Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

Hiến Máu Nhận Tình


Ðan Uyên đưa bằng lái xe cho cô nhân viên trước cổng hành lang để kiểm tra thông tin qua hệ thống computer. Cô nhân viên hỏi lại tên, tuổi, địa chỉ của nàng rồi viết tên lên mảnh giấy nhỏ, trao cho nàng. Ðan Uyên nhận lấy mảnh giấy, dán lên trước ngực. Cô nhân viên nói:

– Cám ơn cô, Ðan Uyên, đã đến để hiến máu, nhưng có thể cô sẽ chờ khá lâu vì cô không hẹn trước. Những nhân viên y tế sẽ cố gắng làm theo thứ tự và tôi hy vọng rằng cô sẽ không đợi quá lâu.

Ngừng một chút, cô nhân viên tiếp:

– Giờ… Cô đi thẳng, đến căn phòng đầu tiên bên phải, đợi ở đó nhân viên y tế sẽ gọi khi đến lượt, cô nhé. Một lần nữa, xin cám ơn cô đã đến để hiến máu.

Ðan Uyên đi theo sự chỉ dẫn của cô nhân viên đến phòng đợi. Căn phòng này dường như là một lớp học hay phòng họp. Nó nhìn có vẻ đơn giản và nghiêm túc. Trên tường, một chiếc bảng trắng lớn treo ngay ngắn, sẵn sàng cho những ghi chép hay bài giảng. Các dãy ghế bàn nhỏ xinh, được sắp xếp thành hàng thẳng tắp, tạo cảm giác gọn gàng và chuyên nghiệp. Không gian yên tĩnh, với ánh sáng dịu nhẹ từ cửa sổ và ánh đèn trên trần nhà, khiến nơi này trở thành môi trường lý tưởng cho học tập hoặc thảo luận. Mọi thứ đều được bố trí cẩn thận, gợi lên cảm giác trật tự và tập trung. Ðan Uyên nhìn thấy một người phụ nữ da trắng đang ăn lương khô và chờ đợi. Nàng chào người phụ nữ. Người phụ nữ ngước đầu lên nhìn Ðan Uyên rồi vội cúi xuống chăm chú nhìn vào điện thoại.

Ðan Uyên tìm đến một chiếc ghế ngồi cạnh cửa sổ, ngồi xuống. Nàng mở chai nước suối ra uống từng ngụm nhỏ và lấy điện thoại ra đọc email. Ðây là lần đầu Ðan Uyên đi hiến máu cho hội Hồng Thập Tự. Từ nhỏ cho đến tận bây giờ nàng rất sợ đổ máu và kim tiêm chích vào cơ thể mình, nhưng khi đọc được tin tức nơi nàng làm việc về ngân hàng máu đang thiếu máu dự trữ và cần những người có sức khỏe tốt để hiến máu nhân đạo, nàng đã tìm đến để hiến máu cho hội Hồng Thập Tự.

Không lâu sau, một anh nhân viên y tế vào gọi tên người phụ nữ.
– Jennifer. Jennifer Wilson…

Người phụ nữ đi rồi, trong phòng chỉ còn một mình nàng. Ðan Uyên đưa mắt nhìn lại căn phòng. Căn phòng sạch sẽ, yên tĩnh. Phía bên trái của căn phòng, đối diện cửa sổ, có treo một bức tranh sơn dầu vẽ cảnh rừng thu với thác nước rất thơ mộng. Nàng lấy điện thoại ra, đi đến bên cạnh bức tranh, làm dáng và chụp vài tấm hình. Ðang xem lại những tấm ảnh nàng vừa chụp để gửi khoe với bạn bè về việc nàng đã "can đảm" đi hiến máu hôm nay, thì một người đàn ông đến.

Ðan Uyên ngước mặt lên nhìn người mới đến. Anh ta trẻ, khoảng ngoài ba mươi, khuôn mặt sáng sủa trong chiếc áo sơ mi kẻ sọc nhìn rất gọn gàng, tươm tất. Người đàn ông gật đầu chào nàng và tự giới thiệu:
– My name is Danh (Tôi tên Danh).
Anh ta nhìn bảng tên trên ngực nàng đọc:
– Ðan Uyên? Are you Vietnamese? (Bạn là người Việt à)?
Nàng trả lời người thanh niên bằng tiếng Việt.
– Dạ. Em là người Việt. Còn anh? Anh làm việc ở đây?
Danh trả lời nàng:
– Ừa, tôi làm việc ở đây. Em làm khu nào?
Ðan Uyên lấy thẻ nhân viên của nàng, đưa lên cho người đàn ông xem.
– Ồ, dược sĩ. Tôi cũng làm việc ở đây. Tôi làm ở khoa Cấp Cứu.
Danh đi đến cái ghế cạnh Ðan Uyên, ngồi xuống. Anh mở lời.
– Ðan Uyên sống ở Virginia này?
– Dạ không. Em ở tiểu bang Florida, mới về đây làm việc gần được hai năm.
Danh tròn mắt ngạc nhiên:
– Thú vị!
Ngừng một chập, Danh nói tiếp:
– Thường thì người Việt hay chọn những nơi nắng ấm như California hay Florida để sống và làm việc. Nhưng… Ðan Uyên thì ngược lại. Vả lại, dược sĩ như em thì tiểu bang nào cũng cần và làm được. Vì đâu mà em lại chọn trường đại học này?

Ðan Uyên cười, rồi trả lời:
– Em sanh ra ở Florida, chán khí hậu ẩm và nóng nơi này nên thích tìm nơi nào có đủ bốn mùa rõ rệt để thử. Và, Virginia là nơi em thích nhất. Hơn nữa, em thích làm việc ở trường học bệnh viện hơn là ở quầy dược phẩm. Công việc ở trường đại học và bệnh viện thì chậm chứ không gấp gáp như ở các quầy bán thuốc.
– Ồ… Wow… Em sanh ở bên này mà tiếng Việt em giỏi quá.
– Dạ cám ơn anh. Em ở chung với ba má và ông bà ngoại. Ở nhà nói tiếng Việt nhiều, nên quen. Ông bà ngoại và má em qua Florida năm 1993, họ vẫn còn Việt Nam lắm. Còn anh Danh?
– Tôi hả? Tôi sanh ở Việt Nam. Năm tôi 16 tuổi được gia đình bảo lãnh qua đây. Cũng hơn 20 năm rồi.

Hai người đang nói chuyện thì người nhân viên y tế khi nãy đến gọi tên Danh và anh đã rời khỏi phòng đợi.
Danh đi rồi, còn lại một mình Ðan Uyên, nàng lấy điện thoại ra đăng những tấm hình mới chụp được lên mạng xã hội Facebook với những dòng chú thích: "Lần đầu đi hiến máu, hơi sợ một chút. Hy vọng là không xỉu."

Ðan Uyên vào đọc các dòng trạng thái của bạn bè và mỉm cười vu vơ. Nàng đang chăm chú trả lời bạn bè thì người phụ nữ khác bước vào.

Người phụ nữ gật đầu chào Ðan Uyên. Cô hỏi nàng:
– Cô đợi ở đây có lâu không?
– Chắc khoảng hơn nửa tiếng.
– Ồ… Lâu vậy à? Cô có hẹn trước không sao mà lâu vậy?
– Dạ không, tôi không có hẹn trước.
– Tôi cũng vậy. Hy vọng là chúng ta không đợi lâu.
Hai người nhìn nhau cười. Ðan Uyên, trả lời:
– Vâng. Hy vọng vậy.

Hai người đang trò chuyện thì anh nhân viên y tế khi nãy bước vào gọi tên nàng. Nàng chào tạm biệt người phụ nữ rồi đi theo anh nhân viên y tế.

Bên trong căn phòng hiến máu khá rộng, gần gấp ba lần phòng chờ bên kia. Căn phòng được chia ra nhiều khu vực khác nhau. Anh nhân viên y tế chỉ vào chiếc ghế rồi nói:
– Mời cô ngồi xuống.

Anh hỏi lại những thông tin cá nhân của Ðan Uyên, ghi vào máy computer, đo nhiệt độ, huyết áp, hỏi một số câu hỏi trong vòng sáu tháng về những sinh hoạt và du lịch của nàng. Sau khi hỏi xong, anh ta chích vào ngón tay, nặn lấy máu để kiểm tra huyết sắc tố trong máu. Khi mọi thủ tục hoàn tất, một nhân viên y tế khác hướng dẫn nàng đến chiếc ghế giường nằm để chuẩn bị lấy máu.

Cũng như nàng, bên kia căn phòng là những người thiện nguyện viên đang hiến máu, trong đó có Danh, người mà nàng mới vừa gặp. Trong lúc chờ đợi dòng máu chảy vào túi chứa máu, Ðan Uyên nhớ lại những mẩu chuyện về ngân hàng máu đã cứu vô số người cần máu. Ví như câu chuyện của một người phụ nữ tên Phương đã hiến máu vài tháng một lần trong hơn mười năm. Lý do cô hiến máu bởi vì trong một lần em trai của cô bị tai nạn xe hơi, bệnh viện cần máu và nhờ những người hiến máu mà em trai của cô được cứu. Theo như cô Phương cho biết hiến máu cũng là một cách để đền đáp. Nhiều năm trôi qua, cô Phương vẫn giữ lời hứa hiến máu mỗi bốn tháng một lần, rất kiên định. Không những vậy, cô ấy đã tổ chức các đợt khuyến khích đồng nghiệp truyền máu tại nơi làm việc của mình. Lúc đầu một số người tỏ ra do dự, nhưng câu chuyện của cô kể về người em trai cô được cứu sống nhờ những người hiến máu đã lay động đến mọi người. Nhờ đó đã gây được tiếng vang . Dần dần, ngày càng có nhiều người tham gia cùng cô. Một ngày nọ, sau một lần hiến máu thành công, cô Phương nhận được một lá thư. Ngân hàng máu thông báo với cô rằng việc hiến máu của cô đã giúp cứu được một mạng sống. Một bé gái vừa trải qua ca phẫu thuật tim đã nhận được máu của cô trong ca phẫu thuật. Lời nhắn của bố mẹ cô bé ấy rất đơn giản: “Cảm ơn vì đã cho con gái chúng tôi cơ hội thứ hai”. Trong khoảnh khắc đó, cô Phương hiểu được trọn vẹn vòng tròn cuộc sống, lòng nhân ái và sự hào phóng mà việc hiến máu tạo ra. Hành động của cô Phương không chỉ tôn vinh người đã cứu em mình mà giờ đây còn khiến một gia đình khác cảm động sâu sắc. Hiến máu thường là những món quà thầm lặng, vô danh nhưng đối với những người nhận được, chúng lại là cứu cánh….

Ðan Uyên đang miên man suy nghĩ đến câu chuyện hiến máu của cô Phương và thầm hy vọng máu của mình sẽ giúp được những người cần thiết. Trong lúc lan man suy nghĩ thì anh nhân viên y tế trở lại để hoàn tất công việc hiến máu. Anh ta nói với nàng:
– Cô đã xong. Chúng tôi một lần nữa cám ơn cô đã đến hiến máu cho hội Hồng Thập Tự. Trên đường ra về, chúng tôi xin tặng cô chiếc áo làm kỷ niệm.
– Vâng, cám ơn các bạn. Xin hẹn lại lần sau.

Rời khỏi phòng hiến máu, Ðan Uyên nhìn đồng hồ cũng quá giờ ăn trưa. Nàng bước vội xuống căng-tin bệnh viện tìm mua thức ăn. Mùi bánh sandwich tươi, bánh ngọt, soup, khoai tây chiên và cà phê tràn ngập không khí. Bên trong mát lạnh với máy điều hoà mặc dù giờ là cuối mùa hè. Nàng ghé quầy rau củ, mua một hộp rau, một ly soup đậu và quả táo. Tính tiền xong, nàng đi quanh tìm chỗ ngồi. Giờ trưa căng-tin bệnh viện đông nghẹt. Ðan Uyên nhìn khắp phòng và phát hiện ra chiếc ghế còn trống cuối cùng, trong góc nhỏ cạnh cầu thang đi bộ. Ðan Uyên đi tới gần và nhận ra Danh. Ðan Uyên chào:
– Chào anh Danh… Anh có ngại khi em ngồi ở đây?
Danh vui vẻ mỉm cười, trả lời nàng.
– Em cứ tự nhiên. Cafeteria hôm nay đông khách quá.
– Dạ. Cảm ơn anh. Không ngờ nơi này lại đông đúc đến vậy?
Hai người ngồi im lặng ăn thức ăn trưa của mình. Danh ăn xong phần bánh sandwich của mình rồi hớp một ngụm cà phê, anh hỏi:
– Em có thường đi hiến máu không?
Nàng cười tươi rồi trả lời:
– Dạ đây là lần đầu của em. Lúc đầu em sợ lắm, tưởng đâu xỉu, nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Còn anh?
– Một năm vài ba lần .
– Ồ… Em phục anh quá. Anh ở tiểu bang này hay chỉ làm việc ở đây thôi?
– Từ lúc tôi đến Mỹ này là ở tiểu bang này. Chỉ có hai năm nội trú là ở UNC thôi. Tôi thích thành phố Richmond này.
– Dạ. Em cũng vậy. Anh ở thành phố này lâu chắc là biết nhiều chỗ đi chơi lắm nhỉ?
– Cũng không nhiều lắm vì bận rộn việc học và gia đình nên cũng ít đi…
– Em ăn xong rồi, cũng sắp tới giờ làm. Thôi em đi đây. Em cám ơn anh Danh. Rất vui khi gặp anh. Hy vọng gặp lại… 
– Vâng, chào em.

Rời khỏi căng tin, Đan Uyên đi vội vào phòng dược. Công việc hôm nay bận rộn hơn thường ngày nên nàng quên bẵng đi cuộc gặp gỡ tình cờ với Danh cho đến mấy tháng sau.

Kể từ hôm Ðan Uyên đi hiến máu cho hội Hồng Thập Tự cũng hơn hai tháng, thời gian đủ để nàng hiến máu thêm lần nữa. Lần này, rút kinh nghiệm, nàng đã ghi danh trước trên trang mạng lưới của hội Hồng Thập Tự. Nàng chọn vào giờ ăn trưa, thời điểm mà nàng nghĩ sẽ ít người tham gia hơn, giúp quá trình hiến máu diễn ra thuận lợi.

Chắc là do duyên số, nên Đan Uyên lại gặp Danh ở nơi hiến máu. Lần này, họ có cơ hội trò chuyện lâu hơn, không còn lướt qua nhau như lần trước. Hai người cảm thấy sự đồng điệu trong câu chuyện và dần trở nên thân thiết hơn. Cảm giác vui mừng và bất ngờ lan tỏa trong lòng nàng. Hai người trò chuyện từ những câu hỏi đơn giản về việc hiến máu đến những sở thích và ước mơ của mỗi người. Danh thật sự dễ gần và hài hước, khiến không khí trở nên thoải mái hơn rất nhiều.

Sau khi cùng nhau hiến máu, họ đã trao đổi số điện thoại và hẹn nhau đi uống cà phê sau khi hoàn tất. Sự kết nối giữa họ ngày càng mạnh mẽ qua từng cuộc trò chuyện và những lần hẹn hò. Những buổi gặp gỡ trở thành dịp để cả hai cùng tìm hiểu về nhau, chia sẻ những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống.

Thời gian trôi qua, và cả Ðan Uyên và Danh dần nhận ra rằng họ đã trở thành người yêu của nhau. Tình cảm giữa họ không chỉ được xây dựng trên sự quan tâm và thấu hiểu mà còn cả những kỷ niệm đẹp từ những lần hiến máu. Ðan Uyên chợt mỉm cười và thầm nghĩ: "Đúng là có cho mới có nhận. Cho máu nhận được tình yêu."

Một hành động nhỏ bé nhưng lại mang đến những điều kỳ diệu trong cuộc sống, khiến nàng cảm thấy ấm áp và hạnh phúc hơn bao giờ hết.

Tình yêu của họ không chỉ là kết quả của những cuộc gặp gỡ, mà còn là một hành trình cùng nhau sẻ chia và trải nghiệm.

Y Thy Võ Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét