Thứ Năm, 2 tháng 11, 2023

Tâm Tình Về Hai Ngày Lễ Các Thánh Và Lễ Các Đẳng


Sau gần 3 năm vì Covid và lo săn sóc cháu ngoại tại nhà, vợ chồng chúng tôi bỏ quên thói quen đi nhà thời vào buổi sáng trong tuần. Nay nhân lễ Các Thánh và lễ Các Đẵng vào hai ngày 1 và 2, tháng 11, 2022, chúng tôi sắp đặt đến nhà thờ giáo xứ Saint Kilian trong một tinh thần đổi mới, kể từ ngày được Đức Cha Đặng Đức Ngân đặc biệt ban phép lành trong tháng 9 vừa qua.

Chúng tôi ngạc nhiên thấy nhà thờ chật đầy tín hữu. Bên cạnh những người cao niên trong tuổi hưu trí vẫn có một số khá đông trong lứa tuổi lao động. Ngay cả linh mục phó giáo xứ Phạm Tuấn dâng lễ cũng không chuẩn bị đủ bánh để trao Mình Thánh Chúa cho mọi người. Ca đoàn đầy đủ và hoàn hảo cất tiếng hát ngợi ca thánh lễ.

Chúng tôi được biết lễ Các Thánh bắt đầu được Giáo Hội công nhận vào thế kỷ thứ 9, làm trong ngày 1 tháng 11 hằng năm. Khi nói đến các Thánh, chúng ta nên biết họ không phải là những bà tiên, ông tiên như trong các truyện thần tiên, hay các thần linh của dân gian. Họ cũng không phải ưu tiên sinh ra vốn đã là Thánh – ngoại trừ các Thánh Anh Hài. Các vị Thánh là những con người như chúng ta, sinh ra bình thường, vẫn phạm tội nặng nhẹ như người bình thường. Ví dụ Thánh Phêrô 3 lần chối Chúa, Thánh Tôma không tin Chúa cho đến khi đút ngón tay mình xuyên qua lổ đinh trên bàn tay Chúa, Thánh Augustine, Thánh Paul the Apostle, nữ Thánh Mary of Egypt …đều là những người có tội lỗi, nhưng họ đã nhận được ơn kêu gọi từ Chúa Thánh Thần dẫn dắt họ dảm nhận trách nhiệm thánh linh, sống đạo, vì đạo và chấp nhận chết cho Đức Tin của đạo. Họ cũng là những khôi nguyên của Hội Thánh rao truyền lòng yêu thương của Thiên Chúa qua những hành động vị tha, quên mình trong phục vụ tha nhân. Họ tận hiến đời sống của mình hòng mang ánh sáng tình thương, hy vọng, bình đẵng và bác ái đến cho những người cùng cực; Họ sống hãm mình, chia sẻ nỗi đau, chửa trị vết thương thể xác và tâm hồn cho người yếm thế. Qua cuộc sống hàng ngày và hành động vì tha nhân, Họ là chứng nhân hoàn hảo cho sự truyền giáo của Giáo Hội.

Chúa từng phán dạy “Các ngươi hãy là thánh vì Ta là Thánh”. Phải chăng lời phán dạy này làm chúng ta liên tưởng sự thánh thiện là một điều ưu tiên, một ân sủng dành cho một số người được tuyển chọn. Sự thật không phải vậy. Nên thánh không bắt buộc phải là một giám mục, linh mục hay tu sĩ. Việc trở nên thánh là do trách nhiệm của mỗi chúng ta trong mọi hành xử khi ở thế gian. Nhất là làm chứng trong mọi hành vi thánh thiện, sống đời sống thanh hiến trong tinh thần kitô hữu để vinh danh Chúa, chớ đừng nghĩ đến để kiêu ngạo và tự mãn cá nhân. Chớ coi thường các lỗi lầm đã phạm mà cần biết ăn năn hối lỗi.

Qua phúc âm, Chúa từng chỉ cho chúng ta những con đường nên thánh bằng tám cửa Phúc: “Phúc cho những ai nghèo khó, Phúc cho những ai đau khổ, Phúc cho những ai ăn ở hiền lành, Phúc những ai đói khát sự công chính, Phúc cho những kẻ có lòng nhân từ, Phúc cho những ai có lòng trong sạch, Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, Phúc cho những ai bị bách hại vì khát khao làm người công chính”. Nhìn vào thì dễ hiểu và có vẻ dễ thực hiện, nhưng thực tế chắc hẵn khác rất nhiều.

Trong ngày lễ Các Thánh, xin Đức Mẹ Maria, Thánh Guise, các Thánh Tổ Tông, các Thánh Tiên Tri, các Thánh Tông Đồ, các Thánh Tử Đạo, các Thánh Mục Tử, các Thánh Hiển Tu, các Thánh Ẫn Tu, các Thánh Đồng Trinh, các Thánh Anh Hài… cầu cho chúng con.

Xong lễ, vợ chồng chúng tôi ra về trong lòng bình an.

***
Sáng hôm sau, vợ chồng chúng tôi lại đến nhà thờ Saint Kilian, dự lễ Các Đẳng. Hay còn gọi là lễ cầu nguyện cho các Linh Hồn, một ngày lễ cử hành trong ngày 2 tháng 11 mỗi năm, được Hội Thánh Công Giáo chính thức công nhận vào giữa thế kỷ thứ 11.

Từ nhỏ, tôi đã từng nhìn thấy những tấm hình Đức Chúa Trời dang bày tay xuyên qua đám mây kéo về phía mình những linh hồn đang sống trong cõi Luyện Tội, đưa các linh hồn này vào cuộc sống vĩnh cửu kề cận Thiên Chúa. Ngày nay, tôi vẫn có một lòng tin như thế. Vì ít ai đạt được một đời sống toàn hảo, mà đại đa số lúc chết đi không ít thì nhiều mang theo những vết tích tội lỗi; do đó, khi thân xác đã biến thành tro bụi, linh hồn cần phải có thời gian để thanh tẩy trước khi linh hồn ấy được đối diện với Thiên Chúa trong sự phán xét cuối cùng – y như một tội phạm trong thế gian này cần có thời gian ngắn hay dài để ăn năn trước khi được cho ra khỏi nhà tù. Vì vậy, những hiệp thông cầu nguyện của người sống tương đối có thể giúp rút ngắn thời gian thanh tẩy của linh hồn người chết, nhất là cầu nguyện cho linh hồn người thân yêu rỏ ràng là một hành động chứng tỏ tình thương không có chia cách giữa người sống và người chết. Cũng bởi vậy, trong Kinh Tin Kính có đoạn: Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa để tha tội. Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự Sống Đời Sau.

Nếu đa số chúng ta tin có đời sống về sau – cháu ngoại chúng tôi rất thích phim truyện Coco - thì chắc phải nghĩ sự có mặt của linh hồn, hay hương hồn. Khi Măng tôi còn sống, bà thường kể nhiều lần cho gia đình nghe câu chuyện Măng tôi nhìn thấy Ba tôi, chết khi tôi mới khoảng 3 tháng trong bụng mẹ, tiến chầm chậm từ ngoài cửa đến bên cạnh chỗ tôi nằm cạnh mẹ tôi, cúi xuống hôn trán tôi và đưa tay vuốt đầu tôi ngay khi tôi mới được sinh ra, rồi nhìn Măng tôi với ánh mắt âu yếm nhưng buồn trước khi quay lưng bước rời khỏi phòng.

Nếu người kitô hữu tin có Luyện Ngục, họ đồng thời tin có Hỏa Ngục, hay Địa Ngục, và xem đây như biểu tượng mà trong đó ý niệm quan trọng bật nhất là một khi linh hồn sa vào Hỏa Ngục, hình phạt lớn nhất và duy nhất là linh hồn ấy mãi mãi sẽ không bao giờ được diện kiến Nhan Thánh Chúa.

Trong ngày Các Đẳng, qua sự hiệp thông cầu nguyện cho những người quá vãng và cho các linh hồn còn trong Luyện Tội, chúng ta nhớ đến linh hồn những người thân yêu mà Chúa đã gởi đến trong cuộc đời. Chúng ta cũng nhớ đến những linh hồn bị quên lãng không có ai nhớ đến để cầu nguyện cho.

Riêng tôi, tôi cầu nguyện cho linh hồn Ba Măng tôi, linh hồn Nhạc Gia tôi, linh hồn đại gia đình Nội Ngoại, linh hồn các chiến hữu các đồng đội chết trong chiến tranh, linh hồn những người dân chết trên đường di tản, trên đường vượt biên vượt biển, linh hồn các bạn hữu xa gần.

Tôi cũng cầu nguyện cho linh hồn Micae Nguyễn Thế Minh, Bọ đỡ đầu Thêm Sức cho tôi trước khi Bọ chịu chức linh mục. Cha Micae vừa được Chúa gọi về tháng 10, 2022, sau khi về hưu ở Pháp về sống tại Dòng Tên ở Thủ Đức, VN, chừng trên 12 năm qua. Ở tuổi 84, nhưng với 56 năm làm linh mục, trong đó có 53 năm với Dòng Tên, bị kẹt lại Roma sau 1975 vì đang học TS Thần Học, Ngài dấn thân phục vụ tín hữu Việt tại Hải Ngoại, thành lập và phục vụ Chương Trình Việt Ngữ - Radio Vatican, chủ biên Hợp Tuyển Thần Học, hướng dẫn Linh Thao cho giáo dân tại nhiều châu lục, ngay cả tại VN dưới dạng ‘giảng chui”. Cha từng đến thăm gia đình chúng tôi rất nhiều lần trong những lần hướng dẫn Linh Thao tại Hoa Kỳ. Giờ đây, con xin đọc một Kinh Lạy Cha cầu nguyện riêng cho linh hồn Micae được yên nghỉ ngàn thu trong vòng yêu thương của Thiên Chúa.

Tôi cũng cầu nguyện đặc biệt cho linh hồn cụ ông Angelo, một cái tên do tôi đặt ra cho một cụ già trong lứa tuổi trên 80, thường xuyên gặp trong các buổi lễ Chủ Nhật, cả thập niên qua. Ông cụ rất tự lập, tự mình lái xe dù đi xiêu vẹo với nạng 4 chân. Mỗi khi tôi đẩy xe lăn cháu Bồ Câu gần đến chỗ ông cụ ngồi ở dãy ghế cuối trong nhà thờ, bao giờ cụ Angelo cũng chìa tay ra nắm lấy tay của Bồ Câu, lắc lắc bàn tay của cháu thật trìu mến, vừa chào hỏi cháu vài câu. Bồ Câu luôn tỏ vui mừng mỗi khi gặp ông cụ. Thế nhưng khoảng từ 3 tháng nay, chúng tôi không còn nhìn thấy ông cụ. Đi ngang qua dãy ghế ông cụ thường xuyên ngồi, tôi cảm thấy bùi ngùi, tự hỏi ông cụ quá yếu nên nằm trong Viện Dưỡng Lão hay đã qua đời!?

Và cuối cùng tôi không thể quên cầu nguyện cho linh hồn Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, bị thảm sát đúng vào ngày Các Đẳng này của năm 1963. Phải chăng đây là một trùng hợp ngẫu nhiên mang ít nhiều tính cách linh thiêng?!

Tháng 11, 2022.
Hiệu đính cuối tháng 10, 2023
Vĩnh Chánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét