Thứ Năm, 24 tháng 3, 2022

Tản Mạn Về Vĩnh Long Trong Tuổi Thơ Tôi



Vĩnh Long là nơi tôi sinh ra và lớn lên trong sự đùm bọc của tình làng nghĩa xóm. Cuộc đời tôi dầu là đang ở nơi chân trời góc biển nào của địa cầu nầy cũng không thể và không bao giờ có thể tách rời khỏi hai chữ Vĩnh Long. Chính vì vậy mà cho dù tôi có nói gì hay có viết gì đi nữa cũng chẳng bao giờ có thể đáp đền được cái ân tình mà tôi đã mang theo từ cái đất Vĩnh Long thân yêu ngày ấy. 

Hôm nay, ngồi đây viết lại những dòng này chỉ mong có thể chia sẻ được phần nào với những thế hệ đàn em sau này về tâm tình trìu mến và tha thiết của một người con dân xứ Vãng. Vì thời gian tôi rời xa Vĩnh Long cũng đã khá lâu, từ năm 1968 đến nay, tính ra đã hơn nửa thế kỷ. Nên chi nếu có điều chi sơ sót, xin các bậc trưởng thượng và các thế hệ đàn em cũng niệm tình bỏ qua cho. Vĩnh Long, nơi tôi sanh ra, là vùng sông rạch chi chít, và dòng sông Long Hồ là nơi mà tôi đã từng có rất nhiều kỷ niệm của tuổi thơ cơ hàn. Vì chính dòng sông đó đã cho gia đình tôi tôm cá trong suốt cả chục năm của thập niên 1960s. Ngày đó, ban ngày anh em chúng tôi vẫn được ba mẹ cố gắng cho đến trường học, nhưng đêm đến tôi và một người em trai kế phải ngủ trên dòng sông này trên một chiếc xuồng nhỏ, thật nhỏ, để thả câu, giăng lưới, nhằm kiếm thêm chút gì đó phụ với ba mẹ nuôi một đàn em mười mấy đứa. Ngày đó, anh em tôi đến trường là phải cố mà thu vào đầu những gì thầy cô giảng dạy trong lớp, chứ về đến nhà là không còn có thì giờ đâu nữa để mà học bài. 

Cầu Thiềng Đức trên dòng sông Long Hồ năm 1929.

Chính vì vậy mà dầu cho ngày nay có xa Vĩnh Long vạn dặm trùng dương, nhưng Vĩnh Long lúc nào cũng tưởng chừng như gần, thật gần với tôi trong ký ức. Bây giờ dầu có ở vùng Bắc Mỹ xa xăm, nhưng tôi vẫn luôn nhớ Vĩnh Long của những năm thanh bình, từ năm 1957 đến năm 1962. Ngày đó, ngư dân trên dòng sông Long Hồ còn rất nhiều vị vừa thả câu mà cũng vừa hát hò theo kiểu rất tài tử, và điều nầy cũng làm cho hai anh em chúng tôi cảm thấy bớt đi được phần nào khổ nhọc của tuổi ấu thơ. Bây giờ mỗi lần nhớ tới dòng sông Long Hồ là tôi liên tưởng ngay đến sự lấp lánh của một dãy lụa trong những đêm trăng, nhớ đến những đêm trăng thanh bình của tuổi thơ cơ cực, và nhớ nhiều lắm đến những tấm lòng đôn hậu hiền hoà của người dân xứ Vĩnh. Quê tôi Vĩnh Long là một trong những tỉnh được khai mở đầu tiên của miền Tây, nằm gọn trong vùng đất phù sa của hai nhánh sông Tiền Giang và Hậu Giang. Một thời Vĩnh Long là thủ phủ của Dinh Long Hồ, là cái nôi phát triển từ dân cư đến văn hoá và kinh tế của lịch sử Nam Tiến. Từ thời mở cõi đến nay, Vĩnh Long luôn là quê hương của ruộng đồng bao la bát ngát, với sông rạch chi chít và với sự ngược xuôi của các ghe thương hồ từ tứ xứ. Hình ảnh dòng sông, bến đò, và những buổi họp chợ êm đềm của những người dân đất Vĩnh, tuy mộc mạc, nhưng luôn luôn sống động và đầy ấp tình người.

Vĩnh Long không có núi non hùng vĩ như các tỉnh miền Trung hay bờ biển thơ mộng với những hàng thuỳ dương bên bờ cát trắng như Nha Trang. Vĩnh Long cũng không có nhiều thắng cảnh như Hà Tiên hay vịnh Hạ Long, nhưng du khách đã một lần đi đến Vĩnh Long chắc chắn cả đời sẽ khó quên được những kỷ niệm của mình với những vườn cây ăn trái và sông nước hữu tình từ An Thành, qua Bình Hoà Phước, đến Chợ Lách… Vườn cây nối tiếp vườn cây xen lẫn với những hàng dừa hàng cau đang lay động trước gió. Ven bờ các sông kênh rạch thì sóng không vỗ ì ầm như những vùng biển cả, mà sóng cứ dạt dào nhè nhẹ vào bờ, và trên vùng sông nước nầy ngày đêm không ngớt tiếng khua động của những mái chèo lướt nước. Vĩnh Long quê tôi không có những đền đài nguy nga tráng lệ như cố đô Huế hay Thăng Long thành. Trái lại, Vĩnh Long thời tôi mới lớn lên và chập chững bước vào ngưỡng cửa học đường hãy còn dáng vẻ hoang sơ mộc mạc của một vùng đất mới phát triển. Thật vậy, 60 năm trước đây, cũng như hầu hết các tỉnh thành khác trong một xứ sở vừa mới thu hồi nền độc lập từ tay ngoại bang, Vĩnh Long của tôi ngày ấy vẫn còn tràn đầy những cảnh vật thiên nhiên, dầu không hoang sơ như Đồng Tháp Mười với cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn, nhưng cũng gần gần như vậy, nghĩa là hễ lội vô đồng là có cá có tôm, đem lưới giăng ngang sông là có tôm có cá ngay, mà lại có thật nhiều nữa chứ!

Toà Án Vĩnh Long năm 1929

Trước khi tản mạn về Vĩnh Long, người viết xin tự giới thiệu tôi là người Vĩnh Long, mặc dầu bản quán của cha mẹ tôi ở tận ngoài Trung, nhưng tôi sanh ra tại Long Hồ, Vĩnh Long, vào năm cuối cùng của thập niên 1940s, giữa thời loạn lạc, trong lúc gia đình tôi đang bỏ thành để chạy về vùng thôn quê Long Hồ để tránh sự ruồng bố của người Pháp. Đến khoảng đầu năm 1950 thì gia đình tôi quay trở về nhà cũ trong thành phố Vĩnh Long, ngay tại góc đường Trương Vĩnh Ký & Lý Thường Kiệt (ngày nay là Nguyễn thị Minh Khai & Lý Thường Kiệt). Lúc đó nhà tôi vẫn còn là nhà sàn, vì nó tọa lạc ngay đầu của Khu Trạch Điền của Thành Vĩnh Long ngày trước. Khu Trạch Điền của thành Vĩnh Long thời cụ Phan làm quan Kinh Lược Sứ nằm khoảng giữa bốn con đường Hùng Vương, Lý Thường Kiệt, Trương Vĩnh Ký và Thất Kiều (Đồng Khánh). Phải nói hình ảnh Vĩnh Long trong trí nhớ tuổi thơ tôi là một thành phố rất đơn giản nhưng rất đẹp với đầy những bóng cây sao và cây dầu mát rười rượi. Trên đường Pasteur từ đường Hùng Vương đến đại lộ Tống Phước Hiệp, người ta đậu nhiều chiếc xe hủ lô làm đường nên lủ nhỏ chúng tôi thường kêu là đường ‘Hủ Lô chứ không cần biết nó tên là đường gì. 
Ngay góc đường Thất Kiều (Đồng Khánh) và Lý Thường Kiệt là một dãy phố trệt, nơi cư ngụ của những nhân viên chính phủ, trong đó có rất nhiều những ông Tây bà Đầm, mỗi ngày họ thường hai buổi đi ngang qua nhà tôi. Bên phía đường Hùng Vương bắt đầu từ đường Thất Kiều (Đồng Khánh) thẳng ra tới bờ sông Cổ Chiên, có nhiều ty sở của chính phủ như Ty Điền Địa, trại lính nằm phía sau lưng trường Tống Phước Hiệp, tiếp đến là Toà Án, trại giam… 

Khu vực Toà Án nằm giữa đường Lê Văn Duyệt (thời Pháp lá đường Pasquier, ngày nay là đường Hoàng Thái Hiếu, đại lộ Phan Thanh Giản (thời Pháp là đường Poincaré và bây giờ là đường 3 tháng 2, đường Hưng Đạo Vương (hồi thời còn thành Vĩnh Long của cụ Phan, nó là đường Hoàng Cung, thời Pháp là đường Citadelle), và đường Hùng Vương. Đối diện Toà Án là khu biệt thự làm nhà ở cho các vị Thẩm Phán làm việc trong toà..

Bắc Mỹ Thuận 1968.

Bây giờ chúng ta bắt đầu từ hướng Sài Gòn đi về Vĩnh Long, nghĩa là từ hướng Giáo Đức (Mỹ Tho) đi theo quốc lộ 4 (bây giờ là quốc lộ 1A) về hướng Tây Nam đến Bắc Mỹ Thuận, bây giờ là Cầu Mỹ Thuận
Sau khi qua sông Tiền nếu rẽ phải là đi về Sa Đéc, còn rẽ trái đi thêm 8 hay 9 cây số nữa sẽ tới ngã ba Cần Thơ, đi thẳng sẽ vô chợ Vĩnh Long, rẽ phải đi thêm 33 cây số nữa sẽ tới Bắc Cần Thơ (bây giờ là Cầu Cần Thơ). Đại lộ Nguyễn Huệ nằm trên đoạn đường từ ngã ba Cần Thơ tới cầu Tân Hữu. Từ cầu Tân Hữu tới Cái Vồn là quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1A). Ngay góc đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Thái Tổ là bến xe mới của Vĩnh Long, trước đây bến xe Vĩnh Long nằm gần trong khu chợ, đến năm 1960 mới dời ra đây. Trên đại lộ Nguyễn Huệ gần ngã ba là khu nhà hàng ăn uống, trong đó có nhà hàng Ba Vị rất nổi tiếng, kế đó là khu chợ Tân Bình, rồi khu dãy phố song lập do chính phủ xây cất để bán trả góp cho quân nhân, cán bộ và công chức trong tỉnh. 

Qua cầu Tân Hữu khoảng 100 mét là khu ngã ba Chiều Tím, nếu rẽ trái sẽ đi tới Cầu Vồng, trước khi tới Cầu Vồng phía bên trái là khu quận Châu Thành mới và công sở xã Tân An, phía bên phải là khu Phước Thọ. Vào khoảng những năm từ 1956 đến năm 1959, người viết bài nầy có những kỷ niệm khó quên về cái tên Tân Hữu. Ngày đó hễ cứ buổi chiều nào mà cậu Năm chạy xe Nhan Nhựt về đậu trước cửa nhà và kêu mọi người lên xe đi cầu Tân Hữu ăn dưa gang là tôi mừng quính vì chắc chắn hôm đó mình sẽ được no nê một bụng dưa gang chấm đường. Những năm đó, từ ngã ba Ông Cảnh lên ngã ba Cần Thơ, và cả khu đại lộ Nguyễn Huệ nầy chỉ thấy lèo tèo vài ba căn nhà lá. 

Trường Sư Phạm Vĩnh Long 1966.

Từ hướng ngã ba Cần Thơ lên cầu Tân Hữu, phía bên phải có một con rạch chạy song song với đường Nguyễn Huệ, còn bên trái là các khu mà sau nầy người ta xây cất trường Sư Phạm, Kỹ Thuật và Sân Vận Động mới… hãy còn là những đám ruộng và rẫy của nhà nông. Khu cầu Tân Hữu đến Cầu Vòng, qua khu Thiết giáp, Phước Thọ, tới cầu Đường Chừa… hãy còn là những cánh đồng lúa. Ruộng gần lộ vùng Tân Hữu hãy còn rất hoang vắng. Sau khi làm lúa xong vào khoảng tháng giêng, thì nông dân tại đây bắt đầu vỡ đất lên để trồng bắp, trồng dưa leo, bí rợ, dưa gang, vân vân. Dưa gang ở đây không cần phải chở đi đâu hết, mà bán tại chỗ cũng không đủ cung ứng cho dân Vĩnh Long. Từ cầu Tân Hữu đi về hướng Cái Vồn khoảng vài trăm mét, phía bên trái là khu quân sự, kế đến là khu đất trống mà về sau nầy người ta xây dựng trường trung học Thủ Khoa Huân (xây xong hồi năm 1969).

 II
Khu phố mới ở ngã ba Cần Thơ và Bến Xe Mới với một số quán ăn nổi tiếng như quán Ba Vị nằm ngay góc đường Lê Thái Tổ và Nguyễn Huệ. Toà nhà cao bên trái là Nhà Thờ Chánh Toà (1965).

Nếu từ ngã ba Cần Thơ đi thẳng thì sẽ đi vào tỉnh lỵ Vĩnh Long. Qua khỏi ngã ba Cần Thơ khoảng 200 mét là ngã ba Ông Cảnh. Tại đây nếu rẽ trái sẽ đi đến cầu Cái Cá rồi đi dọc theo bờ sông Tiền mà vào khu chợ Vĩnh Long. Nếu từ ngã ba Ông Cảnh đi thẳng trên đại lộ Lê Thái Tổ khoảng vài trăm mét nữa chúng ta sẽ quẹo trái qua Cầu Lộ cũng đi vào trung tâm tỉnh lỵ Vĩnh Long. Tại ngã ba Ông Cảnh (hướng đi về cầu Cái Cá) có một tiệm tạp hoá khá lớn của Chú Kẹo, bán đủ thứ thức ăn khô và đồ vật dụng trong nhà. Đây cũng là khu nhà của một số thầy giáo nổi tiếng của trường Nguyễn Thông như thầy Cao văn Thế và thầy Phạm văn Thàn. Bên trái là tiệm mộc Trần Văn và Lê Tấn là những tiệm mộc

lớn nhất hồi những thập niên 1950s và 1960s. Trên đường Lê Thái Tổ cũng có những dãy phố của gia đình bà Thông Tiên, có người con trai là ông Phán Sanh, và người cháu nội là cô Phan Nguyệt Vân là giáo sư của trường Tống Phước Hiệp. Vừa tới dốc Cầu Lộ, phía bên phải người ta thấy tiệm ra dô Sóng Việt , ngay bên phải dọc theo bờ rạch Cái Cá lại có một con đường nhỏ là đường Quận Nghĩa đi tới cầu Ông Địa. Qua khỏi Cầu Lộ chúng ta bắt đầu đi vào đại lộ Phan Thanh Giản, qua khỏi ngã tư Thầy Thùng (nhà thuốc Bắc của Thầy Thùng), bên trái là nhà sách Minh Trí, về sau nầy có mở thêm một nhà sách gần đó lấy tên là Mình Lý. Trên đại lộ Phan Thanh Giản, hướng đi vào chợ Vĩnh Long, lúc gần tới chợ chúng ta thấy bên trái có tiệm trồng răng Thuận Nghĩa Tường, nhà thuốc Tây Phan Thanh Giản, trường Mẫu Giáo Vĩnh Long, bệnh viện Nguyễn Trung Trực, ty Bưu Điện, và đại lý sách báo Nam Cường, rồi đến bến xe cũ Vĩnh Long (đến khoảng năm 1957 bến xe dời lên khu ngã ba Cần Thơ). Lúc còn nhỏ tôi thích nhất là được ngắm tiệm bán sách báo và quà lưu niệm Mai Lan, ở gần bến xe cũ, không biết tại sao mà ngay từ thời còn rất nhỏ tôi đã thích lắm mùi sách báo mới. Bên kia góc đường Hùng Vương và Phan Thanh Giản là quán cơm Xã Hội Vĩnh Long, tôi thấy đa số dân lao động và học sinh nghèo thường vô đây ăn vì giá cả rất tượng trưng, chỉ cần 5 cắc là có một dĩa cơm và một ly nước đá. Lúc nầy chúng tôi xài tiền khác với bây giờ, hễ mua 5 cắc mà người ta không có tiền thối lại thì cứ lấy một đồng xé ra làm hai, đưa nửa miếng cho người bán, còn nửa miếng mình giữ lại để mua thứ khác.

Phía sau bệnh viện Nguyễn Trung Trực có một nhà Vĩnh Biệt (nhà xác) nằm trên một con đường nhỏ chạy song song với đường Phan Thanh Giản nhưng tôi không nhớ tên đường. Cám ơn bạn La thị Hiền, bạn học của bà xã tôi đã nhắc đó là đường Châu Văn Tiếp. Đường trong thành phố Vĩnh Long không nhiều như ở Sài Gòn, Cần Thơ hay Mỹ Tho, nên những ai đã từng ở đây một thời gian đều có thể nhớ rõ từng khu phố, từng con đường. Những con đường chạy theo hướng Đông Bắc-Tây Nam và thẳng góc với dòng sông Long Hồ là đường đi từ ngã ba Ông Cảnh đến cầu Cái

Cá rồi chạy dọc theo bờ sông Cổ Chiên, đại lộ Phan Thanh Giản đi từ Cầu Lộ tới Công Viên cũ của thành phố Vĩnh Long, nằm gần Toà Án Vĩnh Long. Nếu từ đại lộ Lê Thái Tổ qua dốc Cầu Lộ, bên phải là Toà Tổng Giám Mục Vĩnh Long, còn bên trái ngay dưới dốc cầu là nhà của thầy giám thị trường Tống Phước Hiệp là nhà

của Nguyễn Văn Kỷ Mậu, thân phụ của thầy Nguyễn Văn Kỷ Cương. Có một con đường bên hông chạy dọc theo rạch Cái Cá, đó là đường Cổ Trì, bây giờ là đường à Trần Văn Ơn. Tôi còn nhớ lúc nhỏ có lần cái radio ở nhà bị hư, ông ngoại dắt tôi đi bộ lên tiệm sửa máy thu thanh Sóng Việt ở Cầu Lộ để sửa, khi đi ngang đường Cổ Trì tôi thấy tên đường nầy lạ hơn các tên đường khác nên hỏi ông ngoại xuất xứ của cái tên Cổ Trì, lúc đó ông ngoại có kể nhưng vì còn nhỏ quá nên chỉ ít lâu sau là tôi quên mất. Mai mà đến cuối năm 1984, tôi có gặp anh Hứa Hoành ở Bataan, Philippines, anh Hứa Hoành có nhắc lại trong lịch sử cũng như địa phương chí của Vĩnh Long thì không có nhân vật nào tên là Cổ Trì cả, như vậy rất có thể con đường nầy được xây dựng ngang qua đất hương hoả của gia đình ông Bác Sĩ Cổ Quốc Gia, một trong những bác sĩ nổi tiếng gốc người Vĩnh Long của Việt Nam thời bấy giờ, và trưng dụng phần lớn đất của gia đình ông đã hiến tặng nên chính phủ lấy họ của gia đình ông mà đặt cho tên đường nầy là Cổ Trì để nhớ công ơn người đã hiến đất làm đường. Giả thuyết thứ hai của tên đường Cổ Trì có thể là tên của một vị tướng xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn tên là Phấn Cổ Trì Trương Phúc Phấn, người đã anh Dũng bảo vệ lũy Trường Dục thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Tuy nhiên, theo thiển ý thì thuyết lấy họ của gia đình bác sĩ Cổ Quốc Gia khi gia đình nầy hiến rất nhiều đất để làm con đường nầy thì có lý hơn. Trên đường Phan Thanh Giản, nếu chúng ta rẽ trái trên đường Cỏ Trì là xóm Lò Tương, còn quẹo phải thì đi về hướng nhà bảo sanh Cô Mụ Chín. Trên con đường nầy có nhiều thầy giáo nổi tiếng như thầy Huỳnh Công Giác (thân phụ của bạn tôi hồi tiểu học là Huỳnh Công Hiền) giám thị trường trung học tư thục Long Hồ. Trên đại lộ Phan Thanh Giản, vừa qua đường Cổ Trì là đường Võ Tánh, cũng thẳng góc với đại lộ Phan Thanh Giản, người dân ở đây gọi ngã tư nầy là ngã tư Quốc Tế. 

Từ ngã tư Quốc Tế, rẽ trái thì đi về hướng khu nhà của thầy Lâm Phước Tàng, thầy Nguyễn văn Cai, thầy Nguyễn văn Hết, rồi tới rạp hát Lê Thanh, đi xa hơn một chút nữa là tới cầu Bà Điều. Bên kia dốc cầu Bà Điều có một ngôi biệt thự xưa rất đồ sộ, được xây cất theo lối kiến trúc cổ kính của Pháp, phía trước là một hàng bao lơn rất đẹp. Nếu từ ngã tư Quốc Tế rẽ phải là đi về hướng Cây Da Cửa Hữu (Miếu Bảy Bà) là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm chạy qua trường bán công Nguyễn Thông, Thánh Thất Cao Đài, rồi đến cầu Kinh Cụt, bên phía trái có một dãy phố liền vách nhau, mặt tiền hướng về con lộ nhỏ lót gạch, còn phía sau là dãy nhà sàn trên bờ kênh. Đây là nhà của thầy Nhi, thân phụ của một người bạn tôi hồi tiểu học là bạn Nguyễn văn Hải. Vừa qua khỏi cầu Kinh Cụt, nếu quẹo phải là đi về hướng đình Tân Giai, rồi đi tới Cầu Vồng (ngã Ba Chiều Tím, có lẽ sở dĩ được gọi như vậy vì từ khi mới mở con lộ nầy, ngay tại ngã ba nầy có một quán cà phê và nước giải khát tên là Chiều Tím). Người viết có một người bạn học từ tiểu học lên trung học, đó là bạn Biện Công Danh, hiện đang ở Tân Tây Lan. Nếu rẽ trái sau khi xuống dốc cầu Kinh Cụt là con đường chạy dọc theo Kinh Cụt tới cầu Công Xi Heo. Đường Nhà Đèn đi từ Miễu Bảy Bà Cây Da Cửa Hữu đến góc phía Tây của trường Tống Phước Hiệp. Đường Trương Vĩnh Ký bắt đầu từ Viện Phước Thiện (gần bên trường Nam Tiểu Học, ngó xéo bên kia đường Nguyễn Thái Học là Đất Thánh An Nam mà về sau nầy người ta giải toả để xây khu xã hội) chạy ngang qua Đất Thánh Tây và chấm dứt ngay trước cửa lò bánh mì Phước Thành trên đại lộ Tống Phước Hiệp. Đường Đồng Khánh (Thất Kiều) đi từ cầu Công Xi Heo đến đầu cầu Thiềng Đức. Trong khi đó, những con đường chạy song song với Kinh Cụt và sông Long Hồ gồm có đại lộ Gia Long từ ngoài Cầu Tàu tới góc trường Tống Phước Hiệp, được nối dài bởi đại lộ Tống Phước Hiệp và chấm dứt tại dốc Cầu Lầu. Đường Hùng Vương chạy từ chợ Vĩnh Long qua Toà Án, qua ty Điền Địa, rồi chấm dứt khi gặp đường Đồng Khánh. Đường Trưng Nữ Vương bắt đầu từ chợ Vĩnh Long chạy ngang qua khu Vườn Còng đến cầu Khưu Văn Ba, bên kia cầu Khưu Văn Ba là đường Khưu Văn Ba (ngày nay là đường Phạm Thái Bường). Dân Vĩnh Long thường

nghe nói tới khu phố của Bà Thông Vịnh, nằm thẳng góc với đường Trưng Nữ Vương. Đây là một khu phố khá cổ, được xây cất từ hồi tiền bán thế kỷ thứ XX, cư dân trong khu phố này đa số là những thầy giáo hay công chức nổi tiếng một thời của tỉnh Vĩnh Long như cá ông Trần Văn Phong, giám học trường tư thục Nguyễn Trường Tộ, thầy Huỳnh Tấn Sĩ, dạy Anh Văn, cũng là sư phụ Anh Văn của người viết bài nầy, thầy Trương Văn Tấn, hiệu trưởng trường tiểu học Ngô Tam Thông nằm bên kia cầu Công Xi Heo, có cô con gái là cô Trương Ngọc Bích dạy học ở trường Nữ Tiểu Học Vĩnh Long và chồng là ông Nguyễn Ngọc Long, phó ty Giáo Dục Vĩnh Long trước năm 1975.

III

Trước khi tiếp tục phần 3, tôi xin đính chánh sự nhầm lẫn giữa tiệm Chú Thòn và tiệm thuốc Bắc Thầy Thùng. Chị La Thị Hiền có nhắc là ở Ngã Tư Phan Thanh Giản & Võ Tánh là tiệm Chú Thòn, còn tiệm thuốc Bắc Thầy Thùng thì ở góc đường Phan Thanh Giản & Hùng Vương. Tiệm Chú Thòn là của ông Dương Xây Đường, ba của bạn Dương Xây Há, một người bạn thuở thiếu thời của người viết bài nầy. Vì mình rời Vĩnh Long cũng khá lâu nên hơi lộn xộn giữa hai ngã tư Chú Thòn và ngã tư Thầy Thùng, xin mọi người thông cảm. Đây là nguyên văn lời nhắc nhở của chị La Thị Hiền: “Có lẽ anh Ngọc Em nhớ nhầm, Nhà thầy Thàn, tiệm mộc Trần Văn nằm trên đại lộ Lê Thái Tổ ( xeo xéo đường Quận Nghĩa ) . Ngang nhà sách Minh Trí là tiệm kem Thanh Bình ( sau này là hiệu sách của Cty sách thiết bị trường học ). kế nhà sách Minh Trí là tiệm may Mỹ Trang ( dâu của ông chủ tiệm uốn tóc Nam Hiệp ) rồi đến bán đồ sắt Vĩnh Phát, kế là nhà thuốc tây Phan Thanh Giản , ngay góc ngã tư là phòng mạch BS Lê văn Thiệt. băng qua đường Trưng Nữ Vương là BV Vĩnh Long ,kế đó băng qua đường Lê Lai là công viên sau này xây nhà tiền chế làm trường mẫu giáo ( nay là Sở Giáo dục VL ). Tiệm thuốc bắc ở ngã tư Phan Thanh Giản - Võ Tánh là tiệm Chú Thòn . Tiệm thuốc bắc của thầy Thùng ở góc ngã tư Phan Thanh Giản - Hùng Vương ( đầu chợ ) nay vẫn còn.”

Ở khoảng giữa đường Hùng Vương (giữa 2 con đường Trương Vĩnh Ký và Đồng Khánh) có rất nhiều thầy giáo nổi tiếng như thầy giáo Trạch, hiệu trưởng trường Nam Tỉnh Lỵ Vĩnh Long, thầy Phạm Văn Còn, ông Thanh Tra Lê Văn Sâm mà dân Vĩnh Long thường gọi là thầy giáo Sâm, thầy Lê Văn Sĩ dạy Vẽ, thầy Du Ngọc Tứ dạy trung học Nguyễn Thông, thầy Vương Kim Liên, hiệu trưởng trường Tiểu học Long Hồ, là thân phụ của anh Vương Văn Huệ, một người bạn học cùng xóm rất thân thuở thiếu thời của người viết bài nầy. Phải nói mấy vị thầy mà tôi vừa kể trên là thầy của thầy, vì tại trường Sư Phạm Vĩnh Long, các vị thầy nầy đã từng đào tạo ra rất nhiều thầy cô giáo sau nầy cho tỉnh Vĩnh Long cũng như cho nhiều tỉnh khác trong vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Sân Vận Động cũ nằm giữa hai đường Hùng Vương và Trưng Nữ Vương, trước mặt sân vận động là trường Nữ Tiểu Học và Nhà Đèn cũ của tỉnh Vĩnh Long. Về sau nầy người ta dời sân vận động lên đại lộ Nguyễn Huệ, gần trường Sư Phạm để xây cất Toà Hành Chánh trên khu đất của sân vận động cũ. 

Phía sau lưng sân vận động cũ là xóm Vườn Còng, có trường trung học tư thục Huỳnh Văn do thầy Huỳnh Văn Cẩn làm hiệu trưởng. Đối diện bên kia xóm Vườn Còng là phòng mạch của Bác Sĩ Quang. Từ cầu Cái Cá đi về hướng trường Nguyễn Trường Tộ là đường Nguyễn Trường Tộ, nếu đi về hướng chợ Vĩnh Long, chúng ta sẽ tới Xóm Đập, rồi tới trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ, ngó ra dòng Cổ Chiên, phía trước trường có hiệu bán văn phòng phẩm Lê Công Danh. Khu Xóm Đập cũng là một trong những khu nổi tiếng là nơi cư ngụ của các vị thầy giáo như thầy Nguyễn Hữu Nghĩa dạy trường bán công Nguyễn Thông; thầy Võ Văn Đại dạy trường Nam Tiểu Học; thầy Nguyễn Văn Huê dạy trường Nam Tiểu Học, là thầy dạy năm lớp ba của người viết bài nầy; vợ chồng thầy Phan Phú Lộc và cô Nguyễn Ngọc Lan đều dạy trường Tống Phước Hiệp. Tại Xóm Đập nầy, người viết cũng có người bạn thời tiểu học là bạn Nguyễn Văn Vàng (em ruột thầy Nguyễn Văn Huê) chồng của cô Lê Thị Kim Phượng dạy học tại trường trung học Kỹ Thuật Vĩnh Long. Nếu từ hướng chợ đi ngã ba Cần Thơ qua ngã cầu Cái Cá, vừa qua khỏi cầu, phía bên tay phải có một con đường đi dọc theo bờ sông Cổ Chiên đến Xóm Búng và Xóm Chài, đến vàm rạch Bình Lữ thì con đường nầy lại chạy dọc theo rạch Bình Lữ ra đến lộ lớn ngay tại ngã ba Cần Thơ. Trên khoảng đường nầy, gần tới ngã ba Cần Thơ là nhà của thầy Liêm dạy Nhạc ở trường Tống Phước Hiệp. Trong Xóm Búng và Xóm Chài có một miếu thờ Cá Ông, nghe nói dân trong 2 xóm nầy hồi trước toàn làm nghề hạ bạc, nên khi gặp xác cá Ông là họ vớt lên chôn rồi làm miếu thờ.

Khoảng năm 1956, ty Công Chánh Vĩnh Long xây tại ngã ba Cần Thơ một bồn bông hình tròn nằm giữa ngã ba, đến khoảng năm 1967 thì chính quyền tỉnh Vĩnh Long cho xây một tượng đài tưởng niệm và tấm bia có ghi dòng chữ: “Tiền Triều Đại Thần Phan Thanh Giản” để tưởng nhớ công ơn của Ngài Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản, người đã tuẫn tiết theo thành Vĩnh Long khi thành bị quân Pháp tiến chiếm hồi năm 1867. Tượng đài có hình tháp tứ diện, đáy to đỉnh nhỏ, kiến trúc theo lối những kim tự thấy cổ bên Ai Cập, bốn mặt đều quay ra lộ. Từ xa các hướng người ta đều có thể nhìn thấy được tượng đài. Quanh tượng đài được bao bọc bởi vòng rào thấp với những cây cột bằng xi măng được đúc theo hình khẩu súng thần công loại cổ xưa. Trên đỉnh tháp có đặt một bức tượng bán thân bằng đồng của cụ Phan Thanh Giản, đầu đội mũ nạm bạch hổ, râu dài, mặc áo triều phục, với vẻ mặt có vẻ hài lòng với cảnh sinh hoạt nhộn nhịp của đàn hậu bối. Đến năm 1968, sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, tượng đài bị hư hại nặng, nhưng chỉ vài tháng sau đó đã được sửa chữa lại toàn bộ. Tuy nhiên, bức tượng đồng của cụ Phan đã được đưa vào thờ

trong Văn Thánh Miếu. Đứng ngay tượng đài nhìn về phía đại lộ Lê Thái Tổ, phía bên phải là nhà thờ Chánh Toà, mới được dựng lên để thay thế cho khu nhà thờ đang bị nước xoáy lở ở khu trường Nguyễn Trường Tộ. Tại khu ngã ba Cần thơ trước năm 1975 có phòng làm răng của ông Nguyễn Văn Tư, nhà máy xay lúa Khánh Phong, trạm xăng và căn biệt thự của nhà thầu khoán Huỳnh Phát. Từ ngã ba Cần Thơ, nếu đi về hướng Sa Đéc khoảng 1 cây số là căn cứ Hải Quân, nằm bên bờ sông Cổ Chiên, đi xa thêm một chút nữa là tới phi trường Vĩnh Long, được xây dựng ngay trên khu Đàn Tam Nông thời quan Phan còn làm Kinh Lược Sứ thành Vĩnh Long. Nếu đi thêm khoảng 7 hay 8 cây số nữa là tới Bắc Mỹ Thuận, nay là cầu Mỹ Thuận.

Tưởng cũng nên nhắc lại, sau khi chiếm thành Vĩnh Long, người Pháp cho san bằng thành trì và cho lập chợ ngay tại khu gần vàm sông Long Hồ, và ra lệnh ngăn cấm không cho dân chúng nhóm chợ Long Hồ cũ như ngày trước nữa. Tất cả những gì họ làm chỉ vì họ muốn xoá bỏ hết mọi dấu vết còn lại của triều đình. Theo lời ông ngoại (Trần Văn Tiếng) kể lại thì khi người Pháp mới lập chợ Vĩnh Long mới, người dân vẫn lén lút họp chợ bên kia sông, tức chợ Trường Xuân. Về sau nầy họ bị truy đuổi gắt gao quá nên họ đành họp chợ tại khu mới. Đến khoảng năm 1950, chính phủ cho xây dựng 2 khu: khu thứ nhất là khu nhà lồng chợ hiện nay, và khu thứ nhì là khu chợ cá. Đến năm 1955, lúc tôi mới bắt đầu bước chân vào ngưỡng cửa học đường thì bờ sông Cổ Chiên, khoảng trước của Toà Tỉnh Trưởng đã bắt đầu bị sạt lở nặng nề. Khoảng năm 1956, có lần ông ngoại tôi ra chơi ở khu Bồn Nước Vĩnh Long, tôi thấy họ đem đến hàng trăm chiếc xà lan cát và nhấn chìm toàn bộ ngay phía trước bờ sông gần trường Nguyễn Trường Tộ. Gần đó là khu Bến Đò Ngang, đưa khách từ tỉnh lỵ qua cù lao và ngược lại. Đi gần về phía chợ là Cầu Tàu Vĩnh Long, nghe ông ngoại nói lúc đầu cầu tàu được làm bằng cây, rồi thay bằng cầu sắt, nhưng sau đó cầu sắt bị nước xoáy cuốn đi. Vào khoảng năm 1905, người Pháp làm lại cây cầu tàu cũng bằng sắt, đồng thời cũng vào năm này người Pháp cũng làm một cái nhà thủy tạ phía sau lưng Bungalow. Không biết là cầu tàu

được xây lại bằng xi măng vào năm nào, nhưng đến khoảng năm 1956 hay 1957, một lần nữa người ta tái thiết cây cầu bằng xi măng cốt sát. Từ cầu tàu đi tới chợ Vĩnh Long là Công Quán (Bungalow), nơi mà ngày trước người ta bán cà phê hay các món ăn cho các viên chức hay sĩ quan người Pháp.

Qua khỏi khu vực bờ sông Cổ Chiên là đại lộ Gia Long, chạy dọc theo bờ sông Long Hồ, nhưng đi trên đường người ta không thấy sông vì đã bị khuất sau dãy phố. Hai bên đường là hai dãy phố lầu, buôn bán đủ thứ và lúc nào cũng tấp nập người mua kẻ bán, chứ không nhất thiết phải vào lúc nhóm chợ buổi sáng. Từ phía bờ sông Cổ Chiên đi về hướng Cầu Lầu trên đại lộ Gia Long, phía bên trái là một dãy các tiệm buôn bán hột gà hột vịt, phía bên phải là những tiệm bán đồ rạp hoá rất lớn. Chợ Vĩnh Long ngày ấy không lớn, nhưng đối với một cậu bé như tôi, như vậy cũng là lớn lắm rồi. Khu chợ bao gồm nhà lồng chợ, chợ cá, bến đò… Trong nhà lồng được phân ra thành từng khu riêng biệt từ khu bán vải vóc, quần áo may sẵn, đến khu bán thực phẩm khô, thực phẩm tươi như thịt heo, thịt bò, và rau, củ quả… qua khỏi khu chợ là tới những tiệm buôn nằm ngay góc đường Phân Thanh Giản và Gia Long là các tiệm Hiệp Thạnh, Lợi Hoà, Thiên Hưng, Hiệp Phát, Lý Sanh Mậu (Cô Ba Trà), phía bên kia đường là nhà thuốc Tây của dược sĩ Hà Hồng Lạc, người có một bà vợ người Pháp. Trước nhà thuốc Tây Hà Hồng Lạc, người ta để những cái tủ kiếng với những tấm bảng nhỏ sửa đồng hồ, kiếng mát, dây nịt, và sửa bút máy… Dãy phố từ nhà thuốc Hà Hồng Lạc đến đầu phố ngó qua trường Tống Phước Hiệp là tiệm phở Bắc Hồng Mai. Trên dãy phố nầy có rất nhiều tiệm rất nổi tiếng một thời như tiệm bánh in Thiên Thành, lúc nhỏ tuần nào tôi cũng được ông ngoại dắt ra đây mua bánh in. Chắc người Vĩnh Long không ai lại không biết hay không từng nghe nói về tiệm cà phê hủ tiếu Đồng Hính, trong tiệm có bán đủ loại mì, hủ tiếu, hoành thánh, lúc nào tiệm cũng đầy khách. Kế đó là một vài tiệm mà tôi vẫn còn nhớ tên như tiệm bán tạp hoá Vĩnh Sanh, tiệm trà Vưu Kim Huê, tiệm bán đủ thứ đồ vật dụng bằng điện Xuân Phát Lợi, Phúc Hưng… Phô tô Hà Nội, tiệm Công Bình, Bi Vinh Mậu, tiệm uốn tóc Nam Hiệp của cô Hai giám thị trường

Tống Phước Hiệp. Còn phía bên kia đường cũng có rất nhiều tiệm khá nổi tiếng, nhưng tôi chỉ nhớ một vài tiệm như tiệm vàng Võ Văn Hưng, tiệm thuốc Bắc Tế Đức Đường, tiệm vải Vĩnh An, nhà thuốc Tây Nguyễn Viết Cảnh (khoảng năm 1985 tại Orange County, Mỹ, tôi có gặp một người con của ông dược sĩ Nguyễn Viết Ngươn, kêu ông Nguyễn viết Cảnh bằng bác, chúng tôi có nhắc lại chuyện những khu phố cũ của Vĩnh Long). Kế đó là tiệm vàng Lê Văn Sung, và nổi tiếng nhất là tiệm bán máy móc nông cụ của bác Huệ Hoà. Năm 1968, chính phủ cho xây dựng thêm khu Thương Xá, mà bây giờ người ta kêu là khu bách hoá tổng hợp. Cùng năm 1968, chính phủ lại cho xây thêm nhà lồng chợ bán rau, củ, quả.

IV

Trường Tống Phước Hiệp (Internat Primaire) 1949.

Những con đường song song với đường Phan Thanh Giản về phía Tây Bắc thì có đường Nhà Đèn, nay là đường Hoàng Thái Hiếu, về phía Đông Nam thì có đường Trương Vĩnh Ký, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai. Đường Trương Vĩnh Ký bắt đầu từ Viện Phước Thiện chạy ngang qua đường Trưng Nữ Vương, xuống Đất Thánh Tây, rồi cắt ngang đường Hưng Đạo Vương, Hùng Vương, Lý Thường Kiệt và chấm dứt tại đại lộ Tống Phước Hiệp (Salisetti, tên của viên chủ tỉnh người Pháp đầu tiên bị kháng chiến quân giết chết tại Cầu Vông, Vũng Liêm). Đối diện với Đất Thánh Tây là căn biệt thự rất rộng rãi của Bà Giáo Nam. Ngày đó tôi rất sợ phải đi ngang qua khu đất nầy, dầu là ngay giữa ban ngày ban mặt, vì đối với tôi, hình như ám khí nơi nầy quá nặng. Giữa hai đường Hùng Vương và Hưng Đạo Vương là dãy phố của bà Thông Vịnh, đây là những dãy phố đã được xây dựng từ rất lâu lắm rồi. Sau nầy, gần dãy phố nầy, người ta xây trường Kiều Anh, trường trung tiểu học của người Hoa.

Ngôi nhà ngay góc đường Trương Vĩnh Ký và Lý Thường Kiệt là nơi tôi đã sống với ông bà ngoại từ năm 1949 đến năm 1959. Đối diện nhà tôi là căn biệt thự của Bà Phán Biển, rồi đến nhà của Bà Ba, người thầy dạy tiếng Pháp đầu đời của tôi. Nghe nói bà dạy học bên Pháp và trở về nước vào khoảng năm 1950. Từ cầu tàu Vĩnh Long tới góc đường Pasteur cạnh trường Tống Phước Hiệp là đại lộ Gia Long. Trường Tống Phước Hiệp ban đầu người Pháp gọi là trường Sơ Cấp (Internat Primaire), đến năm 1954 thì đổi tên là Nguyễn Thông, năm 1961 lại đổi thành Tống Phước Hiệp. Nghe nói sau năm 1975 lại phải thêm mấy lần đổi tên nữa, bây giờ nó có tên là Lưu Văn Liệt. Từ góc đường Pasteur đến Cầu Lầu, đại lộ Gia Long trở thành đại lộ Tống Phước Hiệp. Trên hai đại lộ nầy, hai bên là hai dãy phố lầu, bên dưới người ta dùng để buôn bán, bên trên để ở. Về phía bờ sông Long Hồ, ngang cổng trường Tống Phước Hiệp là sở Trường Tiền (Công Chánh) do người Pháp xây dựng, về sau nầy được đổi thành Ty Công Chánh, cơ sở nầy có một diện tích khá lớn, có rào chung quanh. Ngay phía ngoài vòng rào ty Công Chánh về hướng Cầu Lầu, có một cây da cổ thụ, nghe nói cây da nầy rất lâu đời, có lẽ nó có trước khi người Pháp đến Vĩnh Long, dưới gốc đa có một cái miễu nhỏ, lúc nào cũng khói hương nghi ngút. Nghe ông ngoại tôi kể lại, từ những năm từ 1920 đến 1930, người Pháp muốn đốn cây da nhiều lần mà không đốn được, vì lần nào người đứng ra chỉ huy đốn cũng đều ngã bệnh và tử vong sau đó. Mãi đến năm 1960, cây da vẫn còn đó. Tiếp theo ty Công Chánh là biệt thự của ông Lê Ngọc Chấn, cựu đại sứ Việt Nam tại Pháp thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Kế đó là nhà bảo sanh của Cô Mụ Bảy, quán cơm Chiêu Ký, lò bánh mì Phước Thành, tiệm thuốc Bắc Quít Tiền Hương, tiệm giày Tân Tiến… rồi tới khu biệt thự có rào rất cao của Ông Bường, có lẽ đây là ngôi biệt thự lớn nhất mà tôi từng biết tại tỉnh Vĩnh Long. Dầu biệt thự ông Bường cách nhà tôi không xa, nhưng cho mãi tới bây giờ tôi cũng không biết ông Bường là ai và làm việc gì. Kế đến là nhà in Phú Toàn, ông ngoại kể lại ông Phú Toàn là một trong những nhà thơ rất tâm huyết với thành xưa tích cũ của Vĩnh Long. Qua khỏi khu nầy là khu Nhà Hội Long Châu (nguyên khu nhà hội Long Châu nhỏ hơn biệt thự Ông Bường nhiều), rồi đến dãy phố làng, có lẽ là được cất lên cho các viên chức làm việc cho làng ở. 

Trường Tống Phước Hiệp 1969.

Trên đại lộ Tống Phước Hiệp cùng bên với trường Tống Phước Hiệp, qua đường Pasteur là ty Thông Tin Vĩnh Long, nhà may Nguyễn Phước, tiệm chụp hình Ánh Xuân, tiệm tạp hoá Nghĩa Xương, tiệm bán đồ máy móc và phụ tùng Đức Đồng Lợi, tiệm bán xe đạp Hồng Hưng, tiệm cà phê Đại Á, tiệm điện Long Hưng (đây là nhà của hai người bạn tôi thời niên thiếu: Nguyễn Bá Lộc và Nguyễn Bá Phúc), tới nhà may Nhựt Tân, kế bên đình Long Châu, nơi thờ quan Lưu Thủ đầu tiên của Dinh Long Hồ là Tống Quốc Công Tống Phước Hiệp, người Vĩnh Long thường gọi là Miễu Quốc Công. Kế bên Miễu Quốc Công là chùa Bà Thiên Hậu của người Hoa và trường trung tiểu học tư thục Vĩnh Liên của người Hoa. Dãy phố từ trường Vĩnh Liên tới Cầu Lầu có khá nhiều tiệm, nhưng tôi chỉ còn nhớ tiệm bán xe đạp Tòng Đô, lò bánh mì Kim Sơn, tiệm hủ tiếu Lâm Ký, và tiệm thuốc Bắc Trường Xuân Đường ở cuối phố. Bên phía đối diện với dãy phố nầy tôi chỉ còn nhớ có một quán bán sâm bổ lượng ở gần Nhà Hội Long Châu, tiệm cầm đồ Huỳnh Văn, và tiệm bán các loại đậu khô và đồ ăn khô Vĩnh Ích, vì ngày trước má thường sai tôi ra đây mua đồ cho má.

Tại ngã tư Đồng Khánh và Tống Phước Hiệp, nếu đi thẳng chúng ta sẽ qua Cầu Lầu đi vô Văn thánh Miếu, cách Cầu Lầu khoảng 1,5 cây số. Nếu rẽ trái chúng ta sẽ qua cầu Thiềng Đức. Thời đó, cầu Thiềng Đức là cây cầu sắt bắt ván ngang, khoảng cách rất thưa, mà mỗi lần phải qua đây tôi đều phải bò chứ chưa bao giờ dám đi. Chắc chắn cây cầu Thiềng Đức nầy được người Pháp xây dựng sau khi họ chiếm Vĩnh Long, vì theo nhiều tài liệu cũ thì ngày trước, mỗi lần dân chúng bên xã Bình Thiềng muốn qua thành Vĩnh Long đều phải ra bến đò gần Miễu Ông để đi đò ngang mà qua. Từ cầu Thiềng Đức đổ dốc xuống chúng ta sẽ thấy bên phải là chùa Sơn Thắng, trương trung học Long Đức, còn bên tay trái thì có Miếu Công Thần và bến phà Đình Khao, mà ngày trước đám trẻ chúng tôi thường gọi là Bắc Cổ Chiên. Bây giờ mới biết Bắc Cổ Chiên là Bắc Thạnh Phú từ Bến Tre qua Trà Vĩnh (bây giờ người ta đã xây cầu Cổ Chiên). Nếu qua được dốc cầu Thiềng Đức mà rẽ phải là đường Trương Tấn Bửu, ngay góc phải là nhà của thầy Phan Thanh Thảo dạy trường trung học tư thục Long Hồ, đến xóm Bánh Phồng Khoai (bây giờ hổng biết người ta có còn làm bánh ở xóm nầy nữa hay không?), rồi đến nhà Bác Sĩ Khương Hữu Long. Đi xa hơn nữa là trường tiểu học Thiềng Đức. Từ đây vô tới đình Long Thanh, chúng ta thấy đa số là những ngôi nhà ngói xưa, xưa dữ lắm, có thể là từ trước khi người Pháp tới Đây hồi năm 1867, vì tôi có ghé lại vài nơi thì được biết ngay cả con cháu trong các ngôi nhà nầy cũng không biết là nhà đã được xây dựng từ thời nào mà không sử dụng xi măng, chỉ dùng chất dính kết bằng ô dước. Gần tới vàm Cầu Kè là nhà của chủ xe đò Nhan Nhựt, vô tới Long Thanh, sẽ thấy khu nhà cổ của gia tộc Mai Hữu Xuân và Mai Phùng Võ, hội trưởng hội Phụ Huynh Học Sinh Tống Phước Hiệp… Từ cầu Thiềng Đức nếu rẽ trái là đường Lê Minh Thiệp, đi một đoạn là tới nhà ông Thanh Tra Tiểu Học Phan văn Diệp, ông là một trong những giáo chức lâu năm của tỉnh Vĩnh Long, kế đến là Chùa Ông và Thất Phủ Miếu, rồi mới tới bến đò. Theo lời ông ngoại tôi là ông Trần Văn Tiếng kể lại thì ông Lê Minh Thiệp là một nhà giáo đàn anh của cả ông ngoại và ông chú Ba. Ông Lê Minh Thiệp sinh năm 1866 tại Vĩnh Long, một nhà giáo rất nổi tiếng. Năm 1912, ông giữ chức Giám Đốc Giáo Dục Vĩnh Long. Ông ngoại nói ông Thiệp là thầy của các bậc thầy. Ông có công rất lớn trong ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long. Chính vì lẽ đó mà sau năm 1954, chính quyền VNCH đã lấy tên ông để đặt tên cho con đường nầy.

Từ trên đại lộ Tống Phước Hiệp qua Cầu Lầu, nối dài là đường Văn Thánh. Cách Cầu Lầu khoảng 300 mét về phía tay phải là Cây Xăng Quân Đội, nơi nầy đã xảy ra một vụ cháy rất lớn hội năm 1963. Đối diện với cây xăng quân đội dưới mé sông là cơ sở sửa chữa tàu bè Sáu Tăng, kế đó là nhà Ông Quận Báu. Kế bên và cùng phía với cây xăng là chùa Giác Thiên, một trong những ngôi chùa lâu đời nhất trong tỉnh Vĩnh Long. Kế bên chùa Giác Thiên là nhà thầu xe rác Mỹ Hiệp Nguyên (ông Ba Phát), tiệm mộc Hiệp Thạnh, tiệm bánh mì pa tê của ông Tám Bé… tới cây xăng Shell, miễu Bà (sau này người là lấy chỗ nầy làm cơ sở đúc đồ nhôm). Mé dưới sông đối diện với cây xăng Shell là thành Quân Nhu… rồi tới trại cưa Phát Lợi, ty Canh Nông Vĩnh Long. Về sau nầy khi dẹp Ty canh nông thì người ta cất chùa Pháp Hải trong phần đất của ty Canh Nông ngày trước. Tới Xóm Kho Dầu Cũ trong đó có nhà thờ họ của gia đình ông cụ Hương. Sát bên nhà cụ Hương là Kho Dầu Shell mà người dân ở đây gọi là Kho Dầu Cũ. Nhà tôi cũng ở trong xóm nầy.

Văn Thánh Miếu

Cách Cầu Lầu khoảng 1 cây số là Văn Thánh Miếu, đi khoảng gần một cây số nữa là tới của Long Hồ. Cua Long Hồ là một cái của quẹo rất gắt, gần 90 độ, từ cua Long Hồ đi khoảng vài trăm mét nữa là tới ngã ba Ông Me, quẹo trái hướng cầu Ông Me đi Trà Vinh, quẹo phải đi ngã ba Chiều Tím và Cầu Vồng. Lúc còn nhỏ, người viết bài nầy, vào khoảng năm 1954, có lần được đi vô Cầu Ông Me với ông chú Ba là ông Trần Văn Hương để thăm một người bà con. Đoạn đường từ Cầu Lầu đến bót Thầy Thặng (khoảng chợ Cua bây giờ) thì thẳng băng, nhưng vừa qua khỏi bót Thầy Thặng một khoảng chừng 200 mét thì tự nhiên con đường rẽ phải một góc gần như 90 độ, người viết lúc đó chừng 7 tuổi nhưng cũng thấy hơi là lạ nên hỏi Ông Ba: “Ông Ba ơi sao mà người ta không chịu làm đường thẳng dễ đi hơn, mà có quẹo thì cũng hơi hơi thôi, chứ sao mà cái quẹo nầy gắt quá vậy Ông Ba?” Ông Ba cho biết: “Con biết hôn, theo lời ông Cố kể lại thì trước khi người Pháp chiếm Vĩnh Long thì từ ngoài Cầu Lầu có một con đường nhỏ chạy thẳng vô tới đình Long Hồ, rồi có cây cầu ván bắt qua vàm rạch Ông Me để đi về hướng Ngã Tư An Đức, nhưng khi chính quyền thực dân Pháp bắt đầu mở rộng con đường nầy cho xe hơi có thể chạy được nên phải trưng dụng rất nhiều đất đai bên phải con đường, vì bên trái đã là bờ sông Long Hồ rồi, mà đa số đất đai ở đây là của gia đình ông bá hộ Nọn, một bá hộ giàu khét tiếng ở Vĩnh Long hồi đầu thế kỷ thứ XX. Theo đồ án ban đầu là phóng thẳng con đường từ Cầu Lầu vô tới Ngã Tư An Đức để làm trục lộ liên tỉnh Vĩnh Long-Trà Vĩnh, nhưng đã bị ông bá hộ Nọn khiếu nại với quan Toàn Quyền Đông Dương và chính phủ Pháp vì nó chiếm quá nhiều đất đai của ông. Đơn khiếu nại của ông được quan Toàn Quyền Đông Dương và chính phủ Pháp chuẩn thuận, nên khi con đường vừa qua khỏi khu bót Thầy Thặng, nơi bắt đầu ranh đất của bá hộ Nọn thì phải đột ngột quẹo phải một góc độ gần như 90 độ để tránh phần đất của bá hộ Nọn.” Sau khi thăm người bà con xong, trên đường trở về nhà, ông Ba ghé lại thăm bà Năm Châu, một người bạn học của ông Ba, nhà nằm sát bên bót Thầy Thặng. Lúc ghé lại nhà bà Năm Châu, người viết bài nầy dầu lúc đó còn nhỏ nhưng nghĩ cái bót phải có rào kín và phải có nhiều lính lắm chứ. Nhưng khi ông Ba nói tới bót Thầy Thặng rồi, tôi nhìn quanh quẩn mà hổng thấy cái bót nào hết, chỉ thấy một căn nhà lầu cao cất theo kiểu Pháp. Tôi bèn hỏi ông Ba: “Cái nầy là cái nhà lầu chứ đâu phải là cái bót?” Ông Ba mỉm cười nói: “Con không biết đó thôi, cái nầy đúng là cái nhà, cái biệt thự, nhưng năm 1946 khi người Pháp tái chiếm Vĩnh Long, tại những trọng điểm phòng thủ, họ trưng dụng những căn nhà lầu của dân chúng để làm đồn bót phòng thủ. Đây chính là căn biệt thự của Thầy giáo Thặng, ông là con trai của một trong những đại điền chủ ở Vĩnh Long, nhà ông sở hữu hàng ngàn mẫu ruộng chạy dài từ ấp Long An của xã Long Hồ qua rạch Ông Me, vô tới Phước Ngươn, Phước Hậu… Thầy Thặng chỉ đi dạy học cho vui vậy thôi chứ tiền của của ông biết để đâu cho hết.”

Qua khỏi cua Long Hồ chừng vài trăm mét gần bên trường tiểu học Long Hồ là nhà của ông Đốc Đoàn Văn Sang. Trước khi lên cầu Ông Me, bên tay phải có một con đường chạy dọc theo bờ sông vô tới Phước Hậu. Đây là con đường vào nhà của ông Nguyễn Văn Lộc, cựu Thủ Tướng thời VNCH. Qua dốc cầu Ông Me quẹo phải có con đường chạy vô ấp Phước Ngươn, vừa quẹo vô khoảng 200 thước là nhà của ông Phạm Hùng, cố thủ tướng chế độ mới tại Việt Nam.

V

Hình mô phỏng Cầu Lầu
dưới thời quan Phan, nghĩa là trước năm 1867.
Rạch Cầu Lầu trước năm 1975.

Nói tóm lại, trong tuổi thơ tôi, ngày đó Vĩnh Long chỉ có ba ngã chính. 

NGÃ THỨ NHẤT: đường Salicetti (đường Gia Long) từ cầu tàu vô Cầu Lầu nối dài với đường Văn Thánh vô tận cầu Ông Me. Trên khoảng đường nầy có những di tích thời xa xưa như Cầu Lầu, chùa Giác Thiên, và Văn Thánh Miếu. Cầu Lầu là tên của một cây cầu được Bắc qua con rạch cũng mang tên rạch Cầu Lầu, một chiến hào của thành Long Hồ và Vĩnh Long xưa, chiếc cầu nầy được xây dựng bằng gỗ cách này cũng vài trăm năm, có lẽ từ thời còn dinh Long Hồ cho dân chúng đi lại từ lỵ sở dinh Long Hồ đến các vùng phụ cận phía Đông Nam. Đến năm 1813, khi vua Gia Long ra lệnh cho quan Lưu Thủ Vĩnh thanh Trấn là Lưu Phước Tường xây lại thành Vĩnh Thanh thì Cầu Lầu được xây dựng lại với qui mô lớn hơn trước rất nhiều. Lúc đó, cột cầu được làm bằng những loại gỗ quí như căm xe hay cà chắt, ván lót trên cầu cũng được làm bằng những loại gỗ nầy với bề dầy rất dầy; khoảng giữa cầu có một vọng gác được dựng trên 4 cây cột cao khoảng 6 hay 7 mét, trên nóc vọng gác được lợp bằng ngói âm dương, vọng gác nầy luôn luôn có lính Nam triều thay phiên nhau canh giữ với nhiệm vụ quan sát và theo dõi dòng người qua lại trên cầu và những đoàn ghe thuyền ra vô vùng lỵ sở. Sau khi quân Pháp đánh chiếm Vĩnh Long lần thứ hai vào năm 1867, họ đã cho san bằng thành Vĩnh Long, kể cả Cầu Lầu, và họ cho xây lại một cây cầu sắt. Qua khỏi Cầu Lầu khoảng vài trăm mét người ta thấy có chùa Giác Thiên nằm bên phải nằm trên đường Văn Thánh (nay là đường Trần Phú). Đây là một trong những ngôi chùa quan trọng của tỉnh Vĩnh Long, được xây dựng vào năm 1907. Bên trong ngôi chùa có một tấm bia nói về 34 vị cao Tăng từ Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam. Tính đến ngày nay, sau hơn 100 năm kể từ ngày xây dựng, chùa Giác Thiên đã được trùng tu nhiều lần. Hiện nay, đường vô chùa có cổng Tam quan, bên trong có đài Bát Nhã. Mỗi khi có lễ hội, dân chúng tề tựu về đây tham dự rất đông. Đi trên con đường nầy sẽ thấy Văn Thánh Miếu bên tay phải, rồi đến của Long Hồ. Ngày nay người ta xây một cây cầu ngay của gọi là cầu Chợ Cua đi qua phía Long Thanh và Long Mỹ. Quẹo phải ở cua Long Hồ đi khoảng vài trăm mét nữa là tới Ngã Ba Long Hồ. 

Ngày nay người ta xây bệnh viện Đa Khoa Vĩnh Long bên tay phải. Từ Ngã Ba Long Hồ đi khoảng 200 mét nữa là tời Cầu Ông Me Lớn, nếu đi thẳng là về hướng Ngã Tư Long Hồ, Măng Thít, Long Hiệp, Ngã Ba Long Hiệp đi Tam Bình, Cầu Mới, Cầu Vĩ (qua khỏi Cầu Vĩ, có một cái Ngã Ba quẹo phải đi Hựu Thành và Trà Ôn), Vũng Liêm, Càng Long và Trà Vinh. Còn như qua cầu Ông Me Lớn mà quẹo phải rồi đi dọc theo bờ sông là vô xã Phước Hậu. Tại xã Phước Hậu hãy còn một ngôi nhà thờ họ Biện rất cổ kính. Tôi có một người bạn học rất thân từ tiểu học lên tới trung học là anh Biện Công Danh, là một người học trò rất giỏi và khi ra đời cũng là một người rất thành đạt, rất xứng đáng là con cháu với truyền thống giỏi giang của dòng họ Biện. 

Cầu Lộ 1955.

NGÃ THỨ HAI: Đường từ cầu tàu chạy dọc theo bờ sông Cổ Chiên, lên cầu Cái Cá, qua xóm Bún, vòng qua đình Tân Giai (Vị trí ngôi đình cũ), qua đường Lê Thái Tổ, qua Cầu Lộ, xuống đường Thoại Ngọc Hầu và Viện Phước Thiện, đến đường Nguyễn Thái Học, khu Đất Thánh An Nam cũ, rồi qua khu cầu Công Xi Heo, rồi vòng xuống Cầu Lầu bằng con đường Đồng Khánh (Thất Kiều). 

NGÃ THỨ BA: Từ đường Lê Thái Tổ đi về phía mà bây giờ người ta gọi là ngã ba Cần Thơ, rẽ trái lên cầu Tân Hữu, rồi đến khu Cầu Vồng, tới ngã ba Chiều Tím, đi thẳng phía trước mặt là một con đường đổ đá xanh mà sau nầy người ta cho trải thêm đá và tráng nhựa con đường nầy đến khúc ngã ba Long Hồ, người ta gọi nó là đường cầu Vồng. Con đường nầy giúp làm giảm bớt lượng xe cộ trong thị xã, vì lúc đó xe các tuyến đường liên tỉnh Trà Vinh Sài Gòn, Trà Vinh Cần Thơ phải đi bằng con đường nầy chứ không đi ngang qua thị xã Vĩnh Long nữa. Tại ngã ba chiều Tím nếu rẽ phải là đi thẳng về hướng Cầu Công Xi Heo, từ đó người ta cũng có thể đi vào thị xã Vĩnh Long.

Đối với tôi, Vĩnh Long dầu có đẹp hay không đẹp, dầu bước chân tôi đã từng dẫm lên rất nhiều danh lam thắng cảnh của thế giới, từ Grand Canyon ở Arizona, Yosemite ở miền Bắc California, Yellow Stone Park, những danh thắng ở Úc Châu, Jakarta ở Indonesia, Manila ở Philippines, núi Phú Sĩ ở Nhật, Đài Bắc, Hồng Kông, Bắc Kinh, Washington D.C., Paris, London, Mexico City, Ottawa, New Delhi, Kathmandu… nhưng có lẽ chưa có nơi nào gây được cho tôi cảm xúc rộn ràng khó tả như Vĩnh Long, vì Vĩnh Long là quê hương đã gắn bó với tôi từ những sông rạch quen thuộc, đến những con đường nắng bụi mưa lầy. Dù Vĩnh Long không đẹp như những nơi tôi vừa kể, nhưng với tôi không có nơi nào đẹp hơn Vĩnh Long, và không có nơi nào khác có thể thay thế được Vĩnh Long trong tim tôi. Có lẽ trong tâm tư tình cảm tôi, dầu tôi đang nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa, hay tiếng Mễ Tây Cơ… thì trong chỗ sâu thẳm nhất của một con người, tôi vẫn luôn, và sẽ mãi mãi là một đứa con trai nhà quê của xứ Giảng, được sinh ra và lớn lên bên những thôn xóm đơn sơ mộc mạc, bên những cánh đồng quyện mùi bùn pha lẫn mùi lúa chín mới gặt. Dầu bây giờ tôi sống xa quê vạn dặm, nhưng quãng đời thơ ấu nơi đất Vĩnh mãi mãi đậm nét trong tôi. Với tôi, dầu trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, người dân Vĩnh Long luôn hiền hoà, chơn chất, vẫn đơn sơ bình dị và luôn cần cù làm lũ như bao đời cha anh của họ. Bây giờ đã nghìn trùng xa cách quê hương, nhưng làm sao tôi quên được tiếng gà gáy lúc rạng đông, tiếng mẹ ru con giữa trưa hè oi ả, tiếng gió đưa cành trúc xạc xào, tiếng chim gọi đàn lúc bóng chiều tàn. Làm sao tôi quên được những con đê bờ ruộng thân yêu với những buổi trưa hè cùng các bạn đi câu cá rô. làm sao tôi quên những chiều trên đường ruộng quê hương, những mái tranh nghèo dọc theo hai bờ lộ, những cánh cò lãng đãng đó đây trên bầu trời, hương đồng cỏ nội thoang thoảng một mùi lúa chín quyện lẫn với mùi phân trâu hăng hắc tạo ra một mùi thật là quê hương mà có lẽ tôi sẽ không tìm được ở bất cứ đâu. Làm sao tôi quên được những đêm nơi miền thôn dã Vĩnh Long thật huyền diệu với ánh trăng sáng mượt tỏa khắp như dòng sữa quê hương đang chảy đều khắp không trung, như hứa hẹn mang lại một ngày mai tươi đẹp. Có những đêm vắng lặng với đó đây tiếng côn trùng tình tự bên con đê bờ ruộng, thỉnh thoảng một làn gió nhẹ làm xạc xào bờ cây khóm trúc và đưa nhẹ hương cam hương bưởi thoang thoảng đó đây. 

Vĩnh Long của tôi như vậy đó, từ những con đường, từ những góc phố, đến những con đê bờ ruộng… không bao giờ có thể xoá nhoà được trong tâm khảm tôi vì suốt tuổi thơ tôi đã gắn liền với chúng. Làm sao tôi có thể quên được quê hương dầu nghèo nàn, nhưng chính nơi đó đã cho tôi sức phấn đấu vươn lên nhìn ra khắp năm châu bốn bể. Trong cơn đại dịch khiếp đảm kinh hoàng nầy, tôi lúc nào cũng cầu nguyện cho quê hương Vĩnh Long tôi được yên bình, cầu nguyện cho đất nước tôi và thế giới sớm vượt qua cơn đại dịch khủng khiếp có một không hai trong lịch sử nầy. Mong được như vậy lắm thay!!!

Người Long Hồ


1 nhận xét:

  1. Anh Ngọc Em ơi, con đường Hủ Lô, nhà thầy Thành dạy Nhạc trên con đường này nằm bên hông trường Tống Phước Hiệp. Năm 1969 em đi học thì có tên là đường Pasteur đó anh. Cám ơn anh bài viết làm em nhớ nhà quá. Em Kim Oanh

    Trả lờiXóa