Lý Tần 李頻 (818-876) tự Đức Tân 德新, người Thọ Xương 壽昌, Mục Châu 睦州, nay là trấn Lý Gia 李家, Kiến Đức 建德, tỉnh Chiết Giang, đỗ tiến sĩ năm 854, nhậm huyện lệnh huyện Vũ Công 武功 (nay thuộc thành phố Hàm Dương 咸陽, tỉnh Thiểm Tây), tính tình ngay thẳng, làm việc giỏi, được thăng Thị ngự sử 侍禦史, Đô quan viên ngoại lang 都官員外郎.
Năm 874 niên hiệu Can Phù 乾符, Lý Tần dâng biểu tự tiến cử xin nhậm chức Thứ sử Kiến Châu 建州刺史 (nay là Kiến Âu 建甌, Phúc Kiến) là vùng đất loạn vì ảnh hưởng của Hoàng Sào đang hoạt động mạnh tại Cù Châu 衢州, Chiết Giang. Ông bình định được Kiến Châu, giữ vững an ninh, phát triển kinh tế, được dân chúng thương mến quý trọng. Năm 876, ông chết tại nhiệm sở, được dân làm lễ tống táng rất lớn. Sau đó con cháu dời mộ định đem về cải táng tại quê nhà nhưng không được vì chiến loạn, phải chôn dọc đường.
Nguyên tác Dịch âm
渡漢江 Độ Hán giang
嶺外音書絕 Lĩnh ngoại âm thư tuyệt,
經冬復立春 Kinh đông phục lập xuân.
近鄉情更怯 Cận hương tình cánh khiếp,
不敢問來人 Bất cảm vấn lai nhân
Chú giải
漢江 Hán giang tức sông Hán, một chi lưu lớn của Trường Giang, bắt nguồn từ Thiểm Tây, chảy qua Hồ Bắc vào Trường Giang. Khi Tống Chi Vấn từ Lĩnh Nam trở về bắc, qua sông Hán tại vùng phụ cận của Tương Dương.
嶺外 Lĩnh ngoại: Chỉ vùng đất phía nam Ngũ Lĩnh 五嶺, tức Lĩnh Nam 嶺南. Thời Đường các quan chức phạm tội thường bị đày xuống Lĩnh Nam.
來人 lai nhân: ở đây chỉ những người đến hoặc cùng về quê cũ với tác giả khi qua sông Hán.
Dịch nghĩa
Qua Sông Hán
Ở Lĩnh Nam không có tin tức gì bên ngoài,
Mùa đông đã qua, mùa xuân lại tới.
Càng tới gần quê lòng càng kinh hãi,
Không dám hỏi người qua đường.
Dịch Thơ
Qua sông Hán
Lĩnh Nam tin tức hiếm
Đông qua xuân tới rồi.
Càng gần quê càng sợ
Không dám hỏi người đời
Lời bàn
Trước hết xin trích một đoạn lời bàn trong Thi Viện:
“Có sách chép tác giả bài thơ này là Tống Chi Vấn. Năm 705, Võ Tắc Thiên mất hết quyền hành và bị giam lỏng do binh biến phát động bởi Trương Giản Chi 張柬之 và quần thần. Nam sủng Trương Dịch Chi 張易之 và Trương Xương Tông 張昌宗 của Võ Hậu bị giết, Tống Chi Vấn (656-712) thuộc phe nhóm Trương Dịch Chi bị Đường Trung Tông đày xuống Lung Châu 瀧州 làm tham quân. Tháng 10 năm Thần Long đầu (705), Tống Chi Vấn qua Ngũ Lĩnh, xuống Lung Châu (nay là thị trấn La Định 羅定, tỉnh Quảng Đông), đến năm sau, trốn về Lạc Dương ẩn nấp trong nhà Trương Trọng Chi 張仲之. Trên đường về khi qua Hán Thuỷ, Tống Chi Vấn làm bài thơ này.
Trong khi đó, Lý Tần là rường cột của triều đình, được dân thương yêu ủng hộ, trong tiểu sử không thấy nói ông bị đày và có lần trở về miền bắc, hơn nữa ông không có gì phải lo sợ ngại ngùng khi thăm hỏi những người cùng quê, vì vậy có lẽ Lý Tần không phải là tác giả bài thơ này”.
(Hết trích).
Tái bút
Nhân bài này Con Cò có vài lời về những dị bản.
Đôi khi một bài thơ Đường có nhiều dị bản (dị bản thường nằm trong các mộc bản do người đời sau tự ý thay đổi một vài chữ trong bài thơ). Họ nghĩ rằng họ sửa cho thơ hay hơn nhưng họ không biết rằng họ đã vi phạm tác quyền.
Khi soạn bài cho diễn đàn LTCD thế kỷ 21, ÔC thích nhất những bài có ghi ngày, tháng, năm sáng tác. Bài nào càng gần lúc sinh thời của tác giả càng có nhiều triển vọng là nguyên bản. Khả năng và phương tiện của ÔC rất hạn chế nên phần nhiều dùng nguyên bản trong Thi Viện. Trong những trường hợp không tìm được bài có năm tháng sáng tác thì ÔC thích chọn những bài tương đối cũ; cố tránh những dị bản trong các mộc bản của những thế kỷ sau vì chúng thường không phải nguyên bản. ÔC rất ghét cái thói xấu của một số sĩ phu Trung Quốc, cứ tự tiện sửa thơ của tiền nhân (con tự ý sửa thơ của cha cũng không nên, dù câu sửa hay hơn câu nguyên bản cũng không được phép). Người Việt cũng có thói xấu này (Học giả Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ, trong Chuyện Kiều, có nói rằng hai ông cố gắng tìm những câu của nguyên bản chứ không muốn chọn những câu đã được sửa cho hay hơn nguyên bản).
Trong trường hợp có tranh chấp tác quyền (như bài 597 này) thì ÔC chỉ chú ý tới phẩm chất của bài thơ mà không mấy quan tâm tới ai là tác giả.
Con Cò
***
…Nhân bài này Con Cò có vài lời về những dị bản...
Ngày xưa có sách thường được coi là có kiến thức, do đó sách rất quý. Tưởng có thể diệt được kiến thức và văn hóa của một thời đại, Tần Thủy Hoàng cũng như Pol Pot và CSVN năm 1975 đã cho đốt sách và làm nhiều chuyện ác khác.
Chữ dị bản cho ta cái ấn tượng là bản đang dùng là nguyên bản và dị bản là văn bản bị sửa đổi. Chữ dị bản là dịch chữ Hán 一作 nhất tác=một bản khác, chớ không cho biết bản nào là nguyên tác. Các Hán bản Đường thi ở Việt Nam thường chép từ sách của các đời Tống Minh Thanh cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Do trước đây không có phương tiện kiểm tra các Hán bản này thường được coi như nguyên bản, trong khi thật sự nó có thể là bản sao và/hoặc có sửa đổi. Ví dụ cụ thể là bài Độ Hán Giang của Lý Tần mà chúng ta đang bàn luận hôm nay. Tất cả các Hán bản mà chúng ta đã dùng đều là dị bản/bản có sửa chữa.
Cụ Trần Trong Kim khi dịch bài thơ này không làm sao biết được Hán bản cụ dùng có thể không phải là nguyên tác. Cụ dịch câu 2: Qua đông lại lập xuân y như bài trong Thi Viện Kinh đông phục lập xuân http://經冬復立春. Câu này rất đặc biệt vì nó giúp xác định bài thơ được đăng trong sách Cổ Thi Kính - Minh - Lục Thì Ung 古詩鏡-明-陸時雍. Không thấy có sách nào khác xài chữ lập http://http://立=gây dựng, các sách khác, trước cũng như sau đời Minh, xài chữ lịch厯=trải qua.
Hán bản đời nhà Thanh Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁, câu 2 có ghi chú chữ niên年 thay vì đông冬. Nguyên tác bài thơ được Lý Tần chép trong sách Lê Nhạc Tập - Đường – Lý Tần 黎嶽集-唐-李頻 với câu 2: Kinh niên phục lịch xuân 經年復厯春Hết năm xuân lại đến. Bên dưới mới là nguyên tác của Lý Tần:
渡漢江 Độ Hán Giang
嶺外音書絕 Lĩnh ngoại âm thư tuyệt
經年復曆春 Kinh niên phục lịch xuân
近鄉情更怯 Cận hương tình canh khiếp
不敢問來人 Bất cảm vấn lai nhân
Phí Minh Tâm
***
Sang Sông Hán
Lĩnh Nam tin bít kín
Đông tàn tiết lập xuân
Cận quê nghìn mối dính
Toan hỏi lại ngại ngần
Kiều Mộng Hà
Dec.07.2024
***
Qua Hán Giang.
Xóm núi tin ngoài bặt,
Qua đông xuân đã về.
Gần làng càng sợ hãi,
Ngại hỏi khách đường quê.
Mỹ Ngọc phỏng dịch.
Dec. 7/2024
***
Qua Sông Hán
Cõi ngoại tin thơ vắng
Hết đông trở lại xuân
Cận quê lòng khiếp hãi
Đâu dám hỏi xa gần
Cõi ngoài tin tức biệt tăm
Hết đông xuân đến về thăm chốn nhà
Cận quê khiếp hãi lòng ta
Lặng thầm chẳng dám hỏi xa thăm gần!
Lộc Bắc
***
Qua Sông Hán Về Quê
Lĩnh Nam mất bặt tin nhà
Sống hờ, năm hết đông qua xuân chào
Về quê lòng những nghẹn ngào
Đồng hương chẳng dám tiến vào hỏi thăm.
Lĩnh Nam mất bặt tin gia quyến
Năm hết đông tàn xuân lại đến
Trở gót hồi hương lắm ngại ngần
Thấy người chung xóm lặng êm tiếng
Thanh Vân
***
Bài này, ít chữ khó:
*Kinh là qua, trải qua.
*Cảm là dám.
*Lai nhân: người đồng hương, từ quê tới.
Qua Sông Hán
Chẳng được thư từ của Lĩnh Nam,
Đông qua, xuân đến thật êm đềm,
Gần quê, lòng lại càng kinh hãi,
Gặp người mà chẳng dám hỏi thăm.
Bát Sách.
(Ngày 08/12/2024)
***
Nguyên tác: Phiên âm:
渡漢江-李頻 Độ Hán Giang - Lý Tần*
嶺外音書絕 Lĩnh ngoại âm thư tuyệt
經年復厯春** Kinh niên phục lịch xuân
近鄉情更怯 Cận hương tình canh khiếp
不敢問來人 Bất cảm vấn lai nhân
Lê Nhạc Tập - Đường – Lý Tần 黎嶽集-唐-李頻
Đường Nhân Vạn Thủ Tuyệt Cú Tuyển - Tống - Hồng Toại 唐人萬首絕句選-宋-洪遂
Cổ Thi Kính - Minh - Lục Thì Ung 古詩鏡-明-陸時雍
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁
Dị bản:
Nguyên tác được Lý Tần chép trong sách Lê Nhạc Tập.
*Có nơi cho thi nhân bài thơ là Tống Chi Vấn 宋之問 thay vì Lý Tần 李頻
**Câu 2: 冬 đông thay vì 年=niên
Dịch nghĩa:
Qua Sông Hán
Bị đày đến Lĩnh Nam, thư tín với người thân bị cắt đứt
Sống sót qua một năm xuân lại đếni.
Về gần quê nhà tôi càng rụt rè lo sợ,
Không dám hỏi người đến từ quê nhà.
Dịch thơ:
Qua Sông Hán
Lĩnh Nam bặt tin nhà
Hết năm xuân lại qua
Gần quê lòng e ngại
Không dám hỏi người ta.
渡漢江-李頻 Crossing the Han River by Li Pin
Ying Sun © 2008
嶺外音書絶 Mail is cut off where I came fro
經年復厯春 Winter is gone and spring has come
近鄉情更怯 Now so close to home I feel shy,
不敢問来人 And dare not ask people passing by.
Phí Minh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét