Người Dịch : Bùi Xuân Cảnh
Dịch theo nguyên bản tiếng Pháp
Có đối chiếu với bản Anh Ngữ của Nicholas Jotcham
Oxford University Press
Ra khỏi thành phố Porto-Vecchio, theo hướng tây bắc tiến sâu vào trong đảo, người ta thấy mặt đất như dâng cao lên khá nhanh. Sau ba tiếng đồng hồ vượt qua những con đường mòn quanh co, thường có những tảng đá lớn chắn lối và thỉnh thoảng lại bị những con suối cắt ngang, người ta đến trước một ma-ki rộng bao la. Ma-ki là thổ địa của những người chăn cừu đảo Corse và của những kẻ phạm pháp cần trốn tránh.
Nông dân đảo Corse, muốn đỡ công bón phân, thường đốt ngay một khoảng rừng nào đó. Lửa có cháy lan ra quá nơi cần thiết cũng họ cũng không cần; muốn ra sao thì ra. Gieo hạt trên mảnh đất màu mỡ nhờ lớp tro than kia chắc chắn sẽ trúng mùa. Bông lúa gặt xong, người ta để gốc rạ lại, cho đỡ mệt xác.
Mùa xuân năm sau, những rễ cây còn nằm dưới đất chưa bị cháy tiêu, mọc lên thành những chồi rậm, rồi chỉ độ vài năm những chồi cây này cao tới bảy tám bộ. Chính loại rừng chồi này người ta gọi là ma-ki. Đủ loại cây to nhỏ mọc lên trong đó, lẫn lộn quấn quýt vào nhau. Muốn đi vào, phải dùng rìu mở lối. Có chỗ rậm rạp um tùm đến nỗi ngay sơn dương cũng không chui lọt.
Nếu bạn đã giết người, hãy trốn vào ma-ki Porto- Vecchio. Bạn sẽ sống an toàn, với một khẩu súng tốt, ít thuốc súng và đạn. Xin chớ quên mặc một áo choàng nâu có đính mũ trùm, để dùng làm chăn và đệm. Bọn chăn cừu sẽ cho bạn sữa, phó mát, và hạt dẻ, Chẳng còn sợ pháp luật hay thân nhân của người bị giết. Cố nhiên khi bạn cần xuống phố mua sắm thêm đạn dược thì vẫn phải phòng bị.
Khi tôi tới ở đảo Corse, vào năm 18…thì nhà của Mateo Falcone cách ma-ki ấy nửa dặm. Ông ta là người khá giả của vùng này; Cuộc sống của ông khá ung dung, nghĩa là chẳng cần làm gì cả, ngoài việc thu sản phẩm từ đàn gia súc, do bọn mục đồng, một đám dân du mục, dẫn đi gặm cỏ, lúc chỗ này, lúc chỗ nọ ở trên núi.
Khi tôi gặp ông ta, hai năm sau khi xảy ra câu chuyện sắp kể, tôi ước chừng ông độ năm mươi tuổi là cùng. Để phác họa sơ sài , chúng ta hãy hình dung một người không to bự, nhưng gân guốc, tóc quăn, đen nhánh như huyền, mũi khoằm, môi mỏng, đôi mắt to nhanh nhẹn, và nước da nâu như màu mặt trái của giày da.
Tuy ở nơi quê của Mateo có vô số tay thiện xạ, nhưng Mateo mới là tay bắn súng phi thường. Vì tài thiện xạ, Mateo không bao giờ thèm dùng đạn ghém để bắn sơn dương. Cách một trăm hai mươi bước, ông ta có thể bắn hạ con vật bằng một viên đạn một, đúng vào đầu hay vào vai tùy ý. Ban đêm Mateo dùng súng cũng dễ dàng như ban ngày.
Người ta đã kể cho tôi nghe một chuyện về tài bắn của ông mà nếu ai chưa từng đến đảo Corse sẽ cho là không thể tin được. Cách tám mươi bước, người ta đặt một ngọn nến đang cháy phía sau một tờ giấy bóng chỉ to bằng mặt đĩa. Ông giơ súng lên ngắm rồi người ta tắt ngọn nến đi.Trong bóng tối hoàn toàn, sau đó một phút, Mateo bắn bốn phát thì ba phát thủng mảnh giấy.
Nhờ tài nghệ cao cường như vậy, Mateo Falcone rất nổi tiếng. Người ta đồn rằng tuy ông là người bạn rất tốt nhưng cũng là kẻ thù cực nguy hiểm. Bản tính hay giúp đỡ và bố thí, ông sống hòa thuận với tất cả mọi người trong quận Porto- Vecchio. Tuy nhiên, ở Corse, nơi Mateo lấy vợ, ông ta đã quyết tâm phải diệt trừ một đối thủ đáng gờm trong tình yêu và cả trong sự tranh giành quyền lợi. Người ta đồn rằng Mateo đã kết liễu đời tay tình địch ấy bằng một phát súng, đúng lúc hắn ta đang cạo mặt trước tấm gương treo ở cửa sổ.
Khi mọi chuyện đã êm xuôi, Mateo lập gia đình. Vợ ông, bà Giuseppa sinh được ba cô con gái liên tiếp (làm cho ông chồng bà tức lộn ruột). Nhưng sau hết, bà cũng sinh được cậu con trai. Mateo đặt tên quý tử là Fortunato. Cậu bé là hy vọng của cả gia đình, là kẻ nối dõi tên họ của Mateo.
Ba cô con gái đều thành gia thất và làm ăn khá giả. Các chàng rể này có những nhát dao găm và những phát súng, là những thứ ông nhạc có thể trông cậy khi cần. Cậu bé Fortunato tuy mới mười tuổi, nhưng xem ra sẽ có một tương lai đầy hứa hẹn.
Vào buổi sớm một ngày mùa thu, Mateo cùng vợ đi thăm một bầy gia súc của họ nơi một khoảng rừng thưa trong vùng ma-ki. Chú nhỏ Fortunato rất muốn đi theo, nhưng khu rừng chăn bầy gia súc xa quá. Hơn nữa, phải có ai ở lại coi nhà chứ. Ông bố vì vậy, không cho cậu bé đi theo. Rồi chúng ta sẽ thấy ông bố có bị hối hận vì quyết định này không!.
Họ vắng nhà đã được vài giờ. Cậu Fortunato ở nhà, nằm dưới ánh nắng thu, ngắm dãy núi xanh mờ nơi chân trời, khoan khoái nghĩ tới bữa tiệc ngày chủ nhật, bố mẹ sẽ dẫn cậu tới nhà chú Caporal dưới phố. Thình lình, một tiếng súng chát chúa cắt đứt dòng suy nghĩ của cậu. Chú nhỏ liền đứng dậy, nghển cổ nhìn về nơi phát ra tiếng nổ phía cánh đồng xa xa. Rồi chú lại nghe thấy nhiều phát súng khác, cách quãng không đều, mỗi lúc lại như gần hơn. Rồi trên con đường mòn từ cánh đồng dẫn tới nhà Mateo, xuất hiện một người áo quần tơi tả, đầu đội mũ nhọn, kiểu người miền núi, mặt mũi râu ria lởm chởm, đang chống khẩu súng lặc lè, đi một cách khó nhọc. Người này bị trúng đạn vào chân.
Hắn là một tên thảo khấu(2). Đêm qua hắn rơi vào ổ phục kích của lính tuần tiễu khi hắn mạo hiểm ra phố mua thuốc súng. Bị phục kích, y chống cự mãnh liệt, và tháo chạy được.Lính tuần đuổi riết, vừa đuổi vừa bắn tên cướp từ mỏm núi này qua mỏm đá nọ.Tên cướp không còn cách bọn lính bao xa. Vết thương gây đau đớn làm hắn khó có thể tới ma-ki trước khi bị lính đuổi kịp.
Hắn liều tiến lại gần Fortunato và nói:
- Cháu có phải là con ông Mateo Falcone không?
- Dạ phải!.
- Chú, chú là Giannetto San Piero. Chú bị tụi cổ vàng(3) đuổi bắt. Hãy chỉ chỗ cho chú trốn. Chú hết chạy được nữa rồi!
- Bố cháu chưa cho phép cháu giấu chú. Nếu bố cháu biết, không biết bố sẽ nói gì đây ?
- Bố sẽ khen là cháu làm đúng.
- Làm sao cháu biết được ?
- Cháu làm nhanh lên, tụi nó đến bắt chú kìa.
- Cháu phải chờ bố về đã!
- Chờ à? Thằng ôn con! Năm phút nữa là chúng nó tới gông cổ tao rồi. Giấu tao đi ngay, nếu không tao giết mày.
Fortunato tỉnh queo, đáp lại :
- Súng chú đâu có đạn ! Trong bao da, cũng chẳng còn viên nào.
- Tao còn dao găm.
- Nhưng chú chạy nhanh bằng cháu không?
Bằng một cái nhảy như sóc, Fortunato vượt khỏi tầm tay tên cướp .
- Mày đâu phải là con trai Mateo Falcone! Mày dám để tao bị lính bắt trước nhà mày sao?
Vẻ cảm động, cậu bé lại gần và nói:
- Cháu giấu chú thì chú phải cho cháu cái gì chứ?
Tên lục lâm kiếm trong bao da ở thắt lưng, một đồng năm Franc hắn muốn dành để mua thuốc súng; Thấy đồng bạc,Fortunato mỉm cười. Cậu vội cầm lấy, rồi bảo Giannetto:
- Chú đừng sợ !
Rồi thằng nhỏ vội vã bới một lỗ to trong đống cỏ khô cạnh nhà. Giannetto chui vào, và lỗ hổng được lấp kín lại,chỉ chừa ít không khí cho hắn thở. Để lính không ngờ được trong đống cỏ ấy có người, thằng nhỏ ranh mãnh còn bắt một con mèo cái và đàn mèo con, đặt lên đống cỏ để làm người ta tưởng đống cỏ này không hề bị ai vừa xáo trộn. Mưu kế tinh ranh ấy là của dân vùng núi.Ngoài ra, thấy có những vết máu gần nhà, thằng bé lấy cát bụi phủ kỹ. Mọi việc che dấu vừa xong, chú lại nằm lười dưới ánh nắng, ra vẻ bình thản như không hề có chuyện gì đã xảy ra.
It phút sau, sáu người mặc sắc phục nâu, cổ vàng, do một viên Thượng sĩ chỉ huy, ập vào nhà ông Mateo. Người thượng sĩ chỉ huy toán lính, có họ xa với Falcone. (vì ở đảo Corse, họ hàng dây mơ rễ má xa hơn ở các nơi khác nhiều). Viên Thượng sĩ tên là Tiodoro Gamba; một sát thủ từng tóm cổ khá nhiều tên anh chị trong vùng, nên bọn này rất sợ.
Y đến gần Fortunato, thân thiện nói:
- Chào cháu! Gớm, lớn quá rồi đấy ! Vừa rồi cháu có thấy một người đàn ông qua đây không?
- Ồ, cháu đâu đã cao được bằng chú? Với vẻ ngờ nghệch, cậu vờ vịt đáp lời.
- Mấy hồi thì bằng chú thôi. Nhưng này, mau cho chú biết, cháu có trông thấy người đàn ông nào vừa qua đây không?
- Thấy một người đàn ông qua đây à?
- Đúng đấy ! người ấy mặc chiếc áo ngoài thêu đỏ và vàng. và đội cái mũ có chóp nhọn?
- Đàn ông đội mũ nhọn , mặc chiếc áo ngoài thêu đỏ và vàng à?
- Đừng có nhắc lại câu chú hỏi. Hãy trả lời chú nhanh lên !
- Dạ, sáng nay có ông cha xứ đi qua nhà cháu .Cha cưỡi ngựa Piero và hỏi bố cháu có khỏe không, và cháu đáp…
- Này, ôn con, muốn giở trò láu cá hả! Nói ngay cho tao biết : thằng Giannetto chạy ngã nào ? Tao biết nó đã chạy qua đây, và tao phải lùng bắt được nó.
- Tôi đâu biết được?
- Mày biết ! Chính tao biết mày trông thấy thằng đó!
- Người ngủ thì có trông thấy được kẻ qua lại bên đường không?
- Nhãi ranh! mày đâu ngủ. Súng nổ đã làm mày thức dậy.
- Súng các chú mà ăn thua gì ! Tiếng súng bố cháu mới kêu to hơn nhiều.
- Khốn kiếp ! Quỷ bắt mày đi !Tao dám chắc mày đã thấy thằng Gianetto. Chưa chừng mày còn giấu nó nữa. Nào, chúng tao, phải vào nhà mày, xem thằng cướp có ở đây không; Thằng này chỉ còn một chân, nó thừa quỷ quái, dại gì mà lại cố lết thân về ma-ki. Dấu máu vết thương của nó lại ngừng đúng nơi đây.
Fortunato chắc lưỡi, nói:
- Rồi Bố tôi sẽ nói sao nếu biết các người lạ đã xông vào nhà lục soát trong khi bố đi vắng?
- Ôn con –Thượng sĩ Gamba vừa xách tai thằng nhỏ vừa nói-. “ Tao đủ khả năng làm cho mày phải đổi giọng, biết không? Cứ phết cho mày hai chục phát bằng cạnh thanh gươm này, ắt mày sẽ chịu khai.
Fortunato vẫn cười khinh bỉ và dõng dạc nói:
- Bố tôi là Mateo Falcone.
- Ranh con, tao có thể bắt mày về Corse hay về Bastia. Tao cho mày vào hầm tối, chân bị xiềng lại, nằm trên đống rơm,rồi mày sẽ lên máy chém, nếu mày không chịu nói thằng Giannetto San Piero trốn ở đâu.
Thằng bé cười rộ lên khi nó nghe thấy câu dọa quá tức cười của viên Thượng sĩ. Cậu nhắc lại:
- Bố tôi là Mateo Falcone
Một người lính khẽ nói với viên Thượng sĩ:
- Thượng Sĩ à, chả nên sinh sự với lão Mateo làm gì.
Gamba thoáng chút lưỡng lự.Ông nói thì thầm với tốp lính, trong lúc bọn này đi khám khắp nhà. Việc khám xét khá mau, vì nhà nào ở Corse, cũng chỉ có một phòng hình vuông, chứa một cái bàn, vài cái ghế dài, rương, hòm, đồ săn bắn và đồ nấu bếp.
Khi bọn lính khám xét, Fortunato vẫn vuốt ve con mèo và hình như thích thú khi thấy ông chú họ và toán lính có vẻ bối rối.
Một người lính tiến tới đống cỏ. Anh ta nhìn thấy con mèo nằm trên đống cỏ. Anh thọc một nhát lưỡi lê, rồi nhún vai, như buồn cười về sự cẩn thận quá đáng của mình. Không hề có chút động đậy nào, và thằng bé cũng không lộ mảy may chút quan tâm.
Viên Thượng sĩ và tốp lính thất vọng tràn trề; họ chán nản nhìn về phía cánh đồng, tính đến việc rút về theo đường cũ. Chợt viên Thượng sĩ biết rằng lời đe dọa chẳng có hiệu lực gì đối với thằng nhỏ rắn mặt của Mateo Falcone. Ông ta bèn cố gắng lần chót bằng cách nịnh khéo nó và hứa tặng quà thằng nhỏ.Ông nói
- Cháu à, chú thấy cháu thật là một đứa bé lanh lợi. Tương lai cháu sẽ tốt lắm. Nhưng cháu vừa giỡn mặt chú bằng một trò chơi nguy hiểm. Chú mà không sợ anh Mateo mất lòng thì dù cho quỉ có bắt chú chú cũng sẽ điệu cháu về nhà tù.
- Chậc!
- Thôi để khi nào bố cháu về, chú sẽ nói cho ông hay mọi chuyện . Chú chắc ông sẽ dần cho cháu một trận hộc máu vì cái tội nói dối này.
- Chú muốn nói chi vậy ?
- Rồi mày sẽ biết…Nhưng này…hãy ngoan ngoãn, rồi chú sẽ tặng cháu món này, hay lắm !.
- Về phần cháu, chú ạ, cháu muốn nói ngay là nếu chú còn chần chừ thêm nữa, thì tên Giannetto sẽ biến vào ma-ki mất. Bấy giờ mà muốn bắt hắn thì sẽ phải cần nhiều người mạnh mẽ hơn chú nữa đó.
Viên thượng sĩ rút trong túi ra một cái đồng hồ bằng bạc, đáng giá đến mười Ecu(4). Thấy mắt thằng nhỏ sáng lên, ông ta liền cầm lấy sợi dây đeo, giơ chiếc đồng hồ lủng lẳng trước mặt nó, và nói:
- Đây, thằng quỷ! Tớ thừa biết chú mình muốn có chiếc đồng hồ thế này, để đeo lủng lẳng ở cổ áo, phải vậy không? Rồi mình sẽ đi dạo trên đường phố Porto Vecchio, tự hào như một con công. Và khối người sẽ hỏi chú mình: “Mấy giờ rồi cậu?”. Rồi cậu sẽ sung sướng đáp: “Coi đồng hồ tôi đây này”.
- Cậu Caporal của cháu sẽ cho cháu một chiếc khi cháu lớn.
- Đúng thế !, Này con trai của cậu cháu đã có một chiếc rồi đó…Đâu đẹp bằng chiếc này!…Vậy mà thằng ấy còn ít tuổi hơn cháu đấy !…
Cậu bé thở ra một hơi dài, buồn bã.
- Sao ?, bây giờ cháu có muốn có chiếc đồng hồ này không cháu?
Fortunato liếc nhìn chiếc đồng hồ, như một con mèo lúc người ta giơ cho nó một con gà tơ. Biết là người ta chỉ nhử nó, nên nó không giơ vuốt ra để bắt lấy mồi, nó chỉ nhìn ra nơi khác để tránh sự cám dỗ, nhưng nó vẫn liếm mép và ngầm muốn nói “ Sao chơi trò ác thế ? ”
Thượng sĩ Gamba có vẻ thành thật khi giơ chiếc đồng hồ trước mặt thằng bé. Fortunato không chìa tay ra, nhưng lại nói với nụ cười đầy khó chịu và ngờ vực:
- Sao chú cứ làm trò chơi dỡn cháu thế?
- Có Chúa biết! Chú không đùa dỡn cháu đâu. Chiếc đồng hồ này là của cháu, nếu cháu cho chú biết thằng Giannetto ở đâu.
Fortunato nở một nụ cười nghi ngại; Với cắp mắt đen, sáng, cậu nhìn thẳng vào mắt viên Thượng sĩ, ráng thăm dò xem những lời nói kia có đáng tin chăng.
Ông Thượng sĩ bèn nói lớn tiếng:
- Nếu cháu đã cho chú biết, mà chú nuốt lời, không cho cháu cái đồng hồ, thì chú xin chịu cho người ta lột lon thượng sĩ của chú. Có anh em binh lính đây làm chứng, chú không thể nuốt lời.
Vừa nói , ông ta vừa đưa chiếc đồng hồ gần lại, sát lại mãi, cho đến khi nó chạm vào đôi má nhợt nhạt của cậu bé. Gương mặt chú bé hiện lên một sự cố gắng tranh đấu trong tâm, giữa sự ham muốn và nhiệm vụ truyền thống là phải quý trọng người khách đến nhà mình. Ngực chú gần như nghẹt thở. Chiếc đồng hồ vẫn đong đưa, quay tròn, có lúc lại đụug vào đầu mũi chú. Sau hết, bàn tay phải của cậu dần dần hướng về cái đồng hồ; ngón tay cậu chạm vào nó, rồi cả chiếc đồng hồ đè nặng lên bàn tay cậu, dù viên Thượng sĩ vẫn chưa chịu buông đầu dây đeo. Mặt đồng hồ màu xanh da trời, vỏ mới sáng bóng,dưới ánh mặt trời, nó sáng như lửa…Sự cám dỗ quá mãnh liệt.
Fortunato liền giơ tay trái lên, ngón tay cái chỉ qua vai, vào đống cỏ mà cậu ta đang tựa lưng. Ông Thương sĩ biết ngay. Ông ta buông đầu dây đồng hồ ra; Fortunato thấy mình là chủ nhân của chiếc đồng hồ. Cậu vùng dậy nhanh như thỏ, bước xa đống cỏ mươi bước. Bọn lính liền lật tung đống cỏ lên.
Chẳng cần đợi lâu, lính đã thấy đống cỏ rung động; rồi một người đầy máu me, tay cầm dao găm phóng ra. Tuy nhiên, khi hắn cố nhỏm dậy, vết thương trên người khiến hắn không còn đứng vững. Hắn khuỵu xuống. Viên Thượng sĩ vội giật lấy con dao. Rồi họ trói nghiến gã lại, mặc cho gã chống cự.
Giannetto nằm trên mặt đất, thân bị trói chặt như bó củi, quay mặt về phía Fortunato, lúc đó đã lại gần. Gã có vẻ không tức giận nhưng khinh bỉ nói vào mặt cậu bé:
- Mày đúng là con nhà…!
Cậu bé ném trả tên cướp đồng Franc mà cậu đã nhận vì cậu cảm thấy không còn xứng đáng với đồng tiền đã nhận; nhưng kẻ đã bị gạt ra ngoài lề xã hội ấy dường như không để ý tới cử chỉ này của cậu bé.. Y bình thản nói với viên Thượng sĩ :
- Ông Gamba thân mến, tôi không đi được. Ông phải khiêng tôi về thành phố thôi.
Kẻ thắng trận độc địa đáp lời tên cướp:
- Mới đây mày còn chạy nhanh hơn thỏ rừng mà. Nhưng thôi , cứ yên trí. Dù có cõng mày một dặm đường, tao cũng không thấy mệt, vì tao quá vui khi nắm được đầu mày. Mà này anh bạn, chúng tôi sẽ dùng ngay cái áo khoác của anh làm cáng với cành cây. Rồi khi tới trại Crest Poli, chắc sẽ tìm ra ngựa.
Tên tù nói:
- Tốt. Tôi xin ông lót ít rơm lên cáng, cho tôi được dễ chịu hơn.
Lúc bọn lính đang bận rộn, kẻ lấy cành để làm một cái cáng, người băng bó vết thương cho Giannetto, thì Mateo và vợ trở về nhà, từ một khúc quanh trên con đường mòn dẫn đến ma-ki.
Bà vợ đang gò lưng dưới một bị hạt dẻ rất lớn, khệ nệ một cách khó nhọc,nhưng ông chồng thì lại hết sức nhàn nhã Ngoài khẩu súng cầm tay, chỉ có một khẩu khác, khoác chéo sau vai.Đàn ông mà phải mang vác những thứ không phải vũ khí của mình thì là kẻ yếu thế.
Vừa nhác thấy lính tráng, Mateo nghĩ ngay họ tới tóm cổ mình Sao ông ta lại có ý nghĩ thế? Có sự gì lôi thôi với pháp luật chăng? Đâu có. Ông vẫn có tiếng là người đứng đắn kia mà. Người ta đã chẳng nói ông là “một con người có danh tiếng” đó sao? Dù sao, ông vốn là người Corse và dân miền núi. Nếu lục kỹ trí nhớ, thì it có người dân Corse miền núi nào lại thấy mình không có lỗi lầm, dù nhỏ. Khi máu nóng lên, mấy phát súng, vài nhát dao găm và những chuyện lặt vặt khác chính là những lỗi lầm trong quá khứ. Ông Mateo, là một kẻ có lương tâm trong sáng. Đã hơn hơn mười năm qua, ông không hề chĩa súng vào ai. Tuy nhiên, bản tính hay đề phòng, ông cũng sẵn sàng chống cự quyết liệt nếu cần thiết.
Ông bảo bà vợ Giuseppa:
- Này bà, bỏ bao hạt dẻ xuống, chuẩn bị sẵn sàng.
Bà Giuseppa tức khắc vâng lệnh. Để tránh vướng víu, ông trao cho vợ khẩu súng đang khoác trên vai. Lắp đạn vào khẩu cầm tay, ông thong thả tiến về phía nhà, men theo những cây mọc ở vệ đường. Ông đã chuẩn bị, nếu có dấu hiệu thù địch, là nhảy ngay đến sau thân cây to nhất để có thể nấp và nổ súng. Bà vợ theo sát gót chồng, tay cầm khẩu súng dự trữ và túi đạn. Nếu xảy ra cuộc chiến đấu, thì bà vợ đảm đang có nhiệm vụ nạp đạn cho chồng.
Ở phía xa, viên Thương sĩ rất hồi hộp khi thấy Mateo tiến lên thận trọng, từng bước một, ngón tay trên cò súng chĩa ra phía trước.
Ông Thượng sĩ thầm nghĩ:
- Nếu không may Giannetto lại có họ hàng hay nó là bạn thân của Mateo và lão ta muốn bảo vệ tên cướp, thì những viên đạn trong hai khẩu súng của lão, sẽ trúng vào hai người trong bọn ta, dễ dàng như thư bỏ vào thùng bưu điện. Nếu Mateo không nghĩ đến chút tình bà con, mà lại nhắm súng vào mình, thì…!
Trong lúc khó nghĩ, ông Thương sĩ bèn lấy một quyết định khá can đảm. Ông một mình y tiến lại phía Mateo, vui mừng như như gặp lại người thân, để hàn huyên câu chuyện; thế nhưng y có cảm giác như cái khoảng cách ngắn ngủi giữa hai người có vẻ như dài vô tận. Y nói thật lớn :
- Ô bạn già! Thế nào, ông vẫn mạnh đấy chứ ? Gamba đây, tôi là họ hàng của bác đây mà.
Không một lời đáp lại, Mateo dừng chân , và trong khi viên Thượng sĩ nói, ông nâng dần dần mũi súng lên, đến khi hai người giáp nhau, thì nòng súng đã chĩa lên trời.
Ông Thượng sĩ chìa tay nói:
- Xin chào người anh em. Lâu quá tôi chưa được gặp lại bác.
- Chào chú.
- Có chút việc đi qua đây, tôi ghé vào thăm bác và bác gái Pépa. Hôm nay chúng tôi vừa đi khá xa; nhưng rất đáng công vất vả, vì chúng tôi vừa tóm được một trự tay gộc, là thằng Giannetto San Piero.
- Tạ ơn Chúa! Mới tuần qua, nó cuỗm của chúng tôi một con dê sữa đấy. Bà Giuseppa nói.
Nghe mấy lời đó, viên Thương Sĩ Gamba mát lòng mát dạ.
Mateo nói thêm:
- Tội nghiệp! Nó bị đói đấy thôi.
Ông Gamba cụt hứng, vội kể tiếp:
- Thằng quỷ đã chống cự như một con sư tử. Nó bắn chết một người lính của tôi. Thế nhưng chưa hết đâu, hắn còn bắn gẫy tay lão cai Chardon; nhưng đó là chuyện nhỏ, vì lão cai này chỉ là một thằng cha người Pháp!…Sau đó, thằng Giannetto đã núp kín đến nỗi quỉ sứ cũng không tìm thấy. Không nhờ cháu Fortunato, thì tôi cũng chẳng thể móc nó ra được.
Mateo kêu lên:
- Fortunato!
Bà Giuseppa thảng thốt nhắc lại:
- Fortunato!
- Dạ đúng! Thằng Giannetto núp trong đống cỏ gần nhà, nhưng cháu Fortunato đã chỉ cho tôi biết mưu kế của nó. Tôi định sẽ kể lại chuyện này cho cậu Caporal của cháu, xin ông ấy thưởng cho cháu một món quà quý. Hơn nữa, trong báo cáo của tôi gửi lên ông Chưởng Lý, tôi còn nêu tên cháu và cả tên bác nữa ! Mateo lầm bầm rủa:
- Khốn kiếp!
Cả ba người đi đến chỗ bọn lính đặt Giannetto trên cáng, sắp sửa đem hắn đi. Khi hắn thấy Mateo và Gamba đi tới, hắn mỉm cười một cách kỳ lạ. Quay mặt về phía cửa, hắn nhổ một bãi nước bọt và nói:
- Nhà quân phản bạn!
Chỉ kẻ nào muốn chết mới dám thốt ra lời nói Falcone là đồ phản bội. Một nhát dao găm,không cần đến nhát thứ hai, là sự trả lời cho câu nhục mạ ấy. Tuy thế, lúc này không thấy Mateo có một hành động nào cả. Ông đưa tay lên trán, có vẻ như một người đang vô cùng đau khổ.
Fortunato đã lủi mất vào trong nhà khi thấy bố về. Chẳng bao lâu, chú bé trở ra, đem theo một bình sữa, mặt cúi gằm xuống, đưa cho Gianetto:
Tên cướp gầm lên như sét đánh:
- Cút xa tao ra!
Rồi quay về phía một người lính, y xin:
- Làm ơn cho tôi xin hớp nước đi anh bạn!
Người lính đặt bình nước vào tay tên cướp. Giannetto uống nước của người vừa mới bắn nhau với hắn. Xong hắn yêu cầu người ta trói tay ra đằng trước ngực, chứ không trói ra sau lưng. Hắn nói:
- Như thế tôi được thoải mái hơn.
Người lính vội làm vừa ý hắn, rồi ông Thượng Sĩ chỉ huy ra lệnh lên đường. Họ chào từ biệt Mateo nhưng không được đáp lại. Bọn người đi nhanh về phía cánh đồng.
Đến gần mười phút, Mateo câm nín. Chú bé Fortunato, bồn chồn lo lắng, khi thì nhìn mẹ, lúc thì nhìn bố đang chống tay lên khẩu súng, ngắm con với vẻ mặt đầy phẫn nộ.
Cuối cùng,người cha nói với giọng bình tĩnh, nhưng là nỗi kinh hoàng đối với người đã biết tính ông :
- Mày bắt đầu mọi việc giỏi đấy!
- Bố ơi! –Fortunato rưng rưng nước mắt, vừa kêu khóc vừa tiến đến như định quỳ sụp xuống.
Nhưng Mateo đã thét lên:
- Cút ra xa tao !
Cậu bé đứng im, cách cha vài bước và khóc nức nở.
Giuseppa lại gần. Bà vừa thấy cái đầu dây đồng hồ thò ra khỏi áo của đứa con trai. Bà nghiêm khắc quát lên hỏi:
- Ai cho mày cái đồng hồ này?
- Dạ, chú Thượng sĩ cho con.
Falcone liền giật phắt lấy chiếc đồng hồ, quật mạnh nó vào một tảng đá, khiến nó tan ra thành nghìn mảnh.
Rồi ông bố quay lại hỏi bà vợ:
- Này bà, thằng bé kia có phải là con tôi không?
Đôi má của bà Giuseppa đỏ lên như gạch. Bà đáp :
- Mateo, ông hỏi gì kỳ vậy? Ông không biết ông đang nói với ai sao ?
- Nếu nó là con tôi, thì trong nòi giống nhà nó, thằng bé này là đứa phản phúc đầu tiên vậy.
Fortunato lại càng nức nở trong khi Falcone vẫn chĩa cặp mắt mèo rừng nhìn chòng chọc vào đứa bé. Lát sau, ông dộng súng xuống đất, rồi lại vác nó lên vai. Ông đi theo con đường vào ma-ki, gầm lên bắt Fortunato đi theo. Chú bé vội tuân lời cha.
Giuseppa chạy theo sau chồng, nắm lấy cánh tay ông. Bà ngước cặp mắt đen nhìn vào mắt chồng, như muốn đọc những ý nghĩ trong tim óc ông. Bà xúc động, run run nói với chồng:
- Thằng bé là con ông.
Mateo đáp xẵng:
- Kệ xác tôi. Tôi là bố nó.
Giuseppa ôm hôn con, rồi bà khóc và quay về nhà. Bà quỳ xuống trước ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh, hết lòng cầu nguyện.
Mateo đi chừng vài trăm bước trên con đường mòn, thì đến một cái khe nhỏ. Ông dừng lại và bước xuống. Ông lấy báng súng thăm dò, thấy đất mềm và dễ đào. Đây hẳn là chỗ hợp với dự tính của ông.
- Fortunato, đến cạnh tảng đá lớn này!
Cậu bé làm theo lệnh bố, rồi cậu quỳ xuống.
- Cầu kinh đi!
- Bố ơi, xin đừng giết con!
Mateo ra lệnh lại với giọng kinh hoàng.
- Cầu kinh đi!
Chú bé vừa nức nở vừa lập bập đọc kinh, hết kinh “Lạy Cha” rồi kinh “Kính tin”. Khi cậu bé đọc xong mỗi kinh, ông bố lại cao giọng đọc : “ Amen ! ” .
- Mày còn thuộc kinh nào nữa không ?
- Dạ, thưa bố, con còn thuộc kinh Kính mừng và kinh cô con đã dạy nữa ạ.
- Kinh đó dài quá, nhưng tao cho mày đọc.
Chú bé đọc hết bài kinh, giọng lào khào như hết hơi.
- Xong chưa?
- Ôi, bố, con xin bố tha tội cho con. Con không dám làm thế nữa! Con sẽ van lạy cậu Caporal của con, để họ tha tội cho Giannetto.
Cậu bé vẫn đang nói khi người cha đã nạp đạn vào súng, chĩa vào ngắm và nói:
- Cầu xin chúa tha tội cho mày!
Cậu bé tuyệt vọng, cố sức để đứng dậy mong ôm lấy đầu gối của bố nó; nhưng nó không còn đủ thì giờ. Cha nó đã bấm cò và Fortunato ngã vật ra, chết rũ xuống.
Mateo quay về, không nhìn cái xác con. Ông về nhà tìm cái mai để chôn nó. Ông vừa đi được mấy bước thì gặp Giuseppa. Bà mẹ nghe tiếng súng nổ, kinh hãi vội chạy ra.
- Ông vừa làm gì thế? –Bà kêu lên.
- Công lý.
- Thằng bé đâu rồi?
- Trong khe đá. Tôi về tìm cái mai để chôn nó đây. Nó chết như một kẻ ngoan đạo. Tôi sẽ làm một lễ cầu hồn cho nó. Bà bảo thằng rể Teodoro Biansi đến ở với chúng ta.
(1829)
Bùi Xuân Bách
--------------------
Chú thích:
1) Caporal: Không có nghĩa là ông Cai trong quân đội như ngày nay. Khi Mérimée viết truyện này, danh vị Caporal chỉ những người có uy thế vùng đảo Corse.
2) Lục lâm, thảo khấu: bọn cướp giựt, sống ngoài vòng pháp luật
3) Cổ vàng: lính tuần tiễu mặc áo cổ vàng.
4) Ecu: một loại tiền cổ Pháp, bằng 5 Franc
Sơ lược vài nét về tác giả:
(Prosper Mérimée, 1803-1870): nhà văn Pháp nổi tiếng thế giới .Các tác phẩm nổi tiếng: Mateo Falcone, Truyện ngắn, 1829), Colomba (truyện vừa, 1840), Carmen (truyện vừa, 1846)…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét