喜見外弟又言別 câu 7-8)
(Nghĩa: Ngày mai lên đường về Ba Lăng,
Núi thu lại cách mấy trùng)
Khi nhắc đến sông thu, một số thi sĩ Trung hoa cổ điển đều nghĩ ngay tới sông Ngân, nơi có Ngưu lang Chức nữ, có lẽ vì dòng sông và hai ngôi sao này biểu hiện cho sự chia lìa của tình yêu đôi lứa. Và điểm này hơi đặc biệt, nó cũng làm cho họ nghĩ đến thân phận người cung nữ bị bỏ rơi. Và đó là một đề tài quen thuộc được biết đến dưới tên cung oán. Trong Cung từ, Cố Huống diễn tả cảnh người cung nữ ngồi một mình nhìn về phía lầu ngọc nơi vua và các cung nữ được sủng ái đang vui chơi, ca hát và nàng thấy bức màn thủy tinh được cuốn lên như đến tận Ngân hà:
Thủy tinh liêm quyển cận thu hà.
水 晶 簾 卷 近 秋 河。
(Cố Huống 顧況, Cung từ 宮詞, câu 4)
(Nghĩa: Màn thủy tinh cuốn lên tận sông thu)
Đỗ Mục tả tâm tình người cung nữ đêm thu ngồi một mình buồn ngắm sao, giọng văn tương đối nhẹ nhàng, phải nhìn kỹ lắm chúng ta mới thấy được một chút "oán" thật kín đáo trong dòng thơ:
Ngân chúc thu quang lãnh họa bình,
Khinh la tiểu phiến phác lưu huỳnh,
Thiên giai dạ sắc lương như thủy,
Tọa khán khiên ngưu chức nữ tinh.
銀 燭 秋 光 冷 畫 屏,
輕 羅 小 扇 撲 流 螢。
天 階 夜 色 涼 如 水,
坐 看 牽 牛 織 女 星。
(Đỗ Mục, 杜牧 Thu tịch 秋夕)
(Nghĩa: Đêm thu ánh đuốc bạc chiếu bình phong lạnh,
Dùng quạt lụa đánh đuổi con đom đóm.
Trên thềm đá sắc đêm trong như nước,
Ngồi nhìn 2 sao Ngưu lang và Chức nữ)
Mùa thu có khả năng gợi hứng cho thi nhân, nhưng cũng mang cho họ niềm nhung nhớ khôn nguôi. Ngoài việc tả cảnh vợ nhớ chồng như đã nói ở trên, thi nhân lại có một sự nhớ nhung khác: nhớ bạn. Người xưa rất coi trọng tình bạn, và trong lịch sử Trung hoa chúng ta đã thấy qua nhiều tình bạn rất vĩ đại và cảm động, chẳng hạn như Đỗ Bá và Tả Nho, Quản Trọng và Bảo thúc Nha, Kiển Thúc và Bá Lý Hề, Bá Nha và Tử Kỳ, ba anh em Lưu Quan Trương v.v...
Mạnh Hạo Nhiên một mình ở đất Tần (tức Kinh đô Trường An của nhà Đường) nhớ bạn là Tuệ Viễn thiền sư, đã làm một bài thơ nhớ bạn, trong đó hai câu cuối nghe thật là thê lương:
Nhật tịch lương phong chí,
Văn thiền đản ích bi.
日 夕 涼 風 至,
聞 蟬 但 益 悲。
(Mạnh Hạo Nhiên 孟浩然, Tần trung cảm thu ký Viễn thượng nhân 秦中感秋寄遠上人 câu 7-8)
(Nghĩa: Ngày đêm gió lạnh thổi,
Nghe tiếng ve chỉ thêm buồn)
(Ở đây xin mở một dấu ngoặc nhỏ. Ở xứ mình, tiếng ve thường dính liền với mùa hạ, trong khi ở đây, nó lại được nhắc đến ở mùa thu. Chúng ta cũng đã nghe Tống Ngọc nhắc đến ve sầu trong đoạn văn về mùa thu trích dẫn ở trên).
Một thi nhân khác trong đêm thu đi bộ một mình cũng nhớ đến bạn mình, tình cảm thật nhẹ nhàng:
Hoài quân thuộc thu dạ,
Tản bộ vịnh lương thiên,
Không sơn tùng tử lạc,
U nhân ứng vị miên.
懷 君 屬 秋 夜,
散 步 詠 涼 天。
空 山 松 子 落,
幽 人 應 未 眠 。
(Vi Ứng Vật 韋應物, Thu dạ ký Khâu viên ngoại 秋夜寄邱員外)
(Nghĩa: Đêm thu tôi nhớ bạn,
Trời mát đi bộ ngâm thơ.
Núi vắng, quả tùng rơi,
Tôi đoán bạn giờ này cũng chưa ngủ)
Nếu người bạn đã chết, thì tình cảm lại càng thê thiết. Vương An Thạch một thời làm Tể tướng chủ trương cải cách và đứng đầu Tân phái. Ông gặp được một người tuổi trẻ tài năng trác tuyệt là Vương Phùng Nguyên, tưởng rằng người trai trẻ này có thể kế thừa mình. Nhưng không may Vương Phùng Nguyên lại mất sớm, để cho Vương An Thạch thương tiếc khôn cùng. Bài thơ thứ nhất trong ba bài thương tiếc Phùng Nguyên bắt đầu bằng hai câu nghe thật bi thảm:
Phùng cao kim nhật tưởng phân phi,
Trủng thượng thu phong hựu nhất suy.
蓬 蒿 今 日 想 紛 披,
冢 上 秋 風 又 一 吹。
(Vương An Thạch, Tư Vương Phùng Nguyên 王安石思王逢原(bài 1 trong 3 bài), câu 1-2)
(Nghĩa: Cỏ dại hôm nay tưởng đã mọc đầy,
Trên gò mả gió thu lại thổi)
Nỗi nhớ em của Đỗ Phủ cũng thật là da diết:
Thú cổ đoạn nhân hành,
Thu biên nhất nhạn thanh.
....
Hữu đệ giai phân tán,
Vô gia vấn tử sinh.
Ký thư trường bất đạt,
Huống nãi vị hưu binh.
戍 鼓 斷 人 行,
秋 邊 一 雁 聲。
…
有 弟 皆 分 散,
無 家 問 死 生。
寄 書 長 不 達,
況 乃 未 休 兵。
(Đỗ Phủ 杜甫, Nguyệt dạ ức xá đệ 月夜憶舍弟, Câu 1-2, 5-8)
(Nghĩa: Tiếng trống ngưng bước người,
Mùa thu nơi biên giới, một tiếng nhạn kêu.
....
Có em mà đều bị chia ly,
Không nhà để hỏi chuyện sống chết.
Thư gởi lâu không tới,
Huống chi binh lửa còn chưa hết)
Trời thu tự nó đã buồn, nhưng nếu thi nhân gặp được một cổ tích đổ nát thì tấm lòng hoài cổ lại bùng dậy. Và do đó, xuất hiện một đề tài gọi là điếu cổ hay hoài cổ. Bà Huyện Thanh Quan của Việt nam là một tay cự phách về đề tài này (Thăng long thành hoài cổ ). Lưu Trường Khanh khi đi thăm tàn tích của Ngô công đài (tại Giang Tô Giang đô huyện ngày nay) đã viết nên bài ngũ ngôn bát cú sau:
Cổ đài diêu lạc hậu,
Thu nhật vọng hương tâm.
Dã tự nhân lai thiểu,
Vân phong thủy cách thâm.
Tịch dương y cựu lũy,
Hàn khánh mãn không lâm.
Điêu trướng Nam triều sự,
Trường giang độc chí kim.
古 台 搖 落 後,
秋 日 望 鄉 心。
野 寺 人 來 少,
雲 峰 水 隔 深。
夕 陽 依 舊 壘,
寒 磬 滿 空 林。
惆 怅 南 朝 事,
長 江 獨 至 今。
(Lưu Trường Khanh 劉長卿, Thu nhật đăng Ngô công đài thượng tự viễn diêu 秋日登吳公台上寺遠眺)
(Nghĩa: Đài xưa đã điêu linh tàn tạ,
Ngày thu lòng nhớ quê.
Chùa quê ít người lại,
Núi cao nước sâu cách trở.
Nắng chiều vẫn nương nhờ đài cũ,
Tiếng khánh lạnh bao phủ đầy rừng.
Việc cũ của Nam triều điêu tàn,
Chỉ có Trường giang là còn đến ngày nay)
Lưu Vũ Tích cũng có những câu thơ hoài cổ não lòng người khi ông viếng thăm Tây tái sơn (tại Hồ Bắc Đại Dã huyện):
Nhân thế kỷ hồi thương vãng sự,
Sơn hình y cựu chẩm hàn lưu
Tùng kim tứ hải vi gia nhật,
Cố luỹ tiêu tiêu lô địch thu.
人 世 幾 回 傷 往 事,
山 形 依 舊 枕 寒 流。
從 今 四 海 爲 家 日,
故 壘 蕭 蕭 蘆 荻 秋
(Lưu Vũ Tích 劉禹錫, Tây tái sơn hoài cổ, 西塞山懷古câu 5-8)
(Nghĩa: Người dời bao lần thương chuyện cũ,
Núi vẫn như cụ gối trên sông lạnh.
Kể từ bây giờ bốn biển một nhà,
Thành xưa mùa thu lau lách tiêu điều)
Nhiều lúc không cần phải có thành quách cũ, mà chỉ cần một buổi chiều thu trên dòng sông Tương cũng đủ khơi dậy lòng hoài cổ nơi thi nhân:
Viên đề Động đình thụ,
Nhân tại mộc lan châu.
…
Vân trung quân bất kiến,
Cánh tịch tự bi thu.
猿 啼 洞 庭 樹,
人 在 木 蘭 舟。
…
雲 中 君 不 見,
竟 夕 自 悲 秋 。
(Mã Đái , 馬戴Sở giang hoài cổ , 楚江懷古câu 3-4, 7-8)
(Nghĩa: Vượn kêu trên cây ven Hồ Động đình,
Người ở trên thuyền bằng gỗ mộc lan.
Không thấy ông thần mây,
Đêm xuống lại buồn thương thu một mình)
Trương Thuyết thời sơ Đường khi đến ngang Nghiệp đô, là nơi Tào Tháo và con cháu (nhà Ngụy) đóng đô thuở xưa, đã cảm thấy một nỗi bi thương vô hạn khi thấy gió thu về (đây là khoảng thời gian ông bị biếm trích đi Dương châu):
Thí thượng Đồng đài ca vũ xứ,
Duy hữu thu phong sầu sát nhân.
試 上 銅 台 歌 舞 處,
惟 有 秋 風 愁 殺 人。
(Trương Thuyết 張說, Nghiệp đô dẫn, 邺都引câu 11-12)
(Nghĩa: Thử lên Đồng tước đài, nơi ca hát,
Chỉ có gió thu buồn chết người)
Đối với người dân bị mất nước, mùa thu lại còn buồn thêm. Đời Nam Tống, một nửa nước Trung hoa về phía Bắc bị quân Kim chiếm đóng. Dân chúng sống dưới ách cai trị của quân Kim ngày ngày trông ngóng cứu binh từ miền Nam lên, nhưng than ôi!... Cảm thương tình cảnh này, trong một đêm thu ra khỏi nhà hóng mát, Lục Du đã viết lên:
Di dân lệ tận Hồ trần lý,
Nam vọng vương sư hựu nhất niên.
遺 民 淚 盡 胡 塵 裏,
南 望 王 師 又 一 年。
(Lục Du陸遊, Thu dạ tương hiểu xuất ly môn nghênh lương hữu cảm, 秋夜將曉出籬門迎涼有感câu 3-4)
(Nghĩa: Dân bị bỏ sót ở miền Bắc nước mắt đã chảy hết vào trong bụi của xứ Hồ,
Lại mất thêm một năm nữa hướng về phương Nam mong mỏi lính của vua lên Bắc để cứu).
Đến đây, chúng tôi xin được ngưng phần trích dẫn các bài thơ nói về thu để đề cập tới hai tác phẩm lớn, mặc dù không có chủ ý tả thu, nhưng mỗi tác phẩm lại có được hai câu văn (mà chúng ta có thể gọi là thơ) tuyệt tác có chữ thu ở trong đó.
Trước hết là bài Đằng Vương Các tự (滕王閣序) của Vương Bột (王勃). Bài này được xem là một tuyệt tác của văn học Trung hoa, được viết một hơi trong một bữa tiệc, mà tác giả lúc đó mới 19 tuổi. Truyền thuyết về gốc gác bài này như sau.
Đô đốc Hồng châu là Diêm Bá Dư đãi tiệc ở Đằng Vương các, mục đích là để khoe tài văn chương của người con rể. Ông bảo con rể làm sẵn một bài tự, rồi trong bữa tiệc ông lại mời các văn sĩ dự tiệc mỗi người làm cho một bài. Mọi người hiểu ý ông nên không ai dám viết. Chỉ có Vương Bột lúc đó mới 19 tuổi, xin giấy viết để làm. Diêm Bá Dư tuy trong bụng không bằng lòng nhưng vẫn phải miễn cưỡng cung cấp giấy bút , và sai người đứng bên cạnh, hễ Vương Bột viết được câu nào thì sao chép lại cho ông đọc. Được mấy câu ông đã thầm phục, và khi Vương Bột viết xong 2 câu tuyệt tác (câu 57-58) thì ông phải nhận rằng Vương Bột là thiên tài, và không dám đưa bài của chàng rể ra nữa. Hai câu đó là:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi,
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc.
落 霞 與 孤 鹜 齊 飛,
秋 水 共 長 天 一 色。
(Nghĩa: Ráng chiều với con cò đơn độc cùng bay,
Nước thu và trời dài cùng một màu.)
Vương Bột sau này đi thuyền qua Giao chỉ thăm cha, bị chết đuối ở Nam hải, lúc đó ông mới 27 tuổi. Vin vào sự kiện này và sự nổi tiếng của hai câu thơ, hậu thế tạo nên một câu chuyện giả tưởng như sau. Họ nói rằng Vương Bột thích hai câu thơ này lắm, nên sau khi chết đuối, những đêm trăng thanh gió mát, ông lại hiện lên để ngâm hoài hai câu đó. Cho đến một ngày có một văn sĩ đi ngang, chê là mỗi câu thừa một chữ: câu trên thừa chữ dữ và câu dưới thừa chữ cộng, thì tiếng ngâm mới dứt hẳn. Đây chỉ là chuyện bịa đặt cho vui mà thôi.
Hai câu thơ tuyệt tác khác có chữ thu là của La Quán Trung (羅貫中), được viết trong tác phẩm bất hủ Tam Quốc diễn nghĩa (三國演義). Hai câu thơ này tả cảnh Lã Bố bắn kích ở Viên môn để giải nguy cho Lưu Bị (hồi thứ 16). Câu chuyện như sau:
Lã Bố trấn thủ Từ châu, một thành lớn, binh hùng tướng mạnh. Trong khi đó, Lưu Bị chưa gặp thời phải tạm đồn quân ở Tiểu Bái, với số lượng binh sĩ dưới tay chỉ 5 ngàn người. Viên Thuật (em Viên Thiệu) muốn đem quân đánh Lưu Bị nhưng ngại Bố giúp Bị, thành ra sai người đem dâng cho Bố 20 vạn hộc lương để Bố án binh bất động trong khi Thuật đánh Bị. Bố nhận lời. Thuật bèn sai đại tướng Kỷ Linh đem 10 vạn quân đi. Thấy thế nguy, Bị cầu cứu Bố. Bố, trong bụng cũng muốn giúp Bị, bèn bày ra một kế để giảng hòa hai bên (và nuốt gọn 20 vạn hộc lương). Bố đặt tiệc, gọi cả Kỷ Linh và Lưu Bị đến dự tiệc. Bố khuyên hai phe giảng hòa, nhưng một bên Kỷ Linh không chịu, một bên Trương Phi phùng mang trợn mắt chỉ muốn đánh nhau. Bố nổi giận, thét quân hầu đem cây Phương Thiên Họa Kích của mình ra cắm ngoài Viên môn cách xa bàn tiệc khoảng 150 bước và bảo với hai bên rằng bây giờ Bố sẽ bắn cây kích, nếu trật thì hai bên cứ việc đánh nhau, Bố sẽ không can thiệp, còn nếu Bố bắn trúng thì hai bên phải bãi binh, nếu bên nào không nghe thì Bố sẽ hiệp binh với bên kia đánh cho một trận. Kỷ Linh thấy cây kích xa đến 150 bước, trong bụng nghĩ rằng không ai có thể bắn trúng được, bèn nhận lời. Lưu Bị chẳng đặng đừng cũng đành chấp nhận. Lã Bố sai đem cung ra, lắp tên và chỉ một phát đã bắn trúng cái chạc nhỏ của cây kích. Kỷ Linh đành phải rút quân về. Đó là sự tích Lã Phụng Tiên xạ kích. Và đây là hai câu thơ tuyệt tác tả cảnh Lã Bố bắn cung (trong đó có chữ thu):
Cung khai như thu nguyệt hành thiên,
Tiễn khứ tự lưu tinh lạc địa.
弓 開 如 秋 月 行 天,
箭 去 似 流 星 落 地。
(Nghĩa: Cánh cung mở như trăng thu đi ngang trời,
Mũi tên bay như sao băng rơi xuống đất.)
Quả thật là thiên cổ kỳ văn.
Để kết thúc bài phiếm luận về mùa thu này, xin gởi đến quý độc giả một bài thơ Đường nói về mùa Thu. Bài thơ làm theo thể ngũ ngôn bát cú và được viết vào mùa thu đầu tiên của thế kỷ 21:
Âm Hán Việt:
Thu Đáo
Hàn sương thiết thụ chi,
Thu hựu đáo hà vi.
Điệp oán khai hoa thiểu,
Lâm sầu khiếu điểu hi.
Tán vân hoài cố thổ,
Viên nguyệt vọng cô trì.
Tạc dạ kim phong khởi,
Thùy tri lạc diệp bi.
(Trần Văn Lương)
Nghĩa:
Mùa Thu Đến
Sương lạnh như cắt xé cành cây,
Mùa thu đến nữa làm gì.
Bướm oán trách chuyện hoa nở ít,
Rừng buồn chuyện chim hót hiếm hoi.
Mây vụn nhớ quê cũ,
Trăng tròn ngóng trông cái ao cô độc.
Đêm qua gió vàng (gió thu) nổi lên,
Có ai biết nỗi buồn của chiếc lá rơi.
Phỏng Dịch Thơ
(giữ nguyên thể):
Mùa Thu Đến
Sương rơi buốt cỏ cây,
Thu lại đến rồi đây.
Bướm trách hoa lười nở,
Rừng buồn nhạn ngại bay.
Mây tàn thương xóm cũ,
Trăng sáng nhớ ao gầy.
Đêm lá rơi theo gió,
Nỗi sầu ai có hay.
Trần Văn Lương
Ghi chú: Phần chữ Hán được bổ túc bởi BBT - Thạch Lai Kim.
Sách tham khảo:
Đường Thi Tam Bách Thủ, Trí Dương Xuất bản xã, 1999
Cổ Thi Quan Chỉ, Thượng Hải Cổ tịch xuất bản xã, 1996
Cổ Văn Quan Chỉ (hợp đính bản) , Chính Triển Xuất bản Công ty, Đài Bắc, 2000
Đường Tống Thi Thưởng Tích, Văn Quốc Thư cục Xuất bản xã, Đài Nam, 1998
La Quán Trung, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Phong Hoa Xuất bản Sự nghiệp Công ty, 1991
Chi Điền Hoàng Duy Từ, Đường Thi tuyển dịch I,II,IV, California, 1984,1986,1989
Nguyễn Hiến Lê, Cổ Văn Trung Quốc, Xuân Thu xuất bản, 1965
Lê Nguyễn Lưu, Đường Thi Tuyển Dịch, Thuận Hóa, VN, 1997
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét