Y HỌC THƯỜNG THỨC
Da Khô & Ngứa - Bác Sĩ Hoàng Cầm
Đại cương
Trước khi nói tới da khô, ta cần biết qua về các yếu tố bảo vệ da và giữ da ẩm trong những điều kiện khác nhau của môi sinh. Da là cơ quan bao bọc cơ thể. Từ ngoài vào trong được chia thành ba phần: biểu bì, bì và lớp mỡ.
Biểu bì là lớp ngoài cùng và là lớp mỏng nhất của làn da. Giữa biểu bì và bì có một lớp tế bào được gọi là tế bào đáy. Khoảng 95% tế bào của lớp này có khả năng tiếp tục sinh ra tế bào mới, đẩy các lớp tế bào cũ ra phía ngoài. Các tế bào bị đẩy ra ngoài, ít được nuôi dưỡng, dẹt dần được gọi là tế bào sừng.
Tế bào sừng tiết ra chất sừng, phủ trên mặt da. Ngoài lớp tế bào sừng là lớp sừng, gồm những tế bào đã chết, bong dần. Tùy nơi trong cơ thể, chiều dày của lớp sừng khác nhau: mỏng nhất ở mặt, dày nhất ở lòng bàn tay, bàn chân và gót chân, dày trung bình ở cánh tay và những nơi khác. Lớp sừng không ngấm nước, khiến nước trong da không bốc hơi, tránh cho da khỏi bị khô.
Số 5% còn lại là tế bào tạo sắc tố, sinh ra sắc tố melanin. Sắc tố ngấm vào tế bào của biểu bì, lông và tóc. Nồng độ của melanin khiến màu da, màu tóc đậm, nhạt khác nhau tùy theo sắc tộc. Melanin có khả năng ngăn chặn bớt các tia tử ngoại trong ánh nắng, che chở da chống lão hóa và ung thư. Da trắng chứa ít melanin, dễ bị hư hại hơn da màu sậm. Bì chiếm 90% chiều dày của da, gồm các sợi trắng giữ da chắc, sợi vàng cho da tính co giãn. Lớp bì chứa các bộ phận phụ thuộc của da gồm có: chùm cuối dây thần kinh, tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn, chân lông và mao quản. Tuyến mồ hôi. Trừ môi, da có hàng triệu tuyến mồ hôi. Mồ hôi tiết ra điều hòa thân nhiệt và giữ da ẩm.
Tuyến bã nhờn.
Tuyến bã nhờn ớ khắp cơ thể, trừ lòng bàn tay, gót chân và hai bên chân. Tuyến này tiết ra bã nhờn, một hỗn hợp chất béo, ngăn nước trong da bốc hơi. Tuyến bã nhờn nhỏ, bắt đầu hoạt động khi người ta tới tuổi “dậy thì”. Lớp mỡ phần nhiều là tế bào mỡ. Giữa mô mỡ có dây thần kinh và mạch máu. Dấu hiệu và triệu chứng
Da khô gây ngứa thường ở lưng, bụng, vùng thắt lưng. Da khô kèm theo ngứa dễ đưa tới những bệnh khác về da. Phần cơ thể có da khô gợi cảm giác bị bó chặt. Da nhám, dễ bong. Da nứt, vết nứt nhỏ hay lớn, nông hay sâu thường thấy ở những nơi không có tuyến bã nhờn như đầu ngón tay, gót chân, hai bên bàn chân.
Nguyên nhân
-Thời tiết.
Da dễ bị khô trong mùa đông, thời tiết lạnh và độ ẩm trong không khí thấp. Dùng lò sưởi khiến không khí thêm khô.
-Phơi nắng.
Ánh nắng làm khô da, tia tử ngoại làm đứt các sợi trong lớp bì khiến da nhăn, có nhiều vết tàn nhang.
-Tắm và rửa tay bằng nước nóng, dùng xà bông cứng có chất tảy.
-Rối loạn tuyến giáp.
Nhược giáp trạng khiến tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn tiết ra ít mồ hôi và chất nhờn.
-Bệnh vảy nến.
Da dày và khô quanh năm.
-Một số thuốc bào chế, nhất là thuốc về tâm thần làm giảm chức năng của tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn.
Phòng ngừa và trị liệu
Khi có bệnh hoặc nghi ngờ thuốc dùng thường ngày có phản ứng phụ làm khô da, cần gặp bác sĩ để trị liệu và theo dõi. Ngoài ra, ta có thể tránh khô da và tự săn sóc được nếu chú ý tới các nguyên nhân trình bày ở trên. Thuốc mua không cần toa.
Thành phần chính của các loại thuốc này là chất vaselin, lanolin hay glycerin, pha trộn với acit lactic, urea. Thoa một lớp mỏng trên da, thuốc ngăn nước trong da bốc hơi, giữ da mềm, mịn.
Tùy theo loại thuốc, thời gian hiệu nghiệm từ 6-12 giờ.
Thuốc được chế dưới dạng mỡ, kem hay nước.
Cần dùng hàng ngày, nhất là những nơi da dễ khô như mặt, tay, chân.
Tóm tắt Da bao bọc cơ thể, luôn được giữ ẩm nhờ tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn, lớp sừng.
Da khô thường do: thời tiết lạnh, không khí ít độ ẩm, ánh sáng mặt trời, tắm và rửa bằng nước nóng, chất tảy trong xà bông và phản ứng phụ của một số thuốc bào chế. Da khô thường kèm theo ngứa, dễ bị nứt, nẻ, dễ đưa tới những bệnh khác của làn da. Cần ngăn ngừa những điều kiện làm khô da, dùng vaselin, lanolin hay glycerin dưới dạng mỡ, kem hay nước, thoa trên da hàng ngày.
Bảng đối chiếu danh từ y học Việt-Anh
Da khô Xerosis
Bệnh vảy nến Psoriasis
Bì Derm Biểu bì Epiderm
Chất sừng Keratin
Lớp sừng Stratum corneum
Nhược giáp trạng Hypothyroidism
Tế bào tạo sắc tố Melanocytes
Thuốc kem Cream
Thuốc mỡ Ointment
Sợi trắng Collagen
Sợi vàng Elastin Tế bào sừng Keratinocytes
Tia tử ngoại Ultraviolet ray
Tuyến bã nhờn Sebaceous glands
Chất bã nhờn Sebum
Y HỌC THƯỜNG THỨC
Ngứa - Bác sĩ Hoàng Cầm
Đại cương
Ngứa là cảm giác khó chịu ngoài da khiến ta phải gãi.
Nguyên nhân
Nguyên nhân ngứa có thể gom thành ba loại chính:
-Ngứa do da bất thường hoặc do bệnh ngoài da
-Ngứa do bệnh tổng quát của cơ thể
-Ngứa do rối loạn tâm thần
Da bất thường và những bệnh ngoài da
Da khô, da sần: Cơn ngứa xảy ra khắp mình, nhưng thường thấy nhất ở chân, tay, nơi da dễ khô, nứt khi trời lạnh. Bệnh ngoài da: Một số bệnh làm da sần, dày, cứng cũng gây ra những cơn ngứa, như bệnh vảy nến.
Ký sinh trùng ở da, gây ngứa những nơi chúng thường ở hay nơi chúng xâm nhập vào cơ thể. Bệnh ghẻ, ngứa ở ngón tay, cổ tay, bàn tay, nách, bẹn, cơ quan sinh dục. Chấy, ngứa da đầu; rận, ngứa vùng thắt lưng, bụng. Chấy, rận cắn da, hút máu nuôi thân. Ấu trùng giun móc, ngứa giữa ngón chân là nơi chúng thường xâm nhập cơ thể.
Bệnh nấm da. Da bị nhiễm nấm có hình vòng tròn, thường xảy ra ở nơi da ẩm, nhiều mồ hôi như: nách, háng, dưới vú, ngón tay, giữa ngón chân, bàn chân, móng chân, da đầu, mặt. Viêm da do chất bã nhờn xảy ra ở những nơi da có nhiều tuyến bã nhờn: da đầu, mặt, nách, háng, rốn.
Da ngứa, tróc nhiều vảy khô, nhỏ như hạt bụi.
Bệnh tổng quát của cơ thể
Nhiều bệnh trong cơ thể có triệu chứng ngứa khắp cả người.
Sau đây là ít trường hợp: Chứng nổi mề đay:
Chứng nổi mề đay là phản ứng của da với:
Một số thuốc bào chế như Penicillins, Sulfonamides, Aspirin, Quinine.
Một số thực phẩm như lạc, tôm, cua, cà chua, sữa và phụ phẩm của sữa.
Hóa chất bảo quản thực phẩm và thuốc nhuộm thực phẩm.
Yếu tố gây dị ứng khi ta nổi mề đay kích thích tế bào da tiết ra chất histamin. Histamin gây ngứa và làm giãn nở mao quản để chất lỏng trong máu thoát ra ngoài làm nổi mề đay. Mề đay là mảng da sưng, màu đỏ hay trắng nhạt, có vành đỏ sậm. Kích thước của mề đay từ dưới 1 centimet tới trên 10 centimet.
Mề đay thường thấy ở ngực, lưng, mông. Chứng nổi mề đay có thể làm sưng mô dưới da, gọi là phù mạch, thường thấy ở môi, mí mắt, lưỡi, họng. Lưỡi, họng sưng cản trở không khí ra vào phổi. Chứng nổi mề đay nặng dẫn tới khó thở, đau bụng, huyết áp xuống thấp, cần được điều trị gấp tại bệnh viện.
Một số trường hợp không do dị ứng nhưng có thể gây ngứa và nổi mề đay như: làm việc nặng dưới trời nắng gắt hay khí hậu lạnh giá, tinh thần bị căng thẳng trong tình trạng súc cảm mạnh.
Nghẹt đường dẫn mật: Nghẹt đường dẫn mật do sạn mật hay bệnh gan mạn tính khiến độ acit mật trong máu tăng làm vàng da và ngứa khắp người. Trường hợp tăng acit mật và ngứa đôi khi cũng xảy ra khi phụ nữ mang thai vào ba tháng cuối thai kỳ. Sau khi sanh con, acit mật trong máu trở lại mức bình thường và triệu chứng ngứa không còn nữa.
Một số bệnh nội khoa gây ngứa:
-Suy thận mạn tính
-Tiểu đường
-Cường giáp hoặc nhược giáp
-Thiếu máu
-Bệnh tăng hồng cầu vô căn
-Ung thư máu
-U bạch huyết
Rối loạn tâm thần
Một số người mắc bệnh tâm thần có cảm giác ngứa do tưởng tượng trong da họ có dị vật xâm nhập hay có ký sinh trùng, Người bệnh gãi mạnh, làm rách da. Ngứa hậu môn, âm hộ, bìu cũng là triệu chứng thông thường của những người mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, trước khi kết luận ngứa là do nguyên nhân tâm thần, cần phải khám nghiệm để loại trừ bệnh ngoài da do ký sinh trùng hoặc nấm gây ra.
Phòng bệnh và trị liệu
Tránh dùng những thức ăn, thức uống gây dị ứng. Tránh các trường hợp sinh hoạt gây dị ứng. Nếu bị ngứa hoặc nổi mề đay có kèm thêm khó thở, cần tới bệnh viện để trị liệu gấp. Tránh để da khô, tránh làm việc ngoài trời khi khí hậu quá nóng hay quá lạnh. Thoa các chất giữ cho da ẩm thuộc dạng thuốc nước, thuốc keo hay thuốc mỡ. Chườm nước lạnh hay nước đá có thể làm dịu cơn ngứa trong một thời gian ngắn. Dùng thuốc thoa chống ngứa có chứa chất Cortisone, Phenol, Menthol. Dùng thuốc uống chống ngứa, loại không cần toa, dạng thuốc viên hay thuốc nước: thương hiệu Benadryl, Periactin, Phenergan, Vistaril. Nên nhớ những thuốc uống chống ngứa có thể gây buồn ngủ. Khi ngứa do bệnh ngoài da hay bệnh tổng quát của cơ thể, cần đi khám bệnh để trị nguyên nhân gây ngứa.
Bảng đối chiếu danh từ y học Việt-Anh
Âm hộ Vulva
Bệnh nấm da Dermatophytosis hoặc ringworm
Bệnh tăng hồng cầu vô căn Polycythemia vera
Bìu Scrotum Chứng dị ứng Allergy
Chứng nổi mề đay Urticaria
Phù mạch Angioedema
Sự làm da sần Lichenification U bạch huyết Lymphoma
Viêm da do chất bã nhờn Seborrhric dermatitis
Bác Sĩ Hoàng Cầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét