Thứ Năm, 6 tháng 6, 2024

Biệt Khách 別客 - Trương Tịch(Trung Đường)


Trương Tịch 張籍 (768-830) tự Văn Xương 文昌, người Hoài Châu, một đời làm quan khá thuận lợi. Ông là bạn thân của Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Nguyên Chẩn, Bùi Độ. Ông từng làm Quốc Tử tư nghiệp.

Lời phi lộ

Có bao giờ bạn nghĩ rằng một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt chỉ tu luyện có một giờ mà thành yêu-tinh trong khi nhiều bài khác khổ luyện cả đời mà vô hiệu qủa. Nó chẳng có bùa phép gì cả; trước giờ chia tay bạn, nó cột ngựa của bạn vào gốc liễu, mời bạn thêm một ly rượu để nhìn bạn thêm một khắc đồng hồ. Nó nói với bạn rằng “Ly rượu này sẽ biến đôi ta thành hai kẻ cô đơn”. Thế là nó đắc đạo thành yêu tinh và ly rượu được mang tên Ly Rượu Cô Đơn.

Mời các bạn thưởng thức bài thơ 別客 Biệt khách của Trương Tịch:

Nguyên tác Dịch âm

別客 Biệt Khách

青山歷歷水悠悠 Thanh sơn lịch lịch thuỷ dâu dâu (du du),
今日相逢明日愁 Kim nhật tương phùng minh nhật sầu.
系馬橋邊楊柳樹 Hệ mã kiều biên dương liễu thụ,
為君沽酒暫淹留 Vị quân cô tửu tạm yêm lưu.

Dịch nghĩa

Từ Biệt Khách

Núi xanh lồng lộng, sông nước bao la,
Hôm nay gặp nhau để ngày mai sầu ly biệt.
Hãy buộc ngựa vào gốc liễu bên cây cầu này,
Mời anh chén rượu cô đơn (cô tửu) để cầm chân anh thêm chút nữa.

Dịch thơ

Từ Biệt Khách

Non xanh ngăn ngắt nước thâm sâu
Nay gặp nhau đây mai mốt sầu
Buộc ngựa bên cầu dương liễu nhé!
Giữ anh rượu đắng tạm hồi lâu.

Lời bàn:

Giữ nhau thêm một lát rồi cũng phải chia tay. Càng giữ lâu càng bịn rịn. Vậy thì tại sao không chia tay cho sớm?

Trên thực tế, tiễn biệt nhau không đơn giản như vậy. Nếu người ra đi bằng đò dọc (thuyền chuyên chở công cộng đi xa) thì phải tuân theo lịch trình của chủ đò; có nghĩa là phải chia tay sớm vì thuyền nhổ neo đúng giờ. Nay người ra đi có ngựa riêng (chờ sang đò ngang rồi đi đường bộ) thì tại sao không mời người một ly rượu để còn nhìn thấy người lâu hơn chút nữa! Chỉ một ly thôi nhé, đừng để người ngã ngựa vì say mèm.

Bài thất ngôn tứ tuyệt này là một tuyệt tác. Sầu biệt ly vời vợi trong mỗi câu thơ. Hồn thơ chứa chan. Âm hưởng trầm buồn từ câu mở đề. Dịch được cái âm hưởng đó thì hy vọng dịch được hồn thơ.

Hai câu đầu:
Mở đường cho cuộc chia ly. Núi xanh ngăn ngắt, sông sâu thăm thẳm, lúc này còn nhìn thấy anh ở đây, mai mốt chả biết anh phiêu bạt nơi nào. (tiễn bạn tại một bến đò ngang, tới khi khách dắt ngựa xuống đò thì đôi bên sẽ mất nhau).

Hai câu cuối:
Là trọng tâm của đề tài, đại ý nói: Anh hãy tạm buộc ngựa vào gốc dương liễu, uống với tôi ly rượu cô đơn (chén rượu này là khởi đầu cho nỗi cô đơn của tôi và bạn); chúng ta sẽ được nhìn nhau thêm một lúc nữa. Con Cò dán cho bài thơ này cái nhãn hiệu Ly rượu cô đơn.
Rất bịn rịn. Rất thân ái. Rất đặc thù.

Con Cò
***
Biệt Người

Biêng biếc núi cao nước chảy dài…
Hôm nay tương ngộ, mai chia tay
Chân cầu ngựa cột ven hàng liễu
Chén rượu không mồi vị có cay?

Kiều Mộng Hà
Austin.5.11.24
***
Giã Biệt Tri Âm

Mặt sông hiện rõ thanh sơn,
Bao la dòng nước mãi còn lướt trôi.
Tương phùng tao ngộ khắc thời,
Mai này ly biệt - ỉ ôi dạ sầu.
Thướt tha dương liễu bên cầu,
Ngựa ràng vào gốc - kíp mau hỡi người.
Lưu linh nâng cốc giữa trời,
Cầm chân tri kỷ - nhủ lời biệt nhau...

Khánh-Hưng
***
Từ Biệt Khách.

1.
Non xanh hiển hiện nước bao la,
Nay gặp mai sầu cách biệt xa.
Buộc ngựa chân cầu bên gốc liễu,
Mời nhau chén rượu giữ chân mà.

2.
Non xanh hiện rõ sông dài,
Hôm nay gặp gỡ ngày mai u sầu.
Dừng cương gốc liễu bên cầu,
Dùng dằng chén rượu mời nhau nghẹn ngào.

Mỹ Ngọc phỏng dịch.
May 11/2024.
***
Phút Chia Tay

Núi xanh hùng vĩ sông êm chảy
Còn gặp hôm nay ly biệt mai
Nấn ná dừng cương bên gốc liễu
Luyến lưu nâng chén rượu chia tay

Thanh Vân
***
Từ Biệt Khách

Non xanh tỏ rõ nước lao xao
Gặp gỡ hôm nay mai sẽ sầu
Cột ngựa bên cầu dương liễu rủ
Mời ông rượu chợ nán thêm lâu!

Lộc Bắc

***
Tiễn Người

Non xanh nước biếc trùng trùng
Mới vừa gặp gỡ não nùng rời xa
Bên cầu dương liễu la đà
Cầm chân buộc ngựa thời qua mất rồi
Nâng niu giây phút chia phôi
Mời người cạn chén thay lời tiễn đưa

Kim Oanh
18.5.2024
***
Nguyên tác: Phiên âm:

別客-張籍 Biệt Khách - Trương Tịch

青山歷歷水悠悠 Thanh sơn lịch lịch thủy du du
今日相逢明日秋 Kim nhật tương phùng minh nhật thu
系馬橋邊楊柳樹 Hệ mã kiều biên dương liễu thụ,
為君沽酒暫淹留 Vị quân cô tửu tạm yêm lưu.

· Trương Tư Nghiệp Tập - Đường - Trương Tịch 張司業集-唐-張籍
· Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷 代詩選-明-曹學佺
· Vạn Thủ Đường Nhân Tuyệt Cú - Tống - Hồng Mại 萬首唐人絕句-宋-洪邁
· Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐 詩-清-聖祖玄燁

Ghi chú:

Lịch lịch: rõ ràng
Du du: thoái mái, xa xa
Minh nhật: ngày mai, một ngày trong sáng
Thu: mùa thu, một ẩn nghĩa là sầu bi. Sách của Trương Tịch và sách chữ Hán các đời khác đều xài chữ thu秋.
Cô沽: mua / bán; chữ cô孤 trong cô độc
Yêm lưu: giữ lại trong một thời gian dài

Dịch nghĩa:
Từ Biệt Khách

Núi xanh hiện rõ, sông nước bao la,
Hôm nay mình gặp nhau vào một ngày thu trong sáng
Hôm nay vui gặp nhau, ngày mai lại buồn xa cách.
Hãy cột ngựa vào cây liễu bên cầu,
Mời anh rượu mua ngoài chợ để cầm chân.

Saying Goodbye

The blue mountain shows clearly and the river stretches infinitely.
Today we meet, tomorrow will be sad as we have to goodbye.
Please tie your horse at the willow by the bridge,
And have a cup of wine while you wait.

Dịch thơ:

Tiễn Khách

Núi xanh thăm thẳm nước mênh mông,
Hội ngộ ngày thu trời sáng trong.
Cột ngựa bên cầu nơi gốc liễu,
Cùng nhau vài chén bù chờ mong.

Núi xanh thẳm nước bao la,
Hôm nay vui gặp mai xa cách sầu.
Cột ngựa dưới liễu bên cầu,
Cùng nhau cạn chén nói câu giã từ.

Phí Minh Tâm
***
Góp ý:

Như thường lệ, lời phi lộ và lời bàn của ÔC lúc nào cũng hấp dẫn, với câu văn bay bướm với nhiều tưởng tượng.
Kỳ này thì BS đồng ý với ÔC là Trương Tịch tiễn bạn nơi bến đò ngang, người này sẽ đi đò qua sông, tiếp tục cưỡi ngựa rong ruổi.

Như vậy là phải buộc 2 con ngựa, của Trương và của bạn. ÔC không nói tại sao lại buộc vào gốc liễu. Bởi liễu là biểu tượng của sự chia ly, và người Hoa hay bẻ cành liễu để làm roi ngựa khi chia tay.

- Biệt là từ biệt, giã biệt, chia tay, tiếng Việt phải dùng 2 chữ. Ông họ Trương này chơi ác người dịch…nếu dùng chữ tống thì mình chỉ cần một chữ tiễn hay đưa.
- Lịch Lịch là từng trải, rõ ràng, như trong câu “ tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ “. Mình có thể dịch là hiện rõ, đậm nét.
- Du là nhớ nhung, xa xôi, lo buồn, phải có ý buồn trong chữ đó.

Chinh phụ ngâm: “tống quân xứ hề, tâm du du“ mà bà Điểm dịch là “ đưa chàng lòng dằng dặc buồn “ thì quá hay, nhưng ở bài này thì kẹt bằng trắc và kẹt vần, nên BS phải dùng 2 chữ rầu rầu.

- Cô tửu thì khó mà dịch lắm, BS xin chịu.
- Tạm là chốc lát, một thời gian ngắn.
- Yêm là chìm đắm, lâu.

Chia Tay Khách

Non xanh đậm nét, nước rầu rầu,
Nay gặp nhau đây, mai sẽ sầu,
Cây liễu bên cầu, ta buộc ngựa,
Chuốc anh ly rượu giữ chân nhau.

Bát Sách.
(Ngày 11/05/2024)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét