Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên.
Một hôm chị Ky ghé vào quán vui mừng báo tin con gái chị đi cùng với em gái chị ở Xóm Mới vượt biên đường bộ từ Campuchia sang Thái Lan êm ru trót lọt chỉ trong vòng 3 tuần lễ, dân Xóm Mới tin tưởng đường dây tổ chức vượt biên này lắm, nhà nọ đi được giới thiệu nhà kia, tất cả ba bốn chuyến đều thành công.
Người tổ chức là “Anh Minh bộ đội
”. Anh Minh người miền Bắc, là bộ đội từng đóng quân ở Campuchia nên anh Minh rất rành đường đi nước bước và quen biết nhiều, những chuyến xe chở khách vượt biên anh Minh đều “mua” bến bãi cả, thậm chí nếu bị lính Miên bắt anh Minh vẫn có thể “chạy” ra. Cuối cùng chỉ cần vượt qua một eo biển nhỏ là sang đất Thái.
”. Anh Minh người miền Bắc, là bộ đội từng đóng quân ở Campuchia nên anh Minh rất rành đường đi nước bước và quen biết nhiều, những chuyến xe chở khách vượt biên anh Minh đều “mua” bến bãi cả, thậm chí nếu bị lính Miên bắt anh Minh vẫn có thể “chạy” ra. Cuối cùng chỉ cần vượt qua một eo biển nhỏ là sang đất Thái.
Nghe chuyện vượt biên là tôi mê liền, lại là đường bộ tôi càng mê vì tôi tin là an toàn hơn đường biển, nhưng tôi hơi khựng lại, vụ này vẫn phải đi qua biển. Chị Ky thản nhiên:
- Chỉ một khúc biển nhỏ thôi, thuyền anh Minh chở người sang đó và quay thuyền về ngay như đi chợ ấy mà.
Nghe thế tôi hào hứng muốn cho Thoa đứa em gái áp út đi dù cha và các em tôi đang có giấy tờ bảo lãnh đi Mỹ. Tôi sốt ruột, đợi chờ bảo lãnh lâu quá, phí phạm thời gian tuổi trẻ của Thoa, mà đi vượt biên dễ dàng như thế này, không phải trả trước đồng nào tội gì không thử, nếu chuyến đi không thành công thì Thoa về nhà lại chờ đợi bảo lãnh, chẳng sứt mẻ gì. Tối về tôi bàn với bố và các em, tôi nói đường dây tổ chức rất tốt, nhất là đường bộ không có mưa bão sóng gió hiểm nguy, không lo hải tặc cướp bóc. Bố tôi nói nếu Thoa đồng ý đi thì bố cũng tán thành, Thoa nghe tôi ca tụng chuyện vượt biên ngon lành nó đồng ý liền, cứ làm như sắp được “du lịch” Campuchia. Thế là tôi nhờ chị Ky giới thiệu “Anh Minh bộ đội”.
Anh Minh đến quán như một người khách vào uống nước nhưng chúng tôi đã trao đổi chuyện trò. Giá cả là 3 cây vàng, đúng như chị Ky nói không phải trả trước xu nào, khi tôi nhận được tin nhắn của người thân đã bước chân sang đất Thái Lan thì mới chung tiền. Tôi kỳ kèo trả giá mỏi miệng từ 3 cây vàng xuống…1 cây vàng rồi nhúc nhích lên từ từ tới 2 cây rưỡi. Anh Minh sốt cả ruột:
- Tổ chức một chuyến vượt biên là bao công phu, bao tốn kém mà chị mặc cả như mua con cá bó rau ngoài chợ.
- Tại tôi quen trả giá khi đi chợ rồi, đi vượt biên cũng có quyền trả giá chứ anh.
Cuối cùng anh Minh chịu bớt 5 chỉ vàng. Tôi hân hoan nghĩ thầm “Anh Minh chắc giá thế, là tiền nào của nấy” chuyến vượt biên sẽ an toàn cao.
……………………
Thoa đã sửa soạn vài thứ đồ dùng tối cần thiết cho chuyến đi vượt biên . Tôi đưa cho Thoa một chỉ vàng mà tôi đã thuê anh thợ bạc ở Xóm Mới cán mỏng ra làm mấy miếng và vài cục gum để mang theo, khi nào bắt đầu vào cuộc hành trình có vẻ gian nan thì nhai gum ra và dán dính những miếng vàng này vào trong mái tóc để tránh bị rơi rớt và tránh cả kẻ cướp. Nghĩ tới phải qua một khúc đường biển mới sang đến đất Thái tôi liền tức tốc đi mua một cái phao nhỏ và dặn Thoa, tôi nói chung chung, kiêng cử không dám nói đến cảnh nguy biến nước tràn vào thuyền vì sợ bị xui xẻo:
- Khi nào… cần thiết thì thổi phao lên mà…xài. Nếu Thoa không đủ sức thổi cái phao thì nhờ mấy đàn ông chung chuyến thổi giùm.
Nhưng Thoa nghĩ sao nói vậy:
- Chị ơi giây phút đắm tàu thì ai rảnh mà thổi phao giùm mình? Có khi họ cướp cả phao của em luôn, có khi chưa kịp thổi phao thì nước đã cuốn phăng cả người và phao ra biển rồi.
- Ấy chết em đừng nói những điều ghê gớm ấy, thuyền chỉ đi qua một eo biển nhỏ …êm đềm thôi mà.
Tôi nào biết eo biển nhỏ ấy ra sao, chỉ nói đại cho xong, tuy trấn an Thoa thế mà lòng tôi càng thêm lo, tôi bắt Thoa thực tập thổi cái phao, nó phồng mang phồng má lên thổi mãi cũng xong.
Gia đình chúng tôi có 2 căn nhà, một căn trong xóm để ở và một căn ngoài mặt đường là nơi kinh doanh quán cà phê giải khát bấy lâu nay. Sau biến cố buồn riêng mẹ mất và biến cố buồn chung tháng Tư 1975, cha con, chị em chúng tôi ở chung nhau, đùm bọc lẫn nhau.
Tuy hai chị em nôn nóng chuyến vượt biên nhưng hôm chồng tôi từ nhà trong chở Thoa ra điểm hẹn ở bến xe Bà Hạt để khởi hành sang Campuchia tôi không dám ở nhà vì tôi biết giây phút tiễn đưa này tôi sẽ không chịu nổi, vội vàng đội chiếc nón lá ra quán giải khát dù hôm nay tôi chẳng còn lòng dạ nào mà bán hàng, vừa đi tôi vừa khóc, nhờ đội nón lá nên hàng xóm không ai biết tôi đang khóc. Ở nhà trong Thoa cũng khóc và chào tạm biệt mọi người, thằng Bi con tôi nằm cuộn chăn trong giường khóc nức nở, Dì cháu cách nhau 9 tuổi, dì là người từng bồng bế cháu khi nó còn bé nên hai dì cháu thân nhau lắm. Cuộc chia tay đầy nước mắt liệu có là điềm …xui xẻo gì không?
Tôi ngồi thẫn thờ ngoài quán nước mà tưởng tượng suy đoán ra từng giai đoạn một: Giờ này Thoa đang ngồi trên chuyến xe đò Bà Hạt. Giờ này xe đò đang chạy đến Mộc Hóa Long An. Giờ này Thoa sang tới đất Campuchia. Giờ này Thoa …đang ở đâu?
Chiều tối tôi dọn hàng về nhà trong xóm, thấy đôi dép Thoa còn để trước cửa tôi lại khóc òa, đôi dép đây mà Thoa thì đi xa. Ôi, giá mà Thoa vượt biên hụt trở về nhà ngay lúc này chắc tôi sẽ mừng vui hơn là thất vọng nữa đấy.
Đã hai lần tiễn hai thằng em đi vượt biển, đứa đến Thái Lan đứa đến Mã Lai, nghe kể lại những ngày hãi hùng lênh đênh trên biển gia đình tôi sợ biển quá rồi, nay Thoa đi vượt biên bằng đường bộ thì đỡ lo hơn. Người đi cảm giác lo lắng hồi hộp bao nhiêu thì người ở nhà cũng bấy nhiêu. Xóm tôi có mấy vụ vượt biển thất bại đau thương, những chuyến tàu bặt vô âm tín, bác hàng xóm một lúc mất mấy đứa con, bác gầy sộc hẳn đi, buồn thảm, phờ phạc thất thần trông bác như một bà điên.
………………….
Ngày từng ngày trôi qua, tôi ăn không ngon ngủ không yên. Tôi chờ tin anh Minh, chờ bóng hình anh cứ như là chờ người yêu. Sau ba tuần thì anh Minh bộ đội đến quán nước gặp tôi, anh đến là có hi vọng có tin vui rồi. Tôi luống cuống pha vội cho anh ly cà phê đá mang ra bàn, anh đưa tôi một mẩu giấy nhàu nhòe Thoa viết vài chữ như sau: “Chị Thanh ơi, em vẫn bình yên”
Trước khi Thoa đi chị em tôi đã có 3 mật hiệu để báo tin về nhà:
1) Mật hiệu ” Ba ơi, con vẫn bình yên” là an toàn 100% nhà cứ việc trả vàng cho anh Minh.
2) Mật hiệu ”Chị Thanh ơi, em vẫn bình yên” là 50/50. Tùy ..
3) Mật hiệu “Anh Thu ơi, em vẫn bình yên” là xấu nhất, bị lừa hay chưa đến Thái Lan. Không trả.
Tôi nghi ngại hỏi anh Minh:
- Nghĩa là hiện nay em tôi cũng như khách trên chuyến vượt biên đang ở trên đất Thái Lan?
- Phải. Chúng tôi đã làm xong nhiệm vụ giao ước. Bây giờ xin chị trả chi phí 2 cây rưỡi vàng.
Tôi trì hoãn:
- Hẹn anh ba ngày nữa tới đây. Tôi cần bàn với gia đình .
Buổi tối về nhà trong, gia đình tôi cùng quây quần bàn bạc, nửa vui nửa lo cái ám hiệu “ba phải” 50/50 kia. Có nghĩa là gì? Không hoàn hảo nhưng cũng không quá xấu? Nếu không giao vàng cho người ta thì mình thành thất hứa. Nếu giao vàng mà Thoa chưa đến nơi thì coi như mất toi món tiền lớn.
Bố tôi quyết định bảo tôi:
- Làm người phải có chữ tín. Con cứ giao vàng cho anh Minh. Mật hiệu lửng lơ thế cũng tạm coi như an toàn rồi. Chứ chờ Thoa đến Thái ổn định viết thư về thì lâu lắm.
Ba ngày sau anh Minh đến quán, tôi trao đủ 2 cây rưỡi vàng cho anh, mặt anh tươi rói nhưng vẫn than thở:
- Không phải ai cũng tử tế sòng phẳng như chị, nhiều người còn đang hẹn chày hẹn cối khi nào con em họ tới Thái Lan gởi thư về có đóng dấu bưu điện Thái Lan họ mới chồng vàng cho tôi.
Anh Minh ra về, anh khen tôi tử tế trả tiền sòng phẳng mà chẳng bớt thêm cho tôi đồng nào trong khi mấy người kia đang lấy cớ quỵt tiền công anh.
………………………
Gần 2 tháng sau thì tôi nhận được thư Thoa gởi từ trại Panatnikhom Thái Lan, có đóng dấu bưu điện Thái Lan đàng hoàng, tôi tự hỏi không biết giờ này anh Minh có đòi thêm được người nào không? Hay họ lại hẹn chày hẹn cối tiếp khi nào con em họ qua tới Mỹ gởi thư về có đóng dấu bưu điện Mỹ mới chịu trả tiền?
Thoa đã ổn định trong trại tị nạn do cao ủy phụ trách, gia đình tôi yên tâm. Lần lượt Thoa viết thư về kể mới biết cuộc vượt biên đường bộ cũng đầy hiểm nguy, mỗi một bước chân đi là một bất trắc đang đón chờ, anh Minh chẳng ba đầu sáu tay, anh Minh chẳng là thần thánh phù phép lo hết được khi qua những trạm lính Miên, khi băng rừng xuyên đêm và chỉ một khúc đường biển mà thật khủng khiếp. Từ thành phố cảng Kompong Som, là thành phố cảng đẹp nhất của Campuchia nhưng thuyền chở khách vượt biên của anh Minh phải tìm một “hóc bà tó” nào đó của biển bên này mà lén lút vượt qua để sang bên kia vùng biển Tha Luông tỉnh Chad của Thái Lan, nào thuyền có “hiên ngang” cặp bến biển Tha Luông như ước mong, họ chở khách ra giữa dòng, đậu lại lửng lơ con thuyền không bến. Nơi đây họ yêu cầu mọi người viết tin nhắn về cho gia đình rồi đợi chiều tối mới đi tiếp. Mọi người trên thuyền như cá nằm trên thớt họ bảo gì nghe nấy dù chỉ…sắp sửa đặt chân lên đất Thái. Đó là lý do Thoa viết mật mã “nửa nạc nửa mỡ.”
Họ đổ khách vào một hòn đảo đá ong lúc 7 giờ chiều. Họ chỉ chỏ bờ Thái bên kia rồi vội vàng quay thuyền trở về đất liền Campuchia. Mọi người nhìn xa mờ thấy một giải đất dài nên cũng tạm yên tâm, tưởng có thể lội bộ tới, nào ngờ chưa biết tính sẽ lội bộ thế nào thì nước thủy triều bắt đầu dâng lên trong vòng một tiếng đồng hồ nước từ từ ngập phủ đảo, lên tới chân, tời đầu gối, tới đùi mọi người, cứ cái đà nước dâng thế này thì cả bọn sẽ bị nhấn chìm trong nước biển. Mọi người kêu la khóc lóc cầu nguyện.
Chẳng lẽ cả đám chịu trận chờ chết thảm cùng nhau, anh Phương một người biết bơi tình nguyện nhảy xuống biển để bơi sang bờ Thái hầu tìm người đến cứu, nhưng anh ta vừa thò chân xuống nước đã kinh hãi vì nước quá sâu, nếu không đủ sức bơi sang bờ kia thì sẽ chết chìm như chơi. Lúc này Thoa nhớ tới cái phao cá nhân của mình liền đưa ra nhờ cánh đàn ông khỏe thổi phao cho căng phồng, đưa phao cho anh Phương Thế là anh Phương chòang cái phao vào nách yên tâm nhảy xuống biển bơi đi thật nhanh, khi anh sang tới bờ bên kia hình bóng anh xa tít mù khơi, thì ra nhìn tưởng gần nhưng đi rất xa. Nếu không có cái phao thì anh Phương không đủ sức bơi và chết chìm trước khi thấy bến bờ Thái.
Anh Phương đã đi tìm gặp dân ở gần đó nhờ họ mang thuyền ra cứu mọi người trên đảo đá ong. Họ chẳng tử tế cứu giùm, mà phải trả công bằng vàng, trong giây phút tử sinh ai dấu vàng ở đâu cũng moi ra trả chủ thuyền để mà sống sót, một vài người thật sự không có vàng thì mượn hay đi ké theo người có vàng cũng xong.
Những lá thư, những điều Thoa kể làm tôi kinh hãi và hối hận vô cùng, chính tôi đã có ý tưởng cho Thoa đi vượt biên, chính tôi đã nghe chị Ky kể chuyện vượt biên đường bộ mà mê tơi lên, cứ tưởng anh Minh tài ba, chở người vượt biên nhởn nhơ trên các nẻo đường Campuchia và bước chân sang Thái Lan như khách lãng du. Nếu Thoa có mệnh hệ nào thì tội của tôi to như cái đình và chắc tôi sẽ khổ đau điên dại giống như bác hàng xóm kia.
Sau vài ngày, sau vài thủ tục khai báo tại trại nhỏ, cả đám được chuyển đến trại tị nạn lớn. Tại đây Thoa mới biết thời gian này trở đi sẽ có cuộc thanh lọc ai đủ tiêu chuẩn đậu thanb lọc mới có cơ hội đi định cư nước thứ ba.
Người mới đến hỏi han người đến trước, truyền tai nhau những kinh nghiệm, tô vẽ cho mình một lý lịch gay go, một cảnh đời bầm dập để khai với cao ủy tị nạn. Còn Thoa chẳng tìm ra cớ gì đành khai thành thật vì chán chế độ cộng sản muốn tìm cơ hội tiến thân nơi đất nước tự do dân chủ hi vọng họ sẽ cảm thông cho đậu thanh lọc.
Cuối cùng sau gần 3 năm qua bao trắc trở Thoa may mắn đậu thanh lọc và chờ đợi hơn một năm sau mới được đi định cư nước thứ ba như một phép màu vì có nhiều người với lý lịch rõ ràng là lính Việt Nam Cộng Hòa, là dân “phản động” từng bị chính quyền cộng sản Việt Nam bắt đi tù, từng bị trả thù còn bị rớt thanh lọc chờ ngày hồi hương.
Sự may mắn của Thoa nhờ công của người này người kia, họ chỉ dẫn, họ giúp đỡ, họ cảm thương và biết đâu nhờ chút tử tế, chút điều lành của gia đình tôi trong đó. Gia đình tôi đã giữ chữ tín, chồng vàng đầy đủ cho anh Minh như đã giao ước và nhờ cái phao của tôi bắt Thoa mang theo, cái phao đã cứu sống mấy chục mạng người trên hòn đảo đá ong khi nước thủy triều dâng cao, họ không chết chìm cũng chết khát chết đói vì chẳng ai biết mà đến đây cứu họ.
Nhưng trên hết là nhờ trời Phật, thương đế đã ban cho gia đình tôi ơn phước này.
Thế là gia đình tôi đã tham gia vượt biên đủ cả đường biển và đường bộ, ngoài ra còn đi chính thức bằng đường bay. Sau khi Thoa đi định cư, vài năm sau đó gia đình chúng tôi cũng lần lượt sang Mỹ định cư theo diện HO và ODP đoàn tụ gia đình.
Chị Ky “tri kỷ” hàng xóm của tôi được con gái bảo lãnh sang Mỹ đoàn tụ. Chúng tôi lại là tri kỷ của nhau trên đất Mỹ, cùng vui hưởng cuộc sống văn minh tự do với bao điều mà ngày xưa còn ở Việt Nam chúng tôi đã từng khao khát chờ mong.
Nguyễn Thị Thanh Dương
( Feb.. 22, 2024)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét