Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2024

Đi Bệnh Viện Parkland

Em gái tôi đi mổ trong bệnh viện Parkland Dallas tôi cùng đi với nó.

Ở Mỹ 30 năm, vài lần đến vài bệnh viện khác nhau vì những lý do khác nhau nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến một bệnh viện “miễn phí” . Ngoài chữa trị những ai có bảo hiểm khác, hầu hết bệnh nhân đều là người có medicaid đang hưởng tiền bệnh hay “con nhà nghèo” lợi tức thấp được xã hội trợ giúp. Người Việt mình từng đến bệnh viện Parkland và gọi đó là “Nhà thương thí”.

Bệnh viện Parkland mới xây những năm sau này, thay thế bệnh viện cũ. Những building cao lớn đồ sộ và hào nhoáng, du khách phương xa nào đi qua đây nhìn vào sẽ lầm tưởng là bệnh viện sang trọng dành cho giới nhiều tiền lắm của.

Trước khi đẩy giường bệnh nhân vào phòng mổ tôi thấy hai bác sĩ và hai y tá chờ sẵn. Qua người thông dịch trên màn hình chị em tôi lần lượt được bác sĩ gây mê rồi đến bác sĩ giải phẫu trình bày giải thích rất cặn kẽ họ sẽ làm những gì và hỏi chúng tôi có thắc mắc gì không,. Tôi cám ơn họ và bày tỏ lòng tin tưởng vào các bác sĩ sẽ làm những điều tốt nhất cho em tôi. Đến lượt cô y tá dặn dò và đưa giấy tờ cho bệnh nhân ký tên là xong. Tôi hiểu đó là thủ tục, cách làm việc rõ ràng và công bằng cho cả đôi bên, tránh những rắc rối sau này.

Sau ca mổ gần hai tiếng em tôi được chuyển ra phòng. Tôi sẽ ở lại với nó trong bệnh viện này.

Đây là một căn phòng khá rộng, chiếc giường người bệnh gần ngay cửa ra vào, sau giường là chiếc ghế sofa, cô y tá đã chỉ dẫn tôi cách ngả chiếc ghế ra thành giường rộng để tối nằm ngủ, sau đó cô đi lấy thêm chăn mền và gối, cứ y như tôi là…bệnh nhân thứ hai đang được chăm sóc vậy.

Cả ngày hôm nay theo em đến bệnh viện và đợi chờ ca mổ mệt mỏi tôi chỉ muốn tối nay được ngủ yên giấc chưa chắc có được không vì tôi biết rằng bệnh nhân luôn được chăm sóc cả ngày lẫn đêm.

Em tôi đã đi lại bệnh viện Parkland nhiều lần, được các bác sĩ chẩn đoán bệnh, cho thử máu, chụp hình Xray, MRI rồi mới đi đến quyết định sau cùng là mổ.

Bệnh viện Parkland cũng như tất cả những bệnh viện nào ở Mỹ người ta cũng đều đối xử với bệnh nhân lịch sự và thân thiện, từ người nhân viên ngồi nhận giấy tờ đến các nhân viên y tế. Chi phí bệnh viện cao cũng xứng đáng với y khoa tiên tiến và sự đối xử chăm sóc của họ. Điều này đã làm tôi ngưỡng mộ và với bệnh viện không tốn tiền Parkland thật sự làm tôi thêm cảm phục.

Hôm ngồi trong phòng chờ đợi bác sĩ, chị em tôi nói chuyện xong tôi rảnh rang ra đứng bên khung cửa sổ ngắm nhìn cảnh bên ngoài cho đỡ sốt ruột bỗng giật mình khi cánh cửa phòng mở ra và tiếng bác sĩ cao giọng lảnh lót vui tươi như chim hót, như ông ấy vừa gặp lại cố nhân sau nhiều năm xa cách:

-          Hi..How Are You…

Bác sĩ chào hỏi xong và tự giới thiệu mình rồi hỏi thăm đến bệnh tình. Khám xong bác sĩ vẫn ngồi lại ân cần hỏi người bệnh có cần hỏi han gì, trả lời xong vài câu hỏi về bệnh tình của em tôi bác sĩ lại …mời chào còn  hỏi gì nữa không và kiên nhẫn đợi chị em tôi…bàn luận suy nghĩ mãi không tìm ra gì để mà thắc mắc hỏi han thì ông mới thực sự rời phòng khám. Họ không hối hả không nói cho xong việc mà còn tạo cảm giác thoải mái cho bệnh nhân.

Không chỉ ông bác sĩ này mà những lần sau gặp bác sĩ hay y tá khác họ cũng vui vẻ thân tình như thế. Có trường lớp nào dạy họ không mà cung cách họ đều giống nhau ?

Đêm đầu tiên ở bệnh viện tôi ra ghế sofa nằm. Đang lim dim tìm giấc ngủ tôi nghe tiếng động nơi cửa là biết có người vào, đèn bật sáng lên và tiếng cô y tá véo von:
-          Xin chào tôi là y tá Amanda.
Thế là tôi phải ngồi dậy, cô y tá đứng bấm computer xong hỏi nãy giờ bệnh nhân còn đau không? Mức độ đau số mấy?
Cô y tá lấy thuốc cho em tôi uống, xong cô xem xét lại những dây ống truyền trên người bệnh nhân, dặn dò chỉ dẫn chúng tôi gọi y tá bất cứ khi nào cần rồi chào tạm biệt đi ra.
Chị em tôi nằm tiếp lại đang mơ màng thì cánh cửa phòng mở ra và một cô bước vào ròn rã giới thiệu tên và nhiệm vụ, cô vào thay bình nước tiểu đổ vào toilet xong gắn trở lại như trước.
Lần thứ ba là một cô vào đo nhiệt độ và đo áp huyết máu
Lần thứ tư một cô khác vào lấy mấy ống máu đi thử.
Lần thứ năm là một cô vào làm vệ sinh cho bệnh nhân, cô lau chùi thay băng..

Rồi lần thứ sáu lần thứ bảy…tôi mệt đừ người không còn nhớ họ là ai làm nhiệm vụ gì nữa dù ai khi bước vào cũng giới thiệu tên và nhiệm vụ của họ một cách rành mạch và họ cũng hỏi lại tên và ngày tháng năm sinh của bệnh nhân để biết chắc họ phục vụ đúng người, không lầm lẫn.

Tôi hết nằm lại đứng lên lại nằm xuống như một người máy cho đến quá nửa đêm thấy không còn lý do gì để các y tá hay nhân viên phải vào phòng nữa, chị em tôi sẽ được ngủ yên dù chỉ một vài tiếng cũng đỡ mệt mỏi. Đang sắp chìm vào giấc ngủ tôi…bỗng giật thót tim khi cửa phòng lại có tiếng động và …cánh cửa phòng mở ra, là cô Mễ bước vào lấy thùng rác đi đổ dù rác trong thùng chỉ là loe que mấy tờ giấy tôi vừa vứt vào lúc ban chiều. Chắc cô housekeeping này vừa vào ca ba là cô đi gom rác dù buổi trưa đã có một bà housekeeping lau sàn nhà, phòng vệ sinh và đổ rác rồi. Bệnh viện sạch sẽ chu đáo quá cũng…làm phiền bệnh nhân.

Tôi ngủ lơ mơ được vài tiếng thì trời đã sáng cánh cửa phòng mở ra  đón một ngày mới. Đã 7 giờ sáng, một cô bước vào giới thiệu là y tá của phòng này ngày hôm nay, cô ghi tên Elizabeth trên bảng.

Lát sau ông bác sĩ mổ cho em tôi hôm qua bước vào cùng với ba sinh viên y khoa thực tập, thày trò cùng xúm vào xem vết mổ bệnh nhân và thày đứng giảng bài tại chỗ cho học trò khoảng mười lăm phút ông bác sĩ  mới quay ra nói với tôi là tình trạng vết mổ rất tốt, bệnh nhân sẽ phải nằm lại bệnh viện hai ngày nữa. Lát nữa sẽ có người đến  therapy và chúng tôi sẽ theo dõi sức khỏe ổn định mới cho về nhà được.

Tôi nửa vui nửa…buồn. Vui vì tình trạng em tôi an toàn sẽ được bệnh viện chăm sóc kỹ càng. Buồn vì…nghĩ đến hai đêm nữa trong bệnh viện tôi lại trải qua những pha…giật mình mỗi khi cánh cửa mở ra đóng vào cứ thế cho đến quá nửa đêm làm tôi không thể nào yên tâm chợp mắt được.

Đầu giờ trưa therapist là bà Sophia đến với cái walker hai bánh xe. Bài tập rất đơn giản khoảng 30 phút, bà cột dây ngang lưng bệnh nhân để đỡ đần phòng khi té ngã, bệnh nhân vịn cái walker tập nhấc chân đi theo cái walker từng bước nhỏ một.

Hai ngày “vất vả” vì mất ngủ, vì “bị” chăm sóc cả ngày lẫn đêm cũng trôi qua.

Buổi trưa bà Sophia vẫn đến tập đi cho em tôi, xong bà thông báo là bệnh viện sẽ giới thiệu em tôi mua một chiếc xe lăn. Tôi ngạc nhiên và từ chối vì em tôi sẽ sớm đi đứng được đâu cần đến xe lăn kẻo uổng phí thì bà Sophia cũng… ngạc nhiên khi thấy tôi từ chối điều cần phải có, bà giải thích bệnh nhân sẽ dùng xe lăn trong thời gian chưa bình phục, ngồi trong xe lăn là an toàn cho bệnh nhân. Bà hỏi chúng tôi muốn chọn hiệu nào, tự order lấy hoặc bà sẽ order giùm, dĩ nhiên chúng tôi không tốn một xu chi phí nào cả vì em tôi có thẻ medicaid.

Thế là tôi đành nhờ bà Sophia order giùm chiếc xe lăn ngoài ý muốn. Bà nói khoảng một tiếng nữa người ta sẽ đến tận phòng bệnh này giao chiếc xe lăn cho em tôi và sau đó chúng tôi sẽ ra về.

Đúng như bà Sophia ước lượng một tiếng sau có người đến giao chiếc xe lăn mới tinh, họ chỉ tôi cách mở xe ra hay gấp vào gọn gàng có thể xách trên tay.

Cô y tá mang giấy tờ discharge vào phòng, cô dặn dò bệnh nhân nhiều điều và dìu em tôi ngồi vào chiếc xe lăn đẩy ra ngoài cổng bệnh viện, vì thời buổi cách ly Covid người nhà không thể vào đông, phải đậu xe chờ sẵn trước cổng. Khi em tôi ngồi vào trong xe cô mới quay vào bệnh viện và không quên chúc bệnh nhân những điều tốt đẹp. Đối với cô việc làm này hết sức bình thường.

Nếu như ở Việt Nam thế nào chúng tôi cũng phải…biếu cô y tá món tiền gọi là  “bồi dưỡng” cho cô rồi, nhưng ở Mỹ chỉ  hai tiếng “cám ơn” chân tình từ lòng mình là đủ.

Một tháng sau em tôi đi tái khám ở bệnh viện Parkland nó lại ngồi chiếc xe lăn lần nữa. Chiếc xe lăn mới tinh chỉ dùng cho vài lần tái khám sẽ gấp lại…cất vào nhà kho hay trong garage vừa chật nhà vừa lãng phí. Tôi …an ủi nghĩ thầm mai mốt mình già chân yếu tay run biết đâu sẽ dùng đến nó cho đỡ day dứt tiếc rẻ .

Người ta đi bệnh viện ở Việt Nam than van  bị tốn tiền, bị đối xử hạch họe, chăm sóc cẩu thả  đã đành.

Chị em tôi đi bệnh viện ở Mỹ chẳng tốn đồng nào cũng phải “than van” mệt quá nè trời khi …..được chăm sóc quá chu đáo và tử tế.

Em tôi hãnh diện khi biết bệnh viện Parkland là nơi đã cấp cứu tổng thống John F. Kennedy khi ông bị ám sát ở Dallas November 22 năm 1963

Chắc chắn là bệnh viện đã tận tình chữa trị bằng những phương tiện y khoa tốt nhất thời đó để mong cứu mạng vị tổng thống nước Mỹ.

Nhưng với bệnh nhân là em tôi hay bất cứ bệnh nhân nào khác thuộc diện “miễn phí” ngày nay cũng đã được hưởng những phương tiện y khoa tốt nhất của bệnh viện Parkland, sự chăm sóc chuyên nghiệp, lương tâm, bổn phận và trách nhiệm của những y bác sĩ, sự hòa nhã  thân thiện của  các nhân viên làm việc tại đây thì những bệnh nhân này cũng có quyền tự hào mình là vị khách qúy của bệnh viện.

Nguyễn Thị Thanh Dương


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét