Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

Cà Phê Không Đường


    Quán cà phê nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, hướng về phía Đa Kao. Lần đầu tiên đến cùng Huỳnh Trọng Mẫn, tôi đã ngạc nhiên vì tên của quán: cà phê Duyên Anh. Cứ tưởng đây là quán của nhà văn nổi tiếng, nhưng khi biết ra thì không phải. Có lẽ chủ quán là người đọc và hâm mộ nên lấy tên nhà văn đặt cho quán cà phê của mình? Quán cà phê Duyên Anh lúc nào cũng đông nghẹt khách, có khi phải đợi bàn cả buổi trời. Không phải chỉ vì tên quán, mà vì hai cô con gái xinh đẹp của chủ quán. Khách toàn là công tử thư sinh, anh hùng hảo hán. Từ những bác sĩ tương lai của trường đại học y khoa, đến các sĩ quan không quân vẫn mặc đồ bay ngồi quán. Chưa kể với Mẫn, ngay lần đầu vào quán tôi đã mang nhiều mặc cảm, vừa là sinh viên sư phạm nghèo lại chẳng được đẹp trai! Trái với mặt "búng ra sữa" của tôi, Mẫn cao to da ngâm đen và có nụ cười má lún đồng tiền thu hút người đối diện, nhất là phái nữ. Đã vậy, Mẫn còn được mệnh danh là "công tử Cầu Ngang" của xứ Trà Vinh. Nghe nói gia đình Mẫn làm chủ hai nhà máy xay lúa, một tiệm vàng và một xưởng đóng ghe tàu nổi tiếng trong tỉnh.

    Mẫn và tôi chọn được chiếc bàn khá gần quầy tính tiền. Người con gái ốm dong dỏng và có khuôn mặt trái soan rạng ngời. Một ly cà phê phin đá không đường cho Mẫn và một cà phê sữa đá, nhiều sữa cho tôi. "Đó là cô em. Toa đợi cô chị thì biết thế nào là nhan sắc!", Mẫn cười nói nhỏ. Học trường nội trú chương trình Pháp ở Sóc Trăng, Mẫn luôn "moa, toa" với bạn bè. Được hắn ca ngợi là nhan sắc chắc hẳn phải là "chim sa cá lặn" rồi. Mà quả thật không sai. Quầy tính tiền sáng rực lên khi người con gái bước ra. Mái tóc lỡ lưng, dáng thon thả với đôi mắt sáng ngời, nàng như một người bước ra từ bức tranh tố nữ. Có lẽ đây chỉ là sự so sánh vụng về nhưng tôi không biết phải dùng chữ nghĩa nào hơn trong lúc này! Nàng đưa ánh mắt to tròn nhìn mọi người khách trong quán, nhưng chừng như cũng không nhìn ai? Mẫn đưa tay vẫy chào và nàng mỉm cười đáp lại. Người con gái đẹp như một pho tượng, tôi chợt nghĩ. "Toa thấy thế nào?". "Rất đẹp, nhưng không phải gu của tui", tôi thật lòng. Cuộc sống đời thường đã cho tôi vài lớp da non cho những vết xước của nhan sắc, của cái đẹp chỉ nên chiêm ngưỡng từ khoảng cách.

    Mẫn thưởng thức từng ngụm cà phê đen sánh, không đường. Tôi chào thua và thật sự khâm phục. Chỉ có một vị đắng và đắng. Có lẽ tuổi trẻ của Mẫn đã quá nhiều vị ngọt, cần đắng để thêm hương cuộc đời? "Moa đã coi tướng số toa rồi. Duyên phận của toa dính toàn là nữ tướng không hà", hắn nói chắc nịch. Mà thật vậy, tôi chưa bao giờ có cô bồ nào liễu yếu đào tơ, mà toàn là tuyển thủ bóng bàn hay trong đội bóng chuyền của trường. Nghĩ cũng lạ, câu "nồi nào úp vung nấy" chẳng biết có ứng trường hợp của chúng tôi? Mẫn cao lớn to con thì luôn cặp kè mấy cô nàng mình hạc sương mai. Còn trói gà không chặc như tôi, thì luôn gặp đối thủ to con lớn xác. Hay luật bù trừ cũng không biết chừng! Nhiều lần Mẫn rủ rê tôi về thăm quê hương Cầu Ngang của hắn, nhưng tôi vẫn chần chờ chưa sẵn dịp. Hơn nữa dường như Mẫn không có nhiều cảm tình với T. Hương, người bạn gái của tôi và ngược lại. Tính tình phóng khoáng, mạnh mẽ T. Hương có nhiều sắc thái "con trai" với khuôn mặt hoa khôi của khoa hóa sinh. Nên khi đi cà phê với Mẫn là không có Hương và khi lang thang nghe nhạc cùng nàng thì chẳng bao giờ có sự tham gia của hắn. Ngày tháng cứ vậy mà trôi qua. Mẫn và tôi vẫn thân nhau, vẫn cà phê Cheo Leo, Duyên Anh, Năm Dưỡng. T. Hương và Mẫn vẫn không "ưa nhau" ra mặt mỗi lần tình cờ gặp gỡ.

    Chung quanh chàng "công tử Cầu Ngang" lúc nào cũng thấp thoáng vài bóng hồng, nhưng chưa thấy Mẫn mặn mà với một người. Hỏi, thì được hắn cười cười "Chắc tại chưa tới duyên nợ"! Tôi đã thấy Mẫn đăm chiêu, lặng lẽ dù bên cạnh là người bạn gái xinh đẹp vô cùng. Và nhiều lần hắn nói đến chuyện muốn đi Pháp du học, "Bộ tính tìm em gái tóc vàng mắt xanh sao", tôi nói theo. Mẫn chỉ yên lặng, không hưởng ứng. Đây không phải chuyện "mơ" mà Mẫn đã có một học bổng của Trung tâm văn hóa Pháp. Đôi lúc tôi ganh tị và ước muốn được một trong ba phần Mẫn có. Đẹp trai, con nhà giàu và học rất giỏi... Mặc dù học sư phạm khoa Pháp văn, nhưng Mẫn rất giỏi Anh ngữ và cả Hán văn. Nhiều ngày tôi phải ghé nhà của Mẫn để nhờ hắn chỉ dạy thêm và dịch một số văn tự bằng chữ Hán.

          "Theo em xuống phố trưa nay đang còn chất ngất cơn say
          Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau
          Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay
          Cho nhau chất hết thơ ngây, trên cánh môi say
          Trên những đôi tay, trên ngón chân bước về tình buồn, tình buồn…"


Vũng Lầy Của Chúng Ta - Lê Uyên Phương

    Tiếng hát chơi vơi, quyện chặc vào nhau của đôi uyên ương âm nhạc như khoảng không gian của tận cùng nỗi nhớ. Đêm chìm theo tiếng còi giới nghiêm kéo dài trong băn khoăn, khắc khoải. Trên tầng ba căn nhà mướn của Mẫn, tôi chợt nhớ T. Hương vô cùng. Nhớ bàn tay xiết chặc, nhớ quấn quít môi hôn. Mối tình tưởng chừng như không có mà yêu người trĩu nặng. Có lẽ tình yêu tha thiết nhất, đầm thấm nhất luôn đến từ tình bạn? Tôi và T. Hương quen nhau, chơi trong nhóm bạn gần cả năm không có chuyện gì. Nàng thường gọi tôi là "công tử bột", còn tôi đặt cho T. Hương cái tên "bà chúa ăn hàng". Mưa lâu thấm đất, một ngày người đẹp tỏ tình "Để đợi anh nói trước, chắc em thành bà lão"... T. Hương mang một nửa dòng máu của xứ thần kinh. Phân nửa dòng máu của mẹ, của một Công Tằng Tôn Nữ. Cha của Hương là công chức người Long Xuyên. Dáng dong dỏng cao, T. Hương mang tính tình cởi mở của vùng sông nước Cửu Long và cả tính dè dặt, “kiểu cách” của người con gái Huế. Nàng có khuôn mặt thật đẹp, thu hút người đối diện và thắp sáng cả căn phòng khi bước vào...

    Căn lầu của Mẫn rộng và đầy đủ tiện nghi. Chẳng so với căn gác trọ nhỏ hẹp thiếu thốn của tôi. Đêm nay tôi ở lại nhờ Mẫn giúp viết bài Hán văn, phải nộp trình vào tuần tới. Tôi loay xoay mấy ngày chưa xong, hắn chỉ cần vài giờ là hoàn tất bài luận văn trôi chảy, gẫy gọn. Nói sao không ngưỡng mộ Mẫn cho được. Đêm đó hắn nhường giường nệm cho tôi và ngủ trên chiếc ghế bố bên cạnh. Chuyện qua chuyện lại rồi tôi thiếp đi lúc nào không hay... Chợt giấc giữa đêm, tôi cảm chừng hơi ấm của bàn tay người mơn trớn, choàng vai chân gác. Tôi ý thức ngay thân người to lớn đó là Mẫn. Chút cảm giác bất ngờ, chút cảm giác hoang mang. Chưa kịp phản ứng thế nào, tôi nghe bên ngoài trời đang đổ cơn mưa lớn và hình như Mẫn vẫn còn đang thức qua hơi thở bên tai. Đi cắm trại, đêm không ngủ ngoài trời đám con trai chúng tôi co rúc vào nhau ngủ gà ngủ gật là chuyện thường tình. Nhưng đêm nay, dưới chân gác và vòng tay khoắc của Mẫn, tôi có chút cảm giác gì đó không tự nhiên, có chút gì đó sờ sợ ngượng ngùng. Tôi đẩy nhẹ cánh tay Mẫn và nhốn ngồi dậy. Tất cả bất ngờ và diễn tiến quá nhanh. Mẫn vẫn nằm yên như ngủ say, không hay biết. Tôi lần qua chiếc ghế bố sát bên, nằm lặng yên cả đêm không ngủ...


     Tình hình đại dịch Covid-19 trở nên căng thẳng và trầm trọng ở Việt Nam, nhất là thành phố Sài Gòn. Giãn cách khắp nơi, phong tỏa cùng khắp. Con số lây nhiễm và tử vong đã lên đến con số đáng lo ngại trên cả nước. Hầu hết bạn bè, người xưa năm cũ đều ở tuổi về hưu, an phận. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một định mệnh. Những năm tháng mệt nhoài của cuộc bể dâu trí nhớ dần dà đã có sự lựa chọn, quên ai nhớ ai hay cả trong lúc nhớ lúc quên... Đã hai năm nhân loại phải đương đầu với cơn đại dịch Coronavirus của thế kỷ. Chuỗi ngày dài sống trong âu lo và sợ hãi, con người đã có những thay đổi, có những cái nhìn khác về cuộc đời, về tham vọng, về lợi danh. Con người sẽ thấm hơn về lẽ vô thường. Những cái chết nhanh chóng chỉ vì một hơi thở, chỉ vì thiếu sự chăm sóc kịp thời. Lằn ranh sinh tử chỉ là một khoảnh khắc, chỉ là một phút giây. Con người chừng như ngộ ra một điều: tất cả là vô nghĩa. Buông hai tay là chẳng còn gì. Một thân xác mới thấy đó, hiện diện trong cõi đời với một số phận bỗng chốc chỉ còn là một nắm tro tàn. Một con người, một cái tên trong phút chốc đã biến mất vĩnh viễn trên cõi đời này.

    Tôi bàng hoàng khi nhận được dòng tin nhắn ngắn ngủi: "Anh Hoàng còn nhớ Huỳnh Trọng Mẫn không? Anh ấy vừa mất vì nhiễm Covid 19 ở Đồng Nai. Sẽ thư chi tiết cho anh sau. Em, T. Hương". Huỳnh Trọng Mẫn, làm sao mà quên được. Người bạn "đặc biệt" của một thời sinh viên, của một thuở Sài Gòn cà phê không đường và tiếng còi hụ giới nghiêm... Sau tháng 4, 1975 thì Mẫn về dạy Pháp văn tại Bình Dương. Vài năm sau nghe hắn lấy vợ, rồi thưa dần tin tức. Thời kỳ bao cấp, ngăn sông cấm chợ cuộc sống co cụm, tản mát khắp nơi mạnh ai mấy sống. T. Hương lấy chồng, về dạy và sinh sống ở Củ Chi. Còn tôi thì chuyển về dạy trường cấp 3 Rạch Sỏi, lấy vợ và vượt biên vào giữa năm 1981. Tất cả tưởng chừng chấm dứt, đứt hẳn cuốn phim cuộc đời thoáng chốc... Vậy mà hai mươi năm sau, ở tuổi "ngũ thập nhi tri thiên mệnh" tôi bắt đầu cuộc hành trình tìm lại bạn cũ người xưa một thuở. Lúc đó mạng xã hội chưa có, nhưng nhờ các tổ chức cựu sinh viên sư phạm Sài Gòn nên cũng không khó. Tuy nhiên một số bạn học, người xưa chợt biến mất, bặt vô âm tín. Người đầu tiên tôi ra công tìm kiếm và liên lạc được là T. Hương. Người tôi yêu một thuở, người từng nói lời yêu tôi hết đời này. Mừng vui, ngậm ngùi để biết được phận người, duyên nợ. Tình yêu đã lấp kín, còn lại là tình bạn tình người khi bước vào tuổi "thiên mệnh". Qua Hương tôi biết thêm nhiều cuộc sống, hoàn cảnh của nhiều người bạn khác. Trong đó có Huỳnh Trọng Mẫn. Điều ngạc nhiên là bấy giờ T. Hương và Mẫn lại trở thành đôi bạn chí thân. Sau hơn 5 năm chung sống có với nhau một đứa con gái, vợ chồng Mẫn chia tay. Mẫn vẫn sinh sống ở Đồng Nai, mở lớp dạy thêm ngoại ngữ và trở nên khá giả. Những năm Việt Nam mở cửa, phát triển kinh tế "thị trường" Mẫn cùng vài người bạn mở trung tâm dạy ngoại ngữ ở Biên Hòa. Được thời, chi nhánh trung tâm ngoại ngữ mọc ra cùng khắp các thành phố lân cận. Nhiều lần Mẫn mời mọc vợ chồng T. Hương về giám đốc cơ sở nhưng Hương từ chối. Mẫn không chịu "đi thêm" bước nữa và sống độc thân đến cuối đời.

    Nếu bạn để ý, ở cuối mỗi con đường là những khoảng đất trống. Cũng không khác hơn, ở cuối mỗi cuộc đời là nỗi lấp đầy của cô đơn? Mẫn ra đi lặng lẽ, đơn độc trong bệnh viện dã chiến cách ly của huyện. Gần hai tuần sau mới hỏa táng và tro cốt được chuyển về cho một người chị ở quận 7, Sài Gòn. Một đời ầm ĩ, ngang dọc rồi cũng chẳng qua lẽ vô thường. Một kiếp người âm thầm bên lề xã hội, cũng không thể nhỏ con số không cuối nẽo. Cái chết là điểm hẹn duy nhất, mà dù bạn là ai cũng trắng tay bước vào. Mẫn đã vĩnh viễn ra đi là phủ trắng mọi u uẩn đời này... Mấy buổi sáng hôm nay, tôi đều pha thêm một tách cà phê đen không đường để tưởng nhớ bạn. Tất cả rồi cũng trôi xuôi theo một dòng đời luân lưu không trôi ngược. Chỉ một lần, chỉ một lần thôi phải không bạn tôi! Có yêu thương, có giận ghét, có hờ hững, có oán hờn... đến đâu chăng nữa, cũng vô nghĩa lúc xuôi tay.

    "Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời, thì hãi hùng hoàng hôn chợt tới
    Ta nghiêng vai soi lại tình người, thì bóng chiều chìm xuống đôi môi
    Đang đam mê cho đời nở hoa, chợt bàng hoàng đến kỳ trăn trối
   Đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy, bỗng ngỡ ngàng hụt mất trên tay.."(2)

Tưởng Niệm - Trầm Tử Thiêng - Tuấn Ngọc

   Cuối mùa hè, nắng bớt hanh và gió về dìu dịu. Trời giao mùa luôn ấp ủ những hương xưa. Tôi dấu kín chuyện "mơn trớn" trong đêm đó của Mẫn với T. Hương và kể cả bà xã tôi bây giờ. Tình yêu là điều có thật và không thể thấy được bằng mắt thường. Như nụ hôn ngày đó ngất ngây, nhắm nghiền đôi mắt. Tình yêu luôn trước hết và sau cùng, là sự mù lòa của ý thức. Cảm nhận được tình yêu là niềm hạnh phúc lớn nhất của một đời người. Dù chỉ một lần, dù chỉ một sát na! Tách cà phê không đường trước mặt tôi đang nghi ngút khói. Làn khói mong manh tan loãng vào khoảng không bất chợt. Tôi bỗng thấy mắt mình se nhẹ, cay cay. Làm sao đây để tôi không chớp mắt? Làm sao đây, để giấu được ngấn lệ lưng tròng đang rơi mặn trong tôi?

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét