Thứ Hai, 10 tháng 4, 2023

Hoài Niệm Trường Sơ

 

Hằng năm, bên Đảo Lớn, các nhà thờ, chùa chiền hay trung tâm cao niên thường dành ra một hay hai cuối tuần bán lạc xoong để lấy tiền gây quỹ. Hội Phụ Nữ Phật tử tại Hilo đã tổ chức một buổi Rummage Sale hôm mồng 5 tháng Tám. Những thứ đã dùng rồi nhưng coi còn tạm được đã được bày bán trong căn phòng chính của Hội. Riêng với quần áo, người ta quảng cáo “Năm đồng một bao!” Bạn có thể nhét bao nhiêu món vào bao cũng được, miễn là bao còn chỗ để cột lại. Tôi chọn được một số y phục cho mình, cho bà thầy và cho một cô bạn.

Về tới nhà, tôi có một buổi trình diễn thời trang bỏ túi khá lý thú. Có những chiếc áo vừa khít. Có những chiếc rộng cổ, rộng nách, rộng cả hai bên hông áo, hoặc hơi dài, cần phải sửa. Tôi đem kinh nghiệm học thêu thùa may vá ra để sửa áo. Chưa có máy may vì đồ đạc vẫn còn nằm trong nhà kho, tôi dùng kim chỉ để sửa lại những chiếc áo này. Sau khi bóp vào một bên hông áo, tôi thắt nút, lấy kéo cắt chỉ, chuẩn bị sửa hông áo bên kia. Tự dưng tôi nhớ đến những buổi học thêu thời xa xưa, gần nửa thế kỷ trước.

Thời gian như bóng ngựa bạch câu qua cửa, như chim én đưa thoi. Thời gian thúc dục người ta trèo lên cái vòng quay, quay miệt mài như chong chóng, hết mùa này sang tháng nọ, và chỉ ngừng nghỉ vào giây phút cuối cùng của đời người. Mới ngày nào, tóc còn xanh, tôi ngồi trên ghế nhà trường, cùng với các bạn chăm chú thêu trên vải trắng từng mũi kim với chỉ đỏ. Giờ ngồi đây một mình, tôi cặm cụi khâu từng mũi kim, sửa từng chiếc áo. Tóc đậm màu thời gian.

Lạ thật. Trong tất cả các môn học, môn thêu thùa là môn tôi còn nhớ rõ nhất, tuy không còn nhớ cô nào dạy. Học sinh được cha mẹ cho tiền mua những miếng vải trắng poplin hay cô-tông cắt sẵn, chừng 10 hay 12 cm để tập thêu. Có khi cô giáo dạy mũi móc xích, điểm nổi, mũi hình chữ V, hình thang hay dây chuyền. Có khi cô dậy rút vải để thêu viền khăn mouchoir. Tại sao trong hai năm học tại trường thân yêu này, tôi nhớ đặc biệt chỉ có lớp thêu? Phải chăng sự tĩnh lặng của giờ thêu đã cho tôi sự bình tâm, gắn đôi cánh giúp tôi bay ra ngoài thực tại của bốn bức tường lớp học? Ngoài tiếng quay đều đặn của chiếc quạt trên trần và những tàng lá đong đưa theo vạt nắng, như đang trình diễn một vũ điệu vô âm trên tường vôi trắng, những sinh hoạt còn lại là sự phiêu lãng của tâm hồn nhiều mộng mơ của đứa con gái 14, 15.

Giờ thêu là giờ của riêng tôi. Tôi không phải lo lắng chuẩn bị trả bài hay vận dụng khả năng hạn hẹp của bộ óc yêu thích văn chương chữ nghĩa của mình để cố hiểu những phương trình đại số hay những định lý hình học khô khan khó nhớ. Có phải vì vậy mà giờ thêu đã ghi khắc trong tâm trí tôi?

Nhờ vào việc mở toang chiếc hộp đóng dấu “Giờ Thêu” mà tôi hé vào, nhìn thêm được vài kỷ niệm khi còn học tại ngôi trường xưa, dù chúng chẳng có thứ tự trước sau. Tôi lang thang đi ngược về quá khứ. Như có một kẻ nắm trên tay vô số những viên sỏi đủ cỡ nhỏ to rồi tinh ranh búng từng viên lên mặt hồ hoài niệm của tôi. Có những viên hơi to, rơi bõm xuống nước, mất dạng, chẳng để lại một dư âm. Có những viên nhẹ tênh như lông ngỗng, phớt nhanh lên trên mặt hồ, tạo nên những gợn sóng lăn tăn, rì rầm khơi dậy những kỷ niệm của ngày tháng cũ, ngày tháng nằm mãi tít nơi phần đầu đời tôi, gần 50 năm về trước. Hoài niệm sống lại mãnh liệt trong lòng tôi như những thỏi bột làm bánh bao. Khi đủ men, đủ nước, đủ bột nổi thì bột dậy lên, nở gấp đôi, gấp ba lần so với trước khi được ủ, tràn cả ra ngoài tô hay thẩu. Khi không đủ bột nổi, đủ nước, đủ men, bột cứng ngắc như hồng ngọc, như hổ phách. Có cố moi óc đến đâu, kỷ niệm cũng mù mờ như tinh tú lấp ló đó đây trên vòm trời đêm 30.

Leo lên những bậc tam cấp, tôi thăm lại khu nội trú ở lầu hai. Tôi nhớ nhỏ bạn tên Trọng, tóc lúc nào cũng cắt ngắn như con trai, tính tình trầm ngâm ít nói, điềm đạm như một vị nữ tu, tuy có một tật duy nhất là hay hờn hay dỗi mỗi khi thấy tôi nói chuyện với ai khác. Nhỏ Trọng nằm giường trên, tôi nằm giường dưới. Tôi nhớ có lần thấy mấy chị lớn lúi húi câu lên một gà-men mì xá xíu sủi cảo còn nóng hổi, từ dưới đường. Mùi nước lèo thơm phức kèm với mùi hành phi, mùi tóp mỡ, tỏa ngát khắp nơi, đánh thức con tì con vị của mọi người, kể cả những ai đang mơ màng giấc điệp. Tôi nhớ đến tiếng lách cách của cỗ tràng hạt to, thắt ngang lưng của dì phước đi “tuần” vào buổi tối, nhắc chừng những nàng nào đang còn rù rì tán dóc. Tôi nhớ tới con chó màu xám, giống Great Dane, to như con ngựa con trong văn phòng sơ Hiệu Trưởng. Con chó chỉ thua tôi một cái đầu, thủ phạm gây ra sự phập phồng của trái tim tôi khi ghé vào văn phòng trả tiền học. Tôi mơ hồ nhớ tới cái mùi đặc biệt của phòng ăn, tới những bữa gouter bánh mì quệt bơ. Tôi cố nhớ tên của một cô bé, con của ông bà bạn của bố mẹ tôi mà họ nhờ đỡ đầu, khi nó chịu phép Rước Lễ lần đầu.

Trở về lớp học, tôi thấy tôi cúi nhặt những mảnh ngọc vỡ tan tành từ dưới đất, trong lòng tan tác. Ngọc Thủy muốn coi chiếc nhẫn của tôi, một món quà mẹ mua làm quà từ Hồng Kông. Sau khi coi nhẫn, thay vì truyền tay nhau trả lại nhẫn cho tôi, Ngọc Thủy đã liệng nhẫn từ ghế mình. Tôi không giận bạn vì biết rõ lý do của hành động này, mặc dù lòng buồn vô hạn. Tôi nhớ tới bài hát “Vó câu muôn dặm” tập tới tập lui để hát khi cắm trại ở suối Lồ Ồ; những trang Lưu Bút truyền tay nhau những tuần cuối niên học. Làm sao quên được một nhỏ bạn, xuân hạ thu đông lúc nào cũng nắm trong tay một khăn mouchoir; vài lần đi bộ về với Qúy, biệt hiệu Qúy đen, cãi nhau tay đôi với nhóm học trò trường áo trắng. Bên thì kêu “da heo” bên chọc “ba đít”. Tôi nhớ Hoa Lý vẽ những chùm nho nhìn như mới hái từ giàn, chỉ muốn với tay ngắt vài quả; những đóa hoa hồng ướt sũng sương mai trông như thật. Tôi nhớ một Võ thị Liên kiêu sa, để tóc như Sylvie Vartan; những tấm hình trắng đen của thần tượng Francoise Hardy, Sheila, France Gall, Sylvie Vartan được khoe nhau, qúy hơn vàng.

Trong các thầy, các cô, tôi chỉ nhớ có mỗi một mình Madame Jacqueline. Madame Jacqueline dậy Français, nhưng tôi không nhớ rõ môn gì, Vocabulaire, Conjugaison hay Littérature? Tôi chỉ nhớ có một lần Madame gọi tôi lên khảo bài, rồi không nhớ vì lý do gì mà bà liệng cuốn tập của tôi bay cái vèo xuống đất, bìa đi đằng bìa, vở đi đằng vở. Cuốn tập tôi cẩn thận bọc giấy màu nước biển đậm theo lời Madame đòi hỏi khi năm học bắt đầu.

Nghĩ lại tôi cười một mình. Những kỷ niệm xa xưa sao mà dễ thương. Tuy nhiên, có một kỷ niệm, khi hồi tưởng, tôi cảm thấy ân hận quá đỗi. Nếu có dịp cho tôi ngỏ lời xin lỗi “nạn nhân” vì hành động hư đốn của mình.

Trong lớp 5ème có một chị bạn tên Lý. Chị Lý học trễ cho nên lớn hơn tôi vài tuổi và đã có bạn trai. Bồ chị này có một người bạn tên Võ. Không biết Võ thấy được cái dung nhan mùa hạ gầy tong gầy teo của tôi từ bao giờ mà lại muốn làm quen. Võ viết thơ nhờ chị Lý trao cho tôi sau giờ tan học. Tôi cầm thơ leo lên xe trường rồi giở ra đọc. Dù cố gắng hết sức, tôi cũng không dấu được những đôi mắt tò mò của lũ bạn tinh quái. Chúng nhao nhao đòi coi cho bằng được. Sau khi truyền tay cho nhau đọc, mấy nhỏ này bầy tôi làm một chuyện không tưởng là xé thơ, liệng ra ngoài xe. Không hiểu vì động lực nào, tôi nghe lời xúi bẩy, xé lá thơ của “người ta” ra nhiều mảnh, rồi liệng ra ngoài. Trong giây lát, hai trang giấy đầy những dòng chữ làm quen đã thành giấy vụn, theo gió quất vào mặt, vào môi người con trai lái xe Puch đỏ ở phía đằng sau. Mỗi khi nghĩ tới cái tội tày đình của mình, tôi ân hận vô cùng.

Như gió thoảng mây trôi, thấm thoát mà đã gần 50 năm, từ ngày tôi cầm kim học thêu thùa. Năm mươi năm, vật đổi sao dời. Năm mươi năm, bao nhiêu là kỷ niệm buồn vui. Như những chiếc lá vàng bị gió cuốn bay mất vào cõi vô tận, không nhờ có một hay hai kỷ niệm chôn chặt trong tiềm thức, tôi không thể nào khơi lại những kỷ niệm quý giá của thời còn ở trung học.

Trong số những người bạn trong lớp cũ, có vài người đã bặt tin, có người đã cắt đứt liên lạc, có vài người tôi còn được may mắn liên lạc thường xuyên. Nếu không phải lạ phép lạ thì đây là gì, khi mà sau bao nhiêu chục năm mất dấu, tôi tìm được vài bạn học cũ, hiện sống rải rác trên Hành Tinh Màu Xanh này? Có vài bạn ở bên trời Âu, có bạn bên Tân Thế Giới, có bạn ở Canada, nhiều bạn đang sinh sống trên các tiểu bang của nước Mỹ. Một số còn lại ở Việt Nam. Chị em Ngọc Thoa và Ngọc Thủy đi Pháp trước 1975, không biết giờ vẫn còn ở bên ấy hay ở đâu? Nhờ những bạn cũ tôi quen thêm được vài bạn mới rất dễ thương, cũng ở khắp nơi trên thế giới. Ngoài những khuôn mặt quen thuộc này, những người còn lại trong lớp cũ, hiện ở đâu bây giờ?

Khổng Thị Thanh Hương

1 nhận xét: