Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

Trường Can Hành 長干行其 - Thôi Hiệu

 
Nguyên bản     Dịch âm
長干行其一    Trường Can Hành kỳ 1 

君家在何處      Quân gia tại hà xứ ? 
妾住在橫塘      Thiếp trú tại Hoành Đường*. 
停船暫借問      Đình thuyền tạm tá vấn, 
或恐是同鄉      Hoặc khủng thị đồng hương.

*Hoành Đường: địa danh thời Tam quốc, nước Ngô xây ở bờ sông Trường
giang, nay là huyện Giang tô, tỉnh Giang ninh.

長干行其二  Trường Can Hành kỳ 2 

家臨九江水      Gia lâm Cửu Giang thuỷ, 
來去九江側      Lai khứ Cửu Giang trắc. 
同是長干人      Đồng thị Trường Can* nhân, 
生小不相識      Sinh tiểu bất tương thức*

Chú giải: 
*Trường Can: một làng ở phía nam sông Tần Hoài thuộc tỉnh Giang Tô (tỉnh
Giang tây ngày nay). Cửu giang: sông Cửu giang chảy qua làng Trường can.

長干行其三  Trường Can Hành kỳ 3 

下渚多風浪      Hạ chử đa phong lãng, 
蓮舟漸覺稀      Liên chu tiệm giác hy. 
那能不相待      Na năng bất tương đãi, 
獨自逆潮歸      Độc tự nghịch triều quy.

長干行其四  Trường Can Hành kỳ 4 

三江潮水急      Tam Giang triều thuỷ cấp, 
五湖風浪湧      Ngũ Hồ phong lãng dũng. 
由來花性輕      Do lai hoa tính khinh, 
莫畏蓮舟重      Mạc uý liên chu trọng.

***

Kỳ 1: 

Có 4 câu ngỏ nhời của người nữ. Cô này rất khôn khéo. Cô cho biết địa chỉ của mình để hỏi địa chỉ của chàng. Từ đó cô bắt đầu làm quen:  
Xin chàng dừng thuyền cho thiếp hỏi. Nhà chàng ở đâu? Nhà thiếp ở Hoành Đường. Không chừng ta cùng quê đó!

Dịch thơ:

Bài Ca Trường Can kỳ 1

Nhà chàng ở đâu nhỉ?
Thiếp ngụ tại Hoành Đường
Dừng thuyền cho hỏi nhé
Có thể là đồng hương!

Kỳ 2: 
Có 4 câu trả lời của người nam. Gã này cũng rất khôn khéo, trả lời rằng mình cùng quê với nàng nhưng tha hương từ nhỏ nên không biết mặt nhau: Nhà anh bên sông Cửu Giang. Anh vẫn thường qua lại trên sông này. Anh sinh ở Trường Can nhưng xa làng từ nhỏ nên hai ta không biết nhau.

Dịch thơ:
Bài Ca Trường Can kỳ 2

Nhà anh bên Cửu Giang
Đi về trên sông đó
Anh sớm bỏ Trường Can
Không quen nhau từ nhỏ!

Kỳ 3: 

4 câu này tả rất khéo cách người nữ muốn kết thân với người nam: Ở cuối nguồn có nhiều sóng lớn nên ít thuyền qua lại. Sao chàng không đợi thiếp mà lại định một mình vượt sóng về nhà?

Dịch thơ:
Bài Ca Trường Can kỳ 3

Sóng cuối nguồn khủng khiếp
Nên thuyền ít lại qua
Sao chàng không đợi thiếp
Tự vượt sóng về nhà?

Kỳ 4: 

4 câu của người nam đáp lại, khoe tài năng và lòng can đảm của mình, mục đích muốn nàng tin tưởng rằng mình xứng đáng cho nàng nâng khăn sửa túi: Anh vẫn biết thủy triều trên sông Tam Giang lên rất nhanh và sóng Ngũ Hồ quá mạnh. Nhưng anh đây vẫn coi thường (can đảm) dù thuyền chở nặng (chở thêm em). 

Dịch thơ:
Bài Ca Trường Can Kỳ 4
Triều Tam Giang rất gấp
Sóng Ngũ Hồ mạnh thật 
Nhưng anh vốn coi thường
Dù thuyền chở nặng nhất.   

Con Cò
***
Trường Can Hành Kỳ 1

Chàng ơi, chàng ở nơi nao,
Hoành Đường quê thiếp ra vào quanh năm,
Dừng thuyền cho thiếp hỏi thăm,
Không chừng hai đứa ở gần cũng nên.

Bát Sách

***
Kỳ I  

Quân gia hà xứ trú                Xứ nào chàng cư trú?
Thiếp trú tại Hoành Đường  Thiếp trú tại Hoành Đường
Đình thuyền tạm tá vấn        Tạm dừng thuyền xin hỏi
Hoặc khủng thị đồng hương Không chừng người đồng hương?

KỲ II 

Gia lâm Cửu giang thủy      Cạnh Cửu giang cùng ở
Lai khứ Cửu giang trắc        Ngược xuôi cũng sông đó
Đồng thị Trường Can nhân  Cùng là người Trường Can
Sinh tiểu bất tương thức.      Chẳng quen vì còn nhỏ.

Kỳ III 


Hạ chử đa phong lãng      Bến dưới sóng gió nổi
Liên chu tiệm giác hy      Thuyền vắng dần trên sông
Na năng bất tương đãi      Sao không cùng nhau đợi?
Độc tự nghịch triều quy   Tự mình về ngược dòng.

Kỳ IV 

Tam giang triều thủy cấp   Tam giang nước triều lớn
Ngũ hồ phong lãng dũng   Ngũ hồ sóng gió mạnh
Do lai hoa tính khinh         Do tính vốn coi khinh
Mạc úy liên chu trọng!      Xá chi thuyền sen nặng!

Hoàng Xuân Thảo
***
Trường Can Hành Kỳ 1

Nhà chàng nơi đâu nhỉ?
Thiếp sống tại Hoành Đường
Ngừng thuyền xin hỏi chút
E rằng cũng đồng hương!


Trường Can Hành Kỳ 2

Nhà gần Cửu giang bãi
Sông Cửu thường qua lại
Cùng người thôn Trường Can
Đâu biết khi thơ dại!

Trường Can Hành Kỳ 3

Bãi dưới nhiều sóng gió
Thuyền nan ít dám qua
Sao chàng không đợi bạn
Cùng vượt quay về nhà

Trường Can Hành Kỳ 4

Tam giang thủy triều dữ
Ngũ hồ nhiều sóng gió
Bản chất vốn khinh thường
Đâu e nặng thuyền nhỏ!

Lộc Bắc
***
長干曲四首* 崔顥 Trường Can Khúc Tứ Thủ* - Thôi Hiệu
*一作江南曲 *nhất tác Giang Nam Khúc


Mộc bản trong Ngự Định Toàn Đường Thi 御定全唐詩卷 bên dưới đăng trọn 4 kỳ:
 

Các sách bên dưới đăng bài thơ 1 kỳ, 2 kỳ, 3 kỳ, hoặc trọn 4 kỳ với dị bản hoặc không dị bản và dưới tựa đề khác nhau:
⦁ Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp ⦁ 御定全唐詩⦁ -⦁ 清⦁ -⦁ 聖祖玄燁
⦁ Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp ⦁ 御定全唐詩⦁ -⦁ 清⦁ -⦁ 聖祖玄燁
⦁ Ngự Định Toàn Đường Thi Lục - Thanh - Từ Trác ⦁ 御定全唐詩錄⦁ -⦁ 清⦁ -⦁ 徐倬
⦁ Đường Hiền Tam Muội Tập - Thanh - Vương Sĩ Chân ⦁ 唐賢三昧集⦁ -⦁ 清⦁ -⦁ 王士禛
⦁ Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên ⦁ 石倉歷代詩選⦁ -⦁ 明⦁ -⦁ 曹學佺
⦁ Cổ Kim Thi San - Minh - Lý Phàn Long ⦁ 古今詩刪⦁ -⦁ 明⦁ -⦁ 李攀龍
⦁ Đường Nhân Vạn Thủ Tuyệt Cú Tuyển - Tống - Hồng Toại ⦁ 唐人萬首絕句選⦁ -⦁ 宋⦁ -⦁ 洪遂
⦁ Nhạc Phủ Thi Tập - Tống - Quách Mậu Thiến ⦁ 樂府詩集⦁ -⦁ 宋⦁ -⦁ 郭茂倩
⦁ Văn Uyển Anh Hoa - Tống - Lý Phưởng ⦁ 文苑英華⦁ -⦁ 宋⦁ -⦁ 李昉
⦁ Đường Âm - Nguyên - Dương Sĩ Hoằng ⦁ 唐音⦁ -⦁ 元⦁ -⦁ 楊士弘
⦁ Hà Nhạc Anh Linh Tập - Đường - Ân Phan ⦁ 河嶽英靈集⦁ -⦁ 唐⦁ -⦁ 殷璠
Trong các sách trên, chỉ có Cổ Kim Thi San xài tựa Trường Can Hành 长干行 cho Kỳ 1 đứng đơn độc. Sách Đường Thi Tam Bách Thủ của Hành Đường Toái Sỉ có bài Trường Can Hành Nhị Thủ 长干行二首. Sách Đường Âm xài tựa Giang Nam Hành Tam Thủ 江南行三首. Trong Toàn Đường Thi Khố, tựa Trường Can Hành Nhị Thủ 长干行二首 đặc biệt chỉ dành cho 2 bài thơ của Lý Bạch mà thôi. Không thấy nơi nào trên internet xài tựa Trường Can Hành cho cả 4 kỳ như Thivien.net.

其一 Kỳ 1
君家何處住1  Quân gia hà xứ trú
妾住在橫塘    Thiếp trú tại Hoành Đường
停船暫借問    Đình thuyền tạm tá vấn
或恐是同鄉2 Hoặc khủng thị đồng hương

Dị bản: 1 định hà xử 定何處 thay vì hà xứ trú 何處住
2 khả可 thay vì khủng恐

Ghi chú:
Trường Can : một làng ở phía nam sông Tần Hoài, thuộc tỉnh Giang Tô; địa danh nằm ở phía nam Thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô ngày nay.
Trường Can Khúc: tạp khúc ca từ trong Nhạc Phủ Thi Tập - Tạp Khúc Ca Từ 乐府诗集·杂曲歌辞, nội dung bài hát viết về cuộc sống và cảm xúc của phụ nữ ven sông. Nhà thơ Đường Thôi Hạo có bốn bài Trường Can Khúc, Lý Bạch có hai bài Trường Can Hành, đều rất trữ tình.
Giang Nam Khúc: bài nhạc phủ viết về cảnh sắc khi hái sen ở Giang Nam
quân gia: tên gọi tôn kính
Hoành Đường: bờ nam của sông Tần Hoài, nơi dân chúng tụ cư, ngày nay là phía tây nam của thành phố Nam Kinh
hoặc khủng: e sợ, có lẽ, có thể

Dịch Nghĩa:
 
Bài Hát Trường Can Kỳ 1  A Song of Changgan 1

Nhà anh ở đâu?                  Tell me, where is your home?
Nhà em ở Hoành Đường    As for me, I live in Hang Tang.
Tạm dừng thuyền ướm hỏi Hold your boat and let’s talk
E là người cùng làng          I have a feeling we are from the same village.

Dịch Thơ:

Chàng ở nơi nào tới?
Thiếp sống tại Hoành Ðường
Dừng thuyền cho thiếp hỏi
Thiếp chàng chắc đồng hương.


Anh ơi anh ở nơi đâu
Em ở Hoành Ðường sau dậu trúc xanh
Dừng thuyền em ngỏ cùng anh
Ðôi ta e có duyên sanh cùng làng.


其二 Kỳ 2

家臨九江水 Gia lâm Cửu Giang thủy
來去九江側 Lai khứ Cửu Giang trắc
同是長干人 Đồng thị Trường Can nhân
自小不相識 Sinh tiểu bất tương thức

Ghi chú:
Cửu Giang: nói đến một đoạn sông Dương Tử, nay thuộc tỉnh Giang Tây
bất tương thức: không nhận ra nhau

Dịch Nghĩa:

Bài Hát Trường Can Kỳ 2          A Song of Changgan 2

Nhà tôi ở bên sông Cửu Giang,     I used to live here by the Jiujiang river,
Luôn đi lại trên sông Cửu Giang.  I have sailed up and down many times.
Cùng là người làng Trường Can,   Both of us were born in Changgan,
Đi xa làng từ nhỏ nên không nhận Haven't recognized you as I left
ra nhau. the village young.

Dịch thơ:

Nhà tôi bến Cửu Giang
Sông này đi nhiều phen
Cũng người làng Trường Can
Xa quê chẳng ai quen.

Nhà anh ở bến Cửu Giang
Ði lên đi xuống dọc ngang nhiều lần
Quê anh cũng ở Trường Can
Xa quê từ nhỏ nên nàng không quen


其三               Kỳ 3
下渚多風浪1 Hạ chử đa phong lãng
蓮舟漸覺稀2 Liên chu tiệm giác hi
那能不相待   Na năng bất tương đãi
獨自逆潮歸3 Độc tự nghịch triều quy

Dị bản: 1 bắc北 thay vì hạ下
2 dục tạm欲暫 thay vì chu tiệm漸覺
3 tống送 thay vì nghịch逆

Ghi chú:

Hạ chử: bên kia bãi
Phong lãng: sóng và gió trên mặt nước, đường đi khó khăn
Liên chu: thuyền hái sen, thuyền nan nhẹ đi trên ao rạch
Na năng: thế nào rồi
Tương đải: đối xử với nhau
Độc tự: chỉ có một mình

Dịch Nghĩa:
 
Bài Hát Trường Can Kỳ 3       A Song of Changgan 3

Phía bến dưới nhiều sóng gió,     Downstream, it’s more windy and choppy,
Nên ít thấy thuyền nan qua lại.    Few boats go through there.
Sao chàng không đợi ai đi cùng, Why not wait and go with someone,
Mà lại muốn một mình ngược     Why defy the tide and go home alone.
nước về nhà.

Dịch thơ:

Bến dưới nhiều phong ba,
Thuyền nan ít lại qua.
Hãy chờ đi có bạn,
Ngược nước để về nhà.


Bến dưới gió to sóng lớn,
Thế nên thuyền nhẹ vắng bóng nhiều khi
Hãy chờ có bạn cùng đi
Một mình ngược nước làm chi hởi chàng?


其四              Kỳ 4
三江潮水急 Tam Giang triều thủy cấp
五湖風浪湧 Ngũ Hồ phong lãng dũng
由來花性輕 Do lai hoa tính khinh
莫畏蓮舟重 Mạc úy liên chu trọng

Ghi chú:
Tam Giang: tùy câu chuyện nói về ba con sông nào đó, tên gọi chung của nhiều tuyến đường thủy ở khắp mọi nơi trong thời Trung Hoa cổ đại.
Ngũ Hồ: Thái Hồ, gần Tô Châu, Giang Tô và bốn hồ gần đó là: Điêu Hồ, Lu Hồ, Lô Hồ và Bành Hồ
do lai: từ đầu đến giờ
Hoa tính: bản tính không kềm chế được

Dịch Nghĩa:

Bài Hát Trường Can Kỳ 4          A Song of Changgan 4

Thủy triều sông Tam Giang chảy The tide on the Three River rises  quickly,
rất siết,
Sóng gió Ngũ Hồ còn dữ dội hơn. Waves on Five Lakes are even stronger.
Nhưng bản tính vốn coi chuyện đó By nature, I am familiar with such adversities
bình thường, 
Tuyệt không sợ dùng thuyền nan Not afraid to carry heavy loads on a light boat.
chở nặng. 

Dịch thơ:

Tam Giang nước chảy siết,
Ngũ Hồ sóng gió to.
Bình thường quen chuyện đó,
Thuyền chở nặng không lo.


Tam Giang nước xuống lên nhanh,
Ngũ Hồ sóng gió đua tranh trăm đường.
Vốn coi chuyện đó bình thường,
Thuyền nan chở nặng tình thương anh đành.

Bình luận:

Bài thơ 4 kỳ với lời lẽ giản dị, chân thành là đối đáp của một đôi trai gái tình cờ gặp nhau trên sông.
Nghe tiếng chèo gần bên, nàng đưa mắt nhìn thấy chàng. Tâm hồn đang cô đơn, nàng xin anh tạm ngưng mái chèo để hỏi han đôi lời. Không e dè, nàng cho biết “em ở Hoành Đường”. Còn nhà anh ở đâu? Em nghĩ chúng mình là người đồng hương.

Thấy nàng chân tình, thành thật thổ lộ tâm tình, chàng không để mất cơ hội. Anh sinh sống bên sông Cửu và từng đi lại trên sông này nhiều lần. Cả hai chúng mình là người Trường Can. Sợ nàng hiểu nhầm mình nhận là đồng hương để thả câu, chàng cho biết là đã rời làng và lưu lạc từ nhỏ. Nay mới trở về nên không nhận ra nàng.

Biết là người cùng quê, nàng có cảm tình nên muốn cùng đi. Nói khéo là bến dưới sóng to gió mạnh, khuyên chàng chờ người cùng đi, không nên đi ngược nước, vượt sóng gió để về nhà một mình. Ở đây, ta không biết chắc hoàn cảnh của nàng. Nếu nàng đăng đi thuyền, thì đề nghị của nàng là kẹp thuyền vào nhau đi qua sóng gió vững hơn. Nếu nàng đang đi bộ, thì rõ ràng là nàng xin quá giang.

Dù trường hợp nào, ghép thuyền hay cho quá giang, chàng không những vui lòng chấp nhận mà còn trấn an nàng. Chàng xem vượt phong ba bảo tố là chuyện thường tình. Do đó có thừa khà năng và đảm lượt để bảo vệ và đưa nàng đến nơi an toàn. Với câu cuối Mạc úy liên chu trọng, chàng gián tiếp hay đã trực tiếp mời nàng lên thuyền.

Phí Minh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét