Hai chữ giang hồ không mấy xa lạ trong đời sống của mỗi người đều thường đề cập trong thơ, văn, điện ảnh… và cũng là câu nói thường tình với cá nhân, nhóm người trong xã hội.
Tác phẩm Thủy Hử ban đầu là Giang Hồ Khách Truyện, sau lấy tên là Thủy Hử vì “căn cứ địa” Lương Sơn là vùng đầm, hồ nên Thủy Hử (bến nước). Truyện nầy qua bản dịch của La Thần và Á Nam Trần Tuấn Khải, gồm 3 cuốn, năm 1973, sau đó với Tử Vi Lang nên rất quen thuộc với độc giả Việt Nam.
Trong truyện Thủy Hử của của nhà văn Thi Nại Am (1296-1372) ở Trung Hoa vào triều Nguyên-Mông (1295-1368), kể về câu chuyện của Tống Giang triều nhà Tống, nổi dậy kéo theo “giang hồ hảo hán” gồm 108 người đến núi Lương Sơn. Gọi là anh hùng Lương Sơn Bạc.
Tác giả phác họa chân dung từng nhân vật tầng lớp nông dân, võ biền “thế thiên hành đạo” chống lại ách độc tài của triều đình.
Sau khi Thi Nại Am đã sáng tác xong 70 hồi truyện Thủy Hử, vua nhà Nguyên tuy đã cướp ngôi nhà Tống nhưng đọc xong truyện đã nổi giận bắt giam Thi Nại Am và hạ lệnh phải viết tiếp đoạn sau, kể về việc Lương Sơn Bạc bị dẹp, nếu không sẽ bị xử tội. Lý do của vua Nguyên là sự nổi dậy của “nghĩa quân” sẽ ảnh hưởng cho chế độ hiện tại.
Thi Nại Am lo lắng, liên lạc với học trò là La Quán Trung (1330-1400, tác giả Tam Quốc Diễn Nghĩa) tới nhà lao cùng bàn bạc. Hai người cùng viết tiếp Hậu Thủy Hử kể việc thất bại của quân Tống Giang. Sau 1 năm, Hậu Thủy Hử hoàn thành, hai thầy trò mang dâng vua Nguyên. Vua Nguyên xem xong bằng lòng, hạ lệnh thả Thi Nại Am.
Chương đầu của Thủy Hử, khi kể về sự hình thành của nhóm hảo hán Lương Sơn Bạc, Thi Nại Am viết: “Những người trong giang hồ có nghĩa khí đều tụ hội ở Lương Sơn Bạc”.
Khi Chu Nguyên Chương (1328-1398), xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ, từng giữ dê chăn bò cho địa chủ, khi gia nhập nghĩa quân Quách Tử Hưng, dần dà lập công trạng tiêu diệt Trần Hữu Lượng rồi dẫn 25 vạn đại quân Bắc phạt chiếm được Sơn Đông. Quân nhà Nguyên chạy về Mông Cổ. Tháng Giêng năm 1368, Chu Nguyên Chương xưng Đế, đặt quốc hiệu là Minh, trở thành vua Minh Thái Tổ. Chu Nguyên Chương gọi Thi Nại Am làm quan nhưng ông từ chối, ông nhuận sắc lại Thủy Hử viết chung với La Quán Trung (có tài viết chương, hồi và hư cấu) lưu lại hậu thế. Vì Chu Nguyên Chương gốc gác như như các nhân vật của Lương Sơn Bạc và sự đời “Được làm vua, thua làm giặc” nên chữ nghĩa văn chương biến hóa từ “giặc” (khi thua) thành “nghĩa quân” khi lật đổ quan quân, triều đình… Trong quyển Ỷ Thiên Đồ Long của Kim Dung đề cập đến Chu Nguyên Chương với hình ảnh hư cấu “Chu Nguyên Chương thống lĩnh Minh Giáo và nhờ binh pháp trong Vũ Mục Di Thư đánh đuổi người Mông Cổ, lập ra nhà Minh”.
“Giang hồ” từ Việt gốc Hán. Chữ “giang” thuộc bộ thủy, nghĩa là “sông”; “hồ” cũng thuộc bộ thủy nên “giang hồ” chính là “sông và hồ”. Danh từ “Giang” và “Hồ” khi đi với nhau thành tính từ, không còn liên quan gì đến nghĩa của từ gốc
Trong Tầm Nguyên Từ Điển của Bửu Kế (Sài Gòn 1955): “Giang là sông; Hồ là hồ nước... nghĩa bóng là người sống lang bạt, bất định. Cảnh sống nay đây mai đó, tự do, phóng túng như “thú giang hồ, giang hồ lãng tử” không bị ràng buộc trong phép vua, lệ làng…
Theo học giả Đào Duy Anh “Nghĩa đen là sông hồ, xuất phát từ chữ Tam Giang (sông Trường Giang, sông Hán Giang và hồ Bành Lãi; Ngũ Hồ (năm hồ lớn của Trung Hoa) nơi người ta hay đến chơi, sau đó chữ giang hồ chỉ những người ngao du nay đây mai đó, hoặc những người lang thang không theo triều đình. Khi áp dụng cho đàn bà, nó chỉ người làm gái điếm”.
Trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đã linh động sử dụng hai chữ giang hồ uyển chuyển tùy theo mỗi trường hợp.
Từ Hải có ý chí độc lập ngang tàng, không chấp nhận sự khuất phục của triều đình nên:
“Đội trời đạp đất ở đời,
Họ Từ, tên Hải vốn người Việt Đông.
Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”.
(Câu 1791-1793)
Nhưng khi Thúc Sinh nói với Hoạn Thư về nàng Kiều thì Nguyễn Du đã dùng giang hồ theo một hàm ý khác:
“Tiếc thay lưu lạc giang hồ,
Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài”.
(Câu 1989-1990)
Hay hình ảnh khi Hoạn Thư nổi cơn ghen vì vậy Thúy Kiều cảm thấy:
“Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ,
Một màu quan tái bốn mùa gió trăng”
(Câu 1595-1596)
Trong thi ca cũng thường đề cập đến hai chữ giang hồ, điển hình như các bậc tiền nhân:
Giang Hành, bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi
“Tây tân sơ nghĩ trạo
Phong cảnh tiện giang hồ
Vũ quá sơn dung sấu
Thiên trường nhạn ảnh cô…”
(Bến tây thuyền mới ghé mái,
Phong cảnh đã là giang hồ rồi.
Mưa qua rồi trông dáng núi gầy;
Trời rộng bóng nhạn như đơn chiếc...)
Bài thơ chữ Hán Giang Hồ Ngụ Hứng của Nguyễn Thượng Hiền:
“Giang hồ ngụ khách,
Thiên địa tản nhân.
Nhất tháp nhàn ngâm,
Chung niên lãn ngoạ…”
Quốc Kêu Cảm Hứng của nhà thơ Nguyễn Khuyến
“Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
Đây hồn Thục Đế thác bao giờ…
Ban đêm ròng rã kêu ai đó?
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ”.
Vào thời tiền chiến với các nhà thơ:
Bài thơ Dâng Tình của Vũ Hoàng Chương với hai chữ giang hồ:
“Lũ chúng em chờ chàng qua chín kiếp
Tình giang hồ phong nhụy vẫn nguyên hương…
… Tình nhân thế chua cay người lịch duyệt
Niềm giang hồ tan tác lệ Giang Châu”
Bài thơ Mộng Xuân Hương của Bích Khê:
“Nửa cánh giang hồ bạt nhớ thương
Đêm nay buồn lắm, gục bên giường
Ngoài ly Lý Bạch trời như mộng
Sau khói phù dung mộng cố hương”
Trong văn chương, ngày xưa hai chữ giang hồ liên quan với kiếm khách, điển hình như tác phẩm Giang Hồ Kiếm Khách của nhà văn Nhật Yoshikawa Eiji. Ban đầu truyện nầy đăng tải trên báo Asahi, tác giả dự tính chỉ vài chục chương nhưng rất lôi cuốn độc giả ái mộ nên tờ báo yêu cầu tác giả viết tiếp vì vậy đăng liên tục từ ngày 23 tháng 8 năm 1935 đến ngày 11 tháng 7 năm 1939. Sau đó in thành sách gồm năm tập khoảng một nghìn năm trăm trang.
Bối cảnh xảy ra ở thế kỷ 16 viết về cuộc đời kiếm sĩ Musashi từ thuở thiếu niên với nhiều bất trắc, quyết lập thân bằng kiếm đạo cho đến lúc trở thành kiếm sĩ vang danh thiên hạ. Kiếm khách thời đó dưới sự thống trị của kẻ quyền lực nên lộng hành trấn áp khắp nơi. Dĩ nhiên “tức nước vỡ bờ” nên có sự nổi dậy của kiếm sĩ chống lại ách độc tài. Đây là một trong những tác phẩm kinh điển nổi tiếng của Nhật.
Và, điển hình như tác phẩm hư cấu Tiếu Ngạo Giang Hồ của nhà văn Kim Dung trong chốn võ lâm. Nhà văn Cổ Long với Tuyệt Đại Song Kiêu hay Giang Hồ Thập Ác ở Đài Loan vào giữa thập niên 1960.
Tiếu Ngạo Giang Hồ là một trong những tác phẩm rất ăn khách với độc giả ở miền Nam Việt Nam cũng vào thập niên 1960’ ở Hồng Kông. Tác phẩm đặt theo bản nhạc cầm tiêu hợp tấu giữa hai cao thủ võ lâm chánh/tà. Lưu Chính Phong của phái Hành Sơn và Khúc Dương của Nhật Nguyệt Thần Giáo cảm thấy chốn võ lâm gió tanh mưa máu nên quyết định rời khỏi chốn võ lâm “gió tanh mưa máu” dùng âm nhạc ngao du với đất trời nhưng rồi bị hai phe chính/tà truy sát. Khúc nhạc đó truyền lại cho Lệnh Hồ Xung, chánh phái Võ Đang và Nhậm Doanh Doanh, tà phái Nhật Nguyệt Thần Giáo… Trải qua bao sóng gió, oan nghiệt, cuối cùng hai người trai tài, gái sắc chán cảnh thị phi, chém giết, dắt tay nhau tiếu ngạo giang hồ.
“Chiều nay sương gió, lữ khách dừng bên quán xưa
Mơ màng nghe tiếng chuông chiều, vương về bên quán tiêu điều…
Tới đây nơi xưa, gió êm êm đưa
Áng mây trôi tới xa xôi khuất nơi sau đồi
Quán tranh xiêu xiêu, chốn đây cô liêu,
Nhắc cho ta biết bao nhiêu dáng xưa yêu kiều…
Đã bao năm qua, sống nơi phương xa,
Về phương cũ đành dừng bước chân giang hồ”
Ca khúc Tình Kỹ Nữ của nhạc sĩ Phạm Duy
“Đêm nay đôi người khách giang hồ
Gặp nhau tình trăng nước
Sánh vai nhịp bước giang hồ
Kề vai ước xây nhà bên suối
Kề môi ước gây vài đường tơ…
… Đêm nay khi tàn giấc mơ vàng
Ngồi đây sầu ngơ ngác
Ngắm bao tình khách giang hồ
Lòng ta nhớ duyên tình kỹ nữ
Lòng ta nhớ cung đàn mùa xưa”.
***
Sau năm 1975 ở trong Nam có hai bài thơ viết về Giang Hồ rất thú vị.
Nhà thơ Linh Phương, Thư ký tòa soạn tuần san Tinh Hoa Nữ Sinh 1967. Tác giả bài thơ Kỷ Vật Cho Em, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc trước năm 1975 được phổ biến rộng rãi. Tác phẩm đã xuất bản: Thơ Tình Linh Phương (Thơ - NXB. Ngựa Hồng – Sài Gòn 1967), Kỷ Vật Cho Em (Thơ - NXB. Động Đất – Sài Gòn 1971), anh đã phục vụ trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến.
Giang Hồ
“Giang hồ từ thuở
ta thất thế
Chí lớn không thành thà ẩn cư
Viễn xứ. Ờ! Thôi thì viễn xứ
Hết đời phiêu bạt chốn quê xa…
… Cha xưa cầm súng ra đánh trận
Bỏ xác trên rừng mấy mươi năm
Lần đi đưa tiễn - tay chưa nắm
Vạt áo che ngang mẹ khóc thầm…
… Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Vẫn thấy lòng đau rứt ruột đau
Thèm nghe tiếng dế thời thơ ấu
Ngắm cánh diều bay giữa vô cùng
Giang hồ. Ta giang hồ trăm bận
Thầm hẹn mai này quy cố hương
Ta về làm bạn cùng chim chóc
Lẫn với muỗi mòng chín cửa sông”
Bài thơ Giang Hồ của Phạm Hữu Quang, quê An Giang, cựu sinh viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và Đại Học Cần Thơ, bị stroke lần thứ hai, qua đời ngày 28/4/2000 lúc 49 tuổi. Phạm Hữu Quang viết bài thơ vào tháng 5/1991.
Giang Hồ
“… Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày ta đi chỉ có tay không…
Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình…
Giang hồ có buổi ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chửa chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một gốc si
Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ. Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu
Giang hồ ta chẳng hay áo rách
Sá gì chải lược với soi gương…
Giang hồ ba bữa buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hoá rừng
Chân sẵn dép giày, trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung...
Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta khóc mới hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”.
Vương Trùng Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét