Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2024

Cuộc Khổ Nạn Của Chúa KiTô Và Hy Vọng Của Chúng Ta


(Chúa Nhật Lễ Lá năm B)
Is 50:4-7; Pl 2: 6-11; Mc 14:1—15:47

Chúa Nhật Lễ Lá là ngày đầu tiên của Tuần Thánh, khởi đầu cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kito dẫn đến cái Chết của Chúa trên thập giá để cứu chuộc muôn dân. Và Chúa đã sống lại đem hy vọng cho loài người.

Cuộc Khổ Nạn, Cực Hình, Cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa là những mấu chốt kết hợp tất cả chúng ta lại với nhau thành một Giáo Hội với những thần dân là những Kito hữu trong Tuần Thánh này.

Tin Mừng thánh Mác Cô hôm nay cho chúng ta thấy những ngày giờ cuối cùng đầy khổ nạn của chúa Giêsu nơi trần thế. Đây là câu chuyện với những tình tiết tương phản nhau, không thể không đánh động tâm trí chúng ta. Tuần Thánh là thời gian đặc biệt để chúng ta suy ngẫm nhiều điều thể hiện qua những biến cố đã xẩy ra cho chúa Giêsu. Chúng ta cũng khám phá ra không chỉ những đặc tính của những kẻ đã cố tình làm nhục rồi kết án và giết chết Chúa trước đây, mà cả những gì đang và sẽ giết Chúa. Cái vòng luân lưu giữa những thói hư tật xấu, khủng bố, bạo lực, tàn ác, hận thù, gian dối, oán ghét, nghi kỵ, ghen tương vẫn đang tiếp tục đóng đanh Chúa nơi những người anh chị em huynh đệ của mình, trong gia đình, ngoài cộng đồng, xã hội quê hương đất nước mình và cả nhân loại hiện nay.

ĐẶC THÙ CỦA VIỆC CHÚA CHÚA GIÊSU VÀO THÀNH: CHÚA CƯỠI LỪA

Theo Mac Cô (Mc 11: 1-10) thì cuộc vào thành Jerusalem của chúa Giêsu đã được làm cho bớt vẻ trọng thể đi nhiều. Theo thông lệ khách hành hương thường đi bộ vào Jerusalem, trừ vua chúa mới cưỡi súc vật, mà là những con vật oai phong như ngựa với đoàn rước đi theo để chứng tỏ mình là đấng quyền uy cao trọng. Chúa Giêsu thì khác hẳn, cũng cưỡi một con vật, nhưng không phải là ngựa quí hùng dũng oai phong mà chỉ là một con lừa con mà người ta dùng để chở đồ.

Chúa Giesu ngồi trên lưng lừa đi vào thành Jerusalem như một ông vua, nhưng không phải “để được phục vụ mà là để phục vụ” như con lừa chở đồ (Mat.20: 28). Nước của Người không phải nước ở trần thế, được tạo dựng bằng quyền lực oai phong hung dữ, mà vì lòng trắc ẩn thương yêu, đồng cảm và hết lòng xả thân phục vụ mọi người. Con lừa chính là hình ảnh mà tiên tri Zechariah đã nói trước đây cả 5 thế kỷ: “Hỡi con cái Zion! Hãy vui lên, hãy reo vang lên. Hỡi con cái Jerusalem! Trông kìa, Vua các người đang đến trong khải hoàn vinh quang nhưng khiêm tốn ngồi trên lưng lừa…”

Qua cách mô tả của Mac cô về cuộc khổ nạn của chúa Giêsu thì vẻ mặt Chúa Giêsu như buồn rầu lo lắng vì bị bạn bè và các môn đệ bỏ rơi. Chúa đã cam chịu. Chúa không thèm trả lời Giuda là kẻ phản bội Chúa, cũng như Philato khi ông ta chất vấn Chúa. Tổng trấn Philatô đã không cương quyết cứu Người với tư cách một quan Toàn Quyền, đại diện của La Mã, dù biết Chúa vô tội.

Thánh Mac Cô, qua toàn thể Tin Mừng, đã làm nổi bật sự thất bại cay đắng của các môn đệ là đã không an ủi nâng đỡ Chúa Giêsu, lại chẳng hiểu gì ý nghĩa những việc đang xảy ra cho thầy mình. Một môn đệ trẻ lúc Chúa bị bắt, vì quá sợ hãi đã chạy trốn vào đêm tối không kịp mặc áo quần. Môn đệ này chính là hình ảnh các môn đệ, lúc khởi đầu đã bỏ gia đình bạn bè bà con để theo Chúa. Bây giờ gặp lúc nguy khốn thì bỏ mọi sự, bỏ cả Chúa để thoát thân.

Chúng ta thử nhớ lại những biến cố của Tuần Thánh đầu tiên này. Từ căn phòng Chúa ở đến vườn Gethsemane, từ phiên tòa Philato đến đồi Golgotha, từ thập tự giá đến ngôi mộ trống, Chúa Giêsu đã làm đảo lộn toàn thể thế giới. Người dạy cho chúng ta biết quyền lực thực sự chỉ thấy ở nơi nào có tinh thần phục vụ và lòng quảng đại đối với tha nhân; sự cao cả với lòng khiêm tốn; ước vọng yêu thương và công chính. Đó là những điều sẽ được Thiên Chúa chúc lành và khuyến khích.

CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA VÀ SỰ TRUNG THÀNH


Thánh Mac Cô kể rằng, lúc ấy chúa Giêsu đang ở làng Betania và đến thăm ông Simon bị bệnh cùi, một người đàn bà đến mang theo một bình bạch ngọc đựng đầy dầu thơm đắt tiền, đập bể bình rồi trịnh trọng đổ lên đầu Chúa (Mc 14: 3-9). Mùi thơm lan tỏa khắp nhà, mọi người lúc đó tỏ vẻ bất bình vì cử chỉ phung phí của bà này. Chúa Giêsu đọc được ý của họ, bèn nói đỡ cho bà ta là “bà đã biểu lộ một hành động trung thành và yêu thương thực sự”. Chúa Giêsu đã nói với họ rằng: “Bà này đã xức dầu lên người tôi để chuẩn bị cho ngày ướp xác” (Mc 14: 8). Vì lý do đó, chúa Giêsu đã hứa là “bất cứ nơi nào mà Tin Mừng được loan truyền đến thì câu chuyện này của bà cũng sẽ được kể lại để mọi người nhớ đến bà” (Mc 14: 9). Người đàn bà này, không kể Đức Maria mẹ Chúa Giêsu, sẽ là người duy nhất được tôn vinh cao cả.

Trong khi các đệ tử và tông đồ Chúa tỏ ra thất bại rõ ràng vì phản bội và bỏ chạy thì người đàn bà vô danh này đã chứng tỏ chí cương quyết, lòng quả cảm, yêu thương và trung thành. Một gương sáng đáng ghi nhớ! Mặc dù bà ta không hiểu rõ hoàn toàn ý nghĩa việc làm có tính ngôn sứ và biểu trưng của bà ta, cũng như thời điểm của hành động của bà, nhưng bà ta đơn giản chỉ ước muốn biểu lộ cho Chúa biết là bà ta thực sự quan tâm, để ý đến Chúa và yêu mến Chúa thật tình.

Đó phải chăng là điều mà mỗi người chúng ta được mời gọi để thực hành trong Tuần Thánh này một cách đặc biệt! Phải chăng là yêu Chúa Giêsu và chú ý đến Người xuyên suốt qua những biến động bi thảm cuối cùng của bản hòa tấu cuộc đời của Chúa nơi dương thế này, giữa tất cả những tổn thương, thất bại và bội phản của chính chúng ta trong cuộc sống! Cuộc sống của chúng ta phải giống như bình bạch ngọc đựng đầy dầu thơm quí giá của người đàn bà đã đổ ra tràn lan trên Chúa trong những giờ phút cuối cùng của đời Người nơi dương thế này.

LỜI KẾT: CHÚA CHẾT NHƯNG ĐEM HY VỌNG CHO CHÚNG TA.

Khi đi đường Thánh Giá, lúc kết thúc đoạn đường tại đấu trường Colosseum ở Rome vào đêm thứ Sáu Tuần Thánh năm 2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói những lời rất cảm động nhưng đầy mãnh lực:

“Ai đây, nếu không phải là Đấng Cứu Thế đã bị kết án, có thể hiểu một cách đầy đủ và trọn vẹn nỗi đau khổ của những người bị kết tội một cách bất công?

“Ai đây, nếu không phải là Vua Trời Đất bị khinh miệt và nhục mạ, có thể đáp ứng được những chờ mong của biết bao nhiêu người cả nam lẫn nữ đang sống trong vô vọng và mất nhân phẩm?

“Ai đây, nếu không phải là Con Thiên Chúa, có thể biết được nỗi buồn rầu và cô đơn của biết bao nhiêu người không có tương lai đang sống rải rắc trên khắp mặt địa cầu?”

Đó là Đấng Cứu Thế, vị cứu chuộc nhân loại mà chúng ta đang có. Ngài là đấng thực sự thấu hiểu những điều kiện nhân tính của chúng ta. Ngài đồng hành cùng chúng ta và chia sẻ, cảm thông với chúng ta những sầu muộn, cô đơn và khổ đau của chúng ta. Chúng ta đã đáp trả lại loại tình yêu lạ lùng ấy và tình liên đới hiệp nhất thực sự ấy như thế nào? Chúa Nhật Lễ Lá là ngày mở đầu Tuần Thánh Chúa Chịu Nạn, mời gọi chúng ta chấp nhận điều mà thánh Phao Lồ gọi là “Thái Độ của Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2: 6-11) trong khi Chúa chịu nạn và chịu chết. Hãy trút bỏ mọi ước muốn tư lợi và ích kỷ, mọi sợ hãi và nhu cầu riêng tư của mình vì lợi ích của tha nhân….

Chớ gì chúng ta có thể vươn tới để hàn gắn những vết thương của những kẻ đau khổ, an ủi những kẻ thất vọng ở quanh ta mặc dù bản thân chúng ta là những kẻ phản bội và chối từ Chúa.

Trong lúc những nghi lễ phụng vụ của Tuần Thánh diễn ra thật cảm động thì chúng ta có được những ân sủng đặc biệt để tiếp tục sống với niềm vui và hy vọng, mặc dù bị phụ rẫy, sỉ nhục và đau khổ. Trong chiều hướng đó, cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu sẽ trở thành lý do để chúng ta Hy Vọng và có những giây phút tràn đầy hồng ân khi chúng ta đi tìm kiếm Nước Chúa trong đời sống chúng ta, cho dù sự tìm kiếm đó đơn độc và đau thương.

Tuần Thánh quả là một nguồn an ủi và một xác tín rằng chúng ta không phải là những kẻ cô đơn. Chúa đã cứu chúng ta và hàng ngày đang đồng hành với chúng ta. Chúa đã đem lại hy vọng cho chúng ta. Chúa đã chết để cho chúng ta được sống.

Fleming Island Florida
March 21, 2024
Nguyễn Tiến Cảnh

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét