Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2020

Y Học Thường Thức: Táo Bón (Bác Sĩ Hoàng Cầm)



Y HỌC THƯỜNG THỨC 
Táo Bón Bác Sĩ Hoàng Cầm

Nguyên nhân 

Ta bị chứng táo bón khi đi cầu khó khăn, phân cứng, phải cố rặn và việc đi cầu không xảy ra hàng ngày, thường ít hơn ba lần trong một tuần. Nhiều yếu tố gây chứng táo bón: 
-Uống ít nước, thức ăn hàng ngày it rau và trái cây. -Ăn một số trái cây xanh có chất chát như ổi, chuối xanh, trái hồng.
-Uống rượu, bia, cà phê.
-Ít vận động thân thể.
-Không tập thói quen đi cầu mỗi ngày.
-Do phản ứng phụ của một số thuốc như thuốc chữa bệnh cao máu, thuốc tâm thần, thuốc giảm đau chứa ma túy...
-Mắc bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường, bệnh nhược giáp trạng...
-Có thai. -Cao tuổi. -Khi bị cảm cúm... 

Hậu quả Táo bón kinh niên có thể đưa tới các hậu quả như
-Bệnh trĩ
-Nứt hậu môn
-Nghẽn ruột
-Bệnh túi phình ruột già Phòng ngừa
-Giữ giờ ăn các bữa ăn trong ngày đều đặn.
-Ăn nhiều rau và trái cây tươi. Một số rau (như rau đay, rau mồng tơi), trái đu đủ giúp cho đại tiện dễ dàng hơn.
-Uống nước nhiều lần mỗi ngày, tổng cộng khoảng 2 lít.
-Năng vận động thân thể, tối thiểu mỗi tuần lễ 3 lần
 -Không nên trì hoãn khi cảm thấy cần đi cầu.
-Tập thói quen đi cầu hàng ngày vào giờ thuận tiện. 

Trị liệu 

1.Tự dùng thuốc. 

Thuốc chữa bón, được gọi chung là nhuận trường, không cần toa, giúp ta có thể dùng khi cần. Tính cách chung là giữ nước và tăng nước trong ruột già khiến phân mềm, trơn. Tùy theo tính chất, nhuận trường được chia thành bốn nhóm 

a)Thuốc chứa chất xơ: 
Bao gồm các thuốc uống có hiệu lực giữ nước, tăng lượng phân, làm căng ruột già, kích thích ruột co bóp, tăng cường sự di chuyển:

-Cám.
-Hạt cây psyllium, thuốc bột, thương hiệu Metamucil, Reguloid.
-Chất methylcellulose, thuốc bột, thương hiệu Citrucel.
-Chất polycarbophil, thuốc viên, thương hiệu FiberCon, Fiber Lax. 

b)Thuốc khiến phân mềm: 
Thuốc có hiệu lực nhào phân với nước và chất nhớt của ruột già, làm cho phân mềm, trơn:

-Chất docusate sodium, thuốc viên để uống, thương hiệu Colace.
-Chất glycerin, thuốc nhét hậu môn.
-Dầu khoáng, thuốc nước để uống. 

c)Thuốc áp dụng sức thẩm thấu: 
Ngoài việc giữ nước, các thuốc này còn hút thêm nước trong máu vào ruột già do sức thẩm thấu:

-Chất sorbitol, thuốc nước có loại để uống có loại bơm hậu môn, thương hiệu cũng là Sorbitol.
-Chất lactulose, thuốc nước để uống hoặc bơm hậu môn, thương hiệu Enulose.
-Chất polyethylene glycol, thuốc bột để uống, thương hiệu MiraLax.
-Chất Ma-nhê, thuốc uống dạng viên hoặc nước.
-Chất sodium phosphate, thuốc nước để uống. 

d)Thuốc kích thích co thắt ruột già: 
Có hiệu lực trực tiếp kích thích ruột già co thắt, giúp phân di chuyển nhanh:

-Chất linaclotide, thuốc viên để uống, thương hiệu Linzess.
-Chất bisacodyl, thuốc viên để uống, thương hiệu Dulcolax.
-Chất lubiprostone, thuốc viên để uống, thương hiệu Amitiza. 

Thuốc bơm hậu môn: 
Cách sử dụng: bơm thuốc nước qua đường hậu môn tới trực tràng, nhắc nhở bệnh nhân ráng nhịn đi cầu ít phút sau khi bơm thuốc. Sau đó, phân sổ ra dễ dàng. 

Các chất lỏng bơm hậu môn thường dùng:

-Dầu khoáng hoặc dầu ô-liu.
-Nước lã. 
Nước xà bông.
-Chất sodium phosphate, thương hiệu Fleet Enema. 

Các nhóm thuốc a và b trên đây dùng cho trường hợp táo bón nhẹ, có thể dùng hàng ngày. Nhóm c và d có thể dùng dài hạn nhưng nên dùng cách nhật hoặc dùng 2, 3 lần một tuần. 

Thuốc bơm hậu môn dùng cho bệnh nhân thỉnh thoảng mới bị táo bón nhưng phân rất cứng và đi cầu hết sức khó khăn. 

2.Cần gặp Bác sĩ. 

Khi táo bón kèm theo ói, mửa, đau bụng hay bón kéo dài nhiều tuần và trong người có các bệnh khác như bệnh tim mạch, thận, bệnh đường tiêu hóa,… 

Tóm lược 

Táo bón thường do uống ít nước, ăn ít rau, trái cây, thiếu vận động, và do phản ứng phụ của một số thuốc chữa bệnh. Khi tự dùng thuốc trị táo bón, nên theo chỉ dẫn về cách dùng. Nếu ngoài bón còn dùng các thuốc khác, nên có ý kiến của bác sĩ để tránh việc dùng thuốc kỵ nhau. 

Phần đọc thêm 

Việc tiêu hóa 

Tác dụng tiêu hóa tại dạ dày: thức ăn được nghiền nhuyễn trộn với dịch tiêu hóa rồi chuyển xuống ruột non. Trên đường di chuyển trong ruột non, các chất bổ dưỡng dược hấp thụ dần dần vào trong máu. Chất bã còn lại, gọi là phân, ở trạng thái nhão, được đẩy xuống ruột già. Trên đường di chuyển trong ruột già, nước trong phân tiếp tục được hấp thụ vào máu, phân đặc dần thành chất mềm, dẻo khi tới phần cuối ruột già. Phân thải ra ngoài mỗi khi ta đi cầu, thông thường mỗi ngày một lần. Trong thời gian phân tích tụ ở phần cuối ruột già, nước trong phân vẫn được hấp thụ vào trong máu, nên phân càng ở lâu trong ruột già càng khô, cứng khiến việc đi cầu khó khăn. 

Túi phình ruột già và viêm túi phình ruột già. 

Thành ruột già mỏng hơn ruột non. Phân tích tụ ở phần cuối ruột già. Trong trường hợp táo bón thường xuyên, khối phân lớn và việc lấy hơi rặn khi đi cầu làm căng ruột già, có thể tạo ra những túi nhỏ tại thành ruột già, nhô ra ngoài như ngón tay của bao tay, gọi là túi phình. Thông thường các túi phình hiện diện ở phần cuối ruột già, phía bên trái bụng, không gây triệu chứng.Chỉ có triệu chứng đau, sốt khi túi phình bị viêm, lý do là cổ túi phình bị nghẽn rồi vi trùng thường có trong túi này gây viêm. 
Trong trường hợp bón kinh niên mà bị sốt và đau bụng phía bên trái, cần gặp bác sĩ ngay để định bệnh và trị liệu kịp thời, trước khi túi phình ruột già bị bể là một biến chứng rất nguy hiểm. 

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Bệnh túi phình ruột già Diverticulosis 
Viêm túi phình ruột già Diverticulitis 
Dạ dày (bao tử) Stomach 
Táo bón Constipation 
Đi cầu Bowel movement 
Dầu khoáng Mineral oil 
Nhược giáp trạng Hypothyroidism 
Hậu môn Anus 
Thuốc nhuận trường Laxative 
Bệnh tiểu đường Diabetes mellitus 
Ruột già Colon (large intestine) 
Ruột non Small intestine

Bác Sĩ Hoàng Cầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét