Thứ Năm, 22 tháng 12, 2022

Câu Chuyện Lễ Giáng Sinh

      Giáng sinh là mùa trang hoàng, tặng quà và vui chơi ăn nhậu. Nhưng nguồn gốc của Giáng Sinh thì ít người để ý tới. Người ta chỉ biết ăn mừng, coi như một kỷ niệm xa xưa mà không cần biết nó bắt đầu từ đâu và lúc nào. Đương nhiên người ta hiểu đó là ngày Chúa Giêsu sinh ra trong máng cỏ hang lừa ở Bethlehem mà không cần biết nó đúng hay sai. Nhưng các bạn có biết Lễ Giáng Sinh ở Mỹ thời thuôc địa đã bị cấm vào năm 1695 không?

      Ở Âu Châu và Mỹ Châu thì Tinh Thần Giáng Sinh là tiếng chuông vang lên trong đêm đông tuyết phủ giá lạnh với hình ảnh ông già Noel/Santa Clause trên xe trượt tuyết và bày nai bay lướt trên không mù mịt tuyết rơi, được tả trong cuốn tiểu thuyết của Charles Dickens A Christmas Carol. Ở Á Đông và Việt Nam chúng ta thì từ ngày ảnh hưởng Tây phương và đạo Công Giáo, Giáng Sinh cũng hòa đồng vào văn hóa dân tộc và người ta cũng nhân ngày này để vui chơi, chúc mừng và tặng quà cho nhau. Đơn giản chỉ có vậy.

    Nhưng có người coi ngày sinh nhật Chúa Giêsu chỉ là chuyện thần thoại, đóng khung trong các khu thương mại và các cửa hàng buôn bán nhộn nhịp khác thường với những câu chào hỏi chúc mừng nhau Merry Christmas kèm theo Happy New Year vì chỉ còn vài ngày nữa là sang năm mới rồi. Ngoài ra cứ mỗi năm, khi mặt tiền các ngôi thánh đường được trang hoàng, giăng mắc hoa đèn là người ta lại nhớ tới ngày sinh nhật của Chúa Giêsu Kito. Thế là “Giêsu là lý do của ngày lễ lớn Giáng Sinh này.”

      Nhưng, có thật là Ngài hay không?

      Trong cuốn sách của linh mục tiến sĩ Eart Count hệ phái Episcopol: 4,000 năm Lễ Giáng Sinh / 4,000 Years of Christmas, xuất bản năm 1997, tả lại một cách thích thú lịch sử việc trao đổi quà tặng trong bài hát ‘12 ngày của Lễ Giáng Sinh / The 12 days of Christmas’ và những tập tục bắt nguồn từ xứ Babylon thời xa xưa. Ông cho biết cành lá holly đã được thầy cả Druid dùng trong nghi thức tế lễ huyền bí và ngày 25 tháng 12 là ngày mừng lễ Mặt Trời của người La Mã hồi xưa chứ không phải là ngày mừng sinh nhật chúa Giêsu.

GIÁO HỘI SƠ KHAI CÓ MỪNG LỄ GIÁNG SINH KHÔNG?

      Trong Tân Ước, chúng ta không thấy có chỗ nào nói các tông đồ mừng sinh nhật của Chúa Giêsu.  Nhưng vào cuối thế kỷ III, nhà thần học công giáo Origen tuyên bố ai lấy lễ hội của dân ngoại để mừng Chúa Giáng Sinh thì có tội.

       Vào thế kỷ I, dân thành Corinto ở Hy Lạp, đa số theo đạo đa thần. Phong tục của đạo là mua bán dâm ngay trong đền thờ, và các thầy cả thì tế lễ vật hy sinh cho các thần miễu Hy Lạp và La Mã.

      Thánh Phaolo có lần đã viết thư gửi cho các tín hữu Corinto như sau: “Thế nghĩa là gì? Thịt cúng là gì? Ngẫu tượng là gì? Tuy nhiên, đồ cúng là ‘cúng cho ma quỉ, không phải cho Thiên Chúa’; mà tôi không muốn anh em hiệp thông với ma quỉ. Anh em không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỉ được; anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc với Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc với ma quỉ được.” (1Cr. 10:19-21).

      Thánh Phaolo rõ ràng đã cảnh cáo và yêu cầu các tín hữu phải xa lánh bất cứ cái gì đụng chạm và liên quan đến tập tục của dân ngoại có thể gán cho mình cái nhãn hiệu là là “thông đồng với ma quỉ”!

      Giống như các Kito hữu thời giáo hội sơ khai, họ mừng lễ thần Mặt Trời, tức thần Canh Nông, một lễ hội của dân La Mã thời xưa. Nhiều tôn giáo lúc đó mừng những lễ hội vào thời Đông Chí ở Bắc bán cầu khi mà ngày ngắn đêm dài. Họ cầu xin các thần thánh cho mặt trời mau trở lại để mùa đông qua đi cho lẹ, ngày dài trở lại.

      Vào ngày Lễ Mặt Trời, người ta ăn nhậu say sưa, chơi bời buông thả phóng đãng và thi hành những tập tục trái với giáo huấn của chúa Kito. Tuy nhiên sau cùng nó cũng được biến thành lễ Giáng Sinh, mừng sinh nhật chúa Giêsu. Cái gì đã làm thay đổi các Kito hữu từ chỗ thánh Phaolo cấm không được thờ phượng ma quỉ và làm bất cứ cái gì liên quan tới dân ngoại đến chỗ chấp nhận và tham dự vào những tập tục của dân ngoại dưới danh hiện chúa Giêsu Kito?

TẠI SAO GIÁO HỘI CÔNG GIÁO LẠI MỪNG LỄ GIÁNG SINH?

      Đã có rất nhiều áp lực buộc những Kito hữu tân tòng phải theo lời dạy của thánh Phaolo mà từ bỏ việc thờ lạy lẫn lộn ngẫu tượng và Thiên Chúa. Nhưng lúc đó có hàng ngàn người muốn trở lại đạo mà không muốn từ bỏ những tập tục, nghi lễ của tôn giáo cũ của họ.

      Tiến sĩ Count đã tóm tắt cuộc tranh đấu giằng co đó như sau: “Đối với dân ngoại, ngày lễ Mặt Trời là một ngày vui. Đối với tín hữu Kito giáo, lễ Mặt Trời là một tập tục ghê tởm, tôn thờ một vị thần nhơ nhớp không có thực. Ngoài ra các Kito hữu vẫn cố gắng phải làm công việc rất khó khăn và chậm chạp là mang những dân ngoại La Mã bê bối trở lại với Chúa.

      “Lúc bấy giờ cũng có nhiều di dân vào sống trong hàng ngũ Kito hữu, và các Giáo hoàng cũng nhận thấy là mình đang phải đối đầu với sự xâm nhập của các tập tục của dân ngoại. Bỏ đi những tập tục về lễ Mặt Trời thì là một vấn đề nan giải. Lúc đầu Giáo Hội cũng có cấm đoán, nhưng vô ích. Giòng sông nước chảy đụng vào tảng đá mà đá không chuyển động thì nước bắt buộc phải chảy quanh nó mà thôi.  Nếu không cấm được Lễ Mặt Trời thì phải làm quen với nó để hòa nhập vậy” (p.36).

TẠI SAO LẠI LÀ NGÀY 25 THÁNG 12?

       Giáo hội chọn ngày 25 tháng 12 là ngày cuối cùng của lễ thờ Mặt Trời tiếp theo sau ngày lễ Thần Canh Nông, làm ngày sinh nhật chúa Giêsu.

       Ngày này cũng là ngày đại lễ của đạo Mithra, một tôn giáo thờ mặt trời ở Ba Tư. Vào năm 274 A.D. hoàng đế La Mã Aurelian tuyên bố ngày 25 tháng 12 là ngày “sinh nhật mặt trời” là đấng vô địch. Đến thời con một Thiên Chúa là Đức Giêsu Kito giáng trần thì hình ảnh của Thiên Chúa là đấng tối cao bị lẫn lộn với ý tưởng về thần mặt trời trong đầu óc của hàng trăm ngàn người vừa mới trở lại đạo trên toàn đế quốc La Mã. Có lẽ vì thế Giáo Hội mới lấy ngày 25 tháng 12 làm ngày Lễ Giáng Sinh, sinh nhật của chúa Giêsu?

      Thế là thay vì dựa vào sức mạnh của chúa Kito để thay đổi thế giới, danh hiệu Kito bị dân ngoại thay đổi hay đúng hơn được biến cải để hòa đồng!

      Tiến sĩ Count thuật lại như sau: “Năm 742 AD thánh Boniface viết thư than phiền với Đức Giáo Hoàng Zacharias rằng…... ông làm việc khó nhọc để mang những người Franks và Alemans -bộ lạc Đức- trở lại đạo đã bị trở ngại vì những người công giáo La Mã ham vui hội hè bê bối tung trời ở ngay quê nhà mình. Dân Franks và Alemans đang sắp sửa trở lại đạo thì vì ham mê vui thú hội hè như người La Mã mà việc cải đạo bị trở ngại.

      Khi thánh Boniface biểu họ xa lánh những tập tục vui thú đó thì họ nói họ mừng những ngày hội đó dưới sự bảo trợ của Rome. Cảm thấy bối rối và lo lắng, giáo hoàng Zacharias trả lời…..và công nhận rằng dân chúng trong thành Roma quá bê bối vào ngày lễ Giáng Sinh” (p.53)

THAY ĐỔI QUA NHIỀU THẾ KỶ

      Qua những thế kỷ sau, lễ Giáng Sinh lại có những tập tục của dân ngoại ở Đức, Thuỵ Điển/Scandivania và Ái Nhĩ Lan/Celtic, được trang hoàng bằng những cây thông xanh và lá holly.

      Vào thời Trung Cổ, ở Âu Châu người ta lại mừng Lễ Gáng Sinh kiểu lễ Thần Canh Nông. Tiến sĩ Penne Restad, trong In Christmas in America: A History, đã cho thấy một cuộc bàn cãi về đạo đức vào thời điểm đó như sau:

      “Một số giáo sĩ đã cho rằng loài người sa ngã cần phải có những lúc xả hơi buông thả miễn là nằm trong khuôn khổ Kito giáo. Những vị khác thì lại chủ trương tất cả những vết tích của ngoại giáo cần phải được loại bỏ ra khỏi những ngày nghỉ ngơi vui hội. Những kitô hữu đứng giữa, không hăng hái nồng nhiệt lắm thì than phiền là Giáo Hội có những luật lệ vô lý lại toan tính thay đổi những tập tục cũ. Tuy nhiên Giáo Hội vẫn còn hy vọng cuối cùng những cử chỉ/hành động thánh sẽ thay thế những điều phàm tục khi mà dân ngoại bỏ đi những cuộc vui chơi chè chén cũ và trở về với Kito giáo” (1996, p.6).

      Buồn thay, mong ước đó đã không xẩy ra như ý. Tiếp theo thời Trung Cổ, một số nhà thệ phản đã cố gắng cải đổi Lễ Giáng Sinh nhưng chỉ thay đổi được chút ít. Thanh giáo Anh đã chống lại những nghi lễ Giáng Sinh và phản đối hoàn toàn, cho rằng không đúng tinh thần Kito giáo. Năm 1659 ngày lễ nghỉ đó đã bị hủy bỏ và cấm hẳn ở Massachusetts, nhưng vì nó quá phổ thông, được mọi người ưa thích nên cuối cùng vào năm 1681 lễ Giáng Sinh lại được chính thức công nhận trở lại.

      Trên Tờ US News & World Report, tác giả bài “Tìm hiểu Lễ Giáng Sinh/In Search of Christmas” đã viết: “Khi Lễ Giáng Sinh cập bến bờ biển Mỹ Quốc, người ta ăn mừng lễ một cách khá đàng hoàng thanh sạch. Vào thời thuộc địa, ngày sinh nhật chúa Giêsu Kitô, nếu được mừng thì người ta đã mừng như một ngày lễ hội lớn…Nhưng Thanh Giáo ở New England lúc đó đã từ bỏ thẳng tay không coi là ngày lễ nghỉ nữa” (Dec.23,1996, p.60).

      Vào thời đại tân tiến và kinh tế hiện giờ, nhiều Kito hữu lại đặt nặng vấn đề thương mại hơn là tôn giáo. Những cuộc biểu diễn, thi xe hoa với ông già Noel trên đường phố được bảo trợ bởi những công ty, nhà hàng, department stores để quảng bá hàng hóa bán nửa giá; truyền hình truyền thanh liên tục quảng cáo đủ mọi mặt hàng với giá rẻ. Lễ Giáng Sinh hiển nhiên đã trở nên ưu tiên hàng đầu về tiền bạc hơn là thờ kính Thiên Chúa. Nó được biến thành ngày Lễ Nghỉ. Tiếng Chúa Giáng Sinh đã bị lu mờ đi.

     Tuy nhiên cũng có nhiều người nghĩ đến Lễ Giáng Sinh với tinh thần đạo đức tôn giáo hơn là vui chơi và thương mại. Nhưng phải chăng cuộc sống vội vã và tham lam của con người khi nghĩ tới Giáng Sinh đã có vấn đề rồi hay chính lễ Giáng Sinh tự nó cũng có cái gì lấn cấn?           

HÃY ĐỂ CHÚA GIÊSU VÀO VỊ TRÍ CỦA NGÀI.

      Lễ Giáng Sinh hiện đã trở thành ngày lễ nghỉ chính thức của Hoa Kỳ, nên ít ai chịu trở lại quá khứ mà coi lại giá trị thực của lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên bạn thử ráng thẩm xét vấn đề xem sao.

      Đây là những dữ kiện: Ngày Chúa Giêsu chào đời không phải là ngày 25 tháng 12. Các môn đệ của Chúa cũng không chấp nhận những lễ hội thờ thần nhảm nhí và khuyên các Kito hữu phải xa lánh. Giáo Hội sơ khai không mừng lễ sinh nhật của Chúa Giêsu. Chọn ngày 25 tháng 12 làm ngày Chúa sinh ra đã dựa vào ngày lễ hội thờ thần Nông Nghiệp và thần Mặt Trời của dân ngoại.

      Nhiều tập tục về Giáng Sinh, như trang hoàng cây thông, lá holy, hoa đèn, ông già Noel/Santa Clause, trao đổi quà tặng, không do kinh thánh mà từ những tôn giáo của dân ngoại. Qua dòng lịch sử, lễ Giáng Sinh là những ngày lễ hội ăn nhậu, chè chén say sưa, và bây giờ thì là cơ hội cho trẻ nít vòi vĩnh cha mẹ quà, đồ chơi hơn là nhớ đến Chúa Giêsu đã giáng trần trong cô đơn lạnh lẽo.

      Vậy thì bạn nghĩ thế nào đây? Có người nói “Làm sao chúng tôi có thể vất bỏ lễ Giáng Sinh khỏi trẻ em được”. Có người lại nói “Lễ Giáng sinh là cơ hội đem mọi người lại với Chúa thì đâu còn là vấn đề nữa?”

      Như chúng ta biết, thánh Phaolo viết thư khuyên các tín hữu sống trong cộng đồng dân ngoại ở Corinto như thế nào rồi. Ngài còn tiếp tục đặt vấn đề với họ: …Làm sao sự công chính lại liên kết được với bất chính? Làm sao ánh sánh lại thông đồng với bóng tối được? Làm sao Đức Kitô lại hòa hợp với ma quỉ được? Làm sao người có đức tin lại chung phần với người không có niềm tin? Làm sao Đền Thờ Chúa lại đi đôi với tà thần được?

      “Vì thế, ‘hãy ra khỏi dân ấy và rời xa chúng, Chúa phán như vậy. Đừng có đụng tới vật ô uế nào, và ta sẽ đón nhận các ngươi…’ Do đó…. chúng ta hãy tẩy rửa hồn xác cho sạch khỏi mọi vết nhơ và đem lòng kính sợ Thiên Chúa mà lo sống thánh thiện hoàn toàn” (2Cr 6:14-18; 7:1).

      Quan điểm của thánh Phaolo về Lễ Giáng Sinh quả là thích hợp. Làm sao chúng ta có thể tuyên xưng thờ phượng Thiên Chúa bằng những truyền thống và tập tục của dân ngoại mà Chúa đã cấm bằng chính lời Ngài?

      Câu hỏi quyết định là: Làm sao chúng ta có thể đặt Chúa Giêsu trở lại đúng vị thế của Ngài trong mùa lễ này là lễ mà Ngài chưa bao giờ khởi đầu và can dự vào? Đó là câu hỏi khó, nhưng lại rất quan trọng mà mỗi người chúng ta, quí vị và tôi nên tìm câu trả lời.

       Tuy nhiên, cho là lễ Giáng Sinh ngày nay bắt nguồn từ lễ hội của dân ngoại, thiết nghĩ nó cũng chẳng có gì là sai trái mà còn có vẻ thức thời hợp lý ở thời đại thế giới toàn cầu hóa và hòa đồng tôn giáo hiện giờ, miễn sao nó đừng mang theo những hành động tội lỗi và thế tục.

      Còn ngày 25 tháng 12 thì chắc không phải là ngày chúa Giêsu sinh ra. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, trong cuốn sách của ngài vừa xuất bản ngày 20-11-12: Jesus of Nazareth, The Infancy Narratives, cũng cho rằng ngày 25-12 không phải là ngày sinh nhật của Chúa, vì tu sĩ Dionysius Exiguus đã tính lầm, do đó lịch Công Giáo hiện giờ cũng bị sai, chậm đi mất cỡ 7 năm. 

Fleming Island, Florida

Nguyễn Tiến Cảnh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét