Tôi tỉnh dậy trong tiếng reo mừng rỡ của Phổ:
-Thảo Anh, em tỉnh rồi hả?
Cái trán đau buốt và lồng ngực tức thấu ra phía sau lưng …. Tôi ôm đầu cố nhớ lại …
… Lúc ấy, tôi chạy nhanh ra cửa, nhảy phốc vào xe, chân phải nhấn ga thật mạnh, chiếc xe rú lên giữa đêm thanh vắng, phóng như điên dại, vượt qua không biết bao nhiêu là đèn đỏ … rồi xe cảnh sát ở đâu vọt ra … đèn chớp vùn vụt … tôi càng phóng nhanh … Tiếng nhạc điện thoại reo lanh lảnh, tôi chồm qua chụp lấy, tay lái lạc đi, chiếc xe quẹo sang trái, thốc mạnh vào lề đường quay ngược sang phải … rầm … rầm … và tôi không còn biết gì nữa….
Tôi khóc oà lên:
-Em sợ quá, em sợ quá.
Phổ xiết chặt tay tôi:
-Thảo Anh, bình tĩnh đi. Mọi chuyện đã qua rồi. Anh sẽ làm thủ tục xuất viện rồi đưa em về nhà !!!
Tôi gục đầu vào cánh tay Phổ khóc nức nở:
-Em không muốn về nhà. Em không muốn gặp ai nữa hết.
Phổ vỗ nhẹ lên vai tôi:
-Chắc là hai bác đang tìm em, anh gọi mãi mà không ai nhấc điện thoại. Về nhà đi, đừng làm cho hai bác lo lắng tội nghiệp
Tôi xoay người, lồm cồm ngồi dậy:
-Em không muốn … em không muốn … Anh ép em trở về nhà em sẽ chết cho anh xem … tránh ra để em đi.
Phổ giữ chặt vai tôi:
-Được, được … không trở về nhà. Đến nhà anh vậy.
***
Tôi nhìn vào gương. Hình ảnh đứa con gái xốc xếch, mặt mũi tèm nhem nước mắt với đôi mắt sâu hoắm, thâm quầng làm tôi muốn khóc thét lên. Tôi mở vòi nước, ném thật mạnh những vốc nước vào tấm gương, rồi dùng hai bàn tay xóa mạnh vào mặt gương. Hãy biến đi. Hãy trôi cái hình hài, cái thân xác gớm ghiếc này … Những động tác không thể kềm chế được của tôi cứ tiếp tục … tiếp tục … Nhưng làm thế nào thì cuối cùng bộ mặt thiểu não của tôi vẫn hiện ra lồ lộ. Tôi gục xuống bồn nước khóc ngất. Có tiếng Phổ đập cửa:
-Thảo Anh, em có sao không?
Tôi vẫn tiếp tục khóc … Phổ đẩy cửa bước vào:
-Trời ơi! sao khổ thân em thế này hả Thảo Anh?
Phổ dìu tôi ra ngoài, lấy chiếc khăn, lau từng sợi tóc cho tôi. Qua cơn xúc động tôi ngồi im bất động. Phổ vào bếp, nấu ấm nước. Ly trà nóng có pha chút gừng làm tôi tỉnh táo hơn. Phổ thay tấm trải giường mới cho tôi, nhẹ nhàng nói:
-Dù sao, em cũng nên để anh báo cho hai bác biết là em vẫn bình an. Anh sẽ không nói em đang ở đây. Đừng để hai bác lo lắng tội nghiệp. Bác gái gọi anh, vừa khóc vừa nhờ anh tìm em …
Phổ chưa dứt lời có chuông điện thoại. Tiếng Ba vang lên trong máy nhắn nghe thật buồn bã “Phổ, con có tin tức gì của Thảo Anh không? nhớ gọi cho bác”.
Phổ quay ngược lại cho tôi nghe rất nhiều nhắn tin của Ba Mẹ từ khuya đến bây giờ. Tôi nhìn Phổ bằng một cái nhìn vô hồn. Tiếng Phổ vẫn vang lên vỗ về:
-Em đừng tự hành hạ mình như vậy. Cũng đừng làm khổ hai bác bằng cách im lặng. Hai bác không có lỗi. Em cũng không có lỗi. Với những gì đã xảy ra, cả ba đều đau buồn như nhau …
-Em mệt lắm, em đau lắm. Em muốn được ngủ yên một chút.
Phổ nhìn tôi thật dịu dàng. Anh dìu tôi nằm xuống, đắp nhẹ tấm chăn mỏng lên người tôi, rồi bước ra, khép nhẹ cánh cửa.
Tôi nhắm mắt, làm dấu thánh giá và cầu xin Đức Mẹ ban cho tôi sự bình an trong tâm hồn ….
***
Thảo Anh của Ba,
Trước hết, Ba xin tạ ơn Chúa đã gìn giữ đứa con gái yêu quý của Ba và cám ơn Phổ đã cho biết tin tức của con, dù đến giờ phút này Ba vẫn không biết hiện con đang ở nơi nào?
Ba không biết phải bắt đầu từ đâu, bởi đầu óc Ba bây giờ đang hoang mang và buồn bã vô cùng. Ba chỉ sợ những lời lẽ không mạch lạc của Ba lại làm con đau đớn và oán hận hơn.
Ngày đó… đã xa lắm rồi, Ba và Mẹ, hai người hoàn toàn xa lạ cùng có mặt trên một chuyến tàu để rời bỏ quê hương đi tìm tự do. Trên đường đi, chẳng may tàu bị cướp. Biết bao thảm cảnh đã xảy ra trong giờ phút kinh hoàng đó. Có người đã bị ném xuống biển với một thân thể mang đầy thương tích đớn đau. Còn Mẹ con là một trong số rất nhiều phụ nữ đã phải hứng chịu bao cay đắng nghiệt ngã nhất bởi những con người tàn ác, vô lương tâm.
Sau trận cướp, tàu lênh đênh trên biển không lương thực, không nước uống ròng rã hai ba ngày mới được tàu Mỹ vớt và đưa lên trại tỵ nạn. Tại đây, vô tình Ba được sắp xếp ở cạnh Mẹ con. Bằng tấm lòng chân thật và sự quan tâm đặc biệt, Ba đã cố gắng giúp Mẹ con quên dần mặc cảm để trở lại cuộc sống bình thường. Khi nhận biết con đã tượng hình trong bụng Mẹ, Mẹ con đã phải tự đấu tranh với chính mình để đi đến quyết định giữ lại con. Câu nói của Mẹ con đã đánh động trái tim Ba “Nó là con của em. Dù thế nào em cũng nhất định phải bảo vệ và yêu thương nó”. Mẹ con, người phụ nữ nhân hậu ấy đã khiến Ba thương yêu lúc nào không biết.
Rồi con chào đời trong niềm hạnh phúc vô biên của Ba Mẹ. Suốt hai mươi năm trôi qua, Mẹ con vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh oan nghiệt đó. Có những đêm Mẹ con vùng vẫy, la hét hoảng loạn trong giấc mơ. Ba đã cố gắng đem tất cả lòng yêu thương để giúp Mẹ con vượt qua sự khủng hoảng đó. Con còn nhớ không, có lần con đem về nhà quyển sách “Hành Trình Biển Đông” gồm nhiều câu chuyện kể lại những chuyến vượt biên kinh hoàng. Con vô tình đâu biết, Ba đã vội vàng phải đem đi thiêu huỷ. May mà con không nhớ để hỏi lại Mẹ.
Với Ba, con là đứa con gái yêu quý nhất của Ba, Mẹ con là người vợ chung thủy nhất, hiền ngoan nhất của Ba, dù gia đình Ba không chấp nhận Mẹ con là con dâu, bởi thành kiến sai lầm về quá khứ oan nghiệt của Mẹ con. Nhưng điều đó không làm nao lòng Mẹ con, dù Mẹ con phải đối diện với bao nhiêu sự châm chích, khinh bạc của bà Nội, của cô Sáu. Nhưng bây giờ thì trái tim Mẹ con đã thật sự tan nát. Và con. Chính con đã làm nát tan trái tim của Mẹ. Chính con đã làm Mẹ con đi đến quyết định trở về Việt Nam, sống trong một cái am nhỏ với bà Dì Năm ở miền quê hẻo lánh, để quên hết mọi chuyện đau buồn.
Khi con lên tiếng trách Mẹ “tại sao Mẹ giấu con? Tại sao Mẹ nói dối con? Sao Mẹ không nói cho con biết con là đứa con không có cha …?” là con cũng đã làm tan nát trái tim của Ba. Ba cảm thấy đau đớn, bởi vì mình là một người cha bị con từ chối.
Thảo Anh ơi! sao con không nắm giữ cái hạnh phúc ấm áp mà con đang có. Sao con lại muốn quay về cái quá khứ đau thương ấy làm gì để cuộc đời thiếu vắng nụ cười. Con hãy nhìn lại con. Từ đôi mắt đến nụ cười, từ dáng dấp đến mái tóc, con giống Mẹ không sai một nét. Vì con là con của Mẹ. Thịt da, máu xương Mẹ đã ôm ấp hình hài của con. Trên thân thể con không có một dấu tích nào của người cha. Nhưng nói cho cùng thì người đàn ông xa lạ không có tính người ấy cũng đâu phải là cha của con.
Ba sẽ không khuyên con hay yêu cầu con một điều gì. Ba nghĩ con đã đủ trưởng thành để biết mình nên làm gì để khỏi phải ân hận về sau.
Con mãi mãi vẫn là đứa con gái yêu quý nhất của Ba và Ba rất hạnh phúc khi được con gọi bằng tiếng “BA”.”
Cầu xin Chúa Mẹ giữ gìn và ban cho con sự sáng suốt, khôn ngoan.
Ba của con.
Tôi đưa tờ thư cho Phổ rồi ngồi bệt xuống sàn nhà khóc không thành tiếng.
***
Câu chuyện bắt đầu từ khi Xuân -con của cô Sáu- và tôi cùng quen biết với Phổ trong một buổi sinh hoạt ở trường đại học UTA.
Từ thuở bé, Xuân chẳng ưa gì tôi bởi ảnh hưởng của bà Nội và cô Sáu. Xuân thường có thái độ khiêu khích đối với tôi, nhưng nghe lời Mẹ nên tôi cố nhịn nhục để giữ hòa khí. Đến khi Phổ chính thức công khai tình cảm anh dành cho tôi thì Xuân phản ứng mạnh mẽ. Xuân nói xấu mẹ con tôi không tiếc lời. Mới đây, Phổ nói thẳng với Xuân rằng anh yêu tôi, còn với Xuân, anh chỉ xem là một người bạn, nên yêu cầu Xuân đừng rêu rao với bạn bè là tôi đã cướp tình yêu của Xuân.
Tối hôm đó cô Sáu sang nhà tôi và nặng lời xỉ vả Mẹ tôi.
-Thì ra con Thảo Anh nó cũng giống cô, chỉ biết đi quyến rũ đàn ông.
Mẹ tôi sững sờ nhìn cô Sáu:
-Sao chị nói thế, em đã làm gì sai để chị nghĩ như vậy. Bao nhiêu năm em sống trọn tình với anh Khang chưa một lần có lầm lỗi.
Cô Sáu cười khẩy:
-Chứ chẳng phải cô quyến rũ thằng em tôi để nó quên lời dặn dò của cha của mẹ là ra đi để tìm tương lai. Tưởng qua Mỹ nó sẽ học hành đỗ đạt để làm ông này, ông nọ. Rốt cuộc, chỉ vì cô mà nó phải đánh đổi cả cuộc đời. Đã vậy cô còn không sinh được cho nó một đứa con trai để nối dòng, nối dõi.
Ba tôi không thể im lặng như sự hiền lành cố hữu, ông gắt gỏng lên tiếng:
-Đã bao nhiêu lần em nói với mẹ và với chị rằng, không có con là do em chứ không phải do Thảo.
Cô Sáu quay lại nhìn tôi từ đầu đến chân bằng đôi mắt và nụ cười diễu cợt:
-Vậy thì con Thảo Anh là con của ai vậy hả?
Mặt Ba tôi đổi sắc. Giọng nói ông có vẻ mất bình tĩnh:
-Chị hãy để cho gia đình tôi yên.
Cô Sáu cao giọng giận dữ:
-Vậy còn cái đại gia đình có ba má, có chị em và có cả mày trong đó thì sao. Đừng tưởng chuyện làm của mày có thể giấu nhẹm được mọi người. Từ khi mày dính vào con đàn bà này là ở Việt Nam mọi người đã biết hết, nhưng không ai muốn nói, vì biết có nói cũng không cản được khi mày đã si mê một cách mù quáng. Thằng Trọng đã viết thư về kể không sót một chi tiết. Ba má thật xấu hổ khi mày có một con vợ không …. còn gì, tanh bành hết trơn. Đã vậy lại còn phải nuôi con của cái đồ bá vơ.
Câu nói cuối cùng của cô Sáu làm tôi cảm thấy choáng váng. Tôi nắm chặt hai bàn tay mà vẫn không kềm chế được cơn sốc bất ngờ, tôi lay mạnh cánh tay Ba:
-Ba Mẹ, chuyện gì đã xảy ra? Cô Sáu nói vậy là sao?
Ba tôi đẩy mạnh cô Sáu ra phía cửa la lớn:
-Chị ra khỏi nhà tôi ngay.
Tôi quay sang mẹ đang ngồi bất động như một pho tượng đá trắng bệch trên sofa.
-Mẹ, thật sự con là …..
Cái cảm giác hụt hẫng đến kinh hoàng làm tôi nghẹn ngào không nói được. Cô Sáu vừa bước ra cửa vừa gằn mạnh từng chữ:
-Mày muốn hỏi mày là con ai hả?
Ba tôi giơ tay cao, một cái tát tai bất ngờ giáng vào mặt cô Sáu. Cô quay phắt lại giọng chanh chua:
-Hừ! đồ hỗn láo, tao sẽ cho gia đình mày tan tành … Thảo Anh mày có biết cha mày là ai không?
Ánh mắt sắc lẽm và câu nói tàn nhẫn như lưỡi dao cứa từng nhát vào trái tim tôi.
-Mày chỉ là con của một thằng cướp biển vô lương.
***
Ngày đám cưới của tôi và Phổ, trong lúc cử hành nghi lễ rước dâu, Ba cầm tay tôi đặt vào tay Phổ và rút từ trong túi ra chiếc lược con màu hồng mà Ba đã mua cho từ lúc tôi năm tuổi. Lâu lắm rồi tôi không còn nhớ đến nó nữa. Ba nói với Phổ bằng giọng trầm trầm xúc động:
-Đây là chiếc lược Ba vẫn chải tóc cho Thảo Anh lúc nó còn bé. Đứa con gái cưng của Ba hay lén Mẹ làm điệu, lấy dây thun cột hai đuôi tóc, nhưng lúc gỡ ra thì lại bị rối beng, nên cứ phải chạy đi tìm Ba để nhờ tháo sợi dây thun và chải tóc dùm. Ba nhớ khi được Ba chải tóc, Thảo Anh thường thỏ thẻ “Thảo Anh thích Ba chải tóc, Ba chải tóc không có đau”. Ba rất sung sướng vào ao ước được chải tóc cho Thảo Anh hoài, như có lần nó nhìn Ba bằng đôi mắt đen láy tròn xoe, rồi đưa ngón tay lên nói “con muốn Ba chải tóc cho con tới hồi con 100 tuổi luôn”. Tất cả yêu thương Ba đã gửi gắm vào chiếc lược này, nay Ba giao lại cho con. Ba tin rằng con sẽ thay Ba dùng chiếc lược này để tháo gỡ những rối rắm trong cuộc sống của hai con một cách nhẹ nhàng. Con đã làm được và Ba tin tưởng con sẽ tiếp tục làm được. Suốt đời, Ba mãi nhớ ơn con, nhờ con mà Ba mới có được ngày hạnh phúc này. Ba rất an tâm và rất sung sướng để trao cho con đứa con gái Ba thương yêu nhất.
Phổ ôm chầm lấy Ba tôi, đôi mắt đỏ hoe. Không ai hiểu vì sao Phổ khóc ngoài Ba Mẹ và tôi.
***
Tôi muốn kể lại câu chuyện này để ….
Cám ơn Ba, người không tạo ra tôi nhưng đã yêu thương tôi bằng tấm lòng của người cha vĩ đại. Người đã dám bước qua bức tường dư luận, dám chấp nhận những lời phê phán độc ác để cùng Mẹ tạo dựng hạnh phúc trên những bước đường đầy chông gai, thử thách.
Cám ơn Mẹ đã chịu đựng bao nhiêu tủi nhục, đớn đau để tôi được sinh tồn và lớn lên trong tấm hình hài khô héo của Mẹ. Mẹ đã lặng lẽ nuốt nước mắt vào tim để cố sống, cố vui cho tôi được trưởng thành với tất cả niềm tin đối với cuộc đời.
Cám ơn Phổ đã yêu tôi bằng mối tình chân thật, chịu đựng những cơn sốc nổi điên loạn của tôi từ mặc cảm thân phận, để vực tôi đứng dậy từ hố sâu tuyệt vọng khốn cùng. Nếu tôi không may mắn có được Phổ bên cạnh, chắc chắn Ba Mẹ và tôi đã phải chìm trong nỗi đau buồn của sự chia ly nghiệt ngã mà chỉ vì tuổi trẻ nông nổi, thiếu suy nghĩ chín chắn tôi đã tự mình tạo ra thảm cảnh.
Ngân Bình
bọn cướp biển rất đáng sợ
Trả lờiXóa