“Thời gian hủy hoại các lâu đài, nhưng lại làm giàu những vần thơ”.
(Jorge Luis Borges 1899-1986, nhà văn, nhà thơ Argentine)
Kể từ tập thơ Vườn Dĩ Vãng ấn hành năm 1972 của thời trai trẻ phục vụ trong quân ngũ nơi quê nhà cho đến tác phẩm Hồi Sinh thực hiện năm 2020 nhưng vì trục trặc kỹ thuật, ấn hành năm 2021 nơi xứ người, nhà thơ Trần Văn Sơn đã trải qua cuộc hành trình từ những bài thơ xuất hiện trên trang báo ở Sài Gòn vào giữa thập niên 60 cho đến thời điểm ấn hành tuyển tập nầy với thi ca hơn nửa thế kỷ.
Tuyển tập thơ văn Hồi Sinh dày 346 trang gồm những bài thơ đã ấn hành trong Vườn Dĩ Vãng (1972), Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa (2009) và những sáng tác sau nầy cùng với những bài viết về bạn thơ. Mở đầu tác phẩm nầy “Thay Lời Tựa” với bài viết của Ngô Nguyên Nghiễm, bạn văn thâm niên từ quê nhà:
“Những tháng giữa năm 1972, tôi mới trực tiếp diện kiến với Trần Văn Sơn, khoảng hai lần, do các nhà thơ Thụy Miên, Nguyễn Lê La Sơn, và sau đó là Phạm Nhã Dự, Trần Phù Thế, tháp tùng đến, giới thiệu và bàn chuyện văn chương, in ấn. Cuối tháng 7/1972 nhà thơ Thụy Miên khốc liệt với tai nạn ở Sóc Trăng, bằng hữu còn quá đau lòng và hoang mang cực độ, nên tôi quên lãng chuyện Trần Văn Sơn và những bàn tính của thi tập đầu tay Vườn Dĩ Vãng ra đời.
Cuối năm 1972, tình cờ tản bộ qua cầu chữ Y sang đường Cao Đạt, chỉ cách tệ xá một khoảng ngắn, chợt thấy Lưu Nhữ Thụy đang mày mò in typo bìa cho thi tập Vườn Dĩ Vãng của Trần Văn Sơn. Thì ra, Trần Văn Sơn giao Lưu Nhữ Thụy ấn hành tập thơ. Nhà in Cao Đạt, chỉ có một máy dập typo, ngoài ra là in lụa, nên tôi lấy tập bản thảo Vườn Dĩ Vãng đọc lại, thơ thật hay, và bay sang nhà in Chính Nguyên nhờ nhà thơ Nghiễm Vy ấn hành. Lúc này, thi phẩm Vườn Dĩ Vãng là tác phẩm thứ 6 của NXB Khai Phá đã được giới thiệu với độc giả, sau tác phẩm của Lâm Chương, Nguyễn Thành Xuân, Hà Thúc Sinh và tôi. Với tài hoa và kỹ thuật điêu luyện, Trần Văn Sơn thành công nhiều ở tập thơ đầu tay…”.
Bài thơ Vườn Dĩ Vãng sáng tác năm 1969 làm tựa đề cho tập thơ đã in trong trang 78 của tuyển tập:
“Một vài lần ghé lại thăm em
Hàng sứ rụng bông vàng trước ngõ
Hồn bâng khuâng bóng dựng quanh thềm
Rêu xanh kín tường xiêu mái đổ…
… Nay ghé thăm tình xưa vườn cũ
Thấy xác xơ không một bóng người
Tình đã rụng bông vàng trước ngõ
Vườn quạnh hiu một bóng mặt trời”.
Và, bài thơ Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa sáng tác “ngày ra tù Cộng Sản, 1984” cũng là tựa đề cho tập thơ. In nơi trang 91:
“Dẫu không cửa không nhà
Vẫn an nhiên mà sống
Dẫu không rượu không trà
Vẫn hằng đêm nuôi mộng
Một ngày. Một ngày qua
Khốn khó vây quanh ta
Cháo rau ngày hai bữa
Chưa đủ ấm thịt da
… Sáng nay trời thật đẹp
Hương ngào ngạt quanh nhà
Vườn ai vừa mở cửa
Thấp thoáng vài nụ hoa”.
Với tập thơ nầy, Nguyễn Mạnh Trinh với lời kết:
“Đọc thơ Trần Văn Sơn, như nhìn ngắm lại một chân dung của một người bình thường trong thế hệ chúng ta. Đi lính, đi tù, đi Mỹ, những cái đi ấy hình như hầu hết chúng ta đều có chung. Những cái đi khởi từ một cuộc chiến tranh tàn khốc. Trải qua những nhọc nhằn bi thương, có lúc cũng hào sảng luận anh hùng, cũng có lúc giở tỉnh giở điên trong cơn say ngậm ngùi nhìn thế sự, thơ như những phác họa của một thực tế mà bất cứ ai cũng có lúc trải qua. Thành ra, thơ lại là những chia sẻ của những người hiện giờ đang sống đời lưu lạc , đang hụt hơi với chuyện cơm áo xứ người. Có mấy ai bằng lòng với hiện tại, với những gì mình đã có trong tay. Nhưng rồi cũng phải nhận ra một điều. Cuộc đời dù ở đâu và bất cứ ở nơi chốn nào, cũng cần một tấm lòng.
Trong thơ Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa, quả tôi đã thấp thoáng thấy mình của đám đông trong thế hệ ấy. Làm thơ, có phải là để trung thực và sòng phẳng với đời, để có lúc còn một chút nắng vui tươi, của một vài sợi mây mơ mộng. Qua bao nhiêu ngã đường đã vượt, trải bấy nhiêu cay đắng ở đời, thì có lúc, thơ đã làm gậy chống để giúp đỡ đôi chân trèo lên dốc đứng nhân sinh muôn đời chập chùng trước mặt…”.
Và với, Phan Bá Thụy Dương, cùng nơi chốn và gần gũi với nhau: “Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa là sự thể hiện của những tiếng tơ đồng trầm sâu, truyền cảm. Đó cũng là tiếng lòng đầy ắp chân tình, chân ái của một người làm thơ, coi thơ như lẽ sống, coi bằng hữu như anh em thân thiết, ruột thịt”.
Với tựa đề Hồi Sinh cũng là bài thơ ở trang 23, và trang 5 với chân dung tác giả qua nét ký họa của Vũ Uyên Giang với hai câu thơ: “Hiểu sao thấu ra sao ngày tận tuyệt. Phút hồi sinh tìm chốn cũ quay về”.
Hơn 140 bài thơ, trong đó có Khúc Ngâm Đoạn Trường với 10 bài thơ (từ trang 230 đến trang 239) và truyện thơ gồm 13 trang (240-252) thể thơ lục bát về mẩu chuyện huyền thoại từ Quảng Nam đến Bình Tuy mà tác giả biết được khi phục vụ ở tiểu khu nầy.
Trần Văn Sơn sinh trưởng dưới chân Lầu Ông Hoàng, Phan Thiết, Bình Thuận. Năm 1968 nhập ngụ ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, phục vụ tại tiểu khu Gia Định và sau đó thuyên chuyển về Bình Tuy.
Cuộc đời lính chiến được mô tả qua hình ảnh ở đơn vị tác chiến:
“Đêm nằm nghe vượn hú
Ba lô, súng gối đầu
Mắt mở trừng không ngủ
Rừng tiếp rừng âm u
Gió lòn qua kẻ lá
Cuốn tròn trong poncho
Rét từng cơn mệt lả
Đồi tiếp đồi bao la
… Đêm rơi sương ướt đẫm
Quả tim vết đạn hằn
Bao năm ôm súng đạn
Không một lần về thăm.
(Kích Đêm, 1971 – trang 128)
Dấn thân trong cuộc chiến vẫn tiếp tục cho đến thời điểm ngày tàn của cuộc đời binh nghiệp qua bài thơ Lui Binh Hành rất tuyệt, với tôi, đây là một trong những bài thơ hay trong thi ca người lính VNCH:
“Lui binh lui binh hề lui binh
Tướng giỏi nghiến răng nén bất bình
Chiến trận bao năm chưa chiến bại
Một ngày buông súng quỷ thần kinh!
… La Ngà, Gia Huynh địch vây khổn
Tánh Linh tràn ngập bầy kên kên
Quan nghinh đầu súng lính đoạn hậu
Sống chết trời cho súng nổ rền
… Tiểu đoàn ba trăm còn ba mươi
Mất tích thương vong lính tả tơi
Tận nhân lực anh hùng mạt vận
Xuôi đời theo vận nước nổi trôi!
Lui binh lui binh hề lui binh
Tướng giỏi nghiến răng nén bất bình
Trăm trận ra quân trăm trận thắng
Tháng tư bẽ súng đất trời kinh!
(Lui Binh Hành - trang 56, 56, 58)
Sau lần lui binh đó, Cộng Quân cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, quần đảo ngục tù dựng lên với Quân, Dân, Cán, Chính VNCH. Trước đây đọc bài Hành Phương Nam năm 1943 của Nguyễn Bính và Trường Sa Hành năm 1974 của Tô Thùy Yên với nỗi buồn man mác, Lui Binh Hành của Trần Văn Sơn với nỗi đau thương, uất hận thấu trời!
Bài thơ Tự Truyện viết cho hai đứa con thơ khi vào chốn lao tù:
“… Chuyện ngày xưa ba mẹ mới cưới nhau
Mẹ công chức ba quanh năm đánh giặc
Đồng lương mẹ chắt chiu từng xu từng cắc
Đồng lương ba tiền lính tính liền
Con chào đời tháng tư bảy mươi lăm
Anh hai con chưa đầy hai tuổi rưỡi
Ba mẹ con bị ném lên vùng kinh tế mới
Ngôi nhà từ đường đảng xẻ thịt phanh thây
… Mẹ gánh hai con mỗi đứa một đầu
Thất thểu đêm ngày trốn về thành phố
Chiếu đất màn trời đầu đường xó chợ
Mưa nắng che thân ống cống gầm cầu
Ba-mẹ-con bị bắt nhốt vào tù
Tội duy nhất đảng cướp nhà bịt miệng
Con khát sữa khóc la khản tiếng
Bầu vú khô mẹ vắt kiệt tia máu cuối cùng
Bạn tù thương pha nước lã muối đường
Đứa con lớn gặm khoai sùng ngộ độc
Mẹ thoi thóp ôm hai con khóc ngất
Cấp cứu rền vang tiếng vọng hư vô…
… Ba ra tù tháng mười một tám mươi ba
Chín năm khổ sai ba miền Nam - Trung - Bắc
Gia đình ta sống tiếp đời khổ nhục
Hành khất trời, hành khất đất Phương Nam
Hành khất dung thân ở cuối đường hầm
Tia nắng rọi nhắc ba mặt trời vẫn mọc...”
(Tự Truyện – trang 135, 136, 137)
Khi ra tù, trở về quê quán với hình ảnh bi thương:
“Cõng con dắt vợ leo đồi
Phá rừng làm rẫy cất chòi tịnh tâm
Vợ con tắm vũng trâu nằm
Lưng gùi tay rựa quanh năm cuốc cày
Đầu trần chân đất hôm nay
Mai sau rồi cũng bóng mây lưng đèo”
(Lên Rừng Làm Rẫy - trang 213)
Chia sẻ nỗi niềm với con về cuộc đời mình qua những dòng thơ chân thật khi trải qua cuộc đổi đời:
“Thời trai trẻ ba mơ làm khanh tướng
Mê văn chương và mê cả kiếm cung
Khi thất bại quay về ba chợt tỉnh
Rằng mẹ con là tia sáng cuối cùng”
(Tia Sáng Cuối Cùng - trang 199, 200)
Trong chốn lao tù, tôi đã đọc được nhiều bài thơ của nhiều bạn văn viết trong hoàn cảnh đó trải dài từ Nam ra Bắc, quặn đau và cảm động. Với Trần Văn Sơn, thời gian lao tù đó, tác giả chứng kiến hình ảnh bạn tù Nguyễn Văn Xa chết hai lần tại trại tù Yên Bái miền thượng du Bắc Việt, xác nằm trong chòi lá dưới chân đồi chờ sáng đem chôn. Bạn tù, một bác sĩ Quân Y QLVNCH, vô tình vào gặp, rờ ngực thấy còn ấm, làm hô hấp nhân tạo cứu sống ông. Lần thứ hai, xác ông cũng bị vứt trong chòi lá dưới chân đồi và được bạn tù khiêng vào trại cứu sống. Ông cùng gia đình qua Mỹ diện HO, ở Nam California. Hình ảnh đó được mô tả qua dòng thơ:
“Khi bạn ta nằm im trong chòi xác
Ngực còn ấm hy vọng ngày họp mặt
Óc còn tươi mơ hạnh phúc gia đình
Bạn nằm im vĩnh biệt bạn bè thân
Bạn bè một thời nằm gai nếm mật
Bạn bè một thời chung lưng đấu cật
Nay chung tù, chung khổ nhục bên nhau
Đến tận cùng mới thật sự bắt đầu
Khi bạn ta nằm im trong bóng tối
Sự sống bắt đầu bằng bàn tay đồng đội
Bằng tình thương cứu sống Nguyễn Văn Xa
Bằng niềm tin thánh thiện bao la
Từ địa ngục bạn tìm về nguồn cội
Từ địa ngục bạn đến vùng đất mới
Và bắt đầu, thật sự của chúng ta
… Đến tận cùng mới thật sự hiểu ra
Sự sống bắt đầu gọi tên Nguyễn Văn Xa”
(Bắt Đầu – trang 71, 72)
Tôi đồng cảm với Phạm Văn Nhàn khi viết: “Đọc thơ Sơn thấy đầy ấp những hình ảnh kỷ niệm của đời anh đã trải qua, nơi chốn, bạn bè, tù tội. Để rồi những nơi ấy đã gợi lên cho tôi những hình ảnh, địa danh mà tôi cũng đã đến. Những nỗi khổ trong trại tù cải tạo, miền Bắc hay miền Trung. Những người bạn tù thiếu ăn, thiếu thuốc khi ngã bịnh thì chết. Chiếc hòm không đáy lại được đem đến. Manh chiếu bó lại đem ra nghĩa địa tù để chôn. Bạn tù đi ngang qua, cúi đầu tưởng nhớ. Trại tù nào cũng giống nhau. Đói. Lạnh. Và khổ. Anh trải qua những trại tù miền Bắc. Tôi trải qua những trại tù miền rừng núi miền Trung. Đọc những câu thơ anh ghi lại trong tù, sao nghe buồn quá đỗi”.
Nỗi đau đó thấp thoáng qua những dòng thơ:
“Rừng phơi xác gỗ tươm nhựa hận
Suối cạn dòng khô sỏi đá buồn
Đất khổ gầm gừ cơn địa chấn
Chim biệt tăm thú dữ xa nguồn
Kẻ loạn tâm xẻ núi lấp sông
Biển tràn bờ ngập mặn ruộng đồng
Bão tố cuồng phong và khí uất
Nhuộm hồn u uẩn động huyền không
...Đành thả đời trôi dạt muôn nơi
Nhân gian điên loạn khóc hay cười
Đất chuyển hồn thiêng vào vũ trụ
Trăng sao soi sáng giấc mơ người.
(Đất Khổ - trang 39)
Bạn ta, Trần Văn Sơn, gầy ốm, chưa tới 50 ký nhưng trải qua chín năm trong lao tù nơi núi rừng miền Bắc, tưởng chừng bỏ xác như hình ảnh bạn tù Nguyễn Văn Xa nhưng được sống còn và cùng vợ con đi diện H.O tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Vì vậy tựa đề Hồi Sinh với bạn ta như từ địa ngục - Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago) của nhà văn A. Solzhenitsyn – khi sống lưu vong trên mảnh đất tự do.
Bạn ta, Trần Văn Sơn, thời chinh chiến cũng được gọi “đệ tử của Lưu Linh” nhưng khi hỏi bạn ta, chỉ khi nào “chén tạc chén thì” với bằng hữu nên trong thơ “thấp thoáng rượu và bạn bè”.
Bài thơ Uống Rượu Với Bằng Hữu (tại nhà Lê Hùng với Trạch Gầm, Thiết Trượng, Lê Phi Ô, Phan Bá Thụy Dương, Vương Trùng Dương...) nơi chúng tôi thương gặp nhau ở Little Saigon.
“Rượu rót tràn ly nâng ly cạn
Lực kiệt thân tàn vạn nỗi đau
Càng uống nhìn nhau càng khóc hận
Giày Saut chưa dẫm nát rừng sâu
Rót thêm ly nữa mời bạn hiền
Chưa say sao mắt bạn rưng rưng
Thám sát tử sinh trong lòng địch
Sá gì ly rượu buổi tàn đông
Chiến trận bày ra trên bàn rượu
Bình Long - Quảng Trị - Chiến khu Đ
Pleiku - Bình Giả - Đồi Bảo Đại
Tráng sĩ đi không hẹn ngày về
Quanh quẩn bên ta hồn chiến hữu
Về đây gặp bạn chiến trường xưa
Sống gửi thác về, nâng ly rượu
Ta bạn chung lưng gió chuyển mùa
… Tàn tiệc chỏng chơ bàn ghế lạnh
Gặp nhau thoáng chốc vội chia tay
Bạn về ta ở đời hiu quạnh
Râu tóc bạc phơ tiếp nối ngày”
(Tuyển tập Hồi Sinh– trang 40, 41)
Khi Trần Văn Sơn viết về Hà Thúc Sinh của thời chinh chiến: “Rượu, thuốc thâu đêm, đời lính gặp nhau chỉ có thế, mượn rượu làm vui sau những lần hành quân gian khổ, sau những trận đánh khốc liệt. Có khi tiền lính tính liền, chia nhau ly rượu, điếu thuốc rồi ngậm ngùi chia tay mỗi người mỗi ngả, bạn về vùng địa đầu giới tuyến, ta trở lại sông rạch Cửu Long, tiếp tục cuộc hành trình trên con đường vô định…”. Khi hỏi bạn ta vào thời điểm đó vì hình như cả hai cũng “bạt mạng” giống nhau. Bạn ta chia sẻ trong cơn binh lửa đó với tử sinh nhưng nhìn lại “Một Thời Để Yêu & Một Thời Để Chết” như tựa đề tác phẩm của Erich Maria Remarque, nay tuổi già nơi xứ người tưởng chừng “một thời để chết” còn sáng tác và có nhau thì “Sá gì ly rượu buổi tàn đông”.
Dù cuộc đời của bạn ta đã trải qua bao thăng trầm, bất hạnh, nghiệt ngã như những đồng đội, chiến hữu trong giai đoạn tang thương của lịch sử nhưng trong thi ca lại chọn tựa đề khi đặt tên cho những “đứa con tinh thần” với Vườn Dĩ Vãng, Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa và Hồi Sinh. Nhà thơ lãng mạn Percy Bysshe Shelley của Anh ở thế kỷ 18 cho rằng: “Thi sĩ là con chim sơn ca ngồi trong bóng tối hát lên những tiếng êm dịu để làm vui cho sự cô độc của chính mình”. Và, cũng như Thanh Tâm Tuyền “Tôi không còn cô độc” vì những dòng thơ đã được đón nhận, chia sẻ với nhau.
Little Saigon, tháng 9/2021
Vương Trùng Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét