Thứ Ba, 17 tháng 12, 2024

Ba Nữ Tiểu Thuyết Gia Nhà Brontë: Bi Kịch Đời Sống Đã Ảnh Hưởng Đến Những Cuốn Tiểu Thuyết Nổi Tiếng

 

Tôi thường ao ước đến nước Anh, Anh Quốc chỉ vì một lý do duy nhất là được viếng mộ ba chị em nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng của gia đình Brontë. Tôi đã lên kế hoạch nhiều lần; tuy nhiên, vì công việc bận rộn không dứt và tiếp đó là đại dịch Covid, dự định đành hoãn lại từ năm này qua năm khác. Vào tháng chín năm 2024, nhân dịp tham dự Đại Hội Văn Bút Quốc Tế lần thứ 90 từ ngày 23 đến ngày 27 tại Oxford, tôi đã cố gắng thực hiện nguyện vọng của mình. Sở dĩ tôi  muốn viếng mộ của ba nữ tiểu thuyết gia  Charlotte Brontë, tác giả cuốn Jane Eyre, Emily Brontë tác giả cuốn Wuthering Heights(1847) và Anne Brontë tác giả cuốn Agnes Grey(1847)và The Tenant of Wildfell Hall (1848) vì tôi muốn tỏ lòng tôn kính và ngưỡng mộ sự tài ba của ba chị em  nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng của Vương Quốc Anh. Nhưng tôi đã không ngờ trong chuyến viếng Nhà Xứ của Mục Sư Brontë, nay là Bảo Tàng viện Brontë, tôi biết khá nhiều điều thú vị về thân thế, gia đình, tình yêu, và hoàn cảnh sống của ba chị em nữ sĩ tài hoa bạc mệnh. Đồng thời, hiểu rõ hơn về những vấn đề ảnh hưởng đến sự ra đời của những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của họ.

 Sáu giờ sáng ngày thứ bảy 28 tháng 9 năm 2024, vợ chồng chúng tôi lấy tắc xi từ khách sạn London đến nhà ga Paddington để kịp đáp chuyến tàu hỏa về miền Đông Bắc LNER Train (Line North East Rail Train) khởi hành vào lúc 7 giờ 30 sáng để đến ga Leeds. Từ ga Leeds chúng tôi tiếp tục đón chuyến xe lửa khác đến ga Keighley. Chúng tôi đã mất hơn ba tiếng đồng hồ  khi dùng phương tiện xe lửa và mất thêm nửa giờ đi tắc xi từ nhà ga Keighley đến Haworth.

Nhà Mục Sư Brontë tọa lạc ở điểm cao nhất của ngôi làng Haworth nơi có những căn nhà san sát với những hàng cây bao quanh. Cấu trúc của ngôi làng dù đã hơn một thế kỷ rưỡi, kể từ khi Mục Sư Patrick Brontë và vợ con ông  đến sinh sống ở đây vào năm 1820  cho đến nay, vẫn không thay đổi. Chỉ có khác là lúc đó, đa số người dân ở vùng này làm việc tại nhà bằng nghề chải len cho các nhà máy kéo sợi. Và nghề dệt vải là nghề chính của họ. Ngôi làng không có cống thoát nước, và vị trí nghĩa địa nằm trên đỉnh đồi với những tấm bia mộ bằng phẳng nằm ngang trên các thi thể đã khiến nguồn cung cấp nước cho cả ngôi làng đều bị ô nhiễm. Do điều kiện làm việc không thích hợp và điều kiện vệ sinh không lành mạnh, trung bình tuổi thọ ở nơi đây rất thấp. Tuổi thọ trung bình từ hai mươi lăm đến ba mươi tuổi.  Các chị em nhà Brontë có lẽ đã chứng kiến khu nghĩa địa chật kín thi thể của bạn bè và người quen của họ dưới những tấm bia hùng vĩ trong khu nghĩa địa gần đó. Một nơi dường như thống trị khung cảnh của ngôi làng.

 Khi đến nơi đây, tôi đã có dịp hình dung được hoàn cảnh sống mà các nữ văn sĩ Charlotte, Emily và Anne trải qua khi họ viết văn, làm thơ. Những cuốn tiểu thuyết có lẽ đã mang lại cho họ niềm vui và giải tỏa phần nào về những u uất và khó khăn mà họ phải vượt qua khi sống ở nơi này.Và có lẽ ba chị em tiểu thuyết gia nổi tiếng này không ngờ qua bao nhiêu năm tháng, những câu chuyện  mà họ  xây dựng từ hoàn cảnh sống, từ những nhân vật thật và trí tưởng tượng, đã  truyền cảm hứng cho độc giả đến tận hôm nay.

Khi nói về chị em ba nữ tiểu thuyết gia Charlotte Brontë, Emily Brontë and Anne Brontë, chúng ta nên bắt đầu  câu chuyện về người cha đáng kính của họ, mục sư  Patrick Brontë. Mục sư Patrick Brontë là con trai cả của mười người con trong gia đình nghèo, quê ở Ái Nhĩ Lan.Vì sinh vào ngày thánh Patrick năm 1777 nên  ông được đặt tên là Patrick. Cha ông Patrick là người Tin Lành và mẹ ông là người Công Giáo. Nhờ  vận may, ông được học bổng vào trường Thần Học St John’s College Cambridge, nơi xây dựng sự nghiệp trong nhà thờ cho sinh viên sau khi  họ ra trường. Đây là thành tích nổi bật đáng kể đối với người gốc Ái Nhĩ Lan xuất thân từ gia đình đông con và chật vật. Tại trường Cambridge, họ Brontë lần đầu tiên xuất hiện khi chàng thanh niên với tên Patrick Brunty nay đổi thành Patrick Brontë. Không ai rõ lý do Patrick đổi họ từ Brunty thành Brontë. Ông đổi hai nguyên âm u,y thành o,e. Có thể do lòng ngưỡng mộ của Patrick đối với Horatio Nelson, người đảm nhận tước hiệu Công tước xứ Brontë.  

Là người yêu thích văn chương, Patrick Brontë xuất bản nhiều tập thơ như tập thơ như Những Suy  Tư trong buổi tối Mùa Đông(Winter Evening Thoughts- năm 1810)  có 256 dòng và Tuyển Tập những vần thơ đạo đức (a collection of moral verses, and Cottage Poems) vào năm1811. Ông cũng đã tận dụng nhiều cơ hội để trở thành giám tuyển ở một số giáo xứ và phát triển sự nghiệp phục vụ nhà thờ nhiều hơn nữa.  Năm 1809, ông được bổ nhiệm làm trợ lý tại nhà thờ All Saints Wellington ở Shropshire. Tại đây ông kết thân với John Fennell, người kết hôn với Jane Branwell, một phụ nữ gốc Cornish. Người Cornish là dân tộc thiểu số ở Anh, có nguồn gốc từ Cornwall và Quần đảo Scilly. Họ là hậu duệ của người Anh cổ đại sống ở  nước Anh trước cuộc chinh phục của người La Mã.

 Khi vợ chồng Fennell nhận nhiệm vụ tại Woodhouse Grove ở trường học Wesleyan gần Bradford, một cô gái tên Maria Branwell 29 tuổi, mồ côi cha (the death of Thomas Branwell in 1809) đến giúp việc. Cô Maria Branwell là cháu gái của bà Fennell (tên thời con gái là Jane Branwell). Cô Maria Branwell gặp ông Patrick Brontë khi ông đến trường để kiểm tra học sinh thần học vào tháng 7 năm 1812. Họ đã làm quen và sau đó kết hôn vào ngày 29 tháng 12 năm ấy.

Vợ chồng Brontë lần lượt có sáu người con, gồm Maria sinh năm 1814, Elizabeth 1815, Charlotte 1816, Patrich Branwell 1817, Emily 1818 và Annee 1820. Đây là những năm tháng hạnh phúc của gia đình Brontë vì họ tận hưởng cuộc sống năng động của xã hội với những người  bạn thân thiết ở Thornton gần Bradford.

 Sau đó, mục sư Patrick Brontë được đề cử thăng chức với số lương nhiều hơn và được cấp căn nhà lớn hơn chỉ cách năm dặm xuyên qua cánh đồng hoang ở Haworth. Ai cũng nghĩ đó là cơ hội tốt cho gia đình ông, nhưng không ai có thể ngờ những rắc rối đang chờ đợi phía trước. Ngôi nhà đẹp được xây dựng từ năm 1778 đến năm 1779 có lát sàn đá ở các phòng ở tầng dưới đã làm cho căn nhà luôn bị lạnh. Thêm vào đó, mục sư Patrick Brontë thường có những nỗi sợ hãi về những cuộc hỏa hoạn nên ông không cho lót thảm hay treo màn cửa. Những điều này khiến cho căn nhà  trên đỉnh đồi lộng gió, luôn lạnh buốt vào những ngày đông giá.

 Với bút danh nam giới Ellis Bell, thơ của Emily Brontë bàng bạc về cái lạnh và sự hoang vắng nơi này  trong những bài thơ của mình như sau:

     

 Tại Haworth, t tháng 5 năm 1821, sức khỏe của bà Maria Brontë ngày càng yếu và sáu đứa nhỏ con bà đều mắc bệnh ban đỏ. Dần dần, bệnh của bà Brontë càng nặng hơn và đau đớn vì chứng bệnh ung thư. Mục sư Patrick Brontë chịu đựng quá sức vì một mình phải đương đầu với tình trạng sức khỏe của vợ con trong gia đình lại phải chăm lo công việc giáo xứ. Thế nên, chị gái của bà Maria Brontë là dì Elizabeth Branwell đã đến từ Cornwall để chăm sóc dùm cho cả một gia đình ốm yếu và cô lập.

Bà Maria Brontë bất chấp sự hiện diện và những lời an ủi của chị gái Elizabeth Branwell, thống khổ thốt lên những lời bi thảm trước khi hấp hối rằng “Ôi Chúa ơi, những đứa con tội nghiệp của con! Ôi Chúa ơi, những đứa con tội nghiệp của con!”  Sau đó, bà đã qua đời vào ngày 15 tháng 1 năm 1821 và là người đầu tiên được chôn trong nhà thờ Haworth.

          Dì Elizabeth Branwell là tấm gương điển hình về chủ nghĩa Giám Lý Wesleyan. Khi bà cố gắng làm tròn trách nhiệm chăm sóc gia đình của Patrick Brontë, bà nhận rõ giá trị của những ngày nắng ấm ở Cornwall, đồng thời nhận ra viễn ảnh đen tối của s lạnh buốt ở nhà giáo xứ tại Yorshire, nơi sẽ là nhà của bà trong suốt quãng đời còn lại.  

Khi gia đình Brontë nguôi ngoai và thích nghi dần với sự mất mát đau buồn, mục sư Patrick Brontë đã cố gắng tìm kế mẫu cho các con và một người bạn đồng hành cho mình nhưng ông đã thất bại sau những lần cầu hôn với những người phụ nữ phù hợp. Ông đã bị họ từ chối một cách kiên quyết.  Từ đó, ông trở nên thu mình và xa lánh mọi người. Thậm chí ông chỉ ăn một mình, không ăn cùng với các con của ông. Ông dần trở thành người cha Victoria mẫu mực,  khắc khổ và khó gần đến mức cực đoan. Tuy nhiên, cho dù hành vi của ông ra sao, chắc chắn là ông rất thương các con của ông. Và theo ông, hành động nghiêm khắc của ông chỉ là vì lợi ích cho chúng.

Vào tháng 7 năm 1824, hai con gái lớn Maria lên mười(10)  và Elizabeth lên chín (9) được gửi vào trường Nữ Giáo sĩ  tại Cowan Bridge(The Clergy Daughter’s school at Cowan).  Đến tháng tám, rồi tháng mười một Charlotte và Emily cũng được gửi vào cùng trường này. Mặc dù lúc đó Charlotte chỉ mới tám tuổi nhưng cô không bao giờ quên kỷ niệm ở trường này và người hiệu trưởng Tin lành đáng kinh sợ ở đó.  Mục sư Carys Wilson, một người đã được hiện diện trong những năm sau đó trong nhân vật Brocklehurst của tiểu thuyết Jane Eyre. Một ông hiệu trưởng độc ác, đạo đức giả và đầy lòng hận thù và kẻ luôn tìm cách hành hạ nhân vật nữ chính Jane Eyre. Khi đọc tác phẩm Jane Eyre, đc giả chắc chắn thấu rõ hàng loạt việc làm tàn ác đến đau lòng của người này đối với trẻ em dựa trên sự trải nghiệm của Charlotte tại trường ở Cowan Bridge.

Vào tháng hai năm 1825, người chị cả Maria Brontë được mười một tuổi. Cô bị bệnh nặng nên được đưa về nhà ở Howard. Cô qua đời vào ngày 6 tháng 5 và được chôn cất cùng mẹ tại nhà thờ Haworth. Người chị thứ hai Elizabeth cũng bị bệnh và được về nhà vào ngày 31 tháng 5. Mục sư Patrick Brontë vội vã đưa Charlotte và Emily về nhà ngay sau đó. Mặc dù cả hai đều bị bệnh nhưng đều bình phục trong lúc Elizabeth không thể vượt qua. Cô đã được chôn cùng mẹ và chị  gái trong hầm Brontë vào ngày 15 tháng 7 năm 1825. Sự việc đau long liên tiếp xảy ra khiến bốn người con còn lại  trở nên rất thân thiết với nhau. Họ thường  an ủi lẫn nhau khi đi trên  những cánh đồng hoang dã phía trên đồi; trong lúc người dì Elizabeth bàn với Mục sư Patrick Brontë về trách nhiệm đối với việc học hành của đứa con trai duy nhất của ông.Trong giai đoạn này, gia đình vẫn mong đợi những điều tuyệt vời  từ Branwell Brontë, người con trai duy nhất có thể chu cấp cho chị em gái của anh ta.

Ngày 5 tháng 6 năm 1826 là một ngày đáng nhớ của cả gia đình Brontë và thế giới văn học. Patrick mang mấy chú lính đồ chơi về nhà cho Branwell và cả bốn đứa trẻ đều thích chúng. Những người lính này đã truyền cảm hứng cho bọn trẻ tạo ra những thế giới tưởng tượng về con người bằng những nhân vật anh hùng được sao chép từ tạp chí Blackwood rất nổi tiếng đối với những đứa trẻ của gia đình Brontë. Chúng được chuyển đến nhà xứ Brontë và bọn trẻ bắt đầu viết câu chuyện của mình ra giấy giống như thể chúng viết tạp chí. Ngoài ra, những từ liên quan đến thế giới tự nhiên về địa lý là nguồn cung cấp  thêm những khung cảnh cho trí tưởng tượng của chúng đưa chúng vượt xa hơn vùng đồng hoang Yorkshire, một thế giới duy nhất mà chúng biết.

Blackwood được viết bởi những người đóng góp thường xuyên. Điều này có nghĩa là những độc giả như mấy đứa trẻ nhà Brontë đã quen thuộc với các nhân vật và phong cách của họ. Những văn bản sống động của họ( các nhân vật lịch sử và hư cấu và diễn các vở kịch nhỏ) đã mang lại chiều sâu cho ý tưởng mới và  làm giàu thêm trí tưởng tượng của những đứa trẻ nhà Brontë. Anh chị em nhà Brontë xuất bản tạp chí Blackwood's Young Men's Magazine vào năm 1829.

Thị trấn Thủy tinh (The Glass Town), Angria và Gondal  là những thế giới tưởng tượng chung của Charlotte Brontë, Branwell Brontë, Emily Brontë và Anne Brontë. Họ viết qua các bức thư và nhật ký của họ rồi gửi cho nhau xem trong nhiều năm. Điều thú vị nhất là Branwell cũng tham gia tích cực cùng với các cô gái trong việc sáng tác những tác phẩm văn học đầu tiên này. Những đứa trẻ Brontë thông minh và thận trọng khi viết chuyện. Mặc dù mục sư Brontë quan tâm đến thế giới quân sự nhưng ông không tán thành việc con mình viết những câu chuyện về vấn đề này. Biết cha mình bị cận thị nặng, và ông không thể đọc được những cuốn sách nhỏ xíu; mấy chị em nhà Brontë tự do viết những gì họ muốn  trong những quyển sách nhỏ xíu để tránh bị kiểm duyệt.Tuy nhiên, nội dung về vấn đề này này chưa bao giờ làm cho những câu chuyện của họ trở nên nổi tiếng.  Và mặc dù vậy, cho đến ngày nay, tất cả các câu chuyện được ghi lại bằng những chữ nhỏ xíu trong những quyển sách nhỏ xíu vẫn còn là nguồn mê hoặc cho độc giả trên toàn thế giới. 

 Sau cái chết bi thảm của hai đứa con gái lớn do bị gửi đi học trường xa, mục sư Patrick Brontë đã chần chừ khi quyết định để những đứa con còn lại của mình rời nhà đi học xa trong một thế giới mà sự thay đổi công nghiệp đang tạo cho giáo dục phù hợp với xu hướng mới. Hầu hết các trang thiết bị giáo dục được sử dụng trong các học viện đều phục vụ cho sự tiến bộ của xã hội. Ông nhận định rằng nếu những đứa trẻ Brontë muốn được tiến bộ trong thời đại mới, chúng phải vượt ra khỏi giới hạn của Nhà X Haworth.

Vào tháng 1 năm 1831, trước sinh nhật thứ 15 của mình, Charlotte rời Haworth để đến trường nội trú của cô Margaret Wooler ở Mirfield, Roe Head( cách nhà 20 dặm). Nơi đây Charlotte có hai người bạn thân thiết là Ellen Nussey và Mary Taylor. Charlotte được nhận xét là người rất nhút nhát, e dè và nói tiếng Ái Nhĩ Lan.  Y phục của cô  giản dị và cũ kỹ trong lúc đôi mắt của cô lúc nào cũng có vẻ như đang cố gắng tìm cách nhìn rõ mọi vật. Tuy nhiên, cô là người thông minh và luôn học hành chăm chỉ. Có lẽ cô đã ý thức được giáo dục có thể mang lại thu nhập cho người ở hoàn cảnh như qua việc dạy học ở trường hoặc làm gia sư cho những gia đình giàu có. Charlotte đã  thành công ngay  khi còn là học sinh và được hoan nghênh trở lại làm cô giáo  cho trường vào năm 1835. Đây là cơ hội tuyệt vời để Emily được cùng chị gái học trong trường của cô  Margaret Wooler với tư cách là học trò ngay cả khi cô  Charlotte còn rất trẻ. Emily là một nhân vật phức tạp, thường gây ấn tượng về sự lơ đễnh và vụng về. Cô không chú tâm vào việc học và thường nhớ nhà. Khát khao trở về nhà ở Haworth và sự tự do lang thang trên đồng những cánh đồng hoang dường như không thể thực hiện trong hoàn cảnh hiện tại của cô. Vì điều này, sức khỏe của Emily suy yếu dần hơn ai hết, Charlotte hiểu em gái mình mong ước điều gì. Và vì thế, Charlotte hiểu là phải làm gì để giúp em.

 “Mỗi sáng, khi Emily thức dậy, hình ảnh về ngôi nhà thân yêu và cánh đồng hoang ùa về trong ký ức của em, khiến ngày hôm đó trở nên u ám và buồn bã trước mắt em. Không ai biết điều đó đã làm em ấy đau khổ ngoại trừ tôi. Trong thâm tâm tôi cảm thấy em  sẽ chết nếu không  được về nhà. Chỉ có niềm tin này mới khiến em ấy phục hồi trở lại!”

          Sau khi Emily quay vnhà, Anne thế chỗ, chuyển sang học  trường của cô Woolers. Mặc dù cũng nhút nhát như Emily nhưng Anne có thể đương đầu với nỗi nhớ nhà. Anne trông hấp dẫn hơn các chị gái theo lời mô tả của Ellen Nussey, bạn thân của Charlotte:

Anne, Anne dịu dàng dễ thương với dung mạo khá khác biệt so với những người khác. Cô ấy là người được dì yêu thích nhất. Mái tóc của cô có màu nâu nhạt được uốn thành những lọn xoăn duyên dáng trên cổ, rất đẹp . Cô ấy có đôi mắt xanh đáng yêu với đôi lông mày như được kẻ khéo bằng bút chì và nước da gần như trong suốt.

Hai năm học với cô Wooler là thời gian học tập chính thức của Anne. Branwell Brontë, trái lại, tương lai cho khả năng nghệ thuật của anh dường như bị bóp nghẹt bởi sự kỳ vọng khá cao của gia đình và có lẽ bởi  bản cht yếu đuối của anh khi anh được gửi đến Luân Đôn vào học viện Hoàng Gia. Do không đủ tiền để học hội họa, anh trở lại Haworth trong sự buồn tủi.  Anh đã phung phí tiêu xài tiền cho rượu và ma túy. Branwell không đẹp trai và khá thấp giống như Charlotte . Qua bức chân dung tự họa của anh cho thấy ngoại hình của anh ta sẽ khá kỳ dị, nhất là khi chịu ảnh hưởng của rượu và thuốc phiện.

Tháng 9 năm 1838 Emily đã khiến cho gia đình Brontë ngạc nhiên khi cô chịu nhận làm cô giáo cho trường nữ Law Hill của cô hiệu trưởng Elizabeth Patchett, trên những ngọn đồi phía trên Halifax. Nhưng thời gian ở đó chỉ kéo dài khoảng sáu tháng. Charlotte bị trầm cảm khi dạy học ở trường Row Head của cô Woolers nên từ nhiệm vào tháng 12 năm 1838. Năm 1839, Anne trở thành gia sư của Gia đình Ingham và Charlotte đảm nhận chức vụ tương tự cho gia đình Sidgwick tại Skipton.

(John Benson Sidgwick (1835–1927), một đứa trẻ hư đã từng ném Kinh thánh vào Charlotte, sự việc đã truyền cảm hứng cho một phần chương mở đầu của Jane Eyre trong đó John Reed ném một cuốn sách vào Jane. Charlotte Brontë không thích công việc gia sư của mình. Cô cho rằng chủ nhân đối xử với cô gần như một nô lệ, liên tục làm nhục cô về vóc dáng nhỏ nhắn và cao chưa đến năm feet.)

          Làm gia sư là một công việc khó khăn, sự đối xử không rõ là người hầu hay thành viên trong gia đình, Anne chỉ có thể làm được sáu tháng, Charlotte chỉ làm được hai tháng. Branwell cũng đã thử sức mình trong lĩnh vực giáo dục và trở thành gia sư cho gia đình Robert Postlethwaite vào năm 1840. Không giống như những cô gái tự ý bỏ việc do không vừa ý, Branwell bị sa thải sau sáu tháng. Cả Anne và Charlotte đều cố gắng tìm việc với các gia đình khác như: Anne đến xin làm cho gia đình  Robinson tại Thorpe Green Hall và Charlotte đến  xin làm cho gia đình  White Upperwood House, Rawdon. Đối với Charlotte, đó lại là thảm họa khác mà cô phải chịu đựng  cho nên cô  nghỉ làm gia sư vào tháng 12 năm 1841.

“Đã quá đủ rồi!” Charlotte chán ngán than vãn như thế khi  mô tả công việc của gia sư là lao động khổ sai từ sáu giờ sáng đến gần 11 giờ đêm. Do đó, Charlotte đã lập một kế hoạch  tự mở trường học nhằm phục vụ hai mục đích: Một là tạo ra thu nhập trong khi ba chị em có thể làm việc cùng nhau và hai là họ có thể ở lại ngôi nhà thân yêu của mình. Dì Branwell đề nghị cho các cô gái vay một ít tiền để bắt đầu mọi thứ nhưng khi thực hiện các thủ tục ban đầu không có chút triển vọng nào. Vào thời điểm này, Charlotte nhận được thư từ cô bạn thân Mary Taylor và chị gái của cô ấy đang đi du lịch ở Bỉ nên Charlotte đề nghị số tiền của dì cho vay nên được sử dụng vào việc khác tốt hơn. Charlotte thuyết phục dì Branwell rằng khoản đầu tư kia sẽ hũu dụng nếu dì cho cô và Emily đến Bỉ để họ có đủ trình độ dạy ngoại ngữ. Họ chọn  Pensionnat de Demoiselles của Madam Heger ( trường nội trú dành cho nữ do Constantin Héger (1809–1896) và vợ ông là Claire Zoé Parent Héger )ở Brussells, thủ đô nước Bỉ  và Patrick Brontë đã hộ tống hai con gái của mình đến đó vào năm 1842. Việc lựa chọn Emily đi cùng Charlotte là một điều khó hiểu. Emily không thể thích nghi với ngôi trường chỉ cách Haworth vài dặm nên ở Bỉ hẳn là viễn cảnh vô cùng đáng sợ.  Anne học ở trường tốt hơn nhiều cho nên phải là lựa chọn hợp lý hơn nhưng Anne sau một số xung đột ban đầu với gia đình Robinson đã được ổn thỏa và cô đang phải lòng với  phó mục sư mới của Brontë, là William Weightman, người đẹp trai và hay tán tỉnh Anne. Họ như hình với bóng không thể rời xa nên Emily đành miễn cưỡng đi Bỉ với lời hứa của Charlotte rằng nếu kế hoạch thành công, Emily sẽ không bao giờ phải rời xa Haworth yêu dấu của mình nữa.

 Như đã đoán trước, chín tháng ở Bỉ là những ngày tháng đầy cực hình đối với Emily. Về mặt xã hội, cô thấy khó hòa nhập với những cô gái thường trêu chọc cô vì cách ăn mặc và cung cách lỗi thời của cô. Cô đã đối phó  điều đó bằng cách chuyên tâm vào việc học của mình, nhằm gây ấn tượng đối với các giáo sư, những người nhận thấy cô sở hữu một trí tuệ đáng k thậm chí còn nhiều hơn những trải nghiệm của Charlotte. Charlotte dường như không ảnh hưởng đến cuộc sống của Emily và cô chắc chắn không rập theo “tập phim đó” để làm nguồn cảm hứng.

Còn Charlotte, đúng theo hợp đồng, ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc sống ở Bỉ. Ông Constantine Héger rất khác so với những người đàn ông mà Charlotte đã tiếp xúc trong cuộc sống trú ẩn của cô ở Yorkshire. Ông là người đàn ông thông minh, có học thức, nồng nhiệt và chân thành. Với tuổi 30, ông hơn Charlotte bảy tuổi. Mối quan hệ thầy trò  của họ dần say đắm Charlotte, người đã yêu giáo sư của mình một cách vô vọng. Tiểu thuyết đầu tiên của cô về Giáo Sư (The Professor) dựa trên nhiều trải nghiệm của cô cũng như  tác phẩm Villette hay tác phẩm Shirley đã dựng nên nhân vật Robert Gerrard Moore là người mang trong mình dòng máu Bỉ. Không cần phải nói cũng biết là bà Héger( Claire Héger) không hài lòng trước tình cảm của Charlotte dành cho chồng mình và bà cảm thấy nhẹ nhõm khi  biết chị em nhà Brontë được gọi trở về Anh vào tháng 11 năm 1842, sau cái chết của dì Branwell (Tưởng nhớ Elizabeth Branwell mất ngày 29 tháng 10 năm 1842 – thọ 66 tuổi).  Khi Emily and Charlotte về Haworth, Emily ổn định với việc chăm nom nhà cửa trong lúc mục sư Brontë đang đau yếu. Còn Charlotte thì  vẫn còn dự định quay lại trường nội trú Héger để dạy học.

 Anne mất William Weightman sau khi William Weightman chết vì bệnh tả vào tháng 9 năm 1842 nhưng cô vẫn làm gia sư  cho gia đình Robinson.  Số phận không may của Branwell Brontë từ xấu đến tệ. Sau một thời gian ngắn làm trợ lý nhân viên phụ trách cho ga tàu điện ngầm ở Luân Đôn, anh được thăng chức làm nhân viên văn phòng nhưng sau đó anh bị sa thải vì sự bất cẩn liên tục và đáng trách.

Khi trở lại Bỉ lần thứ hai, Charlotte cảm thấy rất buồn nên cô quay trở về Haworth vào tháng 1 năm 1843. Lúc này, Branwell cùng Anne đến Thorpe Green làm gia sư cho các cậu bé của gia đình Robinson. Việc này đã làm trầm trọng thêm vận xui tàn t của Branwell Brontë và cũng là sự tai hại khôn cùng đối với Anne, người vừa gầy dựng lại sự tin tưởng của gia đình Robinson.

Branwell yêu Lydia Robinson, vợ của ông chủ hơn Branwell 15 tuổi. Có lẽ vì bà ta được anh chú ý và thậm chí còn khuyến khích anh tin rằng bà yêu anh. Khổ thân Anne bắt gặp hành xử vượt qua ranh giới đạo đức này nhưng để Thorpe Green tự nguyện giải quyết những hành động tồi tệ một tháng trước khi mục sư Robinson sa thải Branwell vào tháng 7 năm 1845. Branwell lâm vào tình trạng suy sụp và bi luỵ. Anh chìm vào trong rượu và ma tuý để tự an ủi bản thân khiến gia đình vô cùng xấu hổ. Một năm sau đó, khi mục sư Robinson qua đời. Branwell mong sẽ được kết hôn với người góa phụ đang đau buồn, người đã từng tán tỉnh anh, một gia sư nghèo khó. Nhưng bà ta đã hấp tấp kết hôn với một nam tước hấp dẫn hơn Branwell khiến cho Emily mô tả Branwell bấy giờ chỉ là "một người vô vọng".

Charlotte cũng thất tình, cũng đau khổ vì tình yêu không được đáp lại. Khi trở về Haworth từ Bỉ vào tháng 1 năm 1844, cô vẫn còn si mê Constantine Heger. Cô đã viết những lá thư bộc lộ tình cảm xúc nồng nhiệt của mình với ông. Lúc đầu, ông Heger đã cố gắng giới hạn cô chỉ viết một lá thư trong mỗi sáu tháng nhưng điều này vẫn khiến bà Heger khó chịu;cho nên sự liên lạc của hai người đã phải chấm dứt. Charlotte đã viết bài thơ sau đây minh họa cho sự cam chịu của nàng trong tâm trạng giận dữ khi bị khinh thường:

Người đã nhìn thấy nỗi đau trong tim tôi, phát hiện ra nỗi thống khổ của tâm hồn tôi trong cơn sốt, trong cơn khát, trong sự teo tóp và đau buồn, biết rằng Người có thể chữa lành nhưng vẫn nhìn và để mặc nó mòn mỏi trong tiếng rên rỉ, trong tinh thần, trong cái chết, trong nỗi đau đớn, trong sự mù quáng của nó.”

Vào mùa thu năm 1845, cả ba chị em nhà Brontë đều trở về Haworth nhưng Nhà Xứ giờ là một nơi khốn khổ. Anne đã thổ lộ những lời than thở về tình cảnh bất hạnh của gia đình do sự suy yếu liên tục của Branwell. Thật không may, trong một Giáo Xứ quy mô như Haworth, những cuộc say xỉn của con trai mục sư không thoát được s chú ý của mọi người. Anh liên tục bị đe dọa chuyện bị bắt giữ vì nợ nần. Anh thường viết thư cho bạn nhờ họ mang cho anh ta rượu gin. Đáng kể nhất là  anh John Brown, người bạn nhậu của anh ta tại quán Black Bull. Anh ta đã tìm mọi cách để xin tiền gia đình để uống rượu. Rồi đáp lại bằng những lần say xỉn khiến những cư dân ở Haworth đều ái ngại. Gia đình cảm thy vô cùng xấu hổ trước tương lai ảm đạm. Branwell hoàn toàn không có khả năng kiếm sống và mọi nỗ lực của các cô gái đều thất bại.  Mắt của mục sư Patrick Brontë đã bị đục thủy tinh thể và ba chị em biết rằng nếu ông không thể tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của mình trong Nhà X thì họ sẽ vừa trắng tay vừa vô gia cư.   

Trong lúc mọi hy vọng dường như bế tắc, Charlotte tình cờ tìm thấy một bản thảo thơ của Emily. Nhận thấy các bài thơ quá hay nên Charlotte đề nghị xuất bản. “Trước đây, thơ của cha các cô, mục sư Patrick Brontë được xuất bản vậy tại sao thơ của các cô con gái của ông lại không thể?” Tuy nhiên, Emily vô cùng tức giận vì cảm thấy sự riêng tư của cô bị xâm phạm. Charlotte phải mất rất nhiều thời gian để khích l Emily để cô bằng lòng  đưa cho Charlotte một số bài thơ của cô.  Cuối cùng, một tập thơ của ba chị em được xuất bản với sự đóng góp mười ghi-nê từ mỗi người

(ghi-nê-a - Một loại tiền vàng cũ của Anh. Đồng ghi-nê được đúc ở Anh từ năm 1663 đến năm 1814 và có giá trị 21 shilling. Đồng tiền được đặt theo tên của vùng Guinea ở Tây Phi, nơi có phần lớn vàng được sử dụng để làm tiền xu.)

Vì  ba chị em đều thấy  việc công khai cá nhân là điều đáng ngại trong lúc nhà xứ Brontë đang bị dòm ngó, nên cả ba đều đồng ý  giấu giới tính của mình qua bí danh. Họ đã chọn các bút danh nam là Currer Bell, Ellis Bell and Acton Bell. Cả ba đều giữ nguyên chữ cái đầu tiên trong tên riêng của mình: Charlotte trở thành Currer Bell, Emily trở thành Ellis Bell, và Anne trở thành Acton Bell. Người ta cho rằng sự xuất hiện của Arthur Bell Nichols với tư cách là phó mục sư mới  của Nhà  Xứ Brontë đã cung cấp cho họ họ Bell. Trường hợp này, có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì phó mục sư Arthur Bell Nichols không được giáo dân ưa chuộng ở Haworth trong thời điểm này khi ông thực hiện một chiến dịch ngăn cản phụ nữ phơi quần áo của họ ở nghĩa trang.   

          Từ khi tập thơ Currer Bell, Ellis Bell, và Acton Bell ra đời, sự nghiệp văn chương của chị em nhà Brontë đã bắt đầu. Đáng buồn thay, ý tưởng của Charlotte  muốn tạo nên vận may cho gia đình đã hoàn toàn thất bại khi chỉ có ba thi phẩm được chọn xuất hiện và mặc dù khá khả quan nhưng chỉ có hai bản sao của các bài thơ được bán ra. Không hề nao núng các chị em quyết định tiếp tục viết để xuất bản và bắt đầu viết tiểu thuyết đầu tay. Charlotte sáng tác Giáo Sư (The Professor) một câu chuyện tình yêu trong một ngôi trường ở Bỉ. Anne sáng tác Gia sư (Agnes Gray), một câu chuyện về cuộc sống của một gia sư và Emily sáng tác Đồi Gió Hú(Wuthering Heights) với sức hút đáng kinh ngạc. Các tiểu thuyết đã được gửi đến nhiều nhà xuất bản khác nhau nhưng 18 tháng sau chúng đã bị từ chối. Nhà xuất bản Newby chịu nhận Wuthering Heights và Agnes Gray nhưng không chịu nhận The Professor. Charlotte kiên trì với câu chuyện của mình khi thử nhiều nhà xuất bản khác nhau nhưng sức khỏe của cha cô ngày càng yếu đã khiến cô phải đưa ông đến Manchester để phẫu thuật mắt và loại bỏ đục thủy tinh thể. Ngay trong ngày phẫu thuật, tiểu thuyết  Giáo Sư  của Currer Bell( Bút danh nam của Charlotte Bell )một lần nữa bị từ chối. Lần này, Charlotte quyết định đổi tiểu thuyết Giáo Sư của mình sang một cuốn tiểu thuyết mới và Jane Eyre đã được bắt đầu sáng tác khi cô chăm sóc cha, mục sư Patrick Brontë, trong lúc ông hồi phục.

Mặc dù Nhà Xuất Bản sách Smith, Elder &Co không muốn thu nhận cuốn tiểu thuyết Giáo Sư, nhưng đã gửi một lá thư giải thích đầy tích cực để khuyến khích Charlotte gửi cho họ cuốn tiểu thuyết Jane Eyre. Cuốn tiểu thuyết này đã thu hút George Smith giám đốc của Nhà Xuất Bản này. Jane Eyre được Nhà Xuất Bản Smith, Elder &Co (A British publishing company) xuất bản vào ngày 16 tháng 10 năm 1847 và đã đạt được thành công ngay lập tức với sự công nhận của các nhà phê bình và công chúng.  Xin lưu ý rằng: Các cuốn tiểu thuyết của Charlotte, Emily và Anne lúc bấy giờ đều lấy bút danh tên nam: Tên tác giả của cuốn Jane Eyre là Currer Bell, tên tác giả của cuốn Wuthering Heights là Ellis Bell và tên tác giả của cuốn Agnes Gray là Acton Bell.

Jane Eyre là cuốn tiểu thuyết viết về câu chuyện của một bé gái mồ côi tên Jane Eyre, bị vợ của ông cậu ruột đối xử rất độc ác và bất công. Người đàn bà này gửi cô vào ngôi trường cấp thấp Lowood nơi mà những đứa trẻ mồ côi  phải sống trong tình trạng không đủ ăn, không đủ mặc, không đủ ấm  trong lúc luôn bị hành hung, và ngược đãi đến độ phải kiệt sức rồi chết vì bệnh. Riêng Jane, cô bị đối xử hết sức tàn tệ bởi ông Brocklehurst nhưng cô không khuất phục. Với một thân hình nhỏ bé, tưởng rằng không thể đối phó với những nghiệt ngã tàn bạo của cuộc đời,  Jane  đã thể hiện sự mạnh mẽ qua những hành động  kiên quyết của mình. Cô đã tìm cách vượt ra khỏi sự gò bó và bất công của môi trường không thích hợp của học đường và xin làm người gia sư cho gia đình ở Thornfield Hall. Rochester, ông chủ của Jane là người thông minh nhưng kiêu ngạo và thất thường trong cách biểu lộ cảm xúc yêu thương và căm ghét. Rochester phải lòng Jane, người mà ông cho là sự cứu rỗi của mình. Tuy nhiên, trong ngày cưới của họ, sự thật được tiết lộ ra một cách bất ngờ rằng Rochester đã có vợ. Vợ ông là cô Bertha Mason, một người đàn bà điên loạn, bị nhốt ở Thornfield.

Mặc dù Jane yêu Rochester say đắm nhưng vì đạo đức và sự trung thành với các giá trị của tôn giáo mình, nên cô đã rời lâu đài Thornfield, trốn khỏi đó. Khi gia đình Rivers tìm thấy cô trong tình trạng suy kiệt và lạc loài, họ đã hết lòng cứu giúp, và thương yêu. Jane có cơ hội kết hôn với nhà truyền giáo đẹp trai John Rivers để trở thành vợ của anh ta nhưng nàng đã nhất quyết từ chối. Sau đó, dù được kế thừa gia sản đồ sộ của cậu ruột để lại, nàng không tha thiết cái vốn liếng ấy mà vẫn bình thản giữ nhiệm vụ của cô giáo tại trường nữ của Xứ Đạo Morton. Chợt một ngày, khi Jane nghe tiếng gọi tha thiết của Rochester trong tâm trí, nàng đã tìm về lâu đài ở Thornfield và  được biết rằng Rochester đã bị mù sau khi cố gắng cứu vợ ông ta khỏi đám cháy do cô vợ gây ra. Sau đó, Bertha qua đời và Rochester đi xa ở ẩn. Theo chỉ  dẫn, Jane tìm và gặp lại Rochester, sau đó cô kết hôn với ông một cách chính thức. Sau hai năm kết hôn, Rochester lấy lại được thị lực  qua một mắt và nhìn thấy được đứa con đầu lòng của mình.

Câu chuyện Jane Eyre kết thúc có hậu nhưng không phải là một câu chuyện ngọt ngào khiến độc giả nhàm chán. Nhiều tình tiết  khiến người đọc phải ngẫm nghĩ về những hành vi độc ác của một số người và  ý chí tự lập, vượt khó của cô gái có ngoại dạng mỏng manh, yếu đuối và nhỏ con. Nữ nhân vật chính của truyện Jane Eyre đã tạo nên hình  ảnh của nữ anh hùng, là thần tượng  mà bất cứ nữ độc giả nào cũng muốn noi theo.  Với văn phong đặc biệt,  tác giả đã tạo nên những tình tiết vừa kịch tính vừa hấp dẫn khiến cho người đọc  luôn hồi hộp và mong mỏi được biết các diễn biến tiếp theo. Thật khó tưởng tượng một tiểu thuyết gia trẻ, ở lứa tuổi 31 như Charlotte Brontë có thể sáng tác một tác phẩm sâu sắc như thế.

Đồi Gió Hú (Wuthering Heights) và Agnes Gray được công ty phát hành sách Thomas Cautley Newby xuất bản vào ngày 24 tháng 11 năm 1847. Hai ấn bản phát hành không đáng kể và không thành công trong thu nhập.

Tiểu thuyết Agnes Gray của Anne Brontë ít được chú ý và được mô tả là một bản sao của  nữ tiểu thuyết gia Jane Austen. Một tờ báo có tên là Atlas đã viết:“Agnes Grey là một bản sao thô thiển của một trong những câu chuyện quyến rũ của Jane Austen.”  Tuy nhiên, đó là sự so sánh không công bằng bởi vì tiểu thuyết Agnes Gray không liên quan và cũng không ảnh hưởng chút nào với những  cuốn tiểu thuyết của Austen. Tiểu thuyết Agnes Gray lấp lánh đời sống của Anne và những người mà cô tiếp xúc như dì Elizabeth Branwell. Có thể nói tiểu thuyết Agnes Gray có nhiều yếu tố tự truyện và hình ảnh của Anne Brontë, một nữ gia sư bình dị, siêng năng và nhân hậu hiện rõ trong nhân vật nữ chính Agnes Gray. Nữ gia sư Agnes Gray của Anne Brontë đã gửi thông điệp đến các cô gái rằng: “Hạnh phúc hôn nhân chỉ được trường tồn tựa trên căn bản của tình yêu chân thật, sự tôn trọng lẫn nhau chứ không phải từ tiền tài, gia sản, danh vị, sắc đẹp hay sự đam mê cuồng nhiệt.” Giống như tiểu thuyết Jane Eyre của Charlotte Brontë, tiểu thuyết Agnes Gray của Anne Brontë có kết thúc ngọt ngào vừa thoả mãn được mong muốn của độc giả vừa gửi gắm cho độc giả những phẩm chất cao đẹp cần noi theo. Hai cuốn tiểu thuyết này thật thích hợp với thời Victorian trong thời gian ấy.

Trái với hai cuốn tiểu thuyết của Currer Bell/Charlotte Brontë và Acton Ball/ Anne Brontë, tiểu thuyết Đồi Gió Hú(Wuthering Heights) của Ellis Bell/ Emily Brontë đã gây sốc cho độc giả vì nó bị giới phê bình mô tả là một cuốn tiểu thuyết kỳ ​​lạ, chứa đầy sự tàn ác, hung dữ, thù hằn và tình yêu ma mị. Những sự trả thù tàn bạo của nhân vật nam chính Heathcliff hoàn toàn trái ngược với đạo đức của thời Victorian.  

 Tiểu thuyết Đồi Gió Hú không được miêu tả theo trình tự thời gian mà theo lối kể truyện lồng truyện. Truyện bắt đầu bằng câu chuyện kể của ông Lockwood, người thuê một căn nhà hoang Thrushcross trên cánh đồng hoang Yorshire,tình cảnh khi ông bị mắc kẹt vì bão tuyết nên phải trú tại nhà của ông chủ cho thuê nhà tên Heathcliff. Khi trú trong căn nhà ấy, ông Lockwood đã chứng kiến nhiều hành động kỳ lạ và những cách đối xử quái dị của các thành viên trong nhà mà ông không hiểu ai là ai. Rồi khi ông bị tấn công bởi hai con chó trong nhà, ông được bà quản gia đưa vào trong một căn phòng đặc biệt, nơi mà không bao giờ ông chủ Heathcliff cho phép ai được vào. Đêm ấy, ông Lockwood, vô tình thấy những cuốn sách  có tên Catherine Earnshaw, Catherine Heathcliff rồi thành Catherine Linton  bị  vạch đi vạch lại  bởi những vết son. Không ngủ được, ông Lockwood  tình cờ đọc vài trang nhật ký của Catherine  rồi bị  hồn ma Catherine  kéo tay từ cánh cửa sổ mở, não nề van xin ông cho vào. Nỗi kinh hoàng đã làm ông Lockwood gào to xua đuổi khiến cho Ông chủ Heathcliff  tỉnh giấc, xông vào với cây nến trên tay. Ông Heathcliff hết sức  ngạc nhiên khi thấy ông Lockwood ở trong  căn phòng mà ông cấm tuyệt đối không cho ai vào. Nhưng nỗi giận dữ của ông Heathcliff lịm tắt khi nghe ông Lockwood cho biết là nhà Heathcliff có ma. Con ma có tên Catherine Linton. Ông Heathcliff kích động khi nghe tên này, ông dịu giọng đề nghị ông Lockwood ra khỏi phòng, sau đó nhảy lên giường và giật vỡ tung song cửa sổ, nức nở gọi: “Vào đi, vào đi. Cathy! Hãy đến đây đi! hãy đến một lần nữa đi người yêu dấu của anh! Hãy nghe anh lần này đi!”

Hành vi kỳ lạ của ông Heathcliff đã làm ông Lockwood muốn tìm hiểu. Khi quay trở về Thrushcross, ông Lockwood đã đề nghị bà quản gia Ellen (Nelly) Dean, người quản gia thâm niên cho trang trại Đồi Gió Hú,  kể lại câu chuyện của Heathcliff và Đồi Gió Hú. Và câu chuyện đã bắt đầu thông qua lời kể của người quản gia Nelly.

Heathcliff là một đứa trẻ mồ côi, một đứa trẻ bị bỏ rơi sống vất vưởng trên đường phố Liverpool được ông Earnshaw, chủ nhân của Đồi Gió Hú, nhặt về nuôi. Bản thân ông Earnshaw có hai người con ruột, trong đó người con gái út Catherine trở thành bạn thân thiết của Heathcliff, còn người anh cả Hindley luôn có thái độ thù địch, xem Heathcliff là kẻ xâm phạm quyền lợi của mình. Heathcliff sống ở Đồi Gió Hú được ba năm thì ông Earnshaw qua đời, Hindley lúc này đã cưới vợ tên là Frances, nghiễm nhiên trở thành ông chủ của ngôi nhà. Hindley đối xử với Heathcliff như kẻ làm công. Trong khi đó, qua một sự tình cờ Catherine quen với gia đình Linton ở trang trại Thrushcross gần đó, rồi thân thiết với Edgar Linton và Isabella Linton,con của gia đình Linton.

Một năm sau đó, vợ của Hindley qua đời sau khi sinh đứa con trai tên Hareton. Khủng hoảng trước cái chết của Frances, Hindley bắt đầu nghiện rượu và bài bạc. Khoảng hai năm sau, Catherine đồng ý lời cầu hôn của Edgar. Heathcliff sau khi tình cờ nghe được lời giải thích của Catherine với Nelly Dean rằng cô sẽ "mất danh giá" nếu cưới Heathcliff  nên Heathcliff bỏ đi. Anh đã không kịp nghe những tâm sự tiếp theo của Catherine về tình yêu tuyệt đối của cô dành cho anh.

Sau khi làm đám cưới với Edgar, Catherine ban đầu sống rất hạnh phúc nhưng chao đảo ngay khi Heathcliff quay trở lại.  Heathcliff trở lại với âm mưu duy nhất là để trả  thù. Lúc này Heathcliff đã trở thành người giàu có. Ông lừa ông Hindley bằng cách cho vay nợ sau đó trở thành người chủ của Đồi Gió Hú. Để trả thù Edgar, chồng của Catherine, Heathcliff đã quyến rũ em gái của Edgar là Isabella, khiến cô gái bỏ trốn trang trại Thrushcross để theo ông.  

Không lâu sau, khi Heathcliff trở về Đồi gió hú, Catherine ốm nặng và qua đời chỉ vài giờ sau khi sinh con gái đầu lòng cho Edgar, cô bé cũng được đặt tên là Catherine, hay Cathy. Cái chết của Catherine làm Heathcliff đau khổ và càng trở nên độc ác. Ông nung nấu âm mưu thực hiện các cuộc trả thù tiếp theo. Trong khoảng thời gian này, Hindley chết, Heathcliff trở thành chủ nhân mới của Đồi Gió Hú, ông ta nuôi dạy con trai của Hindley là Hareton bằng sự hằn học và  thù  hận  giống như  khi ông bị Hurley hành hạ trong những năm sống ở trong nhà Earnshaw.

Sau khi cưới Isabella, Heathcliff phỉ  báng và hành hạ cô đến mức cô phải bỏ trốn ngay khi sinh đứa con trai Linton, đứa con trai duy nhất của Heathcliff. Khi Linton được mười ba tuổi, Isabella gửi con cho anh Edgar nuôi trước khi chết vì cô biết Heathcliff luôn khinh rẻ chính con đẻ của ông ta nhưng Heathcliff đã giành nuôi dưỡng đứa trẻ ốm yếu này trên Đồi Gió Hú. Ông giành nuôi Linton để dùng Linton làm phương tiện để ông ta trả thù Edgar và cướp đoạt gia sản của kẻ thù/ tình địch. Ông đã ép buộc cô gái trẻ Cathy(Cô con gái duy nhất của Edgar và Catherine) phải cưới với Linton. Vài ngày sau đám cưới của Cathy và Linton, Edgar qua đời và Heathcliff chiếm được cả quyền sở hữu trang trại Thrushcross. Như thế, Heathcliff làm chủ cả Đồi Gió Hú và Thrushcross. Một tháng sau khi Edgar chết, Linton ốm yếu cũng qua đời và để lại cô vợ trẻ Cathy ở trong Đồi Gió Hú như một người tù bị giam lỏng.  

Khi bà quản gia Nelly kết thúc câu chuyện. Tiểu thuyết quay trở lại lời kể của ông Lockwood. Sau 8 tháng, ông Lockwood  ghé lại thăm Đồi Gió Hú và tình cờ thấy cảnh Cathy dạy Hareton đọc sách. Sau đó ông được Nelly kể lại đoạn cuối của cuộc đời Heathcliff. Cathy dần dần trở nên thân thiết với Hareton và kiên nhẫn dạy chữ cho Hareton đọc. Sư cục mịch và không biết chữ  của Hareton do cách “nhào nặn” vì  sự trả thù của Heathcliff. Nhưng ông đã không ngờ  ông đã chứng kiến tận mắt cảnh đứa con trai mà ông hành hạ để trả mối thù  hận lại được chăm sóc tận tình từ sự quyết tâm cô bé xinh đẹp Cathy. Cũng từ đó, mỗi khi Cathy bênh Hareton, ông cảm thấy hình ảnh Catherine trong cô gái trẻ này và ngay cả trong cặp mắt nhân từ khờ dại của Hareton. Rồi ông thấy hình ảnh của Catherine hiện ra mọi nơi, mọi chỗ trong ngôi nhà. Ông đã bỏ ăn, chịu cái lạnh  của căn phòng không sưởi và cánh cửa sổ mở  để chờ đợi. Rồi  ông tâm sự với bà Nelly rằng ông vui sướng với ý nghĩ  là ông đang ở ngưỡng cửa của sự chết, sắp  đến thiên đàng. Một thiên đàng, mà theo ông, là nơi ông gặp lại người yêu cũ Catherine. Sau khi chết, ông Heathcliff được chôn cạnh Catherine như ước nguyện khi ông còn sống.  Và tiểu thuyết kết thúc với chuyến ghé thăm của ông Lockwood tới ba ngôi mộ nằm cạnh nhau của Catherine, Heathcliff và Edgar.  

Hành vi của Heathcliff trong Tiểu thuyết Đồi Gió Hú độc ác, phi lý và man dại có lẽ dựa trên các yếu tố t những cơn thịnh nộ say xỉn của Branwell hoặc có thể xuất phát tsự tưởng tượng về những tử thi trong các ngôi mộ ngoài nghĩa trang  gần ngôi Nhà Xứ. Bất cứ giả thuyết nào, vẫn mãi mãi  không là sự giải thích thỏa đáng cho  một câu chuyện tiểu thuyết  tình yêu nồng nàn đầy kịch tích  từ một cô con gái  ít kinh nghiệm sống trong các cánh đồng hoang Yorkshire trong thời Victoria như Ellis Bell/ Emily Bronte. Dù thể nào, trong thời gian này, tiểu thuyết Đồi Gió Hú không được lưu ý vì nó không dễ hiểu như tiểu thuyết Jane Eyre.  

Tiểu thuyết Jane Eyre đã thành công đến mức đã được ấn bản thứ hai vào năm 1848  với lời đề tặng cho William Makepeace Thackeray là một trong những nhân vật văn học vĩ đại mà Charlotte Brontë rất ngưỡng mộ. Tiểu thuyết Jane Eyre đạt doanh thu khá cao nhưng danh tính và giới tính của tác giả Currer Bell và kể cả Ellis Bell và Acton Bell đều bị nghi ngờ và suy đoán  bởi những nhà phê bình. Họ còn nghi ngờ Currer Bell là tác giả của tất cả các cuốn tiểu thuyết 

Nhà Xuất Bản Smith, Elder&Co lo lắng và phàn nàn với Currer Bell về việc hoài nghi này. Để làm sáng tỏ và xóa hết sự nhầm lẫn, Charlotte và Anne đã đóng gói lên đường đến Luân Đôn nhằm tiết lộ danh tính thực sự của họ. Emily Brontë hoàn toàn không vui về chuyện này nên tiếp tục sử dụng tên Ellis Bell, dù sau này cả thế gới đều biết cô là tác giả của cuốn Đồi Gió Hú (Wuthering Heights)  

Tại Nhà Xuất Bản Smith, Elder&Co, Charlotte và Anne Bronte đã giới thiệu bản thân mình với giám đốc của nhà xuất bản là ông George Smith. Rồi họ chứng minh rằng các tác phẩm của họ không phải cùng một tác giả Currer Bell và họ cũng không phải là đàn ông. Đây là cú sốc  đối với giám đốc George Smith khi nghe sự đính chính này. Nhất là khi ông gặp tác giả của tiểu thuyết Jane Eyre bằng xương bằng thịt. Người mà ông nghĩ là nhà văn nam Currer Bell chứ không phải một cô gái nhỏ nhắn Charlotte Brontë. Nhưng đây là khởi đầu của một tình bạn đặc biệt của ông và mẹ ông đối với hai người phụ nữ ở xứ Yorkshire này. Họ đã tiếp đón hai tiểu thuyết gia Charlotte Brontë và Anne Brontë một cách trang trọng và trân quý.

Cuối cùng, sự thành công đã đến với chị em Brontë và cuộc sống ở Nhà Xứ được cải thiện. Anne Brontë cho xuất bản tiểu thuyết mới với tựa đề Người thuê nhà Wildfell Hall (The Tenant of Wildfell Hall).  Nội dung tác phẩm bị phản đối như tác phẩm Đồi Gió Hú. Câu chuyện này kể về Arthur Huntington, một kẻ say rượu trụy lạc đã tự hủy hoại bản thân và hầu hết những người xung quanh. Câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết lấp lánh phần nào hình ảnh Branwell Brontë, anh trai của Anne Brontë.  

          Trùng hợp thay, Branwell Brontë qua đời vào ngày 24 tháng 9 năm 1848 ở tuổi 31 sau một trong những cơn say. Mục sư Patrick Brontë rất đau khổ khi mất đi người con trai duy nhất nhưng tất cả mọi người đều cảm thấy sự ra đi của Branwell là một sự giải thoát may mắn.

          Lúc này, Emily bị cảm lạnh rồi chuyển sang viêm phổi, sau đó bị nhiễm lao. Cô cố gắng khống chế căn bệnh của mình trong lúc vẫn tiếp tục công việc nội trợ. Nhưng nhịp thở của cô ngày càng yếu và đến khi cô định gặp bác sĩ thì không kịp. Cô chết trên ghế sô pha trong Nhà Xứ vào ngày 19 tháng 12 năm 1848, tròn 30 tuổi.

Anne cũng mắc phải căn bệnh lao vì Anne ở chung với Emily trong một phòng ngủ nhỏ. Không giống như Emily, Anne được điều trị bởi bác sĩ  nên sức khỏe có khả quan. Nhưng cô khao khát được đến Sierra ở Scarborough với hy vọng không khí biển trong lành lợi cho sức khỏe của cô. Vào tháng 5 năm 1849, sau khi được bác sĩ chấp thuận, Charlotte Bronte và Ellen Nussey đã đưa Anne đến nơi cô mong ước và Anne đã tận hưởng những giây phút an vui ở nơi khu nghỉ mát ven biển này. Những sau một  buổi tối cưỡi xe lừa trên bãi cát để ngắm cảnh hoàng hôn, cô đã qua đời một cách lặng lẽ vào ngày hôm sau, ngày 28 tháng 5 năm 1849.

Đối với Charlotte, cái chết bi thảm của người anh,và hai em gái còn lại là một đòn giáng khủng khiếp. Nhất là cô không thể đưa em gái Anne về nhà ở Haworth.  Anne Brontë là người duy nhất không được chôn cất trong hầm mộ của gia đình tại Nhà thờ nhỏ trên đỉnh đồi Haworth. Anne được chôn cất tại Scarborough dưới một bia mộ ghi sai tuổi của cô là 28. Thực ra, lúc ấy Anne  đã 29 tuổi.

Buồn bã và cô đơn, Charlotte trở về Haworth ở cùng cha. Cô đã tiếp  tục sáng tác tiểu thuyết để nguôi ngoai nỗi buồn. Tiểu thuyết Shirley A Tale đã hoàn thành vào tháng 8 năm 1849 và được công ty phát hành sách Smith Elder xuất bản vào tháng 10 năm 1849.

 Mặc dù thành công trong văn học nhưng khung cảnh hoang vắng của Nhà Xứ đã làm Charlotte thường buồn bã và khóc lóc thảm thương. Để vơi  buồn, cô lại tiếp tục việc viết và  đã khó khăn trong một năm để hoàn thành cuốn Villette, tên của thị trấn ở  Bỉ. Câu chuyện không được đánh giá cao và cho là từ tự truyện về  tình cảm và cuộc sống của Charlotte tại Héger trong nhiều năm trước đó.

 Dù sao, mục sư Patrick Brontë luôn tự hào về  tài  văn chương của con gái mình. Lòng tự hào và đánh giá cao về con gái mình đã khiến ông tức giận khi phó mục sư Arthur Bell Nichols cầu hôn Charlotte. S tức giận điên cuồng của mục sư Patrick Brontë đến nỗi Charlotte phải hứa sẽ từ chối Arthur. Phó mục sư Arthur Bell Nichols phải chuyển đi nhưng sau đó cố gắng liên lạc Charlotte và tiếp tục cầu hôn cô với những lời thuyết phục đầy tính tích cực. Ông được Charlotte chấp thuận và họ đã kết hôn vào ngày 29 tháng 6 năm 1854 tại nhà thờ Haworth. Vì mục sư Patrick Brontë không tham dự đám cưới nên cô Wooler, cựu giáo viên của Charlotte tại trường Roe Head, với tư cách là bạn lâu năm, đã thế vị trí Patrick Brontë, dẫn Charlotte đi trong giáo đường để trao cho chú rể. Cuộc hôn nhân đã thành công và đôi vợ chồng rất hạnh phúc khi hưởng tuần trăng mật ở Banagher, Quận Offaly, Ái Nhĩ Lan. Sau đó, đôi vợ chồng cùng về ở trong Nhà Xứ Brontë, nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của cô dâu, và người cha thân yêu của nàng. Sự bình yên và hạnh phúc không kéo dài được lâu, Charlotte gặp vấn đề khi mang thai và cô bị ốm liên tục. Do bồn nôn vì ốm nghén, hơn nữa, phổi của Charlotte yếu giống Emily và Anne, đã khiến cho Charlotte ngày càng kiệt sức và qua đời vào ngày 30 tháng 3 năm 1855 ở tuổi 38. Đây là một cú sốc tàn nhẫn đối với người chồng của Charlotte là phó mục sư Athur Bell Nichols, người đã kiên nhẫn chờ đợi để kết hôn với cô sau một thời gian dài. Ông ở lại với mục sư Patrick Brontë, thành viên cuối cùng còn sống của gia đình Brontë, người đã sống lâu hơn cả sáu người con của ông, cho đến khi mục sư Patrick Brontë qua đời vào ngày 7 tháng 6 năm 1861, ở tuổi 84. Sau đó Authur Bell Nichols trở về Ái Nhĩ Lan và qua đời vào năm 1906, ở tuổi 88.

 

Đến Nhà Xứ Haworth, nay là Bảo tàng Brontë Parsonage, nơi gia đình Brontë sinh sống từ năm 1820 đến năm 1861, tôi thấu hiểu phần nào những gì gia đình Brontë trải qua. Sau khi thăm hết các phòng, tôi đi dọc theo con dốc  rồi ghé vào nghĩa trang gần đó dù biết nơi đây không phải là nơi chôn cất các thành viên của gia đình Brontë. Sau đó, tôi vào nhà thờ Howard, lặng yên trong tôn kính. Một vị thiện nguyên viên đứng tuổi, ông Chris Tordoff đã chỉ cho tôi vị trí nơi chôn các thành viên trong gia đình Brontë, ngoại trừ Anne. Ông còn cho biết loài hoa mà Charlotte yêu thích...

  Rời nhà thờ Haworth, chúng tôi đã lang thang trên con dốc cổ kính chụp vài tấm hình làm kỷ niệm rồi hoà cùng những giòng người qua lại dạo qua các cửa hàng dọc đường phố chính Haworth (The Haworth Main Street). Tôi định đi bộ xuống dốc để du ngoạn những cánh đồng hoang dưới chân đồi nhưng đầu gối trái bị chấn thương của tôi không cho phép nên tôi đành  đứng nhìn một lúc rồi quay lại. Tìm quán ăn trưa và thưởng thức vài thực phẩm của địa phương xong, như theo quán tính từ lúc nào không rõ, tôi lại đi vòng trở lại nghĩa trang cạnh nhà thờ Haworth thêm lần nữa.

 Trong ý nghĩ của tôi, những cánh đồng hoang dã, ngôi nhà trên đỉnh đồi gió và những ngôi mộ trong khu nghĩa trang ở vùng này đã tạo nên ấn tượng hết sức sâu đậm trong việc sáng tác của ba chị em nữ tiểu thuyết gia Brontë. Đặc biệt nhất vẫn là các ngôi mộ trong khu nghĩa trang, nơi mà nữ tiểu thuyết gia Emily Brontë ảnh hưởng nhiều trong trí tưởng tượng hơn chị em mình. Emily Brontë không những là thi sĩ có tài mà còn là tiểu thuyết gia xuất chúng. Mặc  dù chỉ có một cuốn tiểu thuyết duy nhất Đồi Gió Hú (Wuthering Heights) nhưng với từ vựng tượng hình và sinh động,  nữ tiểu thuyết gia Emily Brontë đã thu hút người đọc qua chuyện kể  của hai nhân vật phụ là ông thuê nhà Lockwood và  bà quản gia Nelly, Ellen (Nelly) Dean, nhưng cả hai đã đóng vai trò không nhỏ trong việc dẫn dắt người đọc hiểu sâu câu chuyện chính. Tác giả đã cho thấy tính ác độc, đầy hận thù của nhân vật nam chính Heathcliff nhưng đồng thời cũng làm rõ tình yêu hết sức nồng nàn và sâu đậm của ông đối với người con gái mà ông yêu duy nhất trên cõi đời là Catherine. Tình yêu của ông ma mị đến nỗi dù Catherine đã chết, đã trở thành ma, ông vẫn còn yêu say đắm, vẫn tha thiết van lơn cầu khẩn nàng đến với ông. Không như cách gửi thông điệp trực tiếp đến độc giả như các tiểu thuyết gia khác, tác giả của tiểu thuyết Đồi Gió Hú (Wuthering Heights) đã khéo léo chuyển tải thông điệp đầy ẩn ý về kết quả vô vọng của sự trả thù và mãnh lực của tình yêu. Cho dù sự trả thù tàn bạo đến đâu cũng không qua nỗi tình yêu kiên quyết! Heathcliff đã thua cuộc khi ông chính mắt nhìn Cathy (con) dạy cho Hareton đọc sách. Rõ ràng ý định trả thù tình địch Edgar qua đứa con trai Hareton, của Heathcliff đã bị thất bại hoàn toàn. Khi có tình yêu của Cathy và sự kiên trì dạy học của cô, Hareton ắt sẽ vượt qua sự thất học và sẽ thay đổi. Cũng qua ẩn ý của tác giả, độc giả thấy rõ sự khác biệt giữa tình yêu của Catherine(mẹ) và Cathy(con). Các hành vi thay đổi đột ngột của Heathcliff để dẫn đến cái chết tự nguyện của ông không những cho ta thấy ông đã thua cuộc trong việc trả thù mà còn ngầm cho ta thấy tình yêu vô vọng chỉ còn mong mỏi tìm lại ở thế giới bên kia.  Tôi nghiêng mình khâm phục văn phong của Emily Bronte và cảm thấy mãn nguyện khi được đến nơi đây,  để được bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình đối với sự tài hoa của n tiểu thuyết gia trẻ tuổi này.

 Khi đi qua những ngôi mộ trong khu nghĩa trang, tôi tưởng tượng Emily đã từng trầm ngâm khi nán lại nơi đây, từng nghe tiếng gió thổi và ngẫm nghĩ về những người đang yên nghĩ dưới nền đất lạnh.  Có thể nữ tiểu thuyết gia Emily Brontë đã từng tưởng tượng những bóng ma với những tâm hồn bị dày vò vì những lý do nào đó rồi đưa vào tác phẩm của mình. Giờ đây, dù vẫn biết ba nữ sĩ Brontë không được chôn cất trong khu nghĩa trang này, tôi vẫn tin rằng linh hồn của họ vẫn còn đang vương vấn nơi đây, nhất là trong khu Nhà Xứ Brontë ở ngôi làng Haworth yêu dấu mà họ từng sinh sống và gắn bó.

  

Những điều tôi tưởng tượng có lẽ không đúng sự thật nhưng sự thật là tôi không hiểu vì sao khi tôi đến Anh từ ngày 23 đến 27 trời mưa dai dẳng không dứt mà hôm nay trời nắng đẹp đến không ngờ.  Chính ông thiện nguyện viên Chris Tordoff trong nhà thờ cũng ngạc nhiên, đề cập vấn đề này với chúng tôi khi chúng tôi thăm hỏi về chuyện gia đình Brontë. Hình như  sự linh thiêng vô hình luôn luôn là sự bí ẩn trường tồn mà người trần không thể nào hiểu được! Tôi có thể dùng lý luận để giải thích rằng “Sau những cơn mưa, trời lại sáng!”, nhưng tôi không hiểu vì sao khi tôi  rời Nhà Xứ Brontë  để tìm trạm xe buýt về  ga Keighley, trời đang sáng lại sầm tối và đổ mưa. Và trên đường về, tôi lại thấy những cầu vòng rực sáng hiện ra trên bầu trời xám. Càng lúc các cầu vồng hiện to, rõ và đẹp tuyệt! Đẹp đến nỗi những người trong xe buýt đều phải trầm trồ kinh ngạc. Đột nhiên, tôi tưởng tượng ba nữ tiểu thuyết gia Brontë đang ở trên cao ấy chứng giám cho tấm lòng ngưỡng mộ và quý mến của chúng tôi qua chuyến đi này. Tôi cảm thấy rất vui vì tôi đã thực hiện thành công chuyến đi để bày tỏ lòng kính phục của mình đến ba chị em tiểu thuyết gia nhà Brontë và cả gia đình mục sư Patrick Brontë.

 Cung Thị Lan

Ngày 28 tháng 9 năm 2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét