Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Bất Ẩm Tặng Quan Kỹ 不飲贈官妓 - Đỗ Mục


Nguyên bản.   Dịch âm

不飲贈官妓   Bất Ẩm Tặng Quan Kỹ

芳草正得意, Phương thảo chính đắc ý,
汀洲日欲西。 Đinh châu nhật dục tê (tây).
無端千樹柳, Vô đoan thiên thụ liễu,
更拂一條溪。 Cánh phất nhất điều khê.
幾朵梅堪折, Kỳ đóa mai kham chiết,
何人手好攜*   Hà nhân thủ hảo huề?
誰憐佳麗地, Thùy liên giai lệ địa?
春恨卻淒淒。 Xuân hận khước thê thê.
                         Đỗ Mục

攜: Huề: mang, dắt díu nhau âu yếm (như đề huề)

Dịch nghĩa

Trong tiệc rượu, không uống, viết tặng ca kỹ nhà quan
Cỏ thơm đến lúc tươi tốt nhất,
Ngoài bãi sông sát bờ nước mặt trời muốn ngả về tây. 
Rặng liễu ngàn cây như chẳng bận tâm gì,
Vẫn phất phơ trong gió dọc bờ sông dài.
(Thấy) cành hoa mai nhưng không nỡ bẻ,
Ai là người đang cầm những cành hoa này trên tay đây?
Không ai thương cho mảnh đất tươi đẹp này sao?
Mùa xuân buồn giận gì mà vẻ mặt ủ ê thế kia?

Dịch Thơ

Ngừng Uống Tặng Ca Nương Nhà Quan

Cỏ thơm vừa tươi thắm,
Ác lặn bãi sông đoài.
Ngàn liễu như vô cảm,
Phất phơ bờ đê dài.
Cành mai không nỡ bẻ,
Đang nằm trong tay ai?
Đất này ai thương xót?
Xuân uất hận cau mày!

Con Cò
***
Không Uống Rượu, Tặng Ca Kỹ Nhà Quan.

Cỏ thơm đã mọc đầy,
Trời muốn ngả về tây,
Vô tâm, ngàn cây liễu,
Vẫn uốn éo gần đây...
Cành mai không nỡ bẻ,
Sẽ nằm ở tay ai?
Vì đâu mà rơi lệ?
Hận xuân, nét úa gầy.

Bát Sách.
***
Bãi cỏ thơm mọc dầy
Quạ vàng chuyển hướng tây 
Nhởn nhơ nghìn gốc liễu 
Vẫn xõa tóc đó đây
Cành hồng ngại không bẻ 
Sẽ do ai ngắt đây 
Vì sao lại nhỏ lệ?
Chẳng lẽ tại xuân gầy 

Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái
***
Không Uống, Tặng Thơ Quan Kỹ  

Cỏ thơm tươi tốt nhất
Bãi sông bóng xế đoài
Vô tâm nghìn liễu thụ
Vẫn phất phơ sông dài
Đóa mai non mới nhú
Ai người giữ trên tay
Đất lành ai thương tiếc
Xuân hận gì bi ai?

Lộc Bắc
***
Dịch Thơ:

Tặng Ca Kỹ Nhà Quan
Thơm tho đắc ý ghê,
Bến nước sắp chiều về.
Ngàn liễu vô tình rũ,
Phất phơ mọc dọc đê.
Cành mai không nỡ bẻ,
Ai sẽ được mân mê?
Đất đẹp người thương tiếc,
Sắc Xuân vẻ thảm thê.

 Phí Minh Tâm

Ghi chú:

1. Bài thơ nói về một ca kỹ đẹp, tài ba, nhưng lại không có một từ nào miêu tả nhan sắc, thể hình người phụ nữ. Chúng ta chỉ có thể hình dung như ngắm nhìn người phụ nữ qua quần áo đẹp.

2. Ca kỹ là một nghề thường đi đôi với mãi dâm, gái bao… đã có trong xã hội phong kiến Trung Hoa từ thời Đông Châu Liệt Quốc (770 – 256 TCN). Tề Hoàn Công, theo đề nghị của Tướng quốc Quản Trọng, đã hợp thức hóa nghề mãi dâm và cho thiết lập 300 thanh lâu để thu thuế. Thời nhà Đường, nghề ca kỹ được cơ quan nhà nước gọi là Thái Thường 太常, rồi Giáo Phường 教坊 “quản lý”....
 và huấn luyện âm nhạc và nghệ thuật trình diễn. Chắc là có thu thuế hành nghề. Các ca kỹ phục vụ rượu, ca múa giúp vui trong trà đình, tửu quán, thanh lâu… Các trí thức thời Đường, văn nhân, thi nhân, quan chức… đến giải trí ở các nơi này là chuyện bình thường trong đời sống, không có chút gì mặc cảm xấu hổ mà còn được xem là phong lưu, sành điệu. 

Thơ Đường ca ngợi ca kỹ, thanh lâu… rất nhiều. Đỗ Mục ngoài bài Bất Ẩm Tặng Quan Kỹ còn có: Kim Cố Viên, Đào Hoa Phu Nhân Miếu…; Hàn Hoành: Chương Đài Liễu; Hàn Ốc: Tích Hoa; La Ẩn: Ca Kỹ Vân Anh; Lưu Vũ Tích: Tặng Lý Tư Thông Kỹ….

***
Viết Tặng Ca Nương

Bãi cỏ thơm mơn mởn.
Hướng Tây mặt trời lặn.
Rặng liễu vẫn vô tình,
Bờ đê lá uốn lượn.

Mai muốn bẻ, không nỡ.
Hái cành hoa ai sẽ?
Cảnh đẹp có xót thương?
Chúa Xuân sao buồn thế!

Mùi Quý Bồng
05/04/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét