Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

Đường Vào Tình Yêu...*


TẢN(thần)
 Ca dao-sông quê nước chảy đôi bờ 
Để anh chín dại mười khờ thương em 

Đã hứa với mình từ rày sẽ thôi buồn rồi nghĩ đi nghĩ lại thấy đời đúng là... vui thiệt! Đã dặn dò mình phải vui mà nghĩ tới nghĩ lui rồi lại thấy đời đúng là không có gì phải... buồn! Chắc tại vì... “hoàn cảnh”. Tôi lại lậm vào cái tiếng lóng thịnh hành trong những xóm ăn chơi của Sài-gòn xưa. “Vì ... hoàn cảnh”. Mấy chữ nghe ra rõ ràng là... “sến”. Ờ mà nếu cuộc đời này không “sến” thì còn có gì đáng để mà dài dòng văn tự. Nội cái tựa đề mượn của một nhạc sĩ rất nổi tiếng nghe ra cũng đã... “sến” không thua gì mấy mục gở- rối-tơ-lòng trên những tờ nhật báo bày bán đầy đường thuở đó. Vã lại, chuyện gì thì còn nghi ngờ chớ chuyện yêu đương thì... “sến” là cái chắc. 

Nhưng tại sao? Tại sao lại dám hồ đồ như vậy. 
Vậy chớ không phải sao. Thử nghĩ coi, trong cái cõi đời vốn dĩ rất phiền nhiễu này, ai xúi đâu không biết mà tự dưng rồi a thần phù nhảy xổm vào cái cõi mù mù đó. Không ai xúi. Cũng không ai ép. Mà rồi tự động đút đầu vô tròng. Rồi là kêu rêu than thở. Xuân Diệu-Chưa biết tên nàng biết tuổi nàng mà sầu trong dạ đã mang mang. Từ hồi nào thì không chắc. Nhưng chắc nhất là từ khi có chữ viết cũng như khi bày ra được mớ giấy má để ghi ghi chép chép lại ba điều bốn chuyện đã xảy ra, từ bên tàu qua tới bên tây, bên nào cũng hô hoán lên cho được rằng thì là... yêu là chết ở trong lòng một ít! Lại cũng ông Xuân Diệu. Hổng tin chúi đầu vô mấy bộ lịch sử dầy cộm kể lể chuyện đầu đuôi của từng dân tộc qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước coi. Hổng nhiều thì ít, dân tộc nào cũng đầy rẫy chuyện chết chóc, bên cạnh những chuyện chết chóc chính thức được ghi chép cẩn thận trong những trang chính sử, còn có những chuyện chết chóc vì... yêu, dù không được chính thức thống kê nhưng vẫn có đó. Có đó ngay từ khi có một sinh vật có tên gọi là ... con người. 

Đừng nói đâu xa. Ở ngay cái xứ Việt nhỏ xíu, nằm choi loi bên bờ Nam hải, vào thời lập quốc, hỏi thử tổng cộng có được bao nhiêu ông bao nhiêu bà. Vậy mà rồi cũng kể lể những chuyện tình éo le, trầy trật... tới nỗi hết biết giải quyết sao cho yên bề nên đem cái chết ra hù dọa. Hổng yêu lầm yêu lộn như Tân Sinh với Tân Lang trong chuyện Trầu Cau đến nỗi bỏ mạng cả ba thì cũng yêu lỡ yêu trật tới bị cha chém chết như kiểu Mỵ Châu. Bà chết rồi thì tới lượt ông cũng đâm đầu xuống giếng mà chết theo. 
Vậy mà có cấm cản được ai đâu, cái thứ tình yêu gập ghềnh như mấy nhịp cầu tre lắt lẻo. 

Ngay cả ông Nguyễn Công Trứ, bậc đại trượng phu của xứ Đại Nam ta mà có lần cũng đã phải kêu lên cái-tình-là-cái-chi-chi. Hổng biết là chi-chi mà vẫn quả quyết dẫu-chi-chi-thì-cũng-chi-chi-với-tình. Hết biết. Mà tại sao khi không lại lọ mọ mò vô chi cái con đường-có-trăm-lần-vui-có-vạn lần-buồn đó cho nó lu bu rồi kêu rêu! Bộ không có con đường hai chiều nào xuôi ngược, vô ra vui buồn công bằng hơn sao? Ai bắt, ai biểu, ai xúi, ai đòi? Hay hỏi theo kiểu vỗ về ai dụ, ai dổ, ai khều, ai ghẹo? Ai biết! Mà biết rồi làm sao khi cá-đã-cắn-câu-biết-đâu-mà-gở! Có cưởng lại được đâu nà, cái tiếng gọi vô thanh, vô âm, vô cớ, vô cầu... Hể tới lúc tới là tới, một chớp mắt, một tích tắc, một sát na... ai biết! 
Mà có biết cũng... bó tay chịu trận. Kể cũng lạ. Mà đâu phải mình mình... Số là cũng y như đám đồng loại loi nhoi lúc nhúc trên cái mặt đất buồn hiu này, có lúc -nhiều lúc- tôi cũng đã nhắm mắt nhắm mũi dấn thân trên con đường có trăm-lần-vui-có-vạn-lần-buồn đó. Để đến bây giờ, sau khi đã phờ phạc gần cả một đời, bỗng có lúc ngồi không rồi buồn vẩn buồn vơ, thả cái đầu vốn đã nặng trình trịch vì đủ thứ chuyện lớn nhỏ cho đã rồi lắm khi lại dấn ngược vô mấy nẻo quanh co đó mà lý sự... cùn.

Nói vậy có nghĩa là có lúc tôi cũng đã lâm vào hoàn cảnh... yêu và bị-yêu! Mà khi người ta đã yêu rồi – ai biểu!- thì y như Kinh Kha qua sông Dịch sang Tần. Hổng chết thì cũng bị thương. Bởi vì... đường vào tình yêu thì có-trăm-lần-vui có-vạn-lần-buồn y như ông nhạc sĩ đó đã có lần đồng thiếp giải bày. Chẳng biết ông ta đã yêu đương giận hờn ghen tức ra sao mà ông ta nói chắc như đinh đóng cột. Đường vào tình yêu hẵn còn trắc trở hơn cả sạn đạo dẫn vào đất Thục. Nhiều ngàn năm trước, Lý Bạch đã phải hô hoán lên Y hu hy. Nguy hồ cao tai. Thục đạo chi nan, nan ư thướng thanh thiên. Cũng chẳng biết trời cao tới đâu mà nghe vậy ai nấy cũng muốn... thối lui. Có điều là núi mà có cao cách mấy thì cũng phải có lúc hết cao vì... hết đá. Mà trời cao cách mấy ngó lên tới đâu thì cũng vẫn thấy... trời. Nghĩa là vẫn còn có giới hạn. Đằng này, ông nhạc sĩ đó lẫm liệt hơn nhiều, không núi chập chùng không trời vời vợi chi cả: đường vào tình yêu chỉ có trăm lần vui mà có tới vạn lần buồn !(sic) Điệu này, hết có đo đạc tính toán luôn. Bởi vì ba cái vụ vui buồn yêu thương hờn giận thì có ai bẻ thước mà đo được lòng người. Thiệt vậy, có ai đo được cái vui cao mấy trượng, nặng mấy cân. Cũng như cái buồn có ai đo được nó rộng mấy sông, nó sâu mấy vực. Vậy mà đường vào tình yêu, ô hô, vui chỉ có trăm lần mà buồn thì lại vạn lần. Lại nữa, cái vui vốn thường ngắn ngủi mà cái buồn thì lại dài lê thê. Hổng tin đi hỏi anh chàng Kim Trọng coi ra sao cái vụ bộp chộp mê gái giữa đường giữa xá. Nguyễn Du-Sầu đong càng lắc càng-đầy. Ba thu dọn lại một ngày dài ghê. Nói theo kiểu mấy ông tàu già khi xưa thì là Nhất nhật bất kiến như tam thu hề. Một ngày không thấy mặt nhau dài bằng cả ba mùa thu gộp lại. Ghê chưa. Nghe vậy ai mà không hoảng vía. Khổ nỗi, hoảng vía mà sao lại lắm kẻ đâm đầu vô! Từ cổ chí kim, đã có không biết bao nhiêu cái vụ nhào vô rồi há miệng kêu rêu. Nhẹ như thơ thì cỡ Sonnet d’Arvers mà Khái Hưng đã dịch là lòng ta chôn một khối tình, tình trong giây phút mà thành thiên thu, tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu, mà người gieo thảm như hầu không hay. Ý là chưa được cầm tay kềm chân gì ráo trọi. Chớ lỡ hơn một lần cọ quẹt thịt thà thì thôi khỏi nói. Cở như ông vua Tự Đức ngự ở ngôi cao chín bệ mà cứ đòi đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi khi Bàng phi đã hết thở! Rồi tới cái đám thế nhân lục lục thường thường cũng không thoát được con đường tình... lụy. 

Mấy ông ghe cào ghe lưới gì đó ở miệt Rạch Giá Cà Mau vốn coi sóng biển như pha mà lỡ lọt vô biển sóng tình rồi là ôi thôi lụy tới... não nùng. Tôi ở Hòn Khoai chạy về hòn Đá Bạc, tôi trương bườm chạy lạc tới hòn Nhum, gặp lão tiều đốn củi lum khum, tôi hỏi ông lão chớ não nùng tại ai. Thảm chưa! 
Vậy hổng chừng sửa thơ Lý Bạch cho đúng điệu nòi tình. Y hu hy. Ái đạo chi nan. Nan ư há địa phủ. Ôi cái tình là cái chi chi ... Thử nhớ lại coi. Thời mới lớn. Chiến tranh còn xa đâu lắm, đâu tận mấy miệt rừng núi gọi tên nghe lạ hoắc. Thành phố còn như một ốc đảo bình an. Đang sống ngon ơ, thở hít khí trời miễn phí, đi đứng lơ ngơ, nhìn ngó lờ mờ, coi đời không đáng ba đồng xu lẻ, tóc tai bỏ hoang như rừng-chưa-thay-lá, quần ống loa vừa đi vừa phe phẩy như hai vành tai voi, áo sơ-mi phạch ngực hứng trọn bộ gió chướng gió nồm, môi miệng nếu không bận với ba-đồng-bốn-điếu-Ruby thì hở ra là phát thơ Đinh Hùng như sấm truyền làm-học-trò-không-sách-vở-cầm-tay-có- tâm-sự-đem-nói-cùng-cây-cỏ... 
Cái tuổi mới lớn, con cưng trong nhà, ra đường cứ tưởng như ai cũng cưng theo, ai nấy đều chìu chuộng muốn gì được nấy. Vậy rồi khi không lại đi chuốc... họa vào thân! Số là, khi khổng khi không bỗng có gì... lạ lẫm. Hoặc là tim đập giựt ngược. Hoặc ú ớ như cà lăm. Cái gì không biết cái chi mà sao thấy như có... cái gì! Cái gì là cái gì? Vẫn ông Xuân Diệu, đại khái kiểu như làm sao cắt nghĩa được tình yêu, có nghĩa gì đâu một buổi chiều, nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu. 

Thật ra, ông cũng chỉ nói lòng vòng theo kiểu... làm thơ chớ hổng phải kiểu... làm thầy thuốc. Chỉ có cái kết thúc là ngon lành Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá, chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì. Eurêka. Đúng vậy đó. Ờ giống y vậy đó. Một thứ cảm xúc-cảm giác-cảm tưởng lạ lạ quen quen. Quen quen mà là lạ. Kiểu như gần đây ở bên cái xứ Việt ta kêu là ... tàu lạ vậy đó. Rõ ràng là tàu của đám Tàu cộng trào qua cướp cá cướp nước mà cứ ra rả là... tàu lạ cho đành. Mà thôi, chuyện của nhà nước để cho nhà nước... no. Trở lại truyện-chúng-mình theo kiểu của ông Nhất Tuấn mà đỡ khùng khịu hơn bội phần. Dù lắm lúc cũng vật vã không thua gì trúng gió. Dĩ nhiên hội-chứng-lâm-sàng(?!) không hẵn là giống nhau nhưng ảnh hưởng trên tâm thần và thể xác cũng phải kể là hao hao. Ai nấy tự dưng rồi trở nên... lính quýnh, quờ quạng, vụng về... mỗi khi giáp mặt với người-lạ. Có người thất thần thấy rõ. Cái đời đang ăn ngon ngủ kỹ dưng không rồi như nổi sóng. Sóng nầy không phải như sóng thần vổ ì ầm. Không, vổ nhè nhẹ thôi. Mà vổ hoài vổ hủy. Thân xác đang mạnh cùi cụi khi không rồi như thấy lao đao. Ngày cũng như đêm. Sáng trưa chiều tối. Đi đứng nằm ngồi, ra vô tới lui, mọi thứ mọi điều, đều như có lao xao sóng vổ. À, cái đó người ta gọi là sóng tình chăng? Mà điều, gọi thì gọi vậy chớ thử cắc cớ hỏi... vậy chớ sóng tình nó tròn méo ra sao, có nhọn lễu như sóng lưỡi búa hay vổ bể ghe xuồng hay không thì chắc cũng khó có câu trả lời chính xác! Vậy mà thiên hạ xưa nay cứ khăng khăng hai chữ ... sóng tình. 

Làm như sóng tình là một cái gì có ... thật. 
Mà có thật ... thiệt! 
Hổng tin, thử đem cái lứa tuổi 16, 17 ... gái trai bất kể lên bàn mổ mà giải phẩu coi. Bảo đảm, hết chín mươi chín phẩy chín mươi chín phần trăm ít nhiều gì cũng có phần bầm dập vì bị sóng tình nó vật tới ... liêu xiêu. Mà hỏi nó vật ra làm sao thì chắc cũng chín mươi chín phẩy chín mươi chín phần trăm nạn nhân sẽ... ú ớ! Làm sao mà tả, mà khai đây. Có cái gì ra cái gì đâu. Vậy mà bỗng chốc mọi thứ, từ mỏng mảnh như lá cỏ đọng vết sương mai, vệt mây hờ vắt ngang con trăng mười sáu tới cơn mưa trái mùa làm hụt buổi đón đưa, từ hạt bụi ven đường bốc theo khói xe sặc sụa làm lung linh vạt áo-ai-trắngquá-nhìn-không-ra... từ những chút xíu vô nghĩa của đời sống bỗng dưng trở nên cái-gì-đó hữu tình đến nỗi cứ vướng vất lại hoài trong cái đầu vốn trống trơn như chiếc thùng phuy không đáy. Đến những chuyện vốn dĩ đã là yếu tính của cuộc tình thì thôi khỏi nói, nó ray rứt, móc méo, nhằng nhện như mấy cái vòi bạch tuộc. Nửa miệng cười mím khi tóc rối chưa úa màu trăng cũ, ngực cao nguyên vời vợi nắng ban mai... mỗi mỗi đọng lại trong người như hình sương bóng khói, lãng vãng vật vờ... kiểu như ma ám trong chuyện liêu trai. Chỉ khác chút ở chỗ gái hồ ly chỉ được ông Bồ Tùng Linh cho hoạt động lúc tối trời. Còn ở đây, thì thả dàn, sáng trưa chiều tối... Vậy rồi, rủi may chẳng rỏ, thằng con trai mới lớn và đứa con gái dậy thì, bên trong không biết ra sao chớ bề ngoài thì khác nhau một trời một vực, vốn chẳng dính dáng gì nhau khi không rồi xáp lại... rồi nghéo tay dắt díu nhau vào lối ... cụt. Vậy đó, chẳng ai nợ nần gì ai, mà rồi bỗng chốc như đã nợ nhau đâu từ một kiếp nào xa lơ xa lắc. Ờ mà cái thuở đó, ở cái xứ mà ông Khổng Tử còn là ông-thầymuôn-thuở, mọi chuyện yêu đương cứ như chuyện 007 không bằng. Hẹn hò lén lút lấp la lấp lửng... không thua gì đám làm gián điệp bây giờ. Thư tình thì cất giấu trong tập vở rồi kêu nhau cho mượn. Giữa đám đông mà đối mặt thì cũng giả bộ người dưng. Hẹn hò thì toàn kiếm cái chỗ...no man’s land... Mà điều nói vậy chớ kể ra cũng còn đỡ tủi hơn cái kiểu theo ông Phạm Thiên Thư lẽo đẽo sau lưng cô nàng Hoàng thị ...


 Em tan trường về 
Đường mưa nho nhỏ 
..................... 
Anh đi theo hoài 
Gót giày thầm lặng 
Đường chiều úa nắng 
Mưa nhẹ bâng khuâng
 ...................... 
Hè sang phượng nở 
Rồi chẳng gặp nhau 
Ôi mối tình đầu Như đi trên cát 
...................... 

Ngộ hông? 
Ai biểu, ai xúi, ai bắt, ai ép uổng gì ai đâu! 
Nợ nần gì mà đeo đuổi vô vọng vậy? 

Trở lại với những cuộc tình thời mới lớn, dính vô rồi là rối rắm như tơ nhện... Cuộc đời vô sự trở nên hữu sự. Lắm khi nguyên do mù mù mờ mờ đến nỗi ai đó ngoài cuộc sẽ chẳng bao giờ hiểu nỗi. Mà cả người trong cuộc lắm khi cũng chẳng hiểu gì ráo. Cái kiểu nguýt háy, ngún nguẩy, hờn mát... rồi khóc đó cười đó... vốn vẫn là những bí hiểm như công án thiền. Có đó mà không có đó. Mất đó rồi lại có đó. Y như cái tuổi mới lớn vui buồn giận hờn chớp nhoáng chẳng biết đâu mà lường. Vậy mà có thiệt. Có thiệt như mây vần vũ trên trời mà mấy ông tàu già hồi xưa đã cảm thán gọi là ... vân cẩu. 
Khổ cái là nếu mọi sự hanh thông như đại lộ một chiều thì chắc chẳng có ai nói tới nói lui làm gì. Nếu con trai con gái lớn lên tới tuần cặp kê –hiểu nôm na là cặp kè, rồi y như đã được chỉ định đâu sẵn, xáp lại với nhau, rồi dắt díu nhau ra trước bàn thờ ông-bà-cửu-huyền-thất-tổ mà lạy tới lạy lui, rồi hè nhau động phòng hoa chúc rồi sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường ... thì chắc chẳng có chuyện gì cho người đời lải nhải. Khổ nổi, y như một ông nhà văn tây phương nào đó đã có lần phán một câu xanh dờn khi định nghĩa hai chữ hôn nhân, đại khái hôn nhân là một cuốn tiểu thuyết ngàn trang mà nhân vật chánh ngã ra chết tốt ngay từ trang đầu. Hết chuyện! 
Thành ra, nếu chuyện đôi lứa mà xuôi chèo mát mái thì thiệt tình có ai thèm nói tới. Bởi vì có chuyện gì đáng chuyện gì đâu mà nói. Ngoài cái chuyện nhủn nhẳng nhùn nhằng, lê thê lếch thếch... Văn chương chữ nghĩa nghệ thuật sẽ mất mát biết bao nhiêu, những tuyệt phẩm trần gian. Và mặt đất này sẽ khô cằn vì thiếu hụt biết bao nhiêu là ... suối lệ. 
Đằng này, không phải vậy. 
Không phải vậy cho nên có chuyện mà nói hoài, nói mãi, nói cho tới bây giờ.
Trải qua hai ngàn không trăm hai mươi ba năm nay, mà còn lâu hơn vậy nữa, và mênh mông tới độ từ tây sang tàu qua ta ... chuyện ái tình trai gái, đàn ông đàn bà, tới nay lại thêm nửa-ông-nửa-bà, cứ tiếp tục được nhắc tới, nói qua nói lại không biết mệt. Chẳng những nói mà còn viết thành truyện, dựng thành tuồng, quay thành phim... Rồi làm thơ -5 chữ, 7 chữ, 6-8 chữ, hầm bà lằng chữ-, đặt nhạc-hết Boléro tới Rumba sang Slow Rock...- , vẽ vời, phim ảnh ... Hết mọi ngành nghệ thuật vốn là phương tiện để làm đẹp một đối tượng đã vận dụng hết mọi phương cách để ... làm đẹp ... một chuyện tình... lỡ. Rõ ràng, cái hay nói, hay nhắc, hay kể, hay hát hò ... đều là cái thứ dở dang, trái gió trở trời, nửa đường đứt gánh, khóc lên khóc xuống nước mắt ngắn nước mắt dài ... Cái kiểu tình yêu giữa chừng rã đám! Cái thứ tình yêu mà đường vào chỉ có trăm lần vui mà lại có tới vạn lần buồn! 

Ờ, tán thêm chút coi có đúng không, câu phát ngôn xanh dờn đó. Làm bài toán sơ học thử coi ra sao. Vạn là muôn. Muôn là mười ngàn. Như vậy rõ ràng là vui chỉ có trăm lần mà buồn thì tới mười ngàn lần. Trời, yêu đương chi mà lỗ lã tới vậy. Lỗ nặng nữa. Vậy mà mấy ông mấy bà mấy cô mấy cậu, lắm khi còn non như nụ tầm xuân, lắm khi đã chín rệu như lá mùa thu đã úa vàng quá lứa... vẫn cứ lao đầu vô như bị ma dẩn lối quỷ đưa đường tìm ngay những lối đoạn trường mà đi vậy. Ngộ hông? Ngộ thiệt, ba cái chuyện tình... trật vuột! Sách vở –hay chỉ rỉ tai kể lể, từ mấy ngàn năm nay, toàn là mấy kiểu tình dở dang, nghĩa là toàn chuyện thất bại, thua thiệt, có trăm lần vui mà có tới vạn lần buồn. Thử kê khai vài ba tên tuổi nổi tiếng nhất vì... buồn nhất. Tây tà thì Tristan với Iseult... rồi Roméo và Juliette... rồi Don Rodrigue cùng Don Chimène trong Le Cid của Molière... v.v... và v.v... v.v... và v.v... 

Cho đến những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi, sau khi phong trào Hippy đã lan nhanh và rầm rộ còn hơn mấy nàng cô-vít bây giờ, khắp nơi trai gái đeo hoa kết tụi đầy mình và hè nhau make-love tưới sượi để kêu đòi not-war ỏm tỏi, vậy mà tới năm một chín bảy mươi, cuộc yêu đương lở dở giữa anh con nhà giàu Oliver và nàng Jennefer của Eric Segal trong Love Story vẫn còn làm chảy không biết bao nhiêu là nước mắt của đám thiên hạ... rảnh rang. Truyện Tàu thì ôi thôi kể sao cho xiết. Chuyện Ngưu Lang Chức Nữ là một điển hình. Độc địa nhất là cho yêu nhau rồi bắt xẻ hai, mỗi người một ngã. Phải vậy rồi thôi, lâu ngày cũng quen. Đằng này lại cứ đem cái tình ra nhử nhử, mỗi năm cứ đến mùng bảy tháng bảy lại bày điều sai quạ bắt cầu để hai đương sự gặp lại nhau. Gặp nhau kiểu đó thì có khác gì bày trò cho lụt lội thêm nước mắt tủi hờn ... Ác thiệt, cái ông Ngọc Hoàng! 

Việt ta cũng không kém phần bi lụy với chuyện tình Trương Chi Mỵ Nương. Ngày xưa có anh Trương Chi Ngươì thì thậm xấu hát thì thậm hay -chẳng những xấu trai mà còn nghèo mạt hạng. Mỵ Nương con gái lầu tây -chẳng những tuyệt thế giai nhân còn là con nhà quyền quí. Vậy đó mà đem lòng yêu nhau cho đành. Cái tình là cái chi chi? 
-( Mấy ông Hy Lạp xưa nghĩ ra cũng thâm thiệt, đem giao cho ông con nít tánh tình lý lắc có tên là Cupidon, xách cung tên đi rình rình bắn lung tung, trúng ai người nấy chịu ... yêu đương. Phải vậy thôi, đằng này lại bịt mắt ông con nít, thành ra ông nhỏ giương cung bắn tứ tung, trúng ai nấy... yêu. Lần này, hai mũi tên trúng nhầm hai người có hai nhân dáng và hai vị thế khác nhau một trời một vực ) Mỵ Nương đem lòng yêu Trương Chi. 

Bộ ngu sao không yêu lại. Kết quả thấy rõ. Tình phụ, Trương Chi chết rồi thành chén ngọc. Mỵ Nương khóc. Nước mắt rơi xuống làm chén ngọc vở tan ... Thấy hông. Chuyện tình buồn mà truyền hết đời này sang đời khác. Còn mấy cái vụ phải đôi vừa lứa, như đã nói, ăn ở hành tỏi nhau tới rụng răng bạc đầu, con cháu cả đàn cả lũ... thì có mấy ai bỏ công mà soạn nhạc làm thơ dựng tuồng tích gì đâu. Nghĩ cũng lạ. Hoá ra người đời thích... thú đau thương chăng! Mà hể đã thích cái thú đau thương thì dù đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn, mà dù có triệu lần buồn đi nữa thì thế nhân cũng sẵn sàng lần mò vô cho được... buồn. Chắc tại cái buồn này nó khác cái buồn vì ... thi rớt, vì làm ăn lỗ lã, vì bị gạt gẫm, hay bị cướp nước... 
Hổng chừng thất tình không giống với thất bại, thất bát, thất tán... hay thất vọng, thất kinh... 

Dĩ nhiên chưa có ai đem phân chất thất tình coi nó tròn méo trắng đen mềm cứng... ra sao. Tuy nhiên, nếu nói đại hổng chừng người ta không sợ thất tình có thể vì thất tình dù sao cũng là một loại mất mát có thi vị. Hồi tiền chiến, ông thi sĩ Thái Can có lần đã phóng bút rằng thì là 

Anh biết em đi chẳng trở về 
Dặm ngàn liễu úa với sương che 
...................... 
Chẳng phải vì anh, chẳng tại em 
Hoa thu tàn tạ rụng bên thềm 
Ái tình sớm nở chiều phai rụng 
Chẳng phải vì anh chẳng tại em 

Thấy chưa, rõ ràng ái tình là một sản phẩm nguyên chất tinh ròng nhất của con người, vừa thực tế khít rịt vừa lãng mạn đến trào sóng, rõ ràng là biểu lộ cái phần rộng lượng, quãng đại, bao dung, hào phóng... nhất của con vật-người. Có sự quan hệ nào mà người trong cuộc sẵn sàng quên cái tôi-tự thân vốn muôn đời tự kỷ, bỗng dưng rồi quên mình mà vui buồn cái vui buồn của người khác. Coi đó, dẫu biết là người ta đã bỏ đi... chẳng-trở-về mà vẫn rổn rảng tuyên bố rằng thì là... chẳng-tại-em. Còn gì tốt bụng cho bằng. 
Trái hẵn với mọi thứ mất mát khác. Ngó thử lại đời coi. Lắm khi hao hụt có miếng bạc lẻ thôi mà gây ra không biết bao nhiêu cảnh ăn thua đủ... đến nỗi thua ăn gì cũng bẽ bàng. Mà đâu phải chỉ có vậy thôi. Dòm quanh dòm quất. Còn nữa. Còn nhiều lắm, những tình nhân… nồng như rượu cồn 90 độ. Còn ông thi sĩ Hàn Mặc Tử. Ổng yêu đương tới nỗi gọi người yêu dấu bằng hai tiếng Ái khanh, nghe ra âu yếm và trang trọng không kém gì Đường Minh Hoàng gọi Dương Quí Phi. Vậy mà khi thất thủ tình yêu, ông có thù oán gì người ta đâu. Ông chỉ lo cân đong đo đạc lại con người mình 

Người đi một nửa hồn tôi mất 
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ 

Tới lượt ông Nguyễn Bính, người viết Hành Phương Nam ra điều khinh bạc không kém gì mấy tay hảo hớn đời Chiến quốc mà cũng ngâm nga nghe xuôi xị khi bị phụ tình. 

Tôi về gom hết ba thu lại 
Đốt hết cho cô khỏi thẹn lòng 

Những năm sáu mươi mấy, ở Sài Gòn có ông thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên làm thơ tình lỡ hết xẩy. Xa nhau ai lỗi ai phải cũng không biết lấy gì mà phán đoán. Chỉ biết nghe ông ta nói về cái chuyện phụ phàng mà thương 

sông không trách nước không về 
qua sao trách bậu lỗi nghì trúc mai 
chỉ xin sợi vắn sợi dài tóc 
mai nhắn gió thương hoài ngàn năm… 

Ôi tình yêu bao dung biết chừng nào! 
Rồi có lúc ông phán cho một câu Bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng. Sầu khổ dịu dàng!? 
Thiệt tình đọc xong là muốn thêm đại vô một cái dấu hỏi và một dấu chấm than. Quá sức. Tuyệt cú mèo. Gánh lấy tai ương từ chuyện yêu đương mà nói là sầu-khổ-dịu-dàng. Sầu khổ rất dịu dàng. Thường thế nhân hay kêu rêu... buồn-muốn-chết hay buồn-thấy-mẹ hoặc nặng độ hơn nữa là buồnthấy-bà. Mà dẫu buồn có thấy gì đi nữa cũng là một tâm trạng không vui, thân xác nặng nề, tinh thần ủ dột... Nếu không tới đỗi vậy cũng hiếm có ai buồn mà thấy êm đềm, phơn phởn, nhẹ tênh... Vậy mà khi thất tình, thi sĩ kêu tên một nỗi buồn rất lạ. Sầu-khổ-dịu-dàng. Nghe như có tay ai vuốt tóc vỗ về, môi ai kề má thủ thỉ, những ngày có nhau... Mà phải vậy mới nói vậy. Có phải tình buồn là một thứ buồn... dịu dàng vì rằng đó là một nỗi buồn... êm ái, mỏng mảnh như sương khói, nhẹ hửng như tơ trời... vì rằng đằng sau nỗi buồn đó có một bóng dáng hồng nhan nào đó đỡ đần. Y như cột kèo chống đở cái mái nhà vậy đó. Một mái tóc nửa lưng, một nụ cười nửa miệng, một vòng tay nửa chừng, một nụ hôn lính quính đã có lần lén lút... Cái mớ hình sương bóng khói đó, quẩn quanh ở đó để độn đầy cho nỗi buồn trống không. Y như làm luận văn thì có hình thức và nội dung. Hình thức là cái hiển hiện ra ngoài. Còn nội dung là cái phần vô hình mà lại là cốt lõi. Y như hình bóng của ai đó, dẫu sao đi nữa vẫn còn đó và đang dang thân chống đỡ cho cả cái sầu thành lắm khi cao vời vợi. 

Kinh nghiệm thất tình đã có ai tế vi đến vậy chưa? Nhất ông! Chắc tại vậy, mà thiên hạ muôn người như một, dẫu biết hiểm nguy chực chờ vẫn cứ lao đầu vô như con bò mộng nhắm mắt nhắm mủi lao đầu vô miếng vải đỏ. Rồi dẫu có mất mát gì đi nữa thì rồi cũng sẽ là một nỗi... sầu-khổ-dịu-dàng! Chắc tại vậy, mà nhìn trước ngó sau, dẫu đường tình nó gai góc, lắm nỗi truân chuyên... mà trước sau, người thiên hạ cứ dấn vô, mở mắt dấn vô hay nhắm mắt dấn vô... một hai lần, vài ba lần, bốn năm lần gì chắc cũng... không bỏ công. Thế nhân vẫn nối đuôi nhau đều đều, đời sau tiếp đời trước, hàng hàng lũ lũ, đông tây nam bắc... có lúc nào ngưng đâu! Mà ngưng sao được... đường vào tình yêu nó đẹp dù có gai góc. Vậy chớ bông hồng không đẹp sao dù gai góc cùng mình. Ngay cả nước mắm ngon cũng phải dầm thêm miếng ớt. Cay ít cay nhiều thì cũng vẫn là nước mắm. Cùng lắm là hít hà chảy nước mắt vậy thôi. Làm trai làm gái, ai mà không muốn nếm thử cho biết mùi... tình.
Hơn nữa, đã có người còn nói rõ, rõ như hai với hai là bốn, rằng thì là tình yêu là một cõi... thiên thai. Cái cõi trời đất rặt một mùa xuân miên viễn, có suối đào nguyên thơm trái ngọt cây lành, có tiên nữ phụ diễn miễn phí, múa hát đàn ca không ngơi... Trong một bài thơ của ông Hồ Đình Phương có tên là ĐƯỜNG NÀO LÊN THIÊN THAI mà sau đó ông Hoàng Nguyên phổ thành bản nhạc có cùng tên: Một cặp tình nhân nào đó, đang lúc tình tự Ngồi bên anh em hỏi: 

Đường nào lên Thiên Thai 
Đường nào lên Thiên Thai? 
............................ 
Chàng ngó quanh ngó quất, lục lọi trong đầu rồi ... bí 
Anh ngập ngừng không nói 
Mà e ấp thở dài 
- Tìm đâu được Thiên Thai 
Mãi tới khi cô gái 
Em không buồn hỏi nữa 
Ngã đầu vào tay anh 
Mắt rớm lệ long lanh... 
Thì anh con trai, như ngộ thiền 
Ôi mắt bồ câu đẹp 
Màu xanh như Thiên Thai 
Kìa đường lên Thiên Thai! 
Rồi cả quyết 
Hãy nhìn anh giây lát 
Cho anh tìm Thiên Thai 
Cho anh lạc vào tim ai... 

Rõ ràng, có phải qua tình yêu mà ông thi sĩ đã phát giác ra con đường dẩn lên cõi... thiên thai. Đó là thơ 5 chữ, vần điệu còn nhẹ nhàng, từ tốn. Qua tới tay ông nhạc sĩ thôi khỏi nói, ông đổi tông mạnh, dồn dập, dứt khoát... không kém gì Archimède khi tìm ra được định luật sức đẩy của nước Nhưng rồi nhìn trong đôi mắt đẹp, Lòng chợt vui như say; Kìa đường lên Thiên Thai, Kìa đường lên Thiên Thai Ấy đường qua ngõ mắt thơ ngây, Tiếng nhạc êm lẫn tiếng thơ say, Đưa hồn anh lạc vào tận tim ai. Rõ ràng vậy đó, không yêu đương cũng uổng, phải hông. Thiên thai có giống mấy cái resort tout inclus-bao trọn gói-không thì chưa rõ. Nhưng biết chắc theo lời của thi sĩ và nhạc sĩ, thì tình yêu quả là cõi... thiên thai. Vậy nên thiên hạ đổ xô vào cõi tình cũng có gì là lạ đâu. Kể cả lắm người đi tìm tình yêu mà lạc lối, thay vì tới thiên thai lại lộn đường lọt tuốt xuống... suối vàng !!! Bởi vậy, bây giờ nghĩ lại thấy còn sống sót qua mấy bận lênh đênh trên cái biển tình vừa sóng gió vừa không bờ không bến thì phải kể là may mắn hết nói. Chớ chẳng phải tài trí hay vai năm tấc rộng thân mười thước cao gì ráo. Hổng thấy sao, Từ Hải mà còn chết đứng giữa trận tiền vì mấy tiếng ỉ ôi của người tình vốn từng lỡ bước chốn lầu xanh. Chưa kể đến anh thợ chài Vọi cũng bỏ mạng vì ... thất tình... lầm với cô gái con nhà giàu đi nghỉ mát ở Sầm Sơn theo lời kể của ông Khái Hưng trong truyện Trống Mái... Có biết bao nhiêu nạn-nhân-tình-nguyện của cái chữ TÌNH quái ác ! Thôi vậy, để nhờ người khác nói giùm hổng chừng sít sao hơn chăng... Từ những năm 70, ông Diên An có làm một bài nhạc... để đời. VẾT THƯƠNG CUỐI CÙNG. Người vừa tặng ta vết thương đau ngọt ngào. Chẳng nợ nần gì nhau, hãy để hồn ta bay cao ... Đường tình vừa xa, xác thân đau rã rời. Nhưng một lần này thôi để rồi từ đây yên vui. Cuộc đời buồn tênh nên lẻ loi tìm đến. Ta cám ơn tình nhân đã dìu ta đến mộ phần. Là Là Là Mi Sol Mi Mí Đô Là. Là Mì Là La La Rê Mi Sol Mi Đô Đô Đô ... Nghe rồi muốn phê là sến hay phán là sang cũng được. Chẳng sao hết. Cái chỗ muốn nói là cái câu cái chữ. Và tấm lòng người viết nhạc. Nội cái tựa thôi nghe ra là đã muốn rướm nước mắt. Đời người ta hẵn là không ít lần bị... thương. Hổng đứt tay thì cũng trầy chưn. Nhẹ thì xuýt xoa rồi đè ra xức thuốc đỏ, nặng chút thì rên rỉ rồi chở vô nhà thương băng bó. Mấy cái vụ đó suốt một cuộc hiện sinh hổng ai là hổng có. Đằng nay không phải vậy. Đằng này là... cuối cùng. Vết thương cuối cùng. Thứ thương tích hết thuốc chửa, không rỉ máu mà lại trí mạng. Độc địa ở đó. Huyền nhiệm cũng ở đó. Giống y như chơi dao vậy đó. Lỡ tay chút là tự mình cứa tay mình. Đổ máu mà không đổ thừa ai được. Giống y như... thứ chuyện yêu đương. Lâu rồi có ai đó đã nói : tội lỗi chỉ xảy ra khi có hai người. Cũng như yêu đương thì phải có cặp. Một mình mình thì lấy gì mà yêu. Tiếng Việt ta xưa có chữ nghĩa hay lắm. “Yêu” hổng cho nói là yêu mà nói là “phải lòng nhau”. “Phải” ở đây có nghĩa là hạp, là vừa vặn, vừa khít, là ăn khớp... Ví dụ như “phải điệu” có nghĩa là đúng điệu, y bon, không thừa không thiếu... Ôi chữ nghĩa xưa diệu kỳ biết bao nhiêu! Hai cá thể yêu nhau-nói theo kiểu ông bà xưa-là hai người phải lòng-nhau. Mà phải-lòng-nhau như đã nói là vì vừa ý, vừa lứa, vừa cỡ nên dồn cụt lại, bên thừa bù bên thiếu vừa khít, đúng y bon như chỉ là Một. Chữ chở nghĩa tận tình, chẳng những tượng hình mà còn hiện thực biết bao nhiêu! Như vậy đó, rõ ràng cho hết cải cọ. Yêu là từ “hai” biến thành “một”. Mà đã là “một” rồi, thì còn đổ thừa đổ lỗi gì cho ai được nữa. Phải hông? Dù “một” đó vốn chính là “hai”. 

Đã như vậy rồi, có lần ông Tản Đà còn bồi thêm cho rõ hơn nữa. Có lần ông nói Mình với ta dẫu hai mà một. Ta với mình dẫu một mà hai. Đúng phóc. Dẫu là ổng làm thơ tự vịnh, nhìn mình trong gương mà đối chứng. Nhưng hồng chừng cũng có thể sang đàng áp dụng vô đây. Rõ ràng khi con tim có biến cố thì phải có cặp đôi lắm khi cặp ba, cặp tư... hổng chừng. Tuy nhiên nếu đúng-điệu-tay-chơi thì từng cặp một phải nhận ra cái phát giác rụng rời đó. Chẳng qua “mình” mà có “phải lòng” (yêu) ai là bởi tại vì “mình” ăn khớp với ai đó, mình khế hợp với ai đó... khít khao tới nỗi y như biểu tượng âm dương lộn lạo mà mấy bậc minh triết đã phán “trong âm có dương” và ngược lại. Nói theo kiểu phàm phu thì là trong “mình” có “ta” và trong “ta” có “mình” vậy. Khi đã lọt vô tròng rồi thì trước sau trên dưới gì cũng là... mình. Thủ phạm với nạn nhân rồi ra chỉ là... một, kể cả khi gọi là bị ... dụ dỗ- ngoại trừ khi tuổi tác chênh lệch quá đáng. Tại “mình” xúi “mình” yêu “mình” chớ có ai mà ép “mình” đâu. Đã vậy rồi còn oán hờn chi cho con nít nó khi. Kết luận: tình yêu không có đổ thừa. Ta-cám-ơn-tình-nhân-đã-dìu-ta-đến-mộ-phần. Nghe rồi muốn vổ đùi như Kim Thánh Thán khi bình Tam Quốc chí mà hô tuyệt tác... Tuyệt tác! Ta-cám-ơn-tình-nhân-đã-dìu-ta-đến-mộ-phận. Chưa bao giờ tôi cảm được cái xảo diệu của ngôn ngữ nghịch lý (paradoxe) như khi nghe câu hát này. Nó rên rỉ mà nó dứt khoát. Răng thì muốn nghiến trèo trẹo mà lời từ biệt thì nghe ra biết mấy lượng bao dung. Nó minh bạch mà nó ẩn tàng. Nó khô khốc mà ràn rụa. Nó ngọt như đường phèn mà chát ngầm như hủ hoa chưa hầm với thịt. Kiểu như cười mà miệng mếu. Kiểu như khóc mà khóe mắt khô rang. Người vừa tặng ta vết thương đau ngọt ngào. Vết-thương-đau-ngọt-ngào. Ông Diên An quả là một người tình tuyệt diệu. Ta-cám-ơn-tình-nhân-đã-dìu-ta-đến-mộ-phần. Có nghe ra không, cái giọng âu yếm mà ẩn nhẩn hết mức khi bỏ nhau, ngọt lìm lịm dù môi lưỡi có đắng nghét. Khi yêu nhau là mang đến cho nhau ơn nghĩa. Thì khi xa nhau, sao lại bạc nghĩa cho đành. Còn có gì đẹp hơn nữa giữa cõi đời ô trọc nầy! 


Nghĩ vậy rồi, lâu lâu tính sổ bộ đời thấy quả nhiên đời này y như đã nói, vui hết sức, kể cả thất tình. Có tình mà mất há chẳng khoái hơn cái kiểu vô-duyên đến nỗi đối-diện mà bất-tương-phùng sao. Ít ra thấy mình cũng có giá. Đường vào tình yêu dẫu có là sạn đạo mà có bạn đồng hành vẫn hơn là thui thủi “bát phố” Lê Lợi một mình chiều thứ bảy, hai tay đánh đàng xa tới oải mà chẳng có một bờ vai hay một vòng eo để “thư giản”. Hơn nữa, nếu suông sẻ hổng chừng còn được khen là hiếu đạo, có công nối-dõi-tông-đường. Con đường mang tên TÌNH YÊU dẫu đi qua thong thả hay có xuôi ngược dãi dầu, vẫn là cái lối đi vui buồn rất hiện thực hổng hơn mấy cái cõi thiên đường nghe quảng cáo hoài mà chẳng thấy ở đâu. Kể cả nếu có lỡ trượt chân xuống địa ngục thì cũng được bảo hiểm là rất... dịu dàng. Ai đã từng qua đó mà không bị trầy trụa, hay dẫu có lê lết mà rồi vẫn tới được cuối đường, hỏi thử coi có đáng hông, dẫu vui buồn bất cập. Nếu hổng đáng sao có người sau khi tình tan rồi còn “xin được gọi thầm-gọi thầm thôi- tên nhau” như ông nhạc sĩ Trường Sa đã ghi lại trong một ca khúc có cùng tên. Hẵn vậy cũng là đáng công để thì thụt ra vô dù vui hay buồn? Mà vui hay buồn gì cũng đáng. Phải không? Còn hơn là thui thủi dặm trường, độc hành qua suốt cõi nhân sinh, trời ơi, buồn chết! Vive L’Amour! Viva El Amor! Long Live Love! 愛情萬歲! 

Vài mươi năm trước, ông Bình Nguyên Lộc hợp cùng ông Dương Trữ La viết một truyện dài đăng báo hằng ngày, có cái tựa dài ngoằn Ái ÂN THÂU NGẮN CHO DÀI TIẾC THƯƠNG. Truyện tích ra sao cũng không còn nhớ nữa. Chỉ có điều nội cái tựa thôi đã là một biện chứng hùng hồn cho sự ray rứt, rắc rối, rối ren, rơi rớt, rụng rời vì cái “sự cố” (?!) gọi là dang dở. Thôi thì, nhờ cái tựa dài ngoằn mà kết thúc bài viết không đâu ra đâu này, như một lời nhắn gởi. Gởi ra cho tới đủ bốn phương trời... 

Cao Vị Khanh 
* BUỒN TRONG KỶ NIỆM-TRÚC PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét