Hình minh họa: ZCH
Năm 2015, tôi nghiên cứu về bản thể của Chất Đen. Tình cờ, những khám phá được trở nên hữu dụng.
Với sức mạnh làm nở cả vũ trụ, liên miên biến đổi hình thái các thiên hà, nhưng trong từng địa phương nhỏ (local) thì chất đen “hiền khô” hoàn toàn tĩnh lặng, bất động. Do đó, nó khiến những vật rơi trong không gian – nghĩa là trong lòng nó – bất động theo.
Nó tạo ra quán tính (sức ỳ, sức trì kéo) của muôn vật.
Tháng 5 năm đó, bà Viktoria Nyamadi, người Hung Gia Lợi, giáo sư toán và vật lý học ở Budapest, hội viên của Theoretical Physics Group, nhắc về thuyết của Galileo, “Trong chân không, thiếu sự cản trở của không khí, mọi vật rơi cùng tốc độ” và nêu thắc mắc: Hai trái banh một nặng, một nhẹ rơi xuống đất, cùng một vận tốc, như thể chúng có cùng một trọng lượng vậy. Cái gì tạo ra hiện tượng có vẻ lạ thường như thế?
Như máy, định trả lời bằng câu nói quen thuộc như kinh nhật tụng: “Vì trong chân không, thiếu vắng không khí, chứ có gì đâu mà còn phải hỏi. Vớ vẩn!” Rồi giật mình, nhớ ra mình lười biếng y hệt tiền nhân, nghiên cứu quá sơ sài thuyết của Galileo hơn bốn trăm năm nay.
Cứ nói đến thuyết Galileo là có ngay lông chim và một cái gì đó như cái kìm, cái búa đứng cạnh để chứng tỏ “không khí đã gây cản trở”. Bên nặng bên nhẹ quá khác biệt. Đáng lẽ các nhà nghiên cứu phải tiến xa hơn, không thể ngừng ở kết luận lười biếng ấy.
Chỉ cần loại bỏ lông chim (thiếu yếu tố sức cản không khí), rồi cho hai cái búa một 5 ký, một 4 ký, chẳng hạn, cùng rơi trên mặt trăng, mặt đất – xem chúng có rơi cùng tốc độ hay không… là biết liền. Năm ký, bốn ký hay một ký v.v… đều “rơi” cùng tốc độ dù có hay không có vacuum. Vì thực sự, chúng… không rơi!
Chính chất đen, khi tạo ra quán tính cho muôn vật, đã gây ra hiện tượng ấy.
Năm 1971, khi David Scott, làm thí nghiệm trên mặt trăng, đã thấy búa và lông chim “rơi” “cùng tốc độ” thì thực ra, ngay khi rời khỏi tay anh, cả hai món đó, đã đứng sững trong không gian.
Chất đen vây chặt lấy chúng, tạo quán tính, không cho nhúc nhích.
Tiến sĩ Charles Ivie nói về sự bất động của muôn vật trong không gian bằng cách nêu ra một thí nghiệm dễ thấy, dễ hiểu của Einstein.
Trong thí nghiệm này, một phòng thí nghiệm được đặt trong lòng một hỏa tiễn có sức bay lên với vận tốc 10 mét/ giây. Có hai trái banh, một nặng, một nhẹ, treo trên nóc phòng thí nghiệm. Lọc hết không khí để phòng thí nghiệm trở thành chân không. Rồi cùng lúc thả rơi hai trái banh.
Không còn ràng buộc gì với hỏa tiễn (để tiếp tục bị nó kéo lên theo với vận tốc 10 mét/ giây) hai trái banh một nặng, một nhẹ sẽ đứng sững trong không gian.
Quan sát viên đứng trên trái banh sẽ thấy sàn phòng thí nghiệm dâng lên, tiến về phía mình.
Còn quan sát viên trong phòng thí nghiệm thì lại vội vã tránh né để hai trái banh khỏi rớt trúng đầu.
Giáo sư Brian Cox, sau khi quan sát trái banh bowling và lông chim (tưởng rơi mà thực sự không hề rơi) trong phòng thí nghiệm Vacuum lớn nhất, cũng nói rất rõ về thuyết của Einstein đại ý rằng:
“Nếu cụ Isaac Newton ở đây, chắc cụ đã nói quả bóng và lông chim rơi xuống vì có một lực kéo chúng xuống: đó là trọng lực.
Nhưng cụ Einstein lại nghĩ khác.
Sở dĩ lông chim, quả bóng bowling không rơi vào đâu cả vì là vì chúng… không hề rơi. Chúng đang đứng yên. Không có lực nào tác động lên chúng hết.”
Thành ra, Tạo hóa dựa trên bản tính “chủ quan” cố hữu của loài người, bắt từ người đầu tiên trên thế gian bị “bé cái lầm” dài dài… cứ thế suốt bao nhiêu thế hệ.
Cứ thấy cái gì trên “trời rơi xuống” là đinh ninh nó phải rơi xuống đất, không thể ngờ chính mình và hành tinh mình đang sống lại “dâng lên” cùng tốc độ vận hành của địa cầu để… chạm vào vật đang rơi!
Nhưng khám phá được âm mưu của Tạo Hóa vào đúng lúc này thì cũng hay. Vì kỹ nghệ nhiếp ảnh, điện ảnh của quân ta giờ đây đã đạt mức thượng thừa.
Mai đây, chỉ cần một nhiếp ảnh gia thông minh, nhiều sáng kiến, thực hiện một đoạn phim ngắn.
Hoặc chụp qua một vacuum có tường bằng kính để thấy banh và lông chim bất động trong khi trái đất dâng lên, so với những trăng sao dùng làm mốc ở chân trời.
Hoặc dùng những ống zoom cực mạnh từ không gian nhìn về trái đất và thấy được muôn triệu hoa trái vừa lìa cành là bất động giữa thinh không.
Có chứng cớ rõ ràng ấy, mọi tranh luận, cãi cọ sẽ biến hết.
Và trong khu vườn nhỏ của tôi có một lão ông di tản – gốc gác là người di tản buồn – sẽ hết sức vênh váo, khoái chí tử, vì biết mình là người đầu tiên trên thế gian lật tẩy được trò chơi tinh quái, bất ngờ, và rất dễ thương của Đấng Tạo Hóa.
Lê Tất Điều
——————
Để bạn đọc tiện nghiên cứu thêm:
1. Luận án: “The Universe Never Had the So-Called Gravity”
Đăng trên tạp chí “International Journal of Fundamental Physical Sciences” Vol. 14 No. 2 (2024).
2. Youtube: Video của Bri-Mountain Films.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét