Thứ Ba, 3 tháng 9, 2019

Biến Chứng Của Bịnh Tiểu Đường Và Cách Ngăn Ngừa


Bài viết này chỉ tập trung về những biến chứng của bệnh tiểu đường và cách ngăn ngừa biến chứng. Chẩn đoán và ngăn ngừa bệnh tiểu đường sẽ được đề cập trong một bài viết khác.


Tiểu đường (tuýp 1 và tuýp 2) có thể gây nên nhiều biến chứng.

Bệnh tiểu đường có thể không có triệu chứng lúc ban đầu nên người bị tiểu đường có thể không biết mình bị biến chứng của tiểu đường.

Phát hiện sớm và được chữa trị kịp thời có thể ngăn ngừa những tổn hại lâu dài. Phát hiện những biến chứng trễ thường không giúp người bệnh phục hồi những tổn hại.

Vì vậy những người bị tiểu đường cần phải gặp bác sĩ gia đình để khám tổng quát thường xuyên khi bị tiểu đường.

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng những cơ quan sau đây

1- Mắt
2- Thận
3- Động mạch của tim
4- Bàn chân của người bị tiểu đường.

1- MẮT


Tiểu đường thường ảnh hưởng võng mạc. Nguyên do chính của bệnh võng mạcdo tiểu đường gây ra là những động mạch của võng mạc không cung cấp đủ máu cho võng mạc nên những động mạch này có thể xuất huyết hay tràn dịch vào trong võng mạc làm ảnh hưởng tới thị giác của người bệnh. Một khi võng mạc đã bị ảnh hưởng, những chữa trị chỉ ngăn ngừa thị giác bị ảnh hưởng xấu hơn, nhưng không phục hồi được phần thị giác đã bị tổn hại. Bác sĩcó thể dùng tia laser bắn vào những mạch máu bị ảnh hưỡng đễ giảm bớt xuất huyết hay tràn dịch.

Tiểu đường cũng có thể gây nên bệnh cườm mắt (cataract) hay bệnh cao nhãn áp (glaucoma)

NGƯỜI BỊ TIỂU ĐƯỜNG NÊN KHÁM MẮT MỖI NĂM ĐỄ PHÁT HIỆN SỚM BỆNH MẮT DO TIỂU ĐƯỜNG GÂY RA. NẾU BỊ XUẤT HUYẾT HAY TRÀN DỊCH VÕNG MẠC CẦN GẶP BÁC SĨ THƯỜNG HƠN.

2- THẬN

Tiểu đường là một trong những nguyên do chính gây nên bệnh suy thận kinh niên. Một nguyên do khác gây nên bệnh suy thận kinh niên là áp huyết cao (hypertension) – mà nhiều người bị tiểu đường thường hay bị.

Người bị tiểu đưòng có thể tới bác sĩ để thử microalbumin trong nước tiểu.

Microalbumin là một loại protein trong cơ thể. Microalbumin cao là một trong những dấu hiệu thận suy sớm nhất. Thử thận bằng máu (eGFR) có thể bình thường trong giai đoạn thận suy ban đầu; eGFR chỉ bất thường khi thận suy tương đối nặng. Bệnh nhân bị microalbumin cao trong nước tiểu dễ bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.



Người bị tiểu đường có thể ngăn ngừa hay làm bệnh thận phát triển chậm lại bằng cách:


          1. Kiêng ăn và tập thể dục thường xuyên để giữ mức đường thấp
          2. Giữ áp huyết <140/90 hay thấp hơn (khoảng 120/80) nếu bị microalbumin trong nước tiểu

          3. Uống thuốc ACE inhibitor hay Angiotension II inhibitor
          4. Thử microalbumin thường mỗi năm.

3- ĐỘNG MẠCH TIM


Ngoài bị đường cao, bệnh nhân bị tiểu đường thường bị béo phì, cholesterol, triglyceride (một loại mỡ trong máu) cao và áp huyết cao. Bệnh nhân bị tiểu đường dễ bị bệnh tắc nghẹn động mạch do cholesterol tích tụ trong thành động mạch.

Vì vậy, những ngưòi bị tiểu đường dễ bị bệnh tim (nhồi máu cơ tim), đứt mạch máu não và bệnh động mạch ngoại biên (peripheral vascular disease). Triệu chứng của nhồi máu cơ tim: Đau ngực (như bị ai đè, có thể lan tới cổ, hàm dưới, tay trái, đau hơn khi vận động và sẽ bớt đau hơn khi nghỉ mệt), ói mửa, khó thở, vã mồ hôi, tim đập mạnh. Bệnh nhân bị bịnh động mạch ngoại biên thường cảm thấy đau bắp chân (do thiếu máu) khi đi bộ, chạy. Cơn đau sẽ hết khi bệnh nhân nghỉ ngơi. Trong những trường hợp bệnh động mạch ngoại biên nặng, người bệnh có thể bị đau bắp vế cả khi đã nghỉ vận động.



Để tránh những biến chứng kể trên, người bị tiểu đường có thể:


         1. Không hút thuốc
         2. Kiêng ăn, giảm cânvà tập thể dục thường xuyên để giữ mức đường thấp.
         3. Tránh áp huyết cao (kiêng ăn mặn, bớt uống rượu và tập thể dục +/- uống thuốc áp huyết cao)
         4. Kiêng ăn mỡ +/- uống thuốc nếu mỡ cao
       5. Những người trên 65 tuổi, dưới 65 nhưng bị bệnh nhồi máu cơ tim, đứt mạch máu não hay bệnh động mạch ngoại biên nên uống ASPIRIN để làm loãng máu.

Những người sau đây không nên uống aspirin: phản ứng aspirin, chảy máu do loét bao tử, bị xuất huyết não.

Người bị tiểu đường có thể bị bệnh liệt dương (impotence). Những ngưòi bị bệnh liệt dương nên:

          1. Không hút thuốc.
          2. Kiêng ăn và tập thể dục thường xuyên đễ giữ mức đường thấp.
          3. Tránh uống rượu.
          4. Thuốc như viagra, cialis v.v.

4- BỆNH ẢNH HƯỞNG BÀN CHÂN CỦA BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG.


Người bị tiểu đường có thể bị bệnh thần kinh ngoại biên. Người bị bệnh thần kinh ngoại biên có thể bị tê chân, cảm giác như bị kim chích. Bệnh thần kinh ngoại biên + bệnh động mạch ngoại biên + dễ bị nhiễm trùng làm cho người bị tiểu đường dễ bị loét chân và bị nhiễm trùng. Trường hợp nặng có thể dẫn tới cưa ngón chân, cưa bàn chân (foot amputation) và cưa chân dưới hay trên đầu gối.

Để tránh những biến chứng kể trên, người bị tiểu đưòng có thể:

   . Thực hành những điều nói trong phần 3.
   . Kiểm tra bàn chân thường xuyên để phát hiện sớm những chỗ loét, chỗ da bị dày, nứt lòng bàn chân do da quá khô hay dầy, móng chân dài. Có thể dùng gương để quan sát lòng bàn chân là nơi rất khó thấy nếu không dùng gương.
   . Năng gặp chuyên viênvề những vấn đề về chân hay bác sĩ.
   Gặp bác sĩ để theo dõi bệnh thần kinh ngoại biên + bệnh động mạch ngoại biên.

Những điều người bị tiểu đường nên làm:

   . Thường xuyên quan sát chân.
   . Nếu da khô, nên dùng kem làm ẩm da (moisturizer).
   . Lau chân khô sau khi tắm, nhất là vùng giữa các ngón chân.
   . Cắt móng chân thẳng và đừng ngắn quá.
   .Tránh mang giày chật, nên mang giày thoải mái cho chân
   . Nếu bị loét hay nhiễm trùng chân, nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Những điều người bị tiểu đường không nên:

   . Hút thuốc
   . Đi chân không
   . Để chân trong nước nóng quá, vì nhiều bệnh nhân tiểu đường không cảm thấy đau khi dẫm lên vật nhọn, bị phỏng hay bị loét lòng bàn chân.

Bác sĩ NCT
Melbourne 08/19

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét