Thường nói đến gieo vần là người ta nghĩ ngay đến Vần Bằng. VẦN là những chữ những từ có âm điệu, âm sắc và âm vận giống nhau như SA, GIA, HOA trong bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt "BẠC TẦN HOÀI 泊秦淮" của chàng thi sĩ lạc phách phong lưu đa tình của buổi Tàn Đường Đỗ Mục 杜牧:
煙籠寒水月籠沙, Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung SA,
夜泊秦淮近酒家。 Dạ bạc Tần Hoài cận tửu GIA.
商女不知亡國恨, Thương nữ bất tri vong quốc hận,
隔江猶唱後庭花。 Cách giang do xướng Hậu Đình HOA.
Có mghĩa:
Khói mờ nước lạnh cát trăng nhòa,
Đêm ghé Tần Hoài cạnh tửu gia.
Ca kỷ biết đâu hờn mất nước,
Cách sông còn hát Hậu Đình Hoa !
Đó là cách gieo vần của các bài Ngũ Ngôn và Thất Ngôn Tứ Tuyệt mà cụ Nguyễn Du đã nói trong Truyện Kiều khi chị em Thúy Kiều đi du xuân Đạp Thanh nhân tiết Thanh Minh, trước mả Đạm Tiên cô Kiều đã:
Rút trâm sẵn vắt mái đầu,
Vạch da cây vịnh BỐN CÂU BA VẦN.
Không "Bốn câu ba vần" thì "Bốn câu hai vần" nghe vẫn êm tai như thường. Như bài "Ức Đông Sơn" của Thi Tiên Lý Bạch sau đây:
不向東山久, Bất hướng Đông sơn cữu,
薔薇幾度花? Tường vi kỷ độ HOA ?
白雲還自散, Bạch vân hoàn tự tán,
明月落誰家? Minh nguyệt lạc thùy GIA?
Có nghĩa:
Đông Sơn lâu không đến,
Mấy độ tường vi PHAI?
Mây trắng còn tan biến,
Trăng vàng rụng nhà AI?!
Lục bát:
Đông Sơn lâu qúa không QUA,
Tường Vi mấy độ hoa ĐÀ phôi PHAI.
Ngẩn ngơ mây trắng còn BAY,
Trăng vàng rụng xuống nhà AI đêm này?!
Ta thấy, vần BẰNG êm tai là thế, du dương là thế, gợi cảm là thế !... Nhưng trong thi ca, thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp những bài thơ gieo vần TRẮC, đọc lên nghe "Trúc trắc" chói cái lổ tai, nhưng vẫn có cái âm điệu độc đáo riêng của nó. Ta hãy nghe thử âm điệu bài thơ "Giang Tuyết 江雪" của Liễu Tông Nguyên 柳宗元sau đây sẽ rõ :
千山鳥飛絕, Thiên sơn điểu phi TUYỆT,
萬徑人踪滅。 Vạn kính nhân tung DIỆT.
孤舟簑笠翁, Cô chu toa lập ông,
獨釣寒江雪。 Độc điếu hàn giang TUYẾT !
Có nghĩa:
Ngàn núi chim bay MIẾT,
Muôn lối bóng người TUYỆT.
Thuyên côi một lão ông,
Buông cần trên sông TUYẾT!
Lục bát:
Chim bay về núi hết rồi,
Đường mòn muôn lối bóng người bặt tăm.
Thuyền côi áo lá ngư ông,
Buông cần một bóng trên sông tuyết mù!
Ba âm TUYỆT, DIỆT, TUYẾT khô khan cộc lốc lạnh lẽo như trời đông giá tuyết ! nêu bậc được cảnh trí độc đáo lạnh lùng vắng vẻ của trời đông tuyết giá trên sông, làm ta lại nhớ đến...
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo...
của cụ Nguyễn Khuyến. Ai bảo thơ vần TRẮC không nên thơ, không gợi cảm đâu ? Thơ VẦN TRẮC hay theo kiểu VẦN TRẮC ! Nhưng, lại nhưng, luật thơ Đường, Luật chính quy lại không chấp nhận thơ Vần Trắc là thơ CHÍNH LUẬT, mà lại liệt vào hàng thơ Cổ Phong CỔ THỂ. Theo như tài liệu tham khảo trên mạng thì...
Cơ bản mà nói, cho đến trước mắt vẫn chưa có tài liệu văn bản nào quy định là "Thơ Đường luật không thể gieo vần TRẮC". Nhưng căn cứ vào tất cả tư liệu về Đường Thi trước mắt, thì rất hiếm có một bài thơ Đường Luật nào của đời Đường mang vần TRẮC cả, thường thì những câu thơ "Đúng Luật Bằng Trắc" xa cạ xen lẫn những câu "Thất Luật" trong cùng một bài thơ, nên có người xếp NÓ vào thơ Đường Luật, có người xếp NÓ vào thơ "Cổ Phong".
Sự phân biệt giữa thơ Đường Luật và thơ Cổ Phong không phải căn cứ ở chỗ gieo VẦN TRẮC hay VẦN BẰNG, cũng không phải xem SỐ CHỮ trong câu thơ, mà là căn cứ vào LUẬT BẰNG TRẮC TRONG TỪNG CÂU THƠ có đúng với "Cách Luật" hay không, nếu đúng thì là THƠ LUẬT, còn nếu không đúng thì là thơ CỔ PHONG.
Căn cứ theo tài liệu nghiên cứu của Vương Lực 王力, một học giả cận đại chuyên nghiên cứu về Luật Thi đời Đường thì :"Thơ Đường luật đời Đường, mặc dù có những tác phẩm gieo vần trắc, nhưng rất ít. Một ít tác phẩm thơ Ngũ ngôn tứ tuyệt và Ngũ ngôn luật thi, còn Thất ngôn tuyệt cú và Thất ngôn luật thì lại càng hiếm thấy. Đại bộ phận Ngũ ngôn tuyệt cú đều được xếp vào "Ngũ Ngôn Cổ Phong", nên thơ gieo "Vần Trắc" đều được liệt vào nhóm "Cổ Thể Thi". Theo học giả Vương Lực thì:
"Thơ Chính luật Đường Luật lấy VẦN BẰNG làm chính, còn VẦN TRẮC thì giống như thơ Cổ Phong. Ta phân biệt chúng bằng cách căn cứ vào LUẬT BẰNG TRẮC trong một câu thơ làm tiêu chuẩn". Theo như mẫu BẰNG TRẮC dưới đây:
* NGŨ NGÔN:
1.仄仄平平仄 T T B B T
2.仄仄仄平平 T T T B B
3.平平平仄仄 B B B T T
4.平平仄仄平 B B T T B
* THẤT NGÔN:
1. 平平仄仄平平仄 B B T T B B T
2. 平平仄仄仄平平 B B T T T B B
3. 仄仄平平平仄仄 T T B B B T T
4. 仄仄平平仄仄平 T T B B T T B
Cụ thể như bài "Tầm Ẩn Giả Bất Ngộ" (Tìm người ở ẩn không gặp) của nhà Thơ Giả Đảo 賈島的尋隐者不遇 đời Đường như sau:
松下问童子,Tùng hạ vấn đồng TỬ, 平仄仄平仄 BTTBT sai luật câu
言师采药去。Ngôn sư thái dược KHỨ. 平平仄仄仄 BBTTT sai luật câu
只在此山中,Chỉ tại thử sơn trung, 仄仄仄平平 TTTBB đúng luật câu
云深不知处。Vân thâm bất tri XỨ. 平平仄平仄 BBTBT sai luật câu
Có nghĩa:
Dưới tùng hỏi đồng TỬ,
Sư hái thuốc đâu HỬ ?
Chỉ ở trong núi nầy,
Mây mù sao thấy CHỨ ?!
Lục bát:
Dưới rặng thông, hỏi tiểu đồng,
Rằng sư hái thuốc lòng vòng đâu đây.
Quẩn quanh trong ngọn núi nầy,
Mây mù khuất lắp bóng thầy thấy đâu!
Nếu kể theo Luật Thi thì bài thơ trên vừa "Thất Niêm" vừa "Thất Luật", nên phải được liệt vào nhóm các bài thơ "Cổ Phong". Sau đây là bài VỌNG NHẠC (Ngắm núi) của Thi Thánh Đỗ Phủ 又如杜甫的《望岳》:
岱宗夫如何? Đại tông phù như hà ? 仄平平平平 TBBBB sai luật câu
齐鲁青未了。 Tề Lỗ thanh vị liễu. 平仄平仄仄 BTBTT sai luật câu
造化钟神秀, Tạo hóa chung thần tú, 仄仄平平仄 TTBBT đúng luật câu
阴阳割昏晓。 Âm dương các hôn hiểu. 平平仄平仄 BBTBT sai luật câu
荡胸生层云, Đảng hung sanh tằng vân, 仄平平平平 TBBBB sai luật câu
决眦入归鸟。 Quyết tí nhập quy điểu. 仄仄仄平仄 TTTBT sai luật câu
会当凌绝顶, Hội đương lăng tuyệt đĩnh, 仄平平仄仄 TBBTT sai luật câu
一览众山小。 Nhất lãm chúng sơn tiểu. 仄仄仄平仄 TTTBT sai luật câu
Có nghĩa:
Thái Sơn đẹp ra sao?
Tề Lỗ xanh khôn nói.
Tạo hóa kết xinh tươi,
Âm dương chia sáng tối.
Lòng tợ mây trắng trôi,
Chim như bay lạc lối.
Quyết lên tận đĩnh cao,
Dưới thấp muôn ngàn núi!
Lục bát:
Thái Sơn đẹp biết dường bao!
Xanh tươi Tề Lỗ ngạt ngào cỏ hoa.
Khéo thay con tạo nguy nga,
Âm dương sáng tối nam qua bắc về.
Chập chùng mây trắng tư bề,
Chim bay mõi cánh đi về phương nao.
Cố lên tận đĩnh non cao,
Cúi trông ngàn núi khác nào dưới chân
Ông Thánh làm thơ, mặc dù đối rất chỉnh, nhưng nếu kể là Luật Thi thì vẫn "Thất Niên Thất Luật" như thường, nên bài thơ trên phải được kể là thơ "Cổ Phong" chứ không phải "Ngũ Ngôn Luật Thi".
Lại như bài kệ VÔ MÔN QUAN của Tuệ Khai Thiền Sư đời Tống 宋.慧開禪師《無門關》như sau:
春有百花秋有月, Xuân hữu bách hoa thu hữu nguyệt, BTTBBTT Sai luật
夏有涼風冬有雪; Hạ hữu lương phong đông hữu tuyết. TTBBBTT Đúng luật
若無閒事掛心頭, Nhược vô nhàn sự quải tâm đầu, TBBTTBB Sai luật
便是人間好時節。 Tiện thị nhân gian hảo thời tiết. TTBBTBT Sai luật
Có nghĩa:
Xuân có trăm hoa thu có nguyệt,
Hạ thì gió mát đông thì tuyết.
Nếu không vướng mắc truyện trong lòng,
Nhân gian bốn mùa nào cũng tuyệt !
Lục bát:
Xuân hoa thu nguyệt lẽ thường,
Hạ thì gió mát đông thường tuyết rơi.
Nếu lòng thanh thản thảnh thơi,
Bốn mùa thời tiết tuyệt vời kể chi !
Ba câu trên còn giữ được "Nhị tứ lục phân minh", câu bốn thì bỏ luôn " Nhị tứ lục" và bài kệ cũng Thất cả Niêm. nên chỉ kể là Cổ Phong chứ không kể là "Thất Ngôn Tứ Tuyệt".
Lại như bài Thất ngôn bát cú "Ý TỰ" của Hàn Ốc 韩偓的《意绪》đời Đường:
绝代佳人何寂寞,Tuyệt đại giai nhân hà tịch mạc, 仄仄平平平仄仄 Đ.luật
梨花未发梅花落。Lê hoa vị phát mai hoa lạc. 平平仄仄平平仄 S.luật
东风吹雨入西园,Đông phong xuy vũ nhập tây viên, 平平平仄仄平平 S.luật
银线千条度虚阁。Ngân tuyến thiên điều độ hư các. 平仄平平仄平仄 S.luật
脸粉难匀蜀酒浓,Kiểm phấn nan quân Thục tửu nùng, 仄仄平平仄仄平 Đ.luật
口脂易印吴绫薄。Khẩu chi dị ấn Ngô lăng bạc. 仄平仄仄平平仄 S.luật
娇娆意态不胜羞,Kiều nhiêu ý thái bất thắng tu, 平平仄仄仄平平 Đ.luật
愿倚郎肩永相着。Nguyện ỷ lang kiên vĩnh tương trác. 仄仄平平仄平仄 S.luật
Có nghĩa:
Người đẹp tuyệt trần sao vắng lặng,
Hoa lê chưa quét hoa mai rụng.
Gió đông mưa thổi góc vườn tây,
Kim chỉ thêm buồn lầu gác vắng.
Hương phấn khôn che rượu Thục nồng,
Son môi dễ để lụa Ngô ấn.
Yêu kiều diễm lệ thẹn thùng nên...
Tựa lấy vai chàng qua kiếp sống !
Lục bát:
Tuyệt trần người đẹp buồn sao,
Hoa lê chưa quét đã sầu hoa mai.
Gió đông mưa ướt vườn tây,
Ngàn kim mũi chỉ riêng đây lạnh lùng.
Phấn son rượu Thục vẫn nồng,
Son môi để dấu ấn hồng lụa Ngô.
Yêu kiều diễm lệ dường thơ...
Vai chàng tựa đến bạc phơ mái đầu !
Bài thơ có Vần Trắc trên đây, Niêm rất chỉnh, Đối rất chỉnh, Luật thì có câu Sai câu Đúng, nhưng vẫn không kể là Luật Thi được.
Bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt độc nhất vô nhị trong Đường Thi (theo tài liệu nói, chớ không phải tôi nói). Thường thì Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt gieo vần Trắc thì nhiều, chớ Thất Ngôn thì duy nhất chỉ có bài nầy mà thôi. Đó là bài "Lạc Kiều Vãn Vọng 洛橋晚望" của Mạnh Giao 孟郊 đời Đường:
天津橋下冰初結, Thiên Tân kiều hạ băng sơ kết, BBBTBBT Sai luật
洛陽陌上人行絕。 Lạc Dương lộ thượng nhân hành tuyệt. TBTTBBT Sai luật
榆柳蕭疏樓閣閒, Du liễu tiêu sơ lâu các nhàn, BTBBBTB Sai luật
月明直見嵩山雪。 Nguyệt minh trực kiến Tung Sơn tuyết. TBTTBBT Sai luật
Bốn câu trên, nghiêm chỉnh mà nói thì đều phạm LUẬT BẰNG TRẮC, nhưng đều giữ được "Nhị Tứ Lục phân minh" của một bài Tuyệt Cú, đáng là một bài thơ hay.
* Nghĩa Bài Thơ:
- Dưới dốc cầu Thiên Tân vừa mới kết băng, thì...
- Trên đường phố Lạc Dương đã tuyệt bóng người đi rồi.
- Các nhánh liễu lơ thơ tiêu điều đứng nhàn hạ trước lầu,
- Vầng trăng sáng cho ta nhìn thấy rõ ràng tuyết phủ trên ngọn núi Tung Sơn.
* Diễn Nôm:
Dưới dốc Thiên Tân băng mới kết,
Lạc Dương đường phố người đi hết.
Xác xơ tơ liễu rủ bên lầu,
Trăng chiếu Tung Sơn đầy núi tuyết !
Lục bát:
Thiên Tân cầu mới đóng băng,
Lạc Dương đường phố đã không một người.
Trước lầu tơ liễu tơi bời,
Trăng soi tỏ rõ tuyết ngời Tung Sơn.
Từ các ví dụ trên đưa ta đến kết luận là:
Thơ TRẮC VẬN (Vần Trắc) thuộc phạm trù của thơ CỔ PHONG, nên "Không thể kể là thơ Đường Luật " Chính Luật được. Nhưng thơ Vần Trắc cũng có nét độc đáo riêng, NÓ có thể nới lỏng hơn về Cách Luật trong từng câu, Niêm Luật và yêu cầu về Đối Xứng cũng dễ dàng hơn, dễ diễn tình diễn ý hơn mà âm điệu cũng hấp dẫn và lạ tai hơn, không đơn điệu gò bó như Luật Thi, nên thỉnh thoảng ta cũng hay bắt gặp một vài bài thơ độc đáo của các tác giả nổi danh tìm đến với không gian mới thông thoáng hơn nầy, như bài Sanh Tra Tử - NGUYÊN TỊCH (đêm Nguyên Tiêu) của Âu Dương Tu đời Tống 欧阳修的《生查子·元夕》sau đây:
去年元夜时, Khứ niên nguyên dạ thì,
花市灯如昼。 Hoa thị đăng như trú.
月上柳梢头, Nguyệt thượng liễu sao đầu,
人约黄昏后。 Nhân ước hoàng hôn hậu.
今年元夜时, Kim niên nguyên dạ thì,
月与灯依旧。 Nguyệt dữ đăng y cựu,
不见去年人, Bất kiến khứ niên nhân,
泪湿春衫袖。 Lệ thấp xuân sam tụ.
Hai câu thơ nổi tiếng là bất hủ đi vào văn học dân gian, hòa vào cuộc sống và đầu môi chót lưỡi của mọi người là:
月上柳梢头 Nguyệt thượng liễu sao đầu,
人约黄昏后 Nhân ước hoàng hôn hậu.
Có nghĩa:
Trăng lên ngọn liễu rạng ngời,
Người cùng ước hẹn sau trời hoàng hôn.
Nhưng....
Trước mắt, các bạn thơ, các người thơ trong Vườn Thơ Thẩn hay các thi nhân, thi sĩ làm thơ Đường Luật gieo vần Trắc, nhưng vẫn giữ đúng NIÊM, LUẬT, VẬN một cách nghiêm chỉnh. Theo tôi thì đó cũng là một diễn biến theo thời đại của Luật Thơ, nên ta vẫn có thể gọi đó là TRẮC VẬN LUẬT THI 仄韻律詩 là : "Thơ Đường Luật được gieo vần Trắc" cho hợp với trào lưu tiến hóa, chớ nếu gọi bằng thơ CỔ PHONG hay CỔ THỂ thì nghe có vẽ CỨNG NGẮT không linh động thông thoáng chút nào cả ! Những từ chuyên môn như "Cổ Phong, Cổ Thể" chỉ để nghiên cứu và chỉ nên gọi ở trên lớp khi đang giảng cho các học viên mà thôi !
Sau đây là hai bài thơ xướng họa của Vườn Thơ Thẩn được gieo VẦN TRẮC và Niêm Luật đều rất chỉnh đúng với Luật Thơ Đường Luật chính thể :
Chúc Mừng Sinh Nhật
Nguyễn Đắc Thắng
Sinh Nhật hôm nay mừng sáu sáu
Dù đang yếu bước chân kỳ lão
Cảm hoài tâm sự nặng lòng thơ
Cố gắng gìn thân an bộ não
Bằng hữu nơi nơi gởi chúc mừng
Thâm tình đặc biệt mời đi dạo
Ngẫm mình thấy bạn thoáng nao nao
Mong mỏi yên bình sau gió bão.
Cao Linh Tử .
Cao Lãnh, 4/4/2018
***
Họa Vận:
Mừng Sinh Nhật 66
Mừng đệ năm nay đạt sáu sáu,
Vượt vòng Hoa Giáp năm năm lão.
Lạc quan dưỡng bệnh chớ âu sầu,
Vui sống yêu đời đừng áo não !
Tình bạn chan hòa khắp mọi nơi,
Vườn thơ bát ngát chung cùng dạo.
Bền lòng vững chí chớ oán vưu,
Trời sẽ xanh hơn sau lốc bão !
Đỗ Chiêu Đức
Mậu Tuất 2018
Sau đây là các bài thơ xướng họa của Vườn Thơ Thẩn nhân MÙNG 1 TẾT Âm Lịch, Canh Tý 2020.
Khai Bút Canh Tý
(Thơ Vận Trắc)
Đôi vần khai bút xuân Canh Tý
Ước viết sao tròn câu ý nhị
Cầu sẽ trăm ngày vẹn thỏa tâm
Mong rằng vạn sự xuôi như ý
Mừng mừng bá tánh ngập tài danh
Chúc chúc muôn nhà tràn phước hỉ
Quốc thái dân an, cảnh thịnh cường
Người người no thỏa tiền căng …ví.
Cao Bồi Già
25-01-2020
***
Họa Vận:
HỌP MẶT ĐẦU NĂM
Họp mặt bạn bè vui Tết Tý
Bên cành mai thắm vừa bung nhị
Hàn huyên câu chuyện mãi thân tình
Chúc tụng cuộc đời luôn toại ý
Chén rượu tương phùng say ngất ngây
Vần thơ xướng họa tràn hoan hỉ
Tuổi già thanh thản sống an vui
Lọ phải sang giàu tiền chật ví.
Sông Thu
(Mùng Một Tết Canh Tý 2020)
***
Chúc Mừng Năm Tý
Năm chuột địa chi gọi chú Tý,
Tết về trăm thứ hoa đương nhị.
Muôn điều may mắn thảy toại lòng,
Vạn sự hanh thông đều xứng ý.
Già trẻ tương thông cộng lạc an,
Gái trai hòa hợp cùng hoan hỉ.
Xóm làng khởi sắc hết lo toan,
Rủng rỉnh bàng dân tiền chật ví !
Đỗ Chiêu Đức
Xin được kết thúc bài viết về THƠ ĐƯỜNG VẦN TRẮC ở nơi đây. Hẹn bài viết tới!
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét