Vào tháng bảy âm lịch, đất trời đi vào tiết lập thu, bầu trời quê hương không còn xanh trong nhưng vướng đọng nhiều mây, có những cơn mưa dầm kéo dài cả mấy ngày, trong dân gian người ta gọi là mưa ngâu! Tương truyền rằng Chức Nữ là Thiên Tôn Nữ, cháu của Ngọc Hoàng, chuyên lo việc dệt vải,, được gả cho Ngưu lang Sau k hi làm vợ của Ngưu lang rồi, Chức Nữ chểnh mảng công việc nên bị đày về phía đông Sông Ngân Hà, mỗi năm chỉ gặp được Ngưu Lang một lần vào ngày rằm tháng bảy âm lịch. Tất cả đàn qụa kết lại thành cầu để cho Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau trên sông Ngân Hà. Chiếc cầu đó gọi là cầu Ô Thước. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi sau một năm dài xa cách, là chuyện tình buồn, hai người chỉ có khóc, dòng lệ chảy xuống thành cơn mưa dầm sùi sụt, nhuốm nỗi buồn khắp cõi nhân gian! Câu chuyện đó cũng cảm được lòng thi nhân nên có những vần thơ dồi dào điển tích:
“Đây là dãy Ngân Hà
“ Anh là chim ô thước
“ Sẽ bắt cầu nguyện ước
“Một đêm một lần qua”
Thực sự chuyện Ngưu lang Chức nữ chỉ tương truyền trong dân gian mang tính buồn, phù hợp với cảnh âm u của đất trời tháng bảy lập thu..Trọng tâm sinh hoạt dân gian trong tháng bảy là lễ Vu Lan.
Ngày rằm tháng bảy âm lịch là ngày vía lớn của Phật Giáo ( rằm tháng giêng là lễ Thượng Nguơn, rằm tháng bảy là lễ Trung Nguơn, rằm tháng mười là lễ Hạ Nguơn),tất cả các chùa đều tấp nập, các Phật tử đến Chùa cầu siêu cho cha mẹ, cho người thân sớm về cõi Phật. Rằm tháng bảy cũng là ngày xá tội vong nhân, người ta mở lòng cầu cúng cho các oan hồn sớm siêu thoát và cũng mở lòng bố thí cho kẻ cô quả khốn cùng!
Nữ sĩ Anh Thơ ( thời Tiền Chiến) bằng lời thơ đẹp và buồn đã vẽ nên ngày” rằm tháng bảy”
“Gió hiu hắt gieo vàng muôn cánh lá
“ Trời âm u mây xám bóng sương chiều
“Làng xóm ngập nhà nhà trong khói tỏa
“ Vẳng đưa lời khóc mả lạnh hiu hiu.
“Trong chùa điện hương đèn nghi ngút
‘Tiếng mõ chuông hòa nhịp trống bên đình
“ Lời cầu cúng truyền theo làn gió thoảng
“Quyện cô hồn nương gió lại nghe kinh
Ngoài đê rộng bồ đề nghiêng đổ cháo
Lễ chúng sinh từng bọn một ăn mày
‘ Cùng lẳng lặng như bóng ma buồn não
Dắt nhau tìm nơi cúng để xin may”
(Bức Tranh Quê)
Người Phật tử luôn luôn nhớ rằng mùa Vu lan là dịp đền ơn đáp nghĩa đấng sinh thành. Vu lan mang ý nghĩa giải thoát nỗi thống khổ, bắt nguồn từ sự tích Tôn Giả Mục Kiều Liên cứu độ mẹ là bà Thanh Đề.
Mục Kiều Liên là vị Bồ Tác đệ tử của Phật. Mục Liên vốn hiền từ, dù đã thành chánh quả, thấy mẹ phạm tội lỗi phá hoại tăng ni, tìm cách cho họ phạm các giới cấm, nên bị đày vào ngục A tỳ, chịu cực hình đói khát ngồi trên chong sắt, hể ăn uống thứ gì thì cháy thành lửa., Mục Liên nhờ gậy phép và bồn bát của Phật Quan Âm xuống tận cõi âm ty để cứu mẹ và khuyên mẹ ăn năn hối lỗi một lòng tu niệm. Do đó mùa Vu lan cũng là mùa báo hiếu của các Phật tử thuận thành.
Vào đầu thập niên sáu mươi, tôi có một người bạn gái là một phật tử rất mộ đạo , một ngày rằm tháng bảy, tôi và cô đi chùa lễ Phật. Chúng tôi đến chùa Xá Lợi, đó là một ngôi chùa lớn nhất trong thủ đô Saigon thời ấy… Khi vừa đến cổng chùa, một cháu gái độ mười hai tuổi, trong chiếc áo dài màu lam, cháu nở nụ cười diệu ái và nói điều gì rất nhỏ bên tai người bạn gái của tôi, rồi cài một hoa trắng nhỏ trên cổ áo dài, xoay qua tôi cháu cài trên áo tôi chiếc hoa màu hồng. Tôi rất bỡ ngỡ , nghĩ đây là một tục lệ tôn giáo, tôi không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên.
Sau khi lên chánh điện lễ Phật xong, xuống sân chùa, tôi thấy ai cũng có hoa cài trên áo, hoặc màu trắng hay màu hồng, tôi mới hỏi cô bạn. Cô giải thích:” đây là tục lệ mới du nhập vào nước ta trong vài năm gần đây. Anh thấy đó, hôm nay rằm tháng bảy, ngày Vu lan, cũng là ngày báo hiếu, mình đi chùa, ai còn cha mẹ thì cầu cho cha mẹ sống đời với mình, ai cha mẹ mất thì cầu nguyện cho cha mẹ sớm siêu thoát về cõi Phật. Anh được cài hoa màu hồng là có diễm phúc, còn em mất mẹ lúc lên năm, nên em rất tủi thân phải cài hoa trắng” .Nói đến đây tôi thấy mắt cô nhìn xa xăm và ứa lệ!.
Thú thật ngày ấy tôi còn đủ cha mẹ nên không thấu cảm được nỗi lòng của cô!
Khi ra khỏi cổng chùa hai chúng tôi đi bách bộ theo đường Bà Huyện Thanh Quan, mùa thu Saigon không có lá vàng xôn xao đổ, nhưng lá cây nhạc ngựa trồng hai bên đường cũng rì rào như tiếng buồn cô qủa, Chúng tôi vào vườn Tao đàn ngồi nghỉ chân trên băng đá, cô tiếp tục giải thích:” Theo kinh Đại Tập, Phật dạy: thế nhược vô Phật, thiên sự phụ mẫu. Sự phụ mẫu, tức thị sự Phật ( nghĩa là người sinh ra ở đời không gặp Phật mà khéo phụng thờ cha mẹ như phụng thờ Phật). Kinh Nhẫn Nhục, Phật dạy:Thiên Chi cực mạc đại ư hiếu, ác chi cực bất hiếu giả ( nghĩa là hiếu thảo là điều thiện to lớn nhất, bất hiếu là điều ác to lớn nhất, không hiếu là thiếu bổn phận làm người, thiếu nhân cách)”
Bây giờ thì thì mẹ tôi đã mất rồi, tôi đã thấy rõ một sự mất mát to lớn nhất trong đời, tôi đã thấu cảm những giọt nước mắt của người bạn gái trong ngày rằm tháng bảy năm xưa!
Tôi đã bôn ba trên đường hoạn lộ, lầm than trong chốn ngục tù, bận rộn trên đất tạm dung, tất cả đã qua và sẽ qua đi, nhưng có sự hối tiếc còn mãi trong tôi: ”tại sao không một lần nào ngồi lại với mẹ thật lâu, nhìn mẹ thật kỹ để biết mẹ còn sống và đang ngồi bên tôi. Tại sao từ lúc trưởng thành, tôi chưa bao giờ qùy bên gối mẹ và nói với mẹ rằng con thương mẹ lắm mẹ ơi”. Mẹ còn sống là núi biển tình thương, là dòng suối mát, là một kho tàng, thế mà ta hững hờ, vô tình lãng phí!
Có một đêm tôi nằm mơ thấy mẹ tôi và được sống lại những ngày thơ ấu thật hạnh phúc với mẹ tôi, từ đó tôi cảm nhận đầy đủ một người mẹ tuyệt vời, sau đó tôi ghi lại bằng lời thơ:
“Chiều chiều ra đứng ngã sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”
Mẹ là núi biển tình yêu
Vì con xuôi ngược vạn chiều gió mưa.
Công lao đong mấy cho vừa
Vì con xuôi ngược mấy mùa gian nan.
Lời ru mẹ tựa cung đàn
Nhịp theo tiếng võng qua ngàn đêm thâu.
Nay dù ai lạc nơi đâu
Vẳng nghe lời mẹ nhớ màu quê hương.
Mẹ là giọt nắng tình thương
Sưởi hồn con ấm nẻo đường chiều đông.
Suốt đời mẹ chỉ hoài mong
Bé thơ khôn lớn nối dòng sử xanh.
Nhớ xưa cha mãi lâm hành
Nửa đời chinh phụ mẹ đành cô đơn.
Mẹ là hình ảnh nước non
Mẹ là gấm vóc cội nguồn thủy chung.
Chúng con xin hứa kiên trung
Thương nhà nhớ nước cho lòng mẹ yên!.
Viết xong bài thơ nầy, tôi đọc lại nhiều lần, nay gần như đã thuộc lòng, tôi thường ngâm khe khẻ một mình với sự hối tiếc tột cùng:
-Phải chi mẹ tôi còn sống tôi qùy bên gối mẹ đọc cho mẹ nghe!
-Phải chi bài thơ nầy được viết lúc còn trẻ và tặng cho người bạn gái Phật tử trong mùa Vu Lan năm xưa, chắc nàng ưng ý lắm!
Nay biết gửi về đâu?- Mẹ đã mất rồi! - Cố nhân nay đã là một ni sư thuận thành, tóc đã ngã màu sương tuyết. Giờ nầy nơi quê nhà có vạn nỗi lầm than, với tấm lòng từ bi, chắc nàng luôn cầu nguyện cho chúng sanh quanh cô, vơi đi niềm cô quả, sớm thoát khỏi vòng khốn khổ, lao lung!
Mùa Vu Lan
Hàn Thiên Lương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét