Thứ Hai, 25 tháng 3, 2024

Hồi Hương Ngẫu Thư Kỳ Nhị 回鄉偶書其二 - Hạ Tri Chương (Thịnh Đường)

Hạ Tri Chương 賀知章 (659-744), người Quảng Đông, tự Quý Chân. Ngoài tài thơ văn, tiểu thuyết, còn có tài viết chữ thảo, chữ lệ rất đẹp. Tính phóng khoáng, thích uống rượu. Bạn thân của Lý Bạch. Đỗ tiến sĩ, làm Thái Tử Tân Khách Bí Thư Giám, rồi từ quan về làng làm đạo sĩ. Lúc ra về vua có tặng thơ, thái tử và bá quan đều đưa tiễn.

Mượn cảnh để tả tình là một kỹ thuật rất thông thường của những thi sĩ Đông, Tây, kim cổ; nhưng chưa từng thấy ai mượn cảnh tả tình siêu việt như họ Hạ. Ông không dùng những thứ dễ biến đổi để so sánh với những thứ đã biến đổi trong làng ông, mà dùng cái tính cố hữu của ngọn sóng trên mặt hồ Kính (cái thứ hàng triệu năm không bao giờ và không thể nào thay đổi) để mô tả rằng quê cũ đã thay đổi từ cội rễ trừ ngọn sóng. Chỉ có ngọn sóng này còn như cũ thôi, tất tần tật những thứ khác đều tiêu ma hết rồi !!!

Mời các bạn đọc bài thơ 回鄉偶書其二 Hồi Hương Ngẫu Thư kỳ nhì, để thưởng thức kỹ thuật mượn cảnh tả tình siêu việt của họ Hạ trong hai câu cuối.

Nguyên bản      Dịch âm

回鄉偶書其二 Hồi Hương Ngẫu Thư kỳ nhì

 
離別家鄉歲月多 Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa
近來人事少消磨 Cận lai nhân sự bán tiêu ma
惟有門前鏡湖水 Duy hữu môn tiền Kính Hồ thủy
春風不改舊時波 Xuân phong bất cải cựu thì ba

Chú giải:

歲月多 tuế nguyệt đa: nhiều năm tháng.
近來 cận lai: gần đây.
人事 nhân sự: việc đời.
惟有 duy hữu: duy có.
門前 môn tiền: trước cửa.
不改 bất cải: không đổi.
鏡湖 Kính hồ: Kính hồ ở tỉnh Chiết Giang. Một hồ lớn đẹp, còn có tên là Hạ Giám hồ vì vua Đường Minh Hoàng, sau khi đọc bài Kính hồ của Hạ Tri Chương, phong cho ông làm chức Bí thư giám.
波 ba: sóng.
舊時波 cựu thì ba: sóng ngày xưa.

Dịch nghĩa

Xa cách quê nhà đã nhiều năm tháng,
Gần đây việc đời đã thay đổi mất một nửa.
Duy chỉ có nước trên Kính hồ ở trước cửa,
Gió xuân vẫn không làm thay đổi con sóng xưa.

Dịch thơ

Hồi Hương Ngẫu Thư kỳ nhì
Trải bao năm tháng biệt quê nhà
Việc đời phân nửa đã tiêu ma
Duy trước hiên nhà trên hồ Kính
Gió xuân chẳng đổi sóng ngày xưa


Lời bàn:

Hạ Tri Chương làm rất ít thơ nhưng bài thất ngôn tứ tuyệt này đã ngang nhiên đi vào Đường thi nhờ ý của 2 câu 3 & 4: Chỉ làn sóng trên mặt hồ Kính là không đổi. Vậy thì, ngoài làn sóng trên hồ Kính, kể như từ cọng cỏ, từng cục đất của quê xưa đã đổi hết rồi. Ôi! Thơ mà tả được như vậy mới thực sự gõ vào nỗi nhớ quê hương của mọi người! Nói rất ít mà hiểu rất nhiều! Nói rất nhẹ nhõm mà hiểu rất đậm đà! Lời ngắn ngủi mà thơ chan chứa! Câu "Xuân phong bất cải cựu thì ba" (Gió xuân chẳng đổi sóng ngày xưa) cực kỳ đơn sơ mà cực kỳ siêu việt! Trải qua 1200 năm mà chưa có địch thủ xứng đáng. Suốt một đời làm thơ, chỉ để lại dăm bài thất ngôn tứ tuyệt, sàng lọc lại còn 7 chữ lóng lánh như 7 viên ngọc quý (xuân phong bất cải cựu thì ba) mà danh tiếng bất hủ ngàn năm. Lạ lùng vậy thay!

  Con Cò





Về Quê Chợt Viết Kỳ 2


Ly biệt quê nhà năm tháng qua
Việc đời phân nửa đã tiêu ma
Chỉ riêng trước cửa hồ Gương trải
Gió chẳng đổi thay sóng thuở xa!


Muốn về thăm quê nhà, lần lữa
Giờ việc đời một nửa tiêu ma
Chỉ riêng hồ Kính trước nhà
Gió xuân không đổi sóng qua muôn đời!


Lộc Bắc

***
Hồi Hương Ngẫu Thư (kỳ 2)

Xa cách quê nhà năm tháng qua
Chuyện đời hao hụt đến phai nhoà
Chỉ hồ kính nước soi sân trước
Sóng gợn gió vờn chẳng đổi a!!!


Kiều Mộng Hà
Austin 3.16.24.

Viết Lúc Về Quê Nhà. kỳ 2.

Quê nhà cách biệt đã bao ngày,
Phân nửa chuyện đời đã đổi thay.
Riêng mặt Kính Hồ nơi cổng trước,
Gió xuân không đổi, sóng xưa đây.


Mỹ Ngọc 
Mar. 17/2024.
***

Ghi chú:

Hạ Tri Chương (659-744), người Vĩnh Hưng, Việt Châu (nay là Tiêu Sơn, Chiết Giang), theo Đường Thi Đại Từ Điển 唐詩大辭典

Kính hồ: hồ ở cách 2 dặm về phía tây nam thành phố Thiệu Hưng, Chiết Giang ngày nay.

Dịch nghĩa:

Chợt Viết Khi Về Làng Kỳ 2


Xa quê nhà đã nhiều năm tháng
Gần đây sự đời đã có thay đổi nhiều
Chỉ riêng nước hồ Kính ngoài cổng
Gió xuân không thay đổi sóng thời xưa.

Dịch thơ:

Ngẫu Nhiên Viết Khi Về Quê Kỳ 2


Xa cách quê hương bao tháng năm
Việc đời ngẫm lại lắm thăng trầm
Chỉ riêng hồ Kiến ngay ngoài cổng
Gió vẫn không thay được sóng thầm.

Bao năm xa cách quê nhà,
Sự đời ngẫm lại bao la thăng trầm.
Chỉ riêng hồ Kiến âm thầm,
Gió Xuân không đổi sóng ngầm xưa nay.


Written on Coming Home by He Zhizhang


I was away from home months and years.
Recently many things did change.
Except for the Mirror lake beyond our gate
Spring wind had not changed the waves of time past.

Trở Về Quê Cũ

Biết bao năm tháng vắng quê nhà
Trở bước về làng khác biệt xa
Duy nước Kính hồ bên cổng trước
Gió xuân không đổi, sóng ngày xưa


Thanh Vân
***

Ngẫu Nhiên Viết Khi Về Quê Kỳ 2

Xa cách quê nhà bao tháng năm
Bạn bè ngày cũ biệt mù tăm
Chỉ riêng hồ Kính soi thềm trước
Vẫn gió xuân xưa, sóng vẫn trầm!

Kim Oanh 
***
Góp ý:

Thi Viện vẫn bất cẩn về dữ kiện/chú thích như thường lệ. Phần tiểu sử bảo Hạ Tri Chương người Quảng Đông trong khi thật sự ra ông ta là người Triết Giang và nhà ở quê hương nằm trên bờ Kính Hồ. Phần chú thích cho Kính Hồ nói đúng là hồ này ở Triết Giang nhưng có lẽ người viết không biết hồ nằm chính xác ở đâu - hướng nam của Thiệu Hưng, chân núi Bắc của Hội Kê sơn; hoặc là hồ quá nhỏ, hoặc giờ không còn nữa nên không thấy trên Google Map, và không thấy bài nào viết cho hồ này trên internet.

Rất có thể Thi Viện cương ẩu về cái từ "giám" trong một tên của hồ vì họ Hạ đã từng giữ chức bí thư giám (秘書監) trước khi về hưu nên không có chuyện Đường Huyền Tông "đọc bài thơ Kính Hồ" rồi mới phong chức bí thư giám cho ông. Bài thơ 'Kính Hồ' là bài nào? Thường người đời dùng một dữ kiện quan trọng hay đặc biệt để tạo biệt hiêu cho một nhân vật. Tại sao lại chọn cái chức bí thư giám trong khi Hạ Tri Chương từng đỗ trạng nguyên (chúng ta biết ai đã đỗ trạng nguyên bên Tàu?), và giữ chức thượng thư bộ Lễ?

 
Huỳnh Kim Giám

***

Góp Ý Cho Bài HỒI HƯƠNG NGẪU THƯ Kỳ 2 Của Hạ Tri Chương.

Bài này tiếp bài trước: Hạ về quê trẻ con không biết ông là ai, vào làng thì “cận lai nhân sự bán tiêu ma “. Cận lai là gần đây. Nhân sự là việc đời, việc người đời, nhân viên trong một cơ quan, lễ vật...Theo ý của BS thì nhân sự trong bài này có lẽ là bạn bè hay người quen cũ của Hạ. Vì Hạ xa quê quá lâu nên một nửa số người này đã quá vãng… Chỉ có sóng trên Kính hồ là không thay đổi dưới gió xuân.

Như anh Giám nói, Hạ quê ở Chiết Giang, Thi Viện ghi là Quảng Đông, không đúng.

Chú thích về Kính hồ là giải thích của ÔC, không phải Thi Viện. Theo sách của Trần Trọng San: Kính hồ ở huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang

Đường Minh Hoàng, sau khi đọc “ Kính hồ khúc “ của Hạ Tri Chương, bổ ông làm chức Bí Thư Giám, vì thế Kính hồ còn gọi là Hạ Giám hồ. Cái này giống chú thích của ÔC.

BS đồng ý với anh Giám về việc Minh Hoàng bổ cho Hạ chức Bí Thư Giám sau khi đọc bài thơ thì có vẻ vô lý. Nhưng người đời gọi Kính hồ là Hạ Giám hồ thì có lý, vì Tiến Sĩ thì đậu từ lâu rồi, mà Bí Thư Giám là chức cuối cùng của Hạ.Bài này ngắn, nhưng dịch rất vất vả, BS loay hoay mãi mà không vừa ý.

Ngẫu Nhiên Viết Lúc Về Quê, Kỳ 2


Xa cách quê nhà năm tháng đưa,
Bạn quen, người cũ đã lưa thưa,
Duy nước Kính hồ ngay cửa trước,
Gió xuân chẳng đổi sóng ngày xưa.


Bát Sách.
(Ngày 18/03/2024)
***
@ Phí minh Tâm góp ý:

Theo Hán Ngữ Đaị Tự Điển, hồ Kính ở quê của Hạ Tri Chương, còn có tên là hồ Giám, hồ Trường, hồ Khánh.
Trung Hoa còn có hồ Kính ở Cát Thủy, Giang Tây và hồ Kính ở Tân Cương. pmt@ 

mirordor góp thêm ý:

Từ 監 (trong chức 秘書監=bí thư giam, viết với bộ 皿=mãnh) có phát âm Hán-Việt chính là giam (jiān theo bính âm) với những nghĩa coi sóc, cai quản, thống lĩnh, v.v... và khi phát âm thành giám (jiàn) thì có nghĩa là cái gương soi, giống như tên 鑑 (dùng bộ 金=kim) của tôi.

Dùng các từ 鏡=kính hay 鑑=giám với nghĩa soi gương để đặt tên hồ thì có lý, tại sao lại dùng từ 監=giam với nghĩa coi sóc để đặt tên hồ? Trích phần dẫn nhập cho cụm từ 秘書監 trong zn.Wikipedia:

秘書監是中國古代官制,用於掌管皇家经籍图书,是秘書省的長官。bí thư giam thị trung quốc cổ đại quan chế, dụng ư chưởng quản hoàng gia kinh tịch đồ thư, thị bí thư tỉnh đích trưởng quan。 (bí thư giam là một chức trong hệ thống hành chánh Trung quốc cổ, quản lý sách vở hoàng gia và là quan bí thư trưởng.)

Trong trang 贺知章与镜湖_鉴湖=Hạ Tri Chương dữ Kính hồ-Giám Hồ này với câu mở đầu "镜湖, 又名鉴湖、 庆湖、贺监湖等 [Kính hồ, còn có tên Giám hồ、 Khánh Hồ、 Hạ Giám hồ, v,v...]" có đoạn: 。中唐诗人朱放《经故贺宾客镜湖道士观》云:“已得归乡里,逍遥一外臣。哪随流水去,不待镜湖春 。Trung Đường thi nhân Chu Phóng《Kinh cố Hạ Tân Khách Kính hồ đạo sĩ quan》vân:“ dĩ đắc quy hương lý, tiêu dao nhất ngoại thần。na tùy lưu thủy khứ, bất đãi Kính hồ xuân。[thi nhân Chu Phóng thời Trung Đường viết trong bài "quan điểm của đạo sĩ Hạ Tân Khách ở Kính hồ": vừa về đến cố hương, một cựu thần sống thong dong, sao còn theo dòng nước chảy đi xa thay vì chờ mùa xuân về trên Kính hồ? ] cho ta thấy rằng người thời Đường của đạo sĩ họ Hạ dùng tước 太子賓客=thái tử tân khách để đặt tên hiệu cho ông thay vì dùng cái chức bí thư giam.


Huỳnh Kim Giám

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét