Y HỌC THƯỜNG THỨC
Tiêu Chảy - Bác Sĩ Hoàng Cầm
Đại cương
Thức ăn, đồ uống hàng ngày khi xuống tới ruột non là một hỗn hợp rất lỏng, gồm thức ăn đã được dạ dày nghiền nát, trộn lẫn với một lượng lớn dịch tiêu hóa, có thể ví như cháo loãng, một phần cái 7 phần nước.
Trong khi di chuyển qua ruột non, phần lớn nước được hấp thụ vào máu cùng với các chất bổ dưỡng. Tới cuối ruột già, nước chỉ còn rất ít, giữ cho phân mềm, dễ thải ra ngoài khi đi cầu. Bình thường thì người ta đi cầu mỗi ngày một lần.
Dấu hiệu và triệu chứng
Tiêu chảy là khi đi cầu nhiều lần, phân ít nước nhiều, có thể kèm theo máu, chất nhầy như nước mũi, do màng ruột tiết ra. Bụng quặn đau, thúc dục đi cầu gấp. Nóng sốt, nếu ruột bị nhiễm trùng. Tiêu chảy thường tự chấm dứt sau 2-3 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài nhiều ngày, làm cơ thể mất nhiều nước và muối khoáng, ảnh hưởng tới tim mạch, nhất là đối với trẻ em và người già.
Nguyên nhân
Tiêu chảy được phân chia ra cấp tính và mạn tính. Tiêu chẩy cấp tính thường do nhiễm trùng đường ruột. Tiêu chảy mạn tính, kéo dài quá bốn tuần lễ, thường là dấu hiệu của một bệnh viêm ruột mạn tính. Tiêu chảy cấp tính Siêu vi trùng, vi trùng, ký sinh trùng cùng với chất độc do vi trùng tiết ra làm hư hại màng ruột, kích thích ruột co thắt mạnh, thúc dục các chất trong ruột di chuyển nhanh là các nguyên nhân chính gây tiêu chảy cấp tính.
Ngoài ra, một số thực phẩm và thuốc cũng có khi gây tiêu chảy.
*Siêu vi trùng: Rotavirus là siêu vi trùng gây bệnh tiêu chảy trẻ em, kèm theo ói, mửa. Trẻ em bị thiếu nước rất nhanh, cần gặp bác sĩ để được điều trị đúng cách. Trẻ em có tật mút ngón tay, dễ đưa siêu vi trùng vào đường tiêu hóa. Có thuốc chích ngừa chống loại siêu vi trùng này.
*Vi trùng theo thức ăn, đồ uống vào ruột, gây tiêu chảy thường kèm thêm sốt Có một loại vi trùng gây nhiễm trùng đường ruột rất nguy hiểm tên là Vibrio Cholera, trong quá khứ đã gây ra bệnh dịch tả, giết nhiều người.
Cần chích ngừa hàng năm tại những vùng có dịch địa phương. Hiện nay còn có thuốc uống phòng ngừa bệnh dịch tả (thương hiệu Dukoral) có hiệu lực miễn nhiễm là 2 năm. Những loại vi trùng thường có trong phân là: E. Coli, Salmonella, Shigella, Campylobacter. Các vi trùng này xâm nhập đường tiêu hóa khi ta ăn rau, trái cây, thức ăn sống, hoặc đồ ăn nấu chín bị nhiễm khuẩn, nhất là khi du lịch, hay ra khỏi nhà phải ăn tiệm.
*Ký sinh trùng A-mip gây ra bệnh kiết lỵ. Triệu chứng gồm: bụng quặn đau, đi cầu nhiều lần, phân ít, có đờm và máu. A-míp có thể xâm nhập gan, gây bọc mủ trong gan: gan lớn, đau bên phải vùng bụng trên.
*Thực phẩm: Một số thực phẩm gây tiêu chảy vì không thích hợp với một số người như: sữa, đường lactose trong sữa, đường hóa học. Khi ngừng dùng những thứ trên, tiêu chảy sẽ chấm dứt.
*Thuốc: Thuốc nhuận trường, chữa bón; một số thuốc khác có thể gây tiêu chảy, nhất là sau khi dùng thuốc trụ sinh nhiều ngày. Tiêu chảy mạn tính Thường do một bệnh mạn tính của đường ruột, cần tới bác sĩ để tìm ra bệnh và trị liệu.
Ngoài việc thử phân, thử máu, tìm vi trùng, ký sinh trùng, còn có thể nội soi cơ quan tiêu hóa nếu cần. Tự trị liệu tại nhà Uống nước liên tiếp nhiều lần, mỗi lần chút ít. Ăn cháo hoặc thức ăn nhẹ. Khi tiêu chảy bớt, từ từ trở lại ăn bình thường. Trong trường hợp bị ói, ngưng ăn khoảng 1-2 tiếng đồng hồ, rồi ăn lại từng ít một. Tránh uống rượu, cà phê, nước trái cây. Kiêng cữ sữa, thuộc chất của sữa, thức ăn có nhiều chất béo, nhiều gia vị. Dùng thuốc chữa tiêu chảy không cần toa, trong 1-2 ngày như Imodium, Pepto-bismol, theo liều lượng ghi trên hộp thuốc. Chú ý tới triệu chứng và dấu hiệu cơ thể thiếu nước như: miệng khô, khát nước, tiểu ít, nước tiểu vàng đậm, chóng mặt. Nếu tình trạng này kéo dài, cần nhập viện. Khi nào cần gặp bác sĩ? Ói mửa quá 2 ngày. Ói ra máu; phân có máu, có nhiều chất nhầy.
Tiêu nhiều lần trong ngày và tiếp tục quá 5 ngày, bụng quặn đau trước mỗi lần đi cầu. Miệng khô mặc dầu đã uống nhiều nước. Sốt quá 38 độ C. Trẻ em thường bị thiếu nước rất nhanh, qua các dấu hiệu: không đi tiểu quá 3 giờ, khóc không có nước mắt, lưỡi khô, mắt hõm sâu, bụng xẹp. Bác sĩ có thể cho thuốc trụ sinh, trong trường hợp nhiễm trùng và nhập viện nếu cần.
Phòng ngừa
Phần lớn tiêu chảy là do siêu vi trùng, vi trùng và ký sinh trùng làm nhiễm độc thức ăn, thức uống, nên thức ăn chín cần che đậy cẩn thận. Rửa tay kỹ trước khi sửa soạn thức ăn để nấu và trước khi ăn.
Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh
Tiêu chảy Diarrhea A-mip Entamoeba histolytica
Túi mủ Abscess Thuốc trụ sinh Antibiotics
Bệnh kiết lỵ Dysentery
Ký sinh trùng Parasites
Bác Sĩ Hoàng Cầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét