Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

Bình Hòa Phước Quê Tôi

b

Nằm giữa cù lao Cái Muối, xã Bình Hòa Phước chạy dọc theo hai bên bờ con sông mang cùng tên. Phía đầu vàm giáp ranh với xã Phú Phụng và phía cuối làng kéo dài đến con lộ thầy Cai, về tận bắc Cổ Chiên. Nhà mẹ tôi ở ngả ba sông, nằm dọc theo bờ con nước nhỏ chảy về miệt Phú Vĩnh. Căn nhà xây gạch có mái lợp tranh làm nhà bếp và sàn nước lộ ra phía bờ sông. Mỗi năm vào mùa nước nổi, khoảng sau tết Trung Thu, là mẹ tôi chuẩn bị giăng đám chà để giữ lục bình và cho cá chạy. Thường thì bà mướn người trong làng cắm hàng loạt những cây bần, cây tràm khô chận quanh, bên trong là những đám lục bình dạt theo dọc bờ. Nên gần như suốt mùa hè, bên hông nhà lúc nào cũng có đám lục bình sinh sống, nhảy bụi đơm bông. Rất nhiều loại cá thích sống, sinh sản dưới những cụm lục bình ven sông, nhất là lá mè dinh, cá rô phi, cá linh... trong mùa nước nổi. Đây cũng chính là thời gian lục bình trổ nhiều hoa, rất đẹp. 


Hoa lục bình màu tim-tím nhạt, mọc thành chùm chung quanh chồi hoa vươn lên cao. Nhiều buổi chiều nước lớn, tôi thường ngồi ngẩn ngơ nhìn từng đám hoa lục bình tím nhạt trôi mênh mông trên dòng sông rộng trước nhà. Tôi đã biết mơ mộng, biết bồn chồn... thương nhớ vu vơ từ những buổi chiều đầy hoa tím.

Phía bên kia chân cầu là căn nhà lá hai gian của bà Sáu bán xôi. Với gánh xôi đủ loại: xôi đậu, xôi bắp, xôi vò, xôi nếp than,... bà Sáu nuôi cả gia đình bốn đứa con. Cho đến bây giờ, thật tình tôi chưa biết tên của bà là gì, chỉ biết cả làng gọi bà Sáu bán xôi. Nối ngay bên hông nhà bà Sáu, là căn nhà nhỏ ẩn phía sau hai hàng cau thẳng lối vào. Căn nhà gỗ màu nâu nhạt, có hai mái xinh xắn là nhà của gia đình chị Lệ, mối tình đầu một đời không quên của tôi. Nơi mà những lần về thăm nhà, tôi và chị ngồi hằng giờ bên con mương những hàng cau nói chuyện bâng quơ hoặc chỉ yên lặng ngồi nghe gió thổi hanh nắng trưa hè. Nơi mà trước ngày tôi trở lại trường, chị thường gói ghém cho tôi những trái vú sữa, mấy chùm chôm-chôm và chai dầu nhị thiên đường nồng ấm tay người.

Trở lại phía bên ngoài, dọc theo con sông Bình Hòa Phước là hai căn nhà nối nhau của gia đình chú Hai đò máy. Nhà khá giả, gạch ngói tương tất chú Hai đò có 2 chiếc đò: một chạy chuyến Bình Hòa Phước - Vĩnh Long và một chạy ngã Bình Hòa Phước - Cái Bè. Tôi là khách quen của chú Hai, có khi đi về không cần phải trả tiền đò trước như mọi người. Từ sáng đến tối, quanh năm suốt tháng hai căn nhà của chú Hai đò lúc nào cũng nhộn nhịp, những thùng đồ và cần-xé trái cây hoa quả kín cả sân. Đặc biệt là chuyến từ Cái Bè về Bình Hòa Phước, trên đò còn bán cả đồ ăn như các loại bún thịt nướng, bún cá, bánh tầm và cả cơm món. Khách cứ thư thả đi chợ, mua sắm tới giờ cuối cùng mà không phải tất bật lo bụng đói, trễ đò. 

Qua chiếc cầu nhỏ là nhà của thầy Hai Nhơn, đông y sĩ được nhiều sự tin tưởng của cả làng, cả huyện. Vườn thuốc nam của thầy rộng lớn cả mấy công đất và trồng loại thảo dược thông dụng và quý hiếm, mùi thơm thoang thoảng khắp khu đất. Vợ chồng thầy Hai Nhơn có bốn người con, học hành rất giỏi. Hai cô con gái làm việc trên huyện Chợ Lách, hai cậu con trai thì sau khi học xong trung học theo nghề của cha, bắt mạch hốt thuốc khá giả ở ngoài vàm và cả chợ Cái Bè... Nghe nội kể, lúc nhỏ tôi bệnh rề rề và lớn được đến ngày nay cũng nhờ một tay của thầy Hai Nhơn bắt mạch cho toa. Tôi vẫn luôn nhớ mãi, khi đó tôi rất thích "bị bệnh" vì được nhiều người chăm sóc, còn được ăn hủ tiếu chú Bảy Tiều và uống nước xá xị con cọp!

Con đường nhỏ dọc theo con rạch bên hông nhà thầy Hai Nhơn dẫn vào đất ruộng bát ngát của làng Bình Hòa Phước. Nơi tuổi thơ tôi bắt cá thả diều vào những buổi chiều tan học. Con rạch lớn được sẻ ra nhiều con rạch nhỏ để đưa nước vào những thửa ruộng vuông vứt bạt ngàn, là mấy cây tre hay gọi là cầu khỉ. Lúc nhỏ tôi luôn thắc mắc tại sao lại là cầu khỉ? Nhưng không có câu trả lời nào nghe lọt tai. Sau này, lớn lên tôi mới tìm đọc và được biết rằng: "người ta phải hình dung chỉ có những con khỉ hay leo trèo mới có thể đi được, nên đặt tên là cầu khỉ. Một ý kiến khác cho rằng chính dáng đi lom khom, tay chân lẹo khẹo như con khỉ của người đi qua đã khiến chiếc cầu mang cái tên này". 

Một trong cây cầu khỉ đó dẫn vào lớp dạy của thầy giáo Thống. Nói là lớp học thật sự chỉ là nơi giữ trẻ của làng để cha mẹ rảnh tay ra đồng làm ruộng, đắp bờ. Tuy không làm ruộng, nhưng tôi cũng được mẹ gửi vào học vỡ lòng trước khi vào tiểu học. Nhờ vậy mà tôi quen biết hầu hết đám con trai con gái trong làng mãi đến sau này! Chiếc cầu tre nhỏ trở thành trò chơi, chọc ghẹo của bọn tôi mỗi ngày qua lại.

Quán tạp hóa bà Hai Chúc nằm ở đầu cầu, mặt trước chợ Bình Hòa Phước. Không rộng và cũng là nhà ở, quán bán đủ loại mặt hàng, thứ gì cũng có. Từ hành tiêu tỏi ớt, muối đường nước mắm đến mùng mền chiếu gối... làng xóm cần gì là quán bà Hai Chúc đều có hàng. Lúc nhỏ tôi thường ghé quán bà Hai để mua đồ ăn vặt và chơi với hai đứa con gái sinh đôi của bà: Lục Thoại Trân, Lục Thoại Trâm, (tên ở nhà bé Ba Nhỏ và Bé Ba lớn). Mười mấy năm sau, hai cô nàng cấm tuyệt đối bạn bè không được gọi tên bé Ba nữa. Hình như cả hai Thoại Trân, Thoại Trâm đều học trung học chợ Vãng, trường Tống Phước Hiệp (?) và đều xinh đẹp... Nhưng mỗi người một số phận, một cuộc đời nói sao cũng không qua câu "duyên nợ"? Đáng lẽ Thoại Trân và tôi... nếu gia đình chị Lệ không dọn về Bình Hòa Phước? Quen và chơi với nhau từ nhỏ, tình "thanh mai trúc mã", Thoại Trân thương tôi hết lòng nhưng tôi đã phụ người yêu dấu. Tập nhật ký kẻ hàng nắn nót bao dòng chữ nhớ thương, ước mơ bao buổi hẹn hò tay nắm của nàng, tôi không nỡ đành lòng... Để rồi không ai được gì, dòng đời vạn nẻo... "chỉ còn mối tình mang theo". Lục Thoại Trân lập gia đình với con trai lớn của thầy Hai Nhơn và nghe đâu vợ chồng mở tiệm thuốc nam giàu có bên chợ Cái bè. Chị Lệ cũng lấy chồng phương xa, giờ chẳng biết ở đâu, đời sống ra sao trong dòng đời đầy những hệ lụy cưu mang. Còn tôi, trôi giạt góc trời, qua bao biển rộng sông dài, một đời thương nhớ con đường làng nhỏ bé, quanh co và mấy nhịp cầu tre lắt lẻo...

***  

           

"Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người... (*)

Nhiều năm tháng trôi qua, hơn bốn mươi năm thoáng chốc. Tóc tôi đã bạc trắng màu thương nhớ. Số phận mỗi con người như hạt bụi bay bơ vơ trong sa mạc đời vô tận; hạt muối nhỏ nhoi tan lẫn giữa lòng biển rộng bao la. Hình ảnh con sông Bình Hòa Phước với nụ hôn đầu, hun đút trong trái tim tôi tình yêu đời không dứt. Những năm tháng đối đầu với bao khổ đau, hệ lụy tôi vẫn giữ trên môi tình yêu của người làng cũ thiết tha. Của Lục Thoại Trân, của chị Nguyễn Thị Lệ,... của bao nhiêu tuổi thơ tôi bên nhịp cầu tre, trên cánh đồng với con diều nhỏ. Bây giờ tất cả đang ở đâu, có còn nhớ đến tôi, nhớ con sông nhỏ quê nhà?

Một lần, chúng ta đã đến với cuộc đời nầy hệ lụy cưu mang. Một đời, chúng ta đã để lại trong nhau một nhánh sông, một nhánh sông dài thương tưởng. Nhánh sông tôi đã qua bao bến bờ chờ đợi, lướt trôi; qua bao nhiêu khúc sông, dòng đời tôi bên bồi bên lở. Dòng sông quê hương cũng chỉ có một, như kiếp đời trôi chẳng quay lại bao giờ? Bên dòng cạn mai nầy hay trong tiếng chim gọi chiều nước lớn, tôi vẫn mãi nhớ thương con đường làng nhỏ chạy dọc theo bờ, đến tận cuối nhánh sông dài... 

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét