Thứ Tư, 4 tháng 11, 2020

Hạnh Phúc Nhỏ Nhoi Nơi Góc Này


Hạnh phúc như đôi chim uyên, tung bay ngập trời nắng ấm.
Hạnh phúc như sương ban mai, long lanh đậu cành lá thắm.
(Nguyễn Ánh 9) 

Nguyễn Ánh 9, tác giả bài “Buồn Ơi Chào Mi” đã ghép hai chữ “hạnh phúc” vào “đôi chim uyên”, vào “sương ban mai”. Với tôi, hạnh phúc là bất chợt thấy một mảnh cầu vồng trên nền trời sau một đêm bão bùng dông tố, hay gặp lại người thân sau cả năm xa cách, hoặc thấy đứa con lần đầu, sau chín tháng cưu mang … Nếu ví từng khoảnh khắc hạnh phúc là một hột ngọc của chuỗi đeo cổ thì ngày hôm nay, tôi có thêm vài viên đá quý. 

Bên Hawaii này có một giống kiến lửa bé bằng đầu kim. Ai bị chúng cắn thì sẽ cảm thấy buốt thấu trời xanh. Vì vậy, sáng nay, khi trông thấy vài con đang bò thám thính trong nhà, tôi liền lên tiếng báo động. Những cái bẫy lập tức được tạo ra từ những miếng giấy bạc, gấp thành những nắp hộp vuông nhỏ, vừa đủ chỗ cho vài chục viên “thuốc” như hột cát. Chàng của tôi đặt những chiếc bẫy này tại những nơi đang có các vị khách-tự-động-thăm-mà-không-có-lời-mời. Chỉ trong vòng một tiếng, những viên AMDRO mời mọc lũ kiến, khiến chúng tranh nhau bò vào và tha về tổ. Hiệu quả là khi chất độc lọt vào trong tổ, họ hàng nhà kiến bảo nhau ăn, rồi cùng rủ nhau mà ra đi, chẳng còn bao giờ thấy bình minh của ngày mới. Nếu không có kính để nhìn cho rõ thì cả hai đứa đã phải khổ sở vì bị kiến lửa chích rồi, khi vô tình dẵm đôi chân trần lên trên chúng. 

Vài giờ sau đó, hạnh phúc thứ hai bất ngờ xuất hiện, khi tôi đi khám răng định kỳ. Vì COVID-19, tôi không muốn ngồi đợi trong phòng mạch nên bước ra ngoài. Khi đang đứng ngắm mây trên đỉnh núi Mauna Kea ở xa xa, tôi thấy một cánh chim đáp nhẹ lên giàn mướp đắng, trên hàng rào ngăn chia phòng mạch nha sĩ và căn nhà kế bên. Một chú chim hồng y tìm thấy một quả mướp đắng đã chín rộ lung lay trong gió. Quả mướp màu cam đã nở bung ba múi cong vểnh như chiếc dù của một nàng tiểu thơ bị thổi ngược trong ngày lộng gió, để lộ ra những hột đều đặn đỏ thẫm như những viên hồng ngọc. Màu đỏ của hột mướp tiệp với màu đỏ của lông chim, xen lẫn với màu cam của quả mướp đã chín muồi, nổi bật trong đám lá xanh, coi đẹp mắt làm sao! 

Thú vị nhất là tôi được quan sát sinh hoạt của giống chim tôi ưa thích từ lâu. Như bị ma lực của những hột mướp đỏ mọng thu hút, con chim nhìn chăm vào những hột mướp. Lúc này, với chim, trên đời chẳng có gì đáng kể nữa. Không biết có người đang theo dõi mình, nó đủng đỉnh tiến gần quả mướp, ngoạm hột mướp đầu tiên, rồi ngửa mặt nuốt trửng. Con chim thân đỏ, đeo mặt nạ Zorro tối ngày sáng đêm, nhẩn nha nuốt trửng hết hột này tới hột khác. Lâu lâu nó quẹt qua quẹt lại cái mỏ xuống nền xi-măng như người bán thịt mài dao cho bén, trước khi lạng một miếng thịt quay có khúc da dòn rụm bỏ vào gói giấy, đưa cho khách. Lạ thật. Con chim, dù bộ óc bé tí bằng … óc chim, cũng biết mài mỏ cho sắc để giúp cho việc ăn uống đỡ vất vả. Chim tiếp tục nuốt trửng hết hột này tới hột khác. Tôi quan tâm. Phải cần bao lâu bao tử của chim mới tiêu hóa xong những hột này, khi nó chẳng hề dùng mỏ để nghiền vụn như vài giống chim khác. Sau một hồi, có thể đã nuốt chán chê cả chục hột mướp đắng, vèo một cái, nó bay lên vòm cây trên cao. Chim tung cánh dễ dàng, chẳng khác gì như lúc mới đáp xuống vài phút trước đó. Từ trường hay cái bao tử nặng đầy hột mướp đắng không hề cản trở việc bay nhẩy của chim. Tôi mỉm cười nhìn theo, thầm cám ơn chim đã giúp vui cho mình vài phút. 


Tối đến, khi với tay lấy cặp kính để đọc kinh, hai quyển sách cùng với cái đèn ngủ đã không nghiêng nghiêng, ngả ngả như người say nữa. 

Từ khi dọn vào căn nhà nhỏ này (chỉ cách căn nhà chánh một khoảng sân xi-măng hẹp, để treo giây phơi quần áo và kê bộ máy giặt, máy sấy), chúng tôi chưa mua sắm đồ đạc, vì con đang sửa căn nhà bên kia, và tạm dùng vài món chủ cũ để lại, dù không món nào hợp với món nào. Một cái tủ gỗ chín ngăn đã bạc màu thời gian năm tháng, một cái bàn ngủ cũng cũ xưa không kém, một cái đàn dương cầm vừa cổ lỗ xĩ, vừa nặng như cùm với phím đàn đã chết khô từ lúc nào, và sau cùng là một cái tủ trưng bày chén đĩa mà chỉ có khúc trên, thiếu khúc dưới. Thắc mắc về sự thiếu vắng của phần dưới vẫn chưa còn là bí ẩn, chưa có câu trả lời. 

Vì gia tài vỏn vọn có nhiêu đó, tôi cương quyết nhường cho chồng cái bàn ngủ và tạm thời dùng hai hộp giấy cạc-tông đựng bàn chải đánh răng chạy điện và cái máy xay sinh tố để chế thành một “bàn ngủ” cho mình (sau khi hai đứa ghé nhiều tiệm bán đồ cũ, và tiệm bán bàn ghế để tìm một cái bàn có kích thước vừa với khoảng trống kế bên giường). Để làm đẹp cho bàn, tôi phủ lên một cái khăn vải nhuộm nhiều màu. Trên bàn, tôi để cuốn Kinh Thánh dịch bởi linh mục Nguyễn thế Thuấn tôi mua được từ thế kỷ trước và cuốn nhật ký. Một cái đèn đọc sách nằm khép nép kế bên. Tối đến, khi cầm nhật ký hay Kinh Thánh lên để viết vài dòng hay để đọc vài phút, tôi phải cẩn thật vô cùng, vì sách và đèn chỉ chực tạm biệt bàn, vì bàn quá chênh vênh. 

Bàn ngủ dã chiến của tôi đó. Từ Tháng Ba năm ngoái cho tới sáng hôm qua thì nó chấm dứt nhiệm vụ. Vì khi mở một thùng nhựa đựng các thứ lặt vặt ở dưới gầm giường, để lấy một tập ngân phiếu mới, tôi nhìn cái bàn của mình và than thở về sự bất ổn của nó. Nghe vậy, chàng hỏi tôi có muốn dùng cái bàn ngủ của chàng. Tôi lắc đầu. Chàng hỏi thêm là tôi có thường xuyên mở cái thùng nhựa. Tôi nói hiếm khi lắm. Thế là chàng bèn đặt cái thùng đó phía dưới, sát sàn nhà, rồi để một hộp giấy lên trên. Tôi cũng có nghĩ đến việc dùng thùng này cho cái bàn được vững hơn, nhưng ngại phải bê sách, bê đèn xuống đất mỗi khi cần lấy gì trong thùng nên đã dùng hai hộp giấy cả hơn năm nay. Bây giờ, khi cầm Kinh Thánh và nhật ký lên để đọc hay để viết, tôi không phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa nữa”. 

Đây chỉ là ba điều tôi ghi xuống để dành. Như nàng mỹ nhân ngư tên Se-hwa, vai chánh của bộ phim Legend of the Blue Sea để dành những giọt lệ đã biến thành những viên ngọc trai để cho người yêu bán lấy tiền, tôi để dành ba hạnh phúc khám phá hôm nay, không phải để đem bán lấy tiền, mà chỉ để tự nhắc nhở lòng Chúa thương tôi. Tôi cảm nghiệm rằng hạnh phúc Người đổ xuống cho tôi sẽ không ngừng hôm nay. Nhìn quanh, tôi đã thấy rồi: chàng của tôi ngồi kế bên đang chăm chú đọc tin tức trong ngày. Ngước mắt nhìn lên, tôi thấy có mái nhà che nắng che mưa. Mở tủ lạnh, tôi có thức ăn. Tôi thấy được những dòng chữ này tôi đang gõ là nhớ có đôi mắt, dù phải nhờ tới cặp kính lão. Tôi vẫn còn nghe được tiếng hai con chim nhòng đang cãi nhau ỏm tỏi trên mái nhà kế bên là nhờ đôi tai, dù đã lãng nhiều. Rồi gì nữa? Tôi có cái mũi, dù không còn thính lắm cả mấy tuần nay, vẫn còn ngửi được mùi thoang thoảng của hoa nhài, mãi tít trong sân nhà ai. Tôi có cái điện thoại để liên lạc với người thân và bạn hữu đang cách tôi hàng ngàn dặm. 

Hôm nay, hạnh phúc của bạn là những gì? 

Khổng thị Thanh-Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét