(Bản Đồ - Tác giả phát họa)
Có những kỷ niệm tưởng chừng như đã quên, sẽ không bao giờ trở lại, nhất là trở lại trong một khung cảnh hoàn toàn xa lạ như xứ Đức nơi tôi đã đến cách đây 50 năm và ở lại cho đến bây giờ.... Thế mà, khi đọc câu chuyện Bình Đông Bình Tây với cội Mai già, rồi hôm nay thêm câu chuyện "Khu Nancy ở Saigon" của anh Nguyễn Minh Nữu thì tâm hồn tôi đã bay bổng trở về với khung cảnh ngày xưa với những hình ảnh không xa khu Nancy bao nhiêu - Đại lộ Cộng Hòa – Tất cả như ....Rồi mùa xuân qua đây lạc loài, đường quen xưa bùi ngùi, một thoáng mơ phai ("Một Thoáng Mơ Phai" của Trần Thái Hòa).
Từ cư xá Chu Mạnh Trinh vùng Phú Nhuận, gia đình ba mẹ tôi dọn về Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Quốc gia ở đại lộ Cộng Hòa. Ngày ấy tôi mới bắt đầu vào lớp 3 trường tiểu học Phan đình Phùng (đường Nguyễn Thiện Thuật, thuộc khu Bàn Cờ).Trung Tâm Huấn Luyện nằm đối diện với trường trung học Petrus Ký trên đại lộ Cộng Hòa. Trung Tâm có những dãy cư xá dành cho học viên là các ông trưởng ty, quận trưởng, đến tu nghiệp, tham dự khóa học, một câu lạc bộ có thể chứa đến hơn 200 người, một sân thể thao rất rộng có cả sân bóng chuyền và một xạ trường tập bắn súng rất tân tiến dưới hầm, bên trên xạ trường là 2 sân đánh vũ cầu trong nhà..... Ba tôi là người điều hành Trung Tâm và cũng là một giảng viên nên được cấp nhà ở ngay trong khuôn viên của Trung Tâm.
Thuở ấy anh em chúng tôi chỉ biết có 2 nhà hàng xóm: nhà bác Mộc có 2 cô con gái và nhà bác Khôi có 2 thằng con trai. Hai cô con gái nhà bác Mộc nhỏ tuổi hơn nên hai chị em chỉ quanh quẩn trong nhà, ít khi ra sân chơi. Có lẽ 2 cô cũng sợ anh em chúng tôi vì chỉ toàn là con trai. Phá làng phá xóm là bọn tôi gồm 2 cậu con trai hàng xóm cộng với 6 anh em của tôi vị chi là 8. Là đứa con gái duy nhất trong bọn nên tôi đánh đu theo những trò chơi của con trai.
Ngoài thời gian ở trường, về đến nhà, chúng tôi đem banh ra sân, chia làm 2 đội để đá với nhau mà không cần có trọng tài. Chạy theo trái banh dưới trời nắng nổ đom đóm mắt mà vẫn không dành được trái banh trong chân mấy thằng con trai, tôi luôn tự hỏi "sao không lấy thêm vài trái banh vào sân để khỏi dành nhau". Làm sao tôi biết được là môn đá banh được cả thế giới yêu chuộng cũng chỉ vì 1 trái banh mà 22 cầu thủ phải "dành" nhau trong mỗi trận đá là cả một tài nghệ, một kỹ thuật ăn tiền, là thắng thua chỉ vì 1 trái banh. Đã chạy trối chết để dành trái banh, toát cả mồ hôi, tóc tai tèm nhẹp, lại thêm bị cát nóng chà xát vào ống quyển, đau đến chảy cả nước mắt mà cũng không rớ được tới trái banh đang được ông anh kềm trong chân!! Con nít đá banh thì làm gì có giày có vớ nhà nghề như mấy cầu thủ mà chỉ là những đôi chân trần của bầy nhóc tì, cho nên môn đá banh sớm bị tôi cho ra rìa, không tham gia nữa.
Thiếu "cầu thủ" nên anh em tôi bày ra chơi tạt hình. Có được bao nhiêu tiền cắc dành dụm, anh em tôi rủ nhau đi mua những xấp hình ở tiệm chạp phô trên đường Lý Thái Tổ gần nhà. Tiệm nhỏ xíu nhưng mua gì cũng có. Mua mấy xấp hình về rồi ngồi cắt thành từng tấm hình nhỏ. Mỗi lần chơi phải chồng 5-6 tấm của phần mình, xong mỗi đứa cầm 1 chiếc dép, đứng lui ra sau cách chồng hình khoảng 5-6 thuớc. Từ đó phải tạt chiếc dép làm sao cho trúng chồng hình cao cao đặt trong vòng tròn phía đằng trước. Hình tạt được bao nhiêu là thuộc về mình bấy nhiêu. Chỉ vài lần tạt hình là biết ngay đứa nào giỏi đứa nào dở ngay. Thằng em kế của tôi tạt hình rất thiện nghệ.
Sau này tôi mới "ngộ" ra là nó ăn gian. Khi tạt, tôi hay đứng thẳng đuột người, tạt chiếc dép ra đằng trước, phần lớn dĩ nhiên là tạt hụt, không "ăn" được tấm hình nào. Còn nó thì vừa bước tới 1-2 bước vừa tạt, nên tạt lần nào xấp hình cũng bay tung tóe... Môn này tôi cũng ô rờ voa, rút lui vì chỉ mất tiền vô ích mà còn bị nó chọc quê "tạt gì mà dở ẹc!".
Đến mùa mưa, cây cối cỏ sậy trong khuôn viên Trung Tâm mọc um tùm nên có rất nhiều dế. Dế lửa, dế than, gáy vang trời khi tắt mặt trời... Lúc đó tôi chưa biết phân biệt dế đực và dế mái. Cứ thấy con dế đang bò men theo vách tường là tóm cổ, nhét vào chai sirô, không cần biết dế thuộc giới tính nào. Sau này khôn ra mới biết là dế mái không bao giờ có vân trên cánh và dĩ nhiên là hiền khô, không biết đá!!! Con dế đực nào có nhiều vân trên cánh là dế háo chiến, đá trăm trận trăm thắng. Dế than màu đen và dế lửa màu nâu. Dế lửa đá "ngầu" hơn dế than v...v... Trước khi đem dế ra đá phải cho dế ăn cỏ non, ăn xong phải làm cho nó say bằng cách cho nó quay vù vù trong không khí. Dế quay tít nên bị chóng mặt, thả xuống dế đi lảo đảo, nhào vô tấn công đối thủ ngay. Mà muốn cho dế quay thì phải dùng một sợi tóc dài.Tóc thì mấy thằng con trai nhà tôi làm gì có, toàn húi cua. Thế là mái tóc dài lúc nào cũng bù xù của tôi được trưng dụng tối đa: đứa giựt bên này, đứa giựt bên kia. Hết chống đỡ chỉ còn nước la oai oái!! Ban đêm, đứa nào cũng đem dế theo vào phòng ngủ, nhét dưới gối. Đêm khuya dế bắt đầu nỉ non, gáy vang trời. Bọn con nít chúng tôi ngủ say làm sao biết được là mấy con dế thần sầu quỹ khốc của chúng tôi đã làm phiền cha mẹ mình. Sáng hôm sau ngủ dậy mới biết là những cái hộp đựng dế của chúng tôi
đang nằm lăn lóc ngoài vườn, và mấy chiến sĩ dế cũng đã tung cánh chim tìm về tổ ấm là các hang hóc đâu đó trong vườn. Thế là hết mùa đá dế....
Trong 2 thằng hàng xóm của tôi có thằng em là thằng Phát, lâu lâu nó lại thích làm dáng yểu điệu như thục nữ nên tôi cũng có "bạn gái". Để làm con gái, Phát phải nhặt các lọn gỗ bào khá dài quăn tít kẹp lên mái tóc ngắn ngủn của nó. Dạo đó hai đứa tôi thích bắt chước hai cô ca sĩ Lệ Thanh và Thanh Thúy. Sân khấu của chúng tôi là mái hiên của câu lạc bộ. Mỗi ca sĩ ôm một "Microphone" là chậu cây mai cao ngang tầm chúng tôi. Lúc hát, hai ca sĩ làm bộ lấy tay hất "mái tóc" là những lọn gỗ bào ra đằng sau, mắt thì liếc làm duyên với đám khán giả là bầy con trai ngồi bên dưới.... Phát học trường Tây, đi học có xe Cyclo đưa đón. Tôi thì cuốc bộ đến trường, đi chung với cậu em học sau tôi một lớp. Sáng ra chưa tỉnh ngủ, hai chị em tôi ra đến bùng binh Cộng Hòa, ở đây rộng thoáng, gió các ngã đường thổi về, lạnh đến co ro.... Hai chị em tôi có bữa phải ngồi thụp bên lề đường vì gió, rồi dựa lưng nhau ....nhắm mắt ngủ một chặp, trước khi băng qua đường Phạm Biểu Chánh rồi Hồng Thập Tự để sang bên kia bùng binh là đường Nguyễn Thiện Thuật, nơi có trường tiểu học Phan Đình Phùng của chúng tôi.
Ngoài những trận đá banh, chạy đua, tạt hình hay vật lộn chung với bọn con trai, Phát và tôi rất "ghiền" chơi riêng với nhau, hết bày trò chơi này đến trò chơi khác cho đến tối mịt mới chịu về nhà. Trò chơi mà hai đứa tôi thích nhất là làm "đậu đỏ bánh lọt": cạo phấn trắng hòa với nước
lạnh vào chén để làm nước dừa, cắt dây thung màu xanh lá cây ra từng khúc ngắn làm bánh lọt và dây thung màu đỏ làm đậu đỏ. Trong khuôn viên Trung Tâm trồng rất nhiều cây trứng cá.
Đến mùa trứng cá chín, hai đứa tôi hái từng rổ trứng cá, bóp ra làm chè Kê..... Cho đến một ngày, hình như là sinh nhật của tôi, Phát rủ tôi đi hái hoa ở công viên trước hội trường lớn của
Trung Tâm. Gió mát hây hây, mây trắng bay trên đầu, đang mải mẻ hái hoa, bỗng dưng Phát quay nhìn tôi rồi nói "tụi mình giống vợ chồng ghê há!". Không hiểu sao, một cảm giác là lạ, rờn rợn chợt đến trong tôi. Cũng "thằng Phát" của mọi ngày, sao bữa nay nó nói gì mà giống như người lớn! Từ đó tôi hay lãng tránh Phát, không muốn chơi riêng với Phát nữa. Không có bạn gái, Phát mon men làm quen với 2 cô con gái nhà bác Mộc. "Ghét" Phát ăn nói kỳ cục nhưng thấy Phát có bạn mới, tôi lại tức, tức hay ....ghen?? Sau này gia đình tôi không còn ở Trung Tâm nữa mà dọn về Trương Minh Ký. Trước ngày sang Đức, nghe mẹ tôi kể là bác Khôi trai đã mất và Phát thì vào Biệt kích Dù của Mỹ....
Trường Petrus Ký nằm bên kia đường, đối diện với Trung Tâm Huấn Luyện. Hai bên đại lộ ngày ấy có hai hàng cây Điệp và cây Phượng trồng xen kẽ. Hè đến, hoa Điệp màu hồng và hoa Phượng màu đỏ nở rộ rất đẹp. Những trái Phượng dài dài màu xanh, mọc chen lẫn trong đám hoa đỏ ối, hoạ hoằng lắm mới có trái chín khô rơi nằm chỏng chơ trên mặt đất. Cây Điệp thấp hơn và trái Điệp cũng nhỏ hơn, màu đen. Mùa hè trái Điệp thi nhau rụng đầy lề đường. Anh em tôi thường lượm trái Điệp, đập ra lấy hột làm bi bắn ná....Mùa hè đến cũng là mùa thi tuyển vào đệ thất của các nam sinh. Kết quả của cuộc thi tuyển thường được đọc qua Microphone vang cả một khúc đường từ sáng cho đến trưa. Phụ huynh và các tuyển sinh đứng chờ trước cửa từ sáng sớm để nghe kết quả. .... Hết phần xướng danh, ngưòi thì mừng rỡ vui mừng vì trúng tuyển, kẻ thi rớt thì tiu nghỉu buồn xo, tiếng xe gắn máy, tiếng cười nói..... Đại lộ Cộng Hòa ngày ấy không biết đã chứng kiến bao lần cảnh vui mừng sung sướng hay đau khổ dở khóc dở cười của các cậu học trò Saigon. Các anh em trai nhà tôi đều là học sinh của ngôi trường cổ kính Petrus Ký.
Năm tôi thi vào đệ thất trường Trưng Vương là năm có trận lụt rất lớn ở miền Tây. Bài luận văn thi tuyển năm đó có đề tài đại khái là "em nghĩ gì về nạn lũ lụt ở miền Tây". Con bé 10 tuổi đầu là tôi lúc đó chẳng nghĩ gì đến cảnh nhà trôi, đường lở, cầu sập, người chết, đói khát ....mà chỉ "bận tâm" một điều duy nhất là lũ lụt như thế này thì học trò làm sao đi thi đệ thất, giấy mực đâu mà thi? Thế là con bé hý hoáy viết đến 2 trang giấy, chỉ lo suy nghĩ làm thế nào để mua giấy mực cho học sinh để đi thi trong mùa lũ lụt. Bài luận của tôi nghe ông bác chấm thi kể lại được tới ...2 điểm. Kết quả dĩ nhiên là trợt vỏ chuối.
Để chờ kỳ thi đệ thất năm sau, tôi được gửi vào học bán trú trường Thánh Linh trong khu Chợ Quán do các bà sơ điều hành - Học lớp Tiếp liên - Các sơ ở đây mặc áo chùng đen và khăn lúp trên đầu cũng màu đen nhưng không nhớ hay không biết các sơ thuộc dòng nào. Chỉ nhớ một điều là có Sơ Anna hiền dịu dạy làm luận văn, sơ Therèse hay cười dạy may thêu và hát thánh ca.
Nhưng nhớ nhất là sơ Anné, bà sơ dạy Toán và dữ hơn bà chằng!!! Có một lần làm bài kiểm Toán, cả lớp chúng tôi cọp dê nhau nên làm sai bét cả đám. Sơ Anné giận lắm, tuyên bố là trả tập vở lại, không thèm chấm điểm. Cả lớp không ai dám nhúc nhích đến bàn của sơ để lấy tập vở của mình về. Đứa này chờ đứa kia .... cho đến khi nguyên chồng vở Toán bị sơ Anné quẳng xuống chuồng gà bên dưới. Lúc đó 3-4 đứa trong lớp mới dám chạy xuống sân, nhặt lại mấy quyển vở toán đem lên, thì sơ chỉ lạnh lùng phán một câu "vở dính đầy phân gà, mấy em đem về nhà chép lại vào quyển vở mới, tuần sau nộp lại". Lúc đó đã gần cuối năm học, vở chép cũng đã gần hết cuốn.... Ngồi chép lại những bài toán từ đầu năm mà "hận" sơ Anné không bút nào tả xiết.... Có
lẽ đây là hình phạt nặng nhất trong cuộc đời đi học của tôi và có lẽ cũng nhờ đó mà hè năm sau tôi thi đậu vào đệ thất Trưng Vương.
Năm tôi đậu vào đệ thất Trưng Vương cũng là năm đảo chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ngày khai giảng thì còn xa nhưng ở nhà không biết làm gì cho hết ngày nên tôi thường đạp xe đạp lên trường TV để xem lại kết quả thi đậu của mình. Từ đường Cộng Hòa, rẽ tay phải vào đường Hồng Thập Tự, cứ thế mà đạp cho tới gần sở thú thì rẽ vào Nguyễn Bỉnh Khiêm là đến. Ngôi trường TV lúc đó vẫn còn rất xa lạ với tôi. Tên học sinh trúng tuyển được niêm yết trong một lồng kính treo trên tường. Tên tôi trên bảng niêm yết vẫn nằm nguyên ở vị trí cũ, số 17, chẳng có gì thay đổi, nhưng sao lần nào nhìn thấy tên mình, lòng tôi cũng rộn ràng xôn xao khó tả. Ngày nhập học vào đệ thất năm đó cứ bị hoãn đi hoãn lại. Tôi lại lấy cớ đi xem thông cáo về ngày khai giảng, lại hùng hục đạp lên trường rồi đạp về ....Năm ấy, mãi đến gần cuối tháng 11 năm 1963, tôi mới được bước chân vào ngôi trường của một thời áo trắng Trưng Vương.
Sau này, khi đã trở thành cô thiếu nữ dậy thì, mỗi lần chạy ngang Trung Tâm Huấn Luyện trên đường Cộng Hòa, tôi không khỏi bùi ngùi nhớ lại cả một quãng thời thơ ấu của mình..... Dạo đó tôi thường đến đại học sư phạm trên đường Nguyễn Trải để chơi vũ cầu. Các anh chị trong hội ai cũng là sinh viên hoặc đã đi làm việc sau khi xong đại học. Tôi là con bé duy nhất còn ở bậc cuối trung học. Chơi vũ cầu xong mọi người thường kéo nhau đi ăn đậu đỏ bánh lọt ở
Khu Nguyễn Thiện Thuật. Là cô em nhỏ nhít trong hội nên tôi luôn được các anh hoặc các chị thay nhau bao ly chè. Một hôm, đang vui vẻ ăn ly chè sâm bổ lượng thì một bà chị, lúc đó chị đã là giáo sư trường Gia Long, báo tin Phiên, cũng là hội viên của hội vũ cầu, sắp lấy vợ, hỏi tôi có biết chưa. Nghe chị hỏi mà tôi tưởng mình nghe lầm nhưng vẫn cố làm tỉnh để trả lời "dạ, em
biết rồi!".
Phiên là sinh viên Kiến trúc năm thứ hai, sinh hoạt trong ca đoàn "Gió Khơi" (ca đoàn áo nâu của Lê văn Khoa). Mỗi lần ca đoàn trình diễn ở Quốc gia âm nhạc tôi luôn được Phiên mời đi nghe chàng hát. Sinh nhật 17 tuổi của tôi Phiên đến dự với bức tượng "Manneken Pis" bằng thạch cao. Những buổi tối chơi vũ cầu đánh đôi chung với Phiên, Phiên bao sân bên dưới, tôi ôm lưới đứng trên chờ những trái bỏ nhỏ của bên đối thủ.... Đôi khi lỡ bộ, chạy không kịp, ngó lui ra đằng sau cầu cứu Phiên. Bốn mắt cứ giao nhau như thế này thì thua là cái chắc!!! Phiên hay đến nhà tôi, lấy cớ là "kèm toán" cho bạn. Một lần Phiên rủ tôi đi nghe nhạc ở "Đêm Màu Hồng". Đang lo không biết phải xin phép ba mẹ như thế nào để đi chơi với chàng thì may thay có ông anh họ là sĩ quan Hải quân đóng ở Nha Trang về phép ghé thăm. Thế là lấy cớ "tháp tùng" theo ông anh, tôi hẹn với Phiên ở Đêm Màu Hồng. Không khí Đêm Màu Hồng tối hôm đó thật là ấm cúng dễ thương, dạo đó ban Thăng Long chuyên trình diễn ở đây. Tiếng hát của Hoài Trung, Thái Thanh như quyện lấy cả không gian tràn ngập khói thuốc. Đây là lần đầu tiên tôi biết đến không khí phòng trà. Ra về, chia tay nhau trước cửa ĐMH, tiếng xe, tiếng cười nói xôn xao nhưng vẫn không át được tiếng đại bác xa xa vọng về....
Thế rồi, đùng một cái, chẳng hiểu sao, Phiên bỏ đi lấy vợ!! Nghe tin mà tê tái cả lòng. Tự ái, tôi
đem bức tượng "Manneken Pis" đến nhà trả lại cho chàng. Món quà duy nhất Phiên tặng cho tôi,
Ngày đám cưới của Phiên tôi xách xe Honda đến hồ tắm Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hồ tắm NBK một
ngày mưa, mưa lất phất, mây mù giăng thật thấp, chỉ có vài mạng đang mải miết bơi.... Ngày ấy tôi chỉ còn biết bơi trong mưa cho quên sầu, bơi cho bớt hận.... Mưa mỗi lúc một nặng hột.
Thành phố bắt đầu lên đèn. Phóng Honda về lại nhà, tóc ướt, mắt ướt không biết vì mưa hay vì khóc cho mối tình mới chớm từ nay thôi đành chôn kín tận đáy lòng....
Ba năm sau (trước 75), trong một chuyến về thăm nhà, tình cờ tôi gặp lại Phiên trên đường Duy Tân, gần công trường Con Rùa và cũng gần trường Kiến trúc của chàng.... Bầu trời SG hôm ấy thật cao, lá cây xanh hai bên đường tỏa bóng mát xuống con đường. Hai chiếc Honda chạy chầm chậm song song bên nhau như ngày nào. Bao kỷ niệm ngày xưa chợt ùa về.....
Thành phố Saigon của tôi giờ đây đã thay đổi quá nhiều. Lần cuối cùng trở về sau hơn 35 năm, tôi không nhận ra đâu vào đâu. Hỏi người đi đường thì thường nhận được một cái tên lạ hoắc.
Cảm giác "không còn thuộc về nơi đây nữa" luôn chế ngự trong tâm tư. Lần đầu tiên và cũng là cuối cùng, chúng tôi ở khách sạn "Continental" ở góc đường Tự Do. Thèm sầu riêng, chúng tôi mua một trái của một xe gác ở lề đường Lê Lợi. Biết là không thể đem vào Hotel nên chúng tôi ghé vào con hẻm trên đường Lê Lợi có quán cóc dựng bạt bán cà phê, có các ghế đẩu bằng nylon cho khách ngồi.... Bà chủ quán sốt sắng kéo ghế mời 2 quý khách đang lúng túng với trái sầu
riêng trên tay, lăng xăng giúp chúng tôi xẻ trái sầu riêng có múi vàng lườm thơm phứt.... Những tình cảm thân thuộc nồng ấm như thế này lâu lắm rồi chúng tôi mới có lại...Nhưng mời mãi, năn nỉ mãi mà bà vẫn không chịu ăn cùng!!
Ăn trái sầu riêng vừa xong thì trời đổ mưa.....
Đứng trú mưa dưới tấm bạt trĩu nước của quán cà phê, chàng của tôi mời ông bạn mới làm quen cũng đang trú mưa điếu thuốc lá. Khói thuốc bay tỏa trong không gian, trời lạnh nên khói thuốc không bay cao mà quyện lấy cả 3 chúng tôi.... Tiếng kể chuyện giọng SG đặc sệt xen lẫn tiếng mưa rả rich sao ấm cúng và thân thương như một thuở xa xưa!!!
(Cảm tác nhân đọc "Khu Nancy của Saigon" của Nguyễn Minh Nữu)
Mainz, tháng 9/2021
Mỹ Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét