A. Lịch sử Điệu nhạc Bolero
Điệu nhạc Bolero bắt đầu trong nhóm của những nhạc sĩ người Nam Kỳ đầu tiên của Tân Nhạc Miền Nam (bắt đầu từ 1954, sau hiệp định Genève) từ Lê Dinh và Minh Kỳ, Lam Phương, Trúc Phương, Anh Việt Thu, Huỳnh Anh và Song Ngọc. Có thể nói đây là những nhà tiền phong của điệu nhạc Bolero.
Trong cùng thời gian hậu bán thập niên 1950 nầy, một số các nhạc sĩ người Trung Kỳ (vào Nam) như Hoàng Thi Thơ, Phạm Thế Mỹ, Mạnh Phát và Châu Kỳ cũng bắt đầu dùng nhạc Bolero trong nhiều nhạc phẩm của mình tuy rằng có số lượng ít hơn so với những đồng nghiệp người Nam Kỳ.
Tuy không còn sáng tác sau hiệp định Genève (1954), nhạc sĩ người Trung Kỳ Lê Trọng Nguyễn có viết bài "Nắng Chiều" trong thời Kháng Pháp (1945-54) theo điệu RumbaBolero (có lẽ vào đầu thập niên 1950).
Cũng trong thời gian nầy, những người Bắc Kỳ trở thành nhạc sĩ sau khi di cư vào Nam cũng áp dụng điệu Bolero trong nhiều nhạc phẩm của mình từ sự cộng tác với các nhạc sĩ Bolero người Nam Kỳ và Trung Kỳ. Đó là Anh Bằng, Hoài Linh và Hoài An.
Hầu hết các nhạc sĩ già trẻ người Bắc Kỳ sau khi di cư vào Nam đều không thích và không bắt đầu dùng điệu nhạc Bolero trong những nhạc phẩm phổ thông của mình sáng tác ở Miền Nam, ngoại trừ một nhạc sĩ trẻ là Tuấn Khanh.
Nhìn lại tài liệu lịch sử âm nhạc, nhạc sĩ người Bắc Kỳ Văn Phụng có xuất bản bài "Các Anh Đi" vào năm 1954, theo điệu Rumba Bolero.
Từ Trúc Phương, Lam Phương, Lê Dinh và Minh Kỳ, và Hoài Linh của thập niên 1950, Trần Thiện Thanh là "vua" sáng tác của nhạc Bolero của thập niên 1960.
Những nhạc sĩ trẻ khác trong thập niên 1960 nầy, đa số là người sinh ra ở Nam Kỳ, cũng có thích sáng tác nhạc phẩm theo điệu Bolero như Hoàng Nguyên, Thanh Sơn, Trương Hoàng Xuân, Anh Việt Thanh, Bảo Thu, Hoài Nam và Đài Phương Trang.
Trường Sa có vài nhạc phẩm không nổi tiếng viết theo điệu Bolero. Nhật Ngân và Trần Trịnh khi viết chung với nhau (ký bút hiệu Trịnh Lâm Ngân) thì mới có dùng điệu Bolero.
Trong giai đoạn cuối cùng của Tân Nhạc Miền Nam (cuối thập niên 1960 cho tới 1975) có sự xuất hiện của nhiều nhạc sĩ mới. Điệu nhạc Bolero chỉ thông dụng trong một số nhạc sĩ như Hoàng Trang (Triết Giang), Hàn Châu, Thanh Phương, Ngân Giang, Tú Nhi (Chế Linh), Bằng Giang và Nguyễn Vũ. Nơi sinh của những nhạc sĩ nầy rãi rác ở khắp ba kỳ.
Tân Nhạc Việt Nam khởi đầu ở Miền Bắc vào thập niên 1930 nhưng cho đến hiệp định Genève 1954 thì không có một nhạc phẩm phổ thông nào viết theo điệu nhạc Bolero ở cả 2 Miền Nam Bắc, trừ 2 bài "Nắng Chiều" của Lê Trọng Nguyễn và "Các Anh Đi" của Văn Phụng, đều viết theo điệu Rumba Bolero!
Điệu nhạc Bolero có vài biến thể như Slow Bolero (Bolero lente) cũng như kết hợp thành Mambo Bolero hay Rumba Bolero.
Những nhạc phẩm Bolero tiền phong của các nhạc sĩ tiền phong người Nam Kỳ và Trung Kỳ vào hậu bán thập niên 1950 chính là những nhạc phẩm đầu tiên của Tân Nhạc Việt Nam và Tân Nhạc Miền Nam vậy. Theo thiển ý, trong số các nhạc sĩ nầy, các nhạc sĩ người Nam Kỳ Lê Dinh, Trúc Phương và Lam Phương sáng tác những nhạc phẩm đầu tiên theo điệu Bolero.
B. Điệu Nhạc Bolero
a) Điệu nhạc Bolero và các Điệu nhạc khác
Tân Nhạc Miền Nam có rất nhiều điệu nhạc
* Những điệu nhạc được dùng nhiều nhất trong Tân Nhạc Miền Nam thuộc nhóm Bolero, Rumba, Habanera và Tango.
Bolero - Bolero Biguine - Slow Bolero (Bolero lente)
Mambo Bolero
Rumba - Rumba Biguine - Slow Rumba
Rumba Bolero (có thể thế bằng Habanera)
Habanera - Slow Habanera
Tango - Slow Tango
Tango Habanera (có thể thế bằng Rumba)
{Bolero, Rumba, Habanera và Tango có thể thay thế lẫn nhau tùy theo nhà hòa âm}.
* Những điệu nhạc cũng thường dùng thuộc nhóm của Slow Rock và Slow (và Boston, Blues).
Lente (Slow) - Lente Espressivo (Slow)
Slow - Very Slow
Lente Amoroso (Slow hay Slow Rock)
Slow Rock
Lente Espressivo (có thể thay thế bằng Boston hay Slow Surf)
Slow Surf
Boston
Bossa Nova (có thể thay thế Boston).
Blues (có thể thay thế bằng Slow Rock)
Andante (Andantino) có thể thay thế bằng Slow Rock hay Boston.
Andantino Espressivo còn có thể thay thế bằng Slow Ballad
Slow Ballad(e) - Ballad(e)
* Những điệu nhạc khác cũng được xử dụng nhưng hiếm hơn:
Valse (Tempo di Valse) - Slow Valse (Valse Lente)
Adagio (có thể thay thế bằng Valse)
Rock - Beguine Rock - Bright Rock - (Slow Rock)
Chachacha (có thể thay thế cho Beguine Rock)
Disco (có thể thay thế Chachacha)
Paso Doble
Fox - Slow Fox - Fox Swing Medium - Fox Trot
Twist - Agogo - Hully Gully
March - Tempo di Marcia
Samba
Dolce
Moderato trên thực tế có thể thay thế bằng một trong nhiều điệu tùy theo người hòa âm hiện đại:
Bolero - Habanera
Chachacha - PasoDoble
Valse (Valse Moderato)
Disco
Pop
b) Nhạc Sến và các Loại nhạc khác
*
Trong thời độc lập của nước Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam, những nhạc phẩm dùng các điệu nhạc Bolero, Rumba và Habanera (và Tango và Chachacha) rất bình dân vì nhạc dễ hát và lời mộc mạc dễ hiểu nên thường được gọi nôm na là loại Nhạc Sến.
Từ ngữ "Nhạc Sến" thật ra có từ những người thích những nhạc phẩm dùng những điệu nhạc chậm như Slow, Slow Rock, Blues và Boston cũng như Valse và Paso Doble theo truyền thống đã được dùng từ trước và có đặc tính (của nhạc và lời) tương phản với loại Nhạc Sến. Loại nhạc nầy thường có tên là loại Nhạc Vàng.
Rất khó giải thích ngụ ý của từ ngữ "Sến" trong "Nhạc Sến" cũng như từ ngữ "Vàng" trong "Nhạc Vàng".
Theo thiển ý (của một người từng sống ở Miền Nam trong thời Việt Nam Cộng Hòa), "Vàng" như là "vàng" (gold), tức là quý báu và có ngụ ý là quý phái (noble) hay thượng lưu.
Đối ngược lại với "Vàng" là "Sến", tầm thường và bình dân, hay hạ cấp. Thật ra, tiếng lóng "Sến" lại còn có thêm ngụ ý là "nặng phần trình diễn một cách không khôn khéo và hơi hạ cấp". Có người cho rằng "Sến" là từ "Marie Sến", tiếng lóng dùng cho những cô gái làm mướn trong nhà (= maid) cũng được gọi là sen hay "ô-sin", thường thấy trong xã hội vào thời đó.
Những người thích loại "Nhạc Sến" nầy (trong đó có nhạc bolero) không bao giờ dùng từ ngữ "Nhạc Sến". Thật ra từ ngữ "Nhạc Sến" là do những người thích Nhạc Vàng (và nhạc Tiền Chiến) đặt ra với ngụ ý khinh rẽ và chê bai? Từ ngữ "Nhạc Sến" chỉ truyền khẩu chứ không được chính thức trong văn tự như "Nhạc Vàng" hay "Nhạc Tiền Chiến".
Từ ngữ "Nhạc Tiền Chiến" được dùng cho những nhạc phẩm sáng tác ở Miền Bắc từ thập niên 1930 cho đến khi có hiệp định Genève chia đôi đất nước (1954). Sau 1954, một số nhạc sĩ Miền Bắc di cư vào Miền Nam và tiếp tục sáng tác. Những nhạc phẩm sáng tác ở Miền Nam của những nhạc sĩ nầy không thể gọi là "Nhạc Tiền Chiến" được. Những nhạc phẩm của Nhạc Tiền Chiến cũng dùng những điệu nhạc giống như những nhạc phẩm của Nhạc Vàng.
Thực tế, vào thập niên 1960, trong Nhạc Vàng có tách ra dòng nhạc hay loại Nhạc Trịnh Công Sơn. Ngoài ra còn có phong trào Nhạc Du Ca của Nguyễn Đức Quang và phong trào Nhạc Trẻ của các nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Tùng Giang, Nam Lộc...
*
Ngày nay, từ ngữ Nhạc Vàng được dùng cho những nhạc phẩm của Tân Nhạc Miền Nam (1954-1975) nhất là nhạc phẩm dùng điệu nhạc Bolero với sự hiểu lầm là đa số những nhạc phẩm của Tân Nhạc Miền Nam dùng điệu nhạc Bolero!
Theo Đại Từ Điển Tiếng Việt (xuất bản năm 1999), Nhạc Vàng là "nhạc buồn, bi lụy, thịnh hành ở vùng tạm chiếm thời chống Pháp và chống Mỹ"!
Từ ngữ "Nhạc Vàng" ngày nay cũng được dùng để đối lại từ ngữ "Nhạc Đỏ".
Ngày nay, từ ngữ Nhạc Sến cũng có thỉnh thoảng được dùng truyền khẩu cho những nhạc phẩm theo điệu nhạc Bolero!
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn
Bài viết này là trích đoạn trong bài "Nhạc Bolero trong Tân Nhạc Miền Nam" (Bs Phan Thượng Hải) đăng lần đầu trong phanthuonghai.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét