Hermit crab hay là loài ốc mượn hồn. Nghe tên đã thấy kỳ kỳ, sờ sợ. Sinh vật có thể sống dưới nước lẫn trên cạn, nước mặn lẫn nước ngọt và chỉ ăn rong rêu, rau cỏ. Hơn nữa loài ốc mượn hồn vừa đẹp lại vừa dễ nuôi. Những con ốc mượn hồn đẹp thật, lớp vỏ ốc bên ngoài từ nhiều loại ốc biển khác nhau, màu sắc đa dạng và thêm phần cua sống bên trong cũng nhiều sắc loại: tím, hồng, trắng, xanh.. . Tất cả rất lạ mắt và đẹp. Gia đình đứa con trai đem tặng tôi một chậu kiếng nhỏ với bốn con ốc mượn hồn thay vì dùng nuôi cá. Thành phố vừa mở cửa trở lại, cả gia đình chúng phóng xe ra biển ngay vào dịp lễ cuối tuần: Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong (Memorial Day – ngày 25 tháng 5) vừa qua. Căn nhà mướn nằm ở nơi có cửa sông cuộn mình về với biển. Nơi giao tiếp giữa cát và bùn, giữa mặn và ngọt, giữa sự hiền hòa của mặt sông và sóng gió vỗ bờ của biển cả. Nơi có rất nhiều loài ốc mượn hồn sinh sống. Bắt và chọn bốn con có màu sắc khác nhau, đứa con trai đem về tặng ba mẹ làm “quà” chuyến đi biển. Thức ăn cho chúng cũng dễ, chỉ cần mấy miếng xà-lách, vài miếng chuối hay củ cải là xong. Bà xã bàn phong thủy, “Em mạng mộc, anh mạng thủy, nuôi mấy con ốc mượn hồn này để có thêm chút thổ cũng tốt”, nên trộn thêm một phần đất và cát ẩm trong bồn, để thỉnh thoảng chúng bò vào cho đỡ nhớ bãi xa.
***
Chợt tỉnh giấc, tôi nhìn chiếc đồng hồ trên bàn hiện 4:45AM. Trăn trở, chắc là không ngủ lại được, tôi nhẹ bước xuống phòng ăn. Bồn nuôi mấy con ốc mượn, ban đêm có đèn màu xanh nhạt thật đẹp. Dưới ánh đèn, những con ốc mượn hồn di chuyển chậm chạp, khó khăn trong chiếc vỏ quá lớn của mình. Chiếc vỏ không thuộc về nó, mà phải một đời cưu mang, một đời sống lệ thuộc vào. Những con ốc mượn hồn chỉ là một con cua có phần cơ thể mỏng manh, dễ bị tổn thương đành phải tìm kiếm, mượn tạm lớp vỏ ốc cứng rắn bên ngoài để sinh tồn. Thật ra, nó chỉ mượn lớp vỏ, sao lại gọi “mượn hồn”? Hay đó là chiếc vỏ còn lại của một con ốc đã chết? Một chiếc vỏ ốc chết nhưng “hồn” vẫn còn, vẫn “nhập” vào thân xác của con cua? Một con ốc-cua “mượn hồn” nhau để sống?
Chợt đâu, tôi nhìn thấy một con ốc mượn hồn, nằm lặng yên, dương cao đôi mắt cua nhìn quanh ngơ ngác, trầm buồn. Nhưng cũng có con tưởng mình là ốc thật, đi nghênh ngang khoe cái vỏ cứng và cả đôi càng. Tôi thấy mình gần gũi với con ốc mượn hồn ngơ ngác buồn và thương hại con nghênh ngang khoe cả hai càng. Nhưng lạ thay, cả hai chừng như đều nhận ra rằng chúng đang ở trong chiếc bồn lót sỏi, có chút phần cát bùn ẩm thấp, giả tạo. Chúng đang nhớ một bãi đất lầy với những con sóng nhỏ lăn tăn? Hay chúng nhớ một bãi cát biển với mênh mông trùng khơi gió lộng? Và có thể chúng nhớ cả hai, một bãi biển cát bùn với vi vu gió mùa nước lợ? Tôi thấy tiếng thở dài của con ốc mượn hồn qua những bong bóng bọt bám chung quanh, phía dưới đôi mắt thẫn thờ. Tôi như chợt thấy chính mình, qua bóng hình con ốc nhỏ. Con ốc mượn hồn nhỏ nhoi kia có thể là tôi? Chừng như tôi sống thật với mình quá ít? Tôi luôn phải khoắc lớp vỏ “mượn hồn” bên ngoài, bước đi từng bước chậm chạp, khó khăn gần suốt chặng đường qua?
Những năm tháng tuổi trẻ, tưởng chừng “đẹp” nhất đời người, tôi cũng phải sống trong lớp vỏ ốc cứng rắn chỉ để được bình yên. Nhưng đôi lúc chúng ta không được quyền lựa chọn chiếc vỏ ốc bên ngoài cho chính mình. Đã có mấy lượt khách bộ hành tôi đưa qua bên kia sông, để các em chia nhau trên vạn nẽo đường đời. Đó là những năm tháng ngắn ngủi ghi lại biết bao kỷ niệm, không thể quên của một đời người. Ngôi trường nhỏ và người thầy giáo cũng không lớn. Con ốc mượn hồn tôi, như cố nhích từng bước chậm chạp đưa các em qua nhánh sông con, chứa cả tấm lòng của biển rộng. Để đôi khi, cái vỏ ốc bảo vệ tôi, lại vô tình làm tổn thương những tâm hồn ngây thơ, lãng mạn của người khách bộ hành. Vết xước đầu đời rồi cũng làm da non, mang theo bao nhiêu ước vọng mai này có thật. Nước mắt của tuổi học trò sẽ làm cho mắt long lanh, sẽ làm đẹp hành trang cho tình yêu những bước đường đời trước mặt. Các em cũng đi qua và tôi cũng không ở lại, như người thầy tiếp tục bao chuyến đò nữa sang sông.
Hơn 40 năm “trôi dạt” xứ người, tôi vẫn chưa ra khỏi vỏ ốc, vẫn là con ốc mượn hồn lần mò, bước từng bước để sống. Đất nước tự do, dân chủ, thiên đường của bao nhiệu con người mơ ước để tới, để sống. Sao tôi vẫn chưa ra khỏi lớp vỏ ốc, vẫn như loài ốc mượn hồn trong lớp vỏ của hôm nay. Lớp vỏ của ngôn ngữ, lớp vỏ của tập quán, lớp vỏ của ý thức xã hôi, lớp vỏ của sắc tộc màu da... Hay tôi cũng chỉ là con ốc mượn hồn, sống từ lâu nay trong bao nhiêu lớp vỏ ốc bên ngoài đã phải cưu mang? Với lớp vỏ nặng nề, con ốc mượn hồn phải nhích một chân bên phải, rồi một chân bên trái cho mỗi bước đi. Như một bước chân hiện tại, luôn kèm theo một bước của quá khứ. Cứ vậy mà đi, mà hết một đời hệ lụy, vô thường. Chừng thể cái vỏ cứng chắc bên ngoài không thể sống, di chuyển nếu không có phần hồn bên trong. Cái “hồn” của quá khứ, của dĩ vãng… cái “hồn quê” đầm thắm, sâu thẳm bên trong. Con ốc mượn hồn đã sống một đời ngoài thân xác của chính nó. Nhiều lần nó muốn trở về với thế giới “xác”, thế giới con ốc và nó đã trở về. Nhưng những con ốc biển đang nhởn nhơ trên bãi cát mênh mông khi nhìn thấy nó, thì chúng vội vã bò đi, trách xa. Con ốc mượn hồn không còn được chấp nhận hòa đồng vào thế giới của loài ốc nữa. Gió và những con sóng của lòng biển mặn không còn là một chốn “đi về” . Hay cả buổi trưa mùa nước cạn, những con còng đang chạy rong chơi trên mặt bùn non của dòng sông nhỏ. Vài vạt nắng che nghiêng bóng của đàn cua đùa giỡn yên bình ở giữa nhánh sông con. Chợt đâu có con vật lạ như cua nhưng không phải cua, chậm chạp tiến về phía chúng. Con ốc mượn hồn, lần nữa đang cố tìm về cái “nguồn” của nó, thế giới của loài cua như thể. Một số cua, còng hốt hoảng chạy vội lánh xuống những hang nhỏ dọc ven sông. Một số cua khác, vươn đôi càng lớn, tấn công con “vật lạ” mang hình dáng đồng loại. Bất ngờ, con ốc mượn hồn vội vã thu thân hình cua của nó vào sâu bên trong vỏ ốc! Bãi bùn non của những nhánh sông con và thế giới của loài cua cũng không chấp nhận, xa lạ với nó. Con ốc mượn hồn chợt nghẹn lòng, bật khóc âm thầm trong cái vỏ ốc sặc sỡ màu, cứng rắn. Bên ngoài trời đang mưa giăng giăng, tắm mát bãi cạn của khúc sông xưa: con ốc mượn hồn vẫn chưa bò qua dĩ vãng!
Tôi cúi nhìn thật lâu những con ốc mượn hồn bò chậm chạp, buồn bã trong chiếc bồn nhỏ. Chúng thật tội nghiệp, thật đáng thương. Tôi không biết ngoài kia, một khúc sông cạn hay một bãi cát mênh mông có đón chúng trở về? Nhưng chắc chắn, chiếc bồn an toàn, giả tạo này không phải là quê hương của chúng. Cái bồn an toàn đang giam cầm chúng trong một khung sâu đầy màu sắc, thức ăn. Chúng phải sống, phải sinh tồn với thế giới thật sự bên ngoài dù đầy cạm bẫy, chông gai. Con ốc sẽ mãi một đời mượn “hồn quê” để sống. Để dù ở đâu trong bầu trời xanh thật sự, không phải là ánh đèn màu giả tạo, có được tự do và hạnh phúc của chính mình. Một ngày con ốc mượn hồn sẽ chết, như hành trình của kiếp đời, trên bãi cát sóng vỗ chập chùng hay bãi cạn một bến sông. Dù nơi đâu “hồn quê” của nó cũng sẽ ở lại, cho một kiếp đời nối tiếp.
-“Không thể vì một thú vui, ‘niềm tin phong thủy’, mà chúng ta giam giữ những sinh vật cho nhu cầu riêng mình. Hãy để chúng trở về với thế giới sống thật, về với bầu trời xanh có thật bên ngoài. Đó mới chính là niềm tin, là thuận theo luật định tự nhiên của cuộc sống mọi sinh vật”, tôi nói và bà xã gật đầu, đồng ý.
Bãi cạn của cửa biển, nơi dòng sông mở rộng lòng hòa vào biển rộng. Nơi sông nối biển và biển liền sông một thể. Bà xã và tôi thả những con ốc mượn hồn trở về với đất quê, về với đất trời tự do của chúng. Thả những con ốc mượn hồn như thả chính tôi. Để tôi ơi, hãy ra khỏi chiếc vỏ ốc hôm qua, để sống thật với chính mình, sống thật với chính cuộc đời một lần có thể. Tôi đang đứng trước biển, nhìn những con ốc mượn hồn về với cuộc đời thật của nó… Tiến về phía trước biển, chừng như con ốc mượn hồn mang theo bãi bùn mùa nước cạn của khúc sông xa. Và từng bước dọc theo bãi cạn, con ốc mượn hồn như mang theo cả một đại dương trong lòng con ốc nhỏ. Hãy sống thật tự do, thật tự tại và hãy đi thật xa, hãy mang cả khúc sông quê vào lòng những biển khơi gió bão, hởi những con ốc mượn hồn!
Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét