Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2024

Thu Dạ Ký Khâu Nhị Thập Nhị Viên Ngoại 秋夜寄丘二十二員外 - Vi Ứng Vật (Trung Đường)


(Nhân ngày giỗ mãn tang anh Hoàng Ngọc Khôi, bút hiệu Hoàng Xuân Thảo)

Vi Ứng Vật 韋應物 (737-792) tự Nghĩa Bác 義博, người Đỗ Lăng, Kinh Triệu, lúc đầu làm Tam vệ lang cho Đường Huyền Tông (712-755), về sau chịu khó đọc sách, đến đời Đức Tông (780-804) làm quan thứ sử Tô Châu có nhiều thiện chính. Ông tính cao khiết, thích đốt hương ngồi một mình. Ông cùng Lưu Trường Khanh được người đương thời gọi là 2 thi nhân đại tự nhiên. Thi tập của ông gồm 10 quyển.

Nguyên bản Dịch âm

秋夜寄丘二十二員外 Thu Dạ Ký Khâu Nhị Thập Nhị Viên Ngoại

懷君屬秋夜 Hoài quân thuộc thu dạ,
散步詠涼天 Tản bộ vịnh lương thiên.
空山松子落 Không sơn tùng tử lạc,
幽人應未眠 U-nhân ưng vị miên.

Chú giải

涼 lương: mát mẻ
幽 u: tối tăm, u tối, sâu thăm thẳm.
*幽人 u-nhân: người ở ẩn trong núi u tối; u-nhân thường thức rất khuya; (ÔC không biết nên dịch là gì trong một câu chỉ có 5 chữ, bèn bắt chước Cụ trần Trọng Kim không dịch, hy vọng rằng tiếng Việt sau này sẽ có thêm cụm từ u-nhân).
應 ưng: ưa, thích.

Dịch nghĩa

Đêm thu gửi viên ngoại Khâu hăm hai

Nhớ anh trong một đêm thu,
(Bèn) Đi dạo ngâm nga ca tụng bầu trời mát mẻ,
Núi vắng vẻ nghe trái tùng rớt,
Kẻ u-nhân còn chưa muốn ngủ.

Dịch thơ

Đêm thu gửi viên ngoại Khâu hăm hai

Đêm thu nhớ anh lắm,
Tản bộ ngắm thiên nhiên,
Trái tùng rơi núi vắng,
U-nhân* chưa ngủ yên./.

Lời bàn

Trong một đêm thu, Vi Ứng Vật nhớ viên ngoại Khâu 22, một người bạn già lâu ngày không gặp, bèn làm những việc sau đây rồi chép thành bài ngũ ngôn tứ tuyệt gởi cho Khâu 22:

Câu 1 & 2:
- Đêm thu nhớ anh lắm; Tản bộ ngắm thiên nhiên. Nhớ anh quá, tôi bèn tản bộ trong rừng khuya, ngâm nga vịnh bầu trời mát mẻ. Nói vậy thôi, chứ đi vào rừng vắng giữa đêm khuya không phải là chủ đích của tôi; chính là vì nhớ anh mà tôi đi (nhớ anh quá, đứng ngồi không yên nên tản bộ trong rừng khuya cho đỡ nhớ).

Câu 3
- (Nghe) Trái tùng rơi núi vắng. Đi dạo trong núi vắng thì thường nghe tiếng côn trùng, tiếng chim, tiếng thú rừng; tại sao chỉ chú ý tới tiếng rơi của trái tùng? Bởi vì trái tùng vừa nhẹ, vừa khô, vừa nhiều cạnh nhọn, khi rơi xuống và lăn trên sườn núi đá thì phát ra tiếng lạo xạo rất nhẹ làm nổi bật vẻ hoang vắng của núi rừng. Tiếng trái tùng rơi trong núi vắng là tiếng lòng của tôi nhớ anh đó.

Câu 4.
- U-nhân*chưa ngủ yên. Câu này ngụ ý họ Vi đi lang thang gần hết đêm, lúc u-nhân vẫn còn thức (u-nhân thường đi ngủ rất trễ). ÔC để nguyên cụm từ u-nhân* không dịch vì 2 lý do: 1/ Rất khó dịch vì số chữ hạn chế của ngũ ngôn; 2/ nếu cố gắng dịch e sẽ làm lạc cái nhịp điệu hài hòa (tiết tấu, melody) của bài thơ (mà ỐC sẽ nói tới trong phần tái bút dưới đây).

Tái bút:

Dịch xong bài này, nghe đồng hồ điểm 2 tiếng, ÔC tắt đèn trong thư phòng định đi ngủ. Bỗng cảm thấy một luồng gió lạnh thổi nhẹ sau gáy, biết có nữ yêu tinh muốn báo tin… Rồi có một con đom đóm bay chầm chậm trước mặt và dừng lại trước quyển lịch treo trên tường, ngay chỗ ngày mùng 2 tháng 6 năm 2024. ÔC chợt nhớ tới ngày giỗ mãn tang của đại ca Hoàng Xuân Thảo (đã mất cách nay 3 năm, ở tuổi 90, cùng tuổi với ÔC hiện thời). Thì ra con yêu tinh Thu dạ ký Khâu nhị thập nhị viên ngoại của Vi Ứng Vật tới nhắc nhở mình! ÔC bèn chép riêng một bản dịch đem ra vườn sau đốt, miệng lẩm bẩm khấn Hoàng Xuân Thảo rằng “Từ nay âm dương cách biệt, anh hãy yên nghỉ trên cõi Vĩnh Hằng. Từ ngày mùng 2 tháng 6 năm 2025, bọn tôi trong diễn đàn LTCD thế kỷ 21 sẽ không làm phiền anh nữa đâu”.

Hoàng Xuân Thảo là người đầu tiên khuyến khích ÔC nên thành lập diễn đàn Liêu Trai Chí Dị (LTCD) thế kỷ 21. Ông còn là người duy nhất cổ võ cho ÔC viết lời bàn cho hàng ngàn bài thơ Đường. Ông đã tặng ÔC biệt danh Bồ Tùng Bảo (em kết nghĩa của Bồ Tùng Linh, người tạo ra những con yêu tinh từ chồn, cáo, rắn, rết, chó, mèo, ong, bướm, hoa lan, hoa cúc v. v…), ngụ ý rằng ÔC đã hoang đường hóa những bài thơ Đường thành những con yêu tinh.

Bài ngũ ngôn tứ tuyệt của Vi Ứng Vật đơn sơ mà thấm thía; đầu tiên nhờ cái tiết tấu của nó. Tiết tấu của một bài thơ rất trừu tượng (khi bạn ngâm một bài thơ mà chợt thấy xúc động là dấu hiệu bạn vừa gặp cái tiết tấu của nó đấy). Mỗi ngôn ngữ có một tiết tấu riêng cho thơ; tiếng Tàu và tiếng Việt có nhiều tương đồng (đơn âm, trầm bổng) nên tiết tấu cũng tương đồng. Mời các bạn đọc những vần thơ dưới đây để tưởng tượng ra cái tiết tấu của một số bài thơ của nước Việt:

Tiết tấu trong thơ của Tú Xương:

Phen này tớ hỏng tớ đi ngay,
Cúng giỗ từ đây nhớ lấy ngày.
Học đã toi cơm nhưng chửa chín,
Thi không ngậm ớt thế mà cay…

Hoặc:

Cái học nhà nho đã hỏng rồi,
Mười người đi học chín người thôi.
Cô hàng bán sách lim rim ngủ,
Thày khóa tư lương nhấp nhổm ngồi.
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo,
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi.
Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ,
Cái học nhà nho đã hỏng rồi./.

Hoặc:

Đêm sao đêm mãi tối mò mò,
Đêm đến bao giờ mới sáng cho.
Con trẻ u ơ chừng muốn dậy,
Ông già húng hắng vẫn còn ho.
Ngọn đèn canh trộm khêu nho nhỏ.
Tiếng chó nghi người sủa vẫn to.
Hàng xóm láng giềng ai đã dậy,
Dậy thì lên tiếng gọi nhà nho./.

Hoặc:

Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông…

Hoặc:

Ước gì ta là trái dưa,
Để cho người tắm nước mưa chậu đồng.
Ước gì ta là bông hồng,
Để cho người bế người bồng trên tay./.

Tiết tấu trong thơ của Nguyễn Khuyến:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo./.

Hoặc:

Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau.
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời...
… Bác già tôi cũng già rồi,
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!
Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,
Trước ba năm gặp bác một lần,
Cầm tay nói hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can.
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày,
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời.
Ai chẳng biết chán đời là phải,
Vội vàng chi đã mải lên tiên,
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai ai biết mà đưa,
Giường kia treo những hững hờ,
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương,
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.

Tiết tấu trong thơ của Chu Mạnh Trinh

Bầu trời cảnh bụt,

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay,
Kìa non non nước nước mây mây,
Đệ nhất động hỏi là đây có phải?
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái.
Lửng lơ khe suối cá nghe kinh.
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Này suối Giải Oan này chùa Cửa Võng,
Này am Phật Tích này động Tuyết Quynh.
Nhác trông lên ai khéo vẽ hình,
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Dập dìu mấy lối uốn thang mây.
Chừng giang sơn còn đợi ai đây,
Hay tạo hóa sẽ ra tay sắp đặt.
Lần tràng hạt miệng nam-mô Phật,
Cửa từ-bi công đức biết là bao,
Càng trông phong cảnh càng yêu./.

Tiết tấu trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

Trời chiều bảng lảng ánh hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa tựa trống dồn.
Gác mái ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.
Ngàn lau gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu bâng khuâng khách bước dồn.
Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ,
Lấy ai mà kể chuyện hàn ôn./.

Tiết tấu trong thơ Tản Đà:

Trận gió thu phong rụng lá vàng,
Lá rơi hàng xóm lá bay sang.
Vàng rơi mấy lá thu già nửa,
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng.

Trận gió thu phong rụng lá hồng,
Lá rơi tường bắc lá sang đông.
Hồng rơi mấy lá thu hồ hết,
Ngơ ngẩn kìa ai vẫn đứng trông.

Tiết tấu trong tiếng sáo Thiên Thai của Thế Lữ:

… Khi cao vút tận mây mờ,
Khi gần vắt vẻo bên bờ cây xanh.
Êm như lọt tiếng tơ tình,
Đẹp như ngọc nữ uốn mình trên không…

Tiết tấu trong tiếng đàn của Nguyễn Du:

… Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau xầm xập như trời đổ mưa.
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối khi cúi đầu,
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày…

Tiết tấu trong ca dao Việt

Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá cá lặn trông sao sao mờ.
Buồn trông con nhện trăng tơ,
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao mai,
Sao ơi! Sao hỡi! Nhớ ai sao mờ…
Đêm đêm tưởng giải Ngân-hà,
Chòm sao tinh đẩu đã ba năm tròn.
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Tào-khê nước chảy hãy còn chơ chơ./.

Vừa thoáng nghe những vần thơ trên là thấy ngay rằng chúng du dương giống như những khúc nhạc, nhờ cái tiết tấu của chúng (chưa nói tới ngôn từ, ý tứ…).

Tiết tấu của ngũ ngôn tứ tuyệt (20 chữ) không dài như một khúc nhạc mà chỉ ngắn như một câu dạo đàn… ÔC nêu ra 2 bài thơ dịch dưới đây để chọn xem bài nào có câu dạo đàn du dương:

Bài thơ dịch 1 Bài thơ dịch 2

Đêm xuân nhớ anh lắm, Đêm xuân nhớ anh quá,
Tản bộ ngắm thiên nhiên. Tản bộ ngắm thiên nhiên.
Trái tùng rơi núi vắng, Trái tùng rơi núi đá,
U-nhân chưa ngủ yên./. U-nhân chưa ngủ yên./.

Bài thơ dịch 1 có cụm từ núi vắng cuối câu 3 bao hàm ý nghĩa của câu nguyên bản (空山 không sơn) nên tiết tấu của nó giống như một câu dạo đàn du dương.

Bài thơ dịch 2, có cụm từ núi đá cuối câu 3, không bao hàm ý nghĩa của câu thơ nguyên bản (空山 không sơn) nên tiết tấu lạc hẳn di, nghe như một câu dạo đàn lạc âm (nên 4 dây của cây đàn này cần được tune-up lại).

Người ta nói Bài thơ dịch 2 có cụm từ núi đá dùng không đắc địa nên hồn thơ của nó rò đi ít nhiều qua cái lỗ rò của cụm từ núi đá.

Trân trọng cảm ơn các bạn đã kiên nhẫn lắng nghe.

Con Cò
***
Những Bài Dịch Khác:

Đêm Thu Gởi Viên Ngoại Khâu Hăm Hai

Đêm thu nhớ đến bạn
Tản bộ ngâm, trời lành
Núi vắng thông rơi quả
Tu tiên ngủ chẳng đành!

Lòng nhớ bạn đêm thu khoảng khoát
Ngâm nga thơ, dạo mát sao trời
Núi vắng lặng, quả thông rơi
Tu tiên dỗ giấc đầy vơi sao đành!?

Lộc Bắc
May2024
***
Đêm Thu Gửi Khâu Viên Ngoại Hai Mươi Hai.

Đêm thu nhớ tới người,
Trời mát dạo ngâm chơi.
Núi vắng tùng rơi quả,
Chắc người chưa nghỉ ngơi.

Mỹ Ngọc
May 11/2024.
***
Đêm Thu Nhớ Bạn

Đêm Thu ngồi dưới hiên thanh
Thơ xưa ngâm khẽ… bóng anh hiện về
Trái sầu rơi rụng non khê
Lắng nghe dạ khúc… tỉ tê nhớ người

Kiều Mộng Hà
Austin.5.25.24
***
Đêm Thu Nhớ Bạn

Đêm thu sầu nhớ bạn lòng
Trời se sắt lạnh ngân dòng thi ca
Hạt thông buông nhẹ cành xa
U nhân chưa ngủ thiết tha nỗi niềm

Thanh Vân
***
Đêm Thu Nhớ Bạn

Đêm thu vắng vẻ nhớ người
Thẩn thơ ngâm vịnh sao trời long lanh
Quả thông nhẹ rụng non xanh
Bạn ta chắc hẳn năm canh chong đèn!

Kim Oanh
***
Đêm Thu Gửi Viên Ngoại Khâu Hăm Hai.

Bản dịch của Trần Trọng Kim:

Đêm thu vắng vẻ nhớ anh
Ngâm nga trời lạnh một mình dạo chơi
Núi hiu quạnh trái tùng rơi
U nhân chưa dễ đã ngơi giấc lành

Gởi Khâu Viên Ngoại 

Đêm thu hoài tưởng miên man,
Đức ông viên ngoại dặm ngàn cách xa.
Nguyệt minh tản bộ mình ta,
Tiết thời trở lạnh - ngâm nga câu từ.
Núi non vắng lặng sương mù,
Quả tùng rơi rụng - biệt từ nhánh cây.
Về hưu nhàn rỗi lâu nay,
Ắt ngài chưa ngủ - đắm say giấc nồng.

Khánh-Hưng
***
 Thu Dạ Ký Khâu Nhị Thập Nhị Viên Ngoại 

Đại ca Hoàng Ngọc Khôi ra đi thoáng chốc đã 3 năm.

Hồi xưa, ở Việt Nam, BS không biết anh Khôi, vì nhỏ hơn và học sau anh khá nhiều. Qua Canada, biết anh ở cùng xứ, tại một thành phố khác, nhưng mãi tới năm 1987, khi anh Phạm Hữu Trác tổ chức Đại Hội Y Sĩ Trên Thế Giới Tự Do tại Montréal chúng tôi mới có dịp gặp nhau. Anh là người hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ, nhiều tài, kiến văn quảng bác, đã khuyến khích BS rất nhiều để viết văn, làm thơ trở lại, vì thời sinh viên, BS có đóng góp bài vở cho Nguyệt San Tình Thương của Y Khoa Đại Học Sàigon cho tới khi báo đóng cửa.

Khi vào diễn đàn Liêu Trai Chí Dị 21 của anh Nguyễn Văn Bảo, anh Khôi cũng hay tán thưởng và khen ngợi làm BS lên tinh thần. Được khen thì ai chả thích. BS còn nhớ, ÔC có đưa bài TÚC KIẾN ĐỨC GIANG của Mạnh Hạo Nhiên để mọi người góp ý.

Chi du bạc yên chử,
Nhật mộ khách sầu tân,
Dã khoáng thiên đê thụ,
Giang thanh nguyệt cận nhân.

BS đã dịch:

Dời thuyền đậu bến mù sương,
Chiều tà lòng khách sầu vương mấy lần,
Đồng xa trời xuống thật gần,
Sông xanh, trăng cũng làm thân với người.

Bài được post lên diễn đàn ngày 26/03/2023, BS mới thấy lời khen của anh Khôi viết lúc sinh tiền:

Bài thơ dịch của BS hay quá, thật tuyệt vời, cảm thấy như thơ mình chứ không phải thơ dịch, mà vẫn tóm thâu đủ ý tác giả. Đọc xong là không thấy hứng dịch nữa, vì BS đã đè đầu rồi.

Được khen như vậy thì BS rất hãnh diện, vả cảm ơn sự quảng đại của đàn anh…

Vào ngày giỗ năm ngoái của anh Khôi, ÔC đã đưa bài Thất Lý Than Trùng Tống, để tưởng nhớ “lão đại ca”

Thủ chiết suy dương bi lão đại,
Cố nhân linh lạc dĩ vô đa.
(Bẻ nhánh liễu tàn thương bác cả,
Cố nhân rơi rụng chẳng còn bao).

Giỗ mãn tang anh Khôi năm nay, ÔC đưa một bài thơ có tựa thật dài của Vi Ứng Vật, BS không biết Khâu Viên Ngoại là ai, nhưng ông còn sống, chỉ ẩn dật mà thôi. U nhân, BS nghĩ là người ẩn dật, sống ở nơi vắng vẻ, xa lánh chốn phồn hoa.

Lời bàn của ÔC thật tuyệt, bàn về tiết tấu của bài thơ, đưa ra bao nhiêu thí dụ… BS đọc bài thơ, thật tình không nhận ra tiết tấu, chỉ thấy cảm thương cả tác giả và viên ngoại họ Khâu, và dịch bài thơ theo cảm xúc của mình, theo thể lục bát:

Đêm Thu Gởi Viên Ngoại Họ Khâu Thứ Hai Mươi Hai

Đêm thu nhớ bác ơ hờ,
Một mình đi dạo, ngâm thơ vịnh trời,
Hạt tùng non vắng nhẹ rơi,
Kẻ ẩn cư chắc chưa ngơi giấc hoè.

Bát Sách

***
Nguyên bản:                 Phiên âm:

秋夜寄丘二十二員外 Thu Dạ Ký Khâu Nhị Thập Nhị Viên Ngoại

韋應物 Vi Ứng Vật

懷君屬秋夜 Hoài quân chúc thu dạ
散歩詠涼天 Tản bộ vịnh lương thiên
空山松子落 Không sơn tùng tử lạc
幽人應未眠 U nhân ưng vị miên

Bài thơ được khắc đăng trong các sách:

Vi Tô Châu Tập - Đường - Vi Ứng Vật 韋蘇州集-唐-韋應物
Văn Uyển Anh Hoa - Tống - Lý Phưởng 文苑英華-宋-李昉
Đường Âm - Nguyên - Dương Sĩ Hoằng 唐音-元-楊士弘
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代 詩選-明-曹學佺
Ngự Định Toàn Đường Thi Lục - Thanh - Từ Trác 御定全唐詩錄-清-徐倬

Đường Thi Tam Bách Thủ và Thiên Gia Thi

Chữ bộ步 trong câu 2, nếu viết theo đúng mộc bản trong sách của Vi Ứng Vật (bộ歩)thì nhiều tự điển không đọc được.

Ghi chú:

Khâu nhị thập nhị viên ngoại: là Khâu Đan, bạn của thi nhân, người gốc Tô Châu, từng làm quan thượng thư, và sau đó sống ẩn dật ở Bình Sơn
Chúc: chăm chú vào cái gì, đúng lúc
Lương thiên: trời mát lạnh
Không sơn: núi yên tĩnh vắng lặng
U: tối tăm, u tối, sâu thăm thẳm.
U nhân: người sống ẩn dật trong núi rừng hẻo lánh, chỉ viên ngoại họ Khâu đang theo học Đạo giáo ở Bình Sơn

Dịch nghĩa:

Đêm Thu Gởi Viên Ngoại Họ Khâu Thứ 22

Nhớ bạn nhiều trong đêm thu này,
Ngâm thơ trong lúc tản bộ dưới trời mát lạnh.
Như nghe các hạt thông đang rơi trong núi trống vắng,
Và người bạn sống ẩn dật chắc hẳn vẫn chưa ngủ yên.

Bài thơ rất tình cảm gởi cho người bạn thân. Vi Ứng Vật viết cho Khâu Đan khi Khâu Đan rời Tô Châu đến sống ở Bình Sơn để học Đạo. Bài thơ gồm hai phần rõ rệt. Phần 1 hiện thực, gồm câu 1 và 2, nói chính xác thời lúc làm bài thơ và sinh hoạt của tác giả lúc bấy giờ: đi tản bộ, ngâm thơ, nhớ bạn… ban đêm dưới bầu trời thu mát lạnh. Phần 2 hư cấu, gồm câu 3 và 4, nghĩ đến cảnh quang yên vắng của núi rừng nơi Khâu Đan đang sống và đoán rằng ẩn nhân chưa yên ngủ vào giờ này.

Sau khi nhận được bài thơ của Vi Ứng Vật, Khâu Đan lập tức viết bài: Hòa Vi Sứ Quân Thu Dạ Kiến Ký 和韦使君秋夜见寄 (Gởi và Hẹn Gặp Sứ Quân Họ Vi Vào Đêm Thu ) để đáp lại: "Lộ tích ngô diệp minh, thu phong quế hoa phát. Trung hữu học tiên lữ, xuy tiêu lộng sơn nguyệt. 露滴梧叶鸣,秋风桂花发.中有学仙侣,吹箫弄山月Những giọt sương kêu trên lá ngô đồng, hoa quế nở trong gió thu. Có những người bất tử đã học, thổi sáo và chơi với trăng núi." Bài thơ ý nói, vầng trăng hơi lạnh, sáng trong đêm thu, tôi thật sự chưa ngủ thiếp đi, nhưng không phải ngồi bên cây thông để nghe hạt thông rơi, mà bên cây quế, cây ngô đồng để cùng với những người bạn Đạo giáo nghe học từ những người bất tử.

Dịch thơ:

Đêm Thu Gởi Viên Ngoại Họ Khâu

Đêm thu nhớ bạn hiền,
Tản bộ ngâm triền miên.
Núi vắng thông rơi hạt,
Mơ màng giấc chẳng yên.

Phóng tác kính tặng hương hồn anh Hoàng Xuân Thảo:

Vắng Bạn

Đêm nay nhớ bạn nhiều,
Không bạn thơ tiêu điều.
Núi vắng chim ngừng hót,
Rừng thưa cảnh quạnh hiu.

Autumn Night Message to Counccillor Qiu 22nd

Thinking of you in this autumn night,
Reciting poetry while walking under the cool sky.
Hearing pine cones falling in the empty mountain,
And guessing you must still be awake.

秋夜寄邱員外-韋應物 Autumn Night Message To Qiu by Wei Yingwu Translation by Witter Bynner

懷君屬秋夜 As I walk in the cool of the autumn night,
散步詠涼天 Thinking of you, singing my poem,
空山松子落 I hear a mountain pine-cone fall....
幽人應未眠 You also seem to be awake.

On an Autumn Night to Councillor Qiu by Wei Yingwu
Translation by Betty Tseng

I think of you on this autumn night,
As I stroll along and take to poetise the cool weather.
I'd imagine that in the mountains it is time when pine cones fall,
And you're likely to be engrossed in thoughts too keeping you awake.

Phí Minh Tâm
--0O0--

TƯỞNG NHỚ BÁC SĨ HOÀNG NGỌC KHÔI.

Bác Sĩ Hoàng Ngọc Khôi, bút danh Hoàng Xuân Thảo, sinh ngày 19/07/1931 tại Bắc Ninh. Hồi trẻ, anh có một thời lang thang theo kháng chiến, sau đó anh gia nhập Quân Y hiện dịch khoá V, 1952-1958, và tốt nghiệp với bằng Y Khoa Bác Sĩ. Anh từng là Y Sĩ của binh chủng Nhảy Dù, và Y Sĩ Trưởng Quân Y Viện Trương Bá Hân ở Sóc Trăng. Anh là cựu giáo sư các trường Gia Long, Quốc Gia Sư Phạm, Khuyến Học, Hàn Thuyên. Dù nhiều công việc như vậy, anh còn lấy thêm 2 bằng Cử Nhân Luật Khoa và Văn Khoa. Với bút hiệu Hoàng Xuân Thảo, anh có những tác phẩm sau đây, đã xuất bản hay ấn hành:

Thơ, có 4 tập.

Niềm đau sáng tạo.
Khung trời quê hương.
Áo trắng tình hổng.
Tiếng vọng rừng phong.

Kịch.

Sang Sông.

Tiếng pháo giao thừa.
Nỗi ám ảnh của một tấm hình.
Thức tỉnh lúc hoàng hôn.
Người tập kết trở về.

Biên khảo:

Huyền thoại về triều đại Hồ Chí Minh, 1200 trang, với sự cộng tác của bác sĩ Nguyễn Thượng Vũ.
Xứ cờ lá phong, quê tôi cuối đời, 600 trang, với sự cộng tác của bác sĩ Từ Uyên.

Dịch thuật:

Của chuột và người (of mice and men)
Kẻ ngoài lề (l’étranger)
Hai quyển này với sự cộng tác của tiến sĩ Nguyễn Phúc Bửu Tập.

Video:

Trình bầy 250 video về nhạc và thơ.
Anh đóng góp rất nhiều bài vở cho Tập San Y Sĩ của Hội Y Sĩ VN tại Canada và nhiều tạp chí khác.

Tới đây thì ta thấy anh Khôi là người đa tài, có sáng tác trong nhiều bộ môn khác nhau. Anh là đàn chủ của diễn đàn tmg19, tức là Toronto medical group, và cố vấn tối cao của LT21, tức Liêu Trai Chí Dị thế kỷ 21, do bác sĩ Nguyễn Văn Bảo làm đàn chủ.

Tuy đa tài như vậy, nhưng anh Khôi lại rất khiêm tốn, hiền lành, lúc nào cũng vui vẻ, hòa nhã với anh em, và đưa ra những ý kiến vô cùng chính xác và hợp lý khi cần thiết.

Vì kém tuổi và học sau anh Khôi quá nhiều, nên hồi ở Việt Nam, tôi chỉ nghe danh của anh mà chưa bao giờ được diện kiến. Khi định cư ở Canada, nghe bạn bè nói là anh Khôi làm nội trú và thường trú tại thành phố Québec, rồi về Toronto hành nghề, rốt cuộc vẫn là văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình. Chỉ từ khi bắt đầu có các cuộc Đại Hội Y Sĩ Thế Giới Tự Do, tổ chức lần đầu năm 1987 ở Montréal, tôi mới có dịp được hân hạnh quen biết anh Khôi, rồi gặp anh nhiều lần sau đó.

Từ khi tôi làm chủ nhiệm, rồi chủ bút Tập San Y Sĩ, mà anh Khôi là một bỉnh bút sáng giá và nhiệt thành, thì anh với tôi mới liên lạc mật thiết hơn qua thư từ, điện thư…. Càng liên lạc nhiều với anh, tôi càng mến mộ anh hơn vì kiến văn quảng bác, tính tình khả ái.

Sau khi viết xong bộ Xứ Cờ Lá Phong, Quê Tôi Cuối Đời với sự cộng tác của bác sĩ Từ Uyên, anh định viết một bộ dã sử, và có ý rủ tôi viết phần lời bàn. Lần thứ nhất, tôi từ chối vì sợ làm không nổi, nhưng khi anh rủ lần thứ hai, nói rằng đừng để anh phải tam cố thảo lư thì tôi đã mềm lòng mà nhận lời, dù vẫn vô cùng lo lắng, sợ mình không đáp ứng được kỳ vọng của bậc đàn anh. Và bộ Mỹ Nhân Tự Cổ Như Danh Tướng đã ra đời, đưa lên diễn đàn mỗi thứ sáu. Bác sĩ Trần Xuân Dũng đọc xong mấy chương đầu, thấy hào hứng, bèn làm thơ cảm đề, và anh Khôi để thêm vào truyện. Thành ra, anh em chúng tôi, ở 3 binh chủng Mũ Đỏ, Mũ Xanh, và Mũ Đen đã cùng nhau hợp soạn. Thường thì anh Khôi gửi bài 3, 4 tuần trước để chúng tôi có thì giờ viết phần của mình, rồi anh tổng kết, sắp xếp rồi mới đưa lên diễn đàn.

Sau khi ra được 8 chương thì ngày 09 tháng 04, anh Khôi viết cho tôi, nói bận việc, có thể không ở nhà, nhưng sẽ cố gửi bài như thường lệ vào thứ sáu tuần sau. Ngày 16/04, không thấy bài, cũng không thấy thư của anh Khôi, tôi hơi lo, nhưng định chờ vài ngày xem sao, thì ngày 18/04, nhân bác sĩ Nguyễn Trung Tín gọi nói chuyện, tôi hỏi tin anh Khôi thì Tín cũng không biết. Tín liền gọi điện thoại cho anh Khôi thì mới biết anh bị Covid19, phải nằm nhà thương, nhưng tình trạng ổn định. Thì ra, khi viết cho tôi ngày 09/04, anh Khôi đã biết mình bị bệnh. Trong nhiều ngày, tôi gọi anh Khôi, thì hộp thanh thư (boite vocale) đã đầy, không để lời nhắn được. Lại phải cầu cứu Tín, thì biết anh Khôi đã được đưa vào ICU, Intensive Care Unit, phòng săn sóc đặc biệt. Trong lòng tôi vô cùng lo lắng mà không biết tâm sự với ai, ngoại trừ anh Trần Xuân Dũng. Anh Khôi đã lớn tuổi, lại bị bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường, toàn là những thứ làm tăng sự nguy hiểm của Covid19. Tôi theo đạo thờ ông bà, nhưng có người bạn tặng một tượng Phật Quan Âm rất đẹp, tôi vẫn để ở một nơi rất trang trọng trong phòng khách, và bắt đầu cầu nguyện cho anh Khôi mỗi ngày. Sau đó tôi nghe tin anh Khôi từ từ bình phục, và anh được cho về nhà ngày 03 tháng 05. Tới khi đó, tôi mới dám báo tin vui cho anh chị em trên diễn đàn, và tôi cũng vui mừng hớn hở, nhất là ngày 07 tháng 05, anh Khôi còn gửi điện thư cám ơn mọi người.

Ngờ đâu, ngày hôm sau, anh trở bệnh, mệt, khó thở, gia đình quyết định đưa anh trở lại nhà thương. Lần này là nhà thương khác, họ cho đủ thứ thuốc mạnh, kể cả cortisone. Anh lại bị loạn nhịp tim, có nước trong màng phổi, phải đặt ống thoát (drain)…Trong nhiều ngày, tình trạng của anh Khôi khi trồi khi sụt, có khi nằm ICU, sau đó được ra phòng thường, và được chuyển nhà thương. Tưởng rằng mọi sự đã yên, chỉ cần nghỉ ngơi, tẩm bổ, tập vật lý trị liệu…ngờ đâu, sáng ngày 02 tháng 06, Tín báo tin anh Khôi đã ra đi lúc 1 giờ. Tôi bàng hoàng, ngơ ngẩn, muốn khóc cũng không được…. tuổi già hạt lệ như sương. Cả ngày, tôi đi ra, đi vào, không làm được việc gì, chẳng thiết ăn uống, quả tình bị xúc động mạnh, thương đứt ruột người đàn anh khả ái…Trong mấy đêm liền, tôi thao thức, không sao ngủ được, suy nghĩ mông lung, toàn những chuyện vẩn vơ, muốn làm một bài thơ khóc anh mà không sao tập trung tư tưởng để thực hiện ý định của mình được. Tôi chợt nhớ tới bài thơ trên diễn đàn Liêu Trai Chí Dị cách đây không lâu, mà tôi đã dịch rồi, đó là bài Tuyên Châu Tạ Diểu Lâu Tiễn Biệt Hiệu Thư Thúc Vân của Lý Bạch: Hai câu đầu đã diễn tả đúng tâm trạng của tôi, nên đành mượn hoa hiến Phật, gửi vị đàn anh mới ra đi:

Khí ngã khứ giả, tạc nhật chi nhật bất khả lưu.
Loạn ngã tâm giả, kim nhật chi nhật đa phiền ưu.

(Bỏ ta mà đi, ngày hôm qua không giữ lại được,
Làm rối lòng ta, ngày hôm nay thật nhiều ưu phiền.)

Anh Khôi ơi, mong anh hiểu cho tấm chân tình và lòng thương nhớ khôn nguôi của đứa em văn nghệ. Anh em mình đang cùng nhau hợp tác viết Mỹ Nhân Tự Cổ Như danh Tướng, giờ anh ra đi để tụi em bơ vơ và để cuốn truyện kia dang dở. Anh về nước Chúa, để lại một khoảng trống không sao lấp đầy được trong lòng tụi em nói riêng, và trong lòng anh chị em của diễn đàn nói chung.

Mong anh an nghỉ chốn thiên đường.

Nguyễn Thanh Bình
***
Góp ý:

丘二十二員外=Khâu Nhị Thập Nhị viên ngoại.

Viên ngoại lang (員外郎) là một chức quan ở ngoài triều đình Hoa Lục, có từ thời Tam Quốc; từ thời Tùy Đường có 24 ty (司) viên ngoại lang, thường viết tắt là viên ngoại; về sau cụm từ viên ngoại thường được dùng để chỉ các địa chủ giàu có. Khâu viên ngoại trong bài thơ là 丘丹=Khâu Đan, người Gia Hưng, Tô Châu, không ai biết tự hay năm sinh tử của ông, ông từng giữ chức thượng thư viên ngoại lang thời Đường Đức Tông rồi ẩn cư ở Lâm Bình San (Triết Giang). Vì đạo sĩ Khâu Đan ẩn cư luyện đan dược ở đó, núi còn có tên là Khâu Sơn

Vi Ứng Vật cũng đã từng giữ chức thượng thư viên ngoại lang và làm bài thơ này quanh năm 788-9, lúc đã 51 tuổi và đang làm thứ sử Tô Châu; hai năm sau, sử liệu nói ông “bãi” Tô Châu thứ sử (罢苏州刺史) nhưng người ni không hiểu bãi là từ chức hay bị cách chức! Mặc dù ông ở trong chùa Vĩnh Định lúc cuối đời, ta có cảm tưởng rằng ông có khuynh hướng làm đạo sĩ hơn là nho gia hay Phật tử.

Hai câu đầu bài thơ tả cảnh thi nhân đi dạo trong một đêm thu lạnh lẽo và nhớ đến một người bạn; hai câu sau nói dến cảm nghĩ của thi nhân về người bạn đó. Cụm từ 幽人=u nhân trong câu cuối không chỉ nhà thơ họ Vi vì lúc đó ông đang giữ chức thứ sử còn u nhân là từ để tả người ẩn cư. Mặc dù Con Cò chọn bài thơ này cho dịp mãn tang của anh Khôi, ngữ cảnh và bối cảnh của bài thơ không hợp với anh lắm. Tôi tự xem là bạn vong niên của anh Khôi và biết anh không như là một u nhân mà như một người hăng say trong nhiều lãnh vực văn nghệ và thời cuộc Theo tôi, có thể rằng anh Khôi đột ngột bỏ cuộc chơi vì những ưu tư về thời cuộc và nhân tình thế thái. Ẩn cư trong núi sâu mà mất ngủ chỉ vì nghe tiếng trái thông rụng thì tìm được bình tâm nơi nào? Rất tiếc sử liệu không nói gì về cái chết của họ Vi.

Huỳnh Kim Giám
***
@ Con Cò trả lời:

Đạo Mò hiểu sai ý của ÔC rồi; ÔC muốn nói rằng tất cả 4 câu ngũ ngôn tứ tuyệt đều tả nỗi lòng của Vi nhớ Khâu (chứ không tả Khâu tí nào).

Câu 3 tả sự vắng lặng trong núi (thú rừng và chim chóc im bặt vì chúng ngủ cả rồi, gió cũng ngừng thổi vì lá không reo xào xạc nữa; nên Vi mới nghe được tiếng lạo xạo vô cùng khẽ của trái tùng rơi).

Câu 4: U-nhân chưa đi ngủ tức là đêm đã khuya lắm rồi mà Vi vẫn còn đi lang thang trong núi để nghĩ đến bạn (chứ Vi không muốn tự ví mình với u-nhân). Cái khéo léo là: Vi muốn độc giả phải tự tìm ra cái nghĩa bóng của nỗi nhớ như ngây như dại của mình và tưởng tượng ra con người của Khâu thế nào để xứng đáng với nỗi nhớ ấy.

ÔC dùng bài thơ này để tưởng nhớ HXT trong ngày giỗ mãn tang là vì chưa kịp tỏ lời cảm ơn (cái ơn tri ngộ) thì anh đã ra đi. Ý này đáng nhé phải nói rõ trong lời bàn chứ không nên giấu kín tới bây giờ. Xin lỗi ACE nhé.

Con Cò
***
@Bát sách:

Cám ơn anh Tâm đã cho đọc bài thơ của Khâu Đan:

和韦使君秋夜见寄 Hòa Vi Sứ Quân Thu Dạ Kiến Ký

露滴梧叶鸣 Lộ tích ngô diệp minh
秋风桂花发 Thu phong quế hoa phát
中有学仙侣 Trung hữu học tiên lữ
吹箫弄山月 Xuy tiêu lộng san nguyệt

@ Huỳnh Kim Giám bàn về bài thơ của Khâu Đan

Khâu Đan hồi âm Vi Ứng Vật rất khéo léo, đúng cung cách của một đạo sĩ. Vì họ Vi phân vân bạn có mất ngủ khi nghe trái thông rụng trong núi sâu, Khâu cho bạn biết là ta đang cùng các người tu tiên khác thổi sáo và đùa cợt với trăng trên núi; có nghĩa là đang sống thoải mái, không âu lo, tư lự, buồn phiền gì cả, và có lẽ cũng không buồn nhớ bạn!

桂花=quế hoa trong bài thơ không phải là hoa quế mà là tên của cây mộc (木樨=mộc tê trong chữ Hán). Quế (Cinnamomum) là cây của các vùng Đông Nam Á, Nam Dương quần đảo và Úc, không có trên đất Hoa Lục và chắc không sống được ở đó. Quế hoa/mộc tê là Osmanthus và đã được nói đến trong cổ thư từ thời Chiến Quốc. Google dịch đúng 桂花 trong các trang thơ chữ Hán cho bài này thành osmanthus. zn.Wikipedia có câu 另外桂花的中文名易與 “肉桂、月桂”兩者混淆,在辨識時需 lánh ngoại quế hoa đích trung văn danh dịch dữ“ nhục quế、 nguyệt quế” lưỡng giả hỗn hào, tại biện thức thì nhu tiểu tâm。[Ngoài ra, quế hoa cũng là lối văn chương Hoa Lục dịch lộn xộn cinnamomum-nhục quế, laurel-nguyệt quế nên người đọc phải cẩn thận.] Trà ướp hoa mộc của người Việt là trà ướp quế hoa của người Tàu.

Cây mộc nở hoa trong ba mùa xuân, hạ, và thu (tùy loài) nhưng làm sao có chuyện sương giọt trên lá ngô đồng (nhất diệp lạc, thiên hạ tận tri thu) trong mùa thu?

Huỳnh Kim Giám

@ Phí minh Tâm đáp lời:

Khâu Đan hồi âm Vi Ứng Vật rất khéo léo…

Vi Ứng Vật và Khâu Đan là bạn rất thân tình dù hai người có địa vị rất khác nhau. Khi Khâu Đan rời Tô Châu đến học Đạo và sống ở Lâm Bình Sơn, Hàng Châu, Chiết Giang, họ trao đổi thơ rất tình cảm như đã thấy trên.

Năm sau Khâu Đan về Tô Châu thăm Vi. Lúc trở về, Vi cho xe đưa Khâu về đến tận Hàng Châu, rồi sau đó gởi bài thơ: Tống Khâu Viên Ngoại Hoàn San 送丘员外还山 nói rằng đó là một phần thưởng nhưng thời gian gặp nhau quá ngắn ngủi.

Và Khâu phúc đáp lại với bài: Phụng Thù Trọng Tống Quy San 奉酬重送归山 xin lỗi vì phải xa bạn bè.

Có lần, Vi đến thăm Khâu ở Lâm Bình Sơn, nhưng không thể báo trước như ngày nay. Khâu đi vắng nên hai người không gặp nhau. Lúc về lại nhà, Khâu vô cùng hối tiếc và u sầu vì đã bỏ lỡ cơ hội gặp bạn với bài: Phụng Thù Vi Sứ Quân Tống Quy Lâm Bình San Cư Chi Tác 奉酬韦使君送归临平山居之作 .

Thơ trao đổi của hai người bạn lúc nào cũng chân thành và sâu sắc.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét