Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

Nói Về Câu Đối

Từ khi học làm thơ Đường Luật, điều rắc rối nhất với tôi chính là câu đối. Vì thế tôi đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu về Đối qua các sách (thời thập niên 60 của thế kỷ 20 trở về trước). Qua đó mới phát hiện các cặp Đối trong Đường Luật Thi có nguồn gốc từ xu hướng Văn Học Biền Ngẫu, một thể loại phát triển mạnh vào thời Lục Triều bên Tàu.

Thú thật, từ trước đến giờ, tôi chỉ biết quyển "Câu Đối" của Ôn Như  Nguyễn Văn Ngọc là chuyên viết về Câu Đối.
"...Câu đối cứ kể, không đáng đứng làm một loài văn riêng như Thơ, Phú, Văn bia, Văn tế, …
Câu đối, chẳng qua, chỉ là một lối văn vụn-vặt, tính từng chữ, chớ không đếm từng trang, từng tờ.
Tuy vậy mà câu đối là một thể văn rất cần. Phàm các lối văn vần của ta, bất cứ là Thơ hay Phú, Văn tế hay Văn bia, cho đến cả văn Lục-bát hay Song-thất-lục-bát cũng không vượt được câu đối, cũng đều có câu đối lẩn ở trong.
Người ta có biết làm câu đối, nhiên-hậu mới học làm thơ, làm phú được. Câu đối khác nào như a, b, c của quốc-ngữ, như bước đầu vào làng văn..." (Lời Tựa "Câu Đối" của Ôn Như  Nguyễn Văn Ngọc)

Ngoài ra những quy định về luật của câu đối chủ yếu dựa trên những cặp đối ngẫu trong thể Đối Phú, các cặp Thực và Luận trong thơ Đường luật. Từ các sách của Phan kế Bình, Trần Trọng Kim, Quách Tấn, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Ngọc, Nghiêm Toản .v.v.. đều có bài viết về phép làm Câu đối. Đại khái: "Đối có nghĩa là đáp, chống lại. Ngẫu có nghĩa là đi đôi. Như vậy Đối Ngẫu tức là hai câu đi đôi với nhau có ý và từ chống lại hay trả lời nhau.

Hầu hết các bài viết của các Tác giả trên đều có cùng quan điểm là nhiều dạng Đối. Như dạng Tiểu đối (dưới ba chữ); Câu đối thơ (từ bốn đến Tám chữ), Đối theo thơ Đường Luật (năm chữ và bảy chữ). Câu đối có nhiều chữ gọi là câu đối phú. Những câu đôi, ba chục chữ... cũng gọi là câu đối phú . Trong những câu đối phú chia làm nhiều đoạn, thì những chữ cuối của các đoạn trước là bằng thì chữ cuối đoạn sau cùng phải trắc; trái lại những chữ cuối cả bao nhiêu đoạn trước là trắc thì chữ cuối đoạn sau cùng phải bằng.

Đói ăn rau
Đau uống thuốc
(Thành Ngữ)

Kia mấy cây mía
Có vài cái vò
(Vua Tự Đức)

       Sớm đào tối mận lân la
Trước còn trăng gió sau ra đó vàng
(Kiều - Nguyễn Du)

Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

(Qua Đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan)

...Đầu giường tre, mối dũi quanh co,
Góc tường đất, giun đùn lố nhố.
Bóng nắng dọi trứng gà bên vách, thằng bé tri trô,
Hạt mưa soi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó.
Trong cũi, lợn nằm gặm máng, đói chẳng muốn kêu,
Đầu giàn, chuột cậy khua niêu, buồn thôi lại bỏ.
Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no...

(trích "Hàn Nho Phong Vị Phú" Nguyễn Công Trứ)

Tuy câu đối có những quy định bó buộc, nhưng đôi khi có thể chấp nhận sự phá cách (trong trường hợp bất khả kháng), kể cả thất luật, đọc không xuôi tai (khổ độc) nghĩa là không tuân thủ luật bằng trắc một cách nghiêm túc như câu đối khuyết danh:
Lúa tám, gặt chín tháng một; Nồi tư, mua năm quan sáu
hay
Mười mấy khoa còn gì, nhờ trời có phúc, có phận; Năm mươi tuổi thành tài, mừng ông càng dẻo, càng dai.

Câu đối treo ở Thư viện Đông Lâm, Trung Quốc:

Phong thanh, vũ thanh, độc thư thanh, thanh thanh nhập nhĩ;

Gia sự, quốc sự,, thiên hạ sự, sự sự quan tâm.
(Tiếng gió, tiếng mưa, tiếng đọc sách, tiếng tiếng đều nghe.
Việc nhà, việc nước, việc thiên hạ, việc nào cũng quan tâm
).

Sau này, Hồ Diệu Bang có sửa lại câu này cho khí chất mạnh mẽ hơn như sau :
Phong thanh , lôi thanh, bi thán thanh, đô thử nhất sinh;

Hiểm sự, nan sự, thiên hạ sự, tranh đương dũng sĩ.
(Tiếng gió, tiếng sấm , tiếng bi thương, đều là tiếng một cuộc đời này.
Việc nguy, việc khó, việc thiên hạ, đua nhau để làm dũng sĩ
).

Có những câu đối chỉ có thể đối như thế, không thể đối khác, người ta gọi là tuyệt cú. Đó là trường hợp câu:

Lạn Tương Như, Tư Mã Tương Như, danh tương như, thực bất tương như
Ngụy Vô Kỵ, Trưởng Tôn Vô Kỵ, bỉ Vô Kỵ, thử diệc Vô Kỵ.


Ở Trung Hoa cũng có những vế đối không đối được như :
Du Tây Hồ, đề tích hồ, tích hồ tiêu Tây Hồ, tích hồ, tích hồ.
(Tích hồ là cái bình thiếc, tích hồ cũng là lời than tiếc thay. Tạm dịch là: Chơi Tây Hồ, xách bình thiếc, bình thiếc rơi mất vào Tây Hồ, tiếc thay bình thiếc).

Xin mượn câu viết của Ôn Ngư  Nguyễn Văn Ngọc để kết thúc bài viết:

...Văn câu đối tuy vụn-vặt, mà không phải là khinh thường, cứ kể ra lại thật là rất khó. Chữ câu đối đã ít mà lại phải đi đôi với nhau, nên tất phải kén chọn, lựa-lọc, cân-nhắc, so-sánh sao cho chắc chắn chín nục, già-giặn, giòn-giỏi và chọi nhau thật cân xứng mới được. – Câu đối phải rõ, nên tất phải xếp đặt, mài giũa, gọt tỉa, trau dồi sao cho thật phân-minh, sáng-sủa, gọn-gàng mạch nào, đoạn ấy cho đâu ra đấy mới được. – Ý câu đối phải sâu xa, nên tất phải đào-luyện, nung-nấu sao cho dồi-dào, thâm-thúy có hứng-thú mới được… Nói tóm lại, một câu đối hay phải khác nào như một câu phương-ngôn, ngạn ngữ, chữ rất ít, rất gọn mà ý nghĩa bao-hàm rộng-rãi, càng xem càng nghĩ mới càng rõ được cái hay..."


Huỳnh Hữu Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét