Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

Y Học Thường Thức - Các Điều Cần Biết Về Mắt (Bác Sĩ Đinh Đại Kha)


Y HỌC THƯỜNG THỨC 

Các điều cần biết về mắt

Cấu tạo 

Mắt là cơ quan của thị giác khiến cho chúng ta nhìn thấy mọi vật. Phía trước con mắt (hay nhãn cầu) là mí mắt, có những bắp thịt nhỏ để có thể tùy ý nhắm mắt hay mở mắt. Mí mắt có lông mi (lông nheo) để chặn bớt bụi hoặc các vật thể nhỏ bay trong không khí đừng xâm nhập vào mắt. Nói theo hình học thì con mắt giống như hình cầu, phía trước có một khoảng tròn lồi ra chút ít. Giữa hai mí mắt chỉ có một phần nhãn cầu lộ ra gồm có tròng đen thuộc về khoảng lồi ra và tròng trắng ở chung quanh. Mặt sau nhãn cầu ở phía dưới có chỗ nối liền với dây thần kinh thị giác. Dây thần kinh này lại nối liền với trung tâm thị giác ở trong óc. Ngoài ra nhãn cầu cũng có các bắp thịt nhỏ dùng để chuyển động mắt khi chúng ta chú ý nhìn vào một vị trí không ở thẳng ngay trước mặt. Trong hình vẽ dưới đây thì cấu tạo con mắt từ phía trước tới phía sau gồm có:  Kết mạc là một màng nhầy mềm luôn thấm nước mắt từ tuyến 

Tiếp giáp phía sau kết mạc tới củng mạc là một màng cứng che chở m ắt. Củng mạc bao phủ bên ngoài cả tròng trắng lẫn tròng đen của con mắt.  Phía sau củng mạc tới mống mắt là một màng mỏng hình tròn ở giữa có lỗ tròn gọi là đồng tử (con ngươi). Mống mắt chính là tròng đen, có mô cơ để làm cho đồng tử co nhỏ lại hoặc dãn lớn ra. Mống mắt có màu đặc biệt tùy thuộc tính di truyền của các sắc tộc.  Thủy tinh thể ở phía sau mống mắt, giống hình một thấu kính hai mặt lồi. Thủy tinh thể có mô cơ chung quanh, khi co, dãn sẽ tăng hoặc giảm chiều dày của thấu kính này.  Khoảng trống ở phía trước thủy tinh thể và phía sau củng mạc gọi là phòng trước của con mắt. Phòng trước chứa một chất lỏng trong suốt tên là dịch thủy.  Phía sau thủy tinh thể tới pha lê thể là một chất keo trong suốt chứa đầy trong phòng sau của con mắt.  Phía sau pha lê thể là võng mạc gồm các tế bào thần kinh dùng để nhận định hình dáng và màu sắc của mọi vật. Phần nhạy cảm nhất của võng mạc tên là hoàng điểm (điểm màu vàng) ở chính giữa mặt sau của võng mạc. Đối lại, ở chính giữa chỗ võng mạc nối tiếp với dây thần kinh thị giác lại là điểm không có tế bào thần kinh gọi là manh điểm (điểm mù). 

Chức năng

Mắt dùng để nhìn và hoạt động tương tự như một cái máy ảnh. Thành phần chính trong mắt để tạo ra hình ảnh là thủy tinh thể, tương đương với ống kính máy ảnh. Võng mạc thì tương đương với phim chụp ảnh trong loại máy ảnh thời xưa hoặc tương đương với màn hình trong các máy ảnh kỹ thuật số tân tiến. Muốn điều tiết khi nhìn gần hoặc xa, mô cơ của thủy tinh thể sẽ co dãn làm thay đổi độ dày của bộ phận này nghĩa là thay đổi độ khúc xạ của tia sáng đi qua thủy tinh thể khiến cho hình ảnh luôn luôn hiện rõ trên võng mạc. Còn để thích ứng với cường độ của ánh sáng thì mô cơ của mống mắt sẽ co dãn làm cho đồng tử khép nhỏ hay mở lớn giống như bộ phận cơ khí trong máy ảnh hoạt động để đóng mở ống kính tùy theo cường độ của ánh sáng. 

Hình ảnh trên võng mạc truyền tới óc qua dây thần kinh thị giác tương tự như khi chuyển hình ảnh từ máy ảnh kỹ thuật số qua màn hình của máy vi tính hoặc in ra giấy ảnh. Ngoài động tác tự ý nhắm hoặc mở mắt thì các hoạt động trên đây đều tự nhiên diễn tiến theo phản xạ sẵn có của cơ thể con người. Thí dụ như khi chúng ta nhìn một vật ở gần mắt thì phản xạ tự nhiên sẽ làm cho mô cơ chung quanh thủy tinh thể co lại khiến cho bộ phận này tăng chiều dày và hình ảnh của vật này vẫn hiện rõ trên võng mạc. Việc đồng tử co dãn để điều tiết với cường độ của ánh sáng cũng là một hoạt động phản xạ tự nhiên. Ngay cả mí mắt cũng có phản xạ nhắm mắt khi có vật gì đụng tới mắt. Khi chúng ta chú ý nhận xét chi tiết của một vật gì thì theo bản năng tự nhiên mà đặt vật đó thẳng ngay trước mắt để cho hình ảnh trên võng mạc hiện lên tại hoàng điểm là nơi bén nhạy nhất của thị giác. 

Phòng bệnh 

Các loại bệnh của con mắt trình bày sau đây gồm có:  Bệnh viêm kết mạc do nhiễm trùng hoặc do nguyên nhân khác.  Bệnh đục thủy tinh thể còn gọi là bệnh hột cườm.  Bệnh do rối loạn khúc xạ trong thủy tinh thể nghĩa là hoặc cận thị hoặc viễn thị.  Bệnh loạn thị xảy ra khi bề mặt củng mạc không đều hòa theo hình cầu.  Bệnh lác (lé) mắt.  Bệnh tăng nhãn áp do dịch thủy không lưu thông được khiến áp xuất trong mắt tăng cao làm hư hại dây thần kinh thị giác.  Bệnh thoái hóa hoàng điểm thoạt đầu làm giảm bớt thị lực tại hoàng điểm rồi ảnh hưởng tới toàn thể võng mạc ngày một nặng hơn cho tới lúc bệnh nhân bị mù. Bệnh viêm kết mạc có khi do nhiễm trùng có khi do kết mạc tiếp xúc với hóa chất hoặc bị dị vật xâm nhập. Cách phòng bệnh là thường ngày tránh dùng tay dụi mắt và mau lẹ rửa mắt nhiều lần khi bị hóa chất hay dị vật gây viêm. Nếu sẵn có dung dịch muối (NaCl) 9/1000 thì dùng dịch này rửa mắt là tốt nhất. Tuy nhiên rửa mắt bằng nước lã cũng giảm thiểu viêm kết mạc. Nên tức khắc đi khám mắt sau khi rửa. Thủy tinh thể trở thành đục sau nhiều năm chịu ảnh hưởng của tia tử ngoại trong ánh nắng mà gây ra bệnh hột cườm. Cách đề phòng bệnh này là dùng kính râm (kiếng mát) mỗi khi ra nắng. 

Bệnh viễn thị nhìn xa rõ và nhìn gần mờ, không đề phòng được. Bệnh cận thị có thể đề phòng bằng cách cho trẻ nhỏ hoạt động ở những nơi có khoảng trống (sân chơi, công viên…) để chúng quen với tầm nhìn xa. Khi đó con mắt chưa trưởng thành nên thích ứng được với cách nhìn các vật thể ở xa và có thể tránh bệnh cận thị. Tuy nhiên nếu là bệnh cận thị do di truyền thì không có phương cách đề phòng. Bệnh loạn thị không có phương cách đề phòng. Bệnh lác mắt cũng không đề phòng được. Bệnh tăng nhãn áp không có phương cách đề phòng. Muốn sớm tìm bệnh này thì giải pháp là khám mắt thường niên khi tới tuổi 50. Bệnh thoái hóa hoàng điểm không đề phòng được. Tuy có nhiều bác sĩ nhãn khoa khuyên người già nên dùng một loại sinh tố (Vitalux) để đề phòng bệnh này nhưng quan điểm đó không có căn bản về khoa học. Hãy dùng kính che chở mắt khi làm những công việc có thể khiến vật thể hay hóa chất văng ra. 

Trường hợp cần khám mắt khẩn cấp 

Có một số bệnh mắt cần được điều trị khẩn cấp để tránh gây mù mắt. Nguyên nhân có thể là nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc chấn thương quá nặng. Các nguyên nhân khác gồm có bong võng mạc, nghẽn động mạch trong mắt hoặc trong óc và phỏng mắt do hóa chất. Vì các lý do nói trên, hãy xin khám mắt khẩn cấp khi có các triệu chứng sau đây:  Thình lình nhìn gần nhìn xa đều bị mờ  Nhìn đôi nghĩa là một hình nhìn thành hai  Đột nhiên nhìn thấy như có nhiều vật thể đậm màu trôi nổi ngay trước mắt  Liên tục nhìn thấy như có chớp sáng  Mắt đỏ và đau nhức nhiều Bệnh nhân cũng cần xin khám mắt khẩn cấp nếu mắt bị chấn thương mạnh hoặc bị hóa chất hay dị vật xâm nhập nặng nề quá đáng. 

Tóm tắt 

Mắt là cơ quan thị giác khiến chúng ta nhìn thấy mọi vật. Chức năng của mắt tương tự như hoạt động của máy ảnh.  Các thành phần chính của mắt dùng cho thị giác là mống mắt, thủy tinh thể và võng mạc. 

Ngoại trừ khi ta tự ý nhắm mắt hay mở mắt thì các hoạt động chức năng của mắt đều do phản xạ tự nhiên.  Các bệnh mắt khó đề phòng.  Hãy che chở mắt khi làm công việc có thể khiến vật thể hay hóa chất văng ra. Hãy đeo kính râm khi ra nắng.  Hãy ghi nhớ triệu chứng về các bệnh mắt cần điều trị khẩn cấp. 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Nhãn cầu                              Eyeball 
Kết mạc                                Conjunctiva 
Củng mạc                             Sclera 
Mống mắt                             Iris 
Đồng tử                                Pupil 
Thủy tinh thể                        Eye lens 
Dịch thủy                              Aqueous humor 
Pha lê thể                              Vitreous  
Võng mạc                              Retina 
Hoàng điểm                           Macula 
Bệnh viêm kết mạc                Conjunctivitis 
Bệnh đục thủy tinh thể (hột cườm) Cataract 
Bệnh cận thị Myopia 
Bệnh viễn thị                        Hypermetropia 
Bệnh loạn thị                        Astigmatism 
Bệnh lác (lé) mắt                  Strabismus 
Bệnh tăng nhãn áp               Glaucoma 
Bệnh thoái hóa hoàng điểm Macular degeneration 
Bong võng mạc                    Retinal detachment

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét