Năm 1954 theo hiệp định Geneve chia đôi đất nước do Liên Hiệp Quốc và quốc tế công nhận. Ông bà nội, chú Tài, cô Oanh cùng cha mẹ tôi dẫn theo anh chị di cư vào Nam, lúc đó mẹ đang mang thai tôi. Tàu đến vùng Vạn Giã gần Nha Trang, sau di chuyển ra Huế, tôi đã chào đời nơi miền sông Hương núi Ngự vào đầu mùa xuân năm 1955. Nghe mẹ kể lúc di cư vào Nam trên tàu có bé con ai mới một tuổi bị chết, không hiểu sao cha lại dùng khai sinh đó cho tôi kể cả cái tên.
Ông bà nội tôi sống nơi tỉnh Thái Bình, là địa chủ giàu có. Ông bà Ngoại cũng thuộc giới địa chủ, 2 ông bạn thân thường gặp nhau chơi cờ, đánh tổ tôm, vì vậy nên muốn gả con cho nhau dù mẹ tôi hơn cha 2 tuổi. Rồi thì hai bên giữ lời hứa. Bà nội muốn mẹ tôi về hầu hạ sai vặt sớm hơn nên xin cưới non, chờ lúc cha 20 tuổi sẽ cho động phòng.
Lúc đó mẹ tôi chỉ mười ba tuổi và cha thì lên mười một, nghe mẹ kể rước dâu khiêng võng, mẹ mặc váy hồng. Bà nội ở ngôi nhà ngang, thường sai mẹ quạt, hầu nước và những việc vặt, đêm ngủ với bà. Mẹ tôi không hề thấy cha vì ông ở nhà trên, thỉnh thoảng cha chơi banh lọt vô nhà, mẹ lượm đôi trả lại như hai trẻ xa lạ.
Khi cha tôi lên Hà Nội học tiếp, mẹ cũng chẳng hay biết. Đến lúc cha được mười chín, ông bà nội cho động phòng. Cha chê mẹ xấu không chịu, mấy lần trốn lên Hà Nội sống với bà con nhưng bị lôi về, cuối cùng ông cũng ở với mẹ tôi. Mẹ sinh anh Hải tôi, kế tiếp chị Giang, và mang bụng bầu di cư vào Nam. Nghe hồi đó cả gia đình nhà nội trốn đi đêm lên Hà Nội, tới Hải Phòng, nếu còn kẹt lại miền Bắc sẽ bị đấu tố và chôn sống, may mắn được xuống tàu đến bến bờ tự do.
Ký ức tôi còn nhớ rõ vào khoảng ba tuổi nhà thuê vùng Cầu Đất, ông Nội nằm đau li bì thời gian rồi mất. Sau đám tang, cô Oanh tôi lấy chồng đi vào Nam, bà nội cũng theo cô, chú Tài thì đi lính.
Vài năm tiếp tôi vẫn sống hồn nhiên chẳng biết gì… thấy có người đàn bà khác về sống chung trong nhà, sau mới biết đó là người vợ kế của cha mình.
Cha tôi đi lính ngành hiến binh, làm việc nơi cửa An Hoà, thường ghé quán nước dì Đoan bán, thấy dì đẹp nên mê mẫn. Cha về nói chuyện với mẹ, muốn mẹ đem ít lễ vật như trà rượu bánh trái lên thưa với cha mẹ dì Đoan xin cưới vợ hai cho cha. Mẹ hiền lành ngoan ngoãn làm theo, sau đó rước dì Đoan về ở trong lúc bụng bầu Dì đã lớn .
Cha chuyển qua ngành quân cảnh, bị đổi vào Qui Nhơn, lúc đó gia đình tôi đã dời nhà lên thuê gần hồ Tịnh Tâm. Thỉnh thoảng cha về thăm , có hôm cha hỏi mẹ tôi dành dụm được bao nhiêu tiền, đưa cha vào mua nhà trong ấy, dự tính vợ con sẽ vào hết sau. Chờ hoài chẳng thấy cha nhắc lại chuyện nhà cửa, mẹ không biết có thật sự cha mua nhà hay làm ăn bị thua lỗ, nhưng không dám hỏi chỉ biết buồn âm thầm.
Dì Đoan sinh được 3 trai kế tiếp tên Hùng, Hồ, Hà. Dòng họ ông nội là “Nguyễn Cao...” mấy đời, khi vào Nam cha đổi tên các con trai “Nguyễn Dương ...” , cha nói “ đâu còn sang trọng chi nữa mà dùng chữ “Cao”.
Hằng ngày dì Đoan đi chợ nấu ăn, mẹ tôi chăm sóc giữ các cháu chung. Mỗi chiều hai bà bế hai đứa nhỏ đi dọc bờ hồ Tịnh Tâm dạo mát, tôi và Hùng theo sau.
Bên cạnh nhà có ông Nghè cũng lấy hai chị em ruột, các bà ở chung, thỉnh thoảng xảy ra tiếng to. Ông và vợ chính rất quý mến mẹ, tết nhất mồng một qua chúc đầu năm, ông bà về xong thì bà hai cũng qua thăm vì ưa làm bạn với mẹ tôi.
Một hôm mẹ nắm tay tôi bước ngoài đường, gặp bà phán Năm đang đi với bà bạn sang trọng, thấy mẹ tôi dừng lại chào hỏi, bà Phán quay qua nói với bà bạn:
- Cô Hoàng đây là người tui từng kể cho chị nghe đó, cô rất hiền hậu, phúc đức, sống giống như Bụt vậy, bà bạn gật đầu cầm tay mẹ tôi tỏ vẻ thân thiện. Câu nói của bà Phán quý phái chung xóm theo hoài trong trí nhớ của tôi.
Cuối xóm nhà bà Trợ Đạt có con là anh Giác đang học ngành sư phạm Qui Nhơn, tình cờ gặp cha tôi trong đó, thường lui tới chơi. Một hôm về Huế thăm nhà, anh đến đưa mẹ tôi tấm hình, mọi người xúm lại xem thấy cô thiếu nữ tóc dài ngồi trong ánh trăng, cha tôi đứng ngoài có ghi hai câu thơ của Hàn mặc Tử: “Làm sao giết được người trong mộng. Để trả thù duyên kiếp phũ phàng”, anh Giác kể tình cờ đến chơi thấy nhiều tấm ảnh trên bàn, nên lấy một tấm. Lúc đó mẹ tôi không nói gì, mặt mày có vẻ trầm ngâm, còn dì Đoan sáng hôm sau thức dậy nói giọng đầy bực tức.
- Chị ơi ...hồi đêm em ngủ không được, em bực quá trời.
Sau vài ngày mẹ tôi lên tiếng
- Thôi vào theo ông mà giữ đi, chứ lương tiền chẳng bao nhiêu, cứ chia năm xẻ bảy kiểu này thì con cái sẽ khổ.
Trong thời gian ngắn dì Đoan và 3 đứa em trai khăn gói vào ở với cha, tôi vẫn vô tư chẳng để ý, chẳng hiểu chuyện người lớn, chỉ rất buồn vì không có các em để cùng vui đùa chạy nhảy.
Từ ngày dì Đoan vào trong Qui Nhơn, rồi lại theo cha tôi đổi ra Quảng Ngãi, hai năm đầu tới mùa hè nghỉ học, bốn mẹ con đi tàu lửa vào chơi một tháng. Cha vẫn thường gởi tiền cho mẹ. Dì Đoan sinh thêm bốn đứa em nữa gồm ba gái và một trai là Dung, Hảo, Hạnh, Ngọc.
Có lẽ vì con đông chật vật nên sau cha không còn gởi tiền nữa, mẹ tôi xoay sở ra các đại lý mua nước mắm , gạo, đường, sữa chứa tại nhà bán lẻ. Trong xóm có số vợ lính người Nam theo chồng ra Huế thuê nhà ở, cuộc sống người Nam thoải mái, đầu lương tiêu rộng rãi, gần cuối tháng hết tiền họ qua mượn, hoặc mua thiếu. Khi có phiếu mua đồ quân tiếp vụ, họ đưa cho mẹ, thay vì trả tiền nợ, mẹ cất công xếp hàng mua về bán lại. Họ rất thân thiết xem như mẹ.
Tuổi thơ tôi luôn theo sát chân mẹ lúc Dì Đoan đã vào với cha tôi, bất cứ đi đâu mẹ cũng dẫn Út theo. Tôi nhớ những buổi tối lên Chùa Tịnh Bình, các bà vỗ đầu tôi nói chuyện
- Con đừng giết các vật nhỏ bé như kiến, ruồi, muỗi nghe, sắp lên tụng kinh ngồi yên chắp tay hí.
Các bà nựng má tôi và lấy quýt cho. Khi lên chánh điện người lớn chăm vào quyển kinh đọc râm ran, tôi ngồi im bên mẹ cho đến giờ vãn chuông.
Mẹ tôi quy y nơi Chùa Diệu Đế nằm trên đường Bạch Đằng từ cửa Đông Ba đi ra, mỗi lễ lớn có chú điệu đạp xe vào đưa phong thơ mời, tôi thấy mẹ gởi lại tịnh tài, chú ghi trong danh sách.
Ngày lễ tôi lẽo đẽo sau đuôi, mẹ mang theo thùng nhỏ có quai xách đậy nắp, ghé vào chợ Xép, sà xuống hàng bán cá, mua nhiều loại cá nhỏ, xin nước và bỏ cá vào thùng xách ra Chùa. Mẹ gởi thùng cá sau vườn, đi chào hỏi các bác, rồi phụ vài việc trong bếp. Tôi thì thích nhất mỗi lần ra Chùa được các thầy trẻ, các chú điệu lấy bánh in đủ màu cho một bịch.
Tiếng trống “thùng, thùng, thùng...” thật lớn, rồi tiếng chuông lanh lảnh. Mọi người ngừng việc lên chánh điện hành lễ, đoạn giữa ngưng đọc kinh, mẹ bảo tôi quỳ lên chắp tay, tôi nghe sư ông đọc tên nhiều người, có tên cha, mẹ, dì Đoan và anh em tôi, sau này tôi mới biết là lễ cầu an hoặc đầu năm dâng Sao giải hạn.
Làm lễ xong mọi người đi từng đoàn ra bờ sông trước mặt Chùa, mẹ tôi mở thùng nước khấn nhỏ điều gì rồi thả cá xuống, những con cá vẫy mạnh tung tăng bơi nhanh, nhìn chung quanh mọi người cùng thả cá giống mẹ tôi.
Mỗi dịp 26, 27 gần Tết, mẹ chuẩn bị bánh trái và bắt tôi đi theo chuyến xe đò ra chợ Đông Ba, rồi chuyển xe khác lên ngả Nam Giao, xin dừng xuống nửa đường, đi bộ thật xa vào trong khu nghĩa địa hoang vắng. Ông Nội tôi được chôn nơi này, có đám con nít thấy người là chạy đến nhổ cỏ phụ, mẹ bày hương đèn, bông hoa đặt trên mộ cúng, sau khi dọn dẹp sạch sẽ. Cúng xong mẹ phát hết bánh kẹo cho chúng, tôi phụng phịu giận, mẹ cũng không thèm quan tâm, mẹ móc tiền cho mỗi đứa mấy đồng rồi nói:
- Bác ở xa lắm, nhờ các con thỉnh thoảng xem chừng, đừng cho trâu giẫm lên ngôi mộ nhé, thỉnh thoảng bác lên sẽ cho tiền.
Chúng nó vừa được đồ ăn, vừa được tiền thích quá gật đầu lia lịa, còn tôi thì ghét vì chúng nó ăn hết phần bánh trái của tôi. Trên đường về mẹ mới nói:
- Bọn trẻ nghèo khổ tội nghiệp suốt ngày đi chăn trâu, để về mẹ mua bánh khác cho con ăn.
Đó không phải là lần đầu, theo năm tháng lớn dần tôi quá quen tánh mẹ...lúc nhà có cúng giỗ xong, mẹ đặt hai chén chè một dĩa xôi trên khay, bắt tôi bưng đi nhiều lần biếu cả xóm, biếu xong về muốn ăn, mẹ chỉ lên bàn
- Còn phần mỗi đứa một chén
Tôi sưng sỉa mặt mày:
- Ăn một chén thấm tháp chi, tự nhiên đi cho hết...
Mẹ nhìn tôi như muốn chọc tức thêm
- Cúng xong là cốt đi biếu trả lại chứ không phải để con ăn…
Tôi nghẹn lời, hết nói gì...và cũng sực nhớ cách cư xử lâu nay của hàng xóm, nhà ai có giỗ sau đó cũng đi biếu như vậy.
Hồi nhỏ tôi có nhiều tật xấu, chẳng hạn buổi trưa ngủ dậy, gọi bà bán khoai mới luộc vào mua, tôi nhấc củ này lên rồi để xuống, chọn củ kia, nâng củ nọ.. chọn cho được tốt lành, bà bán khoai đi rồi, mẹ nhắc tôi
- Lần sau có mua thì cầm củ khoai nào cũng được, vì các bà đó ít vốn bán rổ khoai chẳng kiếm lời được bao nhiêu… đừng vọc lựa như vậy ...tội họ.
Trước mặt nhà có 2 bà giáo Lý và bà phán Lợi, không biết họ có xích mích chuyện gì, họ không hề giao tiếp với nhau. Buổi trưa bà này qua kể to nhỏ chuyện bà kia cho mẹ tôi nghe, buổi chiều bà kia qua nhỏ to liếc về phía nhà nọ, tôi chỉ nghe tiếng mẹ “vâng ...vâng ...vâng” ngoài ra không nói thêm câu nào, hai bà trút được chuyện “ghét nhau” ra về, anh chị tôi chọc mẹ
- Mẹ đứng về phe ai? Sao bên nào cũng cứ nghe “vâng vâng” hoài vậy
Mẹ tôi la:
- Im miệng nhé, chuyện người lớn nghe đâu bỏ đó, đừng để ý tọc mạch đấy. Mẹ không theo ai hết, mấy bà nói, mẹ còn chẳng chú tâm nữa là, nể lòng mẹ “vâng vâng” thôi, nhưng nếu có mở miệng phải nói vào cho họ hoà thuận đừng ghét bỏ nhau nữa.
Không có dì Đoan ở nhà, nhưng khi lo đám giỗ Ông Nội, mẹ vẫn lên mời ba mẹ dì Đoan xuống. Ông Bà Ngoại là người tu hành, nhà sát ngôi Chùa, chăm coi lo mọi việc Phật sự trong Chùa nên được gọi là ông bà vãi. Tôi cũng gọi Ông Bà Ngoại theo các em luôn.
Còn nhớ một lần Bà Ngoại xuống nhà, mẹ tôi bận tay, ngoại đòi phụ sắp xếp các thức ăn lên bàn thờ, nhưng mẹ không cho và rót nước mời ngoại ngồi chơi, chỉ còn tôi đang quanh quẩn gần đó, Ngoại ngồi như suy nghĩ điều gì với vẻ mặt vui tươi, tự nhiên nói với tôi:
- Bà đây hiền quá, con Đoan nhà tui có phước nên gặp được, chứ nếu gặp người khác là mệt rồi
Giai đoạn đó tôi cũng đã mười ba tuổi đầu nhưng thật ngu ngơ chẳng để ý chuyện người lớn, tuy có lần cũng nghe Ngoại kể với mẹ tôi về dì Đoan… Dì yêu người đàn ông đã có gia đình, ngày Dì sinh bé gái bà vợ cả đến đánh ghen cầm nguyên chai bia lớn xáng vào mặt, để lại sẹo to choán gần hết má. Sau này gặp cha tôi, lại yêu nhầm người có vợ nhưng may mắn gặp mẹ tôi. Tuy nét mặt bị sẹo in sâu, nhưng dì còn rất đẹp, nét đẹp mặn mà tiểu thư… đúng là hồng nhan bạc mệnh (con gái riêng của dì ở với ông bà Ngoại).
Một hôm Ông Ngoại (Ba của dì Đoan) đau nặng, mẹ tôi hay tin nói với con cái:
- Để mẹ đi chợ mua thứ gì ngon bổ nấu đem lên Ông Ngoại ăn kẻo sợ không kịp
Rồi mẹ vội đi mua các thứ bổ dưỡng, mua cam lên thăm Ông Ngoại, Bà Ngoại rất thương mến cảm động.
Năm 1977 mẹ tôi lên thăm cha và dì Đoan, trước đó cả tháng thấy mẹ lăng xăng dồn các thứ như bột ngọt, bột mì, đường, kể cả hai mét vải thô cửa hàng bán mỗi năm được chừng đó, mẹ cũng vơ vét gói vào.
Sau chuyến lên thăm về, mẹ buồn hay ứa nước mắt
- Tụi nhỏ tội lắm, cố gắng làm gì kiếm tiền để dành gởi chúng nó đang đói trên kinh tế mới.
Giai đoạn quá thê thảm, chiến dịch đánh tư bản mại sản, tịch thu nhà cửa cấp tá VNCH, mỗi đêm bắt họp tổ, lãnh đạo đưa xuống chỉ thị ép dân lên kinh tế mới, bắt đi lao động Thuỷ Lợi, thanh niên rà mìn...v..v....
Mẹ tôi ngày đêm mặt nhợt nhạt thấp thỏm khi thấy các gia đình trong xóm lần lượt có tên bắt buộc đi kinh tế mới. Ông tổ trưởng đến kê khai lý lịch từng nhà, thấy chúng tôi khai cha, ông ngạc nhiên và đùa tự nhiên
- Ủa ba bây còn sống à, rứa mà tao tưởng chết lâu rồi, định tới ..cua ..mẹ bây,
Có lẽ ông thấy mẹ hiền lành tội nghiệp nên những lần danh sách ép đi kinh tế mới vẫn chưa có tên nhà tôi.
Gia đình túng nghèo, mẹ không biết làm gì kiếm ra tiền nữa, có người hàng xóm rủ đi buôn quần áo cũ, mẹ ngồi chợ trời phơi nắng suốt ngày, mua món hàng $20, khi bán lại, khách trả $15 đồng, cuối cùng mẹ toàn bán lỗ tiền, không kể cái công nên bỏ cuộc.
Tinh thần đảo lộn, mọi người kiếm sống hộc máu theo đời cơm áo. Tôi quen Hữu cùng hai thân tàn ma dại, Hữu dạy Toán trường trung học Đà Nẵng, đổi về trường Hàm Nghi Huế (ngày xưa gọi là trường Quốc Tử Giám) vừa lúc trường phá ra dùng làm bảo tàng viện trưng bày súng ống của Việt cộng nên Hữu trở thành tên “vô lương mất dạy”.
Gia đình Hữu tìm đường vượt biên và may mắn lọt được một nửa, Hữu gởi thư về có ý muốn tôi đi theo, tôi vào Sài Gòn tìm kiếm các tổ chức. Lúc đó anh tôi sinh sống dưới Bạc Liêu, anh làm cán bộ kỹ thuật (đào tạo trước 1975 do TT NV Thiệu mở chương trình “Người cày có ruộng”), họ lưu dụng, vợ anh bán quán giải khát, có bốn con nên anh chị cần mẹ tôi vào giữ cháu. Thời gian ngắn không về Huế tôi bị công an đến nhà hỏi, sau đó cắt hộ khẩu. Tôi xoay sở nghề thêu áo dài xuất ngoại do bạn giúp đỡ, làm cầm chừng theo dõi tin tức tại Sài Gòn.
Năm 1983, tôi bị tịch thu giấy tờ sau khi ở tù vượt biên ra. Tôi dùng giấy công tác ngành thuế của anh Hải lên thăm cha lần cuối trước khi chuẩn bị đi.
Tôi tiếp tục săn lùng những chuyến vượt biên, thỉnh thoảng về lại Bạc Liêu thăm mẹ, nghe kể dì Đoan đi Sài Gòn gặp bà con từ ngoài Huế vào, luôn tiện xuống Bạc Liêu thăm mẹ tôi, được mẹ dẫn đi ăn hàng ngoài chợ mấy ngày và sắm vải, sắm quần áo cho. Hàng xóm cũng như những người quen ngoài chợ xôn xao bàn tán như một hiện tượng lạ chưa từng thấy, họ nói mẹ tôi là nhân vật có một không hai, hiền hậu như Phật, gặp lúc tôi về họ kể lại đầy sự ghen tức dùm.
Mẹ ở Bạc Liêu cũng nghe rủ rê chơi hụi. Tình cờ một hôm tôi thấy bà nào lạ đến nhà, mẹ đưa tiền, tôi hỏi
- Tiền gì vậy mẹ?
Mẹ ấp úng
- Góp chơi hụi
Tôi nhìn bà kia rồi quay qua mẹ mặt nghiêm nghị
- Coi chừng bị mất
Bà kia không nói gì cầm tiền đi nhanh, còn mẹ cười bả lả
- Trong xóm giềng làm sao mất được.
Quả sau này, bà chủ hụi trốn trên Sài Gòn. Một tối bà về khuya thăm nhà, bị con hụi phát hiện la ầm ỉ ba làng bảy xóm gọi những người bị mất tiền ra bao vây. Hàng xóm ùa nhau túm bà kéo lên phường ngủ một đêm, sáng phường xử phải đền tiền lại. Từ đó bà không cần trốn đi đâu, không tiền ai dám tới đẻo thịt bà, bà tự nhiên đi ngang nhà, mẹ chào cười như không có chuyện gì. Tôi trố mắt ngạc nhiên nhìn mẹ
- Sao vậy mẹ ...còn cười chào họ nữa à?
- Tội con ơi ...không ai muốn vậy đâu chắc vì hoàn cảnh sao đó.
Có lần đi với mẹ lên Hóc Môn dự đám cưới con cô Oanh, cô bé hàng xóm cùng lên Sài Gòn kiếm việc. Ngồi chung chuyến xe, giờ trưa ai cũng xuống ăn uống giải khát, hai mẹ con cũng hà tiện mua ổ mì một đồng ngồi nhai, không thấy em đó ăn gì, mẹ tôi hỏi
- Sao con chẳng xuống ăn, con không thấy đói sao?
Cô bé lắc đầu im lặng, mẹ tôi gặng hỏi nhiều lần em mới nói nhỏ
- Tiền chỉ còn vài đồng để lên đó đi xe về nhà chị
Mẹ nghe vậy móc túi đưa cho em $5 bảo xuống mua đồ ăn, cô bé e ngại không lấy nhưng mẹ thúc giục quá, cô cầm tiền bước xuống xe. Mẹ quay qua tôi nói:
- Con thấy chưa, mình nghèo nhưng còn nhiều người khổ lắm. Bởi vậy mẹ hay tiết kiệm không dám phung phí để giúp những hoàn cảnh thiếu thốn hơn mình.
Bình thường các chuyến đi vượt biên, kể cả lúc ở tù ra tôi luôn giấu vì sợ mẹ lo, nhưng chuyến sau cùng, tình cờ mẹ nghe cuộc nói chuyện giữa tôi với anh chị, và biết tôi chuẩn bị đi. Mẹ có vẻ tư lự nét mặt, sau đó nhắc tôi ăn chay để nhẹ bớt nghiệp sát sanh thì sự cầu nguyện dễ linh ứng hơn. Lúc đó đầu óc tôi quá căng thẳng, đủ thứ nén trong lòng, tôi đi lo nhiều chuyện chẳng nghe lời mẹ, mà trước đó tôi cũng hư lắm, ngày rằm hay mồng một theo chay được buổi trưa, buổi chiều cũng mua bánh bột lọc mặn. Mẹ lặng lẽ ăn chay khi thấy tôi có vẻ thờ ơ không quan tâm.
Tôi phần chạy ngược chạy xuôi, lên Sài Gòn về Bạc Liêu vội vã, nhìn mẹ ngồi nhai cơm với dưa cải kho, tôi không bằng lòng tỏ ý mẹ sẽ mất sức khỏe, nhưng mẹ lờ đi, và nói:
- Mẹ nhất quyết ăn một tháng để nguyện cầu cho con.
Tâm trạng tôi rối bời sợ chủ tàu lường gạt, phần căng thẳng chuyện gặp hải tặc, lại lật đật đi, nên cũng gác qua chuyện mẹ ăn chay.
Đầu năm 1985 tôi đi chuyến cuối, lọt đến đảo Pulau Bidong. Trải qua những giờ phút thập tử nhất sanh, qua đảo tinh thần từ từ ổn định, nhớ chuyện mẹ ăn chay bỗng nước mắt tuôn trào và lòng thấy ray rức khó chịu kinh khủng.
Năm 2003 vào đầu mùa xuân ngày 17 tháng 2, cha tôi mất sau nửa tháng nằm không biết gì vì bị áp huyết tăng cao đứt mạch máu. Gia đình cản không cho tôi về, bảo chỉ gởi tiền anh em bên nhà lo liệu là tốt rồi, thật sự tinh thần tôi cũng suy yếu, tưởng không có sức leo máy bay về nổi.
Anh chị tôi vào lo đám nhưng giấu mẹ, sợ người bị tăng xông. Thời gian sau anh mở lời từ từ cho mẹ biết. Tôi nghe chị dâu kể lại mẹ không nói gì nhưng rồi chị thường bắt gặp mẹ ngồi khóc một mình kín đáo.
Đúng một tháng mười ngày sau, mẹ mất (27 tháng 3). Tự dưng mẹ xỉu, đưa vào nhà thương mê man một ngày, chị dâu và các cháu thay phiên nhau túc trực bên giường bệnh theo dõi, hôm sau mẹ mở mắt muốn thay quần áo và nói:
- Ai rồi cũng phải đi...đừng buồn gì hết..
Ngày lễ Mẹ, lễ Cha, lễ Vu Lan..trên đường đi làm, radio mở nhạc bản “Lòng Mẹ” của nhạc sĩ Y Vân với giọng hát Khánh Ly...
Một lòng nuôi nấng vỗ về những ngày còn thơ
Một tình thương mến êm như tiếng đàn lời ca
Mẹ hiền sớm tối khuyên nhủ bao lời mặn mà
Khắc ghi bên lòng con trẻ muôn bước đường xa
Dù ai xa vắng trên đường sớm chiều về đâu
Dù khi mưa gió tháng ngày trong đời bể dâu
Dù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt mầu
Vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu....
Mắt mờ dần ... tim nhói buốt, tôi phải tắt radio để giữ bình tĩnh cầm tay lái và cảm thấy thật bơ vơ trong cuộc sống. Có những đêm mất ngủ nằm trăn trở, kỷ niệm ùa về tôi chỉ biết tràn nỗi buồn trên phím gõ khi nghĩ đến cha mẹ:
Cha
Cha đã phong trần với gió mưa
Cha lo lắm việc kể bao vừa
Cha nhường trẻ nhỏ lo cơm sữa
Cha nhịn gia đình đủ cháo dưa
Cha đợi sau cùng dùng thức mứa
Cha ăn phút cuối hưởng đồ thừa
Cha là mái ấm thân con dựa
Cha vẫn đương đầu chịu gió mưa
(Minh Thúy Thành Nội)
Mẹ
Mẹ giỏi muôn bề kể xiết đây
Mẹ luôn nhẫn nhục khổ đong đầy
Mẹ lê gót Hạ khô tròng mắt
Mẹ lết chân Đông lạnh vớ giày
Mẹ nguyện con yên lành những phút
Mẹ cầu bố khỏe mạnh từng giây
Mẹ vui Phật Pháp tìm an lạc
Mẹ Bụt từ bi sống đẹp vầy
(Minh Thúy Thành Nội)
Tôi còn nợ một lời hứa rằng “sẽ xây ngôi nhà để mẹ thờ Phật tụng kinh sống yên tĩnh” . Nơi đây tôi chần chờ vì muốn xây đắp cái gốc tạm vững thì mới lo được cái ngọn, và cũng vì vấn đề tế nhị cần từ từ. Nghe tin mẹ qua đời trong khi tôi chưa thực hiện ước mơ, nói chuyện với người sống thì dễ chứ nói chuyện với người chết rất khó. Tôi thấy ray rức , tinh thần không được an ổn nên vẫn muốn xây nhà cho người anh, tôi nghĩ mẹ sẽ mãn nguyện nơi chín suối vì trong ba người con, mẹ vẫn thương nhất là anh.
Tôi bàn với chồng đem giấy tờ nhà equity mượn tiền gởi về, anh tôi mua đất gọi thợ xây khang trang phòng tắm, restroom theo tiêu chuẩn như Mỹ.
Cha mẹ mất tôi tưởng thời gian sẽ làm nguôi ngoai, tôi hiểu hết mọi lý lẽ đạo Phật rằng Sinh, Lão, Bệnh,Tử, rằng luật Sắc Không... tập khoan thai thực hành không sanh, không diệt để chấp nhận mọi thứ là vô thường trong cõi giả tạm này, nhưng tôi không thể chối cãi mình vẫn còn khóc dài dài từ năm này qua năm nọ cho đến bây giờ. Lúc học giáo lý trên Chùa thầy ban thời pháp về đạo làm con, về công ơn sinh thành, không khí im ắng chẳng nghe tiếng động, thầy phải đổi đề tài khi nhìn xuống đạo hữu nước mắt ràn rụa lặng thinh.
Ngày lễ Vu Lan người ta cài hoa hồng, mình cài hoa trắng, cảm xúc nghèn nghẹn dâng lên, có ai hát bài “Mẹ Tôi”.....
Lòng người mong ước ngày sau
Đàn con xứng thành người dân
Nhưng nay con đã nên người
Thì nay còn đâu bà mẹ hiền xưa
Chiều nay đốt hương tưởng niệm trước mồ
Nhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa
Công ơn sinh thành ngày nao đền trả
Mẹ ơi con nguyền nhớ lời mẹ khuyên
Tác giả Nhị Hà
Nước mắt tôi cứ tiếp tục tuôn trào, đầu óc căng lên nhức nhối, tim se sắt lại...Tôi cố gắng đè nén tập trung niệm Phật, cầu nguyện cho vong linh cha mẹ, cửu huyền thất tổ được vãng sanh về cõi tịnh độ. Tôi nhớ mấy câu thơ của Trần Trung Đạo “Đừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ. Ngậm ngùi con sẽ giấu trong thơ. Đau thương con viết vào trên lá. Hơi ấm con tìm trong giấc mơ”. Đêm khuya, đêm của tĩnh lặng, con lại trải nỗi buồn với niềm ước mơ...
Mùa Cài Hoa Vu Lan
(Tung Hoành Trục Khoán_1 giao cổ đối)
“Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười.
(Trần Trung Đạo)
Ví thể giờ đây có bóng người
Mà cầu báo hiếu khỏi sầu ngươi
Tôi buồn tiếc phận thay tròn kiếp
Đổi đủ duyên ai khổ xót đời
Thời khắc đêm đen châu chẳng cạn
Gian trần bóng tối lệ nào vơi
Được mơ ngực áo cài hoa đỏ
"Đổi cả thiên thu tiếng Mẹ cười"
(Minh Thúy Thành Nội)
Khi cha mẹ mất rồi ký ức luôn quay lại ngày tháng cũ.. các câu khen của hàng xóm, cách cư xử của mẹ với người chung quanh, chiều chồng cưới vợ hầu, thương con chung, hy sinh tình cảm cho người đàn bà khác, nhắc nhở tôi nhiều thứ...Tại sao những điều này ngày xưa tôi không hiểu và không quan tâm tới… Nay tự nhiên nó đến, nó thấm đậm trong sự suy tư, nó làm xoáy buốt lòng dạ, nó hoà nhập trong lối sống của tôi từ khi nào…
Con hôm nay thích sống giản dị, không xài sang, không đua đòi. Con thích đi Chùa, thích tiếng trống Bát Nhã, thích tiếng chuông thức tỉnh, thích những thiện hữu trí thức chung quanh để học hỏi đức tính tốt, thích ăn chay, thích nghe pháp, thích làm việc Phật sự, thích chia sẻ ruộng phước dù ít nhiều tuỳ duyên, và nhất là thích giống mẹ sự nhân hậu, luôn từ tâm không biết hận thù, luôn nói lời ái ngữ, luôn giữ khẩu ý được thanh tịnh và tránh nói lời thô ác.
Cha mẹ mất thể xác đã tan rã dưới lòng đất lạnh, nhưng hình ảnh luôn sống bên con hằng ngày. Con cám ơn kiếp này cha mẹ đã giáo dục con, bằng cuộc sống của cha mẹ ăn hiền ở lành, biết sống cho tha nhân hơn chính bản thân mình.
Giờ đây ngồi xem những phim miền Bắc chiếu cảnh cây đa, miếu đình đầu làng, lại nhớ hình ảnh hai cha con đạp xe, nhớ những trưa mẹ ngồi lượm thóc hay vá áo, mẹ thường hát các điệu dân ca miền Bắc như Ca Trù, Hát Xẩm, Hát Chèo. Mẹ nhớ quê hương nơi chào đời nhưng quá sợ cộng sản không muốn về dù Nam Bắc được thông thương. Còn con ...một mình nơi xứ người, con đã mồ côi không còn bóng mát che chở, để con nương dựa tinh thần, con vẫn luôn hoang mang quê hương mình ở nơi đâu…
Tôi nghiệm ra sự trả hiếu của mình còn thiếu thốn nhiều lắm, không gần gũi khi cha mẹ đau yếu, không nấu bữa cơm ngon cho cha mẹ ăn. Sự bức rức càng lúc càng tăng lớn trong lòng, nhất là gia đình mỗi người một phương...ông nội chôn nơi Huế, cha chôn ở Phan Rang, mẹ lại chôn xứ Bạc Liêu… tôi nghe nỗi đau nhói âm ỉ mãi hoài...
Quê Hương Là Đâu?
Một ngày chia cách ...Bắc năm tư
Trốn thoát vào Nam chẳng tạ từ
Mẹ giữ bào thai oằn vất vả
Tự do bờ bến cuộc di cư
Trong dòng máu chảy cuộn hoài thôi
Miền Bắc phố phường ám ảnh tôi
Lặn hụp xem tìm qua sách vở
Quê hương tưởng tượng dạ bồi hồi
Chào đời Huế cổ xứ ngàn thơ
Chất chứa niềm yêu nét lặng lờ
Đại Nội ru êm chiều nhạt nắng
Sương mù lót nhẹ bóng Thành mơ
Trời mưa bước vội đành xa Huế
Nếm trải nguy nàn cảnh vượt biên
Đất khách ngày trôi buồn ngớ ngẩn
Cuồng quay bận rộn kiếm cơm tiền
Thây Ông vùi dập đất Thần Kinh
Xứ Cát hồn Cha vắt vẻo mình
Xác Mẹ miền Tây lòng đất lạnh
Nhiều hôm lệ ứa nặng bao tình
Đêm sâu chợt thấy trời Hà Nội
Nhớ Huế nhìn mưa lệ trắng vườn
Ruột thịt xác thân chôn tản mác
Hoài trăn trở kiếm mãi quê hương
(Minh Thúy Thành Nội)
Con ngồi viết những dòng chữ này, khi ngoài trời đang lạnh, hồn con cũng hoang lạnh, con vẫn ôm ấp nâng niu hành trang thuở thơ ấu, vẫn tắm gội giữ gìn biển ký ức thời bên mẹ, thời cạnh cha, quá khứ vẫn hiện hiển ..ngôi nhà xưa, con đường cũ, ..con tìm sự ấm áp vô cùng trong tâm tưởng.
“Tìm đâu những ngày thơ ấu qua.Tìm đâu những ngày xinh như mộng.Tìm đâu những ngày thơ.Tìm đâu những chiều mơ.Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ…” (Hoàng thi Thơ “Những Ngày Thơ Mộng”).
Đêm đen ngoài khung cửa, đêm sâu niềm nhung nhớ, mắt con lại mờ rồi... cha mẹ ơi...
Minh Thúy ThànhNội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét