Thứ Ba, 21 tháng 5, 2024

Tạp Ghi Và Phiếm Luận: Những Nhạc Khúc Mùa Hè



Rồi chiều nay Hè trở lại đây
Phượng thắm rơi Phượng thắm rơi đầy
Lại cách xa nhau chín mươi ngày
Hay là một thế kỷ dài
Mà lòng ai đang khóc ai...

Tiếng hát cao vút như réo gọi, như nhắc nhở, như nức nở của ca sĩ Hoàng Oanh với lời ca bản nhạc Mùa Chia Tay của nhạc sĩ Duy Khánh như làm sống lại những mùa hè của năm mươi năm trước. Tội nghiệp cho tuổi trẻ của các thập niên 60-70 của Thế kỷ trước, học hành dang dở vì bị lôi cuốn một cách bất đắc dĩ vào vòng chiến tranh ý thức hệ giữa Nam Bắc Việt Nam. Những mùa hè là những "Mùa Chia Tay" có khi không bao giờ còn gặp lại, vì...

Đời trai chinh chiến ngang trời,
Súng gươm là bạn... và...
Bút nghiên là... cố nhân thôi!

Giọng hát lanh lảnh làm xao xuyến lòng người của nữ ca sĩ Thanh Tuyền lại như réo gọi ta trở về với quá vãng xa xưa:

Người ơi, thắm thoát niên học hết rồi
Chúc đi cạn lời giây phút ly bôi.
Ngày mai tan trường mình không chung lối,
Thương nhau nhiều biết gởi về mô,
Kỷ niệm cũ tan vào hư vô...


"Ba Tháng Tạ Từ" của nhạc sĩ Thanh Sơn đã âm thầm nói lên sự "Tạ Từ" không phải là "Ba Tháng" mà có khi mãi mãi sẽ không còn gặp lại nhau nữa:

Rồi đây có những khi buồn não lòng,
Cố nhân biền biệt có nhớ nhau không?
Ngoài kia, hoa phượng rụng rơi tơi tả,
Dư âm làm sống lại đời ta...
Dù ngăn cách nhớ hoài ngày qua!...

Nhắc đến nhạc sĩ Thanh Sơn cũng không thể không nhắc đến "Nỗi Buồn Hoa Phượng". Một bài ca nói lên mỗi niềm chung của lứa tuổi học sinh trong ba tháng nghỉ hè, lại vừa là tâm sự thật của nhạc sĩ với cô bạn cùng lớp có tên là "Nguyễn thị HOA PHƯỢNG", là một "Tiểu Thư" con nhà công chức ở chốn thành đô theo cha về học ở vùng lục tỉnh Sóc Trăng xa xôi, làm cho chàng thư sinh tỉnh nhỏ nghe xao xuyến tâm hồn như những vầng thơ rất nên thơ của nhà thơ Huy Cận thời Tiền Chiến :

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ
Một hôm trận gió tình yêu lại
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư

Đến khi nàng tiểu thư con công chức về lại xứ thành đô hoa lệ, bỏ lại chàng thư sinh nhạc sĩ miền quê, lúc chia tay chàng hỏi "Nếu mình nhớ nhau thì làm cách nào?". Nàng đã trả lời rằng : "Mỗi năm đến mùa hoa phượng nở, anh nhìn hoa phượng anh sẽ nhớ tới em! Bởi tên em là Hoa Phượng mà!". Nhưng từ đó hai người không còn gặp lại nhau nữa.

Mười năm sau ngày chia tay cô gái mang tên Hoa Phượng, vào mùa hè năm 1963 tại Sài Gòn, một lần tình cờ đi ngang qua một ngôi trường học và nhìn thấy hoa phượng nở đỏ rực, ông bỗng nhớ lại người xưa, cảm xúc ùa về để ông hoàn thành ca khúc "Nỗi Buồn Hoa Phượng", trong tên bài hát có tên của người xưa để cho...

Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn !...

Khi biết rằng:

... Ta từ là hết người ơi!

Càng thổn thức hơn với:

... Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng,
Biết ai còn nhớ đến ân tình không ?!...
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu,
Những chiều hẹn nhau lúc đầu...
Giờ như nước trôi qua cầu !...



Và nhạc sĩ Thanh Sơn cũng cho biết thêm rằng nhờ sáng tác bản nhạc "Nỗi Buồn Hoa Phượng" mà mỗi tháng ông nhận được sáu ngàn đồng tiền tác quyền (năm 1963 với hối đoái 1 đô la Mỹ bằng 60 đồng VN lúc bấy giờ) Vừa thoát được cảnh nghèo túng, ông còn mua được nhà, xe để đi lại. Tất cả cuộc sống ấm no sung túc đều nhờ vào "Nỗi Buồn Hoa Phượng" mà có cả ! Nhưng người xưa thì vẫn biền biệt phương trời, để cho...

Màu hoa phượng thắm như máu con tim,
Mỗi lần hè sang kỷ niệm,
Người xưa biết đâu mà tìm !...

Không tìm được người xưa, nên đến năm 1967 Thanh Sơn lại cùng nhạc sĩ Song Ngọc sáng tác nhạc phẩm "Phượng Buồn" để hoài niệm đến người xưa. Lời ca da diết u buồn trong tiếng hát lanh lảnh cao vút của nữ ca sĩ Thanh Tuyền như xoáy vào lòng người nghe :

Nếu ai một lần trong cuộc vui
Xa vắng người thương nghe mặn môi
Trách gì loài hoa kia còn rơi
Tôi đi người về hai lối
Ngậm ngùi ai nói không nên lời !...

Đến năm 1974, nhạc sĩ Tuấn Hải cũng cho ra đời một bản "Phượng Buồn" rất được giới mộ điệu ưa thích, do nữ ca sĩ Hoàng Oanh thu thanh đầu tiên vào dĩa nhựa nhạc Ngày Xanh. Nhưng trong tất cả các băng nhạc và đĩa nhạc của khoảng thập niên 1990 - 2000, đều ghi tên tác giả của Phượng Buồn là nhạc sĩ Thanh Sơn. Vì sao lại có sự nhầm lẫn trái khoái nầy ? Sau đây là lời giải thích của nhạc sĩ Tuấn Hải được tìm thấy trên mạng:

Bài này tôi viết năm 1974 tại Sài Gòn và đã sắp xếp Hoàng Oanh hát đầu tiên vào dĩa nhựa nhạc Ngày Xanh tại phòng thu của một người Hoa ở số 13 đường Bùi Hữu Nghĩa (trước cửa chợ cá Hòa Bình, quận 5 Chợ Lớn cùng trong năm ấy). Đến năm 2004 tôi về Sài Gòn gặp lại một số bạn cũ trong đó có các nhạc sĩ: Ngọc Sơn, Đài Phương Trang, Dzoãn Bình và Vinh Sử. Rồi chúng tôi có cuộc hẹn đi uống bia tại quán Hội Nghệ Sĩ...
Sau khi tặng Vinh Sử một CD Phượng Buồn thì người bạn này nói liền: "Xin lỗi anh, em có làm một chương trình có bài Phượng Buồn nhưng gặp khó khăn về việc kiểm duyệt tác giả ở nước ngoài nên đã để tên anh Thanh Sơn cho dễ dàng và tiện việc thanh toán bản quyền..." Ngay lúc đó tôi không thấy gì phiền hà vì việc đã rồi. Hơn nữa Thanh Sơn sau này có chút gì vui vui... Thế là vấn đề thông qua.
Sau đó bài Phượng Buồn lần lượt được nhiều trung tâm sử dụng nên việc " tam sao thất bản" càng lan tràn theo tỉ lệ thuận...


"Phượng Buồn" của nhạc sĩ Tuấn Hải gần đây được rất nhiều ca sĩ hát và được nhiều người yêu thích, với âm điệu du dương và lời ca gợi cảm, chân thật, nhẹ nhàng đánh động lòng người nghe:

Trong tiếng hát ve phượng hồng là hoàng hậu đó
Phượng buồn vì tình ta tan theo sóng biển nổi trôi
Ngàn năm trong tôi, tình này không phai phôi
Xuân qua hè tới ta nhớ nhau luôn phượng ơi!...

Dù sao thì sự nhầm lẫn giữa tên của hai tác giả đều có sáng tác bản nhạc "Phượng Buồn" cũng tạo nên một giai thoại trong làng tân nhạc cận đại một cách rất nên thơ và không kém phần thú vị ! Điều đáng nói là cả hai bản nhạc đều hay, đều gợi cảm, đều du dương và đều làm cho người nghe không khỏi bâng khuâng nhớ về thời áo trắng với hoa phượng đỏ thắm trong sân trường mỗi độ hè về.

Bây giờ tóc đã bạc, mắt đã mờ, răng đã... giả hết rồi, nhưng "Mỗi năm đến hè, vẫn thấy Lòng man mác buồn", khi nghe lại "Lưu Bút Ngày Xanh" với lời ca réo rắc...

Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi
Nhắc lại câu chuyện buồn...
Trường còn kia ôi mái đổ tường rêu
Nơi kỷ niệm êm ái...

 

Lớn lên trong mùa ly loạn, xếp bút xếp nghiên, hổ lều hổ chỏng, học hành dang dở... Kỷ niệm thời tuổi trẻ chỉ còn lại nuối tiếc của những mùa hè với hoa phượng đỏ thắm sân trường; Rồi lại phải lao vào vòng chiến tranh ý thức hệ một cách oan uổng. Chiến tranh chấm dứt thì lại phải làm thân lưu vong nơi xứ lạ quê người. Những "Mùa Chia Tay" cứ mãi tiếp nối nhau, biết đến bao giờ mới tìm lại được "Những Ngày Xưa Thân Ái" cũ ?! Vì...

Một ngày biệt ly trăm ngày nhớ nhau
Nuối tiếc cuộc vui ân tình phút đầu
Nếu ai đã từng rung cảm
Đôi lần nhặt màu hoa thắm
Lòng bâng khuâng biết mình đã yêu ...

Tuổi trẻ là tình yêu của lứa tuổi học trò, vào đời với tình yêu gia đình, yêu cuộc sống, yêu non sông, yêu Tổ quốc... Giờ lại phải đành gởi thân nơi chân trời góc bể nầy để ngậm ngùi nhớ tiếc cho những tháng ngày hoa mộng đã qua. Cám ơn nhạc sĩ Thanh Sơn với Nỗi Buồn Hoa Phượng, với Ba Tháng Tạ Từ, với Thương Ca Mùa Hạ, với Lưu Bút Ngày Xanh... Cám ơn nhạc sĩ Tuấn Hải với Phượng Buồn, Cám ơn nhạc sĩ Duy Khánh với Mùa Chia Tay...

Nhạc sĩ Thanh Sơn lúc trẻ và khi về già

Những ca khúc bất hủ, sống mãi và theo mãi gót chân lưu vong của người Việt đi khắp năm châu bốn bể...

Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét