Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

Bóng Hạnh Phúc


Bóng ơi! Đừng bỏ chạy đi 
Cho tôi còn một chút gì để thương 

Huy sinh ra và lớn lên tại Mỹ Tho, một thành phố hiền hòa trù phú nằm ngay trên dòng Tiền Giang và cũng là cửa ngõ của miền Tây Nam Phần. Khác với đa số trẻ em khác lớn lên trong sự nâng niu đùm bọc yêu thương của cha mẹ, cái số hẩm hiu của Huy mồ côi cha từ tấm bé. Năm 1946, cha Huy bị bọn tay sai Cộng Sản quốc tế khủng bố núp dưới cái tên Việt Minh giết chết dã man bởi tội danh mà chúng ghép là Việt Gian (làm thông ngôn cho Pháp). Từ đó mẹ Huy phải lặn lội nuôi con dưới sự khủng hoảng vì cái bóng ma hung thần Việt Minh mà sau nầy người dân gọi chúng là Việt Cộng. 

Nếu những đứa trẻ thiếu mất cha hay mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ đều bị tổn thương thế nào thì đứa trẻ có cha bị kẻ thù sát hại như Huy càng đau đớn tổn thương đến vạn lần hơn. Huy đã sống và lớn lên trong mối hận thủ bọn Việt Minh và nổi kinh hoàng khủng khiếp đó. Thiếu sự dìu dắt dạy dỗ của người cha, Huy trở nên nhút nhát rụt rè, hầu như sợ hãi với tất cả mọi người lớn nhỏ chung quanh. Huy chỉ muốn sống riêng trong ốc đảo của mình, không muốn tiếp xúc với ai dù là bạn bè trương lứa. Khuynh hướng tự ý thức nặng nề phát sinh ra mặc cảm đã làm Huy cảm thấy cô đơn với xã hội bên ngoài. 

Điều trớ trêu nhất là mặc dù nhút nhát nhưng Huy lại có trái tim mẫn cảm đa tình. Cái nầy mới gây nhiều hệ lụy cho đời Huy về sau. 

Mẹ Huy từ khi chồng chết bồng hai con là Huy và Mai em gái chàng về tá túc nhà ông bà ngoại Huy ở xóm Chùa Chà. Sở dĩ cái xóm nghèo có tên nầy là vì ngay đầu ngõ có ngôi chùa Moslem mà vào những ngày lễ hội lớn họ thường phát chẩn cơm nị ca ri dê cho dân chúng trong xóm. Thôi thì ngày đó là cả một ngày vui cho bọn trẻ. Hơn 3,4 chục đứa con nít hai tay hai gamelles chen lấn đứng chờ chung quanh cái chảo bành ky cơm nị và ca ri dê bay mùi thơm phức. Mặc dù gọi là của chùa…Chà nhưng Huy chắc chắn là những bạn cùng xóm trang lứa thời đó phải công nhận rằng cơm nị ca ri Chùa Chà ngon nhất. 

Mẹ Huy có gian hàng trái cây ở chợ Hàng Bông để hôm sớm tảo tần nuôi con ăn học. Đời sống gia đình Huy không khá giả gì cho lắm nên cậu bé rất biết an phận không đua đòi so sánh với mấy đứa trẻ khác giàu có hơn trong xóm. Ngoài ra lề lối giáo dục khắc nghiệt đòn roi của bà dì vốn là một cô giáo khó tính càng làm Huy thêm khờ khạo hơn. Tối ngày cứ tìm sự che chở của ông bà nhất là bà ngoại. Sợ đòn riết rồi Huy đâm ra nhụt người luôn. 

Ngày tháng cứ êm đềm trôi qua với Huy trong nỗi cô đơn tẻ. nhạt. Như đã nói ở trên, bản tính Huy rất nhút nhát nhất là nhát gái nhưng khổ nổi lại biết yêu rất sớm. Xéo nhà Huy là nhỏ Phượng trông khá xinh làm Huy thấy khoái khoái nên mới có 9,10 tuổi đầu mà Huy đã đá lông nheo với Phượng rồi và nàng cũng đáp lại bằng những nụ cười e thẹn mỗi khi gặp Huy. Mối tình con nít nầy chỉ thể hiện bằng những nụ cười nhẹ nhàng đằm thắm trao nhau rồi thôi và chỉ có thế mà thôi chớ không tiến tới đâu cả. Mà thực ra tiến tới đâu bây giờ khi cả hai còn là hai đứa con nít trân. 

Năm 1951, bà ngoại Huy vốn là một nữ hộ sinh Đông Dương tại nhà bảo sanh Mỹ Tho (nói cho nó văn vẻ hoa lá cành một chút chứ dân hồi đó quen gọi là bà mụ) được chỉ định đổi sang phụ trách nhà bảo sanh Tân Thạch nằm ngay ngã tư An Hóa An Khánh An Hồ. Thế là từ đấy cứ mỗi mùa Hè bãi trường là Huy sang ở với Ngoại suốt 3 tháng. Nhà bảo sanh tọa lạc trên khu đất rộng gần hai mẫu. Dưới tay Ngoại có Dì Hai quê ở Xoài Hột là cô đỡ và Bác Hai Đẫu quê ở Bến Tranh là lao công. Nhờ siêng năng cần mẫn và dưới sự tiếp tay của Dì Hai và Bác Hai, Ngoại đã biến khu đất hai mẫu thành một nương rẫy rau trái tốt tươi. Thôi thì không thiếu một thứ hoa màu nào cả. Từ khoai lang khoai mi, đậu bắp, cà tím, cà chua cho tới rau cải, bầu bí, đậu rồng, dưa leo, mồng tơi, bù ngót, rau muống và cả trái căy như đu đủ cam quít…Nhưng cái món mà Huy mê nhất là mấy líp bắp trái tươi xanh với hàng cây thẳng tấp. Những trái bắp ngọt như đường cát mát như đường phèn đem luộc hay nướng thì hết ý. Ngoài ra Ngoại còn nuôi heo, gà vịt nên việc ăn uống trong nhà thật phủ phê. Đ/v Huy lúc bấy giờ thì thời gian thần tiên nhất là lúc Huy dông sang ở với Ngoại suốt ba tháng trời. Một phần là né tránh bà dì khó tính để được gần Ngoại. Tưởng cũng nên nói thêm là bà ngoại Huy ngoài việc lành nghề còn rất mát tay nên sản phụ hài nhi thảy đều mẹ tròn con vuông. Người dân thôn quê rất trọng ơn nghĩa nên mỗi lần sanh xong là gia đình họ luôn mang quà biếu tới khi thì gà vịt thịt cá, trứng gà trứng vịt khi thì trái cây làm Huy ăn uống …mệt nghỉ luôn. Họ còn cho con em tới xin học nghề mụ nên nhà bảo sanh bà ngoại Huy thiệt là tấp nập đông vui. 

Nhưng điều làm cho Huy thích nhất là chị Thắm con gái Dì Hai cô đỡ phụ Ngoại cũng tới chơi với mẹ trong ba tháng bãi trường. Thắm lớn hơn Huy ba tuổi học lớp đệ thất ở trường trung học Nguyễn đình Chiểu và ở nhà cậu Ba em dì Hai tại chợ Vòng Nhỏ. Thắm đẹp dịu dàng (tuy hơi quê mùa) nhất là đôi mắt long lanh trong sáng của chị lúc nào như ướt lệ mà mỗi khi Huy nhìn vào là như muốn chết ngợp luôn và vì thế cậu nhỏ Huy cứ mãi nhìn bà chị quên thôi khiến chị Thắm cứ cằn nhằn: làm gì mà nhìn người ta dữ vậy! 

Trong nhà bảo sanh, chỉ có Huy và chị Thắm là hai đứa con nít nên dễ thân nhau lắm. Suốt ngày hai đứa cứ quấn quit bên nhau, rủ nhau đi bắt bướm, chuồn chuồn, hái hoa chung quanh vườn, khi thì ra ruộng khô bắt dế, vớt cá lia thia. Thắm rất dễ thương nhưng phải tội nhõng nhẽo. Và Huy không biết có dòng máu galant trong người hay không mà đã chiều Thắm hết ý. Mà lại chiều với tất cả nỗi hân hoan sung sướng trong lòng. Thắm rất thích hoa lục bình nên thường bắt Huy lội xuống ao (mà Huy chỉ biết lội bì bỏm chứ có giỏi gì cho cam) để hái lục bình cho Thắm. Mà các bạn chắc cũng biết là hoa lục bình hễ khi rời gốc lên khỏi nước thì nó héo tả tơi liền. 

Thế là Thắm không chịu và phụng phịu bắt đền Huy phải hái cho Thắm hoa lục bình tươi tím hơn. Thắm hờn dỗi: 
- Huy phải hái cho chị hoa lục bình mà còn tươi mới được đó nha 

Yêu sách (cái nầy Mỹ nó kêu là love book đó) của Thắm, Trời cũng làm hổng được huống gì là Huy. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng Huy cũng không dám từ chối mà riu ríu lẫn hân hoan nhào xuống ao hái tiếp lục bình cho nàng. 

Lục bình tim tím lá xanh 
Nổi trôi vô định như anh với nàng 

Trong thời gian ở nhà bảo sanh, hai đứa có đủ chương trình cho nguyên ngày nô đùa. Nếu không ra ngoài chơi với tụi nít lối xóm thì bày trò nhảy nhà, đánh đủa và đặc biệt là trò chơi nào Huy cũng không được quyền ăn vì lỡ dại mà ăn đó hả thì sẽ bị Thắm giận dỗi khóc lóc mà làm tình làm tội suốt ngày luôn khiến cậu bé phải mắc công rối rít năn nỉ. 

Cũng có lúc hai đứa hát đồng dao với nhau vừa vỗ tay với những bài: 
Tập tầm vông, chị lấy chồng, em ở giá,chị ăn cá em mút xương … 

Hay: 
Trời mưa lâm râm, cây trâm có trái, con gái có chồng, đàn ông có vợ, đàn bà có con... 

Hoặc: 
Bắt kim thang, cà lang bí rợ 
Cột qua kèo là kèo qua cột 
Chú bán dầu qua cầu mà té 
Chú bán ếch ở lại mần chi 

Và: 
Tùm nụm tùm nịu, tay tí tay tiên, đồng tiền chiếc đũa, hột lúa ba bông, ăn trộm ăn cắp trứng gà, bù xa bù xích, con rắn con rít..

Hai chị em cứ tiếp tục nô đùa qua tuổi thơ hồn nhiên trong sáng thì một hôm Huy với Thắm đang hái trái bùm sụm ở ngay trước nhà thì bỗng cô bé thét lên thất thanh và nhào tới ôm Huy chặt cứng vừa la bài hãi: 
-Trời ơi! Con rít! Con rít kìa ! Huy ơi! 

Nhìn theo tay Thắm chỉ, Huy thấy cặp rít mỗi con dài gần hai tấc từ dưới hốc tam cấp chui lên chạy loanh quanh trên nền đá. Huy liền gỡ tay Thắm ra vội chạy lấy cục đá đập chết cả hai con mặc dù Huy cũng thấy nhợn cơ lắm nhưng đã lỡ ở cái thế “anh hùng cứu mỹ nhân” thì không còn cách nào khác hơn. Nhìn lại thấy Thắm vẫn còn run lẩy bẩy nên “anh hùng” không bỏ lỡ cơ hội lợi dụng bước tới vòng tay ôm sát “mỹ nhân” vừa trấn an: 

- Đừng sợ nữa chị. Huy đã giết hai con rít rồi. 

Nếu đời Huy có những giây phút nào rung động xao xuyến nhất thì chính là lúc nầy lúc mà cậu đang ôm ấp đê mê thân hình run rẩy của Thắm trong lòng. Thêm vào đó, mùi hương trinh nguyên con gái nhẹ nhàng thoát ra từ người Thắm cộng với mùi bồ kết thoang thoảng trên mái tóc thề của cô bé đã làm Huy ngây ngất đê mê và đầu óc Huy nóng bừng như lửa đốt. Và chuyện không tưởng nữa là Thắm đang ủp mặt vào người Huy. Trong một phút giây không dằn ngọn sóng tình dâng trào lòng, Huy siết chặt Thắm hơn và hôn nàng say đắm. Với phản ứng tự nhiên, Thắm lả người trong vòng tay Huy. Ngay sau đó, nàng chợt bừng tỉnh lại và xô Huy ra. Với dòng lệ tuôn trào trên đôi mắt, Thắm phụng phịu trách Huy: 

- Huy kỳ quá hà! Khi không mà ôm hun người ta hà! Thôi hổng chơi với Huy nữa đâu. 

Huy cuống cuồng năn nỉ: 
- Huy biết Huy lỗi nhiều lắm. Chị tha thứ cho Huy nha. Huy hứa không dám làm vậy nữa đâu. 

Thắm vẫn không buông tha và hình như nàng muốn Huy xác nhận một điều gì: 
- Tại sao Huy ôm hun Thắm vậy? 

Đến nước nầy thì Huy đâm liều: 
- Tại vì Huy thương Thắm lắm 

Thắm giả bộ ngây thơ cụ: 
- Bộ thương rồi phải làm như vậy hả? 

Đã lỡ thì phải cho tới luôn bác tài, con người nhút nhát cố hữu của Huy có lẽ vì cơn say tình ái nên vụt chạy đâu mất tiêu để cậu bé liều lĩnh ôm Thắm lần nữa vừa vuốt những sợi tóc óng ánh mượt mà như tơ trời Huy vừa thì thầm: 
- Thương Thắm quá mới làm như vậy chớ! Nữa lớn Thắm với Huy sẽ là vợ chồng nha. 

Thắm vùng vằn: 
- Thôi! Mắc cở lắm. Đừng có nói nữa. 
- Thấy thương quá hà. 

Huy thừa thắng xông lên cứ hôn say đắm lên mặt và suối tóc Thắm. 

Cả hai hình như đều không nhận ra rằng đã bắt đầu nói trổng với nhau, những lời trao đổi đã thiếu mất chữ “chị” đã vô hình chung “thăng cấp” Huy lên và “giáng cấp” Thắm xuống. Nam nữ bình quyền quá rồi còn gì. Cũng nên nói thêm là ông bà mình ngày xưa ghét đàn ông đàn bà nói trổng với nhau lắm vì quan niệm rằng phải có tình ý gì với nhau rồi mới nói trống không như vậy. 

Những ngày sau đó, Thắm trở nên e ấp thẹn thùng mỗi khi gặp Huy. Riêng Huy thì không muốn đi chơi chung với tụi con nít lối xóm như thằng Phi, thằng Hữu, con Lành, con Gương… Lý do chính là Huy muốn chỉ có Huy Thắm trong khoảng không gian nhẹ nhàng của hương đồng gió nội, ngoài ra Huy thấy khó chịu khi tụi nó nhất là thằng Phi ân cần vồn vã với Thắm. Chỉ cần trông cái bộ điệu mê muội của nó khi nhìn Thắm trân trân là thấy phát ghét. Điều làm Huy khó chịu nhất là Thắm với bản chất hồn nhiên cũng hay cười cười với mấy đứa nó. Mỗi lần như thế là Huy cau mặt lại và hết còn muốn chơi đùa gì nữa. Có hôm về tới nhà Huy sinh ra quạu quọ ngang xương, Thắm hỏi gì Huy cũng trả lời cộc lốc làm nàng thắc mắc: 
- Làm gì mà Huy quạu đeo vậy? 

Huy bực tức trả lời thẳng: 
- Ai biểu Thắm nói chuyện ngọt xớt với thằng Phi chi. 

Thắm ngạc nhiên: 
- Thắm nói chuyện bình thường với nó chớ cái gì mà ngọt xớt. 

Huy vẫn còn giận dữ: 
- Thôi đi! Huy thấy hết rồi. 

Thắm chợt hiểu ra: 
- Thấy cái gì đâu. Thắm chỉ coi nó là một người bạn bình thường thôi mà. Bộ Huy ghen rồi hả? 

Huy nghẹn ngào : 
- Nhưng mà Huy biết nó mê Thắm. Huy không chịu như vậy đâu. 

Thắm cười cười: 
- Nó mê gì thì kệ nó. Miễn Thắm hổng có thì thôi. Làm gì mà ghen dữ vậy. Thôi thì từ nay, Thắm sẽ tránh xa nó đó. Chịu chưa? 

Và kể từ đó, vì sợ cái nết “giữ chị” của Huy, Thắm thật sự xa lánh Phi. Nàng cũng không dám cười giỡn với tụi nhỏ lối xóm nhhư trước. Huy cũng nhận thấy như vậy nên vừa xúc động vừa sung sướng vô cùng. Nhưng điều làm Huy thích nhất là Huy có thể ôm hôn Thắm say đắm bất cứ lúc nào miễn là…đừng để người lớn trông thấy vì “chị Thắm đã cho phép như vậy rồi mà”. 

Ngày vui nào rồi cũng qua mau. Thắm và Huy chia tay nhau nhưng thỉnh thoảng “nhớ quá cḥịu hổng nổi “, Huy tới nhà cậu Ba thăm chị Thắm với lý do chính đáng là hỏi bài vở đàn chị. 

Từ đó cứ mỗi độ Hè là Thắm cùng Huy đều qua tạm trú ở nhà bảo sanh Tân Thạch và đó cũng là dịp Huy ngất ngư con tàu mà ôm mãi “chị Thắm” của mình. Nhưng mùa Hè năm 1954 là mùa Hè hạnh phúc cuối cùng của Thắm và Huy vì một tháng sau đó bà ngoại Huy về hưu sau mấy năm lưu dụng làm thêm. Lúc đó thì Huy đã được 12 tuổi còn Thắm 15. Trước khi chia tay, Huy và Thắm khóc sướt mướt, Thắm cầm tay Huy âu yếm nói: 
- Huy còn nhớ đã hứa với Thắm những gì không? 

Huy vừa úp mặt và suối tóc hương bồ kết nhẹ nhàng của nàng vừa nói: 
- Làm sao mà Huy quên được. Mình sẽ là vợ chồng với nhau. 

Thắm hôn lại Huy và thì thầm: 
- Mình sẽ giữ mãi tình yêu nầy nghe Huy. Đừng quên Thắm nghe. Thắm sẽ luôn chờ Huy đó. 

Rồi cả hai xa nhau trong nghẹn ngào tiếc nuối. Thực ra, thì cũng đâu có chia cách hẳn. Vì Huy Thắm vẫn ở chung thành phố và học chung trường trung học Nguyễn Đình Chiểu kia mà, Huy học lớp Đệ Thất, Thắm Đệ Tứ. Huy ở xóm Chùa Chà còn Thắm ở trọ nhà Cậu Ba ở chợ Vòng Nhỏ chứ có xa xôi gì đâu.. 

Những tháng ngày sau đó hai đứa thường liên lạc nhau trên danh nghĩa chị Thắm và em Huy. Huy còn nhớ cứ mỗi lần gặp nhau, Thắm luôn nhắc nhở: 

- Nếu Huy thật lòng thương Thắm thì phải rán học nghe. Nhà mình không giàu thì chỉ có học vấn là chìa khóa cho tương lai và hạnh phúc cho cả hai đứa. Nhớ nghe Huy. 

Cuộc tình so le nhưng tuyệt đẹp của hai đứa trẻ cứ thắm thiết và êm đềm cho tới một hôm thì nào ai học được chữ ngờ đưa cả hai tới một khúc quanh mới, khúc quanh của định mệnh trái ngang đau đớn. Một buổi tối nọ, Thắm hớt hãi tới tìm Huy nghẹn ngào báo hung tin là dì Hai bảo Thắm bỏ học để lấy chồng là con thầy Cai Tổng Thạnh Trị và cũng là chủ nợ của dì. Nghe tin sét đánh ngang mày, Huy bũn rũn cả tay chân, cổ họng khô đắng và tưởng chừng như nguyên bầu trời đất sụp đổ. Huy mong ước mình có phép mầu nhiệm để đưa Thắm tới một phương trời xa thẳm riêng biệt xa xôi nào đó để hai đứa cùng sống chung với nhau. Nhưng đó chỉ là một mơ ước hảo huyền của một cậu bé mới 13 tuổi đầu. 

Thắm ôm Huy trong đôi mắt rươm rướm nghẹn ngào : 
- Huy ơi! Thắm thương Huy vô cùng.Thắm khổ lắm Nhưng biết làm sao với hoàn cảnh khắc nghiệt nầy.Thắm phải lấy chồng. Người ta nhà quyền quý và còn chủ nợ của má Thắm. Thắm phải đau đớn mà hy sinh tình yêu mình. Huy đừng ghết Thăm nha Huy.Tuy phải xa nhau nhưng suốt đời Thắm sẽ không quên Huy và những kỷ niệm êm đềm của hai đứa sẽ ở mãi trong lòng Thắm. Thắm cầu nguyện Huy sẽ tìm được người tình tâm đầu ý hiệp mang hạnh phúc cho Huy. Suốt đời Thắm chỉ yêu Huy mà thôi. Thôi vĩnh biệt Huy! 

Trước khi vĩnh biệt Thắm còn nói một câu qua màn lệ làm Huy chết điếng: 
- Anh! Em yêu anh ngút ngàn. Cả đời em sẽ kh̀ông bao giờ quên anh. 

Kể từ đó, Huy sống như người chết rồi. Nhìn đâu cũng thấy một màu đen tang tóc thê lương. Những tưởng hạnh phúc trong tầm tay nhưng sau cùng lại tan biến như sương khói mong manh. Đúng là cuộc đời hư ảo vô thường 

Những ngày tháng kế tiếp trôi đi trong bẽ bàng hiu quạnh. Những bài vở hằng ngày, những cuộc vui tuổi trẻ không xóa được vết hằn đau thương của một cuộc tình dang dở. Huy biết rằng giờ nầy tuy đang sống với chồng nhưng Thắm cũng đau khổ không kém gì mình vì định mệnh nghiệt ngã có chừa một ai đâu. 

Rồi hai năm sau, bấy giờ Huy đã 14 tuổi thì trong một đêm văn nghệ bãi trường, Huy bỗng thấy Huyền, cô hàng xóm học dưới cậu một lớp đang trên khán đài cùng 5, 6 cô bạn khác dịu dàng tha thướt múa theo điệu nhạc “Quanh Lửa Hồng” của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ. Hai tay nàng uốn éo nhịp nhàng trong chiếc áo bà ba trắng làm Huy cứ tưởng như đôi cánh thiên thần mở rộng để ban ân phước xuống đời Huy. Huy thấy tim mình như ngừng đập, đầu óc quay cuồng và nóng bừng thêm đôi mắt lạc thần say đắm nhìn người đẹp lã lướt nghê thường. Trời ơi! Huyền đẹp đến thế sao! Dưới ánh đèn lung linh mờ ảo, Huyền kiều diễm thanh tú như Hằng Nga giáng trần . Rất tiếc là Huy không đủ ngôn từ để diễn tả hết được nét đẹp thánh thiện đài các của nàng. Bấy lâu nay người đẹp ở trước mắt mà sao Huy không thấy vậy cà ! Chắc là Huy bị mù rồi sao? Thế là tối hôm đó, Huy cứ nằm mơ tưởng tới Hằng mà thấy lòng ngây ngất đê mê. Huy có cảm tưởng như nhà thơ Nguyễn Bính khi viết bốn câu thơ mở đầu bài Tương tư: 

Thôn Đoài ngồi nhớ phương Đông 
Một người chin nhớ mười mong một người 
Gió mưa là bệnh của trời 
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng 

là viết riêng cho tâm trạng Huy lúc đó. 

Kể từ hôm ấy, hình bóng yêu kiều của Huyền đã ngự trị hết cả tâm hồn Huy và phủ kín trái tim mê mẫn của cậu bé si tình quá sớm nầy hay nói rõ hơn Huyền là người đã dạy chàng bài học tương tư vỡ lòng. 

Riêng đối với Phượng, cô bé xéo nhà ngày trước đã mang đến Huy sự rung động đầu tiên thì chàng không còn thấy một xao xuyến nào mỗi khi gặp nàng mặc dù Huy thấy qua nét mặt u sầu của Phượng cả một trời oán trách đau thương. 

Huy cũng thấy thoáng bâng khuâng nhưng biết làm sao bây giờ đây khi chàng không đủ yêu thương gắn bó cùng nàng. Ngay cả Thắm bây giờ cũng mờ nhạt trước một Huyền trang trọng kiều diễm đang hớp cả hồn phách Huy. Đối với Huy hiện giờ, Huyền là tất cả. “Huyền ơi! Em là mùa Xuân của đời anh đó” 

Nhà Huyền ở đầu ngõ còn nhà Huy trong hẻm sâu, thế nên mỗi lần qua phố là Huy phải đi ngang nhà nàng. Thỉnh thoảng nàng hay ra đứng bên hiên nhà ngắm trời mây non nước làm biết bao nhiêu cậu bé xóm nhỏ lẽ dĩ nhiên trong đó có Huy nhìn thấy mà chết mê chết mệt. Cứ thấy dáng tha thướt quyến rũ của nàng từ xa là Huy mình mẩy như tê dại, hai chân run rẩy không muốn bước đi. Thật là khó để diễn tả nổi tâm trạng Huy lúc đó mà chỉ biết là nó xao xuyến bồi hồi lẫn mê man ngây ngất. Thế là Huy cứ kiếm chuyện ra phố để được đi ngang nhà nàng hầu chiêm ngưỡng dung nhan người đẹp. Nói thẳng ra là Huy đã trồng cây si nhà Huyền rồi nhưng kẹt nổi cây si chưa chịu bén rễ. 

Cứ ôm mối tình câm lặng một chiều như vậy cho tới năm học Đệ Nhất, Huy mới giựt mình nghĩ rằng mình không còn quá một năm nữa là phải lên Sài Gòn học Đại Học rồi. Lên Sài Gòn có nghĩa là mình phải xa Huyền và biết đâu chừng đường đời hai lối rồi xa nhau mãi mãi nghĩa là mất nàng luôn mặc dù chưa có gì với nàng. Nghĩ tới đây chàng thấy “quýnh” lên hết trơn. Thế nên mặc dù vẫn còn nhát gái nhưng Huy quyết định hành động chứ không chịu theo cái trò NATO (No Action Talk Only). Với ý nghĩ đó thêm sự xúi giục của bạn bè, Huy gom hết văn chương chữ nghĩa học từ thầy Nhi giáo sư Việt Văn và chôm từ tiểu thuyết bà Tùng Long để viết một lá thư tình lâm ly bi đát. (Gom suy tư thao thức bao đêm, chàng bèn viết lá thư). Chàng còn chọn giấy pelure hồng cho nó có vẻ romantique hơn. Sau khi đọc đi sửa lại cả chục lần, Huy yên tâm bỏ vào phong bì dán kín lại rồi theo sự chỉ dẫn của một đứa bạn, chàng bỏ lá thư tình vào quyển sách Toán Le Bosset để cho kín đáo rồi chờ dịp trao cho Huyền. 

Sau nhiều lần rình rập nói cho đúng hơn là chờ cơ hội thì cơ hội cũng đến. Đó là một buổi trưa tan học về trời nắng ấm, Huy phục kích ở ngã tư đại lộ Hùng Vương và đường Thủ Khoa Huân ngay trước nhà bảo sanh Mỹ Tho là nơi mà sau khi quan sát tình hình địch, Huy biết là hai cô bạn kỳ đà cản mũi của Huyền tiếp tục đi thẳng trên đại lộ Hùng Vương bỏ Huyền một mình tách ra quẹo trái qua đường Thủ Khoa Huân, chàng bèn lập cập chận Huyền lại, mặt mày nóng bừng, tay run run đưa quyển Le Bosset bìa đỏ, miệng ú ớ: 
- Huyền!... Huyền! Tôi…gởi Huyền …quyển sách nầy… 

Có lẽ trên thế giới nầy, đây là câu nói vô duyên nhạt nhẻo nhất. Huyền có vẻ hoãng hồn sửng sốt một thoáng trên khuôn mặt yêu kiều rồi lắc đầu: 
- Huyền không dám nhận đâu

Đường Đinh Bộ Lĩnh (gần Ngã Tư Quôć Tế Trịnh Hoài Đức) 

Nhà Huyền là căn nhà lầu đối diện cột điện 
Xong nàng tàn nhẫn bước đi bỏ lại đàng sau một Huy trơ vơ ngỡ ngàng với lá thư tình ủ rũ buồn hiu trong tay. Chàng đứng lặng người như bị trời trồng, đôi mắt lạc thần nhìn Huyền quay mặt mà cõi lòng tan nát đớn đau. Cả một vũ trụ quay cuồng sụp đổ trước mắt Huy, tim chàng cơ hồ ngưng đập, cổ họng khô đắng và đầu óc nóng bừng. Trời ơi! Sao lại thế này? Giấc mộng tình lại kết thúc bi thảm đến thế sao? Chàng rưng rưng muốn khóc và thẫn thờ vô định bước đi tong đau thương hụt hẳng, 

Suốt đêm hôm đó chàng không hề chợp mắt, đầu óc cứ hiện lên hình ảnh phủ phàng của buổi trưa định mệnh. Tim Huy nhói đau như bị một vết chém bạo tàn, vài giọt nước mắt đã tự nhiên lăn dài trên má chàng.. Trời ơi! Mình đã trao tình yêu chất ngất thiêng liêng cho Huyền mà nàng nhẫn tâm không thèm nhận thì cuộc đời nầy còn ý nghĩa gì đâu. Chàng nhớ lại là cuộc tình tan vở với Thắm trước đây cũng đâu có làm cho chàng đau thương khổ sở như vầy. Hình như đây mới chính là tình yêu và cũng hình như trời sinh ra Huy để yêu và say mê có mình Huyền.(He was born to love her and to be infatuated with her only) 

Xóm Chùa Chà (Trịnh Hoài Đức) Mỹ Tho-Nơi tác giả sinh ra và lớn lên 
Kể từ hôm đó thiệt là tội nghiệp cho Huy, chàng đã không dám đi ngang nhà Huyền mà thay vào đó chàng phải đi vòng ngã bờ sông xa xôi nghìn trùng để tránh gặp mặt Huyền cho khỏi đau lòng chua xót. Bấy giờ Huy thấy thấm thía vô hai câu thơ trong bài”Qua nhà” của Nguyễn Bính: 

Cái ngày cô chưa có chồng 
Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa 

Hai câu thơ diễn tả tâm trạng hoàn toàn khác với Huy. Nếu Nguyễn Bính “đi vòng cho xa” để được gặp người đẹp thì khổ thân Huy “đi vòng cho xa”để trốn người đẹp. 

Nỗi buồn hằn rõ lên nét mặt Huy cho tới bà ngoại và má chàng đều nhận ra và hỏi: 
- Sao thằng Huy lúc nầy mặt cứ dào dào hoài vậy? 

Chàng cứ phải nói dối là không có gì. Ôm ấp nỗi đau tận cùng triền miên và niềm yêu thương Huyền ngút ngàn cứ thôi thúc khiến Huy đâm ra liều. Hơn hai tuần sau ngày bị ngoảnh mặt, chàng lại chận đường Huyền ngay dốc Cầu Quây để đưa tiếp lá thư tình với hy vọng cho dù mong manh là lần nầy “ đài gương soi thấu dấu bèo” nhưng cay đắng thay! Lá thơ oan nghiệt chịu chung số phần như lần trước vì người đẹp đã gởi một thông điệp dứt khoát qua câu nói: 
- Gần nhà quá, sợ ba Huyền thấy.

Cầu Quây Mỹ Tho (nơi chứng kiến lá thư tình không được nhận) 

Thôi thế là hết rồi!!! Huy đã vĩnh viễn mất Huyền trước khi được nàng. Cõi lòng Huy đã thực tan nát thành từng mãnh. Cuộc đời chàng xem như đã chấm dứt từ đây. Hằng ơi! Sao em vô tình đến tàn nhẫn như vậy. Những tiếng sợ ba thấy nghe tưởng êm đềm nhưng đã như một nhát dao chí tử đâm ngay giữa tim Huy khiến chàng chua chát đắng cay thêm. Nhà Huyền ở ngay Ngã Tư Quốc Tế, Huy chận nàng ở dốc Cầu Quay cách cả trăm thước thì làm sao mà “ba thấy” được trừ phi “ba” có thiên lý nhãn. 

Chàng buồn rầu với cảm giác là Huyền và chàng ở thật gần nhau mà sao xa cách ngàn trùng. Hạnh phúc giờ đây đối với Huy thật xa xôi diệu vợ̣i vói hoài mà không bao giờ tới. 

Trong khoảng thời gian đen tối nầy, Ngọc cũng là cô hàng xóm (lại là cô hàng xóm nữa! Sao mà hàng xóm ở Việt Nam rắc rối quá phải không các bạn?. Ngọc đang học lớp Đệ Ngũ trường Lê Ngọc Hân tới nhờ Huy kèm giùm hai môn Toán Lý Hóa để chuẩn bị năm sau thi Trung Học Đệ Nhất Cấp. Ngọc mới 15 tuổi dáng người cao cao và khá xinh nên mặc dù vết thương tình yêu còn đang rướm máu, Huy cũng bằng lòng giúp nàng. (Giúp kiểu nầy là khôn thấy bà luôn) 

Thắm thoát mà Huy đã làm precepteur cho Ngọc hơn ba tháng. Nàng rất thông minh nên ông thầy Huy cũng dễ dàng trong việc dạy học trò. 

Ngoài ra trong suốt thời gian gần bên nhau, Ngọc luôn tỏ ra săn sóc quan tâm đến Huy, thỉnh thoảng qua ánh mắt nàng đã biểu lộ cả một tình yêu nhẹ nhàng nhưng say đắm. Ngọc cũng lo tẩm bổ cho ông thầy mình bằng món ngon vật lạ. Và Huy trong khoảnh khắc đau buồn hụt hẳng đã cùng hòa điệu khúc nhạc tình với Ngọc. Hai người bắt đầu yêu nhau từ đó. 

Tới kỳ thi, Ngọc đã đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp còn Huy đậu Tú Tài Hai cùng với thứ hạng cao. Kết quả mỹ mãn nầy càng làm thăng hoa thêm tình yêu đôi lứa. Thực ra, với Huy, tuy có yêu Ngọc nhưng chàng chưa nghĩ tới đoạn đường xa hơn. Có lẽ hình ảnh Huyền vẫn còn ẩn hiện trong tâm tư Huy hay nói rõ hơn là Ngọc chưa thể thay thế Huyền để che lấp hẳn khoảng trống vắng đắng cay trong lòng Huy. Hoặc là chàng chưa hẳn yêu Ngọc trong một tình yêu đúng nghĩa của nó. Hơn nữa đối với chàng, Ngọc còn nhỏ quá về tuổi tác cũng như cách nhìn suy nghĩ cuộc đời. 

Sau đó, Huy trúng tuyển vào Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (ban Anh Văn) rồi luôn cả Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Chàng còn đang lưỡng lự chọn lựa thì cô Lý Hoa một cô giáo dạy chàng ở cấp tiểu học sau cô học lên thêm ở trường Quốc Gia Hành Chánh, hiện đang làm Tổng Thanh Tra Tài Chánh khuyên chàng nên học Quốc Gia Hành Chánh cho có tương lai và chàng đã nghe theo. Tưởng cũng nên nói thêm cô Lý Hoa cũng chính là người đã đưa tài liệu khó nuốt về thuyết nhân vị tam túc tam giác tam nhân của ông cố vấn Ngô Đình Nhu để Huy học luyện thi QGHC. Và sau nầy cô đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám Đốc Ngân Khố trở thành người phụ nữ làm lớn nhất chế độ Cộng Hòa. 

Trong thời gian theo học, Huy ở Ký Túc Xá Học Viện. Thỉnh thoảng Ngọc có lên thăm chàng với tình quyến luyến và nỗi quan tâm đặc biệt. Mặc dù có nhiều dịp gần gũi với nàng nhưng Huy vẫn luôn cố gắng gìn giữ và quý trọng Ngọc cũng như tình yêu trong sáng thánh thiện của nàng . Một phần có lẽ hình bóng ai kia vẫn còn ám ảnh cả tâm hồn chàng. 

Sau mấy lần lên thăm người yêu mà thấy Huy cứ mãi lần lựa ơ thờ, Ngọc buồn chán nên bỏ cuộc luôn để tự ôm nỗi đau đớn vĩnh biệt một cuộc tình không tới. Huy cũng thấy ngậm ngùi thương cảm cho Ngọc nhưng biết làm sao hơn khi con tim có lý lẽ riêng của nó. Nếu Ngọc soi thấu tâm tư thầm kín của chàng là vẫn còn tôn thờ thương nhớ và cay đắng với người ta thì không biết nàng sẽ đau đớn đến mức nào nữa. Lòng chàng lúc nầy rối bời như tơ vò trăm mối: 

Đa tình cho lắm rồi than khổ 
Chỉ tại nơi mình chứ tại ai 

Đến cuối năm 1964, Huy đang học năm thứ hai và ở Ký Túc Xá thì một hôm chàng qua phòng Hải và Thọ là hai bạn ở gần bên chơi. Tình cờ chàng thấy trên bàn viết Hải có một thiệp cưới. Tò mò chàng mở ra xem thì bỗng hoa mắt và mặt mày xây xẩm khi đọc thấy hàng chữ: 

ÔB.Trần Quan Thanh ÔB. Dương Đức Phụng 
75 đường Ngô Quyền 26 đường Đinh Bộ Lĩnh 
Cần Thơ Mỹ Tho 
Trân trọng báo tin lễ thành hôn của con chúng tôi: 
Trần Quan San Dương thị Huyền 
Thứ Nam Thứ Nữ 
Cần Thơ Mỹ Tho 
Học Viện Quốc Gia Hành Chánh 
10 Trần Quốc Toản- Quận 3- Đô Thành Sài Gòn 

Trời ơi! Huyền lấy chồng rồi sao! Dương thị Huyền 26 Đinh Bộ Lĩnh Mỹ Tho thì đích thị là nàng rồi chứ còn ai vào đây nữa. Vốn người nhạy cảm mà lại bị shock mãnh liệt như vậy, Huy rơm rớm nước mắt bỏ chạy ra khỏi phòng mặc tiếng hai người bạn gọi vói theo: 

Huy! Huy! Mầy sao vậy? 

Về tới phòng, Huy nằm vật xuống giường với đôi mắt mờ lệ. Cũng may mà người bạn chung phòng là Lê Tấn Trạng có bà con xa vứi Huy (sau nầy là dân biếu Quốc Hội) bỏ đi chơi rồi. Nỗi đau bị từ chối thư tình trước đây tưởng đã phôi phai nhưng ai ngờ tối nay chiếc thiệp cưới quái ác lại thêm là một cái tát tay nẩy lửa nhận chàng chìm sâu vào trong đau khổ tận cùng. 

Trong một thoáng, chàng thấy hối hận tại sao sang phòng Hải chơi làm chi đúng lúc để chuốt thêm thảm sầu. 

Người ta bảo rằng thời gian là liều thuốc nhiệm mầu để quên lãng nhưng đối với Huy, thời gian và tình yêu như gió với lửa, gió làm tắt những ngọn lửa nhỏ nhưng càng làm cháy bùng lên những ngọn lửa lớn. 

Chàng tự trách mình tại sao yêu Huyền làm chi cho khổ thân như vầy. Rồi chàng lại oán trách Huyền nhẫn tâm chối bỏ tình chàng. Chàng cũng trách cao xanh sao đưa chàng vào cuộc tình trái ngang lỡ làng. Không hiểu tại sao anh chàng Trần Quan San nào đó có diễm phúc đến thế. Từ một nơi xa lơ xa lắc mà anh ta được đưa Hằng về dinh…Cần Thơ trong khi chàng ở kế bên lại chuốt sầu nuốt thảm trong nỗi cô đơn hiu quạnh. Chàng thấy thắm thía đau buồn với hai câu: 

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ 
Vô duyên đối diện bất tương phùng 

Tất cả chỉ tại người ta mà thôi.Trong nỗi sầu thất chí đó, Huy thấy cảm nhận biên giới giữa hạnh phúc và khổ đau chỉ cách nhau trong gang tấc, nếu ngày đó mà Huyền chịu nhận thơ và đáp lại tình chàng thì cuộc diện đã hoàn toàn thay đổi để chàng đâu có tan tác khổ lụy và cái anh chàng Trần Quan San làm sao có được hạnh phúc hôm nay. Hóa ra trong cuộc đời nầy sự may mắn của một người thường là nỗi bất hạnh của người khác. Dù than khóc tiếc thương thế nào thì trong câu chuyện ba người, chàng cũng vẫn là người đau khổ vì làm kẻ thua cuộc đứng bên lề. Chàng có đọc đâu đó một nhà văn tự hỏi là “nên lấy người mình yêu hay lấy người yêu mình”. Huy thấy câu hỏi nầy không thực tế mấy vì có thể là người ta sẽ cố gắng để lấy người yêu mình chứ làm sao mà lấy được người mình yêu đối với những cuộc tình đơn phương không tới vì người mình yêu người ta có ngó ngàng gì đến mình đâu như trường hợp Huyền với chàng. 

Số anh cái số lỡ làng 
Yêu em trước cũng xếp hàng đứng sau 
Số anh cái số lao đao 
Yêu em trước cũng đứng sau xếp hàng 

Từ những khổ đau gánh chịu, trong một thoáng nào đó, Huy thấy căm hờn Huyền vô cùng nhưng buồn thay là tình yêu nàng vẫn còn âm ỉ trong tận đáy lòng Huy. Tình yêu và hận thù chỉ cách nhau một biên giới mong manh để rồi chừng như chúng đang nhập vào nhau thành một khối kết chặt trong lòng Huy thành chuổi yêu thương vừa oán hờn hằn sâu dằn vật trong con tim khối óc Huy. 

Không dằn được nỗi khổ đau tận cùng, Huy lấy giấy viết xuống Câu Lạc Bộ vừa uống ly bia vừa viết câu chuyện tình bi thương nghiệt ngã đời mình trong nỗi chán chường tuyệt vọng mà chàng đặt tên tựa là “ Kẻ thua cuộc” kèm theo bài thơ lồng trong truyện: 

Tình một chiều 

Đau khổ tình tôi chỉ một chiều 
Mây trời mờ mịt sắc đìu hiu 
Rong rêu phủ kín lầu khuê các 
Khói biếc nhòa phai nét mỹ miều 
Đôi ngả rưng rưng niềm thống hận 
Caćh chia tan nát nét tin yêu 
Ngày mai đám cưới hoa đan lối 
Giã biệt tình tôi đã chắt chiu 

Nước mắt chàng hòa vào chất bia vàng óng ánh trong ly khiến chàng không biết men cay mà chàng nhấp vào là rượu hay nước mắt. Tâm hồn chàng vốn rất nhạy cảm với ngoại cảnh và con người nên sự đau khổ càng thê thảm đắng cay hơn.

Ao Bà Om (Vĩnh Bình) nhiệm sở đầu tiên của Huy 

Ngày hôm sau, Huy gởi truyện tới tòa báo Văn Nghệ Tiền Phong và được họ chọn đăng có tiền nhuận bút. Mặc dù là vô vọng nhưng chàng cũng mong sao Huyền đọc truyện nầy để hiểu nỗi đau của chàng (Chi vậy? Có ích gì không? Người ta có nghĩ gì đến mình đâu). 

Nếu hai năm trước, trong lúc Huy đau khổ khi bị Huyền từ chối nhận thư bỗng có Ngọc đến đúng lúc xoa dịu phần nào nỗi buồn khổ thì hôm nay cũng có một sự việc không biết gọi là vui hay buồn đến với Huy. Đó là một arranged marriage mà gia đình muốn áp đặt cho Huy với Lan, một cô gái đang học năm thứ ba trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia. Về nhân dáng, Lan không bằng Thắm, Huyền nhất là Huyền. Người khuyến khích và tha thiết cho cuộc hôn nhân nầy nhiều nhất là Bà Ngoại Huy với lý do duy nhất là Lan là hậu duệ nữ hộ sinh của bà. Với mục đích xoa dịu vết thương lòng còn rỉ máu và nhất là muốn làm vui lòng bà ngoại là người yêu thương Huy nhất nhà và cũng là người mà Huy thương nhất, chàng đã bằng lòng cưới Lan cho bà ngoại vui lòng lúc cuối đời bà. 

Đám cưới Huy xong một năm sau, bà Ngoại Huy mất. Chàng tin rằng nơi chín suối Ngoại đang mỉm cười sung sướng khi thấy thằng cháu ngoại bà yêu thương lấy vợ nối cái nghiệp bà hằng tha thiết. 

Trong thời gian nầy, Huy cũng biết tin những người xưa, Thắm đã có hai con và có tiệm tạp hóa ở Xoài Hột. Thôi thì cũng yên phận nàng.Tình xưa rồi như một thoáng mây bay có còn chăng như một kỷ niệm buồn. Còn Phượng và Ngọc thì đã đi tu cả hai. Huy cầu mong đó không phải là oan nghiệt từ chàng và thành khẩn nguyện cho hai nàng được thân tâm an lạc dưới ánh sáng từ bi Đức Phật. Thôi thì sự 

thân tình quen biết nhau ngày xưa cứ xem như bình thủy tương phùng cho lòng được nhẹ nhàng thanh thản. Tuy vậy chàng vẫn thấy rưng rưng buồn và có chút ăn năn sám hối. 

Sau khi ra trường, Huy được bổ nhiệm về một tỉnh miền Tây và lần lượt bốn đứa con chào đời. Nhờ thông minh và có khả năng cũng như đức tính cần mẫn trách nhiệm, hoạn lộ đời chàng thênh thang bay bổng cho tới ngày 30 tháng tư đen, trận hồng thủy đổ ập tới làm tất cả tan tành theo mây khói. Chàng trốn học tập và sống theo vận nước nổi trôi dưới chế độ toàn trị, ngu dốt, tham ô, sắt máu của băng đảng mafia đỏ cho tới năm 1980, chàng đem cả gia đình vượt biên tới đảo Bidong (Mã Lai). Thời gian ở đây thật êm đềm nhàn nhã, với số vố Anh Văn lớp 8 hội Việt Mỹ, Huy được mời làm thông dịch viên và phiên dịch viên cho Sam, trưởng đồn Cảnh Sát Mã Lai để khỏi phải làm công 

tác vệ sinh tạp dịch hằng ngày trên đảo do trại phân công. Nhiệm vụ Huy là phiên dịch các tờ tự khai của những đại diện ghe vượt biên mới tới và thông dịch những vụ thưa gởi nấu rượu lậu, quịt tiền vượt biên, đánh lộn, bán thịt heo trái phép (ở Mã Lai cấm mua bán thịt heo)… Công việc không bận rộn lắm nên chàng thường ngồi văn phòng đọc báo, tán gẫu tới hết giờ. 

Nhờ quota nhận người tị nạn của Thủ Tướng Canada là Pierre Trudeau bấy giờ là 50,000 người nên chỉ ba tháng ở đảo là gia đình Huy đã tới định cư ở thành phố Toronto mở đầu cuộc đời mới cho Huy và vợ con. 

Cuộc sống mới đã bắt đầu tạo ra vấn đề cho gia đình Huy. Nếu ngày xưa, lúc còn ở Việt Nam, một tay Huy lo hết đời sống sinh kế gia đình thì qua tới xứ người từ việc mưu sinh hàng ngày, tổ chức đời sống cũng như dạy dỗ con cái đều phải san sẻ đều cho hai vợ chồng. Chính từ điểm nầy mà những khác biệt từ cá tính cho tới sự suy nghĩ cách nhìn cuộc đời của Lan và Huy càng lộ hẳn ra. Sự xung đột gia đình cứ ngày thêm trầm trọng. Có phải lý do quan trọng của tấn bi kịch gia đình bắt nguồn từ việc arranged marriage. Huy đã cố tình chịu đựng ẩn nhẫn để lo cho các con ăn học lớn khôn. Tình trạng lục đục cứ kéo dài theo thời gian và chữ hạnh phúc gia đình không có trong quyển tự điển đời sống hàng ngày của Huy. 

Sau khi các con khôn lớn thành tài và lập gia đình thì sự chịu đựng của Huy đã vượt quá giới hạn để đưa đến tình trạng đường ai nấy đi. 

Từ đó chàng sống thu mình trong ốc đảo cô đơn hiu quạnh. Hobby duy nhất của chàng là làm thơ viết văn như để trang trải một trời tâm sự đau thương bẽ bàng mà nguồn cảm hứng bất tận cho chàng vẫn là Huyền muôn thuở. Huy thường gởi bài viết mình lên các báo khắp nơi và nhất là các trang web, đặc biệt là của các hội cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân ở các nơi với hy vọng là Huyền sẽ đọc được để hiểu nỗi lòng của chàng. Đã nhiều lần chàng cố hỏi han bạn bè hy vọng biết tin tức Huyền hạnh phúc với chồng con thế nào nhưng chẳng ai biết gì về nàng. Nỗi nhớ thương cố nhân oằn nặng tâm hồn Huy nhưng khổ một nỗi là chàng không biết thổ lộ tâm tình cùng ai mà cứ mãi ôm ấp sâu kín trong nỗi lòng u uẩn. 

Dòng đời vẫn vô tình là lạnh lùng trôi cho tới năm 2004, một hôm, Võ Trung Hải người bạn đồng khóa Quốc Gia Hành Chánh (người có thiệp cưới Huyền-San) hiện định cư tại Texas và cũng từng là chứng nhân cuộc tình lỡ của chàng ở Ký Túc Xá ngày xưa phone sang báo một tin gần như rung chuyển cả đất trời: 

- Ê! Huy! Tao báo mày hay tin tối quan trọng. Cố nhân của mầy, chị Huyền đang định cư cùng gia đình đứa con gái tại San Jose. Thằng San, chồng chị ấy và cũng là bạn Cần Thơ của tao đã mất từ năm 1973. Mầy có còn nhớ cái đêm mầy qua phòng tao chơi rồi rơi nước mắt khi đọc thiệp cưới mời tao tham dự không? 

Chỉ nghe tới đó là Huy thấy rụng rời tay chân, tim chàng se thắt lại. Trời ơi! Chuyện tình buồn của 40 năm trước tưởng đã chôn vùi theo cát bụi thời gian nào ngờ lại vụt sống lại mãnh liệt trong lòng chàng. Chiếc thiệp cưới tàn nhẫn ngày xưa vẫn còn như nhát chém sắt bén hằn sâu tận trái tim Huy. 

Huy run run hỏi Hải: 
- Trời! Thiệt hả mậy? Mầy có địa chỉ số phone của Huyền không? 

Võ đắc ý trả lời: 
- Tao biết thế nào mầy cũng hỏi như thế nên đã tìm hiểu trước cho mầy. Đây là số phone của chị Huyền. 

Người ta nói “ tình cũ không rủ cũng tới” thiệt đúng với hoàn cảnh của Huy bấy giờ. Thực ra giữa chàng với Huyền đâu thể gọi là tình cũ vì ngày xưa giữa hai người nào có tình ý gì, nếu có thì chỉ là mối tình đơn phương u uất của chàng mà thôi. Tuy nhiên sau khi nhận cú phone của Hải, Huy thấy lòng xao xuyến nôn nao, chàng tức tốc gọi ngay cho nàng. 

Bên đầu giây bên kia có tiếng hello. Huy hồi họp hỏi: 
- A lô! Xin lỗi có phải nhà chị Huyền không? Xin cho tôi nói chuyện với chị Huyền. 

Giọng Huyền thoáng chút ngạc nhiên: 
- Thưa chính là tôi đây. Xin hỏi là ai vậy? 

Huy bồi hồi xúc động nói trong nước mắt: 
- Thưa … Thưa tôi là Huy, người cùng xóm với chị ngày xưa 

Huyền sửng sốt bàng hoàng: 
- Trời! Anh Huy đó hả? Bấy lâu nay tôi mãi tìm anh khắp nơi, hỏi tất cả bạn bè quen biết mà vẫn không biết anh ở đâu.Tôi tìm anh để chỉ xin được nói lời xin lỗi, thật tình xin lỗi anh về tất cả mọi chuyện đáng tiếc ngày xưa nha anh. Mong anh hiểu cho, lúc đó hai đứa mình còn nhỏ nên tôi phải lo chuyện học hành trên hết. Chắc anh buồn giận tôi lắm phải không? 

Giọng Huy nghẹn ngào: 
- Cám ơn chị, những lời nói chân tình của chị đã làm vơi đi bao đau thương cay đắng mà tôi đã ôm kín trong lòng từ mấy chục năm qua.Trong tình yêu, nếu thực sự yêu nhau thì không có chữ sorry. Về chuyện thất tình ngày xưa tôi chỉ buồn thôi chứ làm sao giận người mình yêu được (thiệt hôn đó?) 

Huyền cất giọng buồn rưng rưng: 
- Được bày tỏ nỗi lòng tôi ấp ủ từ lâu là tôi mừng lắm rồi. Nhưng xin anh đừng gọi tôi là chị nữa. Bộ tôi già lắm sao? 

Nghe cố nhân nói vậy, Huy liền đổi ton: 
- Nếu Huyền cho phép tôi dẹp bỏ tiếng chị xa cách. Nói thiệt với Huyền là cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa quên chuyện ban đầu đau thương đó và tôi mong rằng hết cơn mưa trời lại sang. 

Kể từ đó Huy Huyền liên lạc nhau thường xuyên và tâm tình hết cho nhau. Huyền từ khi chồng chết vì bạo bênh năm 1973 đã ở vậy nuôi đứa con gái duy nhất. Đến năm 1980 nàng mang con vượt biên giã từ thiên đàng xã hội chủ nghĩa. Trước đó nàng cũng biết tin Huy lập gia đình và chỉ biết cầu mong cho chàng được hạnh phúc êm đẹp. Hiện nay nàng ở tại San Jose cùng vợ chồng đứa con gái và ba cháu ngoại. Nàng bảo rằng cả đời nàng không bao giờ quên ánh mắt u buồn chàng lúc trao thư tình. Và ngay sau hai lần từ chối nhận thư tình chàng trao, nàng thấy lòng băn khoăn áy náy và trông chàng trở lại như là việc nhất quá tam. Nhưng hình bóng Huy vẫn cứ biền biệt (người ta đã trốn luôn thì làm sao mà thấy được) làm nàng nghĩ là chàng chỉ đùa vui qua đường với nàng , “chắc là người ta đã quên mình rồi”. Ý nghĩ nầy làm nàng chạnh buồn mà tuổi xuân thì cứ lần lượt qua mau nên nàng phải lấy chồng là một giáo sư trường trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ tên San, người nàng quen biết lần đầu tiên trong một dịp sang chơi bên ấy để rồi San luôn theo đuổi nàng cho tới lúc cưới được nàng chỉ trong vòng 5 tháng sau. Đúng là coup de foudre. 

Sau đó Huyền theo chồng về Cần Thơ, cứ mỗi lần về thăm nhà cũ Trịnh Hoài Đức là Huyền chạnh lòng nhớ lại hình ảnh cậu học trò xóm Chùa Chà thường đi ngang nhà nàng, cái cậu học trò lần đầu tiên đã khuấy động tâm tư cô nữ sinh trong trắng thơ ngây. Nhìn thấy cảnh cũ mà người xưa đâu rồi làm lòng nàng buồn vời vợi. Sang tới Mỹ, trong những lần họp mặt bạn bè cũ, nàng cố hỏi thăm tin tức Huy nhưng hoàn toàn vô vọng và hình bóng người xưa vẫn biệt vô âm tín để lại lòng nàng cả nỗi niềm ray rứt khôn nguôi. Mặc dù biết là vô vọng nhưng Huyền cũng cố dõi tìm Huy nhưng tin sương vẫn bằng bặt.

San Jose – Thung lũng hoa vàng 

Đọc đến đây chắc các bạn đều thấy rằng chuyện tình lỡ làng của Huy phần lớn là do Huyền thế mà khi tái hợp cùng nhau nàng lại tự nhiên nói thêm một câu làm lòng Huy mềm nhũn đi vì tiếc nuối: 
- Sao ngày xưa anh không try thêm lần thứ ba hở anh ? Chắc là tại em không đủ trọng lượng phải không ? 

Một thời gian ngắn sau đó, Huy không đè nén được mối chân tình tha thiết ôm ấp từ hơn 40 năm qua nên đã ngõ lời yêu đương: 
- Huyền ơi! Cho tới giây phút nầy, anh vẫn yêu em rạt rào như ngày xưa. Vậy bây giờ, em có chịu nhận thơ tình anh trao không? 

Huyền bồi hồi đáp: 
- Em đã cố tìm anh từ bấy lâu nay chỉ để chờ đợi giây phút nầy thôi. 

Huy mừng rỡ: 
- Cám ơn em nhiều lắm nghe Huyền. Em đã làm anh hồi sinh rồi đó. 

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cả hai đều thấy rằng mình không thể sống thiếu nhau nên Huy đã move về San Jose để sống kiếp “thân cư thê” say tình ý mộng sau khi làm hôn thú với Huyền và được nàng bảo lãnh sang Mỹ theo diện vợ chồng. Hình như để bù đắp lại cho 40 năm thiếu vắng nhau, họ thương yêu chìu chuộng săn sóc nương tựa nhau hết mức khắng khích. Đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời Huy. Bên Huyền. chàng thấy lòng rộn rã yêu thương và an bình thanh thản. Trong suốt hơn 40 năm qua, Huy chỉ trông đợi có giây phút nầy mà thôi. Có nằm mơ, Huy cũng chẳng dám mơ rằng có ngày mình ôm được Huyền trong vòng tay đam mê ngây ngất như thế nầy. Kể ra định mệnh cũng còn ngó lại chàng đấy chứ. Mặc dù tuổi đã trên sáu mươi nhưng tình yêu của Huy Huyền thật nồng nàn cuồng nhiệt như bỏ lại những ngày tháng trống vắng lạnh lùng thuở xưa. Dữ ác hôn! Tính ra, cây si Huy trồng trước nhà Huyền phải kéo dài tới 43 năm bây giờ mới mọc lên được. 

Người vui mừng nhất trong câu chuyện châu về hợp phố nầy phải là Huy. Nói không cường điệu chút nào là Tổng Thống John F, Kennedy ngày xưa khi hay tin đắc cử tổng thống thứ 35 của nước Mỹ thì mừng vui cở chàng bây giờ là cùng. 

Cũng nên nói thêm là Uyên đứa con gái duy nhất của Huyền cũng rất tán thành khi thấy mẹ tìm lại hạnh phúc cuối đời với người xưa. Ngoài ra, các anh chị em Huyền vốn cũng là lối xóm của Huy nên rất có cảm tình với chàng và mừng cho hai người tái hợp nhau như mối lương duyên tiền định. 

Hai vợ chồng Huy Huyền cứ tay trong tay âu yếm rong chơi dưới trời phiêu lãng khi thì Thái Lan, Singapore hay Kampuchia, Việt Nam. Lúc thì Trung Quốc, Nhật, Đại Hàn, Hồng Kông, Macau, Hawaii… 
Bạn bè của Huy lẫn Huyền cũng rất vui mừng và nhiệt tình ca ngợi sự tái hợp huyền diệu tuyệt vời của hai người. Có bạn còn nói: 
- Tại ngày xưa anh dở quá chứ gặp tôi thì không bao giờ mất chị Huyền đâu.Trong tình yêu sống còn thì mình phải cương quyết và mạnh dạn mới được. Đẹp trai hổng bằng chai mặt mà. 

Huy nghe nói mà nghe lòng buồn vời vợi và tiếc nuối vô cùng. Phải rồi! Cậu bé Huy ngày xưa nhút nhát và lừng khừng quá làm nên đã làm mất đi một trời hạnh phúc yêu đương một cách oan uổn cho cả hai người. Huy tự nói thầm: Huyền ơi! Anh xin lỗi em đó! Tính lôi thôi yếu đuối của anh đã làm chúng ta mất gần cả một đời hoa mộng yêu thương. 

Cho tới gần cuối đời Huy mới có diễm phúc có được Huyền một cách trọn vẹn. Chàng ngây ngất thì thầm bên tai nàng câu nói mà anh đã mơ ước từ 43 năm trước: Huyền ơi! Anh yêu em vô vàn. Chàng cũng thầm cám ơn ba má Huyền đã sinh ra nàng để làm vợ anh tuy có muộn màng. 

Sau 6 năm hương lửa mặn nồng bên nhau tràn trề hạnh phúc, hai vợ chồng chuẩn bị một chuyến du lịch một vòng Âu Châu. Vé máy bay, hotel đã booked sẵn, chương trình và hành lý cũng được sắp xếp xong chỉ chờ ngày chuẩn bị máy bay. Thì rủi ro hay! Một chuyện thương tâm lại đến gieo rắc kinh hoàng cho cả hai vợ chồng đang yêu thương trong hạnh phúc ngút ngàn. Trong một ngày định mệnh, Huy bỗng ngất xỉu và mê man. Huyền hoảng hốt đưa chồng tức tốc tới nhà thương. Sau khi khẩn cấp xét nghiệm bằng MRI và biopsy, bác sĩ thông báo cái tin như một hồi chuông báo tử: “ Huy bị ung thư phổi giai đoạn chót hết phương cứu chửa, chỉ còn có chút chemo therapy để cầm cự thôi”. Huyền nghẹt thở và bất tỉnh luôn khi nghe tin sét đáng ngang mày. 

Trời ơi! Cách chia hơn bốn mươi năm giờ sum họp chỉ có ngần ấy thôi sao. Trời xanh sao ác nghiệt chi lắm vậy! Những chuổi bất hạnh lại cứ tiếp nối phủ chụp lấy đời Huy. 
Trong những tháng ngày cuối cùng bên nhau còn sót lại, Huyền luôn kề cận bên giường bịnh chồng. Nàng ôm Huy khóc ngất: 
- Huy ơi! Đừng bỏ em nghe anh! Sao đời anh với em khổ thế nầy? Anh rán mà sống với em nghe anh. Em yêu anh lắm. 

Huy buồn rầu nhìn vợ thều thào: 
- Anh mơ ước được đi với em trong suốt quãng đời còn lại nhưng định mệnh tàn nhẫn chia cách mình cuối đời. Anh sẽ không yên lòng mà nhắm mắt đâu em ơi! Mai đây cho dù âm dương đôi ngã xin em hãy nhớ rằng anh luôn luôn yêu em cả muôn ngàn kiếp. 

Trước giờ sinh ly tử biệt, Huyền thấy thương chồng hơn bao giờ hết. Trời ơi! Sao số Huy và của cả nàng bạc phận hẩm hiu đến thế. Hạnh phúc đâu phải xa xôi diệu vợi gì mà sao Huy của nàng cứ vói mãi mà không tới. 

Sau hơn 3 tháng vật lộn với tử thần trong nỗi đau nhức kinh hoàng vì giai đoạn cuối cùng của ung thư, Huy đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay Huyền, kết thúc một đời vô duyên bất hạnh và bỏ lại đàng sau một trời thương nhớ buồn đau cho người vợ bất hạnh vừa mới trùng phùng sau thời gian dài cách chia thống khổ. Dù sao thì được nhắm mắt trong vòng tay Huyền cũng là niềm an ủi vô biên cho một kẻ xấu số như chàng. Đó là hạnh phúc trong đời mà chàng thực sự có được. 

Cả đời Huy, hạnh phúc như một cái bóng mà chàng cứ mệt mỏi chạy theo đuổi bắt nhưng không bao giờ nhận được. Nếu bảo rằng mỗi con người sinh ra trên đời nầy đều có số mạng thì ngôi sao của Huy quả là nghiệt ngã tối đen. 
Sau khi chôn cất chồng xong, Huyền không còn thiết sống nữa, nàng cứ như người mất hồn, biếng ăn, biếng ngủ, đôi mắt lạc thần, ngơ ngẩn như mơ tìm hình bóng người xưa, người mà nàng biết rằng yêu thương nàng nhất đời. Cuộc đời nàng từ đây chỉ là một trời đau thương chất ngất. 

Huy ơi! Sao đời anh và đời em khốn khổ đến thế nầy. Lận đận cả một đời mà chỉ một chút tình cuối dâng cho nhau cũng vẫn không được toại nguyện. Tội nghiệp cho anh của em quá! Nhưng em, người ở lại còn đau khổ hơn anh vạn lần. Anh yêu ơi! Có nghe em nói không? Hạnh phúc đối với chúng mình thật xa vời. Thôi mình hẹn nhau kiếp sau anh nhé! Mình làm lại từ đầu, lúc đó em sẽ nhận thơ tình của anh liền để mình sẽ đời đời có nhau nha anh. Hãy chờ em anh nhé! 

Nếu đời là vô thường mong manh nhưng cũng có một điều vĩnh cữu, đó là tình yêu vô bờ của Huyền và Huy. 

Cả đời hạnh phúc thấy đâu 
Tới khi nhắm mắt cũng sầu đau thôi 
***

Và cũng kể từ đó, tại Tu Viện Thiên Trúc ở ngoại ô phía Nam thành phố San Jose có thêm một ni cô trọng tuổi với đôi mắt buồn vời vợi mới quy y. Đó chính là bà Dương thị Huyền giờ đã gởi thân nơi cửa thiền để lánh bụi hồng trần với pháp danh là ni cô Diệu Đức. Thỉnh thoảng có người nghe ni cô thì thầm trong nước mắt “ Huy ơi! Chờ em anh nhé!” 

Câu chuyện tình buồn đã kết thúc từ đây trong tan tác đau thương.

Nguyên Trần
Toronto 

Hơn bốn mươi năm trời khổ đau 
Hai ta gặp lại tưởng tươi màu 
Ai ngờ con tạo trêu ngươi mãi 
Xui khiến ngàn thu vĩnh biệt nhau. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét